NHẬT KÝ XÃ HỘI 2007

4--6

Tiếng cười xí xóa 

Nguyễn Hiến Lê, trong cuốn Sử Trung quốc có kể lại một mẩu chuyện nhỏ. Khoảng 1920, nhà triết học Anh Bertrand Russell tới tham quan cảnh Tây Hồ ở Hàng Châu. Trời nắng gắt, bọn phu khiêng kiệu cho ông leo những đường dốc hiểm trở để lên một ngọn núi.Thấy họ vất vả, ông tỏ ý thương hại. Nhưng ông lấy làm lạ là đến lúc ngồi nghỉ, họ liền lấy thuốc ra hút rồi cười đùa ầm ỹ, tưởng như đời hạnh phúc lắm. Và ông khen ngợi, cho là họ biết sống.
Nghe được chuyện này, Lỗ Tấn bực lắm, bực nhất là vì những lời khen của ông bạn ngoại quốc. 
Lỗ Tấn mai mỉa :“Tôi không rõ khi khen vậy, ông ấy muốn nói gì ”. Và tác giả AQ bày tỏ ý muốn nhìn thấy ở những người phu kiệu cách phản ứng khác : “Tôi chỉ biết một điều là nếu những tên phu đó biết đau đớn về thân phận của mình thì Trung Hoa đã thoát khỏi cảnh điêu đứng từ lâu rồi “ . 
Từ mẩu chuyện này, tôi muốn lưu ý hai điểm : 
1/ Nên có thái độ thế nào trước những lời khen của người ngoại quốc ? Ai đã từng ra nước ngoài đều biết, ghé lại đất nước nào đó ít ngày, phải cố ý tránh cho mình mọi phiền phức. Cái lối ban phát lời khen vô tội vạ, do đó, là rất phổ biến, vì “ có mất gì của bọ đâu mà bọ tiếc“. Tôi không dám chắc là trong trường hợp này, B. Rusell có “ chơi” trò đó không, song một sự nghi ngại như của Lỗ Tấn không phải là vô lý. 
2/ Nên nhìn nhận ra sao về hai phản ứng khác nhau ấy ? Trước những vất vả cay đắng xảy ra hàng ngày, phản ứng như của đám phu kiệu hay như Lỗ Tấn, đằng nào là phải ? 
Không nói thì ai cũng thấy cái cách phớt lờ những chuyện không được như ý, vui cười trước mọi vất vả, càng khổ càng cười mạnh, -- đấy là một cách nghĩ thông thường đã có từ ngàn đời nay ở dân phương Đông . Nó chỉ là một phương thức giúp người ta tự vệ. 
Thành thử tôi cũng không dại gì mà bài bác những tiếng cười thoả hiệp hiện đang khá phổ biến ấy. Chính tôi hàng ngày cũng vẫn cười theo kiểu đó. 
Chỉ có điều trong thực tế hiện nay không phải mọi người dừng lại ở chỗ ấy. Hình như chúng ta đang mải cười quá. Cười để khỏi phải nghĩ . Cười để lảng tránh thực tế nó đang không được như ta mong muốn. Cười để cào bằng hay dở tốt xấu, xí xóa mọi chuyện . Cười để ra cái điều mình bất cần đời. Tiếng cười trong nhiều trường hợp đã trở thành một thứ hành động vô cảm. Và vô trách nhiệm nữa. 
Vì thế mà cần nhắc lại câu chuyện của Lỗ Tấn. Ở đây, nhà văn thường được coi là lớn nhất của văn học Trung quốc hiện đại muốn thay tiếng cười bằng những suy nghĩ đầy trách nhiệm để góp phần thúc đẩy cuộc sống. Đây là cả một yêu cầu cao không chắc thực hiện ngay được. Song có lẽ cứ nên nhắc lại. Để cùng biết với nhau, biết rằng có những cách sống khác cách nghĩ khác chứ không phải trên đời này chỉ có ta là nhất . Chí ít, để trong cuộc sống hàng ngày , nếu chưa làm được những việc cần làm, thì ít nhất ta cũng bớt dần đi những hành động phản cảm vốn đang lạm phát .

