NƯỚC TÔI DÂN TÔI 2009

Quý quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ nên lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập. Thực lực của quý quốc là dân trí dân khí và nhân tài

Lương Khải Siêu khuyên Phan Bội Châu

NƯỚC TÔI DÂN TÔI

( nhật ký xã hội)

Từ 9-08 tới 7-09

2-9-08

Cái xu thế chính của đời sống là một sự đồng nhất hóa. Cái đó đã có từ chiến tranh. Và nay thì bộc lộ trong phát triển, người ta trở nên giống nhau ở sự hư hỏng, các thành phố trở nên giống nhau ở sự nhếch nhác.

Nhiều người kêu xem phương án Đà Lạt phát triển thì thấy chẳng giống gì các thành phố khác. Còn gì là Đà Lạt nữa.

Qua sự miêu tả của mấy tác giả như Võ Văn Hiền, Vũ Quốc Thúc tôi hiểu v/đ của nông thôn VN nói riêng, của xã hội VN nói chung là thiếu tầng lớp elite, bộ phận tinh hoa dẫn đường. Ở đâu cũng thấy tình trạng đó.

Tôi đọc Tư duy kinh tế VN ( Đặng Phong). Mọi chuyện ở VN lạ môt nỗi, cái gì cũng có người biết, nhưng ý kiến kém vớ vẩn thường thắng ý kiến tốt. Và tình cảnh chung bây giờ thì thê thảm như chúng ta thấy .

7-9

Có hai hiện tượng cùng tồn tại

-dân đông lên, sức ép của bùng nổ dân số ai cũng thấy

- trong khi đó nòi giống thoái hóa. 1/3 trẻ em suy dinh dưỡng

Nhìn vào lớp trẻ hiện nay Nhiều khi 25-30 họ đã mắc rất nhiều bệnh

Trên một tác phẩm mang tên “ quyển sách trắng về sức khỏe ‘ của một tác giả TQ, tôi thấy người ta nói rằng người bị bệnh có thể tạm chữa khỏi, nhưng nếu không chữa tận gốc con người còn tồn tại đó nhưng xuống cấp biến thành một thứ người loại hai.

Phải chăng dân mình hiện nay người loại hai đã lên tới mức trở thành…bộ phận chính của dân số .

*Báo TT&VH có bài nói về stress trong giao thông VN: bị tạt đầu xe, bị người đằng sau thúc ép vượt đèn đỏ bị còi hơi xe tải làm cho giật mình bị tắc đường bị chửi mắng vô cớ … Sự hỗn lọan trong giao thông biến thành sự hỗn loạn trong ý thức con người

* Xì căng đan của cuộc thi hoa hậu bắt đầu từ một việc nhỏ: ông trưởng ban tổ chức giải trao vương miện cho hoa hậu, vương miện bị rơi.

Còn đi sâu vào, thì hóa ra toàn chuyện gian dối. VNN có bài xem như một cú sốc của văn hóa dân tộc. Người mình cái gì cũng muốn làm theo thế giới, mà lại chỉ mong hạ chuẩn so với thế giới. Có người lên tiếng bênh hoa hậu ăn gian này, nói “ em rất đáng thương “. Nhiều người cho là nên hạ thấp tiêu chuẩn văn hóa xuống, bắt các em học thêm văn hóa tức là bỏ phí bao sắc đẹp. Không chừng những ý tưởng này sẽ thắng, thì chết hết !

Một trong những hướng làm việc của tôi là hiểu dân mình qua nhận xét của người nước ngoài.

Cuốn sách của Devilles có cái tên Việt nam và Pháp Bạn hay thù Nhưng sự thật tên đó là đối tác hay kẻ thù.

Ở ta, quan niệm về kẻ khác khá chật hẹp. Chỉ hoặc bạn là kẻ hùa theo mình , thù là kẻ chống mình; người hiểu tính chất trung tính của đối tượng giao tiếp còn ít.

Và tự bằng lòng với một cái nhìn cố định, cứng nhắc .Hôm nay là bạn mai là thù thì thì sao?

Nhiều người kể rằng tại một cuộc hội thảo, một nhà nghiên cứu có báo cáo tính chất hậu hiện đại trong truyện của Phạm Thị Hoài Nguyễn Huy Thiệp. Mấy người nước ngoài bảo anh nói vậy tôi thấy không thuyết phục, ở VN chẳng có gì liên quan tới hậu hiện đại cả.

Hàng giả hàng kém phẩm chất nhiều quá, có thể thấy mức độ nguy kịch qua tin về chỉ thị của Thủ tướng. Chỉ thị chỉ rõ nơi nào để hàng giả hàng xấu lan tràn, chủ tịch UBND khu vực phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Có báo đưa tin xin giấy phép là phân bón dễ quá giá cả tùy tiện quá đến mức công ti du lịch cũng có giấy phép sản xuất phân bón.

Lừa nông dân thì dễ và người ta hùa nhau đi lừa.

10-9

TBKTSG đưa tin tàu nước ngoài từ chối vận chuyển trên kênh Thị Vải vì nước ở đây bẩn quá, làm hỏng cả vỏ tàu họ.

Nhớ mấy năm trước có tin nhiều loại tàu VN không được phép cập bến cảng nước ngoài. Vì tàu ta thường bé quá điều kiện vệ sinh kém, xả các thứ bẩn thỉu xuống môi trường của họ. Và cũng cì nhân viên hàng hải của ta ra nước ngoài mà quê quá, không hiểu luật pháp quy định của người ta.

Cũng như nhớ các đại sứ quán của ta ở nước ngoài. Bao giờ trông ngoài cũng cổ lỗ nghèo hèn mà vào trong thấy dân ngoại giao, cứ có cảm tưởng hình như lo đi buôn cho chính mình nhiều hơn lo việc công.

Trước đây ta hạn chế không cho thanh niên tiếp xúc với nước ngoài. Nay cho họ đi, họ không thể hội nhập với thế giới .

Trong những trường hợp tốt nhất, người Việt ra nước ngoài chỉ lo làm việc kiếm sống. Họ dành rất ít thời gian cho sự suy nghĩ và nói chung là đời sống tinh thần.

18-9

Nhớ những năm chiến tranh nhà văn Simonov sang thăm VN bảo đến đây ông mới hiểu truyền thanh ghê gớm như thế nào. Phan Hồng Giang bảo tôi, mình tưởng là nó khen, nhưng thật ra là nó sợ. Bằng cái loa, người ta gây sức ép với nhau hàng ngày hàng giờ.

Hôm nay ngẫu nhiên tôi đọc được một nhận xét “Còn hơn cả phim ảnh, radio mang lại cho thính giả một cảm giác cộng đồng mãnh liệt , cái ý thức rằng mình là phần tử của một quốc gia cũng như sự gần gũi đặc biệt của người ta với những lãnh tụ tinh thần “

Nhiều lần trên đường phố, tôi bắt gặp những người nông dân lên thành phố dùng loa điện để rao hàng. Ngay cả ở những chỗ vắng, cũng vẫn to tướng. Họ nghiện chăng? hay họ hoàn toàn vô cảm?

23-9

Trong một báo cáo về tham nhũng trên thế giới

Ở các nước nghèo nhất, mức độ tham nhũng có thể là sự khác biệt giữa sống và chết, khi liên quan đến tiền cho bệnh viện và nước uống. Sự kéo dài của nghèo đói và tham nhũng đã dồn nhiều xã hội đến tình trạng thảm họa nhân đạo và không thể chấp nhận”.

Một người giấu tên viết trên mạng giải thích hiện tượng tham nhũng :

Dân Việt Nam từ rất lâu đã có những thói quen tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển, "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", nhìn cả giao thông Việt Nam cũng thấy rõ: mục đích luôn là chính, luật pháp và những người khác không bao giờ được tôn trọng.

Ngay cả cái thứ gọi là "tình cảm" giữa các quan chức với quan chức, quan chức với dân cũng không rõ ràng. Dân Việt Nam không có thói quen hoặc chưa quen sòng phẳng, mọi chuyện đều giải quyết bằng tình cảm.

24-9

Chung sống với tham nhũng để được việc

Mạng Đất Việt 24/09/2008 96% doanh nghiệp VN 'dính' tham nhũng

Khảo sát gian lận trên toàn cầu lần thứ 10 (chu kỳ hai năm) được Ernst & Young tiến hành với 1.186 cuộc phỏng vấn lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp ở 33 quốc gia năm 2008, trong đó có ViệtNam.

Theo đó, có tới 96% các doanh nghiệp Việt Nam được phỏng vấn đã từng có liên quan đến việc hối lộ hay tham nhũng trong vòng hai năm trở lại đây. Tỷ lệ này gần gấp đôi mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và gấp gần bốn lần mức trung bình toàn cầu. Có 60% doanh nghiệp Việt Nam được phỏng vấn cũng thừa nhận đã từng bị yêu cầu đưa hối lộ để có được hoặc tiếp tục được nhận các hợp đồng kinh doanh. Tỷ lệ trên cao gần gấp ba so với mức trung bình toàn cầu. Cũng có tới 48% doanh nghiệp Việt Nam cho biết đã từng bị mất hợp đồng vào tay đối thủ cạnh tranh chỉ vì đã không chịu… đưa hối lộ.

26-9

Ở Tây nguyên đang có “tiêu tặc”. Một gia đình trồng hồ tiêu, một đêm bị nhổ sạch 1500 gốc.

Ăn cắp đang biến thành ăn cướp, để hiệu quả nhanh hơn.

Một nhà hoạt động của tổ chức minh bạch quốc tế cảnh cáo rằng tham nhũng sinh ra đói nghèo, và cả quyết rằng đói nghèo không sinh ra tham nhũng.

Tôi nghĩ đó là bà không biết tình hình VN thôi. Ở VN, đói nghèo là một lý do cho người ta tham nhũng. Rồi sau thành thói quen, đã giàu rồi vẫn tham nhũng. Đó là những người nghèo hèn tận trong hồn cốt, cái giàu chỉ đến với họ tạm thời họ không bao giờ trở thành người giàu.

Tin trên VTV1 25-9

Mỗi năm VN bỏ ra một tỉ USD để nhập đậu tương làm thức ăn cho người và gia súc

Báo NTNN đưa tin thị trường tràn ngập thực phẩm ngoại. Riêng số thịt tám tháng đầu năm nay nhập đã bằng ba lần cả năm 2007. Tủ lạnh nhà tôi cũng xếp toàn trứng gà Ai Cập.

NTNN chạy tít Nhập như thế là phá nát ngành chăn nuôi nội địa .

2-10

Đi đến Láng, thấy nhiều hàng sách cũ teo lại, toàn bán sách mới tuồn ra từ nhà in.

Cửa hàng sách ngoại văn phố Hai bà Trưng, mấy năm trước lộn xộn song còn sách. Ví dụ như sách Trung quốc. Nay thì người ta cũng dọn hết đi. Chỉ còn một ít sách tranh.

Tôi muốn khái quát ở đất nước này, cái cũ nguyên vẹn cũng không còn nữa. Nó chui ra dưới hình hài những cái mới, một cái mới hào nhoáng hơn, sinh sắc hơn bên ngoài nhưng lại thối rữa tự bên trong.

Đọc sử thời Hồ Quý Ly bị nhà Minh xâm chiếm. Họ đến để dạy dân mình làm ăn. Tại sao họ vứt sách mình ? Vì toàn sách sao chép của Tàu mà sao chép không nên thân. Họ phải đốt đi, mang sách gốc sang dạy

Khái quát : trong ngoại xâm có việc truyền bá văn hóa.

4-10

Kinh khủng quá, khi đọc một loạt bài báo nói về tình hình nước ngoài

· Bài viết về Afganistan : tiền của Mỹ đổ vào chỉ đủ xây dựng quân đội, còn chính quyền và công an vẫn tham nhũng, không sao tạo nổi một xã hội bình thường

· Bài về Nhật – cả nước mất phương hướng, không còn đưa ra được những đề án mục tiêu lớn huy động được sinh lực cả nước.

8-10

Một bài về nghĩa trang chính của Manila Philípin: đó là nơi người chết ở lẫn người sống. Nhiều người vốn là dân các xóm nghèo, xóm ổ chuột. Khi thành phố mở rộng, muốn giải phóng mặt bằng, bọn chủ thuê lưu manh đốt các nhà này cà người ta phải ra tha ma. Ở đó người lớn đi làm, trẻ con đi học. Có cả những lớp tiếng Anh dạy cho bọn trẻ con bụi này. Lớp do những người làm từ thiện từ Hàn quốc tới chi tiền.

11-10

VTV đưa : trước chiến tranh, người Việt trung bình cao hơn người Nhật 2cm. Nay trung bình thấp hơn họ 10 cm. 1/3 trẻ em VN không đạt chuẩn cao mà các tổ chức nghiên cứu quốc tế xác định là mức trung bình của người Việt

Mưa to, gần TP HCM có quãng tắc xe trên 10km, và tắc trong 8 giờ liền.

Những ngày thu điển hình. Mưa vào bất kỳ giờ nào trong ngày, mưa thường vừa phải, không ào lên như mưa giông mùa hè, trong mưa không thấy ghê sợ mà chỉ thấy buồn một nỗi u sàu dai dẳng. Sau mưa nắng vàng hơn, trong hơn, thắm thiết hơn.

