Sự thân tình đã giữ cuốn sách ở lại với người đọc

( Thử tìm hiểu sự hấp dẫn lâu dài
của Buồn ơi chào nhé )



Câu chuyện trong Buồn ơi chào nhé xoay quanh một ít bi kịch nho nhỏ trong tâm lý của một cô gái ở tuổi mới lớn . Thường xuyên nghĩ về mình cũng có nghĩa là thường xuyên cô phải đối mặt với đời để ít nhiều tìm cách trả lời cho những câu hỏi muôn đời : đời là gì , là buông trôi đến đâu thì đến , hay là đi theo những khuôn khổ đã được xã hội quy định ? Mình có quyền gì và mình nên sống như thế nào ?

Nếu như trong một số tác phẩm cổ điển , những vấn đề đó thường được đặt vào khung cảnh rộng lớn , khi con người phải đối mặt với những tình thế quyết liệt ( như đọc văn học Nga ,văn học Pháp chúng ta vẫn gặp ) thì ở đây trong Buồn ơi chào nhé , nó được đặt vào một khung cảnh chật hẹp hơn nhiều : ít ngày nghỉ hè của hai cha con nhà nọ . Rồi tấn bi kịch xoàng xĩnh , bi kịch của một mối tình tay ba , cùng là trò chơi của sự trả thù ngẫu hứng ...

Có điều qua đây , con người hiện đại vẫn hiện ra với đủ chiều cạnh của nó . Cuộc sống ở một nước như nước Pháp thế kỷ XX đảm bảo cho các nhân vật một cuộc sống khá trưởng giả . Nhưng mỗi người vẫn bộc lộ những vụng dại trong trình độ làm người của mình . Không phải ngẫu nhiên trong con mắt của cô con gái Cecil , ông bố Raymond chỉ được gọi là một đứa trẻ lớn xác . Sự thư thái bình tâm trong đời sống của ông chẳng qua là một trò lẩn tránh . Còn cô gái , luôn luôn cô cảm thấy mình lẽ ra phải sống khác mà không sao khác nổi . “Tôi hút thuốc nhiều ,tôi thấy mình suy đồi và điều này làm tôi thích thú . Nhưng cái trò chơi ấy không đủ dể lừa phỉnh tôi : Tôi vẫn buồn bã lúng túng .” . Cuộc sống trôi qua dang dở , không biết tại sao ,và rồi sẽ đi đến đâu — như xưa nay nó vốn vậy .


Phải nhận Buồn ơi chào nhé của Francois Sagan là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử văn học : Ngay sau khi ra đời , tác phẩm được một giải thưởng lớn của Pháp ,và cũng từ đây , tác giả trở thành một nhà văn chuyên nghiệp . Nên lưu ý thêm là về sau F.Sagan còn cho in nhiều cuốn tiểu thuyết khác và kịch của bà cũng thường được dựng ở nhiều nhà hát , song trong sự nghiệp của bà , cuốn truyện đầu tay vẫn là một cái gì không thể thay thế được .Trong khi các nhà nghiên cứu văn học chỉ viết về bà một cách sơ sài , thì họ lại quên không nổi Buồn ơi chào nhé . Chẳng hạn hãy nhìn vào Lịch sử văn học Pháp của Xavier Darcos , một cuốn sách mang tính cách phác hoạ toàn cảnh với khá nhiều bản thống kê . Khi xem xét các tiêu điểm chính trị văn học thế kỷ XX theo từng năm một , nhà nghiên cứu đề ra nguyên tắc là chỉ lựa ra mỗi năm một hai cuốn sách .Ví dụ năm 1948 kể Văn chương là gì của Satre , năm 1952 kể Trong khi chờ Godo của Beckett , năm 1959 Elsa của Aragon. Vậy mà năm 1954 tác phẩm được kể chính là cuốn sách mỏng mảnh của Sagan .
Tại sao Buồn ơi chào nhé may mắn như vậy ? Trước tiên có vẻ như nó rất “vừa miệng “ đối với đông đảo bạn đọc . Vẻ ngoài ngắn gọn đơn sơ , song nó đạt tới cái thanh nhã tinh tế của hình thức .Cốt truyện chặt chẽ . Các lớp lang nối tiếp một cách tự nhiên , không có phân đoạn nào thừa . Rất nhiều tìm tòi của văn xuôi thế kỷ XX đã được tiêu hoá để sử dụng đến mức thuần thục .Và trong khi để lộ vẻ duyên dáng trong bút pháp , tác giả không làm cho người ta cảm thấy phải nỗ lực quá sức .