11-6
Đối thoại nhân chuyện cáp quang 

Trong những ngày này đi đâu cũng thấy nói chuyện cáp quang trên biển bị lấy trộm. Dưới đây là câu chuyện giữa một cán bộ kỹ thuật (T tạm gọi là anh A. ) với một nhà xã hội học ( dưới đây gọi là B ) :
A- Thật không sao hiểu nổi tại sao dân mình lại có việc làm kỳ cục đến vậy. 
B- Trước khi có vụ PMU18, tôi cũng không thể tin là có những người làm kỹ thuật trong ngành giao thông lại dám thay lõi sắt bằng lõi tre trong những cọc tiêu chắn bên các đường quốc lộ. Còn với những người dân thường ư ? Chỉ cần nhìn nhiều ngã tư Hà Nội như ngã tư Bà Triệu – Nguyễn Du thì biết. Người ta bán hoa quả ngay trên lòng đường nhựa bất chấp xe pháo xếp hàng chờ đèn hiệu. Có việc gì dân mình ngán đâu ? 
A- Lạ hơn nữa là việc làm đó được chính quyền địa phương cho phép.
B- Mấy ông chính quyền đó không tự trên trời rơi xuống. Thiếu gì người cùng làng cùng xóm hoặc anh em họ hàng họ là ngư dân, đang không biết làm ăn trên biển ra sao, những người này hàng ngày thúc bách các ông ấy cho phép. Biết đâu trong số đứng ra lo cái giấy phép này chẳng có người mấy năm trước cũng là ngư dân và đã từng đi cắt cáp quang mang bán ? 
A- Các nước người ta lạ lắm không hiểu sao lại có trường hợp lạ lùng thế .
B- Đó là vì họ chưa bao giờ đọc nhà văn Nga Anton Tchekhov(1860—1904 ). Tác giả này từng có một truyện ngắn kể về một nông dân Nga (mà người ta hay gọi là một mugich ) ra tháo một bù loong trên đường sắt để về làm đinh đóng móng ngựa. Lý sự của người mugich đó khá đơn giản. Thiếu một cái bù loong, xe lửa vẫn chạy. Còn thiếu đinh đóng móng ngựa, tôi biết làm sao cày ruộng lấy lúa mì nuôi vợ con tôi. Trong trường hợp này, giá có nói dân mình bây giờ chẳng khác dân Nga thế kỷ XIX cũng không phải quá.
A - Cả hai đều thiếu ý thức. 
B- Tôi còn muốn nói có một triết lý lờ mờ nằm sau việc làm của họ. Triết lý đó là “ Chỉ có những việc không làm được, chứ không có việc gì không được làm ”.
A- Tình hình cũng giống như một căn bệnh ?
B- Nếu xét bệnh như một quá trình thì phải nhận nó đã vào sâu trong lục phủ ngũ tạng. 
A- Từ góc độ người có trách nhiệm giải quyết, hẳn là anh cũng công nhận là luật phải thật nghiêm. Sau khi được giáo dục, từ nay trở đi, hễ ai còn tái phạm sẽ trị thật nặng ?
B - Giáo dục kiểu gì ? Có một cách làm dễ áp dụng nhất là tập hợp lại lên lớp người ta, buộc người ta phải hứa nay mai không tiếp tục và đưa các hình phạt ra răn đe. Nhưng còn một cách làm nữa là tìm hiểu tâm lý người ta trình độ hiểu biết của người ta để thông cảm và giúp gỡ ra dần dần. Có những cách giải quyết --như trong y học hay nói --, chỉ chữa triệu chứng mà không chữa nguyên nhân. Không nên lặp lại những sai lầm ấy, trên phương diện chính sách xã hội


2-7 
Tạo cơ hội cho người ta
sửa chữa sai lầm 
Còn nhớ hồi mới bàn chuyện thi cử cho nghiêm chỉnh, nhiều người đã lo, rồi rất nhiều học sinh sẽ thi trượt ? Và chúng ta sẽ sống ra sao khi thực chất được phơi bày? 
Người ta e ngại trước một vấn đề liên quan đến cả xã hội, sẽ có một cú sốc lớn.
Nay thì kỳ thi ra trường THPT đã qua và cái thực tế tưởng là gây sốc cuối cùng lại chẳng gây sốc cho ai. Như là sau một trận bão, chúng ta đang nhẫn nại tiến hành dọn dẹp hậu quả. 
Một trong những việc này là giải quyết sao với đám học sinh thi trượt ( cả kỳ thi lại cũng trượt ). Nhiều biện pháp đã được công bố, trong đó có cái biện pháp là cho các em được học lại lớp 12 . 
Năm sáu chục năm trước hồi bọn tôi đi học tiểu học, cái việc lưu ban – hoặc nói bằng tiếng Tây bồi là học đúp – không có gì lạ. Học tài thi phận ; đau ốm bất thường, gia đình khó khăn … Có hàng trăm lý do làm cho một học trò đang học bình thường học kém đi ; mà có học kém là có lưu ban. Đọc tiểu sử các nhân vật nổi tiếng thường vẫn thấy kể là có những năm, các ông học đúp rồi cuối cùng các ông vẫn nên người như thường, nhiều ông còn thú nhận là nhờ cái năm trượt đó mà tu tỉnh, năm nay học kém sang năm học giỏi hơn. Sự đánh giá đúng mức của xã hội có tác dụng kích thích người ta rất nhiều. 
Còn bây giờ ? Thú thực thoạt đọc cái tin “ sẽ cho một số học sinh thi trượt học lại lớp 12 “ tôi hơi ngỡ ngàng. Thế là thế nào ? Tức là lâu nay, nhà trường ở ta gần như nhắm mắt trước cái hiện tượng bình thường này. Không phải chỉ ở lớp cuối cấp mà ngay từ các lớp dưới đã không có trường nào tính chuyện có học sinh học lại, không giáo viên nào muốn nhận học sinh lưu ban, và kẻ nhỡ học kém một năm bị chung quanh coi như một thứ người kỳ quặc .
Tôi hiểu trong cái việc “ không đặt vấn đề lưu ban “ phổ biến ở các nhà trường hiện nay có nguồn gốc sâu xa của nó. Trường nào cũng quá tải ; lớp học nào cũng chật cứng người, các thày các cô đã quá mệt; trong khi đó thì chính sự đào tạo trong ngành sư phạm cũng non yếu, càng các thày các cô các lớp bên dưới càng yếu, người ở các lớp trên muốn chữa cũng không sao chữa nổi.
Tôi cũng hiểu rằng có thể cũng chẳng ai ở ngành giáo dục chủ trương thế đâu, nhưng thực tế là vậy, muốn nghĩ khác cũng không được . 
Từ nay đến lúc có một cơ chế hợp lý với “ những trường hợp cá biệt ‘‘ còn là nhiều chuyện phải bàn; nhưng tôi nghĩ là phải thấy cái việc lờ đi của chúng ta hôm qua là sai, không chỉ là bệnh thành tích mà còn là thiếu trách nhiệm với con người, bởi không mở ra con đường cho người có lỗi sửa chữa lỗi lầm.
Đây không chỉ là câu chuyện của ngành giáo dục mà rộng hơn còn là của nhiều ngành


