Trung quốc hôm nay: cuộc sống trở thành văn hoá


Một người bạn, có dịp qua Trung quốc năm trước, sớm kể với tôi rằng trong khi tiến nhanh trên con đường hiện đại hoá, Trung quốc hôm nay lại có một không khí rất thanh bình. Câu chuyện của anh khép lại bằng một hình ảnh dễ nhớ: ngay những người đi xe đạp ở Bắc Kinh cũng không bao giờ tỏ ra hớt hơ hớt hải nóng vội mà thường có cái vẻ rất từ tốn. Dân ngoại ô buổi sáng đi xe đạp đến ga xe điện ngầm. Xếp xe vào một khu vực qui định (không có ai trông và không cần khoá) rồi theo xe điện ngầm vào thành phố làm việc. Chiều quay ra, lại ung dung đạp xe về nhà.
Thú thực, nghe chuyện, tôi chưa thật tin. Bao giờ chúng tôi cũng nhớ như in rằng Trung Hoa là đất nước của hơn một tỉ dân. Vậy thì bề bộn, chen chúc sẽ là phong cách chính toát ra từ sinh hoạt của người dân nơi đây, và chắc chắn, nó sẽ là cảm tưởng còn lưu lại trong đám khách du lịch chúng tôi.
May thay, trong trường hợp này, anh bạn tôi đã nói đúng. Từ một huyện biên giới như Bằng Tường, thủ phủ một tỉnh như Nam Ninh (thuộc tỉnh Quảng Tây) cho tới trung tâm chính trị và văn hoá cả nước, như Bắc Kinh, đâu đâu cũng thấy ngự trị một cảm giác bình thản thực sự.
Hệ thống đường sắt làm nên những mạch máu lớn toả ra trên khắp đất nước Trung quốc. Song ở các nhà ga, người ra vào rất trật tự. Gần chỗ kiểm vé một số ga, đại diện của các khách sạn loại nhỏ ngồi trong quày chờ khách. Ai người xuống tàu, chưa có chỗ nghỉ, có thể tuỳ túi tiền mà mua vé trọ. Bên ngoài sân ga, tắc-xi nối đuôi nhau xếp thành hàng. Xúm xít bên nhau, xô đẩy nhau, giành khách của nhau, rồi dụ dỗ, lừa lọc, hoảng hốt, nghi ngờ… những gì là tiêu biểu cho các đám đông hỗn độn và thiếu tự tin, ở đây hoàn toàn không có.
Từ trên tàu hoả nhìn ra hai bên đường, vẻ thanh bình của nông thôn Trung quốc lại càng hiện ra đậm nét, như trong một bức tranh thuỷ mạc. Sau mùa thu hoạch, trên những cánh đồng đất nâu tơi mịn những vạt khói bay lơ lửng (khói từ các đống bẹ ngô, hoặc rơm rạ đốt lấy tro làm phân). Dân quê làm việc trên đồng. Dọc theo những con đường nhựa phẳng lỳ những chiếc xe tải lướt qua. Ai làm việc nấy, và thật khó tin nơi đây lại có đến hơn một tỉ dân sinh sống! Cho đến cả đám trẻ con đi học về cũng từ tốn lạ lùng. Có thể là chuyện ngẫu nhiên, nhưng quả thật là đến năm sáu lần, tôi để ý thì thấy các em, trên đường từ trường về nhà, xe đạp chỉ đi hàng một với một cự ly khá đều đặn. Không có cái cảnh quẩn vào từng đám trêu chọc nhau, đuổi bắt nhau, rồi nói cười bả lả như ở chốn không người, bất chấp mọi sự khó chịu của khách qua lại.
Từ lâu, các thành phố Trung quốc đã có quy định ô-tô không được bóp còi. Bởi vậy, những buổi sớm mai thức dậy ở Bắc Kinh với khách du lịch, bao giờ cũng là "ban mai êm ả". ở các công viên người đến tập thể dục khá đông. Vào những ngày nghỉ một số người còn nán lại tập khiêu vũ. Và ra vẻ Bắc Kinh nhất, là mấy cụ già lồng chim nhỏ trong tay đi dạo buổi sớm. Trên đời này, cụ già nào chẳng bước đi một cách chậm chạp, song tôi cảm thấy ở đây, ở các cụ lại toát ra vẻ khoan thai, không chút sợ hãi hoặc bị xô đẩy, hoặc làm vướng chân kẻ khác. Trên các đại lộ chính của Bắc Kinh hiện không còn cái lối người đi bộ tuỳ tiện ào qua đường. Mà thay vào đó, người ta phải dùng những đường hầm đào xuống lòng đất, gọi là địa đạo. Đầu các địa đạo chỗ nhô lên mặt đường, thỉnh thoảng có đặt một hai chiếc ghế đá. Đã mấy lần tôi bắt gặp cảnh cụ già từ các địa đạo đi lên, dừng lại ngồi nghỉ. Giữa khung cảnh của xa lộ tám làn đường ô-tô ngược xuôi và trên cái nền của những cao ốc vài chục tầng, bóng dáng các cụ trông thật nhỏ nhoi, nhưng nhìn kỹ vẫn là những nét mặt tự tin. Mỏi thì nghỉ, chốc nữa lại đi, cuộc sống có cái phong thái ung dung như chính nước Trung Hoa (một trong những nền văn minh cổ nhất và rực rỡ nhất của thế giới) hôm nay đang ung dung thư thái sau những bước đáng gọi là "đại nhảy vọt" thực sự trong hai chục năm qua.