Sao một đất nước tươi đẹp như thế này mà con người sống khổ sở như vậy

14-10

Đang có một cuộc hội thảo về triều Nguyễn. Chắc chỉ loay hoay bàn xem nhà Nguyễn công hay tội.

Phần tôi, nếu được nói thì thấy nhà Nguyễn rất giống chúng ta. Các tài liệu nghiên cứu nói rằng Nguyễn Ánh sinh ra để chiếm lại đất nước chứ không phải quản lý đất nước.

Vì sợ tồn tại của triều đại mình, có kéo trời sụp, vương triều này cũng sẵn sàng.

Theo dòng lịch sử dân tộc của Phan Quang (HCMC,2004),Tr 992 có câu: nhà Nguyễn thà mất nước chứ không mất đạo .

Đã quá quen thuộc cái lối nói Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà. Tôi nhìn trong đó cái quan niệm “ dùng bất cứ phương tiện gì cũng được, cốt đạt tới mục đích “. Bằng chứng là về sau, Nguyễn Ánh lại bế quan tỏa cảng.

Những người kế nghiệp Nguyễn Ánh lúc nào cũng nghĩ là mình chẳng kém gì Trung Hoa và muốn chính thống hơn Trung Hoa.

18-10

Khi nào rỗi tôi hay trở lại với Luận ngữ của Khổng Tử. Đọc để làm gì? Để học thêm cụ Khổng trong cách nhìn người.

Tết này tôi định viết cho TBKTSG một bài tạm đặt tên là “ Khổng tử -- người dự báo tiềm năng hư hỏng của con người “

19-10

Lại một ý nghĩ tội lỗi chăng? Nhưng mấy hôm nay, tôi hay tự nhủ : Dân mình được như ngày nay đã may lắm. Tự nghĩ xem mấy thế kỷ nay ta chỉ đánh nhau chứ có làm gì cho nhân loại. Mấy chục năm nay nữa, toàn đào của cải trong lòng đất mang bán. Thế mà tự nhiên có điện thoại di động để mà trò chuyện với họ hàng tận trong Sài Gòn, có mạng để mà đọc báo bên tây bên tàu, có máy bay tàu hỏa để mà nếu muốn có thể đi du lịch cả nước và bò sang đủ loại xứ sở khác nhau của thế giới.

Bà cô bên vợ tôi là bà Hằng có lần kể cũng nhờ có bị đuổi di tản mà con cái mới được học đại học bên Mỹ. Chứ ở Sài Gòn trước 1975, có ai dám mơ. Tiền đâu?

26-10

Hứng chí sáng qua tôi ngồi viết một bài báo . Gửi đi ngay để rồi chờ mãi không thấy có ai phản hồi gì. Chẳng muốn gửi đi đâu nữa, chép tạm vào đây

ĐỂ KHUYẾN KHÍCH MINH BẠCH,

TÔI LẠI THẤY NÊN THƯỞNG CHO NGÀNH ĐIỆN

Theo cách nói hình ảnh thì gần đây nhiều người “bỗng dưng muốn khóc” khi ngành điện đòi thưởng.Mọi chuyện bắt đầu từ một đoạn tin trên Tuổi Trẻ, 20/10:

Chỉ với một "thành tích" để cho nền kinh tế thiếu điện gay gắt, EVN đã không đáng được thưởng nếu không muốn nói phải phạt, cần xem lại trách nhiệm và năng lực của những vị lãnh đạo tập đoàn này. Có không ít câu hỏi phải đặt ra với lãnh đạo EVN, nhưng câu hỏi đáng nói nhất là người dân có đáng phải bị cắt điện nhiều thế không?"

Ông Nguyễn Đình Cung, trưởng Ban nghiên cứu vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đặt ra một câu hỏi như vậy trước sự kiện EVN đề nghị trích hơn 1000 tỷ đồng từ nguồn thu chênh lệch giá điện năm 2007 để thưởng cho người trong ngành.

Tôi có ý kiến ngược lại:

Trước tiên tôi đồng ý rằng ngành điện vừa qua có lỗi là để thiếu điện gay gắt. Nhưng nên đặt lỗi đó vào cái lỗi chung của nhiều bộ ngành khác để thấy nó cũng chỉ là chuyện bình thường. Ngành giao thông để cho đường xá thiếu thốn hư hỏng, chẳng phải là cũng làm khổ dân hay sao ? Nếu người dân không đáng bị cắt điện thì họ cũng không đáng phải đi lại trên một hệ thống giao thông rách nát, cổ lỗ như thế này.

Trong mối quan hệ với các mặt dân sinh, gần như tất cả các ngành khác đều “ có vấn đề “ tương tự. Chúng ta không đáng phải sống trong các đô thị ngập bụi và đầy chất độc hại, con cái chúng ta không đáng phải theo học trong những trường sở nhếch nhác và giáo viên kém cỏi, không đáng phải “vỡ lòng” bằng những bài văn viết cẩu thả luộm thuộm như hiện nay… Chẳng qua những chuỵện ở các đã quá quen, mà chuyện ở ngành điện mới xảy ra nên chúng ta thấy không thể chịu nổi thế thôi.

Trong các gia đinh thường thấy có sự bất công: một trẻ đang ngoan chỉ phạm một lỗi nhỏ thì bị rày la nặng nề; còn anh nó hay em nó lâu nay hư hỏng thì chỉ vừa mới tử tế một tí là cả nhà đã xúm vào o bế, xuýt xoa nịnh nọt. Hóa ra trong việc quản lý xã hội cũng có tình trạng tương tự.

Nhìn vào nhiều ngành, thấy việc khen thưởng hiện nay rất tùy tiện.

Một là nó chẳng phụ thuộc vào chuỵện làm ăn thành công hay thất bại gì hết. Vì cái gọi là thành tích cũng rất khó xác định.Có nhiều sự kiện mới nhìn tưởng là thành tích song xét về lâu dài lại là tội lỗi.

Hai là người trong cuộc không báo cáo ra thôi, chứ thực ra lâu nay vẫn thưởng cho nhau theo kiểu “ thả phanh”, không có bờ có bến nào là giới hạn. Đây là chuyện người ta rỉ tai nhau thường xuyên, nó quyết định tới cả những việc cụ thể như các gia đình định hướng ngành nghề cho con cái ra sao, hoặc cái giá người ta đưa ra với nhau khi chạy một chân biên chế dao động thế nào.

Sở dĩ như vậy vì mỗi ngành mỗi cơ quan là một vương quốc độc lập và sự kiểm soát thu chi thì lỏng lẻo, các báo cáo rất dễ bị làm giả và nhét vào ngăn kéo, nguyên tắc tóm gọn lại là chi một đồng trước dư luận cũng phải tính, còn trong bóng tối thì tha hồ vung vít.

Tính minh bạch là một nhu cầu càng ngày càng cấp thiết, nhưng càng hiểu biết về cách vận hành của bộ máy, người ta càng thấy nó xa vời vợi.

Trong tập tục làm việc như hiện nay, cách làm việc như của ngành điện vừa qua – công khai nói rằng mình đang quản lý một khoản thu chênh lệch và xin được thưởng một mức rất cụ thể -- có vẻ như là một hành động dại dột, tự nhiên chuốc lấy tiếng xấu là không biết điều. Nhưng chỉ riêng cái nguyện vọng muốn đưa tất cả ra công khai cũng đáng được thưởng lắm rồi. Bởi nó đáng cho các ngành các địa phương khác học theo. Còn chuyện xã hội phải tiếp tục có yêu cầu cao với điện lực nước nhà và sẽ phê phán một số thiếu sót của ngành này thì đó lại là chuyện khác.

28-10

Lâu lắm rồi tôi đọc mà cứ nhớ mãi một bài báo nhỏ. Ai cũng biết là đường xe hỏa ở mình rất trống. Vậy mà bây giờ dân đường sắt họ có tính chuyện là xin kinh phí để hình thành nên các rào chắn đó thì phải đi qua cả một loạt cửa ải. Đầu tiên là bản thân người trong ngành họp rồi làm tờ trình lên cấp trên. Cấp trên tham khảo các ngành chuyên môn, nhất là bộ phận tài chính. Rồi lấy ý kiến địa phương. Mỗi địa phương lại luôn luôn có bao nhiêu việc to lớn hơn, chứ cái việc rào chắn này bé quá không ai để ý. Mọi việc cứ thế trôi qua chậm chạp và nhiều khi tắc ở khâu nào cũng không ai biết nữa, mọi cửa ải phiền phức bày ra đến mức không ai đủ dũng cảm để theo đuổi.

Đến một cái việc cấp bách thế không làm nổi hỏi người ta còn làm được trò gì nữa?

5-11

Mấy ngày mưa lụt đài báo đưa tin và các loại bình luận về ứng xử của con người. Nói gọn lại là có nhiều trường hợp bắt chẹt nhau. Nửa tháng lụt có người kiếm cả chục triệu nhờ việc dẫn người và xe qua các bãi lội.

6-11

Diệp là một nữ thanh niên nông dân ra giúp việc cho gia đình tôi gần chục năm nay, đã về quê lấy chồng, rồi hai vợ chồng đưa nhau ra HN thuê nhà ở. Chồng làm nghề xe ôm và vào mùa hè đi phụ cho các ông thợ đi chữa tủ lạnh. Gia đình đẻ con và xin cho con đi học. Từ mấy năm trước, đã mua đất sẵn. Nay cả nhà quay về quê, mở cửa hàng bia.Vậy mà mới vài tháng đã quay ra.Tôi hỏi tại sao. Diệp kể: về làng cũ đấy nhưng không phải làng lúc ở HN mình nghĩ, toàn dân đến uống bia ghi nợ, đi đòi được cũng còn là khó. Các ông uỷ ban quen kiếm chác cũng đến nã tiền. Trong khi đó chồng Diệp từ hồi về quê cũng đâm hư, quen đi đánh bạc, con cái học hành vớ vẩn ( các lớp học nhà quê thiếu học sinh, không khí là một thứ chợ chiều). Ra HN may còn cứu vãn được gia đình.

Nát như... đồng nát

Bài trên VNN Thứ năm, 27/11/2008

Trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cái nghề lương thiện được coi là sự lựa chọn cuối cùng trong nghiệp mưu sinh: nghề đồng nát, ve chai cũng chịu chung cơn bi kịch đó. Nói đúng ngôn ngữ bình dân thì "đồng nát độ này nát lắm".

Vắng tiếng rao!

Cửa hàng thu mua phế liệu của ông Nguyễn Văn An (quê Nam Định) trên ngõ Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội chưa đến cuối giờ chiều đã thấy đông đặc các gánh hàng. Mấy bà thu mua đồng nát nhảy choi choi trên đống vỏ lon bia như lũ trẻ chơi nhảy lò cò.

Ném mình xuống ghế làm điếu thuốc lào, ông An nhăn nhó: "Mấy con mụ này, nhanh chân lên còn đến lượt người khác, đập cho thật kỹ vào, sắp hết chỗ rồi đấy". Hóa ra là mấy bà nhảy loi choi để dẫm bẹp các vỏ lon bia lại rồi cho gọn vào bao. Bốn bà còn lại đang nửa nằm, nửa ngồi chờ đến lượt mình được cân hàng.

Mấy hôm nay, cửa hàng của ông An đã đầy ứ hàng. Chỉ vào mấy chị đồng nát, ông bảo: "Chỉ ưu tiên mua của mấy bà họ hàng ở quê thôi, cho chúng nó kiếm tí cơm qua ngày. Cả phố này chỉ còn mỗi cửa hàng tôi chịu nhận hàng thôi đấy".

Quả thật trên con phố trước đây có hàng chục cửa hàng thu mua phế liệu giờ đã kín đặc hàng, từng đống sắt được chằng buộc kỹ càng rồi vứt ra vỉa hè. Gọi mấy chị đồng nát vào uống nước ông An gạ gẫm: "Hay chúng mày mang đồng nhôm sắt vụn về nhà trọ mà để. Chưa bán được thì tao ứng tiền cho mà đong gạo. Tao bảo thật, cứ găm hàng lại đấy, mấy hôm nữa Mỹ nó chi hết 700 tỷ đô la, nhôm đồng sắt vụn khéo lại đắt như tôm tươi ấy chứ".

Mấy chị giãy nảy: "Bác nói hay thế! Nhà trọ chúng em làm gì còn chỗ mà chứa, mảnh chai, giấy vụn chất như núi. Chúng em chỉ dám chọn mấy thứ đáng tiền mang cho bác thôi. May mà có mấy đôi bỏ về quê rồi đấy nên còn có chỗ mà để chứ không thì đành đem vứt ra bãi rác".

Chán nản, ông An bảo: "Chả về thì ở đây luộc mảnh chai, giấy vụn lên mà ăn à?". Mấy chị góp chuyện: "Bán hàng đồng nát bây giờ còn hơn đi mua hàng thời bao cấp, nhiều khi chờ từ trưa đến chiều, lúc đến lượt mình thì chủ hàng họ bảo: "Hết chỗ để hàng rồi, chiều mai, nếu xuất được hàng thì tao nhập cho". Có tý hàng mà đèo đi đèo lại đến mấy bận".

