Thích ứng với thế giới hiện đại (Moravia và các tập truyện ngắn)

Nhà văn của đời thường.
Ngay từ nhỏ cậu bé Alberto (*) đã mắc chứng lao xương, phải nằm liệt một chỗ. Từ 9 đến 16 tuổi, cậu sống giữa một dưỡng đường trên núi cao. Bị cách ly khỏi hoàn cảnh bình thường, cậu chỉ còn cách làm bạn với sách vở. Tình thế cô lập trong thế giới tật bệnh khiến Moravia sớm quen với cuộc sống trầm tư và lâu dần thói quen này trở nên những sở thích không dễ gì thay đổi.
Thời gian Moravia lớn lên là thời gian chế độ phát xít ở ý nảy nở và hoành hành khá mạnh. Cũng như nhiều trí thức chân chính khác, Moravia nhìn thấy đấy là một chế độ áp bức con người và công khai biểu thị thái độ phản đối. Ông bị phiền hà rất nhiều về chuyện này. Sách ông bị cấm, nhiều lần ông phải viết dưới những tên hiệu giả. Thậm chí trong những năm cuối của cuộc Đại chiến thứ hai, ông phải lẩn trốn vào một vùng rừng núi “sống trong một chòi lợp tranh y như người thượng cổ. Rất cơ cực, nhưng thời kỳ này đã giúp ích không nhỏ cho sự phát triển bên trong của tôi”. Sau này, Moravia bảo vậy.
Đấy cũng là một phần những tư tưởng mà Moravia trình bày trong các sáng tác của mình.
Năm 1929, Những kẻ thờ ơ, tiểu thuyết đầu tay của Moravia ra đời. Đằng sau câu chuyện lộn xộn trong một gia đình trưởng giả, nhà văn sớm vạch ra một căn bệnh chính của xã hội hiện đại : nó giả dối, nó che đậy rất nhiều ung nhọt bên trong. Những thói tật ấy len vào mọi mối quan hệ giữa người và người, làm hỏng cả những liên lạc mật thiết trong mỗi gia đình.
Từ năm 1930 đến 1945, Moravia tiếp tục cho in nhiều tiểu thuyết khác, trong đó có cuốn Hội hoá trang (1941) kể chuyện một nhà độc tài ở xứ Mehico. Nhưng vì sự ám chỉ nhà cầm quyền phát xít quá rõ, nên sách bị cấm, bị đốt và tác giả phải bỏ xứ đi lưu vong. Sau chiến tranh, danh tiếng của Moravia càng nổi bật, với sự xuất hiện các cuốn Người đàn bà thành Rome (1947), Sự khinh bỉ (1951) v.v..
Nhân vật chính trong Người đàn bà thành Rome là một gái điếm, tên gọi Adriana. Số phận của Adriana sở dĩ bi thảm, do chỗ mặc dù đã tìm ra mọi cách thoả hiệp, nhưng ngưòi đàn bà này - cũng như nhiều con người có lương tri khác - vẫn không sao tìm được chỗ đứng trong xã hội. Và càng đầu hàng nó, càng hoà mình vào nó, người ta càng cảm thấy xa lạ.
Đến truờng hợp Sự khinh bỉ thì đây lại là câu chuyện cay đắng của một người thất bại, đã thất bại trong ý đồ giữ cho nghề nghiệp một sự trong sạch tối thiểu, lại thất bại cả trong ý hướng vươn tới hạnh phúc gia đình. Cũng như nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn khác của Moravia, tác phẩm dùng hình thức tự thú, và có nhiều trang trữ tình, nhưng điều đó không làm giảm tính quyết liệt của câu chuyện.
“ Tôi muốn nói lên rằng trong xã hội tư bản, tiền bạc chi phối không những công việc làm ăn mà còn chi phối luôn cả những liên lạc tình cảm nữa, tiền bạc đầu độc mọi sự” . Những dự định đó của Moravia được thực hiện khá trọn vẹn trong Sự khinh bỉ. Vả chăng, đó không phải chỉ là một ý tưởng ngẫu nhiên nảy sinh mà là một quan niệm quán xuyến trong Moravia. Người ta từng có những lời lẽ vẻ như muốn phán quyết ông “Các tiểu thuyết của ông đưa ra một hình ảnh rất ác độc chua chát về cuộc thế”, “Các nhân vật của ông không bao giờ được hưởng lấy một giây hạnh phúc”. Đáp lại, Moravia bảo: “Tôi không có ý trưng ra hạnh phúc. Cái gì ở người khác chỉ là trong khoảnh khắc thì ở nhân vật tiểu thuyết, là cả cuộc đời họ”.
ở trên, chúng ta có nói rằng, hồi trước 1945, để tránh sự lùng bắt của bọn phát xít, Moravia có thời gian trốn về một vùng rừng núi. Những kinh nghiệm mà ông thu thập trong thời gian này được ông đưa vào một cuốn tiểu thuyết khác, khởi thảo ngay từ trong chến tranh và mãi 1957 mới hoàn thành, đó là cuốn Ciociara. Qua việc miêu tả quãng đời trôi nổi của hai mẹ con một người phụ nữ là Sedira (nhân vật dẫn truyện), Moravia muốn gợi lại cả những đau đớn giày vò mà nhân dân ý phải chịu trong những năm chiến tranh: một đời sống khốn khó, cơ cực, mọi người làm khổ nhau, hành hạ nhau, và những tâm hồn méo mó, bệnh hoạn, kết quả của những cơn lộng hành do các thế lực xã hội đen tối gây nên. Nhìn sự vật đúng như nó tồn tại, giữ lấy một cái nhìn tỉnh táo về đời sống, tiểu thuyết Ciociara đi rất gần với xu hướng tư tưởng của nhóm “tân hiện thực”, dù Moravia không ngả hẳn theo trào lưu đó.