II. Quy củ, chặt chẽ
Có hai chuyện vặt mà riêng tôi cứ thấy nhớ mãi sau ít ngày qua thăm Trung quốc: một là phụ nữ ở đây (kể cả các thành phố lớn) có trang điểm cũng rất kín đáo chứ không mắt xanh mỏ đỏ loè loẹt quá đáng và hai là nhà cửa khắp nơi - (kể cả những căn nhà một tầng hai tầng ở nông thôn) cũng làm gần như một kiểu quy định, không có cái loi thoi nhà này cao lên một chút, nhà kia thấp đi một chút, hoặc lố lăng học đòi những kiểu lạ, cốt chơi trội và ra cái điều "có mình trên đời" "mình phải nổi bật giữa thiên hạ".
Đây cũng lại là dấu hiệu của sự bình yên bình thản, mà theo tôi đáng lưu ý, vì nó cho thấy một cái gì ăn sâu trong tâm lý con người. Nó là cốt cách riêng của người Trung quốc, một dân tộc sớm có ý thức về sự thống nhất và rất có kỷ luật chăng? "Có lẽ vậy!" - khi nghe tôi nhận xét các bạn Trung quốc gật đầu công nhận, nhưng nhiều người không quên lưu ý thêm đó là vì nhà cầm quyền nơi đây đã có những biện pháp nghiêm ngặt trong quản lý xã hội, và những biện pháp đó đã tỏ ra có hiệu nghiệm nên mới hình thành nên những nền nếp chắc chắn như vậy.
Ví dụ cái chuyện xe ô-tô không bóp còi: ai phá lệ, phạt 200 tệ (khoảng trên 300 ngàn tiền Việt). Nơi công cộng ai hút thuốc, phạt 50 tệ (khoảng trên 300 ngàn tiền Việt). Nơi công cộng ai hút thuốc, phạt 50 tệ (khoảng 80 ngàn tiền Việt). Lại như chuyện xây dựng ở các đô thị. Nơi đây người dân không có quyền mua đất làm nhà riêng rồi tuỳ ý bao giờ làm thì làm và thích kiểu gì xây kiểu đó. Không, tất cả là do nhà nước lo liệu. Tuỳ túi tiền, anh có thể mua một căn hộ trong một chung cư hay cả một biệt thự sang trọng, nhưng những ngôi nhà này đã nằm trong quy hoạch chung. Điều kiện vật chất chắc eo hẹp, đôi khi từng căn hộ ở mỗi chung cư không khỏi còn có tình trạng làm thêm một tí "chuồng cọp" để phơi phóng. Nhưng cả cái phần vẩy ra thêm ở từng buồng này cũng phải tuân theo quy cách, cái lối cơi nới bừa bãi nhà nhô ra tám mươi phân, nhà nhô ra thước hai… là không được phép.
Thành phố lớn lên tất không tránh khỏi chuyện phá đi những căn nhà đã ọp ẹp lỗi thời để nhường chỗ cho các cao ốc (Trung quốc thường gọi là các đại lâu hay đại hạ) hoặc làm đường giao thông mới xuyên qua cả khu dân cư cũ. Nhưng sau khi có sự đền bù sòng phẳng phân minh, gia đình nào bướng không đi, liền cho xe đến ủi. Làm một vài lần, không ai tính chuyện bài bây ăn vạ nữa!
Lạ một nỗi, khi kể lại chuyện này, những người dân thường Trung quốc không hề tỏ ra nuối tiếc vì bị tước mất thứ "tự do tuỳ ý tuỳ tiện" kia. Ngược lại họ cảm thấy nhiều phần mãn nguyện vì nếp sống đã gây dựng được. Có vẻ như họ không chỉ nghĩ đến nhà riêng của họ mà đang nghĩ đến cả đất nước.
Một tập quán tốt đẹp, mà trước đám khách lạ phương xa chúng tôi, người Trung quốc thường khoe ra một cách chính đáng là việc tự nguyện dùng hàng nội hoá. Ngoài đường xe chạy là xe Trung quốc. Trong các toà nhà cao tầng, TV, tủ lạnh, bồn tắm, điều hoà nhiệt độ, đều là hàng Trung quốc. Sau khi lưu ý chúng tôi như vậy, họ không quên lưu ý thêm: sở dĩ việc đó xảy ra xuôn xẻ, vì có các biện pháp hữu hiệu đi kèm. Giá một xe máy do Trung quốc sản xuất đâu chỉ 6.000 tệ (khoảng chục triệu tiền Việt), mua tuần trước tuần sau có đăng ký hợp lệ để sử dụng ngay. Còn giá một xe Honda của Nhật là trên 20.000 tệ. Nhưng nhanh nhất thì nửa năm sau mới có được đăng ký để chính thức lưu thông trên đường. Và điều quan trọng hơn là hàng Trung quốc tuy chưa đẹp nhưng bền. Chất lượng tương đương với đồng tiền. "Vậy thì tội gì không dùng, tiện cho mình mà có lợi cho đất nước cho đồng bào mình"- người ta gật gù tự nhận cái lý do giản dị của việc dùng hàng nội là như vậy.
Tỉ mỉ, cụ thể, nhạy cảm trước những phản ứng tâm lý của con người bình thường - luật lệ ở Trung quốc cứ thế được đặt ra và được tôn trọng, giữ nhịp cho cả một xã hội thay đổi.

