NƯỚC TÔI DÂN TÔI 2004-2005

M. Weber, trong cuốn The religon of China (1904)
Chính quyền lợi vật chất và tinh thần chứ không phải tư tưởng đã trực tiếp quyết định sự ứng xử của con người.
Nhưng những quan niệm về một thế giới do người do tư tưởng hình thành, lại đóng vai trò mũi tên chỉ đường, theo đó, sự năng động của quyền lợi hướng dẫn hoạt động của con người

Nước tôi dân tôi
Tôi chọn cái tên này là từ gợi ý tên một cuốn sách của Lâm Ngữ Đường
Ngô quốc dữ ngô dân

2004 -05
Một người nước ngoài nghiên cứu về Hà Nội nói rằng Hà Nội các anh không cổ như các anh tưởng đâu. Nhiều ngôi nhà ở Hà Nội gọi là cổ, xem kỹ thấy niên đại là được làm còn sau ngôi nhà cổ của TP HCM.
Tôi nghĩ đến cái tật của nước mình, chẳng có ý niệm chính xác gì về thời gian và cái gì cũng vớ vẩn, dở dang. Tinh thần nói chung là cổ lỗ, nhưng lại hay tân trang, hay làm ra vẻ mới. Cái mới và cái cũ sống bên cạnh nhau. Người ta có thể yên tâm rằng mình đang cũ đây trong khi mình vẫn cũ mèm.


Tôi nói với Phương Quỳnh là nên tìm những tài liệu người nước ngoài nói về VN. Q. bảo Đặng Tiến gửi về một đoạn. Đưa cho Vũ Đình Bình đọc. Bình kể :
--Tây nó nhận xét rằng người Việt theo đủ các đạo mà cũng chẳng theo đạo nào cả. Chỉ có một đạo mà họ trung thành là cái vẻ ngoài. Họ chỉ sợ cái vẻ ngoài.

Mạng talawas 4-12-2003 có bài của một người Mỹ gốc Trung Hoa và đẻ ở VN, nhận xét rằng Trần Đình Hượu viết rất chung chung rất ẩm ương và cái chính là vẫn chưa đạt tới một sự soi rọi khách quan về VN. Chẳng những thế, nhiều câu nói rất hàm hồ, và chỉ chứng tỏ tác giả chưa thoát khỏi cách nghĩ chung của những nhà khoa học giả cầy HN. Ví dụ, ông H. viết rất nghiêm túc rằng văn hoá VN từ thời Lý Trần đã thuộc loại cao hơn văn hoá các nước Đông Nam A. Norman Wang hỏi lại làm sao mà nói thế được trong khi Campuchia có Angco thì VN có gì. Một v/đ lớn khác là H. rất lúng túng trong khi đưa ra ý kiến về mức độ Hán hoá của người Việt.
Chất lượng nghiên cứu của Hượu, theo Wang, vẫn có tính chất bản địa mà không đạt tới một trình độ quốc tế.
Trước đó, một người Đức đã nhận xét rằng người Việt thường hay lý tưởng hoá những nhược điểm của mình và khó chịu khi bắt gặp những ý kiến khác mình.

Ấy thế mà vừa nghe người Đức gọi tắt là PR này nói đám người Việt đã nhảy cẫng lên : sao lại láo với dân tộc tôi vậy


Nhưng giá kể đọc lại, thấy bao người trước đã có thái độ như vậy. Chẳng hạn, Vũ Ngọc Phan trong một bài viết về tạp chí Euro có dẫn lại một câu của Durant “ Thời thuộc địa, đã thấy sự phát triển của báo chí, những áng văn bình luận phiên âm và dịch thuật ra quốc ngữ và tất cả các nhà văn đều tìm một cách tân trong sự bắt chước hay tìm ngẫu hứng trong văn học phương tây. Nhận định hợp lý và điềm đạm như vậy mà bị VNP dẫn ra một đoạn lăng nhăng để bẻ lại (VNP Tác phẩm, t.I, tr148 )


Một vài năm nay câu chuyện về xã hôị Iraq gợi cho tôi nhìn ra cái thực chất kỳ lạ của tình trạng hiện thời của xã hội VN. Tôi buột miệng: có những lúc cả một dân tộc biến thành cặn bã.
Nhưng ông Bình hàng xóm tôi nói thêm : có cái khác là ở Iraq, người ta tham nhũng công khai; còn ở mình tham nhũng lại giả dối nên khó chữa.


