Chất nhân bản trong Tchékhov (* )

Sinh năm 1860 và bắt đầu hoạt động văn học từ khoảng 1880, Tchékhov là một trong những nhà văn làm nên vinh dự cho văn học Nga thế kỷ XIX. Lạ một điều là trong khi nói đến các nhà văn lớn khác của Nga, người ta nghĩ ngay đến những tiểu thuyết đồ sộ, thì với Tchékhov, trước sau chỉ thấy truyện ngắn, rồi những truyện vừa vài chục trang, rồi một ít vở kịch. Cộng với cái nguồn gốc bình dân, và một cuộc đời trôi nổi trong đám những người bình thường, có bao nhiêu lý do khiến cho có thể bảo là dường như ông không bao giờ ở vào trung tâm điểm của dư luận văn học mà cũng chẳng gây nên sự chú ý gì quá đặc biệt. Chẳng những thế cuộc đời của Tchékhov còn bị chính ông làm cho nhoè đi. Ông không thích nghĩ mình là một đại gia. Ông quan hệ với sự thành đạt của mình với một nụ cười dịu dàng. Trong thư gửi bạn bè, ông chỉ khoe mình viết dễ và viết trong những hoàn cảnh thật trớ trêu chứ không bao giờ nhận rằng mình viết hay. Trên trang sách, ông không lên giọng dạy dỗ bạn đọc. Cho đến khi chết, Tchékhov vẫn còn bị tạo hoá chơi khăm, toa tàu chở thi hài ông từ Đức về treo một tấm biển “sò tươi”, khiến người đi đón bị hẫng. Năm ấy ông mới ngoài 40 tuổi.
Thế nhưng, một cách bình lặng, Tchékhov dần dà trở nên một trong những nhà văn cổ điển được đọc nhiều nhất trong thế kỷ XX. Qua cách cảm thụ và triết lý về cuộc đời - những ý tưởng được diễn tả một cách từ tốn mà không quá cuồng nhiệt, song do đó, lại có sức thấm thía tự nhiên - Tchékhov hé ra cho bạn đọc thấy một khía cạnh của tâm hồn Nga, mà cũng là một khía cạnh phổ biến của nhân loại. Và trước tiên, tác phẩm của Tchékhov là một cách hiểu về cuộc đời này, một cách nhìn về những con người và kiếp người mà lạ lùng thay, dù ở xứ sở nào và bất cứ thời điểm nào, người ta cũng thấy gần gũi và chia sẻ được.
*
Cũng tương tự như tác giả, các nhân vật của Tchékhov thường có một cuộc sống hàng ngày bình lặng gần như tẻ nhạt. Họ là ai vậy? Những bác đánh xe ngựa; dăm ba lái buôn; một vài người nông dân, mà gọi theo tiếng Nga là các mu-gích; một ông thợ mộc chuyên đóng quan tài; các chủ trang trại; các viên chức tỉnh lẻ; ngoài ra là một số sinh viên và các thày giáo... Vả chăng, vấn đề không phải ở chỗ nghề nghiệp của các nhân vật này tầm thường hay hạ tiện, cái chính là trong khi những người đàn ông và đàn bà trong Tolstoi hoặc Dostoievski phần lớn là những nhân vật quá khổ (họ thường bận tâm tới những chuyện lớn lao, sự tồn tại của con người, quan hệ của linh hồn với Chúa, sự ăn năn, sự cứu rỗi...) thì nhân vật của Tchékhov hình như chỉ loay hoay với cuộc sống thường nhật. Trong truyện rất ít khi có những sự kiện lớn lao, kiểu các đột biến làm chấn động xã hội.
Nhà văn Nga này, nói như S.Maugham, gợi cho người ta cảm tưởng là con người không có những hành động anh hùng. Họ không lên Bắc cực để đánh nhau với hải cẩu, mà họ ở nhà để ăn xúp bắp cải và cãi nhau với vợ.
Có điều , đằng sau cái vẻ nhì nhằng, lặt vặt, xô bồ, thầm lặng, cuộc đời của các nhân vật trong chuyện Tchékhov không vì thế mà kém vẻ bi thảm, do đó, kém đi cái chất người, nó là cái mà người đọc thường khi trông chờ, mỗi khi tiếp xúc với trang sách.
------
(*) Lời giới thiệu Tuyển tập Tcheskhov (Ba tập ) H. NXB Văn học 1997


Trong cơn bão tuyết bác thợ tiện nọ một mình một ngựa đưa vợ lên bệnh viện. Rồi thì cũng chả có gì cứu vãn được tình thế - người vợ chết cứng trước khi chạm mặt thày thuốc. Điều đáng nói ở đây, là những đau đớn, dội lên trong lòng người còn sống. Hàng ngày, vốn thô lỗ cục cằn với vợ, lúc này, người đàn ông kia chợt tỉnh. Ông hối hận, ông nhận ra rằng, bấy lâu nay mình đã làm hỏng cuộc đời mình, lẽ ra mình không nên sống như đã từng sống. Trường hợp được nêu lên trong thiên truyện mang tên Nỗi đau* giúp ta có một ý niệm chung về các nhân vật thường đi về trong các trang truyện của Tchékhov: Họ sống trong cõi trần gian này với không biết bao nhiêu lỗi lầm, ngớ ngẩn. Trong khi làm khổ mình, mỗi người đã làm khổ vợ con, bè bạn đồng nghiệp mà vẫn không hay. “Hoá ra, biết sống là một việc khó, và trước khi nói đến chuyện tốt hay xấu, cao thượng hay thấp hèn, cái sự biết sống này mới thật là điều đáng nói” - một nhận xét như thế, thấy ẩn giấu sau hầu như tất cả các truyện của Tchékhov, nó làm cho cách nhìn của ông về con người, về cuộc đời, vừa thấu đáo vừa độ lượng.