III. Lịch sử nơi nơi và cái đẹp nơi nơi
Trung quốc chẳng những là một đất nước có lịch sử lâu dài, mà điều quan trọng hơn, con người nơi đây sớm hiểu cái lịch sử lâu dài ấy của xứ sở và tìm ra một thái độ sống thích hợp. Vừa sống, họ vừa lo gìn giữ những dấu vết người trước để lại. Vừa sống, vừa ghi chép lịch sử, từ đó tạo cho đời sống không chỉ có cái chiều cạnh thông thường mà như có thêm nhiều chiều cạnh mới và con người thì giàu có lên bởi những cuộc sống khác nhau trong quá khứ.
Đó là những điều đây đó, chúng tôi đã được nghe nói, song vào những ngày du lịch trên đất Trung quốc, được "mục sở thị" mọi chuyện, lòng vẫn không hết ngạc nhiên.
Đến với các di tích lịch sử ở Trung quốc, cảm giác trước tiên nảy sinh trong lòng những người khách phương xa, đó là được gặp gỡ với những người mình quen từ lâu. Từ câu chuyện Phạm Lãi - Tây Thi đến Võ Tòng đả hổ. Từ chuyện Huyền Trang "tây du" (đi về phía tây) thỉnh kinh đến những chuyện "nam du" của Càn Long. Từ những hàng chữ của Vương Hy Chi bên Ô y hạng đến bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế… Nếu có sức đi, người ta còn muốn đi thêm. Lý do thứ nhất khiến cho các bằng chứng ấy hấp dẫn: Chúng đáng tin cậy. Lịch sử không phải chỉ là những ý muốn tốt đẹp, những điều cao hứng lên thì bịa đặt ra cho vui và nói cho sướng miệng. Mà lịch sử là những ngôi chùa, những bức tường, những hòn đá những con đê, niên đại của chúng có thể kiểm tra đối chiếu. Trong cuốn Sử Trung quốc (Nxb Văn hoá, 1997), nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê viết ở cuối chương II "Một điều rất đáng để ý là tên những triều vua đời Thương khắc trên các giáp cốt (tức trên mai rùa mà người ta đào được sâu dưới lòng đất - V.T.N) gần y hệt với tên trong bộ Sử ký của Tư Mã Thiên". Nhưng còn một lý do nữa, khiến cho các bằng chứng kia có sức hấp dẫn, đó là trong thái độ trong mắt nhìn, trong lời bàn tán, con người Trung quốc hôm nay cho thấy họ đến với các di tích lịch sử với một ý thức sáng rõ: Không phải để đua đả mua vui (lại càng không phải để cầu cúng), mà là để chung sống với người xưa, với lịch sử, và tìm thêm nguồn sinh lực cho công việc trước mắt. Đến lượt mình, khách từ phương xa tới cũng lây cả nỗi hào hứng lẫn niềm tin thiêng liêng kia, và cảm thấy như mình đang được hành hương về với cội nguồn chung của nhân loại.
Cũng nên chú ý thêm rằng lịch sử theo quan niệm của người Trung Hoa có đủ những khuôn mặt khác nhau và cái gì người trước đã làm, người sau cũng có quyền biết, chứ không có kiểu "tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại" ở Hàng Châu, trong khu vực miếu Nhạc Phi còn có tượng Tần Cối. Bên cạnh chữ Hán những hàng chữ Mãn nay vẫn được giữ trên Điện Thái Hoà ở Cố cung. ở Nam Kinh, sau khi tới thăm lăng Tôn Trung Sơn, du khách được dẫn tới tham quan Mỹ Linh cung, nơi trưng bày nhiều chi tiết có liên quan đến người vợ tài hoa và ghê gớm của Tưởng Giới Thạch. Khi kể cho từng người dân thường và khách du lịch phương xa tiếp xúc với tất cả những cái đó, cũng như ngay từ lúc này đã cho in ra những cuốn sách kể những chuyện có thật trong cuộc đời Mao Trạch Đông, Giang Thanh, Khang Sinh… dân tộc Trung Hoa đã tự chứng tỏ rằng họ có một quan niệm rộng rãi và hợp lý về lịch sử
… Nhưng thôi, những ý nghĩ trên chỉ đến với tôi khi trở lại Hà Nội. Còn trong những ngày làm cuộc đi sáu ngàn cây số trên đất Trung quốc, tôi chỉ nhớ đến sự kỳ thú của phong cảnh và kiến trúc. Nơi đây, núi ra núi, sông ra sông, chùa chiền ra chùa chiền. Những cái thuộc về con người lại cũng rất hoàn chỉnh. Từng cái một đã đẹp. Nhưung do chỗ chúng có một đời sống lịch sử lâu dài, chúng từng in bóng tâm tư tình cảm của nhiều thế hệ, nên cái đẹp như lung linh hẳn lên. Và qua cái đẹp trong quá khứ, người ta có quyền tin rằng, những cái đẹp trong đời sống hôm nay cũng sẽ bền vững, để đi vào lịch sử, làm nên một sự nối tiếp liên tục.

