sự hấp dẫn, thật và giả

(Vài nét về các loại tiểu thuyế sự hấp dẫn, thật và giả t
trinh thám và tiểu thuyết tình báo )


I
Roman-Gazzeta ( Báo tiểu thuyết) là một xuất bản phẩm có số in lớn bậc nhất trong các loại sách báo văn nghệ in ở Liên Xô trước đây : từ khoảng 1975, mỗi số nó được in khoảng triệu rưỡi bản, đến 1984, đã lên một con số kỷ lục, gần 2,3 triệu (chính xác hơn: 2.298.000 bản), tức gấp khoảng chục lần số in của những tạp chí sáng tác loại một của Hội Nhà văn Liên Xô, như Novyi Mir. Nhiệm vụ của Roman-Gazzeta khá giản dị: mỗi số, tờ bán nguyệt san này chỉ chọn in một - hai cuốn truyện nào đó, hoặc một quyển nào đó, trong một bộ tiểu thuyết dày của các tác giả Xô-viết, nhưng đó phải là những tác phẩm văn học xuất sắc, từng được dư luận nhất trí khen ngợi. Tham gia ban biên tập của Roman-Gazzeta có nhiều nhân vật quan trọng, từ những nhà văn tên tuổi bậc nhất như L.Leonov, X.Zalyghin, V.Rasputin đến các nhà phê bình văn học vững vàng như G.Berdnikov (Viện trưởng viện văn học thế giới mang tên Gorki), F.Kuznetsov, V.Novikov. Trong danh mục tiểu thuyết đã được Roman-Gazzeta chọn in, người ta thấy có Bến bờ và Lựa chọn của I.Bondarev, Bức tranh của D.Granin, Thắng lợi của Tsakovski v.v... Trên nét lớn, có thể nói được in vào Roman-Gazzeta có nghĩa là tác phẩm được coi là nghiêm chỉnh , hơn nữa đã trở thành phổ cập, thành sách bán chạy ở Liên xô, có điều thứ best seller này không phải do một hãng tư nhân nào đưa ra, mà do nhà nước bảo trợ.
Vậy mà có lần , trong số 4-1984 , Roman-Gazzeta đã cho in hai cuốn truyện hơi lạc với cái mạch chung . Một là Ba bộ mặt của Janus đúng là một truyện tình báo. Câu chuyện xoay quanh hoạt động của một chiến sĩ Xô-viết cắm sâu trong lòng địch, những năm cuối của cuộc đại chiến thứ hai. Và một là Đất làm ăn một cuốn có chất trinh thám rõ rệt.
Việc gì đã xảy ra ở đây? Người ta có thể nghĩ đến hai lý do:
Thứ nhất: hai tác phẩm trên là những thành công , được coi ngang hàng với mọi tác phẩm nghiêm chỉnh và đây là một sự “đặc cách”, “ngoại lệ” không dễ gì lặp lại.
Thứ hai: bản thân quan niệm của giới văn học Xô-viết về truyện trinh thám - tình báo ít nhiều có trở nên cởi mở hơn. Không phải cứ nói đến loại truyện này, là lắc đầu chê. Ngược lại, thấy dẫu sao nó cũng là một dạng tồn tại của văn học, một thể loại tiểu thuyết, nếu vào tay các tác giả bậc thầy, cũng có thể trở thành tác phẩm có giá trị.
Trong bài viết này , chúng tôi muốn trình bày kỹ hơn khía cạnh thứ hai của vấn đề: Quan niệm của những người làm văn học ở Liên Xô và các nước Đông Âu từ 1991 trở về trước về loại tiểu thuyết này ? Việc nghiên cứu về nó được tiến hành đến đâu? Những cuộc trao đổi, những ý kiến khác nhau, nếu có? Tại sao từ một thể tài chầu rìa ,có lúc nó lại được xem là một thể tài có triển vọng ?
II.
Có nhiều chữ chúng ta đã quen dùng đến mức không để ý đến nghĩa gốc của chúng ra làm sao nữa, trong khi, nếu trở lại với cái nghĩa ban đầu này, ta sẽ hiểu đầy đủ thêm nhiều chuyện. Chẳng hạn như hai chữ tiểu thuyết. Sách Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh ghi: Tiểu thuyết - sách chép những chuyện vặt. Một nhà nghiên cứu tinh thông chữ Hán còn nói rõ hơn. Theo ông, tiểu thuyết là một cách nói rút gọn của mấy chữ “tiểu gia chí thuyết”, nghĩa là những điều do các tác gia hạng xoàng xĩnh viết ra, không phải văn chương của thánh hiền (“đại gia chi thuyết”). Lại có người cắt nghĩa chữ tiểu ở đây nhằm chỉ những việc nhỏ nhặt, lượm lặt ở chỗ đầu đường xó chợ, thuộc về dân gian tầm thường, không phải những việc trọng đại. Chẳng những ở phương Đông, mà ngay bên phương Tây, thời cổ, tiểu thuyết cũng bị coi thường vậy. Khi phân biệt văn xuôi và thơ, xét về từ nguyên người ta vẫn lưu ý trong các ngôn ngữ châu Âu, chữ thơ (poesy , poésie) vốn từ một chữ Hy lạp có nghĩa là “tôi làm” “tôi sáng tạo”, còn văn xuôi ( prose ) lấy gốc ở một chữ khác, nghĩa là “lời nói hàng ngày”. Lấy văn xuôi làm phương tiện diễn đạt chủ yếu, tiểu thuyết dù ở bất cứ đâu, ban đầu thường cũng nói về hoặc là tình yêu trai gái, các mặt sinh hoạt hàng ngày, hoặc là những chuyện huyền hoặc, kể cả chuyện quỷ quái yêu ma (thư tịch Hán cổ vẫn gọi là thần quái, chí quái). Với người có học trước đây, đó là những điều lông bông chỉ dùng để giải trí, mà cũng không nên xem nhiều, e có hại.