“Hắn là một người hiền lành, dịu dàng, tôi mến hắn lắm”. ở giữa truyện Khóm phúc bồn tử bác sĩ Ivan Ivanyts đã khai mào câu chuyện về người em trai của mình như vậy. Trong số khoảng dăm bảy trăm truyện đã được Tchékhov viết ra, có hẳn một loại truyện đi vào sự diễn biến cụ thể trong cuộc đời của một con người cụ thể nào đấy, và nhân vật được đặt vào một khoảng cách khá gần gũi với người đọc. Đó là Belikov trong Người trong bao, Anya trong Huân chương Anna nhi đẳng, vị giáo sư già trong Câu chuyện buồn tẻ và người em trong Khóm phúc bồn tử mà chúng ta đang nói. Thoạt đầu, những con người này vẫn hiện lên như một nhân cách đứng đắn, đáng mến. Chỉ phiền một nỗi: cái tốt của họ không nghĩa lý gì, so với cuộc sống đầy rẫy những thói hư tật xấu bao quanh và sẵn sàng làm họ hư hỏng. Chính họ cũng không biết làm gì để tự gìn giữ. Trong sự xô đẩy của cuộc đời, những sự kiện tầm thường kéo họ đi và cái chất người trong họ mòn mỏi dần. Đối chiếu điểm đầu tiên và điểm cuối cùng nhân vật đi tới, người ta nhận thấy trước mặt mình là một con đường dốc, một buổi chiều tà, ánh sáng thoi thóp dần, song không chịu tắt hẳn.
Belikov cả đời thu mình trong vỏ ốc và theo lời một nhân vật trong truyện “khi hắn nằm trong quan tài, vẻ mặt trông hiền lành, dễ chịu, thậm chí có vẻ tươi tỉnh, cứ hệt như hắn mừng rằng, cuối cùng, hắn đã chui vào cái bao mà từ đó, không bao giờ hắn phải thoát ra nữa”.
Nhân vật người em trong Khóm phúc bồn tử, chưa chịu chết sớm như thế, song có lẽ vẫn có thể nói một cái gì đã chết trong nhân vật này - khi đã mất đi cả sự nhạy cảm lẫn lòng tự trọng, nhân vật đã lữa ra về mặt tinh thần. Và thay vào chỗ con người dịu dàng đáng mến hôm qua là con người dung tục tầm thường “Buổi tối, khi chúng tôi ngồi uống trà mụ đầu bếp bưng lên bàn cả một đĩa đầy quả phúc bồn tử. Đó không phải là của đi mua về, mà là của nhà, hái lần đầu tiên kể từ khi những khóm phúc bồn tử được trồng sau vườn nhà. Nikolai Ivanyts cười thích chí, rồi im lặng nhìn đĩa phúc bồn tử một lúc, ứa nước mắt - không thể nói được câu gì vì xúc động, anh ta sẽ đưa lên miệng một quả, rồi nhìn tôi với vẻ đắc thắng của đứa trẻ cuối cùng đã có được thứ đồ chơi nó mơ ước và nói :
- Chà, ngon quá”.
Trong khi các nhà văn khác miêu tả con người trong cảnh khốn khó để đánh thức lòng trắc ẩn nơi ta thì Tchékhov tỏ ý xót thương con người ngay trong cảnh đầy đủ, thoả mãn của họ. Bằng một giọng có vẻ hiền lành nhưng lại kiên trì và quyết liệt, tác giả lưu ý chúng ta rằng con người là một cái gì rất cao quý và không ai được phép lấy một thứ tiện nghi nào, một thứ của cải vật chất nào, một ân huệ nào, thậm chí cả một tư tưởng cao xa nào, để hạn chế họ lại. Một khi ý nghĩ về sự cao quý mà cũng là sự thiêng liêng của con người đã trở nên một ám ảnh có sức chi phối mọi cách nhìn, cách đánh giá sự đời, tự nhiên là Tchékhov dễ trở nên buồn bã. Các nhân vật của ông, cũng như chính ông, không sao tìm được cách để hiện thực hoá cái điều mà họ đã mang máng cảm thấy. Sự tình nhiều khi xảy ra khiến người ta phải bật cười, nhưng sau tiếng cười là những giọt nước mắt cay đắng. Vả chăng, điều đáng nói ở đây, không phải là từng tình thế riêng lẻ, mà là cái kiếp người nói chung, nó bi đát, nó vô vọng, thế mới đáng sợ. Trong Volodia lớn và Volodia bé, có hai nhân vật. Sophia lấy chồng già và chìm đắm trong cảnh chơi bời dông dài qua ngày. Cạnh đó, một người bạn của Sophia là Olia tìm cách thoát tục trong một tu viện. Những tưởng trong khi nêu lên sự đối lập giữa hai con đường như thế, tác giả sẽ ngả sang một cách sống mà ông cho là có triển vọng, là nên theo. Nhưng không, ở đây Tchékhov không khẳng định một cái gì cả. Nếu cuộc sống của Sophia là phù phiếm tầm thường thì cuộc sống của Olia là giả dối, khổ hạnh, và nhìn kỹ cũng dung tục theo cái cách riêng của nó. Với Tchékhov, trong hai trường hợp, người ta không thể chọn lấy một.