IV. Muôn màu muôn vẻ
Trong chương trình ở thăm Thượng Hải, có tiết mục vào thăm Dự Viên. Chỉ có điều lạ là trên đường vào khu di tích cổ kính này, có một cái cổng mang tên Dự Viên thương trường, mà chúng tôi phải vượt qua, kế đó là cả một thế giới buôn bán sầm uất với năm bảy dãy phố cỡ như Hàng Ngang Hàng Đào ở ta đến mức chúng tôi đã tưởng là mình đi lạc. Tới lúc vào sâu trong Dự Viên nghĩ lại về khu thương trường vừa qua, đôi lúc không thể tin là hai mảng sống trái ngược ấy lại ở ngay cạnh nhau, qua cái nọ mới tới được cái kia.
Chưa lạ bằng khi đến bến Tần Hoài ở Nam Kinh. Trên giấy tờ ghi là đi thăm miếu Phu Tử. Nhưng ngôi miếu này lại nằm giữa khu ăn chơi nổi tiếng của đất Kim Lăng xưa. Hai bên đường toàn nhà hai tầng loại cổ, các cột gỗ sơn son, cả nhà một màu son với những chiếc đèn lồng treo phơ phất ngoài sân. Người ta bảo nơi đây là ở lầu xanh cũ và người hướng dẫn du lịch không quên dặn dò chúng tôi rằng đừng nên tò mò dừng lại lâu trước những ngôi nhà treo đèn lồng ấy.
Trung quốc là thế, những cái gì hết sức khác nhau ở bên cạnh nhau, và hình như con người nơi đây thích ứng với tất cả. Trung quốc là hùng vĩ bao la mà cũng là kỹ càng tỉ mỉ. Là chùa Linh ẩn, ngọn núi Phi Lai với những tượng Phật cao năm bảy mét, mà cũng là những cuốn từ điển chữ nhỏ li ti, người muốn học thường phải dùng tới kính hiển vi mới sử dụng được. Là xứ sở của văn chương, là quê hương của thơ Đường, mà cũng là có núi Vũ Đang, chùa Thiếu Lâm với những môn phái võ nghệ bí truyền. Rất cực đoan trong làm chính trị, nhưng cũng rất phóng túng trong buôn bán. Những ai ở Sài Gòn cũ hẳn nhớ Chợ Lớn với tư cách một trung tâm thương mại, nhưng nhìn ngoài, nhà cửa Chợ Lớn chỉ một hai tầng xoàng xĩnh, không có những cao ốc nổi lên như bên quận ba, quận một. Vậy người Trung quốc chỉ lo làm ăn, còn ở thế nào cũng được chăng? Không, ở Bắc Kinh, ở Thượng Hải, đang mọc lên những ngôi nhà 80 tầng, 100 tầng, người đứng dưới chân phải ngửa cổ nhìn lên mới thấy nóc.
Đây nữa, một ví dụ về tính muôn màu muôn vẻ của văn hoá Trung quốc:
Nói tới những đặc sản của Bắc Kinh, người ta đã nói tới vịt quay. Nhưng với tôi, nơi đây còn đáng nhớ vì có món… khoai nướng. Trên đường vào thăm Cố cung hoặc ngoài cổng Thiên Đàn, chúng tôi gặp những xe thồ bán khoai. Cũng xe đạp thôi, nhưng lắp thêm một bánh sau để chở được cả một cái lò nướng cỡ lớn, loại thùng phuy 200 lít. Một thứ bếp di động giúp người ta chế biến khoai ngay trên đường. Do được nướng kỹ, vỏ khoai đôi chỗ đã cháy xém để rồi khô đanh lại, trong khi ruột càng vàng mịn, củ khoai bẻ ra còn toả hơi nóng nghi ngút. Ăn những củ khoai như thế người ta như được hưởng cái hương vị dân dã nơi đồng quê giữa lòng phố xá thanh sạch. Cũng là chuộng lạ nên trước khi vào thăm Cố cung tôi đã mua mấy củ khoai nướng ấy ăn chơi, và chỉ nhìn người nông dân đi bán khoai trong bộ quần áo lem luốc bằng con mắt dửng dưng. Nhưng sau khi đã vào thăm Cố cung - một Cố cung mênh mông, lầu son gác tía huy hoàng, một Cố cung theo lời kể của người hướng dẫn du lịch, là đã được dựng tạo nên khiến cho các viên quan từ xa vào chầu phát ngợp phát sợ trước uy quyền của Hoàng đế- chúng tôi tự nhiên nhớ lại vị khoai nóng và khuôn mặt lấm lem kia với một tình cảm kỳ lạ. Có thể nói rằng nhờ có vị khoai ấy, nền văn hoá Trung quốc vốn rất đồ sộ, đến với tâm trí tôi, vẫn là một cái gì cân bằng, và tôi biết rằng, dù đi đến đâu trên đất nước Trung Hoa, chúng tôi cũng tìm được sự bình tâm tương tự.
Lại nhớ trong cuốn Sử Trung quốc , Nguyễn Hiến Lê từng viết:
- Dân tộc Trung Hoa cũng lạ thật: đề cao đức Trung dung thì không dân tộc nào bằng họ mà hành động quá khích thì họ cũng đứng đầu. Lãng mạn thì khắp thế giới không có kịch truyện nào hơn Mẫu Sơn đình; tả chân thì Kim Bình Mai ăn đứt các tiểu thuyết loại đó của phương tây; dâm dục thì vua của họ có tới 6.000 mỹ nữ, vua nước nào bì nổi…
Một cách khái quát, một nhà nghiên cứu phương tây, khi tìm hiểu mối quan hệ văn hoá Trung Hoa- Nhật Bản nhận xét:
- Người Nhật tìm thấy ở người Trung quốc đức trầm tĩnh, vẻ hào hiệp, và tính muôn màu muôn vẻ mà người Nhật không có.
Tôi nghĩ rằng người Nhật nói ở đây chỉ là một thứ ước lệ. Vì bất cứ ai, một lần du lịch trên đất Trung quốc đều không thể nghĩ khác: Nền văn hoá Trung Hoa hấp dẫn vì tính muôn màu muôn vẻ của nó./.