Từ 1960 trở đi, Moravia còn viết một số tiểu thuyết khác: Buồn chán (1960), Sự chú ý (1965), Tôi và hắn ta (1971), Cuộc sống bên trong (1978)... Thường thường đối tượng được nói tới trong tác phẩm của Moravia luân phiên đắp đổi nhau, cứ sau một cuốn sách viết về giới trí thức, lại một cuốn viết về các tầng lớp bình dân (viên chức, tiểu chủ, người buôn bán nhỏ...). Giới trí thức là tầng lớp xuất thân của Moravia (bố ông là một kiến trúc sư). Ông tìm thấy ở đấy những nhân vật của hoài nghi, những con người bị giằng giật giữa lương tâm và lý trí sáng suốt. Dù viết về tầng lớp nào, Moravia thường cũng nhìn con người trong mối quan hệ chặt chẽ với hoàn cảnh mà nó hình thành, cái hoàn cảnh luôn luôn khơi dậy ở nó ý muốn phản kháng, nhưng lại đã trở thành định mệnh khiến suốt đời, dù vùng vẫy mấy, con người đó vẫn không ra khỏi những tù túng mà hoàn cảnh áp đặt cho nó. Có lẽ vì lý do này mà người ta kêu Moravia là bi quan quá. Thực ra một Moravia bi quan luôn luôn bị một Moravia khác, nhân đạo và hiện thực chống đối lại. Vì ông tin ở con người, ông mới trở nên kiên trì và tỉnh táo như thế trong việc phản ánh cái thực tế đang bẻ quẹo con nguời. Còn một điểm nữa, người ta cũng hay trách Moravia là trong tác phẩm của ông, các nhân vật thường bị chi phối nhiều về tính dục (nhà thờ công giáo ở ý đã xếp nhiều tiểu thuyết của ông vào loại cấm đọc), nhưng ông thì cho rằng “nguyên cớ chính là trong thế giới ngày nay, không còn mấy những giá trị chắc chắn, vững chãi”, nên “phải dựa vào các “sexy” như là một giá trị”. Gạt bỏ những hạn chế đó (đúng hơn, những cố tật gắn liền với xã hội hiện đại ), có thể nói tác phẩm của Moravia đạt tới sự chân thực đáng kể. Sức mạnh của người nghệ sĩ ở Moravia trước hết là sức mạnh của sự khẳng định một lẽ sống vượt ra ngoài những gò bó máy móc, những khuôn thước giả dối. Tiểu thuyết của Moravia lại không chìm sâu vào những tìm tòi hình thức quá đáng, mà thường trong sáng trong cách miêu tả, kể chuyện và rất tinh tế trong các sắc thái tâm lý.

Người để vào thể truyện ngắn nhiều tâm huyết .
Trong cả cuộc đời dài dặc của một ngòi bút văn xuôi, hiện tượng một nhà văn bên cạnh tiểu thuyết, thỉnh thoảng có “lỡ chân” tạt sang khu vực truyện ngắn, viết vài truyện đăng báo - hiện tượng ấy không hiếm trong các nhà văn thế kỷ XX. Lại cũng không hiếm là trường hợp có một thời gian nào đó, một nhà văn tự nhiên mê truyện ngắn, viết liên tiếp một loạt truyện làm thành một hai tập có giá trị, góp phần xứng đáng vào văn nghiệp của mình. Nhưng gắn bó với truyện ngắn một cách hết lòng như Moravia quả thật ít thấy. Ông kể: Có thời gian, trên một tờ báo lớn ở ý, tờ Corriere Della Sera, ông liên tiếp có truyện in, và cứ mở ra là người ta tìm ngay trang 3, để xem truyện ngắn của ông. Ngay từ trước chiến tranh ông đã cho in các tập Những mộng tưởng của anh lười (1940), Người tình bất hạnh (1943), Epidemia (1944) sau chiến tranh các tập truyện lại kế tục ra mắt đều đặn hơn: Những mẩu chuyện thành Rôme (1957), Chỉ là đồ vật (1967), Một cuộc sống khác (1971), Thiên đường (1974)... Trong số các sáng tác này, Những mẩu chuyện thành Rome quả thực là một bước ngoặt. Sau khi được tặng một giải thuởng văn học (1954), nó được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau ở châu Âu. Từ đây, trong các Bách khoa toàn thư lớn, khi nói về Moravia, bên cạnh mấy chữ nhà văn, nhà báo, người ta không quên chua mấy chữ người viết truyện ngắn nổi tiếng.
Qua truyện ngắn của Moravia, người ta có thể bắt gặp mọi suy nghĩ của tác giả về cuộc đời của chính ông và mỗi người chúng ta đang sống. Ông viết đều đều về đủ chuyện, chung quanh những con người thành Rome mà ông hết sức quen thuộc. Phần lớn những truyện ngắn in trong Những mẩu chuyện thành Rome là câu chuyện do một người dân nào đó trong thành phố tự kể. Người thợ cắt tóc, anh hầu bàn, chàng lái xe, một nghệ sĩ nhiếp ảnh hạng ba hạng tư với chiếc máy ảnh cà tàng..., mỗi người đó một nghề mỗi cuộc đời một sắc thái, nhưng giữa họ vẫn có một nét chung: Thân phận họ là thân phận những người thấp cổ bé họng trong xã hội. Cuộc đời không ưu đãi gì họ, sự kiếm sống không dễ dàng, cuộc vật lộn để có miếng ăn dường như đã thu hút toàn bộ tinh lực, khiến cho những vui buồn ở mỗi người đôi khi tầm thường thảm hại. Đây đúng là những con người bé nhỏ về mọi mặt.
Đứng về một số phương diện, truyện ngắn Moravia trong giai đoạn này là sự tiếp nối đúng đắn những truyền thống hiện thực và nhân đạo tốt đẹp, từ Bocacio, qua Manzoni, Verga... Trong việc đi vào mô tả những con người nhỏ bé, thông cảm với họ, người ta cũng bắt gặp sự gần gũi giữa Moravia với một số nhà văn khác như Pratolini, hoặc các đạo diễn phim như De Sica, Viscolti, Fellinni...
