Trên đường tìm hiểu những bí mật của sự sáng tạo trong nghệ thuật(*)

Nên hiểu ra sao về những con người dành cả cuộc đời cho sự sáng tạo? Có một thời, người ta có những quan niệm khá thiển cận, đại khái coi đó là những người vô công rồi nghề, viển vông và chả làm được việc gì có hiệu quả thiết thực . Nay thì những thành kiến ấy đã được sửa chữa. Càng ngày người ta càng thấy nếu trước mắt ta là một người thực sự có hoạt động sáng tạo, thì cuộc đời của người đó là một chuỗi ngày lao động cực kỳ nặng nhọc; thường xuyên người đó phải mò mẫm tìm kiếm, nhằm tạo nên những giá trị mới không phải ban đầu chính mình và những người chung quanh đã hiểu thấu hết. Lại cũng có thể nói đó là những người biết lập nên những chiến công trong thầm lặng, nhằm đẩy nhận thức của nhân loại vượt qua những giới hạn có sẵn để đạt tới những bước phát triển mới.
Tiểu thuyết Khát vọng sống của I. Stone giới thiệu với chúng ta hình ảnh một người lao động như thế trong nghệ thuật. Đứng về mặt loại thể văn học mà xét, cuốn sách cũng sẽ giúp bạn đọc làm quen với một hình thức văn xuôi còn ít được sử dụng ở ta là thể tiểu thuyết tiểu sử. ở những khu vực tiếp giáp giữa văn học và các ngành không phải là văn học như thế này, các sản phẩm làm ra nhiều khi có được những sắc thái khá lý thú.
Quá trình phát triển của thể tài
Theo ý kiến của số đông các nhà nghiên cứu lịch sử, vào thuở văn học còn đang trong thời kỳ phôi thai, ở nhiều nước đã thấy hình thành ba loại văn xuôi: biên niên lịch sử, ghi chép đi đường, và đời các danh nhân (trước tiên là đời các vị thánh). Lịch sử, triết học... sẽ từ đấy mà phát triển. Và trước tiên là văn học: sự pha trộn của những thể nói trên, theo muôn ngàn cách khác nhau sẽ làm nên các dạng truyện kể , tiểu thuyết, ký sự… Bởi vậy, chỉ cần có những đóng góp về mặt ngôn ngữ và khắc hoạ nên một ít tính cách là các tác phẩm cổ nhất thuộc loại này đã được tính vào văn học. Chẳng hạn, thử nhìn vào loại tiểu sử . ở phương Tây, Plutarque (46-127) thường được mệnh danh là cha đẻ của thể này. Tác phẩm chính của ông là bộ Tiểu sử song song viết về nhiều nhân vật Hy-Lạp và La Mã theo lối sắp xếp họ thành từng bộ đôi , có những nét gần gũi nhau. Trước đó, ở phương Đông, vai trò thuộc về Tư Mã Thiên (khoảng 145 đến 90 trước công nguyên) với bộ Sử ký. Hiện nay, các bộ sách này thường vẫn được xuất bản và được coi là gia tài chung, lịch sử và văn học cùng chia sẻ.
Qua thời trung thế kỷ, người ta sẽ thấy thêm nhiều cuốn sách viết về các vị thày tu, các công tước, quận công v.v... Lúc đầu, vợ viết về chồng, con viết về cha, các gia nhân viết về chủ cũ ; các sách viết ra thường thu hẹp trong phạm vi một gia đình, một dòng họ, một số khác thì có tính cách quan phương, tức do chính quyền bảo trợ. Dần dần đối tượng được nói tới mở rộng hơn (trong đó, có một phần thích đáng dành cho cuộc đời các văn nhân, nghệ sĩ), cách viết cũng tự do hơn, tức xu hướng dân chủ thắng thế trên cả hai phương diện nội dung và hình thức. ở nước Anh, một tác giả là J. Boswell đã viết một cuốn sách rất hay về cuộc đời nhà học giả Samuel Johnson (1709-1784). Đến nay, trong các cuốn sách viết về tác giả bộ Từ điển tiếng Anh nổi tiếng này, tức Johnson , thì cuốn của Boswell vẫn được coi là hay nhất và đầy đủ nhất. ở Pháp ,Voltaire không những được biết tới như tác

(*)Lời giới thiệu viết cho bản dịch cuốn Khát vọng sống của I. Stone, H. 1985