Những toa xe lửa có điều hoà nhiệt độ
(Cái nhìn lướt nhanh của một người du lịch Trung quốc)

Vương Trí Nhàn

Với tất cả sự tò mò của một người hiểu biết lịch sử Trung quốc mấy chục năm nay, một người bạn cùng đi du lịch với tôi, ngay khi đặt chân lên Nam Ninh, đã ghé tai tôi dặn:
- Này ông nhớ để ý xem bây giờ ở Trung quốc, người ta còn mặc áo Tôn Trung Sơn nữa không nhé.
Rồi anh bạn tôi cũng được thoả mãn. Nhưng sự thoả mãn ấy đến hơi muộn: Qua Nam Ninh, Hàng Châu, Thượng Hải, Tô Châu… mãi tới Nam Kinh, tại một địa điểm tham quan là phủ Tổng thống cũ - chúng tôi mới gặp một người mang bộ y phục tiêu biểu cho lịch sử Trung quốc những năm 50, 60. Cố nhiên, đấy là một ông già, tuổi đã 72.
… ở đâu thì cũng vậy thôi, có thể một phần dựa vào cách ăn mặc, để thấy xu hướng vận động của xã hội. Và ở một xã hội đang vận động theo hướng hiện đại hoá như xã hội Trung quốc hiện nay, thì việc con người ăn vận phổ biến theo kiểu âu phục (complet- cravate) cũng là tự nhiên. Có điều, câu chuyện về quần áo anh bạn tôi quan tâm ở đây có ý nghĩa rộng hơn nghĩa bình thường. Nếu bộ quần áo Tôn Trung Sơn (hoặc gọi nôm na là bộ đại cán) đánh dấu một thời Trung quốc muốn đứng tách riêng ra, sống theo những tiêu chuẩn của mình thì bộ âu phục mà chúng tôi thấy phổ biến hôm nay, đánh dấu một giai đoạn người Trung Hoa hoà nhập với thế giới, trong khi vẫn giữ được một bản sắc riêng, không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào khác.

Quả thật, với những ngôi nhà chọc trời, với những đường cao tốc từ tám làn đường trở lên, với các siêu thị tràn ngập hàng hoá, các thành phố lớn ở Trung quốc hiện nay, gợi ra cảm giác châu Âu hơn bao giờ hết. Vẫn anh bạn tò mò của tôi tự nhận:
- Lâu nay, mỗi khi nghĩ về đất nước Trung quốc mình chỉ mường tượng ra đám đông những chiếc xe đạp kiểu xe trâu chen chúc, hỗn độn. Hoá ra, toàn nhớ hình ảnh xem trên báo, TV, vài chục năm trước. Nay nhìn Bắc Kinh, nhất là Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến…. cảm tưởng đâu có khác gì với những Paris, London,… cho lắm?