Chợt nghĩ về các ông Trạng : chẳng làm nên sự tích gì đặc biệt. Chỉ giỏi trong đối xử với nghĩa là cho người đối thoại của mình mất mặt. Trong các ông Trạng đã thấy xuất hiện một thói quen của người Việt là dùng bất cứ phương tiện nào để đánh thắng kẻ địch.
Nói bóng nói gió, nói cạnh nói khóe, nói chơi, nói dóc, nói gần nói xa, nói hớt nói hươu nói vượn, nói khéo, nói khoác,

Trong các từ điển tiếng Việt, cùng với ăn, thì nói là một trong những mục từ có số lượng từ ghép lớn nhất. Chúng ta không khỏi tự hào : trong quá trình sống, ông cha ta rất chú trọng tới sự lên tiếng của con người và thường mang lại cho những sự phát ngôn ấy những sắc thái tinh tế.
Tuy nhiên cũng phải nói ngay là hình như ở đây cách nói đã được chú ý nhiều chứ không phải chính nội dung của lời nói. Hơn thế nữa, trong số những từ ghép bắt đầu từ một chữ nói, lại có một bộ phận đặc biệt, chúng diễn tả một sự nói lệch lạc, méo mó, những cách nói không chuẩn, mà chúng tôi mới tạm chép ra như trên.


Câu đối trong nhà Nguyễn Khuyến :

Người nước nam, hỏi tiếng Tây chẳng biết tiếng tây, hỏi tiếng tàu chẳng biết tiếng tau, cho nên phải “ minh tiên vương chi đạo nhi đạo “
Nhà hướng bắc, người chửa rét thì mình đã rét, người chửa bức thì mình đã bức mới gọi là tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu


6-2-04
Hôm nay, đọc báo và đến cơ quan, nghe mọi người kể về ngày hội thơ hôm qua :
-- Ngày hội diễn ra tẻ nhạt. Không có không khí yêu thơ như người ta mong đợi. Một ít phát biểu buồn tẻ.
-- Ban tổ chức định buộc những câu thơ hay vào bóng thả lên trời, nhưng lại tiếc tiền, không thả
-- Người đi không mua thơ, chỉ xin các nhà thư pháp cho phúc lộc thọ
-- TP HCM không tổ chức ngày hội vì không được uỷ quyền.

Lại nhớ năm ngoái, người ta kể rằng các nhà thơ tranh nhau diễn đàn,giật cả micro của nhau để nói

Còn như những hội Lim thì sao ? Báo Nông thôn có cả mục kể chuyện người đi hội mất tiền, mất ví

Về mặt văn hoá mà xét, có cảm tưởng người mình không biết tổ chức hội, và chắc chắn là nếu có chỉ là những ngày hội ở làng

[Tháng mười 2004 ], một tờ báo nào đó viết rằng chủ trương tạo ra những khu phố đi bộ thì hay lắm, người nước ngoài đến họ cũng thích, nhưng được mấy hôm thì họ kêu rằng hai bên đường cống rãnh bốc lên mùi kinh quá ( toàn là cống nổi ), mà hàng hoá thì chẳng có gì, toàn hàng Tàu nhập lậu mà lại bán giá cao.



21-2-04
Vào những ngày thuộc loại mùa hội này, tôi thích tìm hiểu về đời sống tinh thần niềm tin của người Việt, và đã trích cho NTNN đoạn NVVĩnh viết về chùa Hương.

Sự quan tâm đến kẻ khác
Một người Nhật ở VN ( viết cuốn Những ngõ phố HN ) sau khi kể người VN hay sai hẹn, viết rằng người Việt thật đã không biết đặt mình vào địa vị người khác.
Tôi đọc cuốn sách của Nguyễn Hưng Quốc thấy mấy đoạn trích : một là bà Sontag nói rằng người Việt ít có thói quen tư duy trên một tầm địa lý rộng. Mọi nhận định và mọi so sánh đều chỉ giới hạn trong phạm vi VN. Còn D. Marr cho rằng người việt ít bận tâm đến lịch sử các nước khác. Số lượng các bài viết về lịch sử nước ngoài được xuất bản rất hiếm hoi và phần lớn chỉ có tính chất lược thuật của người khác chứ không hề là kết quả của công trình nghiên cứu do chính mình thực hiện ( NHQ Văn hoá văn chương VN, tr25 )