23-7 
Tránh vết xe đổ 


Hồi còn chiến tranh, xuống Thái Bình, tôi được gặp một chủ nhiệm hợp tác xã là anh T.Đ.B. làm ăn rất giỏi. Hỏi anh kinh nghiệm ra sao, anh B. chỉ trả lời tôi chịu đi học lắm. Học thế nào ư, chỉ đến nơi thất bại. Ở đấy vô khối thứ có thể rút kinh nghiệm. 
Xưa nay tôi chỉ nghe nói cán bộ mình – bây giờ gọi là quan chức -- kéo nhau đi học các nơi thành công thôi. Chứ nơi nào thất bát, có ma nào đến. Nhưng B. có lý của anh ấy. Anh bảo, nói đến cán bộ, mà chỉ nói đến chữ tâm, đến tinh thần trách nhiệm là chưa đủ. Còn phải nói đến trình độ nữa chứ. Có những anh do dốt mà thất bại hoài. Nhưng thất bại mà họ vẫn khiến mình kính trọng. Nếu họ còn lương tâm trách nhiệm, nói chuyện với họ thú lắm, học thêm được bao kinh nghiệm để sống. À tôi biết rồi, đây là cái mà bên Tây người ta có cái thành ngữ gọi là “tránh vết xe đổ ” của những người đi trước. 
Bài học của anh B. đến bây giờ vẫn nên nhắc lại.
Mấy năm trước sau 2000 một ít , đã có người đã nói đến tình trạng đơn điệu của các thị xã tỉnh lỵ, nói chung là các đô thị chung quanh Hà Nội. Sao mà chúng quá giống nhau, không tìm đâu ra một bản sắc riêng.
Tôi cũng thấy vậy nhưng cho rằng nhận xét thế còn là sang. Một điều còn đáng nói hơn là các đô thị đó chỉ lớn lên một cách tự phát mà chẳng có gì gọi là học được kinh nghiệm của các thành phố đi trước.
Nhìn lại lịch sử phát triển của một thành phố như Hà Nội, thỉnh thoảng những người dân cũ bọn tôi lại xót xa. Cái khung của Hà Nội hình thành từ thuở cả vùng đồng bằng còn hoang vắng, và người ta chỉ có thể nghĩ đến một thành phố cho độ chục vạn dân gì đấy. Cho nên cái gì cũng nhỏ bé, cũng vụn vặt. Nay phát triển lên, trông như căn hộ chung cư vừa được cơi nới, vừa chắp vá vừa lộn xộn. 
Nhưng chung quanh Hà Nội nói riêng và các đô thị nói chung hình như chẳng ai coi đấy là điều rút kinh nghiệm. Người ta không nghĩ rộng được. Quy hoạch chỉ tính cho một vài năm sau, và những căn bệnh của cái thời nông nghiệp lạc hậu vẫn hiện ra rõ mồn một. 
Báo chí gần đây nói nhiều tới chuyện làm ăn thất bát. Nơi này nuôi tôm hỏng. Nơi kia mở khu chế xuất để chẳng ai vào, đất đai hoang vắng. Một nơi khác nữa lập dự án cho dân vay tiền xong thì biết ngay là không bao giờ thu hoạch vốn nổi. Một điều đập vào mắt là tình cảnh trái ngược, trong lúc nơi này đi xuống, nơi khác lại đang đi lên ; ngay trong một địa bàn, khu vực này ngổn ngang hoang vắng trong khi khu vực khác bắt đầu một giai đoạn mới. Hình như chẳng ai “kết nối” chúng lại . Tức hình như chẳng ai coi việc tổng kết những thất bát mười hai mươi năm qua là việc cần thiết, trên không làm mà dưới cũng không làm. Tự nhiên tôi lại nhớ tới lối làm việc của người cán bộ hợp tác ở Thái Bình hồi nào. Đến các vết xe đổ gần cận thế này còn chẳng ai để ý , nói chi chuyện xa xôi trong lịch sử và ở những nơi khác . 


ĐỒNG TIỀN TAI QUÁI 

Đã dính vào nghiệp buôn, hẳn ai cũng biết cái câu “ Buôn tài không bằng dài vốn “. Ấy vậy mà nhiều bà buôn bán nhỏ ở chợ Đồng Xuân gần đây bảo với tôi rằng có lúc thấy sợ cả đồng vốn giời ơi đất hỡi, nó là cái đồng tiền đâu đến trong tay mình.
Sợ với nghĩa có nó thì người ta cứ thấp thỏm không yên. Muốn trổ tài với thiên hạ. Ra tay buôn thật to, ôm thật nhiều hàng. Lòng tham làm mờ cả mắt. 
Sau này nghĩ lại mới thấy dại.
Thế này nhé, có phải lúc nào cũng có hàng tốt hàng cần mà ôm đâu. Rồi kho chứa ra sao, bảo quản ra sao. Rồi lo bán. Đang đủng đỉnh ngày nửa ngày bán, nửa ngày chơi, giờ đám ô sin nhà quê mới ra ngờ nghệch phải làm nhiều cứ cuống cả lên, không đổ thì vỡ, không đếm nhầm thì vào sổ sai.
Đằng sau cái vẻ hoành tráng “ nổi như miếng tóp mỡ “, hóa ra cái mầm hậu họa đã nằm bên trong lúc nào không biết. 
Kết luận rút ra là phải lượng sức mình. Mình có làm được không thì hãy làm. Không để cho đồng tiền nó kích động. 
Đồng tiền không bẩn như mấy người đạo đức giả nguyền rủa. Nó được việc lắm nếu biết sử dụng. Cái chính là anh có điều khiển được nó hay không. Như cái xe mới, không già tay lái là toi với nó như chơi! 
Xét chung trong phạm vi cả nước, bài học của mấy bà chợ Đồng Xuân không phải là không đáng rút kinh nghiệm. 
Dạo này đi đâu cũng nghe bàn giá cả leo thang, việc tăng giá nếu không kiềm chế được sẽ gây ra nhiều phiền phức. Và tôi đọc thấy mấy nhà kinh tế hàng đầu thảo luận khá hay. Thì ra trong số rất nhiều nguyên nhân, còn có một phần là ở đồng tiền nước ngoài chảy vào dồn dập và việc quản lý nó còn thiếu kinh nghiệm.
Lâu nay ta cứ tưởng ta khổ ta không ngóc đầu lên được chỉ vì quá nghèo. Dấn vốn không có. Tha thiết mời người ta đầu tư vào một phần. Lại càng không tiếc công sức đi vay . 
Nhưng đến khi cầm đồng tiền trong tay mới thấy lo. Đầu tư vào chỗ nào đây ? Phân chia như thế nào đây? Người quản lý đâu , cơ sở kho tàng bến bãi ra sao? Ai là người biết làm để giao tiền giao vốn ?
Trong lúc còn đang lúng túng giải ngân thì cán bộ với dân được dịp té nước theo mưa ăn chơi cứ vung cả lên. Xây trụ sở. Mua xe. Đi nước ngoài chơi bời. Và nhất là đánh bạc, trên dưới không ai bảo ai cứ sểnh ra là vào cuộc đỏ đen.
Trước mắt tôi như hiện ra cái cảnh mà mấy chục năm trước ở các xóm liều ven đô thỉnh thoảng người ta vẫn gặp. Nhà đông con và nghèo đã thành gia truyền. Đi vay được ít gạo về đổ vào nồi mới biết bếp hỏng, nồi niêu cái thủng cái nát, củi rác không có. Cơm chưa chín, trẻ trong nhà đã dành nhau ăn, rồi đau bụng đau bão cả một lượt.
Giờ đây chả ai nghèo mà cũng chẳng ai ngốc nghếch dại đột như ngày xưa. Nhưng tôi tưởng cái tinh thần của bài học cũ ở đây vẫn đúng. Nếu không có sự hiểu biết thích đáng và có kinh nghiệm sử dụng, nhiều khi người ta lại khổ vì tiền của nữa.
3-9 