Nhưng rồi cùng với sự phát triển của xã hội, từ những năm 60 trở đi, sau chủ đề “con người nhỏ bé”, một chủ đề khác ngày càng nổi rõ, và tìm thấy những biểu hiện độc đáo, đầy đặn trong các tập truyện ngắn của Moravia. Đó là chủ đề về sự tha hoá của con người trong xã hội tư bản, khả năng họ bị xã hội hoá đến mức biến thành những đồ vật. Như các nhà nghiên cứu xã hội tư bản hiện đại nhận xét: “ách nô lệ có thể định nghĩa không phải bằng phục tùng, không phải bằng mức độ nặng nhẹ của công việc, mà chính là bằng các quy chế, công cụ, và nhất là bằng việc hạ thấp con người xuống tình trạng đồ vật - chính đấy mới là hình thức thuần tuý của nô dịch”.
Có thể nói, đó cũng là cái tinh thần tố cáo thấm sâu vào nhiều truyện ngắn của Moravia đã viết. Xã hội được nhất thể hoá tới mức, càng tỏ ra độc đáo, người ta càng rơi vào tình trạng lệ thuộc, tự mình lặp lại mọi cử chỉ, mọi hành động của kẻ khác (Dở dở ương ương). Trong mỗi con người dường như có sự phân rã thành nhiều con người khác nhau, không sao hàn gắn nổi (Gương ba mặt). Bề ngoài, người ta phải đóng vai một người có hạnh phúc, nhưng bên trong có bao điều cay đắng (Trong gia đình). Trong một mối quan hệ cơ bản, như quan hệ vợ chồng, nguời ta cũng phải đóng kịch với nhau, và nhiều khi người nọ như trở thành nhà tù của người kia (Người máy, Sùng bái gia đình, Hoàng hậu Ai cập...). Nhiều khi với mục đích biểu lộ tình yêu ta lại hạ thấp đối tượng của ta mà ta không hay, và chỉ chuốc lấy một sự trả thù thẳng thừng (Đồ vật). Để phù hợp với tâm lý bạn đọc phương Tây, trong một số truyện viết về đời sống gia đình và quan hệ nam nữ, Moravia không ngại đi vào những “ca” rất sượng. Nhưng cả ở những truyện có phần tự nhiên chủ nghĩa đó lẫn các truyện khác, nhuần nhị, trong sáng, đều thấy toát ra một ý tưởng chung. Bởi có chống lại cũng vô ích, cứ cố thoát ra khỏi một tình trạng bế tắc này, người ta lại rơi vào trường hợp bế tắc khác, mà ví dụ tiêu biểu là tấn bi kịch của người nữ diễn viên nọ, đang chán chường người chồng chỉ biết làm phim câu khách, chạy đến với đạo diễn khác, thì đấy cũng là một đạo diễn dung tục tầm thường không kém (Tấm thân siêu phàm). ý định thay đổi luôn luôn là những ý định vô vọng, mà lý do không phải đâu xa, lý do ở ngay xã hội tư sản với sự hoàn thiện về mặt kỹ thuật của nó. Sự hoàn thiện này, xét trên một phương diện nào đó, là phi nhân bản, vì lẽ đặt bên cạnh nó, con người thấp hèn đi. “Chúng ta đã sáng tạo được một nền văn minh tuyệt vời đến mức còn đẹp hơn chính con người nữa” (Đẹp hơn em).
Sự thống nhất trong thế giới truyện ngắn của Moravia trước tiên là ở cách nhìn cuộc đời. Trong muôn vàn truyện của đời sống nước ý hiện đại, có những hiện tượng giống nhau, cứ đều đều rơi vào ống kính Moravia, mỗi lần cho ta một cận cảnh gọn và rõ. Khoảng những năm 50, đó là cuộc sống của những người lao động thành Rome với những vui buồn theo kiểu bình dân độc đáo của nó. Đến những năm 60, đấy thường là cuộc sống của những người trung lưu, vật chất không còn quá nheo nhóc, nhưng về mặt tinh thần lại bị thu hút vào một guồng máy xã hội đã bị tha hoá, khiến mất hết cả tự do, đời sống bảo là sung túc đầy đủ cũng được, mà bảo là vớ vẩn tẻ nhạt cũng được. Bởi tính phổ biến của nó, những bi hài kịch này thường chỉ được Moravia phác ra trong mấy nét nhưng rất dễ thông cảm. Người đọc nhận ra ngay những chuyện kể ở đây không chỉ liên quan đến mấy người trong truyện, mà ít nhiều liên quan đến chính cuộc sống của mình, cái cuộc sống thực sự hàng ngày ai cũng phải đối mặt. Nhưng điều quan trọng hơn là những kết luận Moravia muốn ta hướng tới. Dường như tác giả muốn nói: cuộc sống con người trong lòng xã hội thật kỳ quái, nhưng lại cũng thật tẻ nhạt vô kể (Đừng nghĩ ngợi gì, Người thừa hành). Với mỗi chúng ta cuộc đời hiện ra một cách khác, nhưng thông thường, mỗi người nếm trải đủ vị, sung sướng đấy mà đau khổ đấy (Đẹp hơn em). ở chỗ ta tưởng chỉ có nghiêm chỉnh vẫn hàm chứa bao nhiêu chuyện buồn cười, y như chuyện đùa (Chuyện đùa ngày hè), nhưng ở chỗ ta tưởng chỉ có nhạt nhẽo, vớ vẩn lại có bao nhiêu điều khiến ta cảm động đến rơi nước mắt (Cô điếm mệt mỏi). Cuộc đời không vừa với một khuôn khổ nào có sẵn, mỗi con người đều lung linh kỳ lạ , cả cái khôn lẫn cái dại, cả sự ngờ nghệch lẫn sự hiểu biết của họ cũng mở ra hết mức, đó vẫn là ý nghĩa thực của đời sống xưa nay, và thứ văn học nào bắt ngay vào cái nguồn vô tận này, cũng sẽ không bao giờ vơi cạn, như chính đời sống vậy.
ở một thiên truyện như Người đàn bà ham thích hội hè, bước đầu ông đã tiếp cận với những vấn đề triết lý quan trọng: những kích thước khác nhau về đời sống; tầm quan trọng của văn hoá; quan hệ giữa những giá trị văn hoá lâu đời và đời sống hiện đại. Đó chính là cơ sở cho mọi sự thông cảm mà ở trên chúng ta vừa nói.
