Những thao thức mang tính cách dự cảm (*)

I. Cuốn sách và những cuộc tranh cãi
Bên cạnh những tác phẩm ngay từ khi mới ra đời đã được dư luận nhất trí khen ngợi là có giá trị, và được đủ mọi thứ giải thưởng khác nhau, trong văn học nước nào và ở thời nào cũng vậy, thường vẫn có những tác phẩm gây ra những luồn dư luận trái ngược, kẻ khen người chê, rất khó cả quyết dứt khoát ai sai ai đúng.
Thuộc loại thứ nhất, trong văn học Xô-viết những năm tám mươi của thế kỷ XX, người ta thường kể tới Phong toả của Tsacốpxki, Lựa chọn của Bondarev, Không chốn nương thân của Avigiuyx, Bức tranh của Granin... (một số tác phẩm này đã và đang được dịch ra tiếng Việt).
Còn như thuộc loại thứ hai? Số này hơi khó xác định hơn, nhưng vẫn có. Một truyện vừa và một số truyện ngắn của Trifonov in ra trong bản dịch Nửa đời nhìn lại là một ví dụ. Rồi truyện vừa Một cuộc sống khác, tiểu thuyết Ông già cũng của Trifonov, Chiếc vương miện kim cương của tôi của V.Kataev v.v... Bạn đọc và các nhà phê bình có những ý kiến khác nhau về các cuốn sách này. Chúng không có may mắn được nêu tên trong các kỳ tuyên bố giải thưởng. Song tuyệt nhiên không ai coi đó là tác phẩm tầm thường. Ngược lại, từ những cuốn sách khiến cho dư luận phân vân và nhiều khi xung đột đó, người ta càng nhận ra một đặc điểm của văn học Xô-viết. Nền văn học đó không đơn điệu theo những lối mòn, nó luôn luôn suy nghĩ để tìm đường, thể nghiệm. Để đạt tới mục đích thống nhất, là phản ánh cho hết những vấn đề đặt ra trong xã hội và có được tác động thật tích cực với bạn đọc , có thể có bao nhiêu cách làm khác nhau, những lối tái hiện cuộc sống khác nhau, thậm chí quan niệm viết khác nhau , mà đằng nào cũng có cái lý riêng của nó .
Tiểu thuyết Thao thức của A.Kron lần đầu in trên tạp chí Thế giới mới các số 4-6/ 1977, và ngay từ cuối năm đó, khi chưa được in thành sách, đã gây nên dư luận sôi nổi. Sau bài viết của một nhà phê bình ở mục Điểm tạp chí của báo Văn học số 30 tháng 8 năm 1977, là hàng loạt thư bạn đọc gửi về, người khen hết lời, kẻ chê cũng dùng đến những từ thậm tệ. Trên nhiều tờ báo khác, cũng có những ý kiến khác nhau như vậy, đến mức trong năm 1978, tạp chí Những vấn đề văn học (nguyệt san chuyên về phê bình, cơ quan của Hội Nhà văn và Viện văn học thế giới mang tên Gorki) còn có hai bài khá dài, nhìn lại một số vấn đề của văn học, nhưng đả động rất nhiều đến Thao thức. Bàn về thế nào là nhân vật tích cực, đặc biệt là việc miêu tả những con người làm khoa học, người ta nhắc đến nó, rồi bàn về mâu thuẫn trong văn học, bàn về hình thức tự thú trong tiểu thuyết, nó lại được đưa ra làm dẫn chứng. Mỗi người nhấn mạnh một phía. Tuy nhiên, càng về sau, càng thấy có nhiều ý kiến khẳng định giá trị cuốn tiểu thuyết này. Khi xuất bản tuyển tập tác phẩm hai tập của tác giả vào năm 1980, nhà xuất bản Văn học Quốc gia lấy nó làm bộ phận chủ yếu của tập hai. Cũng năm đó, trong cuốn sách nhan đề Tiểu thuyết xô-viết. Những con đường và những tìm tòi, nhà phê bình văn học M. Kuznetsov đã dành những dòng trân trọng cho Thao thức (cũng như cho Ông già của Trifonov và Chiếc vương miện kim cương của tôi của Kataev). Theo Kuznet sov, cùng ý nghĩa như Con người, năm tháng cuộc đời của Ehrenbug, _______
(*) Lời giới thiệu viết cho bản dịch Thao thức tiểu thuyết của A.Kron NXB Tác phẩm mới H. 1983


Câu chuyện về cuộc sống của Paustovski, Thao thức là một tác phẩm giúp ta hiểu về sâu của con người xô-viết; cuốn tiểu thuyết mang nặng chất suy nghĩ này thật kỳ lạ, thú vị, và đây là một hình thức của tiểu thuyết hiện đại, hơn nữa “một hình thức thuộc loại có triển vọng nhất”.