giả của các tập truyện Zadig, Candide, hoặc các luận văn triết học, mà còn được biết như tác giả của cuốn Đời Charles XII. Với thế kỷ XIX, khu vực viết tiểu sử càng trở nên rộn rịp. Mười tám năm sau cái chết của A. Puskin (Nga), cuốn tiểu sử ông do Annenkov viết đã ra đời. Cuốn sách viết về W. Scott ở Anh được chia thành bảy tập v.v... Cuối cùng, sang thế kỷ XX thì tiểu sử có sự phát triển vượt bậc. ở Pháp, riêng những đóng góp của R.Rolland đã là một ví dụ nổi bật. Khoảng từ 1900 tới trước Đại chiến thế giới thứ nhất, đồng thời với việc viết bộ Jean Christophe ông chủ trương một loại sách danh nhân, trong đó, như lời ông viết cho một người bạn, “đời sống tinh thần của họ được đặt lên hàng đầu”. Trong số các cuốn mà Rolland đã hoàn thành, người ta thấy có từ Đời Tolstoi. Đời Beethoven, tới đời Michelangelo, Handel , Mahatma Gandhi v.v.... ở Liên Xô trước đây , sách viết về danh nhân nhiều vô kể, các nhà xuất bản khác nhau cùng lúc ra các xê-ri sách riêng. Nổi bật hơn cả phải kể tủ sách Đời các nhân vật vĩ đại do M. Gorki sáng lập từ 1933, đến 1977 tổng số sách in ra đã trên 500 cuốn, mỗi cuốn từ 75 đến 100 ngàn bản. Điều đáng lưu ý là tủ sách này đã thu hút được nhiều tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng thế giới hiện nay, viết về những bậc tiền bối trứ danh của đất nước mình: A. Guidas (Hunggary) viết về S. Petoefi; Iwaszkiewicz (Ba lan) viết về Chopin; Aldington (Anh) viết về Stevénson (tác giả Đảo giấu vàng); A. Lanoux (Pháp) viết về Zola và Maupasant . H. Amado thường chỉ được chúng ta biết tới như tác giả của Những con đường đói khát và nhiều tiểu thuyết khác, cũng chính là tác giả thiên tiểu sử một nhà thơ lớn của Brazil là Alvert Castro (1847-1871). Quả thật, đối với các ngòi bút bậc thầy này, việc viết về các nhân vật có thực không ngăn cản sự sáng tạo của họ mà nhiều khi lại có vai trò như những thách thức có ích.
Một nguồn bổ sung liên tục cho văn học.
Chẳng những có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, mà thể tiểu sử hiện nay còn có những đổi mới trong cách khai thác tài liệu và quan niệm, nghĩa là những công việc liên quan đến chất lượng. Theo A. Maurois hình dung, ở đây có hẳn hai giai đoạn khác hẳn nhau như sau : từ thế kỷ XIX về trước, nguời viết tiểu sử nghĩ kia là một ông vua vĩ đại, một ông quan vĩ đại, một nhà văn kiệt xuất, chung quanh ông ta, đã có nhiều truyền thuyết, tôi muốn kể lại các truyền thuyết này làm gương cho mọi người và sẽ chỉ nói về cái đó thôi. Còn người viết tiểu sử ngày nay nghĩ khác: kia là một con người đáng chú ý. Chung quanh ông ta có vô số tư liệu, kể cả những bằng chứng của những người đương thời. Tôi sẽ cố gắng vẽ nên chân dung ông ta. Chân dung này như thế nào, tôi không thể biết trước khi tôi hoàn thành tác phẩm. Tôi sẵn sàng vẽ ra nhân vật như tôi biết. Nhưng tôi cũng sẵn sàng làm lại, nếu như phát hiện ra thêm những tư liệu mới và có được cách hiểu mới...Rõ ràng, quan niệm về con người các danh nhân được tiến triển theo hướng ngày càng cởi mở hơn, và sự cởi mở này đã và sẽ còn mở đường cho nhiều nhà văn tham gia vào công việc. Đây là một khu vực ở vào ranh giới giữa lịch sử và văn học. Không phải cuốn tiểu sử nào viết ra cũng có tính cách văn học. Song văn học sẵn sàng nhận vào mình những tác phẩm hay, hấp dẫn, khắc hoạ lên được những nhân vật sinh động và có sức khái quát. Bởi đấy là một nhu cầu thường xuyên và thiết yếu của nó.