ở chỗ này, có một điều cần phải nói rõ: Đúng là trong khi đặt con mắt quan sát vào việc đời, Tchékhov đã đưa ra nhiều loại nhân vật khác nhau, và như người ta hay nói, đóng đinh họ vào trang viết, nhất là các nhân vật mang sắc thái xấu xa kém cỏi. Có điều, nên nhớ đến một đặc điểm riêng mà chỉ nhân vật Tchékhov mới có: họ thường không có ý thức đầy đủ về trạng thái nhân thế ở họ, chất người của họ, cũng như không làm chủ nổi cả cách suy nghĩ và hành động của bản thân. ở Lão quản Bi và Kẻ tội phạm, trước mắt chúng ta là những bị cáo bị đưa ra toà, kẻ thì chuyên chế hoạch hoẹ người khác; kẻ thì ăn cắp và vì việc ăn cắp của mình, mà gây ra án mạng. Chỉ có điều khốn khổ, là những kẻ tội phạm này tưởng như mù quáng tuân theo một bản năng nào đó mà hành động vậy, hầu như chính họ cũng không hiểu rằng họ đã trở nên tai vạ cho người khác như thế nào. Đến Anh gày và anh béo, cũng như Con hoạt đầu, người đọc lại được chứng kiến những thái độ sống tuỳ tiện, vô liêm sỉ, nó là phản ứng của những kẻ yếu đuối, không cách nào chống đỡ trước sự tàn nhẫn của hoàn cảnh, và họ đã trở nên nịnh bợ, hèn kém từ lúc nào mà không biết. Sau nữa, trong Khóm phúc bồn tử, cũng như Ionyts, thì những thói xấu của con người nó cũng cứ tự nhiên mà nẩy nở, tự nhiên hình thành, người ta trở nên cái mà người ta ghê sợ lúc nào không biết.
Với thói quen nhìn văn học xoay quanh câu chuyện biểu dương cái này, lên án cái kia, một vài nhà nghiên cứu đã viết rằng trong nhiều trường hợp Tchékhov đã đưa loại nhân vật phàm tục thành những cái đích nhằm bắn. Rồi truyện A. của ông là một bản án nặng nề, truyện B. là một đòn đả kích sâu cay, và trong một truyện khác, nhân vật được ông miêu tả như những kẻ thù của mình.
Song có lẽ, đó là những cảm tưởng phát sinh từ tâm lý người đọc sách hiện nay, còn ở Tchékhov thì không hẳn thế. Hãy nhớ lại một thiên truyện như Ionyts. Chẳng những ban đầu, theo cách miêu tả của tác giả, người bác sĩ này cũng có tấm lòng thanh sạch và những khao khát tốt đẹp, mà cuối cùng, khi hầu như đã thoái hoá biến chất, đã đổ đốn đi nhiều rồi, trong Ionyts thường vẫn le lói những tình cảm thực, đôi khi người bác sĩ ấy vẫn hiện ra như một con người tinh tế, và tác giả vẫn mượn cái nhìn mượn lời lẽ của nhân vật này để xem xét và phát biểu về sự đời(*). Hoá ra, Tchékhov không chỉ công bằng mà còn sâu sắc hơn ta tưởng. Sự chừng mực của ông, không phải chỉ là một biểu hiện của con mắt quan sát tinh tế mà còn bắt nguồn từ cả một quan niệm về nhân bản: Khi một con người có lỗi, trước tiên phải tìm lý do sự có lỗi ấy ở hoàn cảnh. Và một khi kẻ xấu đã buộc phải trở nên xấu, thì cách tốt nhất để đối xử với hắn là độ lượng. Lại nữa, hãy nên nhớ rằng: Sở dĩ ta chưa xấu như họ, vì ta có chút may mắn hơn, thế thôi. Chỉ cần buông xuôi một chút, lơ là một chút, thiếu đi cái tự ý thức cần thiết, là bất cứ lúc nào ta sẽ trở nên như họ.
Cố nhiên, không phải nói vậy, rồi đổ tất cả lỗi lầm của con người cho hoàn cảnh. Không, Tchékhov không ngây thơ đến vậy! Một khía cạnh nữa, có thể quan sát thấy ở truyện ngắn của ông, nó khiến ông trở nên một nhà văn thân yêu của nhiều thế hệ bạn đọc là không ít trường hợp, các nhân vật của ông lại có những cái cố chấp, cái sự chậm chạp trong phản ứng, cái sức ì khiến họ trở nên đáng yêu. Nói cách khác, bất chấp sức ép của hoàn cảnh, cái chất người của họ vẫn bền vững đến khó hiểu.
Bác sĩ Dymov trong Người đàn bà phù phiếm, khờ dại, bị vợ lừa, mà vẫn cam chịu không hề oán trách và vẫn mải mê với việc nghiên cứu khoa học.
ở Vào thu, trước mắt chúng ta là hình ảnh một gã địa chủ đã thất cơ lơ vận vì một người đàn bà, vậy mà mỗi lần nói tới cái người chung quanh coi là con điếm đó, vẫn cứ nôn nao cả gan ruột.
Trong Duseka, nhân vật chính là một người đàn bà sinh ra để yêu để chiều chuộng người khác.
Nếu như trong rất nhiều truyện, Tchékhov đã cho thấy con người ta nhiều khi hư hỏng tàn ác rất vô tình, thì trong một số truyện khác, lại trình bày cho bạn đọc thấy rằng cái tốt của con người, sự dịu dàng, lòng tin, sự lương thiện là một cái gì “không thể sửa chữa nổi”. Không phải ngẫu nhiên mà trong toàn bộ gia tài văn học của Tchékhov, thiên truyện Người đàn bà và con chó nhỏ được ghi nhận như dấu hiệu của một thái độ nhân bản độc đáo ở tác giả. Trong khi một số nhà văn khác thường mô tả những mỗi tình vụng trộm như một cái gì xấu xa hoặc chỉ gợi nên những tò mò nhảm nhí thì ở đây, đằng sau câu chuyện ngoại tình , là những khao khát tốt đẹp của con người. Hoá ra, cuộc sống là một bí mật, những người ta gặp hàng ngày không bao giờ hết làm ta lạ lẫm, và việc tìm hiểu họ, có thể hứa hẹn đủ thứ, đôi khi đó là một việc chán ngắt cũ kỹ, mà đôi khi, lại hết sức thú vị.