M. Kuznetsov là một trong những nhà nghiên cứu chuyên về tiểu thuyết xô-viết, ông từng được phân công viết nhiều chương quan trọng trong bộ lịch sử văn học xô-viết, do Viện văn học Gorki chủ trì. Cuốn sách của ông mà chúng tôi vừa nhắc tới, lại thuộc loại sách phổ thông, do Nhà xuất bản Kiến thức xuất bản phục vụ đối tượng quần chúng rộng rãi, số lượng in ra là sáu chục ngàn cuốn. Nội một điều đó, đã là một bằng chứng tốt, chứng tỏ Thao thức là một giá trị có thể khẳng định.

II. Từ thế giới của những người làm khoa học đến những vấn đề của đời thường.
Sau khi dẫn đầu một đoàn đại biểu khoa học xô-viết dự một hội nghị quốc tế tổ chức tại Paris, một học giả cỡ lớn, viện sĩ Uspenski đột ngột từ trần. Nhân đây, một trong những học trò và đồng nghiệp thân cận của ông là Yudin có dịp suy nghĩ lại nhiều chuyện liên quan đến cuộc đời của nhà khoa học lớn kia, nhất là những chuyện đặt ra với chính mình. Những chuyện riêng và những chuyện chung. Đường đời. Quan hệ. Công việc. Triển vọng...
Trên nét lớn, có thể tóm gọn toàn bộ câu chuyện xảy ra trong Thao thức bằng mấy nét sơ lược như thế. Song, như sau đây bạn đọc sẽ thấy, mọi chuyện không hề đơn giản. Đúng với tư cách một nhà văn chân chính, Kron biết chỉ ra cho chúng ta thấy cả một thế giới cực kỳ phức tạp. Khi đọc, chúng ta bị cuốn theo câu chuyện; đọc xong, ta còn phân vân xét đoán mãi về từng con người, từng số phận trong đó, thấy họ là những con người rất thật, ngỡ đã quen biết với chúng ta, mà chính chúng ta chưa bao giờ hiểu hết.
Như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, từ thế kỷ XIX trở về trước, thông thường hình tượng các nhà bác học trong văn học nghệ thuật còn rất thô sơ, về mặt nội tâm. Như ở J. Verne chẳng hạn, nhân vật Paganen là một anh chàng chỉ biết chúi đầu vào công việc, đến quên hết sự đời. Khá hơn một chút, thì họ hiện lên như hình tạc Nhà tư tưởng đang suy tư của Rodin, nghĩa là một thứ mẫu người căng thẳng thật cao siêu thoát tục. Chỉ tới thế kỷ chúng ta, đặc biệt khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lan ra mạnh mẽ, công tác khoa học đã trở thành nghề phổ biến, thì người làm khoa học mới được quan niệm lại. Đó là ngành đầu tư trí tuệ và phương tiện vào sản xuất, có đỉnh cao và có đồng bằng, có những phút giây xuất thần chói sáng, và có cả những ngày tháng đằng đẵng nối tiếp đều đều, nếu không muốn nói là tẻ nhạt. Không có gì khác người thường, những người làm khoa học cũng sống đủ mọi cung bậc trong đời sống tình cảm của mình, từ những giây phút tìm tòi thú vị, săn đuổi thành công, chen lẫn những lo lắng dằn vặt mà bất cứ ai cũng phải gánh chịu. Trong cả giới, có sự phân công cao độ, toả ra thành đủ loại ngành nghề, hình thành nhiều mẫu người khác nhau, khiến soi vào đó, người ta thấy cả nhân loại.
Giới khoa học được miêu tả trong Thao thức chính là một thứ thế giới đa dạng như vậy. Qua những trang ghi chép nửa nhật ký, nửa tự thú của giáo sư Yudin, sinh hoạt khoa học hiện ra với rất nhiều bộ mặt. Các nhà khoa học ở đây thuộc đủ các cương vị, với những trách nhiệm khác nhau, từ những nhà khoa học đầu đàn trong một lĩnh vực nghiên cứu của một quốc gia, tới hàng ngũ tiến sĩ, phó tiến sĩ, thực tập sinh, nhân viên thí nghiệm, nhân viên hành chính. Cách tồn tại của mỗi người trong khoa học không giống nhau, tư cách từng người nhiều khi chống đối nhau kịch liệt. Họ không thuần nhất; chính vì thế, họ đáng để chúng ta tìm hiểu.