Theo nghĩa này , có thể nói rằng trong phạm vi một ít chữ nghĩa hạn hẹp, F.Sagan thực đã làm được cái việc khó khăn là biết khéo léo thu hút cái phần tinh hoa trong những tìm tòi đương thời trên phương diện tinh thần ; ở đây những tư tưởng của Sartre và Camus , những tư tưởng hiện sinh hấp dẫn một thời , có dịp hiện ra trong cái dáng vẻ gần gũi với mọi người . Các nhân vật trong sách đã sống những tư tưởng ấy như là bản năng tự nhiên . Và bởi khi đứng giữa một bên là cái rắc rối khô khan của tư tưởng thuần tuý và bên kia là vẻ lờ mờ cuốn hút của tiểu thuyết , những người bình thường bao giờ cũng nghiêng về cái thứ hai , cho nên những cuốn sách xinh xắn như Buồn ơI chào nhé mới có lý do để tồn tại .

Lý do trên đây còn có thể dùng để cắt nghĩa sự phổ biến của tác phẩm ở một xã hội xa xôi với tác giả như xã hội Việt Nam . Một tài liệu thống kê cho thấy ngay từ tháng 4-1958, một tạp chí lớn ở Sài Gòn , tạp chí Bách Khoa đã có một bài giới thiệu mang tên Sứ mệnh văn chương của Francoise Sagan . Tiếp đó , nhiều tác phẩm của nhà văn được giới thiệu , trong đó nổi lên hàng đầu là Buồn ơi chào nhé . Có tới mấy bản dịch khác nhau cùng ra đời và không chỉ một lần tác phẩm được in làm nhiều kỳ trên các tờ báo chuyên về văn học . Người ta đua nhau đọc . Chẳng những thế , người ta tìm thấy liên hệ giữa nhà văn Pháp với những cây bút nổi lên ở Sài gòn lúc đó . Và Từ điển văn học – một phát ngôn chính thức của giới nghiên cứu văn học Hà Nội – in ra năm 1984 có dành ít dòng để viết về Sagan . Mặc dầu lúc ấy , tác phẩm được dẫn ra như một hiện tượng đáng phê phán ( rằng nó chống lại truyền thống , nó nói quá nhiều về sự chán chường buông thả … ) song có điều lý thú là bản thân việc các nhà soạn Từ điển phải nói tới Sagan đã là một sự khẳng định . Các bản dịch vẫn được truyền tay, ngoài ra người ta còn tìm đọc qua nguyên bản tiếng Pháp , hoặc bản dịch tiếng Nga . Và đến giờ đây , những năm đầu của thế kỷ XXI , cuốn truyện này vẫn có cái duyên riêng của nó : trong khi các tác phẩm có tính chất kinh điển của các nhà văn bậc thày như Buồn nôn , Người xa lạ ….hoặc cả Đi tìm thời gian đã mất dẫn người ta vào một thế giới mơ mộng , cả Chuyến đi đến tận cùng đêm tối đầy những tư tưởng độc ác , khinh bạc , chỉ được tiếp nhận một cách dè dặt --- thì Buồn ơi chào nhé vẫn nổi lên ở sự gần gũi , dễ hiểu với số đông bạn đọc ở các đô thị , kể cả lớp già vừa qua khỏi chiến tranh lẫn lớp trẻ đằm mình trong mơ ước làm bạn với cả thế giới .

ở chương IV , phần hai , mà sau đây bạn đọc sẽ đọc , có cảnh nhân vật quệt mãi không được một que diêm. Không cần suy diễn gì nhiều chúng ta đã thấy tác giả như muốn nói con người nhiều khi rất yếu ớt và cuộc đời này thực ra là trĩu nặng thế nào đối với họ là như thế nào ! Và nhân vật trong sách tự nhiên thành ra gần gũi với bất cứ ai : chúng ta yếu đuối , chúng ta dễ phạm phải lỗi lầm hơn rất nhiều so với chúng ta vẫn tưởng . Sự thân tình vốn là yếu tố khiến nhiều thế hệ bạn đọc có thể nối tiếp nhau đến với một tác phẩm . Sự thân tình ấy làm cho Buồn ơi chào nhé gần như không bao giờ cũ .

Cái tên sách Buồn ơi chào nhé nghe đều đều , rời rã , như một sự chấp nhận . Đây không phải lời chào tạm biệt mà là chào nhau nhận có quen biết nhau , và chắc rằng từ nay còn đi lại gặp gỡ nhau . Có thể xem những tháng nghỉ hè của hai cha con nhà Cecil là hình ảnh thu nhỏ của cuộc đời mà nhiều độc giả đang trải nghiệm : Kiếp nhân sinh với họ rút cuộc vẫn là một cái gì không hiểu nổi . Nó vừa thú vị vừa nhàm chán và dù đã bước sang thời của văn minh hiện đại , người ta vẫn không thể làm chủ được nó . Nhưng chính vì thế chúng ta luôn cần đến sự có mặt của đồng loại . Cần đến văn chương, cần đến thơ ca , tiểu thuyết – cả những kiệt tác đầy những tư tưởng sâu sắc , phải nghiền ngẫm hàng tuần hàng tháng , lẫn những cuốn truyện có thể đọc trong một buổi trưa , như Buồn ơi chào nhé .
SỐ TRUY CẬP online