Nói tới một nhà văn, trước tiên người ta nhớ tới cái gì? Có những tác giả sống mãi với những mẫu người được sáng tạo “những điển hình bất hủ” như các sách giáo khoa hay nói. Có những nhà văn ám ảnh ta bởi những ý tưởng mà ông ta theo đuổi. Tchékhov thuộc một dạng khác: cái chính là những trang sách của ông, gộp cả lại, làm nên một thế giới. Cái cuộc đời mà ai cũng thấy, khi vào tác phẩm, tự nhiên có một thần thái riêng. Người ta trước đây không nhìn nó như thế. Nhưng từ khi đã làm quen với các nhìn của tác giả, người ta thấy cuộc đời giống như ông đã mô tả.
Giờ đây, ở nhiều nước khác nhau, tên tuổi Tchékhov đã trở nên thân thuộc. Truyện của ông được in lại đều đều. Kịch bản của ông quá độc đáo, không phải là thứ ai cũng dám dựng, nhưng do đó, lại mời gọi các tài năng đến thử sức. Và cả truyện lẫn kịch đều nhất quán trong một cái giọng chung, như những bức tranh có một gam màu duy nhất, mà thoạt trông ai cũng biết ngay là tác giả.
“Đọc những truyện ngắn của Anton Tchékhov, người ta cảm thấy như vào một ngày cuối thu buồn bã khi không khí trong suốt như pha lê in đậm nét những thân cây trụi lá, những ngôi nhà chật chội, những con người tẻ ngắt. Cái gì cũng kỳ lạ quá, sao mà cô quạnh, im lìm, bất lực. Chân trời xanh thăm thẳm mà hoang vắng tan lẫn vào không trung nhợt nhạt, và thổi cái hơi thở lạnh ảm đạm xuống mặt đất đầy bùn giá buốt. Như một vầng dương mùa thu, trí tuệ của tác giả toả một vừng sáng gắt lên những con đường gồ ghề, những lối phố khuất khúc, những căn nhà đông nghìn nghịt và bẩn thỉu, trong đó bao con người ti tiện đáng thương đang ngột ngạt giữa cái sầu tẻ biếng nhác và nhà cửa thì huyên náo lên vì những xuẩn động của họ”.
Những nhận xét thần tình trên đây là của M.Gorki: do chỗ khác hẳn với Tchékhov về tính khí, về quan niệm sống, về cách hình dung ra cuộc đời, nhà văn vô sản kia lại gọi đúng được cái sắc thái chủ đạo của thế giới trong Tchékhov và chỉ ra cả chỗ đứng của tác giả, khi buồn bã mà phác họa lại đời sống.
Trước tiên, thế giới Tchékhov là một thế giới khá rộng rãi. Nói như một nhà phê bình trước đây đã nói, gần như tất cả nước Nga đã được Tchékhov để ý tới, “phố xá mà chúng ta đi, những căn nhà trong phố, những người và chúng ta gặp trên đường, và chính chúng ta, chính bạn đọc nữa”. Có điều là càng trải ra theo chiều rộng, thì cái thế giới ấy càng trở nên mờ mờ xam xám. Nó tầm thường. Nó lụn vụn, vơ vẩn. Bảo nó tĩnh lặng không đúng, bởi lắng nghe thì ở đó, có bao tiếng eo xèo bực bội, bao sự làm phiền nhau. Đôi khi ở đấy có cả tiếng chửi rủa, việc giết chóc, có cả tội ác nữa. Thế nhưng, trong khi thiếu vẻ thanh bình cao quý, cái thế giới ồn ào ấy thật ra lại ngưng đọng và có những chỗ tàn lụi, ung thối. “Rồi sau đó, việc gì xảy ra - Sau đó cũng chẳng có chuyện gì xảy ra cả”. Một câu như thế, người ta chỉ gặp một lần trong Câu chuyện của phu nhân N.N., nhưng tinh thần của nó thấm nhuần trong nhiều tác phẩm khác của Tchékhov. Trong khi truyện của nhiều người khác gắn liền với một sự kiện nào đó - một phát súng, một cơn bão, một vụ ngoại tình, thì cốt truyện ở Tchékhov kể về một cái gì đó có thể xảy ra, nên xảy ra, sắp xảy ra, rồi lại không xảy ra. Sự mệt mỏi của câu chuyện không có nguồn gốc nào khác, ngoài sự uể oải của chính con người. Vì họ đã bất lực quá lâu. Thừa biết rằng phải hành động, song sau nhiều thất bại, giờ đây họ đành chỉ ngồi mà than tiếc mọi chuyện, và phó mặc cho cuộc đời trôi chảy. Không hẹn mà nên, nhiều người đã cùng cảm thấy rằng nhân vật chính trong Tchékhov là một thứ thời gian không vận động. Tchékhov, ấy là một nghệ sĩ của sự chia tay thường xuyên, chia tay với tuổi trẻ tình yêu, chia tay với hy vọng. Và để minh hoạ cho truyện Tchékhov, nhiều hoạ sĩ đã vẽ nên hình ảnh một con người ngơ ngác phía ngoài một nhà ga, trước mặt họ là ngã ba ngã bảy, họ không biết về đâu, còn trên nóc nhà ga, là một chiếc đồng hồ với những cây kim không nhúc nhích. Đồng thời với cảm giác về sự ngưng chảy, trong ta dội lên một nỗi buồn: sự sống này chỉ có một lần; và làm nền cho cái nhân loại sa đoạ trong đó mọi người làm khổ nhau, và bất lực không còn đủ sức tác động lẫn nhau, lại là một thiên nhiên thường khi đầy sức sống:
“Quá khứ thật tầm thường và chán ngắt, tương lai thì chẳng có nghĩa lý gì, thế mà đêm hôm nay, đêm diệu kỳ duy nhất lại đang sắp tàn, đang đắm vào vĩnh cửu - vậy thì sống để làm gì ? ”.