Nói cho đúng, nếu đòi hỏi sau khi đọc xong Thao thức, có thể biết được mọi mặt sinh hoạt khoa học hoặc một quy trình khoa học cụ thể nào đó, chúng ta sẽ thất vọng. Mặc dù bám rất sát thực tế khoa học, đặc biệt là ngành sinh học xô-viết mấy chục năm qua, dụng ý của Kron không phải như vậy. Nghề làm khoa học đối với các nhân vật của ông, cũng như thể thao, thám hiểm, làm công tác tình báo... ở các nhân vật của các nhà văn khác, chẳng qua chỉ là những nguyên cớ cụ thể , để giúp chúng ta hiểu sâu một phương diện nào đó của nhân loại và bản chất từng người. Do thói quen nghề nghiệp ăn sâu trở thành một thứ bản tính thứ hai, nhân vật Yudin trong truyện luôn luôn nói, nghĩ bằng ngôn ngữ của một người làm khoa học, hơn nữa, một người làm khoa học trong thế kỷ XX. Sinh học phân tử và cơ học lượng tử, lý thuyết thông tin, mối quan hệ nhiều về giữa cá thể và quần thể, giữa sinh vật và môi trường... những quan niệm ấy chi phối từng quan sát, từng nhận xét nhỏ của Yudin về đời sống. Đối với những ai chưa quen, điều đó có thể gây ra một vài ngạc nhiên nho nhỏ. Song, cuối cùng, nhìn cho kỹ, những nhận xét của Yudin rất dễ thông cảm. Nhiệt tình chi phối suy nghĩ của Yudin không gì khác, cũng là cái khao khát từng ám ảnh mỗi chúng ta: Làm sao để cuộc sống xã hội ngày càng công bằng hơn, nhân đạo hơn, phục vụ những tiến bộ xã hội đích đáng hơn . Về nguyên tắc, nhiều bạn đọc Việt nam có thể nói như Yudin:
--- Thay thế cho chủ nghĩa xã hội cảm giác -- một thứ chủ nghĩa xã hội giầu tính ảo tưởng -- phải là một chủ nghĩa xã hội khoa học. Và sở dĩ tôi kính trọng đạo đức cộng sản hơn đạo đức tư sản, thì chính là vì đạo đức cộng sản gần với tinh thần nhân bản hơn cả.

III. Thể tiểu thuyết tự thú và nhân vật Yudin.
Giả sử bây giờ có ai hỏi chúng ta ý nghĩa chính của cuộc đời là gì, ta sẽ rất khó trả lời cho được rành rọt. Để hiểu nó, ta phải đối mặt với mọi thứ đầu cua tai nheo trong những ngày đã sống qua, phải hồi tưởng, phân loại... đủ thứ. Nhưng cũng nhờ vậy, ta hiểu ra một chân lý giản dị: bên cạnh những điều rõ ràng, bao giờ cuộc sống cũng còn bí ẩn, không dễ gì một lúc cắt nghĩa hết được.
Mỗi cá nhân là một thế giới. Và khi thế giới đó muốn tự nhận thức mình, nó rất dễ lúng túng, vì không ngờ chính mình lại rắc rối đến vậy.
Trong văn xuôi xưa nay vẫn có thể loại tự thú, ở đó, người ta chứng kiến sự vận động trong đời sống tinh thần một con người. Qua lăng kính một cá nhân, người ta thấy cả xã hội. Những tự thú đó thường được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt miễn nhân vật tự thú là con người biết tự phân tích, có thái độ khách quan đối với mình cũng như đối với chung quanh; miễn đó là con người có nguyện vọng tốt đẹp là sống lương thiện, và hiểu rõ rằng quá trình hoàn thiện mình không bao giờ chấm dứt.
Trên nhiều phương diện, nhân vật Yudin trong Thao thức hội trong mình nhiều điều kiện chúng ta vừa nói. Đây thực sự là một người có cảm quan của một trí thức, đầu óc luôn luôn làm việc. Nghề nghiệp trang bị cho Yudin những công cụ tốt để nhận xét đời sống, nghề nghiệp lại buộc Yudin phải luôn luôn kiểm tra lại những điều mà mình nhận xét và quan sát thấy, gạt hết mọi ngẫu nhiên, tìm ra qui luật bên trong của đời sống. Nói như M.Kuznetsov “Thao thức giống như dòng ý thức của một người đương thời của chúng ta, rất thông minh và được trời phú cho một khả năng quan sát và phân tích không dễ ai cũng có. Đâu phải mọi kết luận do Yudin đưa ra đều không thể tranh cãi nữa, vậy mà bản thân quá trình suy nghĩ của nhân vật lại gợi nên nhiều hào hứng, lý thú...”.