Gói gém hành trang xong xuôi mấy bà đồng nát rủ nhau: "Thôi về! hôm nay ăn góp nhá, mỗi đôi đóng 15 nghìn đồng, đưa tiền cho bà Thu qua chợ mua cân lòng cho mấy lão uống rượu, chị em mình thì cơm canh là xong. Thời buổi này, ăn thế thôi. Mấy lão này quần quật cả ngày, chiều về không có tý đưa cay, nó nhiếc móc cho thì khổ".

"Quân đoàn" đồng nát này đều quê Nam Trực, Nam Định, có 11 đôi vợ chồng cả thảy, ở chung một nhà mãi tận Văn Quán (Hà Đông). Vợ nhặt rác, thu mua đồng nát, chồng làm thuê, thỉnh thoảng có công trình nào phá bỏ thì mò đến đập bê tông kiếm tí sắt thép.

Chị Thu kể: "Bỏ về quê 4 đôi rồi. Bọn này yếu cả hai vợ chồng đều đi mua bán đồng nát nên không trụ được. Rạc cẳng cả ngày cũng chỉ đủ ăn thôi. Bọn tôi may hơn vì chồng có sức khoẻ, đi phá bê tông kiếm sắt cũng còn đỡ. Tôi cũng tính hết tháng này lấy xong "bát họ" (mỗi đôi vợ chồng của "quân đoàn" này đóng 500.000 đồng/tháng cho 1 người lấy, để mỗi lần lấy còn được một món kha khá) thì hai vợ chồng cũng dắt nhau về quê thôi, bao giờ kinh tế toàn cầu bình ổn (!?) lại lên đây nhặt rác hầu bác An".

Ông An bảo: "Ông đang hầu chúng mày thì có. Hàng không xuất được mà tiền nhà cứ phải nộp đều như vắt chanh". Quay sang tôi, ông bảo: "Cũng cố mà mua cho bọn nó thôi, mình là chủ hàng cùng lắm chỉ mất tiền thuê nhà, bọn nó mới khổ, ai đời sắt vụn trước đây 8.000đ/1 ký chạy hàng tơi tới mà bây giờ nhập 1.500đ/1ký mà cứ lo ngay ngáy. Đèo tạ hàng mà lại chưa được ba chục nghìn thì có khổ không?".

Mấy tháng trở lại đây, giá đồng nát sụt kinh khủng, gần như mặt hàng nào cũng giảm tới 50 - 70% thậm chí còn hơn nữa. Có sự sụt giảm khủng khiếp này đơn giản chỉ vì các đơn vị tái chế đều ngừng hoạt động. Mấy chủ hàng tại đây giải thích: "Các công ty không nhập vào nên đang có tình trạng "sắt ăn thịt người", mỗi ngày không bán được là một ngày nó ngoạm thêm mình miếng thịt!".

Khó hiểu trước cụm từ lạ lẫm, ông An giải thích: "Cửa hàng tôi để được khoảng 5 tấn sắt, thuê mất 3 triệu/tháng. Không bán được mỗi ngày nó ngoạm của tôi mất 100.000 đ còn gì. Mấy bãi đất trống quanh đây cũng bị thuê hết rồi. Không buôn bán được cũng không bỏ cửa hàng được, hàng hóa còn đầy trong ấy, đến tháng vẫn phải trả tiền thuê nhà. Mấy vị ngắn vốn phải bán lại cả cửa hàng cho mấy người trường vốn rồi đấy".

Quay sang mấy chị đồng nát, ông tếu táo: "Lấy tiền xong rồi thì biến để tao còn đóng cửa hàng. Tao bảo thật, về quê đi, bao giờ tao thuê được sân vận động Mỹ Đình để chứa phế liệu thì lại lên tha hồ mà đồng nát, đồng lành."

Lao đao tay búa!

Bụp...bụp...chát! Nghe qua thì biết tay búa lành nghề lắm rồi. Nghe mấy bà đồng nát khi nãy thì mấy đức ông chồng của họ hôm nay kiếm ăn dưới Yên Sở. Họ phá một ngôi trường để xây lại khu mới. Mấy đức lang quân của mấy chị đồng nát khi nãy có mặt đập bê tông kiếm chút cốt sắt. Nghề này chỉ cần sức khoẻ, nhanh chân nhanh tay. Trước đây khi có mối làm ăn tổ 4 người này kiếm vài tạ sắt như bỡn, mà toàn sắt đẹp, dễ bán, giá cao.

Bốn ông đàn ông mồ hôi nhễ nhại quai búa, dù Hà Nội đã lạnh lắm rồi. Hai nhát quai thẳng, một nhát quai ngang, cứ đều đặn như thế, khoảng 20 phút, khối bê tông từ từ nứt toác như bị chẻ ra vậy, tay nghề này thì chắc được xếp vào hàng chuyên nghiệp rồi. Anh to cao nhất hội rút ra mấy thanh sắt, cả dầm bê tông to thế mà chỉ có 4 đoạn sắt phi mười. Tức mình, anh này chửi: "Sư cha mấy thằng tham nhũng, rút ruột công trình, cướp cơm của cả... đồng nát".

Đấy là anh Trịnh, chồng của chị Thu khi nãy. Chằng buộc đống sắt lên xe thồ, anh Trịnh tiếc rẻ: "Phải được tạ rưỡi sắt, bằng này như ngày xưa thì kiếm hơn triệu như bỡn. Giờ cái nắm sắt khốn nạn này chắc chỉ được hai ba trăm nghìn bạc. Về đi, tối rồi, nhập nhoạng thế này quai vào chân nhau thì khốn nạn. Ông giời có giận gì thì chờ nhôm đồng sắt vụn tăng giá rồi hãy giáng họa".

Mấy ông bàn nhau: "Đợt tới cho mấy con mụ về quê thôi. Bọn mình nhặt không được sắt mà còn bị bét thế này, mấy mụ ấy đi thu mua rồi bán lại thì còn ăn giải gì" - "Đời nào chúng nó chịu! Mấy thằng mình ở với nhau không có mấy con vợ nó giữ tiền cho, kiếm được đồng nào lại tiêu hết thì cũng hoà cả làng".

Một ông than thở: "Mấy mụ vợ bây giờ chỉ có giá trị như cái ví của bọn này thôi, chả nhẽ lại ngồi không, gào cả ngày rã họng giỏi lắm chỉ được hai ba chục ngàn. Nhưng cũng còn hơn ở quê, không việc làm, rỗi hơi toàn tụ bạ nói xấu chồng, xấu con".

Trước đây, thỉnh thoảng những lúc không có công trình nào phá dỡ, mấy anh em trong đội phá bê tông này cũng xuống bãi rác Yên Sở vai đeo bao tải, tay cầm móc sắt, ngày cũng kiếm vài cân ni lon, dăm ba mảnh chai, cũng đủ tiền rượu qua ngày. Nhưng nay thì cứ xác định "nằm nhà cho khoẻ". Vì hai thứ đồng nát mạt hạng ấy bây giờ chẳng cửa hàng nào chịu mua. Có mang về cũng chỉ tổ chật nhà, cái khoảng trống quý báu ấy phải dành cho các đồ đồng nát quý tốc hơn như đồng, nhôm, sắt...

Theo mấy ông về chỗ cửa hàng ông An thấy mọi sự thật u ám, chỉ được 250.000đ, đấy là chủ hàng còn linh động lắm, ông An bảo: "Lấy cái xích này, xích đống sắt này vào gốc cây si bên kia đường, hết chỗ rồi. Mai có kiếm được thì mang về nhà trọ, lúc nào bán được thì tao gọi, đừng bán cho chỗ khác, nó ép giá thì thiệt".

Anh Trịnh nửa đùa nửa thật nghe như mấy nhà tư bản chuyên đầu cơ trục lợi: "Bác thuê đâu tí đất hoang đi, cho bọn em mượn, cứ đào sâu khoảng 10 m rồi vứt sắt xuống đấy. Lúc nào được giá thì lại mang lên bán. Nhưng bác phải ứng tiền cơm cho chúng em đấy".

Cái cụm từ "khủng hoảng kinh tế toàn cầu" nghe thật xa lạ nhưng nó đã, đang tác động đến cái nghề lương thiện được coi là bần cùng nhất. Và một quy luật nữa được minh chứng: Những khó khăn, những khủng hoảng ở tầm vĩ mô bao giờ cũng gõ cửa dân lao động nghèo trước tiên.

Cơ sự này thì nghề đồng nát bi bét, nát lắm rồi!

Theo Tuấn Lệ(Nông thôn ngày nay)

5-12

Anh Sokolov bạn tôi từ Moskva sang dự hội thảo VN học hỏi tôi cách đi tới Trung Tâm Hội nghị quốc gia thế nào? Thì ra họ không cung cấp phương tiện để anh đi từ khách sạn tới hội nghị. Mà khi hỏi cách đi, người ta cũng chỉ bảo hoặc là đi tắc xi hoặc là đi xe buýt. Hỏi xe buýt số bao nhiêu đỗ ở đâu không ai biết.

Tôi phải kể chuyện là giới vỉa hè HN có lần truyền nhau cái tin sau : có lần trên máy bay người ta đuổi cả ngoại trưởng Bỉ khỏi khu vực VIP để lấy chỗ cho một ông to vào dự lễ tang lễ ông Võ Văn Kiệt.

8-12

Có tin Sài Gòn hiện có khoảng 500 người, chủ yếu là dân châu Phi, vào VN bằng con đường bất hợp pháp, rồi sống lang thang ăn cướp và thấy công an là chạy. Khi chạy bỏ lại cả giấy tờ tuỳ thân như hộ chiếu. Bất cần, có vẻ như họ sẽ ở đây mãi, về làm gì.

Chưa ai hình dung ra có lúc lại có nạn này, nên không có cơ chế xử phạt. Đến cả phòng giam họ cũng không đủ.

Khi bị thẩm vấn họ không trả lời hoặc chỉ nói một thứ tiếng lăng nhăng ý bảo rằng chỉ biết thổ ngữ, chứ không biết tiếng Anh. Họ sẵn sàng vứt hộ chiếu đi. Chắc là họ tin rằng sẽ ở VN mãi mà không cần đi bất cứ nơi nào khác

8-12

Mọt người quê Thanh Hoá kể thành phố TH 2/3 thanh niên nghiện,1/2 mắc sida

Vợ tôi kể ngoài chợ gặp những người Quảng Ninh nói rằng nhà có con gái phải lên HN xem có gặp được con trai tử tế không, ở Quảng Ninh con trai lứa tuổi 18 -20 nghiện hết cả rồi.

15-12

Trích từ mạng Trần Nhương 14-12-08 Rất to và rất nhỏ

Trong một đất nước rất nhỏ có một thủ đô rất to Trong thủ đô rất to có những con đường rất nhỏ. Bên những con đường rất nhỏ có những ngôi biệt thự rất to.Trong những ngôi biệt thự rất to có những cô vợ nhỏ.Những cô vợ nhỏ thường là của các ông "sếp" to.Những ông "sếp" to thường có cái cặp rất nhỏTrong những cái cặp rất nhỏ có những dự án rất to.Những dự án rất to thì hiệu quả lại thường rất nhỏ.Hiệu quả rất nhỏ bởi vì thất thoát rất to.Thất thoát rất to nhưng xử lý thường rất nhỏ...
(Theo internet)

Tôi nghe Phạm Xuân Nguyên đọc đoạn này từ hôm11-12

18-12

Trích từ Hiến chương 08 ở TQ Tự do, bình đẳng, và nhân quyền là những giá trị phổ quát của nhân loại; và nền dân chủ với một chính phủ hợp hiến là khuôn khổ cơ bản để bảo vệ những giá trị này.

Bằng cách tách rời khỏi những gía trị này, việc tiến hành công cuộc "hiện đại hóa" của chính phủ Trung Quốc đã chứng minh là một thảm bại. Chính phủ Trung Quốc đã tước đoạt khỏi người dân quyền làm người của họ, phá huỷ nhân cách, và làm hư hỏng mối quan hệ bình thường giữa con người với nhau.

( trước đó có cái ý nhân quyền là quyền tự nhiên chứ không phải chính quyền ban phát cho người dân )

26-12

Tại hội thảo VNhọc, một tham luận của người Mỹ nêu ra một con số: Mỹ chỉ mất 2 tỉ đô la để xây dựng cơ sở vật chất cho cho cuộc chiến tranh VN. Đến nay, người ta vẫn sử dụng. So sánh nhiều kế hoạch lâu dài của ta (trong vòng 10 -15 năm) huy động đến sáu tỉ, mười tỉ đô la. Rồi được cái gì? Một độc giả đọc bản tin của BBC bình luận, mình tự cai trị lấy mình chưa chắc đã hay.

Tôi đọc lại VN văn hoá sử cương, thấy ngay câu đầu tiên đã có cái ý, trước kia thời xa xưa người Việt chỉ dùng đá trau làm công cụ sản xuất, rồi người Tàu tới, ta mới biết dùng trâu cày ruộng. Đây là kết quả khảo cứu của H. Maspero. Đào Duy Anh khi dẫn lại cho là “tường tế” ( rõ ràng và tinh tế) và không phản bác gì. Trong sách của ông, còn có đoạn nói người Việt mang văn hoá Trung Hoa truyền xuống phía nam.