Đọc ông, đôi lúc ta có cảm tưởng đằng sau những thoáng lạnh lùng, thậm chí hơi ác, hơi tàn nhẫn nữa, là một thiện ý vừa muốn mua vui, lại vừa muốn giúp thêm cho mọi người nhận thức đời sống một cách tỉnh táo. Trong cái “hội hoá trang” điên cuồng của xã hội hiện đại , người ta rất cần tới những an ủi nho nhỏ như thế.
Trong hồi ức Con người, năm tháng, cuộc đời, nhà văn Nga Ehrenbourg kể: Nét mặt Moravia thường rất buồn, nói vấn đề gì ông cũng trả lời như cái máy: “Tôi biết... tôi biết...”. Nhưng đôi khi nét mặt Moravia bừng sáng. Theo Ehrenbourg, đó là sự bừng sáng của một bản tính dịu dàng thường xuyên bị đè nén.

Nghệ thuật truyện ngắn
Người ta thường nói đến tính nguyên bản của một sáng tác, ngay cách viết đôi khi cũng có tính nguyên bản, nghĩa là nó chỉ đến với anh một lần, nó là trường hợp đơn nhất, lần ấy anh có thể thành công, lần khác viết theo cách đó, rất dễ hỏng. Dung dị, thanh thoát, có vẻ như là gặp đâu viết đấy, cách viết của Moravia có một đặc tính ngược lại, từ tác phẩm này sáng tác phẩm khác vẫn chỉ là nó mà người ta không thấy chán và có thể đọc mãi được. Nó có vẻ rất hợp với một ngòi bút viết nhiều, viết khoẻ, dẻo dai trong nghề nghiệp. Vâng, viết thật liên tục, thật đều đặn, và tạo cho bạn đọc cảm thấy mình có thể viết mãi trong truyện ngắn, đấy là một trong những bí mật làm nên tài năng Moravia, nó cũng là một phần lý do khiến ở ý cũng như ở nhiều nước khác, ở Pháp, ở Mỹ, ở Nga, ông được bạn đọc và cả giới nhà văn chuyên nghiệp say mê không dứt được.
Đâu là những khía cạnh làm nên đặc sắc riêng của truyện ngắn Moravia? Về mặt hình thức, đó là những truyện đạt tới sự ngắn gọn cổ điển. Nhờ chỉ tập trung vào một điểm nào đó trong tình thế hoặc trong nhân vật, mỗi truyện tựa chắc trên một cái trục để tồn tại, và sự súc tích hiện ra như là một cái gì hồn nhiên, thoải mái. “Theo ý tôi, truyện ngắn là một thứ văn khó viết, nó có những quy luật hẳn hoi, như loại thơ sonne vậy. Người viết phải trình bày thật nhiều tình tiết trong một đoạn văn càng ngắn càng hay”.
Đặc sắc cơ bản làm nên sự hấp dẫn của truyện ngắn Moravia là vẻ tự nhiên của nó . Thu hẹp trong phạm vi vài nghìn chữ, mỗi truyện như lời kể của một người nào đó về người thân của mình, bè bạn của mình, tác giả vừa nghe xong và giờ kể lại trên mặt giấy. Thủ pháp nhân vật xưng tôi vốn đã rất cũ, nay được tác giả sử dụng lại, và cứ thế mà kéo, không cần phải màu mè đắp đổi gì hết. Dường như phải qua lối xưng tôi như vậy, ông mới có cớ để thu góp tất cả sự phức tạp của đời sống vào một mối, tha hồ dẫn dắt người đọc theo những tư tưởng có sẵn và mang lại cho nó một vẻ dễ hiểu: “ ồ, tôi nghĩ thế đấy”. Với ai kia, nghệ thuật truyện ngắn ăn ở những tìm tòi cầu kỳ về cách tả cách kể. Moravia không cần làm thế. Ông cứ kể như người ta thuận mồm thì trò chuyện cho vui. Thậm chí phong cảnh thiên nhiên cũng gần như vắng mặt trên các trang sách. Đã gọi là chuyện, với ông, chỉ có đời sống con người, những mối quan hệ đa dạng của con người với con người. Gọn gàng nhưng không gò bó, chặt chẽ ngay trong sự dông dài của mình, mỗi truyện ở đây giống như một phác thảo tâm lý nho nhỏ nhưng lại hóm hỉnh, tinh tế, và nhiều khi chua xót nữa.
Nói về thói quen làm việc của mình, trong một dịp trả lời phỏng vấn. Moravia kể: Sáng sáng, ông ngồi vào bàn, và đã ngồi là có tác phẩm. Trong khi đặc biệt nhạy cảm với xu hướng tha hoá con người, biến con người thành một thứ máy -- cái xu hướng vốn gắn liền với sự phát triển của nền văn minh tư bản chủ nghĩa -- bản thân Moravia lại là một tấm gương về lao động nghệ thuật và khả năng không bị sự đỏng đảnh của cảm hứng chi phối. “Viết để đầy một số trang, vui lắm!”, ông bảo vậy. Trong việc viết cho đúng hẹn đã định, cũng như trong việc tự giới hạn tác phẩm của mình trong một số chữ nhất định, ông cũng cảm thấy niềm vui. “Tự do” ở đây là một thứ tự do trong khuôn khổ, tự do nương theo những ràng buộc có sẵn mà không hề cảm thấy bị những ràng buộc đó làm phiền. Không biết tự lúc nào, một bản tính thứ hai đã hình thành ở ông, trong những qui định ngặt nghèo của trang báo, ông cảm thấy viết đến đấy là vừa đủ, không cần có sự gò ép, tước bỏ, cắt xén gì cả. Đằng sau các trang sách, có lúc ta cảm thấy một tác giả con mắt nháy nháy tinh nghịch như thầm bảo : ”Đấy anh xem, chỉ cần có ít chữ vậy thôi, tôi cũng đã nói được bao nhiêu điều cần thiết”
Với những truyện ngắn được viết liên tục, hoàn toàn có thể nói Moravia là một nhà văn có một căn bản nghề nghiệp vững chãi . Và sự thành thục của ngòi bút (điều mà ông chăm lo rèn luyện) đã trở thành thành tựu, do đó thành một niềm tự hào chính đáng ở ông. Trong không ít trường hợp, Moravia đã phát biểu rất hay về công việc viết văn và tâm lý người viết. Chẳng hạn có lần ông bảo “ Viết là tuân theo một nhạc điệu. Là cảm thấy một thiện cảm và tiến về phía thiện cảm ấy. Người ta viết bằng tai”. Tôi tưởng nhiều người trong chúng ta cảm thấy mình hoàn toàn có thể chia sẻ một nhận xét như vậy.