Tóm lại, chọn những tự thú của Yudin làm mạch chính của cuốn sách, tác giả đã chọn cho mình một mảnh đất tốt, để từ đó xâu chuỗi lại nhiều hiện tượng khác nhau của đời sống. Trung thành với truyền thống của văn xuôi Nga thế kỷ XIX, đặc biệt là truyền thống của Tolstoi và Dostoievski, ngòi bút phân tích tâm lý của Kron ở đây tỏ ra thật điêu luyện, rành mạch, khúc chiết. Những ý nghĩ tự thú vốn gắn với Yudin như thuộc tính sẵn có một người làm khoa học được đẩy đến cùng, khiến ta cảm thấy nhiều chỗ có phần lạnh lùng, khinh bạc, trắng trợn, nhưng chính bởi vậy, lại thêm sức quyến rũ. Tình cảm nước đôi vừa kính trọng vừa căm giận của Yudin với người này, thái độ cố chấp đôi lúc hoá ra thiên kiến mà chính Yudin cũng muốn gạt đi nhưng gạt không nổi trong quan hệ với người kia, những cuộc đấu trí căng thẳng, không khoan nhượng đến mức u uất của Yudin với một người khác nữa... bấy nhiêu phức tạp trong quan hệ của nhà khoa học này với các đồng nghiệp thực ra có chút gì đó rất nhân bản, chúng chỉ là những biến dạng cụ thể của những mối quan hệ sống mà gần như tất cả chúng ta đều trải qua, hoặc nhiều hoặc ít. Cả cái lối nhìn đời có vẻ cay nghiệt nhưng thật ra là nông nổi, nhẹ dạ, bởi còn nhiều ảo tưởng; cả thói quen bước vào cuộc tiếp xúc với mọi người với thái độ của một vận động viên thể thao, cố bảo vệ bằng được sự thuần khiết và tính độc đáo của nhân cách mình; rồi một chút đỏng đảnh sách vở khi nói về bản thân, những nét làm đỏm đi liền với những tinh tế trong ứng xử hàng ngày... bấy nhiêu khía cạnh khiến cho khuôn mặt tâm lý của Yudin càng sinh động. Trong Yudin chứa đầy mâu thuẫn (mà mâu thuẫn lớn nhất là luôn luôn tuyên bố xây tháp ngà để làm khoa học, nhưng thực tế lại toàn tâm toàn ý hướng về đời sống, run rẩy trước mọi biến thái nhỏ của đời sống). Cách xử lý của Yudin trong việc đời chưa thật hoàn toàn đáng để chúng ta noi theo. Thậm chí nhân vật cũng chưa đi đến cùng, trên con đường anh ta đã lựa chọn. Còn thiếu hẳn một nụ cười độ lượng khi xem xét lại mọi chuyện và tuy đã có đầu óc hài hước, Yudin vẫn không tránh khỏi những bối rối trước cuộc sống thiên biến vạn hoá hàng ngày tất cả chúng ta vẫn trải. Nhưng chính bởi vậy, nhân vật lại gần gũi với anh với tôi, với tất cả những ai đang sống. Bởi trừ một số thuộc loại “ngoại hạng”, còn phần lớn chúng ta vốn sống rất vụng về, khôn chỗ này, dại chỗ khác, có rủi có may, bảo là thành đạt trên đường đời cũng được , bảo là thất bại cũng được.