Phải qua quá trình lịch sử, tiểu thuyết mới dần dần xác lập được vị trí của mình: vẫn nói những chuyện vẻ như lặt vặt tầm thường, đồng thời nó biết vươn tới các vấn đề nhân sinh quan trọng; khả năng khái quát xã hội ngày càng lớn trong khi sức hấp dẫn hôm qua không mất đi, mà lại được tăng cường. ở nước nào và thời gian nào cũng vậy, một cuốn tiểu thuyết hay, không thể là một cuốn sách người ta phải ngần ngại khi cầm trên tay; ngược lại, nó như bùa mê làm cho người ta say đắm, định đọc vài trang phải đọc cả quyển, dứt ra không nổi. Song đó lại cũng phải là một cuốn sách người ta có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần lại tìm ra được những ý mới. Sự “lên ngôi” của các nhân vật tưởng như tầm thường, của các thể loại tưởng như tầm thường: có thể xem đó là quy luật rút ra từ sự phát triển của tiểu thuyết chăng? Có điều chắc là xu hướng dân chủ hoá trong văn học được đẩy tới trên mọi phương diện và đấy cũng là xu hướng người ta quan sát thấy trong sự tiến hoá của nhiều ngành nghệ thuật khác như nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật sân khấu.
Đến thế kỷ XX thì xu hướng này lại càng được khẳng định.
Do tác động của hàng loạt nhân tố xã hội và tự nhiên khác, dường như mỹ cảm con người thời nay có những thay đổi đáng kể. Xưa, quần áo chúng ta mặc mặt vải phải nhỏ, mịn , màu sắc phải trang nhã. Nay bên cạnh những người vẫn giữ nguyên cái “gu” cổ điển ấy, một số quay ra sùng bái - hoặc nếu không sùng bái thì cũng sẵn sàng chấp nhận --những gì thoạt nhìn có vẻ dày, thô, đập ngay vào mắt người khác. Trong kịch tự sự, Brecht sẵn sàng đưa cả cảnh người thanh niên đang tắm nửa mình lên sân khấu (vở Vòng phấn Cauca se). Một ngành nghệ thuật lâu nay bị coi rẻ như xiếc, giờ đây thu hút sự chú ý của nhiều người, các hoạ sĩ lớn như P.Léger, như H.Miro, M.Chagall... đều có làm việc cho xiếc, hoặc vẽ về xiếc. Thỉnh thoảng, tìm đâu được điệu nhạc độc đáo bên châu Phi hoặc của người da đỏ châu Mỹ ngày xưa, là người ta cùng xúm vào khen. Hình như không có chuyện gì lạ lùng mà con người hiện nay không hiểu nổi, không phong cách kỳ cục nào mà họ cảm thấy xa lạ. Một trong những con đường được nhiều nhà sáng tạo ưa thích là đầu tư công sức vào những gì lâu nay bị coi rẻ, mang lại cho nó một ý nghĩa mới đại loại như việc Picasso đã làm với thứ đồ gốm ở Barcelona và Chostakovits đã làm với những tranh biếm hoạ trên tạp chí hài hước Cá sấu. Trong văn học, cái xu hướng này đã thâm nhập mạnh mẽ, và tác động khá sâu, đến cả văn phong, bút pháp của các tác giả. Eliasevits, một nhà nghiên cứu Xô-viết đã có lý khi bảo: Cả trong đời sống lẫn trong sáng tác, phong cách “cao quý”, giọng văn thống thiết càng ngày càng bị quên lãng và thường khi (tất nhiên, một cách không hợp lý - V.T.N ) bị đồng nhất với sự tô vẽ, và nói chung, với sự giả dối”. Thay vào đấy người ta tìm tới những cách viết mới, hoặc có vẻ lý trí hơn, khô hơn (như kịch và thơ Brecht), hoặc ngạo nghễ đùa cợt, gặp đâu nói đấy (thơ N.Hikmét) hoặc để cho trí tưởng tượng tha hồ lui tới (như tiểu thuyết Garcia Marquez).
Có thể còn nhiều lý do khác, nhưng đây chắc chắn là một lý do khiến ở nhiều nước trên thế giới hiện nay thấy nảy sinh một thể văn xuôi có vẻ thô, nhám, không mấy hoa mỹ là văn xuôi tư liệu, và trong các thứ sách được người đọc ưa chuộng không thể thiếu hai mặt hàng, một là khoa học viễn tưởng, một nữa là sách trinh thám bao gồm cả loại viết về các vụ hình sự, lẫn loại viết về hoạt động tình báo gián điệp.
III.