2-9 -04
Ba thị trấn mới hình thành Cửa Lò, Sầm Sơn, Bãi Cháy, giống nhau ở một điểm : Nơi nào cũng có những con đường hễ mưa thì úng. Cống rãnh thì nhỏ, nhìn vào cửa cống thường thấy ngập rác.
Có ai tính chuyện đưa ra quy định những đô thị mới phải có những tiêu chuẩn như thế nào ? Có ai tính chuyện phải học hỏi trước khi có một cuộc sống khác ? tất nhiên là không rồi.
Chương trình TV của các tỉnh lẻ cũng toàn thấy phim Trung quốc.


Bảo rằng người Việt hay thích trộ thích khoe mẽ thích làm dáng trước người nước ngoài ? Như thế tức là ông cha phải biết mấy điều :
1/ có những chuẩn mực nước ngoài
2/ ta không đạt được những chuẩn mực ấy,và người ta trong bụng hẳn dễ khinh ta.
Từ đó mới dẫn đến đối sách vậy thì ta phải “múa”, phải làm sao cho có được một chút thắng lợi tinh thần. Thành thử bảo ta không biết gì về nước khác các dân tộc khác không đúng. Mà bảo ta đánh giá mình sai cũng không đúng. Ta biết ta kém cơ mà. Chỉ có điều trong thâm tâm ta lại tin ngay rằng cái sự yếu kém ấy là không bao giờ khắc phục nổi

30-11-04
Nói với Tolia :
-- Chúng tôi là một dân tộc dang dở, chưa hoàn toàn trưởng thành


Nước Nam ta vào thời Tiền Lê

Câu chuyện Lê Hoàn, qua cái nhìn Tống Cảo
Lê Hoàn là loai “ trí dũng có thừa mà học vấn không đủ “ NV Tố tr 257


Ghi chép khi đọc sử

Đọc Lich sử nội chiến VN của Tạ Chí Đại Trường, đồng thời đọc lại Hoàng Lê nhất thống chí
Cảm tưởng chính :
-- Thời Lê, chưa thành quốc gia tập quyền. Vua chỉ có tính cách tượng trưng. Trấn thủ các xứ như những ông vua con từng vùng. Có việc gì cần, vua phải thương thảo.
Vua chỉ có mỗi một quyền là bán chức tước

Sự thối nát của Bắc kỳ là vô phương cứu chữa. TCĐT (347 ) dẫn lại ý của Đào Duy Anh trong Việt nam lịch sử giáo trình thời kỳ tự chủ quyển hạ, Liên khu IV xb : sau thời Hồng Đức, rơi vào tình trạng kiệt lực.

Cao Tự Thanh, viết trong Lời mở đầu cuốn Lịch sử tư tưởng Trung quốc thời Trung cổ : cơ cấu đã có vua lại có chúa của VN là một sự báng bổ đối với tinh thần Nho giáo

Kiều Thu Hoạch trong bài Từ truyền thuyết đến lịch sử ở Thế giới mới số 608 -609 trở lại chuyện cống vải cho biết thứ vải ở VN chỉ là vải loại ba, ai lại dùng để cống cho Dương Quý Phi được

Việt sử xứ đàng trong của Phan Khoang cho biết thời nhà Trần khi quân Nguyên mới tới thấy khí thế họ mạnh quá vua sai đưa công chúa Thiên Tư ( em út vua Thánh Tông ) cho Thoát Hoan, nói là để thư nạn nước

Ngay từ Việt sử tiêu án, Ngô Thì Sĩ đã nói rằng đời Hùng Vương có 20 đời mà kéo những hơn hai ngàn năm, làm gì có chuyện đó

Đông Hành Tây ký của Nguyễn Húc Xưa và nay, số 10-2004, kể quan chức khuyên nhau cộng tác với Pháp : “Cái học trong đời mình tạm đặt đấy, nếu cứ nệ vào cái sở học thì việc làm chẳng đến nỗi nào ( N : còn làm được việc gì ? )
Cũng bài viết trên tả Hải Phòng 1874 :Trên sông Cấm, tàu chạy như ngựa, tiếng súng như sấm rền hoặc quân vân nam khăn đỏ hoặc khách buôn người Thanh bím tóc, hoặc đạo trương Y Pha Nho hoặc thuyền buôn Bắc Hải cùng với quan binh người tây đi lại trên đường, nhiều thửa ( nhiều ) như mây vào trong cõi ấy khiến người hoa mắt.
Tức là chẳng có chỗ nào dành cho người Việt