Quả thật, khi xây dựng hình tượng Yudin, nhà văn A.Kron đã có một nhập thân đáng kể đến mức rất khó phân biệt đâu là tác giả, đâu là nhân vật. Ehrenburg khi đọc lại Tchékhov, từng nêu một nhận xét đại ý: các nhà văn rất thích gửi gắm mọi suy nghĩ của mình vào miệng nhân vật, tuy sau đó lại kịch liệt phản đối, khi người ta bảo đấy là ý kiến của mình. Cái khách quan của Kron trong việc xây dựng nhân vật Yudin, cũng đã gây ra nhiều cuộc bàn cãi. Cũng một Yudin đó, mà có độc giả khen hết lời, bảo đây là một trí thức tiêu biểu, thông minh lịch thiệp, người khác chê là một kẻ ích kỷ tinh vi, không xứng đáng được coi là một nhân vật tích cực. Dẫu sao, có thể công nhận Yudin là một mẫu người sinh động; trong cái thật của mình, những suy nghĩ của Yudin là những gợi ý tốt, đáng để chúng ta suy nghĩ tiếp. Cần nhớ là đằng sau Yudin còn cái bóng cao hơn của Uspenski. Cái khung của cuốn tiểu thuyết có phần hơi chật với nhân vật viện sĩ này, cũng là dụng ý của tác giả, tuy nhiên, chỉ qua vài nét phác, chúng ta đủ thấy: cả tầm vóc con người, lẫn trình độ một nhà bác học, Uspenski còn trội hơn Yudin cả một đầu. Những người hiểu biết đời sống xã hội xô-viết mấy chục năm qua hẳn biết một Uspenski trong Thao thức chỉ là hình bóng của nhiều Uspenski có thật trong cuộc đời. Họ làm việc trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Với tiềm năng xuất sắc được chuẩn bị từ lâu và khả năng thích ứng cao độ, họ chèo chống và gánh vác không biết bao nhiêu công việc mà một thể chế hình thành sau cách mạng, mới mẻ, năng động, đặt lên vai họ. Đóng góp của thế hệ những người này với xã hội rất lớn, nhưng cuộc đời họ thường khi không đơn giản chút nào, mỗi người một số phận phức tạp, phải có cái nhìn thấu đáo mới thông cảm hết. Văn học xô-viết đã và đang còn phải viết tiếp về họ.

IV. Bước ngoặt trong cuộc đời sáng tác của một tác giả.
Theo như cách nói của Inna Grekova một nhà văn đồng thời là tiến sĩ khoa học, Thao thức được viết bằng một ngòi bút bậc thầy. Với Thao thức, Kron đã trở thành một trong những tác giả văn xuôi nổi tiếng nhất trong văn học xô-viết thời kỳ trước 1991 .
Nhưng có điều trớ trêu : Kron viết Thao thức khi cả tuổi đời và tuổi nghề đều đã gần đi trọn.
Sinh năm 1909, ông tốt nghiệp Đại học tổng hợp Moskva năm 1930; sau đó, liên tục hoạt động trên lĩnh vực báo chí. Trong chiến tranh, ông là người gắn bó chặt chẽ với các hoạt động của Hải quân xô-viết và từng viết cả đến mẩu tin, bài báo nhỏ trên tờ báo quân chủng này. Sau chiến tranh, ông đã có những vở kịch, những tiểu thuyết được dư luận trong nước chú ý và được dịch ra tiếng nước ngoài. Năm 1964, cuốn truyện Ngôi nhà và con tàu của ông được nhất trí đánh giá cao.
Tuy nhiên trong cuộc đời sáng tác của tác giả, Thao thức vẫn là một bước ngoặt. Nó khiến cho độc giả xô-viết như phát hiện ra một Kron mới.
Có những tác giả ngay từ những năm còn trẻ đã có những tác phẩm nổi tiếng, hơn nữa, những tác phẩm có ý nghĩa nguyên tắc đối với sự nghiệp sáng tác của mình; từ đó về sau, ông ta cứ cái mạch đó mà kéo, giữ được mức cũ, hoặc có sa sẩy tí chút, dư luận cũng sẽ chiếu cố.
Trường hợp A.Kron với Thao thức hầu như khác hẳn. Có một sự đổi mới trong đời văn, khiến ta có thể nói đến một sự hồi sinh mà mỗi người đều mong ước. Đến tuổi già, ông viết khác đi, và như vậy, thực sự ông trẻ lại.
Đứng về mặt nghề nghiệp và xét, với việc viết Thao thức, tác giả này xứng đáng được chúng ta kính trọng. Tuổi ngoài sáu mươi, đang quen với các đề tài khác, ông đột ngột bước vào đề tài khoa học, lại nữa, một ngành khoa học cực kỳ phức tạp như sinh học. Vậy mà viết rất thoải mái, như người vốn trưởng thành ở ngành khoa học đó quay ra viết văn. Ngôn ngữ của ông trong Thao thức đúng là ngôn ngữ của một người hiểu khoa học hiện đại, ở đó đầy nghịch lý và cũng đầy chất u-mua. Ông rất thông thạo những quy luật của tư duy và biết diễn tả những mê cung rắc rối đó một cách mạch lạc. Thật ra, bảo khó phân biệt đâu là chỗ kết thúc của nhà khoa học Yudin và đâu là chỗ bắt đầu của nhà văn Kron chỉ là một cách nói: lẽ nào tất cả những gì ở miệng Yudin chẳng phải do chính Kron viết ra? Sức dễ lây truyền trong những suy nghĩ của Yudin chỉ nói lên bản lĩnh của tác giả Kron. Vẫn theo Grekova, “để viết Thao thức, Kron đã làm việc gần chục năm ròng”, bởi lẽ “ông chỉ có thể viết về những gì mà ông hiểu biết tỉ mỉ”.