Không người thay thế 

Dung Quất (Quảng Ngãi) là một đô thị đang triển khai xây dựng trên diện rộng.Để chứng minh cho tốc độ xây dưng nhanh của trung tâm công nghiệp lớn này, anh M. bạn tôi đưa ra một chi tiết “ vui vui “. Ở Dung Quất xe tải chở những tảng đá lớn, thường xuyên phải qua lại trong trục đường chính. Đá lăn xuống đường, lao vào xe máy và người. Có khi lăn cả vào nhà dân ( VTV1 đã đưa tin này trong bản tin trưa 24-7). Tình trạng trên cứ lặng lẽ kéo dài, ít ra là cho đến lúc người trong cả nước nghe được tin đó thì hình như vẫn chưa biết làm sao ngăn chặn.
Bạn tôi nói một cách dửng dưng, còn tôi nghe không chỉ thấy khủng khiếp, mà còn băn khoăn một điều: “Tại sao không có cách gì xử lý ngay loại xe gây tai nạn đó ? Phải cho các loại lái xe đó nghỉ hết chứ ? Sao lại dễ dãi với nhau thế? ”.
May quá tôi chưa kịp bộc lộ hết sự nông nổi , M. đã nói nhỏ vào tai : “Có vào cuộc mới biết. Tưởng phụ trách xây dựng ở các khu công nghiệp này bở ăn lắm hả ? Phải làm cho kịp kế hoạch. Ách bất cứ một chỗ nào cũng khổ. Như trong chuyện xe đá lăn xuống đường này. Giả sử biết chắc mười mươi không phải tại đường tại xe, mà chỉ tại lái xe rồi, có muốn thay cũng không dễ. Lấy đâu ra lái xe giỏi thay thế bây giờ ? ”.
Trước khi ra sân, bất cứ đội bóng nào cũng phải có một danh sách dự bị. Đội dự bị càng mạnh, huấn luyện viên càng dễ chủ động trong chiến thuật. 
Trong quá trình làm việc, phải có người kém kẻ giỏi. Người kém phải được cho nghỉ, quay trở về đào tạo lại.
Lý thuyết là thế, ở đâu cũng thế, nhưng ở ta bây giờ thì chịu. Theo một con số ghi được từ NTNN, ở TP Hồ Chí Minh, riêng năm 2007 thiếu đến 240.000 thợ lành nghề. Sinh viên ra trường có thể khó kiếm chỗ làm, chứ thợ giỏi thì có việc ngay. 
Thợ đang làm còn thiếu, nói chi là thợ thay thế. 
Đây không chỉ là chuyện trong làm ăn sản xuất mà còn là chuyện của quản lý. Trong bộ máy nhà nước, nhiều quan chức bị phát hiện có lỗi, đại khái là xoay sở cho việc riêng một tí, tham nhũng một tí, cờ bạc hoặc chơi ngông lãng phí một tí. Nhưng biết mà cấp trên cũng đành làm ngơ. Họ còn tạm duy trì được công việc. Nếu đó là những mảnh đất dữ công việc thuộc loại khó khăn thì đành bấm bụng tự nhủ : Ngựa hay có tật.
“Cách” các ông ấy đi thì dễ, tìm ra người đủ năng lực bù vào chỗ trống ông ấy để lại mới khó. Không đào tạo không chuẩn bị chu đáo , chúng ta luôn luôn khó khăn trong việc chuyển giao thế hệ.
Những ai từng tự mình làm nhà đều biết thợ bây giờ đa số vừa ở nông thôn lên, tay nghề thấp, kiếm được một tốp thợ giỏi rất khó. Mà thợ giỏi thì lại khó bảo, tùy tiện làm theo ý mình. Quan chức cũng vậy, người giỏi là dễ sinh công thần. Biết khó tìm được người thay mình, các ông ấy dễ “đi đêm” , tự cho phép làm bậy. Thế là việc đào tạo kém lại gây tác hại một lần nữa: vô hình trung, nó làm cho cán bộ đương chức đương quyền cũng dễ hư hỏng. 
17-9 