Mở đầu cuốn Tiểu thuyết đen (bản dịch tiếng Nga của nhà xuất bản Tiến bộ, 1975), nhà văn Bungari B.Rainov nhận xét: Tội ác như một thứ tài liệu đời sống rất sớm được miêu tả trong văn học. Có luật tức có việc phạm luật. Chủ đề phạm tội đã có trong các tác phẩm xưa nhất, từ bi kịch Hy lạp, qua Shakespeare đến tiểu thuyết Balzac, Dickens, Dostoievski, những bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX. Chỗ khác ở đây là thuộc về vai trò của các sự kiện này đối với kết cấu chung của tác phẩm. Bình thường, tội ác chỉ là một trong nhiều khâu tạo nên dây chuyền hoạt động của các nhân vật, hơn nữa, qua việc miêu tả tội ác, cái chính là tác giả muốn làm nổi lên bộ mặt tinh thần của nhân vật đó (rõ nhất, trong Tội ác và trừng phạt của Dostoievski). Còn trong tiểu thuyết trinh thám, việc phạm tội và theo dõi tội phạm hoặc rộng hơn, các loại hoạt động bí mật như hoạt động tình báo làm nên trọng tâm của cấu trúc tác phẩm, nó là điểm nút giúp vào việc khởi động cả guồng máy cốt truyện , và sẽ kết thúc khi tìm ra thủ phạm ( hoặc một giai đoạn trong hoạt động điều tra ) tạm thời chấm dứt.
Theo tiêu chuẩn này mà xét, các nhà nghiên cứu thống nhất lấy năm ra đời truyện ngắn Những vụ giết người ở phố Morgue của Edgar Poe (1809-1849) làm năm ra đời của văn học trinh thám (1841). Truyện của Poe bắt đầu bằng một sự kiện mà ngày nay, người ta coi là hoàn cảnh cổ điển trong trinh thám: một căn phòng bị khoá chặt ở phía trong, mãi không thấy mở; lúc người ngoài phá cửa vào, đã thấy mấy xác người nằm đó, hung thủ không còn tăm tích. Thủ phạm là ai? Chỉ bằng óc phân tích, nhân vật thám tử Dupen của E.Poe -- “một chàng ngốc đơn độc” như có người đùa gọi - cuối cùng tìm ra thủ phạm là một con khỉ. Theo nhận xét của anh em Goncourt (B.Rainov dẫn lại), với tác phẩm này của Poe, người ta có một loại tiểu thuyết trong đó sự việc đóng vai trò quan trọng hơn con người, và cơ sở của tiểu thuyết chuyển từ “tim” tới “óc”, từ kịch tính tới việc giải quyết bài toán. Đây cũng là cách lý giải sơ lược nhưng chính xác về tiểu thuyết trinh thám nói chung.
Sau E.Poe, tiểu thuyết trinh thám được phát triển với E.Gaboriau (1832-1873) người Pháp, W.Collins (1824-69) người Anh, và đặc biệt là A.Conal Doyle (1850-1930) cũng người Anh. Nhờ liên tục hco in những cuốn như Cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes,Sự trở về của Sherlock Holmes, Hồi ức của Sherlock Holmes ra đời khoảng từ 1801 đến 1927, Doyle đã thật sự đạt tới vinh quang của người viết tiểu thuyết là tạo ra một nhân vật “sống” như những người thực và khi tác giả định cho nhân vật này chết đi, nhiều bạn đọc phản đối, đòi cho nhân vật tiếp tục hành nghề. Đạt đến sự sống như Sherlock Holmes, may ra chỉ có Arsène Lupin, nhân vật của nhà văn Pháp M.Leblance (1864-1941). ở đây, có điều đối nghịch vui vui , trong khi Sherlock Holmes là một thám tử, và đó là nhân vật truyền thống trong trinh thám, thì lần đầu tiên, với Arsène Lupin, nhân vật tội phạm đóng vai trò trung tâm trong tác phẩm. Lại nữa, trong khi Sherlock Holmes đăm đăm suy nghĩ trên các đường phố London thì Arsène Lupin nhởn nhơ dạo chơi khắp Paris và lúc nào cũng hiện ra yêu đời, hấp dẫn, thông minh, thậm chí có khi nhẹ dạ một chút cho thêm vui, nghĩa là những đức tính mà người Pháp thường tự trách mình với khá nhiều... tự hào! Trong vòng vài chục năm trời, Arsène Lupin cũng trở thành nhân vật được công chúng mến mộ, cho nên, mặc dù xây dựng theo công thức hơi cũ, nhưng đến nay, một số tác phẩm của M.Leblance còn được cho in vào xê-ri sách bỏ túi của Pháp.
Một tác giả quan trọng khác nổi lên trong thế giới trinh thám đầu thế kỷ XX là G. K.Che sterton (1874-1936), người tạo ra nhân vật cha Brown. Từ nửa thế kỷ này, tiểu thuyết trinh thám nẩy nở lan tràn ở các nước Tây Âu và Mỹ, số tác giả đông vô kể, song nổi nhất về mặt số lượng sách viết ra, cũng như khả năng đẩy thể loại phát triển lên những bước mới, người ta chỉ kể tới Agatha Christie và Georges Simenon. Christie người Anh (1891 –1976 ) từng cho in 60 tiểu thuyết và rất nhiều truyện ngắn, tác phẩm được dịch ra hơn 50 thứ tiếng trên thế giới. Nữ tác giả này rất ghét bạo lực. Nhân vật của bà thường nhiều khi chỉ bằng sự nhạy cảm mà tìm được thủ phạm. Christie được các nhà nghiên cứu coi như tượng trưng cho tiểu thuyết trinh thám hiện đại.