Như đây đó chúng ta từng nghe nói, trong văn xuôi thế kỷ XX, có cả một xu hướng nổi lên khá mạnh là xu hướng tư liệu. Sau khi đã thả cho trí tưởng tượng bay bổng và đạt tới đủ thứ chân trời xa lạ, một số người lại cảm thấy giá trở về với những con người có thật, đi sâu vào họ, không chừng lại nói được nhiều điều cần thiết . Cái đã có bắt đầu được chú ý hơn cái có thể có . Trước hết, hãy để cho cái đã có ấy đi hết khả năng tối đa của nó rồi hãy sử dụng đến sức tưởng tượng -- một số người nghĩ vậy. L. Tolstoi từng kể lại một cảm giác của mình: đôi khi, ông cảm thấy xấu hổ, khi cứ viết mãi về một Ivan Ivanovíts, mà thực ra, anh chàng Ivan Ivanovits đó lại không hề có trong đời sống. “Nếu có thể -- ông đề nghị -- nhà văn nên ngừng bịa như vậy, mà chỉ cần kể về những con người mình gặp trong đời sống và thấy thú vị” (*) . Có thể nói là trong một nhận xét như thế này, Tolstoi đã dự cảm khá rõ về xu hướng tất yếu của văn xuôi tư liệu nói chung, và sự nở rộ của các cuốn sách viết về tiểu sử nói riêng. Ông hiểu rằng trong khi đi sâu vào một con người nào có thật nào đó, làm cho con người đó hiện lên với tất cả những nét cụ thể , riêng anh ta mới có, một nhà văn lại có thể phát hiện ra nhiều bí mật của kiếp người, khiến cho bao nhiêu người khác cảm thông và tìm thấy trong hình ảnh con người kia có phần của mình ở trong . Nghĩa là - như danh từ chúng ta vẫn nói - trong trường hợp này, yêu cầu điển hình hoá vẫn được đảm bảo. Còn nói nôm na, thì trong việc khai thác những mẫu người có thực thế này, nhà văn có thể hoàn toàn yên tâm, vì lẽ rằng những điều ngòi bút mình viết ra không phải chỉ để tô điểm riêng cho con người được nói tới, mà chính là vì đông đảo mọi bạn đọc khác.
Sự phối hợp giữa tư duy một nghệ sĩ
và đầu óc một người nghiên cứu khoa học.
Nhà văn I. Stone kể: Ngay từ lần đầu, được đối mặt với những bức tranh của Van Gogh ông đã cảm thấy choáng ngợp, y như tâm trí ông từng choáng ngợp khi đọc Anh em Karamazov của Dostoievski. Và ông từ giã phòng tranh với ý thức cả quyết là phải biết thêm về con người này.
Van Gogh là ai mà gây ra những xúc động lớn trong Stone và ảnh hưởng cả đến đời văn của ông như vậy? Nói một cách tóm tắt: Đó là một người mà nếu thiếu đi, chúng ta sẽ không hình dung ra nổi lịch sử nghệ thuật tạo hình thế kỷ XX. Lời bàn về ông thì rất nhiều. Người này thích ở ông sự tự do và dũng cảm trong việc giải thích thiên nhiên, con người ; nguời khác cho ông là một bậc thày trong việc đi vào những bí mật của hình thức và khai thác hết mọi hiệu quả của nó; một người khác nữa bảo rằng có thể học nhiều ở ông cách làm cho những ý tưởng kín đáo toát ra trong tranh, cách sử dụng những màu sắc như biết kêu lên trên khung vải và việc tạo ra những bố cục đầy kịch tính mà họ cho là mang đậm dấu ấn cách tư duy của con người hiện đại. Tuy nhiên, sinh thời Van Gogh(1853-1890), ông lại không được xã hội công nhận, suốt đời ông sống trong thiếu thốn, mười năm cuối đời là mười năm làm việc căng thẳng để rồi khi bao nhiêu tinh lực đã dồn hết cả lên mặt tranh, thì cũng là lúc con người ông héo hon tàn lụi di, và hậu quả cuối cùng là cái chết đến sớm ở tuổi 37. Cuộc đời Van Gogh do đó gợi ra hình ảnh một ngọn lửa đã lên hết cái độ sáng mà một đời người có thể đạt tới, và bởi lẽ thời gian của nó chỉ ngắn ngủi nên vẻ huy hoàng của nó càng kỳ lạ. Trên nhiều phương diện, cuộc đời ấy, cũng như bao nhiêu cuộc đời tương tự làm thức dậy trong lòng mỗi chúng ta một niềm tự hào kín đáo: đấy, trong đơn độc, lẻ loi, con người vẫn có thể làm được những điều tốt đẹp đến thế!