Viết, đối với Moravia, là một nghề nghiệp, nhưng trong cái nghề nghiệp đó, chất chứa bao nhiêu sự đời và có thể gửi gắm bao nhiêu suy nghiệm về nhân tình thế thái.
Trong khi không quan trọng hoá công việc - một điều mà chúng ta biết, rất gần với Tchékhov - thực ra Moravia vẫn hết mình với nghề . Luôn luôn ông cho chúng ta thấy việc làm nghề nếu không phải thiêng liêng, thì cũng là một sự quyến rũ lớn lao. Cũng y như, sau những trang viết có vẻ lạnh lùng của ông, người ta vẫn cảm nhận rõ một khuyến khích đầy thiện ý: “Dù bao nhiêu chuyện ngang trái đi nữa, song cuộc sống vẫn còn bao nhiêu điều tốt đẹp, khiến cho người ta cần sống và có thể tìm được ý nghĩa cho cuộc sống”.
Con đường đi tới tự do(*)


Theo một con số thống kê năm 1976, trong số hơn hai trăm triệu dân Mỹ hiện nay, tổng số người da đen ở rải rác trong nhiều thành phố cả nước vào khoảng hai mươi ba triệu. Vốn được chuyển từ châu Phi sang, trong các thế kỷ trước đến thế kỷ này, cuộc sống của họ vẫn không thể gọi bằng cách nào khác ngoài hai chữ: nô lệ. Làm thuê trong các đồn điền, các cửa hàng tư nhân, đảm nhận chân giúp việc trong các gia đình, đổ rác, phục vụ công cộng v.v... Việc gì họ cũng làm và công xá bao giờ cũng rẻ mạt hơn hẳn, so với những người da trắng. Nạn phân biệt chủng tộc kéo dài trên cả hai phương diện. Một là người da đen không được học hành, chữa bệnh, thưởng thức nghệ thuật... chung với người da trắng. Hai là, ngay giữa các thành phố lớn, nhiều khu biệt lập với những nhà ổ chuột được hình thành, tại đó, người da đen bị tách hẳn ra, thành một cộng đồng riêng rẽ. Cuộc sống cùng khổ hết chỗ nói. ở giữa lòng nước Mỹ, tình trạng phân biệt chủng tộc ấy càng trở nên một cảnh tượng quái gở, đập ngay vào mắt mọi người, và có sức ám ảnh bất cứ tâm trí ai còn chút lương tri. Có người bảo đó là một vết nhục đối với nước Mỹ, một vết nhục chưa biết bao giờ có cơ gột sạch. Đến đầu những năm bẩy mươi của thế kỷ XX, nhận xét này còn được tờ Thời báo New York nhắc lại như một lời chì chiết cay đắng.
Mặc dù vậy, khi nhìn vào các hoạt động văn hoá - xã hội ở Mỹ người ta vẫn không thể ghi nhận một sự thật là người da đen vẫn có những đóng góp đáng kể. Nhiều trí thức Mỹ nổi tiếng là người da đen. Nhiều đấu thủ thể dục thể thao da đen nối tiếp mang lại vinh dự cho màu cờ sắc áo nước Mỹ. Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ da đen như L. Amstrong, W. S. Handy (người sáng tác bản Saint Louis Blues ) và đặc biệt Paul Roberson, được cả thế giới biết tiếng. Riêng trong lĩnh vực văn học, cũng có thể nói tới một cuộc “chạy tiếp sức liên tục”. Ngay từ thế kỷ XIX, đã thấy những tác phẩm do những người nô lệ ở các tỉnh miền Nam chạy lên miền Bắc viết ra. Vào đầu thế kỷ này, những tác phẩm chính luận như Tâm hồn người da đen của W.Dubois là một cái mốc đáng ghi nhớ. Tới những năm 20-30, nguời ta còn nói tới “sự phục hưng da đen”, sự phục hưng Harlem, với thơ Lanston Hughes. Chính trên cơ sở này, R. Wright hình thành văn nghiệp của mình, trở thành nhân vật đóng vai chìa khoá để hiểu văn học da đen trong thế kỷ XX. Từ R. Wright về sau, tác phẩm của R. Ellison (sinh 1917) L. Hensburi (1930-1965), và đặc biệt, các tác phẩm chính luận và tiểu thuyết của Baldwin còn luôn luôn làm nên những “vụ nổ” trong văn học, trở thành sách bán chạy, thành những cái đinh trong sáng tác văn học ở Mỹ nói chung. Cũng chính Thời báo New York vào đầu những năm bảy mươi đã viết.
“Trong vài năm gần đây, nhiều trí thức, kể cả những người chuyên môn trong lĩnh vực văn chương ngạc nhiên nhận ra rằng nền văn học Mỹ da đen đã tồn tại hơn hai thế kỷ nay, và nó cung cấp cho người ta nhiều tác phẩm nghệ thuật sáng chói, do những bậc thày trong nghệ thuật ngôn từ như Claude Mckay , L. Hughes , R. Wright, R. Ellison viết ra. Đấy cũng là những tác phẩm đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng nước ngoài, và thường được bạn đọc nước ngoài quan tâm hơn hơn, so với sự quan tâm mà những tác phẩm này nhận được ở chính ngay nước Mỹ (**)
Tại sao có hiện tuợng vậy? Nếu chỉ thuần tuý làm công việc bênh vực nhiệt tình cho người da đen, phẫn nộ một cách nông nổi, hoặc chửi rủa lèm nhèm, kiểu một kẻ lắm lời cố nói lấy được thì chắc văn học da đen không được đánh giá cao đến thế. Trong những trường
(*) Lời giới thiệu viết cho tiểu thuyết Chú nhóc đen của Richard Wrigt
( **)Dẫn theo B.A. Guilenson Các nhà văn Mỹ da đen, tiếng Nga, NXB Kiến thức.