Theo một cách tính toán rất thông minh, xe máy không trở thành phương tiện đi lại phổ biến ở Trung quốc. Hoặc anh đi xe đạp và đi bộ. Hoặc anh đi ô-tô (xe buýt thuộc màng lưới giao thông công cộng bảo đảm đủ số lượng cần thiết). Còn xe máy "nửa dơi nửa chuột", nên không được khuyến khích. Do chỗ giữa đường cho xe đạp với người đi bộ đi và đường cho ô tô đi tách ra rành mạch, nên có cái lợi, cái nọ không thể quấy rầy cái kia, cái đi chậm không thể loi choi chen lấn, làm phiền cái đi nhanh. Và luật lệ thì rõ ràng, không có chuyện tuỳ tiện rẽ ngang rẽ dọc khiến cho tốc độ nói chung bị kéo chậm lại mà dễ gây tai nạn. Cảm giác còn lại, từ các thành phố Trung quốc hiện nay, ấy là những guồng máy lớn, các bộ phận ăn khớp nhau, hoạt động nhịp nhàng. Trong vào đường phố, người ta hiểu ra cả xã hội.

Vào thời buổi này xe hơi có điều hoà nhiệt độ đã quá bình thường. Nhưng chuyện cả đoàn tàu hoả vài chục toa chạy những quãng đường dăm bảy ngàn cây số, toa nào cũng có điều hoà, quả là ở Việt Nam chưa hề nghe đến. Vậy mà đấy là điều phổ biến đại trà ở đường sắt Trung quốc. Ngồi trong những căn phòng lưu động, vẫn thấy mát mẻ như ở nhà và qua tấm kính dày, có thể tha hồ nhìn ngắm phong cảnh bên ngoài.
Đây nữa, một biểu hiện của sự hiện đại hoá của phương tiện giao thông đang được nhân ra đại trà ở Trung quốc: Qua rồi cái thời toa tàu nào cũng mắc những chiếc loa rè rồi đến mỗi ga lại ra rả nhắc nhở người lên người xuống làm khổ tai hành khách. ở các toa tàu hiện nay, góc toa đều có trang bị bảng điện tử như ta vẫn gặp trên máy bay. Nhìn lên bảng điện tử đó, hành khách biết được chuyến tàu mình đang đi, thuộc tuyến nào, đi từ đâu đến đâu, bây giờ đang ở đoạn nào trong hành trình, nhiệt độ bên ngoài là bao nhiêu độ.
… Theo kế hoạch trù sẵn từ ở nhà, hôm rời Bắc Kinh về Nam Ninh, mọi người ở đoàn chúng tôi phải dạy từ năm giờ sáng để ra ga, kịp tám giờ tàu chạy. Nhưng tối hôm trước có tin báo: hôm sau tàu sẽ xuất phát muộn. Tưởng có sự cố ách tắc, hoá ra không phải. Chẳng qua từ 1-10-1998, đường sắt Trung quốc được lệnh nâng tốc độ trung bình từ 110km/h lên 140/h, bởi vậy, các chuyến tàu sẽ xuất phát muộn hơn hai tiếng tuy vẫn đến Nam Ninh đúng giờ như cũ. Đỡ phải dậy quá sớm, mà cũng có thêm thời gian để chúng tôi ngó ngàng Bắc Kinh lần cuối, trong đó có việc ngó ngàng thêm nhà ga. Ga mới khánh thành hơn một năm trước, gồm đâu bốn tầng, giữa tầng nọ với tầng kia có thang máy đi lại, và tại phòng chờ có thể xem ti-vi với màn ảnh lớn.

Công cuộc hiện đại hoá đất nước mang lại cho người Trung quốc những gì, bọn tôi không biết hết, nhưng nhìn bề ngoài, cả dân thành thị, lẫn dân các tỉnh lên thăm Thủ đô nhân ngày quốc khánh, chúng tôi thấy họ đều cần mẫn, chăm chỉ, mà lại hồ hởi tự tin. Hình như mọi người trong họ đều hiểu rằng quyền lợi riêng của từng cá nhân gắn bó với lợi ích chung của xã hội, và nếu cứ làm ăn theo đúng luật pháp, thể nào cũng có cơ khấm khá.
Người Trung quốc đi đâu cũng mang theo một bình pha trà cá nhân, giống như một cái lọ, có nắp đậy cẩn thận. Bởi vậy, các toa tàu chạy đường dài phải lo có được nước sôi trên suốt hành trình. Lối đi chật, thỉnh thoảng cứ thấy có người đi lại, nhìn kỹ toàn người đi lấy nước, bình trà cầm tay. Ai người lấy xong, thản nhiên về chỗ ngồi ngâm nga bên trang sách, hoặc ngẫm nghĩ sự đời.
Nhưng điều thú vị, đối với bọn tôi, ấy là thỉnh thoảng quan sát còn thấy có những phụ nữ xách xô ra bình nước nóng công cộng, lấy nước về chỗ để ngâm chân, và điều này, cũng nằm trong khuôn khổ, tức được phép tuỳ nghi. Ngồi tàu suốt ngày, dẫu sao cũng căng thẳng, cứ tưởng tượng lúc đặt được hai bàn chân vào xô nước nóng, dãn xương dãn cốt, mới thấy cái lối ngâm chân này cũng khoa học thật! Kể ra đây chỉ là một chuyện quá nhỏ, song nó cứ khiến tôi tin rằng trên đường hiện đại hoá, Trung quốc vẫn là Trung quốc. Bản sắc dân tộc ở người Trung Hoa, là một cái gì lạ lắm, chẳng gì làm phai nhạt nổi, chẳng cần nhắc nhở giữ gìn mà cũng không chạy đi đâu mất./.