Theo Stone thuật lại , thật ra, không phải ngay từ đầu, ông đã có ý định viết ngay về đời Van Gogh. Ông chỉ cảm thấy bị người hoạ sĩ xa lạ này hoàn toàn chinh phục. Từ phòng tranh Van Gogh trở về, ông chúi đầu vào các thư viện công cộng ở New York, tìm đọc tất cả các tài liệu viết vằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, có liên quan đến con người mà mình muốn hiểu. Sự đam mê cuối cùng trở thành ám ảnh: “Cuộc đời Van Gogh như xâm chiếm lấy tôi, - ông kể - nhiều bữa, tôi dậy sớm, lẩm nhẩm trong đầu những đoạn đối thoại giữa Van Gogh và Théo , nhất là đoạn nói về cái chết của Van Gogh. Đối với tôi, cái chết ấy mang dáng dấp một bi kịch. Cuối cùng, biết rằng không thể dứt bỏ nổi, tôi quyết định phải viết về Van Gogh”. Nhưng từ đó, lại lại bắt đầu một loạt công việc mới, hết sức vất vả. Một mặt ông tiếp tục học hỏi thêm về nghệ thuật, và tìm xem tranh của các hoạ sĩ cùng thời với Van Gogh. Mặt khác, ông xách va - li lên đuờng. Thoạt tiên ông trở lại những nơi mà thuở nhỏ, người hoạ sĩ này đã ở, làm quen với những miền đất từng ảnh hưởng tới tâm hồn Van Gogh lúc ấy. Rồi ông đến khu mỏ Borinage, thuê phòng cạnh quán bánh mì nơi trước kia Van Gogh từng thuê. Để hiểu hết cái nắng chói chang của xứ Provence miền nam nước Pháp, một trong những yếu tố đã tạo nên sắc vàng kỳ diệu trong các tác phẩm cuối đời của hoạ sĩ, ông đến Arles, Saint Rémy, cuối cùng, tới ngủ ở chính cái giường đặt trong căn phòng nhỏ ở Auvers , nơi Van Gogh đã sống ít ngày trước khi từ giã cõi đời... Tóm lại, khi tiếp cận với Van Gogh, cả con người nhà nghiên cứu lẫn nhà văn trong Stone cùng tồn tại, và đó chính là tác phong mà các nhà văn chuyên viết tiểu sử phải có. Như những nhà nghiên cứu, họ bình thản soi tìm các tài liệu, đọc từng trang hồ sơ lưu trữ, xem xét cách sửa chữa từng câu từng đoạn ở một nhà văn, những phác thảo bỏ đi của một hoạ sĩ, từng mẩu đời riêng của một nhà hoạt động chính trị. Mọi việc được họ tra cứu đánh giá một cách tỉnh táo ; từng giả thiết được nêu ra, rồi lại được soát xét lại, cốt sao đạt tới sự chân thực tối đa mà không ai bác bỏ nổi. Có điều, đó lại vẫn là quá trình làm việc của một nghệ sĩ. Sự say mê hiện ra với bộ mặt muôn màu muôn vẻ của nó, nó không chỉ giúp cho tác giả đạt tới cường độ làm việc cao, những phút xuất thần, mà sau này còn thể hiện ea ở những run rẩy của câu chữ. Còn sự nhạy cảm thì không bao giờ được thiếu mặt. Thường phải huy động nhiều nhất là những nhạy cảm trong việc phân xử đâu là chính đâu là phụ, đâu là mặt bản chất thật của con người, đâu là những lầm lỡ thoáng qua; thậm chí trong việc thu thập tài liệu, người ta không tránh khỏi có lúc vấp phải những của giả, mà cũng chỉ sự nhạy cảm mới cứu vãn nổi. Nhưng quan trọng nhất, đối với một nhà văn viết tiểu sử, có lẽ là sự nhạy cảm trong việc lựa chọn nhân vật mà mình định viết, một sự lựa chọn không được sai lầm, vì nếu sai, thì mọi việc tiếp theo sẽ vô nghĩa hết. Tiêu chuẩn của một sự lựa chọn đúng là , trong quá trình làm việc, người viết phát hiện ra hoặc cảm thấy có mình trong nhân vật, có thể lấy mình ra mà hiểu người mình đang tìm hiểu , hai bên cộng hưởng với nhau, đại khái như cái điên rồ trong Van Gogh mà lịch sử từng ghi nhận và những cơn say bốc lên trong tâm trí Stone, mà trên kia chúng ta đã nói, và chắc còn có mặt thường xuyên trong quá trình ông xây dựng tác phẩm. Vai trò chủ quan của tác giả đã được khai thác tận cùng. Kết hợp tư duy nghệ sĩ và đầu óc một người làm khoa học, đến một lúc nào đó , Stone đã có thể nói có một Van Gogh của mình và ông chính thức bắt tay vào một công trình sáng tạo thực sự.
Bộ mặt đa dạng của thể tiểu sử.