Nếu người Anh tự hào với sáng tác của A.Christie, thì người Pháp hiện nay cũng hay nói đến Simenon (1903 – 1989 ), các từ điển lớn, các sách lịch sử văn học nghiêm túc đều có nhắc nhở đến Simenon cùng với những chiếc píp nổi tiếng của ông. Maigret, nhân vật trở đi trở lại trong tác phẩm của Simenon thực sự là một nhân vật sinh động, có gia đình riêng, có tâm sự riêng, nên khá gần gũi với mọi người. Trong nghệ thuật viết truyện, Simenon có công phá bỏ nhiều giáo điều, nhiều quan niệm giả tạo trói buộc các tác giả trinh thám trước đây, trong khi vẫn giữ được sự hấp dẫn mà thể loại phải có.
Cùng thời với A.Christie và G.Simenon hoặc sau đó một ít còn có nhiều nhà văn khác, cùng viết trinh thám, được nhắc nhở nhiều hơn hết là S.S.Van Dyne, S.Gardner ở Mỹ, D.Sayers ở Anh, N.March ở Tây Tây Lan v.v... Nhận thấy loại hồi ức của các điệp viên lão luyện in ra sau Đại chiến thế giới thứ hai được đặc biệt hoan nghênh, loại truyện viết về các hoạt động tình báo gián điệp cũng mọc lên như nấm. Nhưng đồng thời với sự phát triển ồ ạt về số lượng, cả hai ngành nói trên (truyện hình sự và truyện tình báo) ở phương Tây, từ sau 1945 tới nay, ngày càng bị đẩy theo hướng sai lạc, ca tụng bạo lực, thích phô ra những cảnh giật gân, cốt gây cho người đọc tâm lý khủng khiếp và những sự khoái lạc phải nói là tầm thường. Trừ một số tác phẩm của D.Hammett và R.Chandler, còn phần lớn những cuốn sách trong “série noir” (tủ sách đen), do nhà Galimard cho in từ 1945 tới nay, và sách của Ian Fleming viết về James Bond - từng được dịch ra khá nhiều ở miền Nam nước ta trước 1975 - là thuộc loại đó. Nói như B.Rainov, “Đó là một bộ phận hợp thành của cái cơ chế liên tục hoạt động trong việc bào mòn, làm hỏng ý thức của các tầng lớp quần chúng đông đảo trong lòng xã hội hiện đại”. Cũng có một số tác giả trinh thám ở các nước Tây Âu có tài, muốn làm việc một cách đứng đắn trên cái thể tài khó khăn này. Chẳng hạn như John le Carré, một tác giả đi vào diễn tả những mâu thuẫn trong lòng mỗi điệp viên, với những vấn đề làm người của họ. Theo nhận định của G.Greene, John le Carré là một tác giả khá nhất trong tiểu thuyết trinh thám. Nhưng những người như ông bị lọt thỏm giữa guồng máy sản xuất truyện tình báo đang vận hành quyết liệt, tàn bạo hiện nay.
IV.
Sau khi mở một cuộc điều tra xã hội học ở 24 thành phố ở Cộng hoà liên bang Nga thuộc Liên Xô trong năm 1974, người ta được biết có ba nhóm tác phẩm văn học được người đọc ưa thích hơn cả: một, những tác phẩm viết về lịch sử và đấu tranh cách mạng; hai, những tác phẩm viết về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945; và ba, các loại trinh thám. Ba loại tác phẩm này tạo nên hơn một nửa đầu sách được người đọc nhắc tới và tập trung đến mức mọi cuốn khác, ở các loại khác không thể so sánh nổi (dẫn theo V.Kovski, tạp chí Những vấn đề văn học, số 7 -1975).
Một cuộc điều tra khác cho biết 75% người làm công tác khoa học và 65% các nhà chuyên môn có trình độ cao học ở Liên xô mê trinh thám. Bởi vậy, số in của các tiểu thuyết trinh thám thường rất lớn, ít ra cũng trăm ngàn bản. ở Hungari, với số dân chưa đầy 11 triệu, trong khi các tác phẩm văn học thật xuất sắc mới in tới 20-25 ngản bản, thì số in trung bình của các truyện trinh thám lên tới khoảng từ 50 đến 120 ngàn bản (Con số dẫn ra từ bài viết Trinh thám: ủng hộ và phản đối, tạp chí Văn học nước ngoài số 9, 1982). ấy là không kể lượng sách trinh thám in ra ở Pháp, Mỹ, Anh, Tây Đức (có trường hợp một cuốn in tới 7 triệu bản, những con số chóng mặt, như người ta vẫn nói!)
Trinh thám quả có ma lực lôi cuốn ít người cưỡng nổi. Sức sống của nó - mượn một cách so sánh của Rainov - là sức sống của loài cỏ dại, lớn lên bởi sự cần cù lấn tới. Nên cắt nghĩa hiện tượng này ra sao?- một sự cắt nghĩa chính xác đồng thời sẽ giúp chúng ta suy nghĩ thêm về bản chất của thể loại. Theo chúng tôi hiểu, ở đây có những khía cạnh thuộc về tâm lý bạn đọc, và nói chung tâm lý con người trong xã hội hiện đại; lại có những lý do thuộc về nguyên tắc cấu trúc và xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết trinh thám, một thứ “thi pháp thể loại” như người ta thường nói.