Khi những cây ngô đồng cũng đuợc chống lạnh

Vương Trí Nhàn

Ăn cơm Tàu ở nhà Tây lấy vợ Nhật, câu châm ngôn của đám dân thành thị sành sỏi ngày xưa nhiều lần trở lại trong đầu óc một người đi du lịch như tôi mỗi khi ngồi sau cái bàn xoay trong 15 ngày đi từ Nam Ninh đến Bắc Kinh rồi lại quay về.
Phải nói ngay là tôi đã hơi thất vọng. Cơm Trung quốc không ngon như chúng tôi chờ đợi, có lẽ bởi chúng tôi là đoàn du lịch "bụi", đi xe hoả và toàn ăn ở khách sạn loại một sao hai sao gì đó. Tiền ít, nên mọi thứ loàng xoàng không thể sang trọng như trong những bữa đại tiệc. Sau những bữa ăn, cái điều thường bàn tán, rút lại chỉ là chuyện khẩu vị. Đúng là người phương Bắc ăn khác dân mình thật. Chẳng hạn món gì cũng nhiều mỡ. Sau để ý mới thấy hình như người ta không biết đến khái niệm luộc. Muốn làm cho bất cứ thứ gì chín - dù đó là rau- thì cũng dùng mỡ chứ không thích dùng nước. Không tìm đâu ra bát nước rau đánh dấm lá me hay vắt chanh như mình. Ngoài ra ít sử dụng các chất gia vị. ít ăn chua, trong khi cái gì cũng hơi mặn.
Nhưng đó là thuộc về thói quen của con người ở những vùng đất khác nhau.
Ngay cũng trên đất Trung quốc mà mỗi miền cũng có tập quán riêng, đến mức người miền nọ muốn sống ở miền kia, phải có thời gian thích nghi.
Còn chuyện văn hoá thì khác. Nếu tập tục là cái gì ngẫu nhiên tự phát, thì văn hoá là thành quả của hoạt động tự giác của con người, trong quá trình quan hệ với thiên nhiên và với chính mình. Dân tộc nào cũng có tập tục riêng để trở thành độc đáo, song không phải dân tộc nào cũng biết nâng cách sống của mình lên đến một độ chín cần thiết, để tạo ra một nền văn hoá với nghĩa đầy đủ của hai chữ ấy. May cho một người đi ngắn như tôi, là nền văn hoá Trung quốc quá lộng lẫy, đến mức, dù chỉ đi qua, đầu óc người ta cũng đầy ắp ấn tượng: Về tính tổ chức của nó. Về độ chín, độ tinh xảo. Về một mỹ cảm phong phú… Dưới đây, tôi chỉ xin nói qua về một trong những ấn tượng ấy: sự hoà hợp giữa con người và thiên nhiên.

Số liệu thống kê đã ghi rõ : diện tích đất đai toàn Trung quốc lên tới 9,6 triệu km2, trải ra trên đó núi cao, sông dài, đồng cỏ rộng, thiên nhiên hiện ra với đầy đủ bộ mặt đa dạng. Có điều là đi qua cái xứ sở mênh mông ấy, người ta lại có ngay cảm tưởng là ở khắp nơi bên cạnh thiên nhiên, con người đều đã có mặt. Không có tình trạng hoang dại đáng sợ. Mà cũng không có tình trạng con người chen lấn, khai thác thiên nhiên đến cạn kiệt. Có một cái gì thực sự hoà hợp giữa người và cảnh. Hãy tự nhận đó là một thứ bồng lai tiên cảnh (Trên trời có thiên đường, dưới đất có Tô Hàng). Chung quanh con hồ rộng 6km vuông từ nhiều đời nay, đất đai đã được khai thác một cách hợp lý. Nhìn đâu cũng thấy cây. Cây cộng với núi, với nước, với những chiếc cầu cong cong tạo nên đặc sắc mà người Trung quốc cho rằng một bức tranh phong cảnh không thể thiếu. Chỉ dưới bóng cây, và đan chen bên cây, mới thấy thấp thoáng những mái nhà (và cách kiến trúc các ngôi nhà đó, thì cũng cổ kính theo kiểu Trung quốc, chứ không nghênh ngang dở Tây, dở A rập, và chen nhau soi bóng xuống mặt nước). Hoặc như ở động Y Lĩnh Quảng Tây. Nghĩ tới việc vào sau trong ruột một ngọn núi người ta dễ hình dung một cái gì mờ tối, trơn, nhớp nháp. Song ở đây, khách đến tham quan có thể yên tâm. Những bực thang khô và sạch, nối tiếp nhau làm nên một lối đi chắc chắn. Chỗ nào cũng thấy hình như thiên nhiên không còn nguyên vẹn, thiên nhiên đã được thêm thắt bổ sung đấy, nhưng sự bổ sung này thanh thoát kín đáo, khiến cho người tới thăm chỉ có cách nghĩ rằng tất cả được làm nên từ cùng một bàn tay. Trong khi không tìm đâu ra những dòng chữ vạch bừa bãi trên đá thì người đến thăm, trước khi vào động, lại được đọc một bài thơ tài hoa của Quách Mạt Nhược, nói về động, và nét chữ là của tác giả.
Văn hoá Trung quốc là thế. ở phần tốt đẹp nhất, đó là sự gặp gỡ giữa thiên nhiên và con người. Mỗi bên tồn tại bằng cách tôn trọng sự có mặt của bên kia. Bên cạnh thiên nhiên con người trở nên thông minh. Còn thiên nhiên sống bên con người thì trở nên thân tình và đẹp hơn bao giờ hết. Lại nhớ một khẩu hiệu được nêu ra, làm phương hướng cho công cuộc xây dựng ở Hàng Châu, đó là: "kiến trúc hoá thiên nhiên và thiên nhiên hoá kiến trúc."