Người đàn bà phù phiếm
“Trăng vẫn sáng khi thì ở phía trước, khi thì ở bên phải, con chim câu hồi nãy vẫn kêu giọng đã khàn như có lẫn cả tiếng cười trêu ghẹo “Này cẩn thận đấy, khéo lại lạc đường”. Lipa bước nhanh đến nỗi đánh rơi mất cả chiếc khăn trùm đầu. Cô nhìn trời và nghĩ không biết bây giờ thằng bé của cô đang ở đâu, nó đang đi theo sau lưng cô hay nó đang bay lượn ở trên cao kia giữa những vì sao và không còn nghĩ tới mẹ nó nữa. Ôi! cô quạnh biết bao giữa cánh đồng đêm khuya, giữa tiếng chim hót, khi chính mình không hát lên được, giữa những tiếng kêu hân hoan không ngớt mà chính mình lại không thể nào vui sướng được, thì trăng trên trời cao nhìn xuống, trăng cũng cô đơn, thờ ơ mọi chuyện, không cần biết bây giờ là mùa xuân hay mùa đông, mọi người còn sống hay đã chết.
Trong khe núi
Giữa cuộc đời đau khổ, các nhân vật của Tchékhov thỉnh thoảng vẫn nhìn ra thiên nhiên như vậy, và trong tâm trí họ không dứt một nỗi nôn nao về cuộc đời này: Sao nó đẹp, mà nó lại buồn đến thế! Nó mời gọi người ta sống, mang lại nghị lực, khuyến khích thúc đẩy thậm chí ve vuốt người ta, rồi lại làm cho người ta e ngại và cả kinh sợ. “A, kia, trên một ngọn đồi hiện ra một cây dương cô độc, ai trồng nó lên và nó đứng đấy để làm gì - có trời biết. Dáng cây cao dong dỏng, lá cây như một bộ trang phục xanh tươi khó lòng rời mắt ra được. Đẹp như vậy, cây có sung sướng không? Mùa hè thì nắng như thiêu như đốt, mùa đông thì băng giá và bão tuyết, mùa thu thì những đêm dài hãi hùng, chung quanh chỉ thấy bóng tối dày đặc, chỉ nghe tiếng gió rú man dại, giận dữ, nhưng cái chính là một đời cô độc một mình...” Một đoạn văn như thế khá tiêu biểu cho Tchékhov: Trong khi một số nhà văn khác thường hay nói tới Chúa, tới sự cứu rỗi, và tìm hướng giải thoát ở tôn giáo thì Tchékhov chỉ miêu tả cuộc đời như nó vốn vậy không thêm một thứ hào quang nào khác, nhưng cũng đã đủ gợi ra vẻ bí mật, do đó là sự quyến rũ riêng. Đời chỉ là thế, chỉ có thế, mà chưa bao giờ ta biết hết về nó và hết yêu nó.
Truy nguyên đến cùng, cái cảm giác về đời sống toát lên từ những trang văn Tchékhov hẳn có điều gì đó liên quan tới hoàn cảnh lịch sử mà nhà văn này đã sống.
Nước Nga cuối thế kỷ XIX là một xã hội cổ lỗ, mà lại hoang dại tối tăm, và cái chính là nó cứ mòn mỏi trôi qua trước mặt mọi người. Một ít cải cách, có được thực hiện, song rút cục mọi chuyện vẫn đâu đóng đấy.
Song điều quan trọng ở đây là câu hỏi: tại sao, đến nay, cái thực tế đời sống mà Tchékhov thường mô tả, đã lùi đi khá xa, mà người ta vẫn đọc ông, và tìm thấy ở ông những cảm giác gần gũi?
Ehrenbourg sinh sau Tchékhov gần nửa thế kỷ, và là người tự nhận là chịu nhiều ảnh hưởng của Tchékhov, khi đọc lại những gì mà bậc tiền bối của mình đã viết, tìm thấy ở đây một vấn đề lý luận: cái mà người ta tìm kiếm ở các tác phẩm văn chương, không phải là những chi tiết cụ thể. Bạn đọc ở các nước khác, và bạn đọc sống ở nước Nga thế kỷ XX, đi lại bằng những phương tiện khác, đọc các loại báo khác, ăn uống chơi bời khác, và khổ sở vì những thói tục khác, không giống như Tchékhov đã miêu tả. Vậy thì cái lý do khiến các thế hệ cứ phải đọc đi đọc lại một tác giả như ông, chính là qua các trang sách, người ta tìm thấy sự gần gũi trong cách nghĩ về con người và cuộc sống. Sau ông, đời sống vẫn cứ như thế, đẹp và buồn đến khó hiểu như thế, như Tchékhov đã miêu tả!