A. Adamov là một nhà văn xô-viết vừa trực tiếp viết sách trinh thám, vừa hay viết lý luận, lý giải hiện tượng độc đáo này. Theo ông, nguyên nhân sự phổ biến của trinh thám là ở óc tò mò vốn đặc trưng cho con người. Họ thường muốn nhìn sâu vào những bí mật chưa ai hiểu, những mảng đời sống bị giấu trong bóng tói. G.Simenon bảo “Tôi thích viết về những con người lâm vào trạng thái khủng hoảng... tôi chọn con người bình thường... Và tôi tự hỏi: Cái gì sẽ xảy ra với anh ta nếu như vợ anh ta chẳng hạn, bị tai nạn ô tô... Thế là bắt đầu”. Trong phạm vi xã hội hiện đại , ông nhận định: “Vì xã hội ngày nay không có một tôn giáo mạnh và vì người ta kinh sợ trước cái tổ chức vĩ đại, mà trong đó, người ta chỉ là một thành phần bé nhỏ, nên chỉ với nhiều người, việc đọc một vài cuốn tiểu thuyết nào đó, tựa như việc nhòm qua một lỗ khoá xem người hàng xóm mình đang làm gì, nghĩ gì, hắn có cùng mặc cảm tự ti, cùng những tật xấu, những cám dỗ với mình chăng?”.
Đi sâu hơn một chút, lại cần đặc biệt lưu ý rằng sự tò mò trong trinh thám là tò mò hướng về phía sự giết người, cái chết. Đó là những tội ác cổ sơ, đã có từ thời tiền sử, nhưng vì thế, lại dễ dàng động tới phần tiềm thức của mỗi người. Xã hội càng văn minh, những vụ giết người ngày càng ít đi, thì, đối với người ta, nó lại càng đáng sợ hơn. Trong cái việc tìm hiểu những hành động mà bản thân mình không dám làm , người đọc tìm thấy một ít thú vị nào đó, nhất đây là những người đọc ở các thành phố lớn, con người sống ở đó vừa gần bên nhau, vừa rất rời rạc. Nếu qua câu chuyện, nhà văn biết phát hiện ra ý nghĩa xã hội và đạo lý của hành động, thì tác động của tác phẩm càng mạnh.
Bây giờ chúng ta hãy dừng lại kỹ hơn một chút ở những đặc điểm trong cấu trúc truyện trinh thám. Thông thường, người ta tỏ ý chê bai các tác giả loại này là chỉ biết đến những khuôn sáo, hoặc không có khả năng đi sâu vào tâm hồn con người mà nặng về những tiểu xảo nghề nghiệp. Song nghịch lý sau đây là điều có thật: Chính do trinh thám nhiều tiểu xảo và thiên về bố trí, nên người ta lại thích tìm đọc. Cầm cuốn sách trên tay, đã biết mọi chuyện sẽ dẫn đến đâu rồi, ta vẫn hồi hộp, y như được theo dõi theo một mục tiêu nào đó, thoắt ẩn thoắt hiện. Ta cảm thấy được lần theo muôn ngàn đường dài bí mật mà trên từng bước một đều có thể nảy sinh những đột biến. Cái hấp dẫn của truyện là thứ hấp dẫn căng thẳng của một trò chơi trí tuệ. Nguyên tắc cao nhất của nó là tìm ra phương án tối ưu trong một loạt điều kiện không xác định. Mặc dù biết mọi chuyện chỉ là giả định, song ta vẫn tin là thực, y như khi đã chơi, dù đây chỉ là trò chơi đơn giản nhất như chơi trốn tìm chẳng hạn, ta vẫn hồi hộp khi đi trốn, và thoáng một trút rùng mình khoan khoái, khi người đi đuổi lướt qua chỗ mình mà không hay biết. Theo Iu.Sé mionov, nếu nhà văn nói chung là những kiến trúc sư của tâm hồn, thì trong tiểu thuyết trinh thám - tình báo, họ phải trở thành những kiến trúc sư tài ba của cốt truyện. Nghĩ được những dạng cốt truyện mới như tạo ra những model máy mới thì càng hay; nhưng tối thiểu, ngay khi sử dụng những model quen thuộc, anh cũng phải làm sao để cỗ máy của anh chạy tốt, các ốc vít đều thật chặt, thật khít, dây chuyền hoạt động hợp lý. Ai đã đọc trinh thám đều nhờ cảm tưởng sau khi tập trung tinh lực dồn tới những trang sách cuối cùng, ta phải bỏ ra ít phút để hồi tưởng lại toàn bộ thiên truyện, nhất là khôi phục cho được đường dây vận hành của nó, đánh dấu lại trong óc những điểm nút quan trọng của nó, sau đó, mới hoàn toàn chia tay để bắt sang một công việc khác.