29-12

Trong cái cách người Hà Nội mừng chiến thắng trong bóng đá, tôi thấy có gì man rợ. Chúng ta thiếu một sự tự tin sáng suốt -- sự tự tin vẫn bao hàm cả sự thấu hiểu vai trò cơ may – mà có phần nghiêng về sự cuồng nhiệt sự quyết tâm. Cái thế chênh vênh mang lại cho con người một sức mạnh một vẻ đẹp nữa, nhưng sau đó người ta vẫn nhận ra một tình thế bi đát mãi ở bên trong.

30-12

Bìa một của TBKTSG giật tít : Nín thở chờ năm 2009

Một báo cáo của cơ quan kinh tế LHQ: thế giới càng ngày càng trở nên không thể đoán được

31-12 Đọc ngày cuối năm

Thái độ Hạ Cấp : một giá trị mới của xã hội

PDF.

In

Email

Nguyễn Hoài Vân mạng Vanchinh.net 30 Tháng 12 2008



Điều đáng suy nghĩ là vì sao tính hạ cấp lại càng ngày càng phổ quát, trong xã hội Việt Nam cũng như ở Tây Phương ?

Những câu nói đùa nham nhở, những trêu chọc dưới thắt lưng, đặc biệt mỗi khi có mặt phụ nữ, những cử chỉ thô lỗ, kể cả ợ, đánh rắm, v.v… dần dần đã trở thành những đề tài cười cợt vui vẻ, trong giao tiếp thường ngày, và cả trên các màn ảnh truyền hình (tại Việt Nam, cũng như tại Pháp, nơi người viết tạm sống). Thời sự nước Pháp đang rung động vì một đoạn phim tài tử cho thấy tổng thống Sarkozy dùng lời lẽ hạ cấp chửi một người khiêu khích ông tại cuộc Triển Lãm Nông Nghiệp hôm thứ hai 25 tháng hai vừa qua. Bên cạnh trường hợp rất đặc biệt có thể được coi là một « tai nạn » này, những thái độ và lời nói hạ cấp thường là những phương cách hiệu quả để một cá nhân có thể hội nhập vào một nhóm. Làm cho người khác cười, bằng những lời nói hay cử chỉ hạ cấp, đó chính là tờ thông hành mới để thành công trong việc giao tế !

Thật ra hạ cấp không phải chỉ thu hẹp ở những điều vừa được nhắc đến. Các cố gắng phô trương trong cách ăn mặc, điện thoại,, xe cộ, nhà cửa v.v… cũng là hạ cấp. Một hình ảnh dễ nhận ra là cô « marie sến » hiện đại, nhí nhảnh trong chiếc quần jean giả cũ, vá víu, cắt thấp, phơi bụng, phơi lưng, phơi cả … thấp hơn lưng một tí ! Áo, kính, ví tay, điện thoại di động, tất cả nơi nàng đều dính liền với thời trang mới nhất. Nàng vừa õng ẹo, vừa thở ra những mẩu chuyện lượm lặt được từ những tuần báo hay chương trình TV đại chúng, những trang web thời thượng, không quên đều đặn chua thêm vài từ anh ngữ ít nhiều thích hợp. Nàng chải tóc, nói, cười, đi đứng, một cách hoàn toàn « quy ước ». Tất cả con người nàng đều hướng vào một hình ảnh được tâm lý của nàng phóng ra trước mặt, mà nàng cảm thấy cần được phơi bày một cách rõ ràng nhất.

Bên cạnh cô « marie sến » kia, là những « mợ » giàu mới tụ tập bàn chuyện sex, chuyện tình nhân, khoe khoang hiểu biết về những kỹ thuật làm tình kỳ lạ nhất, sau khi đã chán phô trương xe SUV hai cầu (dùng để chạy trong … sa mạc !), biệt thự có hồ bơi, cùng với những thứ lặt vặt như đồng hồ quý giá, nữ trang đắt tiền, quần áo thượng hạng, nhất là không quên nhấn mạnh nơi mua … Làm sao cho mọi người phải biết : tôi giàu, tôi nhiều sex, nhiều quen biết, có địa vị cao trong xã hội, có … đủ thứ !

Rồi cũng phải nói đến những anh chàng cố gắng biểu lộ một đặc tính vay mượn : nào lè phè bất cần đời, áo quần sốc sếch, hay phiêu bồng lãng tử, gật gù trên mây trên gió, hoặc kiểu cách « nghệ sĩ tiền phong » khinh miệt cái xã hội không hiểu nổi giá trị siêu đẳng của mình. Rồi cũng có vị phùng mang phơi bày thái độ trí thức, học giả, không gì không biết của mình, hoặc mượn phong thái một nhà kinh doanh năng động, vung vẩy hàng tỷ, lướt trên các thị trường như cu cậu Peter Pan trên bầu trời Neverland … Những vay mượn ấy không gì khác hơn là … hạ cấp.

Hạ cấp theo nghĩa nguyên thủy là tìm mọi cách để bắt chước những giá trị của một giai cấp cao hơn mình. Và vì đó là những vay mượn, nên người hạ cấp tự cảm thấy cần phải phát biểu những giá trị ấy một cách quá đáng, trở thành lố bịch. Một người hạ cấp muốn với lên một giai cấp cao hơn, sẽ nói chuyện chơi golf, mặc dù anh ta mê bóng đá ! Không những thế, anh sẽ nói chuyện chơi golf một cách vô cùng điệu nghệ, với thật nhiều say mê, sẽ khoe khoang tô điểm cho sự giả dối ấy, đến độ lố lăng. Người ở giai cấp cao hơn mà anh ta muốn với tới đương nhiên là rất dễ dàng nhận diện ra anh ta, và sẽ không có khuynh hướng chấp nhận anh như một người của giai cấp họ. Thêm vào đó, người ở giai cấp của chính anh ta sẽ thẳng tay ruồng bỏ anh như một kẻ phản bội. Thế là anh chàng « hạ cấp » nọ trở thành … vong thân, không còn biết mình là ai, thuộc về tập thể nào. Người hạ cấp cũng có nỗi niềm tuyệt vọng của họ …

Cần nói là trong ý nghĩa « giai cấp thấp » muốn từ bỏ chính mình để chạy theo một hình ảnh thuộc về giai cấp cao hơn, chữ « hạ cấp » tương đương với từ « vulgarity » trong tiếng Tây Phương. Chữ này đến từ tiếng La Tinh « vulgus », có nghĩa là « tiện dân ». Vì thế, có thể nghĩ được rằng người « hạ cấp » là một người vong thân, đã đánh mất chính họ, không chấp nhận được bản thân mình, và buộc phải phơi bày ra bên ngoài một hình ảnh về mình, một hình ảnh rất xa với con người thực của mình. Khoảng cách giữa hình ảnh được phô trương ra với con người thật càng xa xôi bao nhiêu, thì tính hạ cấp lại càng rõ nét bấy nhiêu.


Tuy nhiên, giả sử một người nào đó đã gột bỏ được những lớp vỏ liên hệ đến giai cấp nơi mỗi con người, và, ngồi một mình, anh ta ngoáy mũi, ợ, đánh rắm, thì sao nhỉ ? Một người tình cờ chứng kiến có thể coi anh ta là hạ cấp được không ? An Nam ta ăn xong xỉa răng, không khỏi bị người Tây Phương coi như hạ cấp. Người Bắc Phi lịch sự, được đãi ăn xong phải ợ một cái để cho người mời biết mình đã ăn ngon, đã no bụng, cũng là hạ cấp ? Một dân tộc miền Patagonia chuyên đánh dắm thật kêu trong lúc truyện trò tiếp khách, phải được coi như thế nào ? Thiền sư Phật Ấn khi chê « Đại Cư Sĩ » Tô Đông Pha không bằng phát rắm của ông ta, thì có hạ cấp hay không ?

Như thế, cử chỉ bị coi là hạ hạ cấp cũng có thể đến từ một trạng thái bất chấp những quy ước xã hội, văn hóa thông thường, hoặc khi người ta sử dụng những quy ước đặc thù, tức quay về với chính con người mình, chứ không phải bao giờ cũng là vong thân, đánh mất bản thân mình, như vừa nói ở trên.

Tóm lại, giữa vong thân với quay về với bản thân mình, thì, theo bạn, đâu là định nghĩa thống nhất của thái độ hạ cấp ?

Thật ra, có lẽ « hạ cấp » chỉ là một phê phán trịch thượng đối với những người bị coi là « thấp » hơn mình. Vì sự phê phán ấy có tính chủ quan, nên không có chuyện thống nhất trong định nghĩa. Cư xử thế nào cũng có thể bị coi là « hạ cấp ». Trong điều kiện ấy, phải chăng tất cả chúng ta đều có khả năng trở thành « hạ cấp » đối với một ai đó ?

Điều đáng suy nghĩ là vì sao tính hạ cấp lại càng ngày càng phổ quát, trong xã hội Việt Nam cũng như ở Tây Phương ? Tôi nghĩ có lẽ trong những xã hội càng ngày càng phân hóa, trước nguy cơ mình bị ai khác coi là hạ cấp càng lúc càng cao, thì sẽ có càng nhiều người cảm thấy cần phải tự bảo vệ bằng cách chui xuống ẩn trú nơi giai tầng thấp nhất, « hạ cấp » nhất, nơi họ có thể kết nối những liên hệ vui vẻ, thoải mái với những người « hạ cấp » như họ, để không còn lo lắng, thoát mọi mặc cảm …

Hạ cấp tràn lan … không có gì là lạ vậy !


Nguồn: nguyenhoaivan.com

2009

2-1

Tết dương lịch, HN tổ chức phố hoa ở đường Đinh Tiên Hoàng. Và cái cảnh của Lễ hội hoa anh đào lại xảy ra, lại hái vặt, phá phách. Hoặc hồn nhiên ôm cả chậu hoa về nhà. Hôm nay, trả lời một tờ báo tôi nói rằng tôi đã dự đoán điều đó. Chừng nào còn những tệ nạn xã hội và lòng tin của con người bị lung lay thì những cảnh này còn tiếp diễn.

Về mặt thưởng hoa ngày tết, chúng ta không đủ một không gian sống tối thiểu. Mọi thứ lễ hội như thế này chả ai được hưởng, với người có nhu cầu cái đẹp tất cả chỉ còn là bánh vẽ.

Nhân vụ phố hoa ghi được một số ý . Một g/s người Việt ở Singapore nói

“Nếu thấy người dân xem thường chính quyền thì phải xem lại đức hạnh của quan lại; nếu thấy người dân không tuân thủ luật pháp thì phải xem lại ý thức thượng tôn công lý của hệ thống; nếu thấy người dân hay trí trá thì phải xem lại sự thành tâm và tín nghĩa của người lãnh đạo; nếu thấy người dân hay mê tín dị đoan thì phải xem lại tính minh bạch và công tâm của cơ chế.”

20-1

Ông Vi Huyền Trác, một bác sĩ về hưu từ lâu, kể rỗi mang các loại sách triết lý mới viết ra đọc thấy toàn nói nhảm, không hiểu sao người theo đông đảo như vậy.

Thành kể, các lọai tạp chí của các viện nghiên cứu, nặng về học thuật đang giảm số lượng, trước độ 1.000 nay chỉ còn vài trăm.

25-1

Năm nay, đào mai ế lắm, người ta đưa tin từ SG như vậy.

Ở HN, chiều mồng một tôi đi qua Nhật Tân, thấy đào trong vườn còn nhiều không ai mua. Nghĩ lại thấy trước tết đào dại tràn đường. Thì ra thế này: HN lụt, mất mùa đào ; dân các tỉnh đổ nhau lên rừng chặt; mang về toàn những đồ “củi’; nhưng dân HN (nhập cư) ham rẻ vẫn thích dùng. Đào chuẩn mọi năm ế. Dự đoán rồi có khi sang năm, dân “khôn ngoan” người ta không trồng đào nữa.

Cái xấu đánh bạt cái tốt, đó là quy luật đang chi phối. Càng biến động, cái xấu càng thắng

VNNet đưa hai chùm ảnh động “videoclip”. Một là ngày tết các sới cờ bạc đầy phố HN. Hai là người chen nhau vào chùa.

Chuyện vào chùa: TV khoe rằng đến chùa cầu may là một nét đẹp của văn hoá VN.

Không ai (?) biết rằng lẽ ra phải nói tới việc nhân sự chuyển giao thời gian, đi chùa như một dịp để chiêm nghiệm, suy nghĩ...Ngày xưa, người nghèo không đi lễ vì họ biết rằng cái cơ may – như cách hiểu của ngày hôm nay-- chẳng bao giờ đến với họ. Còn nay tất cả lao vào kiếm sống xin xỏ.

30-1

Một lá thư

K/g anh Tôlia

Tết này ở VN hơi buồn với nghĩa mọi người lo kinh tế khủng hoảng sẽ đến lúc gây nhiều tai vạ. Người ta chen chúc cầu cúng, và ở các chùa rất đông ăn cắp. Điều thấy rõ nhất, là nhân dân bị lưu manh hoá. Người ta sẵn sàng phá phách làm bậy. Những cây đào ở HN trông chán hơn bao giờ hết vì toàn đào rừng mới chặt từ các tỉnh Tây Bắc như Sơn La mang về. Hoa Hà Nội- nhiều nhất năm nay là loại lan phi điệp --như lời một người bán hoa, 80% là mang từ Trung quốc sang. Lại có những chiếc đèn trời xuất hiện. Đó là một thứ đèn thô sơ, dùng khí nóng để bay lên trời. Vừa rồi nó được thả ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm khá nhiều, khi rơi lại đúng vào toà nhà Bưu điện, làm đứt cả dây cáp viễn thông, khiến các mạng điện tử không hoạt động được. Như là cuộc sống trở nên ma quái như trong nhiều thiên truyện của Nguyễn Huy Thiệp

1-2

Chị Đàm kể về làng Cổ Điển quê nhà. Dân chả biết làm vườn, đất đai để phí cả.Khoảng 20 năm trước, khi chị cưới vợ cho con, một ông anh họ từ quê cách hơn chục cây số gánh lên một gánh hoa mừng cháu. Toàn cúc nát. Chị phải mời về nhà mẹ chị cho ông ta ít tiền để ông quay về. Còn hoa ông mang lên thì cho vào rác.