Trong số các tác phẩm tạm gọi là truyện vừa (vì dài hơn, so với truyện thông thường) Tchékhov đã viết, có một kiệt tác mang tên Phòng số 6. Cái lạ nhất của truyện này là khi phác hoạ không khí chung, tác giả làm được cái việc rất khó làm - ông đã xáo lộn hai bình diện đời sống vốn bị coi là đối lập nhau: một bên là đời sống bình thường mọi người vẫn sống. Và bên kia là đời sống đặc biệt của những người điên. Câu chuyện xoay quanh công việc và tâm tư của bác sĩ Raghin. Ông là một thầy thuốc hết lòng với nghề và cũng hay băn khoăn về sự đời, nhưng có lẽ chính vì thế, nên ông sớm nhận ra rằng, cuộc đời này đang là một con bệnh nặng. Trước mắt mọi người, ở ông xảy ra sự đổi vai kỳ lạ: từ chỗ đi chữa cho người điên, ông trở nên một kẻ đồng bệnh, bị đẩy vào nhà thương điên một cách rất tự nhiên, rồi chết rục chết mòn trong câm lặng, như một ngôi sao lụi đi ở chân trời mà không ai biết.
Với Phòng số 6, sự ngưng đọng của cuộc sống trong Tchékhov như là có bộ mặt mới. Nó không phải là vô can, trung tính. Nó tiến sát sang lĩnh vực của cái quái dị. Và bởi sự đổi màu này dễ dàng, tự nhiên, không bao hàm một biến chuyển nào đột xuất, nên nó càng khiến người ta kinh sợ.
Dẫu sao, những trường hợp “biến hình” “chuyển vai” như Phòng số 6 ở Tchékhov hơi hiếm. Thường trực hơn ở ông là một cái gì mờ xám, ngưng đọng.
Phần do Tchékhov viết nhiều, phần do ông chỉ viết truyện ngắn, và đã đưa ra tới hàng ngàn tên tuổi, tức là hàng ngàn nhân vật vào các trang viết của mình, nên đọc ông, dễ có cảm giác tản mạn. Thế giới rộng quá. Có bao nhiêu mặt người hiện lên, khuôn mặt nào cũng có những nét đáng nhớ, song tất cả chen chúc nhau, tạo nên một sự hỗn độn. Cuộc đời lan ra theo bề rộng, không có bề cao, và cái miên man vô tận của nó phong phú đấy mà cũng tẻ nhạt ngay đấy. Nếu trong văn Tolstoi và Dostoievski cuộc đời như núi cao biển rộng, thì ở Tchékhov, đó là thảo nguyên vô tận, nó nuốt người ta, làm tiêu tan cuộc đời người ta, ngay trong sự bằng phẳng đơn điệu cũng như vẻ đẹp lạ lùng của nó.
*
Có lần Tchékhov đã để cho một nhân vật của mình thú nhận với một người bạn, nó cũng chính là điều chính ông thường nghĩ, thường tự dặn mình:
- Nhiều người trong chúng ta sống và không thể biết chắc sống để làm gì. Nhưng cái sự không biết đó còn không buồn bã nhạt nhẽo bằng cái sự biết mà người này người kia đã phô ra và mang rao giảng khắp nơi.
Câu nói thoáng qua một chút khinh bạc, nhất là khi người ta nhớ lại cái khung cảnh mà Tchékhov hành nghề. Lịch sử văn học Nga nửa cuối thế kỷ XIX là lịch sử của những văn tài lớn mà ngoài khả năng miêu tả, đồng thời còn lôi cuốn bạn đọc ở những suy nghĩ về đời sống, từ đó nâng lên thành những tư tưởng nghệ thuật sâu sắc và bởi lẽ, những tư tưởng này có cái vẻ sinh động riêng, sự gắn bó với đời sống theo kiểu riêng, nó rất có sức hấp dẫn. Đó là, chẳng hạn, những tư tưởng của Tolstoi về tình yêu Thượng đế, và sự “tu nhân tích đức”, ý nghĩ trở lại với nước Nga gia trưởng,... hoặc những cả quyết của Dostoievski về sự chung sống của thiên thần và ác quỷ trong con người, về vai trò của tôn giáo. Trong quá trình giao du với các nhân vật lớn ấy của thời đại, Tchékhov không phải không có lúc bị “xuyên thấm” ít nhiều, các nhà phê bình đã gọi ra cái gọi là tư tưởng của Tolstoi mà Tchékhov đã ảnh hưởng và đưa vào một số thiên truyện. Nhưng rồi rất nhanh, con người tự nhiên trong Tchékhov đứng ra tự điều chỉnh, nó khiến ông trở về với chính mình và khi cần, công khai có, ngấm ngầm có, chống lại mọi sự xâm nhập của những ảnh hưởng lạ, và nay nhìn lại, các tác phẩm của Tchékhov có một vẻ tinh khiết nguyên vẹn, ngay ở những ý tưởng mà tác giả muốn nói cũng như cái cách mà những ý tưởng ấy đến với bạn đọc.
Thứ nhất như là một sự cố ý, Tchékhov là nhà văn nghĩ nhiều bằng sự kiện, chi tiết, hơn là bằng bản thân những suy nghĩ về cuộc sống ấy, và trong khi vẫn nhuộm cho đời sống một sắc thái riêng, ông muốn cái sắc thái ấy tự nó toát ra chứ không phải do ông ráo riết trở đi trở lại với nó. Theo André Maurois, đến cả tâm lý học cũng là một từ mà Tchékhov ghét bỏ. Người ta kể rằng, trong một lần tập kịch, một diễn viên đã hỏi ông “Nhưng tính cách chủ đạo của nhân vật này là gì? Tôi phải biểu hiện điều đó ra sao? Tchékhov đã trả lời “Dễ thôi, ông ta luôn mặc một chiếc quần dài với những ô vuông xanh và trắng”.