hợp thành công của nó, văn học Mỹ da đen, đạt tới những đỉnh cao, mà không cần một chút nhân nhượng, chiếu cố nào hết, bởi lẽ, trong khi đi sâu vào những đau khổ của dân tộc mình, các tác giả da đen đồng thời xới lật ra những vấn đề chung của cả nước Mỹ, hơn nữa, những vấn đề có ý nghĩa nhân bản mà những ai quan tâm tới số phận của nhân loại, cũng như của mỗi kiếp người không thể bỏ qua: Liệu con người có thể thay đổi thói quen, thay đổi thành kiến? Khả năng vượt qua những ràng buộc của từng người đến đâu, và ở từng cộng đồng, có thể đến đâu? Đâu là tự do, đâu là tất yếu?
Như trên đã nói trong số những nhà văn đưa văn học da đen vào các quỹ dạo nói trên tên tuổi R. Wright chiếm một vị trí đặc biệt. Margaret Wolker, một nhà văn Mỹ da đen khác từng bảo: “Trong lịch sử văn học Mỹ da đen, tồn tại một cái mốc: trước và sau R. Wright . Cũng như các nhà văn Nga vẫn nói rằng họ ra đời từ chiếc áo khoác của Gogol, chúng tôi cũng xác định phần lớn nhà văn chúng tôi tách ra từ đôi cánh của R. Wright” (*) Khi giới thiệu tuyển tập của R. Wright dịch ra tiếng Nga ở nhà xuất bản Tiến bộ Moskva 1978 (trong đó có đưa vào cả Chú nhóc đen), một nhà phê bình xô viết nói rõ: “Con đường R. Wright đã đi trong văn học chỉ gói gọn trong khoảng hai chục năm, nhưng thời gian ngắn ngủi này thường được xem như một bước chuyển biến quan trọng. Đối với người da đen trên đất Mỹ, đó là cả một thời đại, hơn nữa, một thời đại quan trọng bậc nhất, sau ba trăm năm tồn tại của họ” (*) . Nói cách khác, trên một số phương diện, R. Wright đã trở thành một tác giả cổ điển của nền văn học da đen trong thế kỷ XX ; qua Wright, người ta thấy rõ cả những mặt mạnh lẫn mặt yếu của nền văn học đó.
Vào khoảng đầu những năm ba mươi, tạp chí Đại chúng mới (New Masses) là nơi mà những trí thức tiến bộ Mỹ lúc ấy thường vẫn có bài đăng và các nhà văn trẻ thì cảm thấy vinh dự nếu những sáng tác đầu tay của mình được giới thiệu . Chính vào thời điểm đó, nhà văn Joseph Nort (sinh 1964), phụ trách biên tập Đại chúng mới có dịp tiếp một thanh niên da đen đến đưa bài. Thoạt vào, người ta đã nhận xét người thanh niên đó đang cố nén xúc động , và trong con mắt nhìn, ánh lên không biết bao nhiêu là lo âu và hy vọng. Thơ anh thô nhám, xù xì, rõ ra sáng tác của một người chưa có kinh nghiệm. Nhưng J. Nort vẫn cho đăng và không bao giờ phải hối hận về điều ấy: trong thơ của R. Wright lúc đó đã có dấu hiệu làm nên khuôn mặt “thơ da đen” mà sau này, người ta phát hiện qua các tuyển tập. Bên cạnh thơ, Nort đặc biệt khuyên người thanh niên kia viết văn xuôi. Thế là ít năm sau, R.Wright đưa tới tập truyện ngắn Những đứa con nhà bác Tom (1938). Rất nhanh, R. Wright trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, từng có lúc được bầu là Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà văn Mỹ. Về mặt nghề nghiệp, tiếng tăm lừng lẫy đã đến với R. Wright, khi viết cuốn Đứa con của xứ sở (1940). Vừa ra đời, các tác phẩm lập tức được xếp vào loại sách bán chạy. Tiểu thuyết được một nhân vật sau này rất nổi tiếng là Orson Welles đưa lên sân khấu, diễn ngay ở Brodwey, khu văn hoá lớn ở trung tâm New York, rồi lại được dựng thành phim. Người ta so sánh R. Wright với T. Dreiser, người ta gọi ông là Dostoievski của nước Mỹ. Tại sao Đứa con của xứ sở được đánh giá cao như vậy? Vào những năm ấy, người da đen chưa bao giờ trở thành một nhân vật trung tâm trong tác phẩm văn học, và một quyết định như thế, phải là một quyết định rất thông minh , hơn nữa, một quyết định dũng cảm. Chẳng những thế, tác phẩm của R. Wright lại có một sức khái quát lớn lao, một khả năng phát hiện mà các tác phẩm lớn nhất thiết phải có. Đằng sau câu chuyện về một người da đen, người ta thấy hiện lên một nước Mỹ bấy lâu không ai biết, đó là nước Mỹ của những âm mưu thủ đoạn, những ám hại hèn hạ, những vụ giết người khủng khiếp, sản phẩm của tình trạng phân biệt chủng tộc đã ăn vào tiềm thức con người. Nhà phê bình văn học nối tiếng người Mỹ M.Cowley bảo rằng Đứa con của xứ sở để lại trong ông một ấn tượng sâu sắc, có phần còn đậm mạnh hơn cả Chùm nho nổi giận của Steinbeck. Dường như tác giả muốn nói: “Nhứng người da trắng hãy nghe đây. Tôi muốn kể với các người về những người da đen trên đất Mỹ. Tôi muốn kể xem họ sống ra sao, họ cảm thấy những gì. Tôi muốn để các người thay đổi thái độ với họ. Tôi không chỉ nói nhân danh người da đen, tôi muốn nói nhân danh cả nước Mỹ (*)”
Tiếp sau Đứa con của xứ sở , R. Wright còn cho xuất bản nhiều tiểu thuyết khác, bao giờ cũng nặng chĩu nỗi ám ảnh về thân phận làm người của những người như mình, bao giờ cũng những khắc khoải vô vọng về tương lai, kể cả khi ông quay về nhìn lại tuổi thơ, chia xẻ với mọi người hồi ức về con đường mình đã đi qua. Đó chính là trường hợp của Chú nhóc đen (1945), một cuốn tự thuật cảm động, quyết liệt và đầy đau xót.