Một ngừơi bạn ở sông kể : Hôm nay trời mù quá, mù chẳng còn nhìn thấy gì. Anh có biết bọn trẻ bây giờ nói gì không? Mù mắt không sợ, mù chân mới sợ. Vì mù chân là mù vó, mù vó nói lái kiểu miền Trung là mò vú.

Tôi nhớ tới một câu trong Trạng Lợn “ Hồ bất thực là cáo chẳng ăn—cáo chẳng ăn thì cáo đói—cáo đói là cáo gầy – cáo gầy là cây gạo”. Một kiểu tư duy tiêu biểu cho dân mình.

4-2

Báo TT&VH đưa tin chợ Viềng năm nay vắng vẻ. Tôi cắt nghĩa thế này. Người làm hàng giả đông hơn trong khi đó người đi mua lại tỉnh táo hơn đòi hỏi cao hơn. Vẫn đông cái đám quần chúng mê muội, họ làm việc cầu cúng trong thế mất lòng in cùng cực.

Một chủ đề tôi thường theo dõi là sự khác nhau giữa người ngày nay và người xưa. Thì đây, lời kể của ông Vĩnh ngoài sông Hồng. Ngày xưa ông nội ông giỏi lắm, ba lần đỗ tú tài nhưng không ra làm quan cho Tây. Một lần có việc từ nhà ra Hà Nội ăn giỗ. Đường dài 13km, ông cụ vẫn đi bộ nhiều lần.Nhưng không hiểu sao hôm ấy không về. Gần tối đi tìm thấy ông đứng giữa đường, tay cầm một túi tiền.

--Tao thấy ai đánh rơi cái này.

- Kệ người ta chứ.

- Không được. Thả nào người ta cũng quay trở lại tìm.

-- Thì vứt lại

-- Ấy chết, nhỡ có dứa xấu đi qua, nó lại lấy mất của người ta.

Người xưa rất hiểu là cái xấu còn tồn tại quanh mình và trong chính mình. Nhưng họ dám chống chọi và tự tin chống chọi bằng được.

6-2

Báo TT& VH có bài so sánh. Phố hoa HN thì bị cướp bị bẻ cây, đập phá. Còn phố hoa của SG trên đường Nguyễn Huệ thì ngon lành, người dân đi xem hào hứng các doanh nghiệp có lãi, chính quyền không tốn đồng nào.

Một hai năm nay tôi hay được mọi người hỏi han và mời phát biểu với tư cách người HN. Ý tưởng chính của tôi là

--chúng ta rất kém về văn hoá thủ đô-- thứ văn hoá không chỉ chọn lựa mà phát triển thủ đô để nó trở thành động cơ kéo cả nước theo

-- V/đ của thủ đô là sự gạn lọc. Ta không biết và không muốn làm việc này.

Nhà văn nhiều nước hay nói về thủ đô của họ. Như ông A. Nexin có cả một cuốn Chú nhóc Istambun. Ở ta bây giờ chả có ai. Ông Tô Hoài chỉ là nhà văn về một ngoại ô gần nông thôn.

7-2

Có tin chợ vỉa hè ở TP HCM mọc lên như nấm.

Thường Tín—Hà Tây – Hà Nội - một xe chở 1.500 con gà thịt ( khoảng ba tấn ) khi mang đi tiêu huỷ vì nghi mắc bệnh, bị dân xô đến cướp. Lại có nỗi lo nhỡ lan ra dịch, thì ai chịu tội? Và chỉ rút kinh nghiệm bận sau có chôn gà phải đi đông hơn.

Dân đổ xô đi tiêm phòng sởi vì e có dịch. Tuần lễ từ 2-7/2 số bệnh nhân sởi tăng gấp 20 lần. Nhưng lại không tìm ra vắc xin để tiêm. Rồi có tin không sao cả đâu

Tên một số mục trên VNN:

13-2

Có tin từ một chuyến bay Hông Kông về HN, thấy có 6,4kg vàng vô chủ. Người ta bảo nhau, chẳng qua dân phi công thấy lộ nên vứt hàng cứu người.

Bữa nọ người của Hàng không dân dụng VN buôn lậu ở Nhật bị bắt, nhà cầm quyền Nhật cho biết người bị bắt đã khai ra có những quan chức VNA tham gia vào vụ này. Bạn đọc thì nói huỵch toẹt, cả cơ chế VNA buôn lậu. Họ có nói quá chăng?

Nhân đây dân Việt viết trên BBC kể một câu chuyện: trên một chuyến xe buýt ở Tp Kobe bên Nhật có hai người Việt. Lúc đầu họ không nói gì nên chung quanh không biết. Sau hai người lỡ nói với nhau bằng tiếng Việt. Thế là đến trạm xe đỗ gần đấy, tất cả người Nhạt xuống xe, chờ chuyến sau.

Tôi nghe lại nhớ chuyện ở sân bay Seremetchevo ở Moskva 1989: nếu có chuyến bay nào từ Moskva đi mà cùng với giờ có máy bay về Hà Nội, thì họ xin hoãn, để người VN làm hết thủ tục đi đã,rồi họ làm sau.

Cuối cuốn Nước VN thời Pháp đô hộ, nhà sử học Nguyễn Thế Anh viết là thời Pháp thuộc, cũng có một số người Pháp sang làm ăn ở HN, SG than với dân bản địa. Lập tức số dân dễ tính này bị số đông người Pháp xa lánh.

16-2

Dân trồng rau khóc ròng vì rau rẻ như … bèo20:58' 16/02/2009 (GMT+7)


- Bán cả tạ rau cũng chỉ thu được hơn chục nghìn đồng, không bằng một bát phở sáng... Tại những chợ đầu mối, xe rác nối đuôi nhau chở rau xanh đi đổ... Dân trồng rau đang khóc ròng vì hàng chục ha rau màu của họ giờ đây cho không đắt, bán không xong...

25-2

Có tin Hà Giang ế hàng tấn cây ăn quả. Cam trồng ra không có đường về xuôi. Giá cam của TQ rẻ hơn 30-40%

Phát biểu của Nguyễn VânNam

Báo Tuổi trẻ 10-5-08

Cái gì sẽ diễn ra ở VN trong năm, mười năm nữa?

- Ông bật dậy: Chúng ta có ba giấc mơ kinh khủng! Đầu tiên là môi trường sẽ bị hủy hoại khủng khiếp và không thể nào khôi phục được nữa. Tiếp đó, mươi năm nữa, coi chừng xã hội VN sẽ không còn là VN. Đấy là nguy cơ lớn bởi tầng lớp trung lưu (tầng lớp có thể sống độc lập trong xã hội bằng khả năng của mình mà không phụ thuộc vào Chính phủ hay Nhà nước) không có. Và không có họ tức là không xây dựng được một xã hội dân sự văn minh.

Đây là tầng lớp rường cột của một xã hội dân sự, nhưng ở VN hiện nay họ đang có xu hướng chuyển sang hưởng thụ cuộc sống ở các quốc gia có chế độ an sinh xã hội cao hơn (như Singapore, châu Âu...) và chỉ coi VN như một nơi để kiếm tiền. Tốc độ toàn cầu hóa càng nhanh, tầng lớp này càng có cơ hội tìm thấy sự thăng tiến của mình trong những môi trường thích hợp ở nước ngoài. Trong toàn cầu hóa, một xã hội dân sự văn minh mới có điều kiện bảo vệ và phát huy những giá trị mang đặc trưng dân tộc. Tôi luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi rằng trong mươi năm nữa, người Việt không còn một tí đặc trưng nào của mình trong thế giới toàn cầu hóa này...”.

* Còn giấc mơ thứ ba của tiến sĩ?

- Ông cười: “Người nông dân sẽ rơi vào khó khăn không tưởng được. Sự chênh lệch nhanh giữa nông thôn và thành thị, giữa cả những người nông dân với nhau. Ở nông thôn, người có vốn và quan hệ sẽ chênh lệch dữ dội với người không vốn và không quan hệ, mà từ đây sẽ nảy sinh mâu thuẫn khủng khiếp. Tôi không hề thấy những chính sách nhà nước nào nhằm giải quyết sự chênh lệch này. Một trong những điều Nhà nước có thể làm được (trong khi không ngăn được sự chênh lệch kinh tế) là phải làm cho lòng khoan dung, độ lượng rộng hơn trong xã hội. Bằng cách nào? Phải bắt tay ngay vào việc cải tổ hệ thống giáo dục.

Chỉ có giáo dục mới làm cho người ta hiểu biết và khoan dung hơn đối với sự đổi thay, chênh lệch trong xã hội. Hãy tạo cho mỗi người một sự công bằng về cơ hội bước vào đời bằng giáo dục. Đồng tiền kiếm được là bằng khả năng thật sự của mỗi người được giáo dục tốt chứ không phải kiếm bằng những lý do khuất tất. Đó là con đường mà những nền văn minh đã đi...”.

* Câu hỏi cũ dành cho ông: Nói thế nào, nếu lại đưa lý do: Nước nghèo, tiền đâu cải tổ giáo dục?

- Ông nổi giận: “Đó chính là bản lĩnh lựa chọn của Chính phủ. Cái nào cần đầu tư cho công cuộc trăm năm, đã biết thì sao lại không làm? Nếu không lựa chọn, anh sẽ tiếp tục bị ép giữa hai nguy cơ lớn: sự chênh lệch càng lớn sự khoan dung ngày càng teo lại, khủng hoảng sẽ xảy ra”. Ông nhỏ giọng, kết thúc: “Bây giờ Chính phủ đang có một cơ hội rất lớn: người dân vẫn còn tin tưởng vào Nhà nước và Đảng cầm quyền - nhưng VN còn có rất ít thời gian đương đầu cùng toàn cầu hóa...”.

Ngày 29-6, tạp chí Mỹ Forrbes đánh giá về trình độ môi trường thương mại 2007

112. Mauritania
113. Việt Nam
114. Ethiopia
115. Venezuela
116. Camerun
117. Burundi
118. Tajikistan
119. Syria
120. Zimbabwe
121. Chad

27-2

Bản tin tham khảo có nhiều bài về nước Nga

- Ở đó, những người chi phối xã hội là KGB cũ và mới. Họ chỉ có một khuôn mặt là muốn có một xã hội ổn định. Tất cả làm theo cấp trên. Không ai có chuyên môn gì cả.

-- Truyền thông, thời xô viết nói cái mà chính quyền dạy dân; nay nói những điều người dân muốn nghe -- để yên tâm mà sống trong ảo tưởng.

--Tham nhũng không chỉ là căn bệnh xã hội mà là cách điều hành xã hội. Nghĩa là dùng tham nhũng để điều hành.

- Nông dân phá sản. Sau khi nông trường giải tán, họ làm riêng. Nhưng không có kỹ thuật vốn liếng. Một ít thành phẩm lương thực - thực phẩm làm ra bị bọn con buôn trên thành phố trả quá rẻ. Họ không làm ăn gì nữa. Các thành phố tràn ngập thực phẩm nước ngoài. Và rất nhiều người nông thôn bỏ lên thành phố kiếm ăn bằng những nghề tệ hại nhất

-- Dân sống trong tăm tối. 60-70% đàn ông nghiện rượu và chết mòn trong rượu.

Trước đó tôi đã đọc một bài của các nhà nghiên cứu Trung quốc-- họ bảo căn bản dân Nga đang co lại trong khi xã hội Trung quốc hướng ra thế giới.

Liên hệ tới VN. Mỗi khi có dịp, tôi hay nói thanh niên phải hướng ra thế giới, thấy mình là công dân thế giới.Trong một bài trên TT tôi nhắc tới Bắc Triều Tiên, Afganistan

3-3

Bài trên TT&VH, một entry viết hoá ra không chỉ tiếng Việt giàu có mà nhiều thứ tiếng khác cũng giàu có. Về sự giàu có của tiếng mình thì kể rằng cách xưng hô của người Việt rất phong phú..

Tôi không trách em, nhưng trách những người giáo dục em. Họ làm cho em đầy ảo tưởng. Và chả hiểu gì về mình, nước mình cũng như thế giới.

Một điều đáng nói là trình độ bài viết trên báo quá kém, một cộng đồng trên 80 triệu mà để cho những thứ đó trình ra trên mặt báo!

Mấy hôm nay trong ngõ tôi ở, xuất hiện một xe đạp bán bánh khúc và bánh giò. Người bán hàng là một cô gái, nhưng cô kèm theo một cái loa( chạy pin). Loa phát ra những lời lẽ đã thu vào băng trong đó giải nghĩa đây là những thứ bánh mang hương vị đồng quê, được chế biến một cách sáng tạo, có tác động đối với đời sống và nếu ăn thì sẽ nhớ mãi, “ bánh đã và đang được sự tín nhiệm của nhiều tầng lớp nhân dân..