Phân biệt tiểu sử thuần tuý và tiểu thuyết - tiểu sử
Không còn nghi ngờ gì nữa, khi một nhà văn nhận viết tiểu sử và có được phương pháp làm việc của một nhà khoa học, mà vẫn giữ được cốt cách ngòi bút của mình, thì trước mắt chúng ta bao giờ cũng có một tác phẩm có giá trị văn học. Tuy nhiên , bộ mặt văn học của các tác phẩm tiểu sử vẫn là một cái gì rất đa dạng. Nó có hai cực: một là những tiểu sử ở dạng thuần tuý, gần với những chuyên khảo, những tuỳ bút nghiên cứu thường có ở bên lịch sử (nhất là lịch sử khoa học). Và một là những tiểu sử được tiểu thuyết hoá. Giữa hai cực đó là vô vàn những biến dạng, tuỳ từng trường hợp cụ thể, và do phong cách các tác giả cụ thể qui định.
Bên trên chúng tôi đã nhắc tới tên tuổi A. Maurois (1895-1967). Bên cạnh các sáng tác thuộc các thể tiểu thuyết, truyện ngắn, ông chăm chú nhiều vào việc viết tiểu sử, coi đó là một phần sự nghiệp đời mình. Khi ông viết những bài ngắn, in lại thành từng cụm (Từ La Bruyere đến Proust, Từ Aragon đến Montherland v.v...) . Khi thì ông dành cho một nhân vật của cả cuốn sách dày. Cách viết của A. Maurois phổ biến là bám sát nhân vật từ đầu đến cuối đời; kể về họ một cách dẽ dàng, mạch lạc, từ cái tôi của một nhà văn mực thước, đồng thời là một nhà nghiên cứu hiểu nhiều biết rộng. Và cái tài của A. Maurois là khi đọc những trang sách ông viết, người đọc thấy thêm gần gũi với các thiên tài của nhân loại, có một cách hiểu đúng mực về tài năng của họ, con người họ. Trong khi tạo ra hình ảnh thực sự của thiên tài, A Maurois vẫn giúp ta giữ được sự kính trọng chân thành với các nhân vật mà ông nói tới. Những tác phẩm nổi tiếng của Maurois trên phương diện này: Lilia hay đồi George Sand, Olympia hay đời Hugo , Promete hay đời Balzac...
Một bậc thầy khác trong nghệ thuật tiểu sử hiện đại là nhà văn áo S.Zweig (1882-1942) Ông không chỉ viết về các nhà văn lớn như Dickens, Balzac, Dostoieski, Byson... mà còn viết về các nhân vật lịch sử phức tạp như Fouché (một nhân vật chính trị có mặt từ thời cách mạng Pháp, sau làm việc cho Napoléon, cuối cùng phản bội, trở lại phục vụ vương triều của dòng họ Bourbon) Marie Stuart (Nữ hoàng Scotland, thế kỷ XV). Các cuốn sách của Zweig thường mang hình thức một thiên tuỳ bút nghiên cứu, khi thì tác giả đứng ra tả kỹ lưỡng khuôn mặt nhân vật, khi phân tích tâm lý người đó trong từng hoàn cảnh... Những người được Zweig viết hiện ra với nhiều nét xuất thần, nó là cái nét quan trọng nhất làm trục cho toàn bộ tính cách nhân vật. Có thể bảo Zweig đã cố ý làm biến dạng nhân vật với nghĩa rọi vào đó một luồng ánh sáng mới, làm bật ra những khía cạnh nguời khác không thấy được. Song chính vì thế, người ta lại thích đọc các tiểu sử do Zweig viết, ở đó, những nguời chúng ta tưởng đã quen, hiện ra với nét mặt mới.