HAI TẤN BI KỊCH CHỜ SẴN

Phải nói thật là từ hồi đất nước bung ra làm ăn đến giờ, cảm tình của tôi với những người nông dân bị hao hụt đi rất nhiều. 
Người ta nói rằng so với hồi bao cấp thì Hà Nội hiện nay trở nên hiện đại bao nhiêu. Xe máy ô tô cắn đuôi nhau mà đi trên đường. Cao ốc đổ bóng xuống đường nhựa. Hàng mỹ phẩm thế giới có gì ta có cái đó. 
Nhưng với tôi, Hà Nội cũng chưa bao giờ đậm chất nông thôn như hiện nay. Các loại hàng rong lấp đầy phố xá. Người các tỉnh lên thâm nhập vào mọi gia đình, vào mọi guồng máy làm ăn, gây hỗn độn thêm cho cái đời sống vốn đã tạp nham của 36 phố phường. Các loại hủ tục, tưởng đã mất đi từ lâu lắm, được dịp phục hồi toàn diện. Cũng như các loại tiếng địa phương được ngang nhiên sử dụng khiến cho không còn ai biết ngôn ngữ Hà Nội thật ra mày mặt là thế nào nữa. 
Lý trí tôi tự nhủ, trong thế làm ăn của cả nước, nông dân cũng phải có quyền mưu sinh của họ. Họ đã thiệt thòi nhiều trong những năm chiến tranh. Nay họ phải được đền đáp và trong khi chưa ai đền đáp thì họ có quyền xoay xỏa mọi cách cần thiết. Ở đất nước này túng đói vẫn là cái cớ cho phép người ta đi bất cứ đâu làm bất cứ việc gì thấy cần.
Tuy vậy lắm lúc tôi vẫn thầm oán cái bộ phận đông đảo nhất xã hội này. Sao họ không trở thành công nhân trong các công trường xí nghiệp địa phương ? Sao họ không tiến lên hiện đại hóa ngay tại quê hương. Khi đưa tin về một khu công nghiệp ra đời, một giấy phép đầu tư vừa được cấp, bao giờ người ta cũng nói có thêm bao nhiêu việc làm. Thế thì tại sao bộ phận thông minh và năng động nhất trong khối nông dân khổng lồ không đi tìm tương lai ở đó mà cứ tự phát xông lên làm loạn các đô thị như vậy? 
Đến tận những ngày cuối tháng chín đầu tháng mười này thì tôi mới thật hiểu ra là mình đã giận oan như thế nào.
Đó là những ngày xảy ra vụ sập cầu Cần Thơ với “tầm vóc thế giới “ của nó. Nhiều người vào công trường làm ăn và đã bỏ mạng nơi đây là người của xã Mỹ Hòa và các xã lân cận. Mà như báo chí gần đây đưa tin, họ vào đó làm ăn với bao thiệt thòi. Lương thấp. Công việc vất vả, tiền công ở mức mạt hạng, sinh mệnh con người bị rẻ rúng. Có ai lo huấn luyện cho họ ? Có ai đóng bảo hiểm cho họ ? Giữa công trình hiện đại thân phận của họ hiện ra bé nhỏ thảm hại.
Tấn bi kịch cầu dẫn Cần Thơ thật ra là bi kịch của nông dân. Nó cho tôi hiểu người nông dân đau khổ như thế nào khi đi vào hiện đại hóa.
Nó cũng cho tôi hiểu tại sao nhiều người không cam tâm chôn chân ở quê nhà mà tuông bằng được ra thành phố để, trên chiếc xe đạp cũ kỹ, tự lo lấy tương lai của mình, và như trên tôi đã nói, ít nhiều tự mình làm hỏng hình ảnh mình.

22-10 

Tội làm hư dân 
Vương Trí Nhàn

Các vụ tham nhũng phát hiện đã nhiều,ấy vậy mà như ông Lê Đăng Doanh từng nói, mới 5% tảng băng bị lộ, 95% còn chìm trong bóng tối. Và trong lúc các cơ quan chức năng xử chưa xuể thì người ta lại bắt đầu than thở là có nhiều nơi nhất định không chịu báo cáo về vấn đề tham nhũng ở địa phương mình, ngành mình. 
Ồ, cái gì chứ chuyện giấu diếm cho nhau và loanh quanh chối tội thì từ đứa trẻ con ở xứ mình cũng biết, có gì là lạ ! 
Ngạn ngữ phương Tây có câu “ không ai tự nguyện chặt chân mình bao giờ “. Dân ta càng lỳ hơn . Có khi tội đã rành rành mà sáng người ta vừa nhận chiều đã lại chối rồi, sự biến báo của con người bây giờ nhanh lắm – biến báo ở đây đồng nghĩa với trơ tráo trắng trợn mất hết lương tâm và khinh bỉ cả thần thánh.
Tôi không được ai hỏi, cũng không phải người sành sỏi gì về pháp luật song vẫn muốn đề xuất một gợi ý : muốn biết giới quan chức một địa phương nào có tham nhũng và làm bậy hay không, cứ xem dân ở đấy thì biết.
Dân ngoan làm ăn tử tế tức là bộ máy ở đó làm việc tạm gọi là chấp nhận được. Còn dân hư, nhất định là những người quản lý họ có vấn đề.
Báo Nông thôn ngày nay số ra 19-10 có bài cho biết một Phó chủ tịch huyện phá rừng. Đáng lưu ý là một điểm trong bài báo này: người dân chung quanh thấy ông cán bộ to hành xử như trên ( chặt tràm đào ao làm thành lãnh địa riêng ), thi nhau lấn chiếm đất công rừng công, bất tuân pháp luật. 
Từ chuyện của Tam Nông Đồng Tháp, suy ra tình hình chung các nơi khác.
Nơi này dân đào than thổ phỉ. Nơi kia cả làng làm lâm tặc. Nơi kia nữa, dân hùa nhau vào nói dối khai man để nhân trợ cấp và dùng đồng vốn nhà nước giao cho làm ăn để chi tiêu riêng. Đó là không kể các loại dân lấn chiếm vỉa hè, dân chây bửa nhận tiền mà không chịu di dời nhà cửa, dân xây nhà tạm bợ để đòi đền bù, nói nôm na là ăn vạ.
Không phải là trong sách vở nhà trường mà sự thực là trong tâm trí mỗi người chúng tôi, nhân dân lao động bao đời nay là những con người thuần hậu, chăm chỉ làm ăn, chịu thương chịu khó. Ai đã làm họ biến chất từ lúc nào ?
Một lần, chập choạng tối tôi đang đi trên đoạn đường gần ngã tư Hàng Chiếu – Đồng Xuân Hà Nội thì gặp mưa, đành tính chuyện lánh tạm vào một mái hiên. Bất ngờ nghe người ở trong nhà nói hắt ra :
-- Biến đi cho người ta còn bán hàng .
Trời ơi! Con người đô thị bây giờ càn rỡ và bất nhân ngoài sức tưởng tượng !
Song tôi không giận họ, chỉ nghĩ chính họ cũng bị làm hỏng, như những người nông dân cả làng trở thành lâm tặc mà tôi nói ở trên. Đây là một sản phẩm phụ của hiện tượng một bộ phận quan chức suy đồi đang làm nhức nhối xã hội. 
Ngày nay buộc được một quan chức vào chính tội tham nhũng cũng đã khó. Song trong lương tâm tôi, họ còn có một cái tội nữa : Tội ngấm ngầm thúc đẩy và dung túng dân làm bậy. Tội làm hư dân. Tội này thì trời không dung đất không tha! 