Tôi giải thích cho con trai, có gì lạ đâu, họ bắt chước Đài truyền thanh hoặc TV nước mình, nói sự kiện gì cũng vậy, nói rất chung chung rất qua loa, sau đó toàn lải nhải về ý nghĩa của công việc vừa nói đó, các sự việc khác nhau thường được khoác chung cho một ý nghĩa.

5-3

Một entry khác – hãy sống thoải mái đừng bao giờ mất thời giờ cho việc hối hận vì môt hành động đã qua. Hãy chọn lối sống sao cho chỉ có vui!

Lại chợt nhớ một cuốn sách viết rằng văn hoá cần có mặt để chế ngự bản năng và giúp con người đi tới sự hoàn hảo. VN chưa có thứ văn hoá đó. Đi ngược lại thì đúng hơn.

10-3

Một tin trên báo: hai vợ chồng già ở Khánh Hoà buồn vì con không gửi tiền về, tưới xăng vào người tự tử.

TTVH đưa tin ở Cầu Giấy có những xe dùng loa cực lớn, đi quảng cáo rầm trời khiến người cả khu khó chịu.

16-3

Góc đường Ngô Quyền – Tràng Tiền chỗ kem Bốn mùa cũ, cũng không có một vỉa hè ra hồn. Gạch bị đào bới, nhìn vào tôi tự nhiên lại nghĩ không biết có cô gái trẻ nào đi guốc cao gót qua đó, bị ngã ngay ở trung tâm TP đó không?

Dạo này thấy ồn lên chuyện cần phải minh bạch ở chỗ rất thiết thân với người dân. Cụ thể là quy hoạch các khu. Người ta luôn làm kế hoạch, nhưng không phải để xây dựng mà là để lợi dụng. Lợi ích của những người cầm quyền là bán không gian cho những người có tiền.

Khắp nơi bóng tối bao phủ, người ta yên tâm sống trong bóng tối và còn tạo thêm bóng tối để tha hồ xoay xỏa.

Tại sao sự trì trệ kéo dài – và nói chung là sự hư hỏng sự đen tối . Vì với nhiều người đất nước càng lầm than, xã hội càng thối nát thì họ càng dễ sống.

Người cán bộ thuế mong người dân trốn thuế để phạt, phạt cho nhà nước ít thôi, còn cái chính là bắt người dân làm bậy kia hối lộ cho họ.

Thầy giáo mong học sinh học kém để đến lớp mà mình dạy thêm.

Người cán bộ tổ chức mong sinh viên ra trường ngày càng kém đi, để ai nộp cho mình nhiều tiền hơn thì mình nhận cho vào cơ quan nhà nước.

Không nghề gì kiếm tiền dễ ở VN bây giờ bằng nghề giáo dục và nghề y tế. Mà đó lại là hai hoạt động thiết yếu trong xã hội vì liên quan tới mỗi con người

Tôi đã buột miệng ra cái câu: dân tộc Việt là một khối tự phát khổng lồ. Sự tự phát này có thể được chứng minh:

Là những dòng người miên man trên đường

Là chính cái hiện tượng xe máy phổ biến tới mức nên gọi VN là xe máy quốc.

Là những phố xá xiên xẹo chẳng có con đường nào thẳng

Là những con người nghiệp dư suốt một đời -- chẳng hiểu sao họ lại là cái nghề mà họ đang làm...

Là cái t/p Hà Nội mở rộng về Hà Tây

Trước đó chẳng ai nghĩ lại có lúc lại xảy ra chuyện này cả.

19-3

Ông Nguyễn Trung viết trong một báo cáo khoa học tại một hội thảo quốc tế, tiến hành ở HN:

Như nhiều nước đang phát triển khác, ngày nay Việt Nam không còn phải đương đầu với chủ nghĩa thực dân, kể cả chủ nghĩa thực dân mới. Thời đại này đi vào quá khứ rồi. Thế nhưng, trong bước ngặt mới này của kinh tế thế giới, Việt Nam đang phải đương đầu với (1)nguy cơ bị biến thành bãi thải công nghiệp, (2)sức ép mọi mặt của các thế lực lớn từ bên ngoài, (3)sự xâm lăng về văn hóa từ bên ngoài vào, và (4)sự tàn phá do môi trường tự nhiên bị hủy hoại. Cả 4 “kẻ thù” mới này hợp lực với nhau có thể đẩy Việt Nam vào sự nô dịch mới, sự nô dịch của nghèo hèn và lệ thuộc, sự nô dịch không cần chủ nghĩa thực dân!

Một báo cáo về tình trạng nông thôn VN, dẫn hai ý sau :

Theo Touraine, trong nền kinh tế hiện đại, nông thôn được xác định bằng tình trạng bên lề và sự thất nghiệp

Theo Foucaul: Nông thôn trở lại cái trạng thái tựa như sự trì trệ mất hiệu ứng trước sự phát triển của nền kinh tế và trở thành mảnh đất màu mỡ cho những hành động phản văn hoá. Nông thôn không chỉ nghèo đi về vật chất và về tinh thần, mà còn hỗn loạn

BBC 10-4

Một người Phần lan nói về HN và phát triển tỏ ý thắc mắc: Tại sao dành thành phố cho xe máy mà lại cấm hàng rong.

Ông ta khái quát: Nghị trình hiện đại hóa thường mạnh mẽ hơn những lo lắng của gia đình, làng xã. Có những tổ chức xã hội dân sự chia sẻ quan ngại của dân, nhưng họ vẫn yếu thế trong trò chơi ta gọi là phát triển. Những tổ chức dân sự mạnh nhất lại là những nhóm gần chính phủ nhất. Ngôn ngữ phát triển chính mạch ưa chuộng những kế hoạch lớn, khách sạn to đẹp, vỉa hè sạch sẽ. Cái nghèo bị đối xử như căn bệnh mà hiện đại hóa sẽ chữa lành.

11-4

Nghe tin lập Đoàn luật sư. Nhiều người có năng lực không muốn tham gia BCH. một con số: Ở VN, luật sư chiếm 1/200.000 dân. Ở Mỹ là 1/250, ở Singpore là 1/200

Cạnh tin trên là tin mấy luật sư ở Hưng Yên kiện toà vì không cho họ hành nghề.

Lại nhớ đọc một cuốn sách về VN & Nhật Bản, thấy ông Vũ Minh Giang nói rằng dân Nhật và dân Việt đều tôn trọng luật pháp.

16-4

Bài trên VNN kể là nhiều người ra nước ngoài, cảm thấy chết chẹt giữa hai nền văn hoá—văn hoá Việt và văn hoá nước sở tại.

Nếu được viết tôi muốn nói thật ra họ chết chẹt giữa cái thói quen bản năng mà họ tưởng là văn hoá và cái văn hoá thực của nhân loại.

25-4

Ông Thái Duy nói với tôi rằng cũng có những quốc gia chỉ sống bằng khai thác tài nguyên. Họ chảng làm gì cả. Vì kỹ thuật kém, đúng hơn tổ chức sản xuất kém, hàng làm ra quá đắt ra toàn dùng hàng hoá nước ngoài. Đó là tình trạng của nhiều nước châu Phi.

Một bài báo viết đàn tê giác ở VN đang chết dần chết mòn ở Đồng Nai, trong khi ví dụ như ở Indonesia, nó vẫn sống bình thường

Lý do không phải chỉ vì người săn lấy sừng. Mà còn vì loài này quen trong im lặng, ồn ào quá nhiều stress quá, nó lo lắng và quên cả sinh sản

3-5

Một bài của Nguyễn Sĩ Dũng,mang tên “ Nhất châu Á” ( đăng lại trên mạng Chúng ta 3-5-09 )

Cuối cùng, chúng ta cũng có một cái gì đó được thiên hạ (cụ thể là Tổ chức tư vấn về rủi ro chính trị và kinh tế - PERC*)) đánh giá là nhất châu Á! Và đó là... cái sự "khó tính và gây trở ngại" của đội ngũ công chức (Tuổi trẻ chủ nhật số 13-2004, ngày 4/4/2004, tr. 9). Đây là một sự nổi tiếng ngang ngửa với tai tiếng, một "giải thưởng Mâm xôi vàng" cho các công chức Việt Nam.

14-5

Đọc báo, phần tin tức linh tinh về thế giới thấy nói nhiều cái xấu, chẳng hạn hôm nay có tờ báo đưa tin ở Ấn Độ hơn một triệu em gái tham gia bán dâm, hoặc nhiều trường ở Mỹ xuất hiện cảnh giết người hàng loạt. Thế là tôi hiểu ở trong nước cũng đang xảy ra tình hình loại này nên người ta cần an ủi, cần nói với nhau rằng thiên hạ cũng hư hỏng chứ đâu có riêng mình

20-5

Tờ TT&VH có mục báo động từ vốn di sản. Ví dụ văn hoá cồng chiêng của Tây Nguyên. Rồi đền chùa, núi non, các điệu hát ru, nhã nhạc cung đình, cho đến một thứ gọi là chèo Tầu, cái gì cũng đang héo hon đi, bệ rạc đi, có cái chết dần chết mòn, có cái như thối rữa ra bốc mùi lên, hoặc bị phủ ra ngoài một thứ xanh xanh đổ đỏ song bên trong thì mục ruỗng.

27-5

Nghe Phương Quỳnh nói cái chính của Bái Đính chẳng qua là một khu “hướng về tương lai” của những người đương ở trong guồng quay quyền lực. Họ muốn đặt mình vào vĩnh viễn, một thứ lăng sống.

2-6

Có tin một sân gôn được hình thành ở Ba Vì, khiến cho một trại bò giống do Cuba giúp-- trại Moncada—cung cấp bò cho cả nước có nguy cơ xoá sổ.

5-6

Thi tốt nghiệp năm nay thấy nói ít hiện tượng tiêu cực. Con trai tôi bảo đề dễ. Nhưng tôi cho còn là tại chẳng ai muốn bới mọi chuyện ra nữa. Nát quá rồi.

Đời sống cứ ngày một hỏng đi. Một số lợi dụng kích cầu để cho nhau tiền tiêu vung lên mà cũng là kiếm chác. Người nhận được đồng tiền cũng chẳng nghiêm chỉnh gì. Đã cho thì ta phá. Quá trình làm hại nhau diễn ra ngoài ý muốn tốt đẹp ban đầu.

Sau chúng ta là nạn hồng thuỷ -- có cảm tưởng tâm trạng của người ta bây giờ là vậy. Hỏng hết rồi, vậy hãy phá hãy đập cho vui. Tôi có cảm tưởng người ta muốn điên hết cả.

Lại có lúc tôi nghĩ ngày hôm nay là kết quả một vụ báo oán. Nhiều người chỉ nghĩ rằng chiến tranh họ đã khổ quá. Nhưng biết đâu, trong chiến tranh họ nằm trong những đám đông dằng xé đánh phá nhau. Những người chết ở Quảng Trị báo oán. Những người chết trên đường di tản báo oán. Có người nào đang thành công hôm nay mà con cái dòng dõi ra gì đâu. Những bệnh hoạn ngự trị cả trong tâm lý lẫn biểu hiện ra trong thể xác và tôi hình dung sắp tới nó còn hiện ra quái ác kỳ quặc hơn nữa.

9-6

Đội bóng xi măng Hải Phòng mua về một cầu thủ Braxin, về phát hiện ra anh ta đang bị chấn thương và chưa biết ngày nào ra sân. Người VN đi mua hàng thế giới bị lừa xưa nay đã nhiều. Tối thiểu ở đây có chuyện lấy việc mua hàng nước ngoài về để trộ nhau. Bản thân người đi mua không hiểu biết gì về thị trường.

Nhưng có thể ở đây còn có chuyện cố tình lừa dối dư luận.

Lại một mẩu tin có liên quan đến nước Nga.