Đặt bên cạnh Maurois, Zweig, thì cách làm của Stone có khác, và khác khá rõ. Tuy cũng có một lần, ông viết một cuốn tiểu sử thuần tuý, cuốn Người thuỷ thủ trên yên ngựa - kể về đời Jack London, nhưng nói chung những cuốn sách của Stone viết về Michelangelo, Mary Todd và A. Lincoln ... thường vẫn được gọi một cách chính xác hơn là tiểu thuyết - tiểu sử. So với những tiểu sử thuần tuý nói trên, nó có một số chỗ khác. Ngay trong ý định, rõ ràng ở đây tác giả tuyên bố mình viết tiểu thuyết, chứ không làm bất cứ một việc gì khác. Đối với nhân vật tiểu thuyết, các nhà văn xưa nay thường tự nhận mình đóng vai trò một thứ tạo hoá, điều khiển họ. Trong tiểu thuyết - tiểu sử, sau khi đã nghiên cứu kỹ tư liệu, nhà văn cũng phải có một cảm giác tương tự. Tôi sẽ không kể về nhân vật như tôi biết, mà sẽ miêu tả họ như tôi hình dung. Chẳng hạn đây là một đoạn đối thoại. Người viết tiểu sử bảo: theo các tài liệu, thì ở đây, các nhân vật nói với nhau như vậy. Còn người viết tiểu thuyết, không úp mở gì cả, nói rõ đây là do tôi “bịa” ra, nó là một đoạn đối thoại có thể có chứ không phải nhất định có, nhưng có quyền được chép ra đây, vì nó hợp lý, đúng với lôgích nhân vật mà cũng đúng với lôgích của lịch sử. Như trên đã nói, công phu nghiên cứu của tác giả viết tiểu thuyết tiểu sử cũng phải rất dày, nhưng đến lúc ngồi trước trang giấy, người viết lại phải giấu nó đi,tất cả cứ y như hoàn toàn vừa do cảm hứng mà hình dung ra. Giữa các trang sách là một không khí hoàn toàn thoải mái, người đọc sống trong thế giới do tác giả dựng tạo ra tự nhiên, nhẹ nhõm. Trên nhiều phương diện, loại tiểu thuyết tiểu sử này cũng gần với các tiểu thuyết lịch sử mà chúng ta từng đọc (chẳng hạn Piotr đệ nhất của A. Tolstoi), chỉ có điều khác một bên nhấn mạnh sắc thái lịch sử, một bên đi vào sự hình thành cá tính, nhân cách và những bước phát triển của nhân cách đó. “Nhân vật có thể làm những điều mà trong thực tế họ không làm, nhưng không được làm điều mà trong thực tế họ không thể làm”. Trong cả hai trường hợp (tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết tiểu sử), nguyên tắc ấy đều có vai trò chi phối. Nói như một nhà văn, đồng thời là một nhà nghiên cứu Liên Xô, ông Iu .Tynianov, thì sự sáng tạo của nhà văn bắt đầu ở nơi mà tư liệu kết thúc. Vả chăng, ngay trong khu vực hẹp là tiểu thuyết tiểu sử thôi, lại cũng mỗi cuốn mỗi khác. Có trường hợp nhà văn chưa đi xa các cuộc đời riêng là bao, vẫn bám sát nhân vật từ đầu đến cuối đời, và xây dựng cốt truyện theo trục thời gian. Nhưng có nhiều khi, nhà văn chỉ cắt lấy một giai đoạn nào đó trong cuộc đời nhân vật, để tô cho thật đậm và nếu đôi lúc có nhắc lại quãng đời khi nhân vật còn nhỏ, thì cũng là đặt nó trong hồi ức, mà không miêu tả trực tiếp. Thậm chí, có những trường hợp đặc biệt như cuốn Mặt trăng và đồng sáu xu của S. Maugham. Tuy đọc sách, ai cũng biết rằng nhân vật hoạ sĩ trong tiểu thuyết có những nét của P. Gauguin, nhưng ở đây, Gauguin được khoác cho một cái tên mới là Striklend nhờ thế, sự ràng buộc của tác giả với tài liệu có thực có được “nới tay” hơn, mà phần chủ quan của tác giả có được gia tăng mạnh hơn. So với những người có phần... “quá đáng” như vậy, cách làm của Stone trong Khát vọng sống thuộc diện trung hoà, vừa phải. Ông không viết đầy đủ cuộc đời Van Gogh từ khi đẻ ra, rồi lớn lên, đi học ra sao, vào trường ra sao. Nhưng quãng đời Van Gogh từ khi sang Luân Đôn làm cho hãng Gopin cho đến lúc chết, được kể lại đầy đủ. So với những chi tiết có thật trong cuộc đời Van Gogh (được ghi lại khá kỹ trong thư từ Van Gogh trao đổi với người em là Théo , hoặc hồi ký do một nguời em gái hoạ sĩ và các bè bạn viết ra). Mọi chuyện hầu như được giữ nguyên. Tác giả chỉ lưu ý để các chi tiết lắp ghép vào nhau liền mạch, không bị những “vết hàn” lộ liễu. Do sự thống nhất nội tại của cuốn sách được duy trì liên tục, đôi lúc người đọc không nhớ mình đang đọc một cuốn tiểu sử nữa, mà là lạc vào một thế giới khác, thế giới của những tiểu thuyết thông thường vẫn đọc. So với văn học phương Tây vài chục năm nay, thì cách làm này có phần thuộc mốt cũ, cái mà người ta hiện đang ưa chuộng là những tiểu sử trong đó tư liệu để chay, để mộc , không bị tiểu thuyết hoá gì hết (đã có một thời, chữ tiểu thuyết hoá được đồng nghĩa với một sự làm đẹp phàm tục, bởi vậy, nó mới bị nghi ngờ đến thế!). Song, đối với những người gần như chưa được đọc một chút tài liệu nào về Van Gogh , thì đây lại là một cuốn sách vừa đáng tin cậy, vừa dễ đọc, “dễ tiêu hoá”. ở Liên Xô trước đây cũng vậy. Lần đầu được dịch ra tiếng Nga năm 1961, cuốn sách được chào đón khá nồng nhiệt, cả những nhà văn lớn Paustovski cũng có bài nhắc nhở đến Van Gogh, nhân những ấn tượng mà cuốn sách gợi ra. ở Pháp, cuốn sách cũng đã được dịch in từ 1955.
