NHẬT KÝ XÃ HÔI 2007

Dân di cư, hôm qua và hôm nay 

Trong số các tác giả tiền chiến, Nguyễn Bính thuộc loại được người đương thời và các thế hệ sau yêu mến nhất. Người ta thường coi tác giả Lỡ bước sang ngang như một nhà thơ có tâm hồn đồng ruộng và tha thiết kêu gọi trở về với chân quê. Nhưng tôi ngờ rằng trong trường hợp này, nhiều người đã nhầm. Nguyễn Bính chỉ gợi lại những kỷ niệm về quê hương trong lòng người. Chứ trong thâm tâm ông thừa biết rằng cây đa bến nước hoăc mối tình của cô hàng xóm chỉ còn là kỷ niệm trong tâm trí . Nó thuộc hẳn về quá khứ dù là một quá khứ tốt đẹp. Nói theo ngôn từ ngày hôm nay, Nguyễn Bính là một hồn thơ của dân di cư. Trước làn sóng hiện đại hóa, loại người này bị đẩy ra khỏi làng xóm và trong quá trình lập nghiệp ở thành thị, cuộc đời họ chịu nhiều bi kịch tiêu biểu cho số phận con người trong xã hội hiện đại.

**** 
Không phải vô cớ mà suốt thế kỷ XX, làn sóng người dân quê VN rời bỏ làng xóm mạnh mẽ như vậy. Số dân quá đông. Tình trạng lạc hậu không phải bỗng chốc mà được cải thiện. Trong khi viết về nông thôn, nhiều nhà văn đã tỏ ý thông cảm với họ. Chẳng hạn trường hợp của Nguyễn Minh Châu. Trong thiên truyện Ngày tết về thăm quê in đầu 1986, nông thôn trì trệ được ông miêu tả dưới con mắt một người xa quê đã lâu. Hàng mấy chục năm cả con người lẫn cách sống vùng quê này không đổi. Bởi vậy cuối truyện nhà văn đã để cho nhân vật chính của mình đối diện với một thanh niên tên Kim để rồi thầm kêu lên “Kim, Kim, Kim . Đời cháu mai ngày sẽ ra sao nếu gắn chặt với những làng xóm quê nhà yêu dấu ! “ 

****
Mặc dầu phần lớn nhà văn mình xuất thân nông thôn, song hai chục năm nay, các vấn đề của nông thôn hầu như ít được nói tới. Trong tình hình đó, một tác giả trẻ như Nguyễn Ngọc Tư đã đáp ứng được sự chờ đợi của nhiều người. Nhưng tôi cho là riêng một kiểu như Cánh đồng bất tận không đủ. Bên cạnh những người nông dân còn sống trên địa bàn nông thôn như các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư, còn có loại nhân vật nhập cư là người ở các đô thị chúng ta vẫn gặp hàng ngày. Họ cần có một Nguyễn Ngọc Tư của họ.
Và trước mắt họ cần được thông cảm của toàn xã hội , được nhắc tới và chia sẻ trong các hoạt động thông tin đại chúng . 

****
VN cần giải quyết tình trạng di cư gia tăng. Đó là khuyến nghị của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam đưa ra trong hội thảo về vấn đề di cư tổ chức sáng nay, 22/12 ở Hà Nội.
Trên đây là một mẩu tin tôi đọc được trên một tờ báo cuối tuần qua. Có điều là qua tra cứu trên mạng thì thấy trong số sáu trăm tờ báo hiện nay, chỉ có một ít tờ đưa tin này và cách đưa thì hết sức sơ lược, chẳng hề nói hội thảo đã diễn ra với sự tham dự của những ai, có báo cáo nào xuất sắc, vấn đề tiếp theo cần khai thác ra sao. Tóm lại là tin đưa không mấy mặn mà như những tin về cô ca sĩ này có bầu hoặc hoa hậu kia thay mốt ăn mặc.
Nghĩ ra mà thấy cám cảnh quá ! 