Đến thăm suối Hổ chạy, chúng tôi phải men theo một đoạn đường đồi: chính khu vực suối cúng bé nhỏ thôi, nhưng đi vòng vèo thì khá xa, người xưa phải làm sẵn những điểm dừng chân để ai cần thì nghỉ (trong đó có Nghênh huy đình- điểm dừng đón ánh mặt trời). Được cái đường lát xi-măng sạch sẽ, đã rộng lại vắng, bóng cây đan xuống mát lạnh. Chúng đều thuộc những giống cây có tiếng, như cây quế (tượng trưng cho sự cao quý), cây mộc hương, cây trương. Các cây lớn có một tấm bảng nhỏ bằng đồng khảm vào thân cây, trên đó ghi rõ tên cây là gì, đã bao nhiêu tuổi, trồng từ đời nào v.v…
Không khí thanh bình lại càng trở nên gợi cảm hơn nhờ tiếng nhạc điểm xuyết khe khẽ. Thì ra, hai bên đường có đặt rải rác những loa phát thanh. Nhưng đó chỉ là những thùng loa nhỏ, đặt kín đáo sau các bụi cây, tiếng nhạc phát ra êm ái, như chính cây là lên tiếng, chứ không phải con người ra oai quát thét, hoặc phô phang sự có mặt của mình. Trong khi lẩn đi giữa thiên nhiên, con người lại tự chứng tỏ rằng đã làm chủ thiên nhiên tới mức độ thuần thục.

Nhưng trước khi có thể kết hợp với thiên nhiên, chung sống với nó, học hỏi nó, người ta phải giữ gìn nó cho được cái đã.
Trong chuyện này, cũng như các dân tộc khác trên thế giới, người Trung quốc không phải không có lúc sai lầm. Một hai năm gần đây, năm nào cũng có tin nước sông Trường Giang dâng thành lũ, cuốn trôi nhà cửa, người chết lên tới con số hàng ngàn. Mà có nước lụt, tức có cảnh phá rừng, nhất là rừng đầu nguồn. Rồi lại có tin hồ Động Đình, đo lại cũng thấy hẹp đi, vì bị chung quanh lấn chiếm. Nghe đã thấy ngại: Dân số trên một tỉ, mỗi người phá một tí thì tanh bành hết còn gì ?
May thay, trong mối quan hệ với thiên nhiên, người Trung Hoa đã tìm ra giải pháp của mình.
ở đây, không chỉ có kỷ cương mà còn có chuyện tình cảm nữa.
Ngô đồng là một loại cây phổ biến ở các tỉnh phía bắc Trung quốc. Một câu thơ Đường nhanh chóng trở lại trong đầu óc tôi, khi nghe tới tên gọi của giống cây ấy: Ngô đồng nhất diệp lạc- Thiên hạ cộng tri thu (Một chiếc lá ngô đồng rụng, thiên hạ đều biết rằng đã mùa thu). ở Việt Nam, nó chỉ được trồng trong chậu, tức là dạng cây cảnh. Nhưng ở Trung quốc, nó thuộc giống cây lưu niên. Người ta thích nó vì trong khi chỉ cao chừng ba bốn mét gì đó, mùa hè cây đủ bóng mát che rợp trên đầu. Còn về mùa đông, lá lại rụng hết, để cái nắng thanh khiết của xứ lạnh chan hoà trên mặt đất.
Nhưng điều đáng nói nhất có liên quan đến ngô đồng là: ở những thành phố cổ kính như Thượng Hải, Nam Kinh, Tô Châu, Bắc Kinh- từ đầu tháng mười, ngô đồng trông bên đường thường được bảo vệ bằng cách quấn quanh thân những loại dây to như dây thừng kéo thuyền. Người ta giải thích: làm thế, để cho cây đỡ lạnh khi mùa đông tới. Quên tôi không hỏi xem cây ngô đồng sống lâu nhất được bao lâu, liệu có cây nào từ thời Đường-Tống còn lại không, nhưng trong bụng chỉ nghĩ đã được chăm sóc như thế, thì cây có sống lâu cũng không phải chuyện lạ./.
SỐ TRUY CẬP online