Làm quen với
tư duy kinh tế 

Do tình hình lạm phát giá cả leo thang, đang có những cuộc bàn cãi là phải tăng lương, cụ thể là lương tối thiểu đưa lên 540.000 đồng / tháng. Nhưng một chuyên gia kinh tế như bà Phạm Chi Lan cung cấp ngay một thông tin: nếu quy đổi ra USD thì lúc này 540.000đ chỉ tương đương với 35 USD, trong khi từ mấy năm trước khi kêu gọi đầu tư, chúng ta đã đặt ra mức lương tối thiểu 50 USD / tháng. Rõ ràng đặt ra như thế là một bước lùi (báo TT&VH số 3-11-07 ). 
Chỉ với tư cách một người dân thường, tôi đã thấy thông tin mà nhà kinh tế đưa ra quá đúng lúc. Tự nó gợi cho chúng ta bao nhiêu vấn đề.Về thực chất sự tăng trưởng của chúng ta. Về những yêu cầu nên đặt ra với ngày hôm nay… Điều đáng nói không phải chỉ là những con số, mà là cả một tư duy kinh tế, thứ tư duy chúng ta vốn không quen, nhưng lại đã đến lúc cần trang bị cho mỗi người. 
Các con số không tồn tại lơ lửng trừu tượng. Mà nó có không gian thời gian cụ thể của nó. Nó có những liên hệ với lịch sử. Nếu đưa ra cho người dân một con số chung chung mà quên đặt nó trong sự so sánh với các con số khác thì dù là có tạo được hiệu quả tâm lý trước mắt, song hiệu quả không bền vững. Thực chất vẫn là một cách lảng tránh vấn đề. Chẳng những không gỡ được rắc rối trước mắt, mà những hậu quả về sau lại thêm chồng chất.
Một trong những lý do phải gấp rút đặt vấn đề lương tối thiểu là chuyện đình công. Nhưng theo bà Lan, muốn giải quyết chuyện này, chỉ vấn đề lương không đủ. Bà nêu ra thực chất rắc rối -- giới chủ tính giờ làm thêm ra sao, chi phí cho an sinh xã hội, chi phí y tế ra làm sao. Và bà chỉ ra, qua đây, những bất cập trong luật của ta. Bất cập ở chỗ cũ, chậm, không đồng bộ, khi thì cứng quá khi thì tùy tiện quá, nói chung là không theo kịp sự phát triển thực tế. 
Không biết người khác nghĩ thế nào, tôi học ở đây được một điều : Trước mọi hiệu quả ngoài ý muốn, đừng có chăm chăm nhìn vào một nguyên nhân nhất định. Mà phải thấy có hàng loạt nguyên nhân khác nhau. Không có biện pháp giải quyết đồng bộ thì thiện chí và quyết tâm mấy cũng thất bại.
Chợt nghĩ hàng ngày đi khám bệnh, có mấy khi bác sĩ chỉ cho có duy nhất một thứ thuốc đâu. Vậy sao mà cái lối nghĩ giàn đơn một chiều, mình cứ giữ mãi ? 
Gặp những bài báo như thế này, sau khi đọc, tôi cứ muốn làm sao để có nơi đăng lại do đó có thêm nhiều người cùng đọc.Và tôi lại nghĩ đến những người nông dân, cả những người bỏ gia đình, tham gia vào đội quân lao động, lẫn những ông già bà cả ở nhà, làm ruộng chẳng ra tiền, chỉ trông vào đồng lương con cái mang về. Chúng ta – những người làm báo -- phải có thông tin kinh tế tốt cho họ. Chúng ta phải tự tìm hiểu để trang bị cho mình và từ đó trang bị cho cả cộng đồng một tư duy thích hợp với thời đại mới.