Nói tới nhân vật trong sách trinh thám, xét theo tiêu chuẩn văn học “nghiêm chỉnh” thì việc xây dựng nhân vật ở đây quả là “có vấn đề”. Thế giới nhân vật không đa dạng. Thật khó lòng tìm được trong truyện những nhân vật có vẻ hồn nhiên, chất phác, hoặc thất thường, đỏng đảnh, nói chung là loại người tính nết kỳ cục, độc đáo. Dù rồ dại đến mấy, cũng không ai cử loại người đó đi làm điệp viên sang đất địch, hoặc đi dò xét một vụ án hình sự. Chỉ có một loại người được chọn làm nhân vật chính trong các tác phẩm trinh thám - tình báo , đó là những con người cực kỳ thạo đời, tỉnh táo, phản ứng kịp thời, tính toán mau lẹ, giỏi đóng kịch, giỏi thích ứng với những hoàn cảnh căng thẳng. Một sự lựa chọn như thế, dĩ nhiên, có làm cho truyện tình báo nghèo nàn đi ít chút. Song khi đã cầm lấy sách trinh thám - tình báo, tức phải chấp nhận đây là một nguyên tắc trò chơi nữa, và người ta lại dễ dàng mê các nhân vật tưởng rất khuôn sáo đó, chạy theo họ, coi họ như người quen, như bè bạn. Chỉ cần không quá thiên kiến người ta phải nhận nhân vật chính trong các truyện thường là loại người hấp dẫn. Trước tiên, họ có phẩm chất của những quân nhân, những chiến sĩ hết lòng vì công việc, có thể sẵn sàng gạt bỏ mọi nhu cầu thông thường và làm tất cả để thực hiện vai trò và được giao phó. Song họ lại cũng là những người lao động cực kỳ cần mẫn. Nhận việc điều tra một vụ án nào đó, hoặc trở thành một điệp viên “một mình chiến đấu trên một mặt trận”, có nghĩa là người ta sẽ phải làm việc 15-20 giờ một ngày, nhiều phen đăm đắm suy nghĩ gỡ nút công việc , rồi lại nhiều phen vạch tìm từng nắm tro tàn, xét kỹ từng mẩu thuốc để tìm cho ra những chi tiết liên quan đến công việc. Khả năng phân tích xem xét và yêu cầu tìm quyết định một cách khách quan khoa học khiến ta liên tưởng mỗi cán bộ điều tra, mỗi điệp viên như thế này giống như một nhà khoa học tỉnh táo, thận trọng. Song ở họ cũng rất cần khả năng tưởng tượng, linh tính, sự nhạy cảm, nói chung là phẩm chất của nghệ sĩ.
Tổng hợp trong mình những yêu cầu đó, các nhân vật chính trong truyện trinh thám tình báo có trở nên hấp dẫn, và giúp thêm cho thể loại này “ma lực” thu hút người đọc thì cũng không phải chuyện lạ!
V
Cũng như khoa học viễn tưởng, truyện trinh thám - tình báo có bà con họ hàng với các loại truyện phiêu lưu mạo hiểm, đã phát triển trong các thế kỷ trước. Đó là những tác phẩm có cốt truyện năng động, nhân vật trong đó hoặc là du lịch tới những miền đất xa lạ, hoặc rơi vào những tình thế hiểm nghèo, phải tìm đủ cách mới vượt thoát nổi. Bất ngờ luôn luôn chờ đợi họ. Đời họ như bị ném từ tai hoạ này tới thử thách khác, và chỉ do chỗ là những tính cách mạnh mẽ, có chí khí, có lòng quả cảm họ mới đứng vững. thuộc loại “cổ điển” trong dòng văn học phiêu lưu mạo hiểm này, người ta hay kể các tác phẩm của G.Swift, D.Defoe, R.Stivenson , Mayne Reid (Anh), A.Dumas (Pháp) v.v... Chúng ta cũng tìm thấy màu sắc phiêu lưu trong văn học hiện đại - ở văn học Xô-viết, đó là một số tiểu thuyết của V.Kaverin (Truyền trưởng và Đại uý), B.Polevoi (Vàng) hoặc của các nhà văn khác như L.Nikulin, A.Rybakov v.v... Tuy thỉnh thoảng vẫn bị ít lời dèm pha, nhưng các tác phẩm loại này vẫn có sức hấp dẫn lớn, đối với thanh thiếu niên.
So với các “bậc tiền bối” của mình, truyện trinh thám - tình báo có phần độc đáo hơn, theo những luật chơi ngặt nghèo hơn, nên thường được khen ngợi bằng những lời lẽ mặn mà, song cũng chuốc lấy những công kích rất cay nghiệt.
“Hy vọng rằng sẽ có một cuốn sách tốt, không phải một thứ trinh thám nào đó” - Trong câu thơ ấy của E.Evtuchenko (Dẫn theo V.Kovski, tài liệu đã nói ở trên) người ta thấy rõ sự đối lập giữa “cuốn sách tốt” và “một thứ trinh thám nào đó”. Mà đấy chẳng qua chỉ là một lời chê thông thường, những câu mà ai cũng có thể nói và thường vẫn nói, khi nghe nhắc đến trinh thám. Từ chỗ cho rằng nó không đi sâu vào tâm lý con người, cách miêu tả nhân vật không đa dạng, người ta đi tới kết luận là loại truyện này làm chai lỳ đầu óc và góp phần bồi đắp một mỹ cảm thấp cho những ai đọc nó. Khá lắm, người ta nghĩ loại tiểu thuyết này giống như một thứ thức ăn độn, chỉ được cái ngon miệng, còn thì vô bổ (như món măng chứa toàn xenluylô mà dân ta vẫn ăn chẳng hạn!).