Những bài học rút ra từ cuộc đời và sáng tác một nghệ sĩ lớn
Trong lời giới thiệu viết cho một cuốn tiểu thuyết tiểu sử khác của Stone cuốn Những dày vò và những thần hứng, viết về Michelangelo (in ở nhà xuất bản Văn học quốc gia, Moskva 1971), một nhà nghiên cứu xô-viết từng nhận xét: Đây là cuốn sách nói về những bi thảm trong số phận của một nghệ sĩ và những ngoan cường trong việc vượt qua những giới hạn mà người nghệ sĩ đó gặp phải, trên con đường phấn đấu cho một nghệ thuật chân thực và sâu sắc. Qua cuộc phấn đấu, càng thấy chói sáng lên những phẩm chất tuyệt vời vốn có ở người nghệ sĩ ấy: niềm say mê nhằm đạt tới một mục đích, sự trung thành tận tâm với lý tưởng, và những yêu cầu rất cao đặt ra với chính mình. Đây cũng là cuốn sách nói về di sản quý báu của nền văn hoá nhân loại , về mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, và về sứ mệnh đẹp đẽ của những nền nghệ thuật tiến bộ.
Nếu không phải tất cả thì phần lớn những nhận xét đó cũng đúng với Khát vọng sống.
Qua cách trình bày của Stone mà cũng là qua chính cuộc đời có thực của Van Gogh, chúng ta thấy người hoạ sĩ này quả là một nhân cách mạnh mẽ. Ông vào nghề không phải theo lối a-dua, tố chút tài hoa bé nhỏ của mình lên thành sự nghiệp lâu dài, cũng không phải loại lấy ý chí thay cho tài năng, sống trong nghề như một công chức, hoặc loại hoang tưởng, lập dị, làm khổ mình và khổ những người khác. Không, Van Gogh là đối cực của tất cả những nghệ sĩ nửa mùa, nghệ sĩ bất dắc dĩ kiểu đó. Ông chỉ đến với nghệ thuật sau khi đã thử làm đủ thứ nghề khác không thành. Vốn không phải một thứ thần đồng được phát hiện từ bé, già nửa đời người, ông mới hiểu ra rằng chỉ cầm bút vẽ, mình mới tìm được cảm giác thoả mãn hoàn toàn, “sự thoả mãn ông chưa hề thấy bao giờ, kể cả khi phụng sự Chúa”, tức là đi truyền giáo. Vẽ, với Van Gogh từ nay nghĩa là sống. Thành thử, tất cả sự say mê, nghị lực tình yêu được ông dồn lên đầu ngọn bút và trước mắt chúng ta không chỉ là một Van Gogh đầy tài năng, có một trực giác đặc biệt với nghề nghiệp, mà còn là một người lao động cần mẫn, hết sức kiên trì trong việc biến cuộc sống nội tâm thành đối tượng cho những cuộc thể nghiệm đầy tính sáng tạo. Nghệ thuật không phải là thứ đạt được mà không mất gì, nó sẽ ăn sống nuốt tươi từng nghệ sĩ. Cho tới việc xây dựng từng tác phẩm cụ thể, mỗi lần sáng tạo thực ra cũng lại là “một ván bài” và chỉ một nghệ sĩ phiêu lưu mới dám dấn tới... Tất cả những điều đó Van Gogh biết, nhưng ông sẵn sàng “chơi những ván bài ấy” và không bao giờ tính toán trong việc đánh đổi cuộc đời mình lấy một ít thành quả mà ông tin tưởng đó mới là hội hoạ thực sự. Trên nét lớn, môtíp chính trong cuộc đời Van Gogh mà Stone khai thác là sự đam mê, một trong những môtíp từng được khai thác từ thời bi kịch Hy Lạp, qua Shakespeare, cho đến chúng ta hôm nay. Như một thuộc tính của con người, sự đam mê ấy mỗi lần hiện ra mỗi khác, song suy cho cùng, nó là một động cơ tạo nên sức sống mạnh mẽ của mỗi cá nhân, nó là nguồn gốc của bao niềm vui cũng như bao bất hạnh đến với chúng ta hàng ngày. Sự đam mê này không chỉ đặc trưng riêng cho các nghệ sĩ chân chính, không chỉ là nét tiêu biểu của các nhân cách lớn mà còn tiềm ẩn trong bất cứ con nguời nào đang sống. Cuốn sách của Stone do đó không chỉ liên quan đến một ít người làm nghề sáng tạo mà là liên quan đến mỗi chúng ta nữa.