Sổ tay 

Sự thô bạo
không của riêng ai 

Các nhân vật của Thạch Lam có một nét chung là có cách ứng xử rất tinh tế. Tối ba mươi kể về mấy cô điếm. Trong cái nghề lăng loàn ấy, ở họ vẫn có một cốt cách riêng. Đón giao thừa nơi nhà săm, Huệ và Liên không quên lo tổ chức lấy một bàn cúng gia tiên đơn giản. Gần tới giao thừa thì người bồi săm lên từ biệt. Tác giả chỉ viết giản dị là sau câu chúc tết, “ người bồi ấp úng không nói gì thêm. Liên vội đỡ lời, cám ơn rồi đóng cửa buồng lại“. Cái chữ đáng lưu ý ở đây là chữ vội. Tưởng là thô lỗ, cục cằn, song ngược lại. Trong cái sự vội ấy, nhân vật Liên bộc lộ một sự đặc biệt nhạy cảm và lịch lãm. Nàng không muốn làm phiền người khác, càng không muốn người đối thoại với mình trở nên lúng túng bẽ bàng.
Từ tất cả những gì Thạch Lam đã viết ra tôi muốn nói ông là nhân vật của những gì tốt đẹp đang phôi pha đi theo thời gian. Ông tiên cảm thấy và sớm báo cho chúng ta biết những gì ta sẽ đánh mất.
Nói vậy bởi vì, dù đã cố nghĩ khác đi tôi vẫn bị ám ảnh bởi cái ý tưởng rằng con người hôm nay sao mà xa lạ với những gì cố hữu trong tâm lý người xưa. Sự nghiêm chỉnh không thể là thứ làm dáng. Tinh tế thanh cao ở đây bắt nguồn từ nhiều quan niệm sâu xa. Sự bình tĩnh làm người. Khả năng dám sống đơn độc và thói quen tôn trọng người khác. Một cái gì mà người xưa vốn gọi là cận nhân tình. Những cái đó nay ở người già thì mất đi và lớp trẻ thì không có ý niệm gì. Lấy cớ là phải thích ứng với nhịp điệu sôi nổi mải miết của đời sống hiện đại, nhiều người chúng ta biến thành thô bạo cục cằn trắng trợn lúc nào mà không hay biết. Ta thường sống ồn sống liều sống gấp hơn là thực chất vốn cần như thế. 
Dư luận đang bàn nhiều về một vài ứng xử thô bạo trong đời sống. Một em bé giúp việc bị hành hạ. Một bà mẹ nuôi dạy con bằng búa. Một ông chồng dạy vợ bằng cách nhốt vợ vào chuồng chó …Tôi cho rằng đây mới chỉ là phần nổi cộm của tình hình, hoặc như người ta hay nói, phần nổi lên của tảng băng trôi. Chứ trong thực tế nó, -- cái sự thô bạo ấy -- còn muôn vàn biểu hiện. Hãy kể một việc như trong đi lại. Tôi nhớ một người nước ngoài đến Việt Nam đã nhận xét cách đi xe máy của dân mình, nhất là dân Hà Nội, mang nhiều tính cách bạo lực, nghĩa là luôn luôn trong tư thế muốn chèn ép nhau, đối đầu với nhau, ai liều lĩnh chịu chơi hơn thì thắng. Hoặc như trong việc sử dụng ngôn ngữ. Chúng ta thường nói với nhau rất to. Hầu như loại người ít lời nay đã tiệt chủng, thay vào đấy là những mẫu người sẵn sàng lao vào cuộc tranh cãi không phải bằng lý lẽ mà bằng cách chây bửa hoặc càn rỡ trắng trợn. Thô bạo đã tạo nên một thứ khí hậu trong mối quan hệ bình thường. Sống với nó lâu ngày quen đi, ta tưởng ta vô can với một vài biểu hiện nổi cộm kia. Trong khi ấy lẽ ra đây chính là những dịp ta soi lại mình và cảm thấy cái lỗi kia cũng tiềm ẩn trong mình. Lỗi với bản than, lỗi với chung quanh và nhất là lỗi với thế hệ trẻ. 

Tại sao bố mẹ cho trẻ bỏ học ? 

Vương Trí Nhàn

So với chuyện lũ lụt dịch bệnh, tai nạn giao thông thì chuyện trẻ em bỏ học nghe có vẻ không mấy quan trọng, nhiều người chỉ thờ ơ nghe rồi bỏ qua. Riêng tôi cứ thấy lấn bấn phải nghĩ về nó, cái hiện tượng ngược đời ấy. Và tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ là đặt mình vào địa vị đám trẻ và gia đình đám trẻ đó để biện hộ cho hành động kỳ cục của mình.
Giả sử tôi cũng đang sống ở Quảng Ngãi, Phú Yên… hay một tỉnh nghèo nào đó, và gia đình cũng nghèo nghèo tội tội, sau đây là lý lẽ khiến tôi cho con nghỉ học.
Vâng, có ngu mấy thì tôi cũng biết rằng con người ta thì phải lo học rồi mới nên người. Lại cụ thể hơn, đài báo, các phương tiện truyền thông, loa phường hàng ngày vẫn rót vào tai tôi rằng đất nước trong thời hội nhập càng ngày càng cần người có lao động có tay nghề. Bây giờ mà học giỏi ấy ư, khối công ti nước ngoài họ tuyển mộ, lương tháng hàng chục vé là cái chắc.
Nhưng tôi lại biết ngay là nền giáo dục này đâu có đào tạo nổi những người giỏi giang đó. Phải du học kia, lấy đâu ra tiền để tôi cho con đi học bây giờ.
-- Ai bảo ông leo cao cho ngã đau ? Xin ông hãy cứ nghĩ là con ông học xong đi làm nhà nước đã, không tuyệt vời sao?
-- Thứ nhất thi cử khó lắm, một trăm học sinh hết phổ thông chỉ độ ba chục gì đấy vào đại học. Tôi đâu đủ sức cơm đùm cơm nắm cho con theo học, nhất là thời buổi học phí đang tăng này.
Thứ hai, có học xong đại học nữa, chắc gì đã xin được biên chế nhà nước. Cơ quan nào bây giờ người ta cũng khép kín, cha về thì dúi con vào thay. Ngoài ra,còn ít chỗ là để các ông ấy mua bán, mỗi xuất vài chục triệu, nó đã là luật rồi, không có tiền thì đừng tính chuyện tuyển dụng gì hết.
Thứ ba, giá kể giỏi giang xin được vào cơ quan rồi, thì cũng chắc đâu là có sử dụng đến cái kiến thức mình học được. Các sếp có cách làm riêng, mình mang bài bản ra bàn chỉ tổ làm cho các sếp bực mình. 
Trong đầu óc chúng tôi chuyện tiêu cực trong giáo dục nhìn đâu cũng thấy: trường sở chỉ có bộ khung, phương tiện học tập thiếu; các thày các cô được đào tạo cẩu thả qua loa, vào nghề không phải do yêu trẻ mà chỉ do thời buổi này nghề cầm phấn cũng kiếm ra tiền , chả kém gì hải quan thuế vụ; sách giáo khoa cổ lỗ; chuyện tiêu cực cấm chỗ này phòi ra chỗ khác … Hơn bù kém, bọn tôi tính cho trẻ ở nhà trước đi cho xong .Thà mang tiếng con cái mình dốt nát còn hơn có một lớp trẻ với mớ kiến thức dang dở và một cách sống bon chen giả dối . 
Những lý lẽ trên đây có thể xem như một thứ suy diễn từ ngoài, chắc nhiều người trong cuộc không nghĩ vân vi đến thế.
Nhưng, bằng vào kinh nghiệm cá nhân, tôi dự doán ở họ, những ý nghĩ ấy đã lờ mờ hình thành, tôi chỉ thúc cho cái mầm lớn thành cái cây, tức mang lại cho ý nghĩ của họ một hình thức rõ rệt. Bảo rằng chính xác 100% , tôi không dám chắc , song cứ ghi ra đây để bà con phát biểu thêm . Ai bác bỏ giúp tôi, tôi xin cảm ơn .

