Nhà văn của rất nhiều bạn đọc (*)

Trong một cuốn sách nửa tự truyện, nửa kinh nghiệm sáng tác mang tên Tổng kết, viết năm đã 64 tuổi (1938), Somerset Maugham kể: Thoạt đầu, khi mới bước vào nghề văn, ông cũng viết truyện ngắn, tập sách thứ ba của ông là một tập truyện ngắn, nhưng do quá kém, nên ông phải bỏ một dạo, quay sang viết kịch. Chỉ sau khi thành đạt trong sân khấu, ông mới quay trở lại với thể tài này. May thay, ông không phải từ giã mà đi nữa. Truyện ông viết in đều trên báo, rồi lại tập hợp thành sách, đâu đến chục tập. Sau hết, ông tự chọn ra những truyện xuất sắc hơn cả, làm thành ba tập và cho in đi in lại nhiều lần. Một người bạn gọi đùa ông là Maupassant của Anh. Lâu dần, cách gọi ấy được công nhận và lưu lại trong các sách lịch sử văn học.
Đứng về mặt nghệ thuật viết truyện, Maugham không phải là người mang lại một cách viết mới như Edgar Poe, E. Hoffmann với các loại truyện kỳ dị, huyền ảo, hoặc Tchékhov với loại truyện tâm lý mà chúng ta đã biết. Như Maugham tự nhận , ông chỉ làm cái việc mà bao thế hệ đã làm là kể chuyện , ông không thể quan niệm truyện ngắn lại thiếu cốt truyện. “Nếu hoạ sĩ suy nghĩ bằng đường nét và màu sắc, thì nhà văn suy nghĩ bằng cốt truyện”. “Cốt truyện là phương tiện hướng dẫn sự suy nghĩ của người đọc. Và chỉ làm chủ được sự suy nghĩ của người đọc, tác giả mới dẫn được họ từ trang này tới trang khác, và gợi nên trong họ những tâm trạng cùng những ấn tượng cần thiết:” - ông bảo vậy. Thời ông sống là thời mà văn học châu Âu khá bận rộn với những tìm tòi trong ngôn ngữ văn xuôi. ở văn học Anh, đó là V. Woolf , J. Joyce ; nếu kể cả văn học Pháp mà Maugham rất thạo, thì còn phải nói đến M. Proust với cuốn tiểu thuyết nhiều tập Đi tìm thời gian đã mất. Nhưng những bận rộn ấy không lây được đến Maugham. Cách viết của ông bao giờ cũng khuôn thước, cổ điển, mà lại tự nhiên “không bày tỏ một dấu hiệu nào của sự cố gắng”. Người đạt đến một lối hành văn lý tưởng, theo ông là nhà văn Pháp Colette với lối diễn tả “dễ dàng đến nỗi bạn không thể ép mình tin rằng bà đã bị một chút khó khăn bối rối nào về nó”. Có điều, cũng như Colette - người thường mất cả buổi sáng để viết một trang - sự trong sáng “có vẻ như một sự tình cờ nhờ may mắn mà có” ở văn Maugham thật ra cũng là sự trong sáng mà ông phải nỗ lực rất nhiều mới đạt tới. Có lẽ không có gì quá lời trong một nhận xét mà một đồng nghiệp đã dành cho Maugham: “Ông tính toán đến từng từ. Trong truyện của ông, các tính cách, các hoàn cảnh, thậm chí một cảnh nhỏ thôi, đều ở đúng chỗ của mình”.