Xét trên một phương diện khác, lại phải thấy ngòi bút viết Thao thức có vẻ còn rất trẻ. Trong tiểu thuyết có nói tới rất nhiều mối tình. Qua những trang tự thú có phần đơn điệu của Yudin, những mối quan hệ tinh tế giữa con người với con người được tác giả tháo gỡ từ tốn bình thản, y như còn dư sức làm nữa. Mặt khác, trong khi đi sâu vào tâm lý con người, cuốn sách lại trải ra trên một khu vực đời sống khá rộng, từ chuyện khoa học đến chuyện đời thường, từ lao động hoà bình tới những kỷ niệm trong chiến tranh, từ những vùng rừng Nga hoang sơ đến những chuyến thăm viếng nước ngoài không thiếu chuyện kỳ cục. Trong cái vẻ như là xộc xệch của câu chuyện, kinh nghiệm sống ở đây được huy động tới mức tối đa. Bởi nhân vật Yudin đã cho phép mình nói về tất cả mọi chuyện, những trang ghi chép ở đây, không phải là “nửa đời nhìn lại”, mà có được tầm bao quát “cuối đời nhìn lại”; tác phẩm mở ra trên một địa bàn rất rộng để cho người đọc đủ chỗ mà nghĩ ngợi.
Khi đặt cho tác phẩm của mình cái tên Thao thức A.Kron có ý bám vào những đêm không ngủ của Yudin, nhưng với bạn đọc, cái tên này đã mang tư tưởng của cuốn sách. Dường như Kron muốn nhắn nhủ với chúng ta: mọi chuyện trên đời không phải chỉ khẳng định một lần là xong, tất cả mọi chuyện đều phải được suy đi xét lại; quá khứ như mỗi người cũng không đơn giản đã xong mà luôn luôn cần được phát hiện lại. Làm mới quá khứ của chính mình và những người chung quanh, cắt nghĩa lại mọi chuyện đã qua, chính là cái cách tốt nhất để chuẩn bị cho mình sống những ngày tới. Vả chăng, chia ra quá khứ với tương lai cũng chỉ là ước lệ, cái chính là với việc đời, người ta không có quyền nghĩ về nó một chiều, nó luôn luôn ngổn ngang trăm mối, có thể thế này và cũng có thể thế khác, không một việc nào ngay một lúc “cưa đứt đục suốt”, không người nào chết cứng trong cái kết luận duy nhất mà ta áp đặt cho họ. Thật là kỳ lạ, thiên truyện của một nhà văn ngót nghét 70 tuổi lại là một thiên truyện được viết theo lối bỏ lửng và với nhân vật chính trong đó, mọi chuyện chưa đâu vào đâu. Nhưng suy cho cùng, đấy là cái kết luận đúng đắn hơn cả mà chúng ta cần chấp nhận, mỗi khi muốn có một phán đoán tổng quát về đời sống. Nói như nhà nghiên cứu văn học M.Bakhtin:
“Không có gì tận cùng có thể xảy ra trên thế giới này, lời cuối cùng về thế giới chưa được nói, thế giới luôn luôn được gợi mở và được bỏ ngỏ, nó ở phía trước và mãi mãi ở phía trước’.
(Trích Những vấn đề thi pháp Dostoievski).
Khi đủ bản lĩnh để giữ cho mình không rơi vào hoài nghi và bi quan, mọi sự thao thức đều có thể được chấp nhận.
Chỉ cần, như nhân vật Yudin trong truyện, chúng ta có một thái độ khoa học và một đầu óc tỉnh táo để xem xét mọi chuyện cho thực khách quan.
Và nếu vượt lên cao hơn Yuđin nữa để có một cái nhìn giản dị đến lão thực và một nụ cười thoải mái độ lượng tới cùng, thì càng đáng quý.
1983
SỐ TRUY CẬP online