Trước những lời chê kiểu đó, có muốn khen, những người ủng hộ truyện trinh thám - tình báo cũng phải tìm cách rào đón cho chặt. Tôi đồng ý là nhiều truyện kém nhưng đó không phải là lỗi của thể loại mà là lỗi của từng tác giả. Đúng, một tiêu chuẩn của tác phẩm văn chương chân chính là phải cho người ta thấy những vấn đề nhân sinh, tức giúp cho người ta thấy nên sống như thế nào; lại nữa, trong đó, phải rõ nhân cách của tác giả, văn phong của tác giả, cái đó loại truyện này còn yếu, nhưng không phải không có. Ví dụ, trong tác phẩm của Simenon, thấy nhiều vấn đề tâm lý được mang ra trong phân tích, khiến cả Martin du Gar, Hemingway, Mauriac cũng phải có cảm tình với sáng tác của ông, và nhà văn Anh S.Snow phải kêu lên rằng Simenon có một hiểu biết về con người rất rộng, thậm chí có thể nói là hơn hẳn so với nhiều nhà văn thế kỷ XX (Dẫn theo bài viết trên báo Văn học Liên Xô, tháng 2-1983, nhân dịp Simenon 80 tuổi). Nhưng không phải chỉ có những lời dè dặt như vậy. Trong một cuốn sách mang tên Du lịch vào thế giới của trinh thám, một nhà nghiên cứu Hungary còn đưa ra nhiều bằng chứng khác; theo ông, trong gần 150 năm tồn tại của nó, từ 1841 đến nay, trinh thám đã có được không ít tác phẩm thuộc loại kiệt tác. Nhà nghiên cứu Hungary này còn kể ra một loạt nhân vật lớn trong văn học Hungary và văn học Xô-viết (như M.Saguinian, A.Akhmatova v.v...) thích truyện trinh thám. Riêng một người vốn lạnh lùng như Brecht thì lại dành cho thể truyện này những lời lẽ rất nồng nhiệt. Theo ông, tiểu thuyết trinh thám “giống như một trò chơi xếp chữ”, ở đây người đọc luôn thích thú vì được theo dõi con người hành động có hiệu quả rõ ràng cụ thể đó “Hàng ngày, có mấy khi chúng ta có điều kiện để tập trung suy đoán một cách căng thẳng như vậy?”, ông tự nhủ. Người ta kể rằng Brecht cả đời mê trinh thám, đã thử viết trinh thám nhiều lần mà không viết được. Âu đó cũng là một nghịch lý nho nhỏ trong cuộc đời con người hay phát biểu nghịch lý này. Có phần may hơn Brecht chút ít là trường hợp nhà văn lớn Bungari Pavel Vezhinov. Ông không chỉ là tác giả của những thiên truyện giàu chất trữ tình và mang tính triết lý sâu sắc như Barie, Kích thước mà còn là tác giả của một truyện trinh thám ‘có hạng” là Bày dơi xuất hiện trong đem, được đưa vào tuyển truyện trinh thám nước ngoài in ở Liên xô, 1972 . G. Greene , S.Snow , A.Merdoch (Anh ), K.Abe (Nhật), thường thích pha một chút trinh thám vào tác phẩm. Riêng nhà viết kịch Thuỵ Sĩ F.Durenmatt lại coi tiểu thuyết Viên thẩm phán và tên đao phủ của mình, một cuốn trinh thám thực thụ, nhưng vẫn là một tiểu thuyết tâm lý thuộc loại “không chê vào đâu được”. Như ở trên chúng tôi đã nói, nhiều khi quanh quẩn mãi với các vấn đề thật cao xa mà ngòi bút mình thừa sức biểu hiện, các bậc “đại gia” đâm chán; phải “xuống đường”, “lê la” như thế này, họ mới yên lòng.
VI
Trong một bài viết in trên tạp chí Những vấn đề văn học, số 9-1976, nhà văn A.Adamov mở đầu, phần bàn về truyện trinh thám - tình báo Liên Xô bằng nhận xét: “Trong văn học Nga, thể trinh thám không phát triển; chúng ta không có những bậc thầy, những người thuộc loại khai sinh cho thể loại này”.
Đó là một sự thực.
Sau Cách mạng 1917, đây đó các nhà văn cũng nói tới hoạt động của những người làm công tác an ninh, hoặc lấy đề tài từ các vụ án để viết truyện ký, nhưng một thứ trinh thám thuần tuý vẫn hầu như chưa có. Từ những năm bảy mươi trở đi , tình hình có thay đổi, sách viết về các vụ hình sự, đặc biệt là sách viết về hoạt động tình báo - phản gián ngày một nhiều, và một số, đã được bạn đọc Xô viết ưa thích, hơn thế nữa đã đi khá xa, khỏi biên giới Xô-viết, đó là trường hợp của những Chiếc khuy đồng, Nam tước Phon Gonrinh, Sợi chỉ mỏng manh, Hiệp hai v.v... (bạn đọc Việt Nam đã có dịp quen biết các tác phẩm này qua các bản dịch). Về mặt tác giả, người ta bắt đầu thấy những người chuyên đi sâu vào thể loại này, như N.Atarov, P.Chestakov v.v.. và cả A.Adamov mà trên đây, chúng ta hay trích dẫn. Thoạt đầu, họ chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn trong thang bậc các giá trị văn học, bằng chứng là không một ai trong số những người vừa kể được đưa tên vào các tập sách như Đại bách khoa toàn thư Liên Xô hoặc Từ điển bách khoa Xô-viết (1 tập ). Nhưng thời gian đã làm công việc sàng lọc. Một ví dụ: theo một cuộc điều tra ở Liên xô trong năm 1983, được giới thiệu chính thức trên báo Văn nghệ ở ta đầu 1984, trong số 10 nhà văn được đọc nhiều nhất ở Liên xô, bên cạnh Iu. Bondarev, S.Aitmatov... có Iulian Semionov, và nếu mở rộng ra đến 20 người, thì bên cạnh những