Là những sáng tác ra đời đầu thế kỷ XX , cố nhiên, truyện ngắn của Maugham mang trong nó những dấu vết của thời đại bấy giờ. Kỹ thuật truyền thanh lúc ấy mới phôi thai, điện ảnh còn đang thể nghiệm, và truyền hình thì chưa ai có ý niệm gì cả. Tác phẩm văn xuôi thường nặng chất tả, kể, thông tin. Nhất là trong trường hợp Maugham, ông hay viết về những vùng ở xa nước Anh, phía Nam châu Âu, hoặc các đảo ở Thái Bình Dương và xa mãi tận bên Mỹ. Cho nên, màu sắc du ký ở những thiên truyện như Một người có lương tâm, Chàng đỏ... rất rõ. Nói chung, nhịp điệu của đời sống trong truyện Maugham - nhịp nghĩ của con người, tốc độ biến chuyển của câu chuyện - thường chậm, nhiều chỗ tác giả dừng lại quá tỉ mỉ, từ đó, một kết quả tự nhiên phải có là các truyện hơi dài, không có cái đột ngột bất ngờ đôi khi như là vô lý ở truyện ngắn hiện đại (ví dụ như ở Moravia hoặc các tác giả truyện ngắn Mỹ). Tuy nhiên do đạt tới trình độ chín muồi trong nghệ thuật viết truyện (đặc biệt là nghệ thuật tả, kể và đối thoại), nhiều truyện ngắn Maugham hiện nay vẫn được coi là những mẫu mực hoàn chỉnh mà bất cứ ai muốn đạt tới những thành tựu mới trong thể tài này phải để mắt tới; ngày nay chúng ta có thể viết khác, khác nhiều, nhưng viết hay hơn thế, quả thật là chuyện rất khó.

(*) Somerset Maugham ( 18 74 – 1965 )


*
Trong lịch sử văn học Anh, phần viết về cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tên tuổi Maugham thường được đặt bên cạnh G. B. Shaw, J.Galsworthy, H.G. Wells, E.M. Forster tức những tác giả cự phách trong dòng hiện thực phê phán. Bản thân Maugham lại rất khâm phục Balzac, Tolstoi, Dostoievski... và từng viết riêng một cuốn sách về các bậc thầy này. Một chút ảnh hưởng nào đó của các quan điểm hiện đại chủ nghĩa có vào tác phẩm của ông, nhưng không thể thay đổi các đường hướng chính mà ông chủ trương. Giữa những điều Maugham muốn nói và cách viết của ông, như ở phần trên chúng tôi vừa thử phác qua, có một sự nhất quán đáng kể. Âu cũng là thêm một ví dụ về sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, mà chúng ta vẫn nói.
Để hiểu tư tưởng của Maugham, thường thường người ta dẫn ra cuốn tiểu thuyết giàu chất tự truyện Kiếp người (dịch sát hơn: Gánh nặng của dục vọng con người, 1915). Đó là câu chuyện của một thanh niên bước vào đời, với tất cả những lầm lẫn nghiệp chướng tự mình gây ra cho mình, cùng không biết bao nhiêu đau khổ dằn vặt do hoàn cảnh áp đặt, tóm lại là một lối vào đời không dễ dàng chút nào. Có điều Kiếp người - đây đó đã có người coi như một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất của văn học thế giới đầu thế kỷ XX -- không mang tư tưởng bi quan. Nó nói nhiều đến những cái tầm thường nhỏ mọn của con người, nhưng vẫn bao hàm một sự thông cảm và một lời kêu gọi: hãy sống cho lương thiện, rồi cuộc đời sẽ công bằng hơn rất nhiều so với điều chúng ta vẫn tưởng.
Đấy cũng là tư tưởng quán xuyến trong sáng tác của Maugham, mà một số truyện tiêu biểu được chọn in trong bản dịch tiếng Việt hôm nay.