Một trong những người thầy Nga của tôi, một nữ giáo sư ngôn ngữ học, khi được tôi hỏi “theo bà, đâu là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự tan rã của Liên Xô?”, đã viết trong thư trả lời tôi như sau:

“Sự suy đồi đạo đức, có lẽ vậy. Y như thời kì cuối của Đế quốc La-mã, nếu anh từng quan tâm đến. Vào thời gian cuối của Liên Xô, xã hội xô-viết giống như một cái thùng sắt tây rỗng tuếch. Quân đội thì vẫn còn một chút nanh vuốt nào đấy, nhưng mọi thứ khác đều đã thành vô dụng và nhạt thếch. Nạn nhũng lạm lây lan như dịch hạch, trở thành nguồn sống và môi trường sống cho mọi người. Trọn một thế hệ đã sinh ra, được dưỡng dục và trưởng thành trong đó. Cuối cùng thì điều không tránh khỏi là chỉ cần một cú chọc bất kể theo hướng nào cũng sẽ khiến cái vỏ rỗng kia bẹp dúm vào trong. Không ai biết chắc sai hỏng bắt đầu từ đâu. Có thể là từ những năm tháng sơ khởi đẫm máu của chế độ: thói độc đoán và lạm dụng bạo lực đã in hằn vào dân chúng tình cảm bất tín và căm ghét chính quyền…”

Ngay từ năm 1970, Andrei Amalrik, một tị dân xô-viết đã tiên đoán - trong một chuyên luận mỏng nhan đề Will the Soviet Union Survive until 1984? (= Liệu Liên Xô có tồn tại được đến năm 1984?, lấy tứ từ tên tác phẩm 1984 của George Orwell) - rằng xã hội toàn trị xô-viết phát triển theo xu thế tích tụ chóng vánh các mâu thuẫn bất khả giải:

“Có một nhân tố mạnh mẽ sẽ cản phá mọi cơ hội cải tổ [xã hội xô-viết] một cách hoà bình, một nhân tố sẽ tác động tiêu cực đến mọi tầm mức của xã hội, đó là việc chế độ tự đặt bản thân nó và xã hội vào một sự cô lập cùng cực. Sự cô lập này không chỉ chia rẽ chế độ với xã hội hay chia rẽ mọi bộ phận của xã hội với nhau, mà còn đặt đất nước vào tình thế bị cô lập tột độ khỏi phần còn lại của thế giới. Sự cô lập này bao trùm lên tất cả: từ đám quan chức danh lưu cho đến những giai tầng thấp nhất của xã hội - một bức tranh siêu thực quái dị về xã hội xô-viết, về vị trí của nó và các bộ phận của nó trong thế giới. Tình trạng này càng kéo dài, sự tan rã bất khả cưỡng sẽ đến càng chóng vánh một khi [chế độ] phải đương đầu với hiện thực.
(…)
Bất cứ một nhà nước nào tập trung một cách khiên cưỡng quá nhiều sức lực vào việc kiểm soát các công dân của nó về cả thể xác lẫn tinh thần sẽ không thể tồn tại lâu dài.” [Andrei Amalrik, Will the Soviet Union Survive until 1984?, Harper & Row 1970]

Một bài về Giao thông tại Việt Nam in trên mạng

Tại bất kỳ quốc gia nào, vấn đề văn hóa giao tiếp là lối sống, nếp nghĩ của người dân được biểu hiện trong sinh hoạt hàng ngày, luôn thể hiện cho sự tiến bộ xã hội của đất nước ấy. Văn hóa giao tiếp là sản phẩm của ý thức, tri thức thông qua học tập, giáo dục từ gia đình, cộng đồng và nhất là tại các trường học. Tất nhiên, muốn đạt chuẩn nào đó về văn minh, thì còn phải cộng thêm yếu tố công nghệ khoa học hiện đại (tại thời điểm) được ứng dụng rộng khắp, phục vụ đời sống của con người trên đất nước ấy…

Từ xa xưa, chợ là nơi giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa. Và chính từ nơi này mọi giao tiếp ứng xử giữa con người với nhau, cùng với việc tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã tao nên những hình thức văn hóa và văn minh sơ khai “kẻ chợ”. Từ hình thức chợ tự phát ban đầu, dần dần khái niệm về đô thị bắt đầu hình thành và liên tục phát triển thành các đô thị như ngày nay. Như vậy, biểu hiện nếp sống văn hóa tại những nơi công cộng đông người (thành thị), có thể được coi như là bộ mặt văn hóa của một khu vực, hay rộng lớn hơn đó là văn hóa của một đất nước.

Để có hạn mức đánh giá một điều gì đó cần phải có một thước đo, hay một sự so sánh. Việt Nam là một cái nôi của Nền Văn Minh Lúa Nước cho nên ta có thể so sánh với một đất nước có chung một nền văn minh tương tự đó là đất nước Thái Lan.
Trong một lần đi thăm Thái Lan, tôi không khỏi ngỡ ngàng về một quốc gia được coi là một cường quốc về… trồng trọt. Thái Lan là một nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đồng thời hoa quả của họ cũng chiếm một thị phần không nhỏ trên thị trường thế giới…Nhưng bước chân đến các thành phố của Thái Lan, đặc biệt là thủ đô Bang Kok du khách không khỏi bất ngờ về một đô thị văn minh hiện đại không kém gì các thành phố hiện đại của Châu Âu. Người ta khó mà cảm nhận, hay là nhận thấy một “Nền Văn Minh Lúa Nước” tại nơi này…

Các thành phố của Thái Lan đều là thành phố của các cây cầu và… xe Buýt. “Bước chân ra khỏi cửa là nhìn thấy cầu và xe Buýt”. Đó là những điều đập vào mắt mọi du khách. Đường phố của thủ đô Thái Lan hầu hết đều rất rộng thường là từ 8 đến 10 làn xe và tỉ lệ diện tích được sử dụng làm đường giao thông luôn chiếm từ 20% diện tích chung của thành phố trở lên.

Riêng về cầu thì nhiều nhất (về số lượng), phải kể đến cầu vượt dành cho người đi bộ sang đường, tuyệt đối không có kiểu “hầm vượt” như tại Hà Nội của Việt Nam. Đường ngầm chỉ dành cho xe cơ giới thay vì cầu vượt tại một vài giao lộ, và đường hầm dành cho tàu điện ngầm. Đó là một sự giỏi giang về hiểu biết tâm lý người tham gia giao thông, của kiến trúc sư thiết kế quy hoach đô thị. Kế đến là số lượng cầu vượt dành cho xe cơ giới tại các giao lộ, những cầu vượt này cùng với những cây “siêu cầu” là những đường sắt trên cao, đường cao tốc (tiếng Thái gọi là thang đuồn) dành cho ô tô xe máy trên cao (có những tuyến cầu dài hàng vài chục km là đường cao tốc nối thành phố này với thành phố khác) đã tạo ra những “nút giao thông… cầu” rất hoành tráng và tráng lệ, mà hoàn toàn không phá vỡ cảnh quan, cũng như nhịp điệu hài hòa của thành phố.

Nói đến sự hiện đại trong các thành phố của Người Thái thì còn phải liệt kê rất nhiều, nhưng mục đích của bài viết này nói về văn hóa giao tiếp là một mặt của văn minh đô thị, nên tác giả không đi sâu trong phần giới thiệu sự hiện đại của các thành phố ở Thái Lan…

Như đã giới thiệu, xe Buýt là phương tiện giao thông cơ bản của người dân, nhất là tầng lớp lao động. Tại Bang Kok có khoảng trên 1000 tuyến xe Buýt khác nhau, với đủ loại xe lớn nhỏ. Bước chân lên xe là hành khách được nghe “xà guặt đi kha”(xin kính chào) từ người phụ xe kiêm bán vé, dù đó là xe cao cấp có gắn máy lạnh hay là xe Free không tính tiền. Trên xe Buýt đặc biệt ít nghe tiếng nói chuyện riêng, người ta không bao giờ hỏi người lạ kế bên là “anh đi đâu ?” chẳng hạn. Trên xe Buýt có dành riêng chỗ ngồi cho người khuyết tật, các nhà sư, và tất nhiên là những người này không phải mua vé. Nếu có một cụ già hoặc một em bé thiếu nhi, hay một phụ nữ mang thai bước lên xe, thì ngay lập tức có người đứng lên nhường ghế ngồi. Không ai ngồi gác chân hay co chân lên ghế, đặc biệt là ít người ngồi gác chéo chân này lên chân kia, quay ngang quay ngửa vv…

Lần đầu, người viết bài này bước chân lên một chiếc xe Buýt loại kiểu cũ, chỉ có hai hàng ghế hai bên. Một hình ảnh rất đẹp đó là mọi người đều ngồi nghiêm trang, chân vuông góc với đùi, không ai duỗi chân thẳng chiếm chỗ lối đi ở giữa, rất giống với một đoàn binh lính đi hành quân…

Ở Thái Lan không có chuyện người sợ xe ! Mà là xe sợ… người. Nếu vì lý do nào đó mà một người phải băng qua đường thì những chiếc xe hơi sẽ kiên nhẫn chờ cho người đi bộ đó đi qua. Không có chuyện như ở Việt Nam lái xe thò đầu ra quát “muốn chết hả ?” hay thậm chí là một câu chửi hết sức tục tằn không có văn hóa…

Tại Thái Lan, những người chạy xe gắn máy trên đường cao tốc mới bị bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.

Một người Việt sống lâu năm ở Thái kể lại câu chuyện mà anh ta đã chứng kiến tận mắt. Đó là cả đoàn xe khi đi qua một cánh rừng đã phải phanh gấp và dừng lại chờ cho một con rắn bò uể oải ngang qua đường.

Nếu một người đi bộ cùng chiều với xe hơi vô tình chiếm lối đi (tất nhiên là chỉ xảy ra trên đoạn đường hẹp) thì chiếc xe hơi đó sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho người đi bộ đó nhận ra là có xe đi phía sau, chứ họ hoàn toàn không khi nào dùng còi vì sợ người đi bộ giật mình ! Nhưng như vậy không có nghĩa là người đi bộ cứ đi lăng xăng lộn xộn, vì mỗi người đều rất có ý thức khi tham gia giao thông…

Thủ đô Bang Kok có khoảng vài triệu chiếc xe ô tô các loại, nhưng đi cả ngày cũng khó nghe tiếng còi xe. Có chăng chỉ là tiếng còi điện chào nhau của mấy bác tài xế, hoặc là tiếng còi của mấy chiếc xe Buýt mời hành khách đi xe mà thôi…

Ngay cả mấy bác xe ôm cũng mặc áo đồng phục tử tế, và nhất là ai đứng trước, có khách đến thì đi trước. Không có chuyện tranh giành chèo kéo khách, thậm chí giằng túi xách lôi khách đi xềnh xệch như ở Việt Nam.

Tại các quầy dịch vụ hoặc các máy ATM, dù đông người hay chỉ vài người chờ đợi thì không ai bảo ai, họ đều tự giác xếp hàng không có chuyện chen lấn, xô đẩy...

Những câu “khỏ thốt, khọp khun khrắp”(xin lỗi, cám ơn) là những câu rất thường được nghe khi đi ra đường và trong sinh hoạt…

Không thể đưa ra nhận định là do học thức của họ cao, vì qua tìm hiểu thì đại bộ phận những người mà tác giả bài viết này đề cập đến, đều là tầng lớp lao động. Vậy chỉ có một cách giải thích duy nhất đó là do nhận thức trong giáo dục.

Tại Thái Lan, vào những ngày nghỉ thì không nói đến, nhưng những ngày thường, rất ít có trẻ em là thiếu nhi, thiếu niên đi ra đường chơi rông. Nếu bắt găp cảnh sát sẽ hỏi ngay: Tại sao cháu không đi học? Như vậy là từ trong nhà trường đến ngoài xã hội đều rất quan tâm đến các em nhỏ.

Một cái nôi hết sức quan trọng cho việc giáo dục đó là tôn giáo!
Thái Lan có rất nhiều tôn giáo, nhưng nhiều nhất là Đạo Phật (khoảng 70% dân số). Hầu như bất kỳ ai cũng theo một tôn giáo nào đó mà không có chuyện không tôn giáo. Chính những giáo lý của các tôn giáo đã dạy cho con người biết sợ các đấng thần linh và khuôn phép ở đời…

Một thông tin từ nhà nước về tình hình tôn giáo tại Việt Nam năm 2009 nói rằng “Việt Nam có trên 85 triệu người nhưng chỉ có 20% là có tôn giáo”. Con số này hoàn toàn không đúng, nhưng nếu đúng như vậy thì hiện nay trên 60 triệu người Việt Nam đang không có tôn giáo nào!
Đây là một thảm họa!

“Hỗn loạn” đó là hiện thực của xã hội Việt Nam ngày nay…
Người ta có thể lao vào ẩu đả lẫn nhau cho đến chết, chỉ vì một va quệt nhỏ trong giao thông. Có thể giết nhau chỉ vì một cái “nhìn đểu”, hoặc biết bao xích mích nhỏ nhặt khác mà thực ra, chỉ cần một lời xin lỗi là đã vừa đủ. Chưa kể đến những vụ cướp bóc tàn bạo, hãm hiếp tàn bạo mà những hành vi đó có lẽ chỉ xảy ra đối với loài thú dữ không có nhân tính mà thôi…

Phần “con” trong con người đang trỗi dậy khủng khiếp!

Phần “người”đang bị triệt tiêu một cách xót xa!

Ngày còn nhỏ, tôi đã chứng kiến một đàn gà bị nhốt trong một cái chuồng chật chội, mà người chủ quên không cho ăn. Loài gà vốn là một loài vật hiền lành, nhút nhát (có lẽ là hiền nhất trong các loài vật). Thế nhưng trong lần đó tôi đã tận mắt nhìn thấy chúng mổ vào hậu môn nhau cho đến chết, và dùng mỏ móc ruột các con gà nhỏ, yếu ra để ăn ruột của các con gà xấu số đó. Thì ra, đứng trước cái đói, cái chật chội bức bách, đến loài gà cũng trở thành ác quỷ!

Người ta tranh giành nhau cơ hội làm ăn, giành giật nhau lối đi trong giao thông. Người ta kiếm tiền bằng mọi giá, mọi thủ đoạn, bất chấp hậu quả sẽ như thế nào! Trong một xã hội sống gấp gáp, vội vàng như vậy thì những giá trị đạo đức hỏi tìm đâu ra chỗ đứng?