Đăng Thai Mai dẫn một câu của một viên thống đốc Pháp ( in trong Văn thơ cách mạng VN ( tr 93 )
: Có độ vài trăm người an nam biết nói tiếng Pháp, vài nghìn người khác nói tiếng Pháp một cách bạt mạng đó là bọn bồi bếp thầy tớ cu li xe Ngoài ra nhân dân không biết tiếng an nam cũng không biết tiếng Pháp. Cần phải nói rõ : người An Nam vẫn nói tiếng họ nhưng họ không biết viết và không biết đọc. Cho nên tôi nói rằng chúng ta đang đào tạo những người mù chữ


Một nhận xét tổng quát :
Gọi là nước thì phải liên lạc các tỉnh với nhau thành đoàn thể, kết hợp bằng những mối hồi tưởng vẻ vang hay buồn rầu. Đối với người An nam thì không thế : chỉ là luật lệ, chế độ và phong tục mà thôi. Có lẽ người An nam ghét người ngoại quốc hơn là yêu nước, không phải ghét vì cớ người ngoại quốc dày xéo đất nước, hay là truyền bảo theo lệnh chủ khác ; chính là ghét vì cớ người ngoại quốc bắt theo luật mới, đổi tục cũ, không cho tập quán vào đâu cả.
A. Launay Lịch sử An nam cổ và hiện đại
dẫn theo Nguyễn Văn Tố : Đại nam dật sử, tr 12

Nhiều nhận xét về người đàng ngoài được ghi lại trong cuốn Góp phần tìm hiểu lịch sử cận đại VN của Nguyễn văn Kiệm (tr 632)

20-11-04
TV1 đưa tin : một làng ở Sơn Tây ven sông Hồng sụt lở, ra làng trên đó họ khai thác cát. Nhưng chẳng biết làm sao bảo cái làng trên ấy nối, bảo họ thì họ bảo có làm gì đâu, chỉ làm công việc như xưa nay vẫn làm.

Một số ý của Tân Phong Vũ văn Hiền trong bài Dân quê Bắc kỳ, tạp chí Thanh Nghị 1944 :
-- Các làng xóm manh mún, người ta không muốn tập trung ở thành những làng lớn.Chính bọn lý dịch không thích
-- Không có luật pháp mà chỉ có những quy định rất chung chung, ai hiểu thế nào cũng được, và rất thuận lợi cho bọn người nhiều ham muốn nắm giữ quyền lực.
-- cái gọi là dân chủ làm cho người ta hy vọng, song trong thực tế nó lại là nhân tố phá hoại. Chỉ cần một người không đồng ý, thế là những quyết nghị lớn lao và đúng đắn cũng không được thông qua
-- làng sống bằng sức mạnh của thói quen
-- Tinh thần gia tộc giết chết tinh thần công dân


Làng không thể tự cai trị được mình. Có lẽ phải đào tạo một lớp người chuyên làm công việc cai trị này

25-11-04
Trong cuốn Đi một ngày đường, tr 232 Hà Minh Đức kể một tiến sĩ người Mỹ là Jamelski bảo rằng người Việt giỏi nhất là làm thơ và cãi nhau. HMĐ viết tiếp tôi chất vấn lại ông nói thế nhằm ý gì, thì người Mỹ kia bảo tôi chỉ quan sát và nêu nhận xét thế thôi.
Còn tr. 250 ghi lại một nhận xét của Tô Hoài : con người bây giờ giỏi che dấu, không muốn nói đến nhược điểm khuyết điểm của mình

4-2-05
Ông Nguyễn Văn Tố nói về chữ nôm trên Tạp chí Thanh Nghị đầu 1945, chí cần đọc kỹ thì đã có thể hiểu cả cốt cách dân tộc
-Đi vay mượn vì không có gì ( không có tư duy về ghi chép mà chỉ có tư duy nói )
-Cả nước không thành đơn vị thống nhất mỗi làng nói một thứ tiếng, mỗi làng làm một kiểu ghép chữ nôm thành chữ Việt
-

9-2-05
Ngày tết nghĩ về cái vui của dân mình, thấy nó là một khao khát mãnh liệt ghê gớm nhưng bên trong không khỏi có chút khoe khoang giả tạo. Sâu hơn một chút có thể bắt gặp mặc cảm, hình như đây là những người cả đời đã khổ, và từ lâu tin rằng mình không bao giờ thoát khổ, cho nên gặp lúc có điều kiện thì tận hưởng đến cùng.