Trong phần mở đầu thiên truyện có tính cách luận đề mang tên Một người có lương tâm, tác giả từng nói rõ quan niệm của mình: “Người ta không bao giờ biết hết mọi thứ cần biết về bản chất của con người. Người ta chỉ dám chắc là nó, cái bản chất ấy, sẽ không bao giờ thôi dành cho người khác một sự bất ngờ”. ý tưởng quả thật không mới, song điều thú vị là những trường hợp Maugham lấy ra minh hoạ đều rất hay, chứng tỏ ông đã sống với những ý tưởng ấy rất sâu sắc, y như chính ông đã phát hiện ra chúng. Đằng sau của chuyện vui vui của một người đàn bà mấy lần lấy chồng như Jane, tác giả dường như muốn bảo chúng ta: mọi lối nhìn một chiều về con người đều dễ bị thực tế bẻ gãy. Sở dĩ cuộc đời này thú vị vì nó hàm chứa nhiều khả năng tiềm ẩn mà chỉ trong những hoàn cảnh nhất định, mới có dịp bộc lộ. Cũng cùng ý nghĩa như Jane là Người coi giáo đường, câu chuyện về một cuộc đời bất ngờ, ngẫu nhiên mà cũng rất hợp lý ở xã hội tư bản. Có lẽ chính vì chứa đựng một ý tưởng lành mạnh như trên, nên Một người có lương tâm - thiên truyện cắt nghĩa tâm lý ngoắt ngoéo dẫn đến tội ác trong một vụ án hình sự khá nặng, cụ thể là tội giết vợ - - vẫn có cái vẻ hợp lý của nó. Trong khi lưu ý chúng ta là nhiều hành động ta làm hàng ngày thoạt nhìn rất vô nghĩa và phải gợi mở tỉ mỉ mới lý giải nổi , cụ thể hơn, trong khi nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn soát xét lại mọi ý nghĩ, hành động của mình, tác phẩm vẫn mở ra một viễn cảnh cảm động, khiến chúng ta vững tin ở lương tri con người, ở cuộc sống.
Một điều dễ nhận là trong truyện ngắn Maugham thường có những diễn biến bất ngờ, tuy nhiên kết cục đau xót như mọi chuyện đã đến với nhân vật trong Kẻ hưởng lạc thật không ai dự đoán được trước. Hoá ra, khôn ngoan tính toán đến mấy, người ta cũng không thoát khỏi sự phán xử khắc nghiệt của đời sống - ấy là nói với những kẻ dùng sự tính toán để trốn đời, lười lĩnh. (Đây có lẽ là một trong những truyện bộc lộ rõ cách viết của Maugham mà có người đã nhận xét là đủ vị “lạnh lùng, giễu cợt , cay đắng, bồn chồn”). Kết luận rút ra: phải nhập thế, phải sống cho hết mình, còn sống ngày nào là còn phải chịu trách nhiệm về mình ngày ấy. Nhưng có một điều nữa theo Maugham, cũng cần phải nhớ, là hãy sống sao cho thoải mái, đừng có gì cay cú quá đáng: có nhiều sự việc, lúc nó xảy ra, ta tưởng có thể sướng vui đau khổ đến chết đi được; nhưng lùi ra xa một chút, đặt nó trong cả cuộc đời muôn ngàn phức tạp, lại thấy chả có ý nghĩa gì (Chàng Đỏ). Hơn thế nữa, đằng sau mấy chữ niềm vui, hạnh phúc, thật ra có thể có nhiều cách hiểu khác nhau, cách sống của lớp người này đôi khi lại không thể chấp nhận với lớp người khác. (Sự sa ngã của Eduard Banas ). Vì thiếu độ lượng, - thực chất là đạo đức giả - nên nhân vật chính trong Mưa quay cuồng trong một hành động vô nghĩa, cuối cùng sa vào một tình thế vừa hài hước, vừa bi thảm, và không còn mặt mũi nào sống trên đời này nữa. Trong số những lý do khiến cho Mưa trở thành một trong những tác tác phẩm hay nhất của Maugham (mười lần chuyển lên sân khấu, tám lần chuyển thành phim) có phần đóng góp của cái ý ngầm rất sâu sắc sau đây: khi thiển cận và mù quáng, lòng nhân từ (nhất là lòng nhân từ kiểu tôn giáo) có thể sinh ra đủ thứ độc đáo cay nghiệt ; bấy giờ nhân danh nhân từ, người ta có thể sa vào tội ác bất cứ lúc nào. Rồi sự trừng phạt sẽ tới theo những nẻo lối mà không một ai ngờ trước!