Đâu là những nét độc đáo làm nên giá trị của Chú nhóc đen khiến cho nó được coi là một trường hợp cổ điển trong thể tự truyện, và có được ảnh hưởng lớn, chẳng hạn được coi là cuốn sách quan trọng nhất trong tất cả các cuốn sách dịch in ở Pháp năm 1947 ?
Nói đến tự thuật, thông thường người ta nghĩ ngay đến những trang sách trong sáng thơ mộng, ở đó, tuổi thơ được thi vị hoá, tuổi thơ được xem như những ngày tháng vui vẻ nhất trong một đời người. Nhớ lại tuổi thơ là một cách để đối lập nó với hoàn cảnh khắc nghiệt chung quanh. Trong khi miêu tả tuổi thơ, người ta tìm được cách tốt nhất để biểu hiện những ao ước về một cuộc sống khác vốn không bao giờ nguôi quên, tuy không bao giờ thực hiện được.
Cuốn sách của R. Wright được viết với một tinh thần khác hẳn. Tuổi trẻ của cậu bé da đen được miêu tả ở đây là một tuổi trẻ lầm than, khốn khổ. Những thành kiến hủ lậu ăn sâu vào tận nếp sống gia đình. Những ràng buộc về chủng tộc có mặt ở khắp nơi và luôn luôn buộc người ta phải điều chỉnh lại cái nhìn của mình về đời sống, dù cho sự điều chỉnh đó có phi lý, phi tự nhiên đến đâu, thì cũng phải chịu. Lịch sử hình thành tính cách “chú nhóc đen” Richard là lịch sử cậu bé cố thích nghi với hoàn cảnh nhưng không nổi. Trong khi cậu bé cố tìm cách để hiểu xã hội chung quanh thì xã hội đó nhất quyết cự tuyệt không chịu hiểu cậu. Ăn cắp, hư hỏng, dối trá, hèn hạ, bấy nhiêu thói xấu được ấp ủ và khuyến khích bấy nhiêu, thì sống tự trọng, đứng đắn, sống như chính mình vốn có và chính mình mong muốn, lại khốn khó bấy nhiêu, ấy là không kể cái đói hành hạ thường xuyên, cái đói dai dẳng đã khiến cho việc vượt qua nó trở thành một nhân tố chủ yếu làm nên bản lĩnh một con người, với khả năng sống, tồn tại của con người đó. Ngay trong gia đình của bà ngoại mình, cậu bé Richard đã sớm nhận ra rằng kiếm được đồng tiền có nghĩa là có nhân phẩm, được mọi người tôn trọng. Cả quyết khẳng định nhân cách của mình, trước tiên, cậu lăn xả vào đời sống, làm việc để sống như mọi người trong khi vẫn không thôi suy nghĩ về bản chất của đời sống đó, kiểm tra, khẳng định quan niệm của mình, niềm tin của mình, dù có cực nhọc bao nhiêu, đơn độc bao nhiêu trong những suy nghĩ ấy, thì cũng chấp nhận. Đấy chính là nhân tố chủ yếu làm nên giá trị nhân bản của tác phẩm.
Nếu có một khía cạnh nào nổi bật trong “chú nhóc đen” Richard, được nhà văn R. Wright chú ý tô đậm hơn cả - mà đó cũng là nhân tố chủ yếu khiến cuốn tự truyện này khác hẳn so với nhiều cuốn tự truyện chúng ta đã đọc - thì phải nói tới cái phần tự ý thức trong nhân vật, tự ý thức với tư cách một yếu tố bản ngã quan trọng. Không có nó, không thể hình thành nhân cách thực sự. Thông qua cái tự ý thức đó, từ công việc hết sức phàm tục mà cũng hết sức thiêng liêng là việc kiếm ăn, cho đến mối quan hệ tinh phức tạp giữa cá nhân này với cá nhân khác, mối quan hệ giữa đời sống cụ thể hôm nay, với đời sống siêu hình là ý thức tôn giáo... tất cả, tất cả các khía cạnh đó được xem xét, thể nghiệm lại. Đứng về mặt thuần tuý kỹ thuật mà xét thì những biện pháp được vận dụng trong văn xuôi R. Wright trong Chú nhóc đen chính là thủ pháp độc thoại nội tâm, và dòng ý thức (một dòng chảy đứt đoạn mà lại liên tục, sự liên tục của những cái đứt doạn, một phát hiện của văn xuôi thế kỷ XX ). Là con đẻ của văn học phương Tây trong thế kỷ này, tác giả Chú nhóc đen đã tận dụng mọi biện pháp nghề nghiệp mà chung quanh tạo ra cho mình, nhưng biết mang lại cho nó một ý nghĩa mới, khiến cho nó mềm mại, nhuần nhuyễn tới mức có thể chấp nhận được. Sự cắt rời của mỗi con người ngay trong chính mình, sự đồng nhất giữa cấu trúc tâm lý con người và thế giới, những vấn đề tâm lý mong manh nhất mà cũng khó lý giải nhất, đến Chú nhóc đen, khi được chứng minh một cách cụ thể, tự nhiên, để rồi góp phần phanh phui toàn bộ đời sống ý thức của con người trong thế kỷ này. Bởi đó không phải là những chuyện phù phiếm, vẩn vơ thường vẫn thấy ở các nhân vật trưởng giả rỗi rãi không có việc gì làm, mà ở trường hợp “một chú nhóc đen” với những vật lộn kiếm sống của mình, những vấn đề tâm lý - ý thức đó càng thêm có sức thuyết phục: đó là những vấn đề có thực.