Van Gogh lớn lên và làm nghệ thuật trong thế kỷ XIX, cuộc sống riêng của Van Gogh và bạn bè có nhiều nét khác với con người của các thế kỷ kế tiếp . Nhưng tinh thần ham học ham làm, tinh thần sống chết với nghề nghiệp của người hoạ sĩ này là điều các thế hệ đến sau hoàn toàn có thể chia sẻ.
Van Gogh không chỉ là một biểu tượng về sức sống, về sự đam mê của con người. Trong việc làm nghề , Van Gogh lại là một biểu tượng đẹp đẽ về sự sáng tạo. Trong một chuyên khảo viết về bậc thày hội hoạ này, một nhà nghiên cứu kết luận cuốn sách hơn 400 trang tiếng Nga với hàng trăm trang minh hoạ của mình bằng những dòng trang trọng: “Nhờ chiến công của Van Gogh, những nỗ lực anh hùng của ông, những đau khổ mà ông phải gánh chịu , khái niệm sáng tạo đối với các thế hệ sau trở nên có ý nghĩa: đó là một hoạt động tinh thần căng thẳng, một hình thức tự nhận thức tích cực, một phương thức để vượt qua những khủng khiếp của đời sống , cũng như sự ngăn cách giữa cái tôi và thế giới” (*)
Một điều nữa cũng rất quan trọng: tuy viết về tiểu sử Van Gogh, cuốn sách của Stone cũng là một thứ tài liệu hướng dẫn tốt, để chúng ta hiểu thêm tranh của ông. Cũng như các nghệ sĩ lớn khác. Van Gogh có thế giới riêng của mình, và ông là người chủ độc đoán trong cái thế giới đó. Dù trên những bức sơn dầu đã hoàn chỉnh hay qua các phác thảo, một khuôn mặt, mấy dáng nguời, một bó hướng dương, dăm cây trắc bá... , bất kỳ cái gì Van Gogh đã vẽ đều mang dấu ấn riêng của ông. Làm quen với chúng, thoạt đầu chúng ta không khỏi bỡ ngỡ, song dần dà tất cả những cái đó không xa lạ với chúng ta. Từ thế giới của Van Gogh trở về, chúng ta nhận ra chung quanh có những đường nét màu sắc của Van Gogh mà bấy lâu chúng ta không biết. Ai đó từng nói: “Vai trò của nghệ sĩ là cống hiến cho thế giới những sự vật mà không ai có ý yêu cầu, nhưng khi tiếp nhận rồi thì không ai có thể nói là không cần tới”.
Do nhiều lý do khác nhau, nhiều bạn đọc Việt Nam - kể cả những người đã trở thành người viết chuyên nghiệp -- không có dịp tiếp xúc đầy đủ với nghệ thuật hội hoạ. Cả một thế giới phong phú từ Léonard de Vinci, Rafael, Rembrant, Rubel …đến Monet , Manet, Degas, Renoir, Rousseau ... đối với chúng ta còn là xa lạ. Thỉnh thoảng, có dịp nghe những người thành thạo về hội hoạ giảng giải, như Ehrenburg nói về Picasso, Aragon viết về Matisse hoặc dừng lại giữa những trang viết của những nhà văn tinh tế như C. Paustovski, chúng ta không khỏi giật mình, rằng trong quá trình rèn luyện nghề nghiệp, lẽ ra chúng ta phải dành chỗ nhiều hơn cho nghệ thuật tạo hình mới phải. Trên một bối cảnh như thế, những cuốn sách như Khát vọng sống của I.Stone không chỉ có tác dụng nâng cao hiểu biết về sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ, mà còn là một nguồn kích thích để chúng ta kiên trì làm quen với nền nghệ thuật đang đổi mới. Đó là một công việc có ích rất nhiều cho nghề nghiệp mỗi người viết văn và cả những người làm nghề khác nữa. Bởi lẽ nghệ thuật vốn có sự đồng đều của nó, trước sau các ngành, các bộ môn sẽ nối tiếp nhau tiến lên trên một con đường chung. Hiểu và yêu thêm tranh của Van Gogh, Gauguin, Cezane, Picasso, Matisse... là một trong những cách tốt nhất để hiểu thêm văn xuôi Marcel Proust, Faulkner, Hemingway... hiểu thêm thơ Eluard, Brecht, Neruda... và nhiều người khác.
SỐ TRUY CẬP online