Iu.Trifonov, E.Evtuchenko v.v... có anh em Arkadi và Gueorgi Vaine. Vậy sự thực là như thế nào? Người ta bắt đầu than phiền về tình trạng mâu thuẫn: sáng tác phát triển mà công tác nghiên cứu, hoặc nói rõ hơn là việc tổng kết những đặc điểm của thể loại trinh thám lại chưa theo kịp. Một số tờ báo, tạp chí, kể cả những cơ quan hết sức nghiêm chỉnh như báo Văn học, tạp chí Thế giới mới (Novy Mir), tạp chí Những vấn đề văn học bắt đầu đăng những bài viết kỹ càng, hoặc tổ chức những cuộc thảo luận rộng rãi về sự phát triển của truyện trinh thám - tình báo trong, ngoài nước. Kể ra tình hình cũng không có gì đáng bi quan. Trong khi không sa vào vết mòn của tiểu thuyết trinh thám ở các nước tư bản như đi quá sâu vào những chuyện chết chóc cốt gây tâm lý sợ sệt, hoặc tuyên truyền cho một cách sống hưởng lạc, trắng trợn... đồng thời trinh thám Xô-viết vẫn hết sức tôn trọng những nguyên tắc thể loại, và tìm cách đổi mới nó một cách hợp lý. Hiện nổi lên hơn cả, trong khu vực này là các sáng tác của Iu.Semionov. Cùng với Tháng tám năm bốn tư của Bogomolov, cuốn Tass được quyền tuyên bố của ông gần đây dư luận đông đảo đánh giá cao. Bên cạnh tiểu thuyết tình báo, Iu.Semionov cũng viết những tiểu thuyết hình sự như Nhà số 6 phố Ogareva. Trong một bài viết mang tên Thi pháp của trinh thám, in trên Novy Mir số 1-1978, một tiến sĩ khoa học ngữ văn đã nhận xét về tác giả Tass được quyền tuyên bố: “Semionov coi thể loại trinh thám đúng là văn học, nên những gì mà ông viết ra cũng được tiếp nhận đúng là văn học”. Đối với một người viết trinh thám, tưởng không có gì quý hơn một lời khen như thế.(*)
VII
ở vào chỗ tiếp nối giữa văn học và các khu vực không văn học khác, thể loại tiểu thuyết trinh thám - tình báo là một tập hợp của những giá trị không đồng nhất. Trở thành văn học chân chính, cái tiềm năng ấy vốn chia đều cho mọi tác phẩm, nhưng biến được tiềm năng ấy thành hiện thực, lại là chuyện rất khó, trong khi người ta có thể rơi xuống vực sâu của thứ “văn chương” phàm tục bất cứ lúc nào. Trên kia chúng tôi đã nhắc qua série-noir mà một phần không nhỏ thường được coi là những tác phẩm độc hại . Nhưng không kể série-noir, mà ngay đối với thứ trinh thám đúng đắn của những tác giả có thiện chí, dư luận xã hội thường khi vẫn tỏ ra khá dè dặt, và sự dè dặt đó là có lý. Trong một cuộc điều tra xã hội học tại Pháp, khi người ta hỏi hơn bốn ngàn thanh niên xem họ đọc gì, thể loại nào họ thích nhất, thì đến 60% người đọc hỏi nêu ra những cuốn sách thuộc loại trinh thám, gián điệp, truyện phiêu lưu, chỉ có 20% nhắc đến tác phẩm cổ điển, và số còn lại, nêu các loại tác phẩm khác. Nhưng cũng câu hỏi đó, khi tráo đi một chút, hỏi quyển sách nào nhân vật nào để lại trong họ những ấn tượng sâu sắc nhất, thì không một cuốn trinh thám nào được nhắc nhở, và người ta toàn nêu ra những nhân vật của những nhà văn nghiêm chỉnh(**). Đây không phải hiện tượng riêng ở Pháp, mà ở nước nào cũng vậy.
Trong sự phát triển có sự rầm rộ của mình, trước sau sách trinh thám - tình báo chưa thoát khỏi tình trạng một loại văn “nhẹ cân”. Trong cuộc thảo luận về trinh thám ở Hungari, quê hương của Rubích, đã có người ví thể loại này với những khối lập phương đầy sức cám dỗ nọ. Nói chung, rất nhiều người thống nhất xem trinh thám là một thứ trò chơi trí tuệ, giúp cho người đọc xả hơi sau những giờ mệt mỏi, để rồi không quên cảnh báo: cẩn thận, nếu không những cuốn sách giúp ta vui vẻ chốc lát đó, lại trở thành những cuốn sách ru ngủ, khiến cho người ta chìm mãi vào trong quên lãng.
Thế thì nên đối xử với sách trinh thám - tình báo thế nào cho đúng? Theo chúng tôi hiểu, thái độ nên có là thận trọng nghiên cứu nó, sử dụng đúng đắn những chỗ mạnh của nó. Nhằm khai thác hết tiềm năng hiện thực mà thể loại vốn có, điều quan trọng ở đây là cần có sự tham gia của những nhà văn có tài, có cốt cách văn học và có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, cũng như cần có sự cầm cân nảy mực chính xác, sự đánh giá tỉnh táo của dư luận xã hội. Công việc không dễ, nhưng là việc phải làm. Bởi qua câu chuyện sách trinh thám - tình báo, ta không chỉ biết về một thể loại độc đáo mà còn có dịp thấy rõ hơn sự đa dạng trong nhu cầu tinh thần, sự định hướng khá phức tạp của cảm quan thẩm mỹ con người hiện nay. Đó là những điều mà mọi người làm công tác văn học, bất kỳ ai, kể cả những người không mê trinh thám - tình báo chút gì, cũng nên quan tâm.
5-9-1984

(*) Trong thời kỳ hậu xô-viết , có một tác giả trinh thám được nhiều người công nhận , đó là A. Marinina
(**) Dẫn theo tạp chí Những vấn đề văn học , số 10-1978
SỐ TRUY CẬP online