Thứ hai, ở Tchékhov, tư tưởng nếu có, thường tồn tại một cách tự nhiên. Nói như Tchudakov, một nhà nghiên cứu người Nga, thì trong văn xuôi Tchékhov, tư tưởng không bao giờ đưa ra ở dạng thuần tuý, mà nó phải sống trong một con người cụ thể, và trong mối quan hệ này, con người vẫn là nhân tố chủ đạo. Trong những cuộc chuyện trò tay đôi, giữa hai nhân vật nào đó, sự khác biệt của tư tưởng có thể nổi lên, song không mấy khi nó được triển khai thành những xung đột căng thẳng, mà nói chung, mỗi người vẫn luẩn quẩn với những ý tưởng riêng của mình. Và sau buổi nói chuyện cái người ta nhớ lại, thường khi là một bóng trăng, một ngọn lửa.
Thứ ba, ở các nhân vật, không có sự cuồng tín đã đành, mà chính tác giả cũng không bao giờ nâng ý tưởng của mình lên thành một giáo điều. Rất tinh tế trong khi nhận xét về sự đời và thực tế là đã suốt đời theo đuổi những tư tưởng riêng, song Tchékhov không quên đặt vào nó một ít nghi ngờ, vừa nói, ông vừa để cho người ta có cảm tưởng là ông băn khoăn không biết điều mình nói ra có đúng không, và cực chẳng đã ông phải nói ra cái điều ấy chứ thực ra, ông không chủ bụng truyền bá cho ai và thuyết phục ai. Nhất là như trên vừa dẫn, có một cảm giác thường trực nơi Tchékhov: luôn luôn ông nhận ra rằng sự biết của chúng ta về đời sống là quá đơn sơ, quá nhạt nhẽo, nó không xứng đáng với cuộc sống này, cho nên, mọi sự rao giảng, nếu không phải là lố bịch, thì cũng là vô bổ.
Sau khi ráo riết chỉ ra cái ngưng đọng của cuộc sống cùng là sự ung thối của các tính cách, tình trạng bất lực thường xuyên của các cá nhân, nhà văn cảm thấy không nên nói thêm gì nhiều, bởi thực ra, mình đâu có biết để nói, mình đâu có quyền nói. Mỗi người viết, theo ông, gọi được căn bệnh là đủ, và cần thiết hơn cả là gọi ra mức độ nguy ngập của bệnh tật. Còn như chữa bệnh là của người khác - đó là việc của các nhà hoạt động xã hội, của các chính khách.
Nhiều thế hệ bạn đọc và các nhà văn đã cảm nghe và nhận ra cái chất riêng của văn xuôi Tchékhov, nó ở vào một khu vực tiếp giáp mong manh giữa nhiều tình cảm khác nhau, cùng một lúc chúng nảy sinh và tồn tại trong tác giả.
“Trong sự khách quan kỳ diệu của ông đứng trên tất cả mọi nỗi phiền muộn hay hân hoan, Tchékhov đã thấu triệt và nhìn hết mọi sự vật, ông có thể hiền từ quảng đại mà không yêu, ông có thể mẫn cảm thân ái mà không quyến luyến, ông có thể là người ra ơn mà không mong sự trả ơn”.
Cũng ý ấy, có người lại nói khác đi một chút:
“ý nhị nhưng buồn rầu, tốt bụng nhưng lạnh lùng, vị kỷ nhưng nhạy cảm với nỗi đau của con người, Tchékhov cống hiến đời mình cho y học và văn học, làm say mê lòng người nhưng lòng mình thì chán nản”.
Thế nhưng, có phải là theo đà đó mà suy, có thể nói rằng Tchékhov là kẻ phủ nhận tư tưởng , hơn nữa là kẻ vô trách nhiệm, vô nguyên tắc, trong cách diễn tả đời sống? Không. Không hẳn như vậy! Những nhà văn Nga quan trọng sống cùng một thời và sau Tchékhov ít lâu, rất yêu mến nhà văn này, như Gorki, như Ehrenbourg xác nhận một điều ngược lại.
Với Gorki, Tchékhov là một ngòi bút kích thích người ta sống và nhận thức về đời sống:
“Nhớ đến một con người như thế thật là một điều tốt lành, lập tức người ta thấy cuộc sống của mình được vui trở lại, có được một ý nghĩa rõ ràng”.
Ehrenbourg còn cả quyết hơn nữa khi bảo rằng có nhiều nhà văn lớn, nhưng có lẽ không có ai lương thiện hơn Tchékhov. Cái bề ngoài dửng dưng mà người ta cảm thấy ở Tchékhov, theo Ehrengourg, chẳng qua là một thủ pháp nghệ thuật. Ông cần làm cho bạn đọc tin. Ông tôn trọng họ. Còn như về phần mình, trong khi làm ra vẻ vô nguyên tắc, thực sự ông có niềm tin riêng và cái quyết liệt riêng của mình. Lấy một vài ví dụ rõ rệt nhất: Nhiều thiên truyện của Tchékhov, trong đó có Cuộc đấu, làm toát ra một ý tưởng có vẻ lửng lơ chiết trung “Không ai biết sự thực là thế nào” Nhưng đó là xét cái tác dụng tức thời của thiên truyện, còn nếu như để nó ngấm dần vào ta từng chút một, thì sau khi đọc truyện, người ta lại thấy dựng lên một ám ảnh khác “mỗi người hãy đi tìm cái sự thực đó về cuộc đời quanh mình”, và như vậy sự bất khả tri của tác giả lại là cái cách khá tốt để kích thích chúng ta cùng suy nghĩ, tìm ra sự thực. Vở kịch Ba chị em , trong khi diễn tả cái tù túng bất lực của con người, thực tế là hết sức gần gũi với tất cả chúng ta ở những khao khát thường trực muốn thay đổi. Ai người trong đời, đã có lúc day dứt với những ao ước không dễ thực hiện, hẳn thích cái điệp khúc của nhân vật “Đi Moskva!” “Đi Moskva!” Bởi có gì lạ đâu, mỗi chúng ta có cái Moskva của mình! Và đằng sau cái cảm giác bất lực nặng nề, đọc Ba chị em, người ta lại thấy không dứt một điều mong mỏi “Giá kể có thể thay đổi!” và “Giá kể biết được là nên thay đổi thế nào!”.