Tuy nhiên, bên cạnh giá trị tự thân, ý nghĩa tố cáo của một cuốn tự truyện kiểu Chú nhóc đen còn hiện ra ở một khía cạnh bi thảm sau đây.
Về căn bản, chủ đề chủ yếu của Chú nhóc đen là gì nếu không phải là chủ đề mà chúng ta vẫn thấy trong các tác phẩm lớn: cuộc xung đột giữa tự do và tất yếu. Thế giới bao quanh R. Wright từ nhỏ dày đặc bóng tối; không chịu thi vị hoá nó, mà nhìn thẳng vào nó, miêu tả cái bức bối khi người ta phải sống trong đó, đây chỉ là một việc. Rồi miêu tả sự vật lộn để vượt thoát ra khỏi bóng tối đó, miêu tả sự trốn chạy đến đứt hơi, tức thở khỏi những thành kiến ràng buộc của hoàn cảnh, đây lại là một việc khác. Nhưng chỗ lớn lao của nhà văn R. Wright mà cũng là chỗ khiến ông gần gũi với mọi người là ở cái nhìn thấu đáo: theo như cách ông trình bày, ngay cả khi chạy thoát khỏi hoàn cảnh (ở đây là cái miềm Nam tàn bạo của nước Mỹ) , chú bé da den ở đây vẫn đau đớn khôn nguôi, vì thấy thực ra mình không bao giờ bỏ nổi được nó, nó đã trở thành một phần con người của mình. Trong khi miêu tả rất tài năng nỗi khát khao cháy bỏng là khao khát tự do của con người , R. Wright cho người ta thấy, để đến được tự do ấy, người ta trải qua những khốn khó biết là ngần nào, mà điều đáng sợ nhất là có khi đến được với cái tự do đó rồi, thì chính mình không còn là mình nữa! Những tố cáo đại loại “Cách tôi sống trong miền Nam đã không cho phép tôi tự biết chính mình. Bóp nghẹt, dồn nén bởi điều kiện hiện sinh trong miền Nam, đời tôi đã không là cái gì đáng ra nó phải thế. Tôi chưa bao giờ thực là chính mình”, những lời tố cáo đó rải rác khắp các trang sách, tạo thành một thứ không khí bi đát bám vào tác phẩm và nếu theo dõi từ Đứa con của xứ sở đến những tác phẩm cuối đời của R. Wright thì thấy nó quán xuyến hầu khắp cuộc đời tác giả. Hình như ở đây có phần nặng nề quá, cái nhìn của nhà văn về chính mình và các vấn đề chủng tộc mình là đen tối quá ? Nói trong một phạm vi hẹp: sự giải thoát chưa tới, ngay cả khi nhà văn đã làm chủ được số phận của mình, có được một ngọn bút văn xuôi đầy tài năng trong tay, và một hoạt động xã hội rộng rãi đảm bảo. Như thế có phải là bi quan quá, sao lại có chuyện đó được? Hoá ra, chỗ lớn lao nhất, lại cũng là chỗ yếu đuối, chưa được của nhà văn R. Wright chăng? Và như vậy, vấn đề do nhà văn Mỹ này đặt ra chưa được giải quyết đến cùng, mà luôn luôn cần được chúng ta xem xét lại, đặt lại và giải quyết tốt hơn?
Nếu tất cả những gợi ý trên còn là phỏng đoán, thì cuộc đời Richard Wright đã là một câu trả lời thực sự, nó xác nhận sự tiên cảm của nhà văn về chính mình là hết sức chính xác.
Dù có vượt thoát để sống, thì suốt đời, trong R. Wright còn nguyên những vết thương từ nhỏ, khiến suốt đời, ông mất thăng bằng . Nếu phần cảm thấy cần phải sống khác khá quyết liệt ở ông, thì câu trả lời sống khác như thế nào chưa tìm thấy rõ ràng minh bạch. Không ngừng khắc khoải vì số phận đen của mình, có lúc ông đẩy vấn đề tới chỗ siêu hình, coi đó là thân phận chung của con người, và sẵn sàng bắt tay với các quan niệm hiện sinh , rất phổ biến ở phương Tây sau chiến tranh. Suốt đời đi tìm, hoá suốt đời hoài nghi, ông vào Đảng Cộng sản rồi lại xa Đảng, để đi tìm “tự do tuyệt vời”. Do rất nhiều bê bối, từ sau 1945, R. Wright bỏ nước Mỹ sang sống ở Paris. Nhưng cái không khí của một thủ đô văn hoá nhiều màu sắc quá, cả những cuộc trò chuyện với Sartre, Camus... không giúp ông tìm thấy niềm tin thực sự, bằng chứng là những tác phẩm ông viết sau chiến tranh như Mặt trái, Quyền lực đen v.v... phần lớn là những tác phẩm không có sức thuyết phục. Trước thất bại của công việc R. Wright đau đớn coi như đánh mất bản mệnh, và luôn luôn nhìn lại thời trẻ của mình, nhìn lại những tác phẩm trong sáng, những truyện ngắn in trong Những đứa con của bác Tom với nỗi nuối tiếc khôn nguôi. Chỉ với hai tác phẩm Người thứ tám, Giấc mộng dài mọi chuyện mới được ông nhìn nhận trên cái nền xã hội cụ thể của nó. Nhưng đó chính là những tác phẩm cuối cùng của R.Wright. Sinh ngày 4-9-1908 ở Natsé Misissipi, cuối cùng R.Wright mất ngày 29-11-1960 tại Paris với bao ngổn ngang tâm sự, bao dày vò kinh khủng, tưởng như không ai san sẻ nổi. Bên cạnh những tác phẩm rất có giá trị như Đứa con của xứ sở , Chú nhóc đen - những tác phẩm được coi là đóng góp của R. Wright vào nền văn học hiện thực tiến bộ của nước Mỹ và đến nay còn được dịch, in lại ở nhiều nước khác - thì bản thân cuộc đời R. Wright cũng chính là một bản cáo trạng bi thảm tố cáo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tố cáo sự rối ren và bế tắc của những con người có lương tri trong lòng xã hội hiện đại.
SỐ TRUY CẬP online