Chung sống với sự vô lý !

VƯƠNG TRÍ NHÀN

Bây giờ thì cách nói này đã rất phổ biến : khi bất lực trước việc gì đấy, ta đành tự bảo là ta chấp nhận chung sống với nó. Chung sống với lũ lụt! Chung sống với triều cường! Chung sống với bệnh tật! Và khái quát mà nói, chung sống với những gì ta chưa vừa lòng, chung sống với sự vô lý. 
Sau những năm dài chinh chiến, nay đất nước chuyển sang cuộc sống bình thường, chúng ta có dịp vừa sống vừa ngẫm nghĩ . Không cần tinh tường sắc sảo cho lắm, cũng thấy hàng ngày trước mắt ta xảy ra bao điều lệch lạc, vênh váo, bất công, không ra nghĩa lý gì, nói chung là những chuyện khiến người ta đau lòng. Chỉ có điều khi nghĩ rộng ra một chút, phải thấy nó luôn luôn có lý để mà đừng thắc mắc hão . 
Trên các đường phố Hà Nội hàng ngày ta vẫn gặp người phóng xe vượt đèn đỏ. Có gì đâu, người ta quen sống vội vàng, và coi luật lệ là chuyện vẽ vời làm phiền nhau .
Phường tôi ở vốn là một vùng quê, nay thành nội thị, trong ngõ nhiều người mới từ các vùng quê đổ lên kiếm ăn, người thu mua phế liệu, người đẩy xe tạp hóa, người lang thang bán báo hoặc cân và đo huyết áp. Sao họ không ở lại quê mà lại đổ cả lên đây, làm loạn phố phường thế này ? Có gì đâu, cày cấy ở quê bây giờ ngày mỗi khó , lên đây mà làm ăn xoay xỏa một tí, may ra còn nuôi được con cái đi học – họ phải làm thế để sống .
Ra chợ mà ngạc nhiên , giá cả bây giờ cái gì cũng lên! Có gì đâu , các mặt hàng khác đều tính giá mới cả , tôi không lên theo thì sống làm sao, ông thắc mắc gì lạ thế .
Đứa con nhỏ của tôi bảo thế nào cũng không ham học và chỉ học qua loa cho xong. Tại sao ? Có gì đâu, chung quanh nó lúc nào cũng bao nhiêu trò chơi chèo kéo, trong khi đó, trường sở chật hẹp lớp học quá đông, chương trình cũ kỹ, bài vở chán ngắt. 
Như thế đấy , cuộc sống trở nên một cuộc đối phó thường trực. Ai lại khuyên nhau đầu hàng bây giờ ? Nhưng tôi cho rằng mỗi chúng ta vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân; phải gồng mình lên chịu đựng đã, vì thay đổi được hoàn cảnh khó lắm .
Tôi có quen H. một bác sĩ giỏi. Sau chiến tranh, có hồi ông làm giám đốc một bệnh viện tỉnh, có hồi về làm chủ nhiệm khoa một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Nay đã về hưu, ông được nhiều phòng khám tư săn đón. Biết ông tay nghề bậc thượng thặng, người ta đến rước ông đi khám thường xuyên. Một lần H. chia sẻ với tôi một điều mà mấy năm nay ông chiêm nghiệm : 
-- Anh có biết không, có hôm ô tô đến đón, mời mọc rước xách, về mở phong bì ra thấy vài trăm ngàn và lời thư hậu tạ chân thành ; nhưng cũng có hôm, có người chỉ gọi điện thoại tới, nói là nhờ cấp cứu, tôi đạp xe tới khám ngay, về chỉ được hai ba chục. Nhưng kiểu nào tôi cũng chấp nhận, ai gọi tôi vẫn đi. Bụng chỉ nghĩ, hóa ra cái thân phận mình chẳng có giá cho rõ ràng, người ta trả thế nào rồi cũng thấy là có lý ! 
Phải mềm dẻo , phải chấp nhận rồi tính sau -- tôi học được ở đây một quan niệm về cách sống.

Cạnh tranh kiểu cũ , cạnh tranh kiểu mới 

Chuyện tắc cầu tắc xe không còn xa lạ với bất cứ ai hàng ngày còn phải ra đường . Nhưng tôi nghiệm thấy có hai cái sự tắc khổ nhất , có liên quan đến thời tiết . Một , đó là những ngày quá nóng 


d
SỐ TRUY CẬP online