Những giá kể nói ở đây là đầu mối của mọi suy nghĩ cũng như hành động.
Như vậy, rộng hơn câu chuyện dửng dưng hay nồng nhiệt, phải nói tới sự hiện diện của nhà văn trong tác phẩm, và ở chỗ này, Tchékhov đã có được cái độc đáo của mình. Nhà văn có vẻ thích hợp với một nhân loại đã trưởng thành: lúc đọc sách, họ không muốn ai cầm tay chỉ việc hướng dẫn cho họ từng ly từng tí; đã biết quá nhiều, họ hay nghi ngờ những sự nồng nhiệt một chiều; họ chấp nhận sự tham gia của tác giả và mong rằng tác giả càng chủ quan càng tốt nhưng lại không thích bóng dáng quá đậm của tác giả trên trang sách; mọi ý tưởng mà tác giả dẫn họ đi tới, họ muốn nó nẩy nở tự nhiên như chính họ tìm thấy. Tất cả những điều này, hình như Tchékhov đã biết, và bằng một sự mẫn cảm đặc biệt, ông cố thực hiện bằng được. Thậm chí nhiều khi như là ông đã đi quá một chút: quá dửng dưng, quá rụt rè, và một đôi chỗ như là chỉ muốn làm kẻ ngoài cuộc. Song nói ông không có tình yêu với cuộc đời này thì không phải. Không có tình yêu làm sao người ta có thể để mắt vào sự việc này, kể lại câu chuyện về con người kia, và xúc động trước một đêm trăng, một tiếng chim hót, tóm lại, là làm sao có thể cầm bút? Không, phải nói Tchékhov có tình yêu riêng của mình. Đọc ông, không ai có thể nghi ngờ niềm tha thiết với tất cả những biểu hiện của con người và cái ý tưởng đau đáu nơi tác giả: lẽ ra, con người có thể sống cao đẹp hơn biết bao, so với hàng ngày họ đã sống!
Tchékhov đã hiện diện như thế nào trong tác phẩm? Ông là người nông phu trong truyện ngắn Tiếng sáo, nhìn đâu cũng thấy cuộc sống đang bị huỷ hoại. Là viên tu sĩ trong Nữ hầu tước, biết hết sự đời, thấy rõ sau cái vẻ mỹ miều là bao điều xấu xa bỉ ổi, song đành lơ đi, vì rằng không phải dễ gì để chung quanh có được cách hiểu như mình. Là ông giáo sư già, trong Câu chuyện buồn tẻ nhìn thấy mọi người đổi thay, hư hỏng, tệ bạc, song trong lúc chưa giải thích hết các diễn biến, thì hãy ghi lại mọi chuyện, hãy kể ra để mọi người cùng nghĩ. Có lẽ, không phải Tchékhov, khó ai có thể viết được một thiên truyện như Cây hồ cầm của Rothschild: bởi lẽ ở đây giữa nhân vật và nhà văn như có chút gì tương tự. Một bên sau khi thức tỉnh nhân việc vợ chết người thợ đóng quan tài Iakov Ivanov đã nhỏ không biết bao nhiêu nước mắt xuống cây đàn, khiến cho sau khi ông chết, cây hồ cầm mà ông để lại trở thành một thứ nhạc cụ kỳ lạ, mỗi khi tấu lên thường khiến người nghe và người kéo đàn phải rớt nước mắt. Còn đằng kia, đó là nhà văn dồn nén kinh nghiệm sống của mình vào các dòng chữ, viết đều đều, viết như đùa bỡn, song thực ra, đã gửi vào đó bao nhiêu tâm sự, vàtrước tiên là cái nỗi tha thiết của ông với cuộc đời.
*
Hai yếu tố làm nên giá trị văn chương của các nhà văn lớn xưa nay là hiện thực và nhân đạo. Với Tchékhov người ta cũng chỉ có cách dừng lại hai tiêu chí ấy. Chỉ có điều cần ghi chú thêm: Tchékhov hiện thực theo cách riêng của ông. Nhất là Tchékhov nhân đạo theo cách riêng của ông - không bao giờ nhà văn này đứng trên để chỉ lối cho con người, ngược lại ông chỉ muốn giúp họ nhận ra sự thật về bản thân để họ thức tỉnh. Chủ nghĩa nhân đạo với Tchékhov trước tiên chưa phải là yêu con người, mà là hiểu con người, giúp cho người vượt lên cái tầm thường của đời sống hàng ngày, tránh được sự ăn mòn của thói quen dung tục, và nói chung là sống một cuộc sống xứng đáng hơn nữa.
Tchékhov từng viết trong nhật ký: “Con người sẽ trở thành tốt hơn khi ta chỉ cho hắn biết hắn là người thế nào”. Trong một câu nói giản đơn như thế, người ta nhận ra cái đích mà Tchékhov hướng tới, sự lịch lãm, khả năng hiểu biết của ông, lẫn tấm lòng ông với cuộc đời này.
Bởi nhu cầu tự nhận thức của con người là mãi mãi, nên những thứ văn chương như truyện và kịch của Tchékhov cũng còn mãi mãi được đọc, được phân tích và tìm hiểu. Nó không có tham vọng trở thành cái nhìn duy nhất, lời giải đáp duy nhất, mà chỉ muốn gợi ý để chúng ta cùng suy nghĩ, nhưng do đó, lại dễ được nhiều người chấp nhận.
1997
SỐ TRUY CẬP online