Về mật độ dân số, Việt Nam hiện nay có mật độ dân số cao gấp năm lần mật độ trung bình trên thế giới, và cao gấp 1,5 lần so với Trung Quốc (tài liệu của Qũy Dân Số Thế Giới).

Thật khủng khiếp, vì sự hỗn loạn trong xã hội Việt Nam ngày một gia tăng, những tội ác man rợ ngày nào cũng xuất hiện tràn ngập trên báo chí.

Nguyên do vì đâu?

Do nền giáo dục vô kỷ vô cương! Do vấn đề “thượng bất chính, hạ tất loạn”! Do kỷ cương phép nước bị lợi dụng cho những nhóm người có chức quyền! Do sự phân hóa bất minh giữa kẻ giầu và người nghèo! Do không gian sống chật chội (nhất là trong các thành phố). Liệu ai đó có muốn phát điên lên không, khi bị tắc đường hàng giờ trong làn khói bụi ồn ào và cực kỳ ô nhiễm, tiến không được, lui không được, mà trên đầu lại chình ình một cái “nồi cơm” là chiếc mũ bảo hiểm?

Điều quan trọng nhất là do mỗi người dân chưa ý thức đầy đủ về mối nguy hại tiềm tàng của sự hỗn loạn đang xảy ra trên đất nước Việt Nam.

“Trông người lại nghĩ đến ta”. Nhìn những chú chim đủ loại, từ Sáo, Mi, Cu Gáy, Qụa…, nhất là Bồ Câu tự do vô tư kiếm ăn, bay nhảy bên ven đường, nơi đông người qua lại mà tuyệt nhiên không có ai (kể cả các em nhỏ) xua đuổi, săn bắt chúng tại Bang Kok. Ta thấy chợt buồn cho văn hóa của một Hà Nội “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, “thanh lịch người Tràng An”, “tử tế người Hà Nội” vv và vv.

Nói như vậy không phải là xã hội Việt Nam ngày nay không còn người tốt, việc tốt. Nhưng rõ ràng cái ác đang lấn át cái thiện. Sự sợ hãi là bản năng động vật của con người đang dày vò tâm trí người tham gia giao thông, người đi đường. Người ta sợ tai nạn giao thông đến bất thình lình, sợ bị giật túi xách, giật đồ trang sức bất kỳ lúc nào, kể cả lúc đang đi bộ. Chưa kể là có thể vô tình bị đánh nhầm, chém nhầm.

Đất nước Thái Lan không phải là Thiên Đường và chưa phải tuyệt đối mọi điều đều tốt đẹp. Nhưng xã hội Thái hoàn toàn đang là một giấc mơ đối với người Việt (trong nước) chúng ta!

20-6

Ở Vĩnh Long, tỉnh cho một số cán bộ chủ chốt thuê đất, các cán bộ này cho những người làm ăn thuê lại theo giá cao hưởng chênh lệch.

Ở Hà Giang, một cty trách nhiệm hữu hạn kiện lên chính phủ về việc UB tỉnh thuê họ làm một công trình nào đó mà không trả tiền họ. Một phó thủ tướng đã có chỉ thị tỉnh phải trả, mà tỉnh không trả.

Blog Phạm Viết Đào quan ngại, rồi mỗi tỉnh sẽ thành một sứ quân có luật lệ riêng chăng?

23-6

Bài Từ giải báo chí nghĩ về một vài vấn đề nóng hiện nay trên VNN 23-6-09 có đoạn khái quát

Một vài nghiên cứu trước đây đã cho thấy mối liên hệ giữa sự dư dật tài nguyên luôn đi kèm với tỉ lệ tăng trưởng thấp. Thực tế dường như cho thấy sự phổ biến của tình trạng các quốc gia phụ thuộc vào tài nguyên thường không có một nền kinh tế, xã hội và chính trị tích cực tương xứng.

Đúng là thời đại của những nghịch lý.

Và điều quan trọng là hôm qua chúng ta tưởng đời sống một đằng thì hôm nay nó đi theo đằng khác.

Ngày báo chí, Huỳnh Như Phương có nhận xét về báo chí đương thời

“Tất nhiên mỗi tờ báo phải hướng tới thị hiếu của một công chúng nhất định. Nhưng sao vẫn không tránh được cảm giác xa lạ. Tôi thấy báo chí hiện nay gặp một mâu thuẫn thế này: Có những sự kiện cần được phân tích, soi rọi nhiều chiều để nhận định cho sâu sắc, thuyết phục, thì nhiều tờ báo cùng nói giống nhau. Trái lại, có những sự kiện mà bạn đọc muốn có thông tin khách quan, chính xác, thì mỗi báo lại nói một kiểu.” ( báo Lao động)

23-6

Tuổi Trẻ Cuối tuần trích đăng một số bài báo của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh viết đầu thế kỉ trước:

“Thực tế suy cho cùng, chính quyền có lý khi cấm người An Nam nói đến chính trị, bởi vì tại cái đất này không có chính trị. Ở đây chỉ có nhà cầm quyền làm vua mà thôi…”

“Ở xứ đó những thằng đại bợm ăn cắp được nhiều nhất là những thằng giỏi xoay xở và khôn khéo trong công việc nhà nước…”

“Hãy để cho người dân được sống yên trong cái xứ đó, cái xứ mà chỉ với một chút xíu khoa học họ đã trở thành nhà thông thái, với hai xu trong túi họ đã trở thành những nhà giàu. Họ cảm thấy thỏa mãn vừa lòng khi chui rúc trong một túp lều. Họ bị áp bức mà không khổ sở và nhất là - nhất là họ bị lừa gạt, bị hăm dọa đòi tiền, bị ăn cắp bóc lột mà vẫn không dè…”

Thời đại của những kẻ lạ đời?

23/06/2009 10:57 (GMT + 7)

(TuanVietNam) - Cuốn sách The Age of the Unthinkable (Tạm dịch: Thời đại của những kẻ lạ đời) của tác giả Joshua Ramo (nguyên biên tập viên của tờ Time) có thể coi là một lối kiến giải khác về hiện trạng thế giới ngày nay. Tuần Việt Nam giới thiệu đến độc giả bài bình luận về cuốn sách của Gary Rosen, đăng tải trên tờ New York Times.


Ramo là giám đốc điều hành của Hiệp hội Kissinger, một công ty tư vấn địa chiến lược" gây nhiều tranh cãi, do vị cựu ngoại trưởng Mỹ thành lập. Tuy vậy, cuốn sách mới của ông lại trung thành với quan điểm chỉ trích tư duy địa chiến lược kiểu Kissinger.

Trong một bữa tiệc mới tổ chức gần đây, Kissinger đã bày tỏ với phóng viên tờ The New Yorker, rằng cuốn sách "mang một ý tưởng xuyên suốt khiến ông cảm thấy khá hoang mang, đó là những người như ông có lẽ đã lỗi thời."

Như Ramo đã viết, chúng ta đang sống trong một "thời kỳ mang tính cách mạng", với những vấn đề phức tạp, biến hóa khôn lường và có mối liên quan tương tác mật thiết với nhau, những vấn đề đó ngày càng vượt qua tầm kiểm soát của chúng ta (có thể liệt ra một số trong đó như khủng bố, tình trạng trái đất nóng lên, dịch bệnh, sụp đổ thị trường tài chính).

Các nhà nước không còn chiếm vị trí độc tôn, những “nhân vật mới” bắt đầu trỗi dậy, và thời thế thuộc về những kẻ giỏi ứng biến và chóng thích nghi. Theo quan điểm của Ramo, những động lực mới đáng sợ này đòi hỏi "một sự cải biến triệt để quan điểm về sự an toàn của chúng ta", thậm chí nó sẽ đảo ngược cả những thói quen tư duy của phương Tây đã tồn tại hàng ngàn năm nay.

Những khái niệm lỗi thời như sự kìm hãm và cân bằng quyền lực sẽ phải nhường chỗ cho những khái niệm đang thành hình về khả năng phục hồi. Chúng ta phải liên tục cải cách và học tập, cho chính mình với tư cách là cả một xã hội, và trong từng hành động của mỗi người.

2-7

Đọc lại Maybon-- số phận nước Việt là hỗn loạn nhếch nhác, như đang thấy chăng?

Ông Đào Thế Tuấn nói ở các tổ chức phi chính phủ đều bảo VN không có cộng đồng

4-7 Vaclav Havel Hi vọng không phải là lạc quan, không phải là tin tưởng rằng một việc gì đó cuối cùng sẽ tốt đẹp. Hi vọng là vững tin rằng một việc gì đó có ý nghĩa, bất chấp kết cục sẽ ra sao.

10-7

10-

Gần hai năm đã trôi qua, tôi gác sang một bên cái việc tìm hiểu thói hư tật xấu. Ai hỏi, tôi hay nói riêng mình tôi mà làm được việc gì, phải có nhiều người cùng làm.

Không phải tôi làm bộ làm tịch gì đâu, sự thực là tôi nghĩ vậy. Và còn thấy buồn là còn đang ít người viết về chuyện này. Và, xin lỗi , ít người viết hay, thuyết phục, mới lạ có tầm…

Tôi thì tôi đang lo viết những v/đ khái quát hơn: tìm hiểu tính cách dân tộc. Tức không chỉ thói hư tật xấu theo nghĩa thông thường nghĩa dân gian nghĩa đường phố, mà những đặc tính của người Việt, như tư duy, quan niệm, quan niệm về con người và xã hội, quan niệm về lịch sử, mỹ cảm, tiếng cười v. vv..

Mấy hôm, đọc cuốn Maybon về lịch sử VN thấy hay quá, tôi rất muốn làm một bài lược thuật, giới thiệu một số tư liệu quý trong cuốn sách . Ví như đây là một đoạn trong sớ của Nguyễn Ánh gửi Hoàng đế nhà Thanh:

Thần , gục đầu xuống đất , trông mong rằng Hoàng đế rủ lòng tốt mà thương xót đến; thần là một nước chư hầu nhỏ của Đại quốc, chỉ ước ao làm thế nào mà thấm được chút ơn của Hoàng đế ban cho. Khi thần dâng bài sớ này sang Hoàng đế, thì mặt thần quay về hướng Bắc, bụng thần tưởng nghĩ đén Hoàng đế, và khói hương thì thơm bay ngào ngạt”

Ng V Thành kể ai đó nói rất hay, người Việt không có tôn giáo mà chỉ có tín ngưỡng .—chữ tín ngưỡng nói ở đây là cầu cúng, do sợ hãi, mà cũng lại do vụ lợi.

Một tờ báo viết ,nhân bản tin trên TTXVN vềTỷ lệ rừng trên đầu người Việt Nam thấp nhất thế giới,

Xin giới thiệu một số cái nhất khác:

Giá sữa ở Việt Nam cao nhất thế giới

Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ nhất thế giới

Giá muối Việt Nam đắt nhất thế giới

Giá đất tại Việt Nam có thể vượt quá những nơi có giá cao nhất thế giới

Minh bạch đất đai của Việt Nam thấp nhất thế giới

Người tiêu dùng Việt được bảo vệ kém nhất thế giới.

Việt Nam nhập khẩu vàng nhiều nhất thế giới

Lương quản lý IT của Việt Nam thấp nhất thế giới

Số câu lệnh tìm kiếm chứa “sex” xuất phát từ các địa chỉ IP Việt Nam nhiều nhất trên trang thống kê Google Trends

Việt Nam có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới

Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu

Người Việt Nam lạc quan nhất thế giới

Việt Nam vào top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới!

22-7

Trên VNN có bài Đặng Hữu Phúc nói về thói háo danh, từ đó nêu vấn đề dường như có những nếp sống nếp nghĩ mà ở các nước khác là thông thường còn ở ta thì lại là kỳ lạ khó hiểu.

Tôi muốn bổ sung thêm một chuyện khác .

Chị Phương bạn tôi năm ngoái 2008 sang thăm con học ở bên Nhật về kể hai tuần ở bên ấy có những ngày chị chẳng đi đâu xa, chỉ ra ngã tư đầu nhà. Cái việc mà chị chăm chú quan sát nó là thế này: bên ấy xe cộ chỉ thích nhường nhau. Thú lắm, chị bảo, mình bỏ cả giờ đồng hồ để xem cơ mà.

Chắc là nỗi ám ảnh về cảnh đi lại chen chúc tranh nhau, cướp đường của nhau bấm còi inh ỏi... bên nhà đã khiến chị bạn của tôi có được nỗi vui kỳ lạ nọ nơi đất khách.

Trong việc mua bán từ nhỏ bọn người năm nay ngoài sáu mươi như tôi thường nhập tâm lời dặn của gia đình, có mua cái gì nhớ chọn cho kỹ, người bán hàng họ ghê lắm, ra khỏi cửa hàng không ai người ta cho đổi đâu.

“ Hàng mua xong xin miễn trả lại” mấy chục năm đời sống thời chiến khó khăn hàng họ càng hiếm, làm sao nhớ được là có bao nhiêu cửa hàng đã đề rõ như vậy trên tủ kính.

Bởi vậy tôi cứ tự cười thầm khi nhớ lại những lần được nghe kể về cách người nước ngoài bán hàng, sau khi bán xong họ còn dặn dò là nhớ liên hệ lại để theo dõi xem hàng mình mua dùng có tiện lợi không, có hỏng thì họ mang hàng khác đến đổi ngay. Thật là ngược với mình 100%./.

SỐ TRUY CẬP online