*
Sở dĩ ngòi bút của Maugham đến được với nhiều ý tưởng sâu sắc như trên, bởi lẽ ông là người từng trải, lịch lãm, đi nhiều biết rộng, và có phần chắc là ông đã rút đúc chúng từ chính cuộc đời mình, một cuộc đời cần mẫn lao tâm khổ tứ, và không thiếu chuyện ngang trái. Vốn gốc người Anh, nhưng cậu bé William lại sinh ở Paris (Pháp). Tám tuổi, mẹ mất, mười tuổi bố mất, cậu phải quay về London, sống với người cậu và theo học ở một trường trung học nổi tiếng là hà khắc, để rồi khổ sở vì kém tiếng Anh và tật nói lắp. Mười ba tuổi, cậu bé vẫn hoàn toàn nhút nhát, lại thêm bệnh tật đi kèm: chớm lao và thiểu lực. Rồi Maugham ghi tên vào một trường Đại học ở Đức và về thực tập ở bệnh viện thánh Thomas nằm giữa khu vực nghèo nhất ở London. Ghi chép lại một ít kinh nghiệm bản thân tác giả đã sống những năm này, cuốn tiểu thuyết Liza vùng Lambert (1997) có thể được ghi nhận như thành công đầu tiên, khiến cho người y sĩ này không bao giờ theo đuổi y học mà chuyển hẳn sang nghề viết văn.
Trong lịch sử văn học không thiếu những trường hợp nhờ có một chút ảo tuởng nào đó, -- tất nhiên bên cạnh đó cũng có một chút năng khiếu -- , một nhà văn đã thành công; và cái ảo tưởng này như một cái bóng, suốt đời đi bên cạnh nhà văn ; chỉ vì có một tác dụng kích thích, nên nó, cái ảo tưởng ấy, mới có lý do tồn tại! Trường hợp của Maugham thì hoàn toàn trái ngược: luôn luôn ông tỉnh táo và nghiêm khắc nhìn nhận chính mình. Ông thích nói rõ cho mọi người biết rằng ở ông, phần tài hoa thiên bẩm không bao nhiêu, tất cả là do dụng công chăm chỉ mà có. “Tôi không sinh ra đã là nhà văn, tôi chỉ trở thành người làm nghề đó”. “Những gì bay bướm thú vị và một óc tưởng tượng phong phú mãnh liệt đều nằm ngoài khả năng của tôi”. Ông tự đánh giá mình: “Tôi ở vào hàng đầu của những nhà văn thuộc loại trung bình”. Có lẽ chỉ nhờ tỉnh táo, ông mới đủ sức bất chấp sự xô đẩy của thời thượng, để kiên trì một lối viết không một chút hoa mỹ mà ông tin là hợp với mình hơn cả. Lại cũng nhờ tỉnh táo, ông đã cả quyết từ bỏ lĩnh vực kịch (nơi mang lại cho ông tiền tài và danh vọng khiến bao người ghen tỵ) để chuyển sang lĩnh vực của tiểu thuyết và truyện ngắn (nơi ông có những tác phẩm ở lại với lịch sử văn học). Sau khi đã trở thành nhà văn già nhất và giàu nhất trong thời của mình, Maugham mất năm 1965, thọ 91 tuổi. Trường hợp của ông là một ví dụ, chứng tỏ người ta có thể viết văn, và viết hay nữa, mặc dù không phải thiên tài. Điều kiện thành công ở đây là có bản lĩnh, sáng suốt, nhạy cảm, cần mẫn chịu học, chịu viết.
12-1983.
SỐ TRUY CẬP online