Lời khuyên của một người Mỹ: các bạn đừng quá băn khoăn về bản thân, hãy nghĩ đến việc thu hút được nhiều bạn bè thế giới đến với mình.

Mua quất, thấy mấy việc :
một là cây nào cũng to quá, hình như nó là chuyện hiếu đại, một thứ tâm lý phổ biến hiện thời.
hai là rất nhiều quất giả. Người mua thích thứ gì thật đầy đặn thật rực rỡ. Người sản xuất đáp ứng ngay. Đơn giản nhất là cắm những quả rời vào đầu cành. Gần đây còn nảy ra một thứ kỹ thuật siêu hạng hơn, đâu như họ quết cho các quả xanh một lớp nước muối, thế là chín đều cả ( cà chua cũng có chuyện này ). Chỉ có điều mang về vài hôm thì rụng hết. Ngày ba mươi và sáng mồng một, vợ tôi có thêm mối lo là có quả nào rơi thì nhặt ngay.

Có lần đọc báo thấy bảo TQ là một thứ công xưởng khổng lồ chuyên làm hàng giả. Nhưng hàng giả ấy còn chuẩn, nghiêm chỉnh chán. Dân mình không đủ sức làm giả những thứ cao cấp đã đành, mà đến nhứng thứ đơn sơ, cũng rất cẩu thả, chắp nhặt nhăng nhít cho xong. Giả chỉ để bán rong, bán một lần, và sang năm mới bán lại.

Xem chương trình ca nhạc đêm giao thừa cả VTV lẫn CCTV thì thấy các nghệ sĩ TQ họ rất khoẻ, nồng nhiệt, tự tin. Đặt bên họ thấy mình thều thào, thiểu lực.

Một khía cạnh khác : cũng là do dân mình làm, nhưng chương trình của đài TW do học làm mô đéc hiện đại nên chán ngắt. Mình quay sang xem đài Hà Tây. Họ làm một thứ chương trình hoành tráng, suốt từ những năm ba mươi trở lại đay rồi kháng Pháp, rồi chống Mỹ … Cũ, nhưng nghe lại thấy cảm động.

21-3-05
Một cố đạo Pháp nói về tính tình người Việt: Tính nết họ hay thay đổi, nhẹ dạ lạ lùng. Tôi tin rằng họ không thể theo dõi một cách chăm chỉ một ý tưởng gì. Chính vì thế mà họ kém cỏi về mặt buôn bán kỹ nghệ văn nghệ khi so sánh với người Tàu mà họ đã vay mượn tất cả những gì là văn minh bề ngoài. Thực ra có vỏ ngoài lễ nghi nghiêm trang, họ vẫn còn là một dân tộc ấu trĩ hay thay đổi, trái chứng như trẻ con.

Một người khác: Trong các nước tự xưng là văn minh, tôi không thấy nước nào có phong tục thả lỏng như thế. (… ) Tính cách văn minh bề ngoài của nó ( xứ An nam ) chỉ là sự bóc lột dã man đa số do một thiểu số thối nát và thiếu mọi tư cách
Nguyễn văn Trung
Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt nam, sự thật và huyền thoại


24-3-05
Chợt nghe con kể thần đồng đất Việt, hoá ra toàn chuyện đi lừa.
Như truyện trí khôn của ta đâu, chẳng phải đó là lừa ư ? Thế mà gọi là trí khôn ư ?

Nhiều truyện cười xoay quanh tình cảnh thê thảm của con người quanh cái đói

Nhớ Phạm Đình Hổ có tỏ ý chê tiếng nôm
Bây giờ mới thấy chê thế là đúng. Chẳng phải là bao nhiêu khái niệm nếu không dùng chữ Hán thì không thể hiểu nổi

1-6 -05
Từ 26 đến 31-5 vào Nha Trang. Chưa nói đến chuyện chen chúc nhau để sống, chưa nói đến tham nhũng ăn cắp, hãy chỉ nhìn vào một cộng đồng làm ăn lương thiện cũng vẫn thấy rằng không đủ. Những người trung bình ở ta là người tầm thường
SỐ TRUY CẬP online