8-1
Dựa vào lầm lỗi của nhau mà “sống” !
Ngay từ đầu năm mới , giữa những tin tức tổng kết một năm hoạt động hiệu quả, các bản tin tối của VTV1 vẫn dành ít phút ghi lại hình ảnh người phóng xe chở gà buôn lậu ào ào trên đường từ Lạng Sơn về xuôi. Lời thuyết minh cho biết thêm giữa lúc nguy cơ dịch cúm gia cầm vẫn lơ lửng khắp nơi thì mỗi ngày có tới vài ngàn tấn của quý ngoại lai ấy vượt qua cửa khẩu tràn vào thị trường nội địa, và 80% thứ hàng nhập bất hợp pháp đó đi thoát. Các nhân kiểm soát lắc đầu, dân buôn họ liều lắm, phóng xe bạt tử không ai cản nổi. Và người ta nói tới việc cần thiết phải có một chế tài mạnh mẽ hơn thì mới trừ nổi cái quốc nạn ghê gớm này. 
**** 
Lúc ngồi một mình nghĩ lẩn mẩn, tôi thử hình dung lời đối đáp của đám người buôn lậu với cán bộ thuế. Thông thường là mấy câu nhũn nhặn, “chúng em không biết “, “ chúng em hối hận lắm, bận sau xin chừa hẳn ạ “. Nhưng nếu nhìn vào nét mặt và ánh mắt họ , người ta thấy toát lên những ý tưởng đen tối được cố kết từ trong cả một đời lầm lũi. Hiền lành nhất là cái câu hỏi lơ lửng : “ Không buôn lậu thì tôi sống bằng cách gì ?‘. Và lúc quyết liệt hơn“ Các anh tưởng các anh tử tế lắm đấy à ? Của tịch thu của chúng tôi tiền phạt chúng tôi, các anh nộp hết vào kho nhà nước đấy hẳn? “, để rồi rút lại là cái câu khẳng định “Bao giờ các anh bỏ tham nhũng thì chúng tôi không buôn lậu nữa “. Có thể là tôi đã nói quá lên một chút, mấy người buôn lậu không nói thế, họ chưa nghĩ được thế, nhưng chắc chắn những ý tưởng đó đã nằm sâu trong thâm tâm họ. Nói theo thuật ngữ tâm lý học, đó là lô-gích của tư duy. 
**** 
Từ chuyện buôn lậu, dễ dàng liên hệ sang nhiều trường hợp tương tự. Người giáo viên sống bằng quà biếu của cha mẹ học sinh. Người cân hàng gian lận. Người trồng rau phun hóa chất quá mức cho phép cốt rau lên xanh mang bán. Nhân viên y tế tuôn thuốc giả vào bệnh viện. Kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc chặt rừng...Bao nhiêu hành động mà ta tạm gọi là làm bậy bấy lâu cứ dằng dai ngày này sang ngày khác, tại sao ? Đơn giản lắm. Ban đầu nó xuất phát từ khó khăn có thật trong chúng ta, phải làm bậy để sống sót. Về sau biết tội đấy, nhưng nhìn ra chung quanh khối người còn làm bậy hơn mình. Ngành nào cũng có. Dày đặc chung quanh. Thế thì tội gì đứng đắn ? “Ngoan chỉ thiệt “. Đây nên được xem như một minh chứng nữa cho cái cách nói phổ biến một hai năm nay : Lỗi hệ thống .
**** 
Một trong những câu châm ngôn xử thế của Nho gia là “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, tức “ cái gì mình không muốn, đừng làm cho kẻ khác.” Người xưa muốn dạy chúng ta đừng chỉ biết có bản thân mà phải đặt mình vào địa vị người khác. Có vẻ như cái tinh thần ấy cũng đang được con người hiện đại thấm nhuần sâu sắc . Chỉ có điều chúng ta chuyển dịch nó đi một chút, tức là khi có lỗi lầm gì, thì lập tức nhìn ra chung quanh để yên tâm, và trong bụng không khỏi có lúc thầm mong thiên hạ hư đi để mình có cớ hư theo. Đã sáng tạo đến thế thì các bậc hiền nhân thời xưa những ông Khổng ông Mạnh có sống lại cũng phải chào thua. 

15-1
Tham nhũng và tai nạn giao thông 

Khi nghe tin có một tai nạn giao thông thì mọi ngư¬ời nghĩ ngay tới “nguyên nhân chủ quan.” Tức ngư¬ời sử dụng phư¬ơng tiện giao thông bị quy lỗi đầu tiên. Lại say r¬ượu chứ gì ? Nếu không thì cũng đi liều đi ẩu ! Này, có khi còn không có bằng cũng nên, bởi vội vàng đua đả nhau ăn diện lắm, nên chẳng những làm khổ mình mà còn làm khổ thiên hạ ! 
Thế như¬ng có thể có một cách nghĩ khác : 
-- Tai nạn xảy ra một phần vì đư¬ờng xá quá chật hẹp. Mỗi cấp xẻo một ít, còn đâu tiền chi cho đường. Ở các thành phố, tỉ lệ đ¬ường trên một đầu dân quá thấp. Lại nữa chất lượng đường kém, chỉ hào nhoáng bề ngoài, bên trong các thông số kỹ thuật không bảo đảm. Nhiều khi chỉ vì tránh một cái ổ gà, một người đã gây ra bao nhiêu phiền phức cho người khác. 
-- Hoặc như¬ câu chuyện bằng giả. Nếu không có ngư¬ời bán bằng giả, kinh doanh giấy phép thì họ làm sao mua đ¬ược để đút túi phòng thân trước khi ra đường ?
-- Ngay khi nói rằng tai nạn xảy ra là tại những thanh niên hư ¬hỏng ham chơi, bao nhiêu sức sống đổ vào việc ăn diện, kẻ đua xe máy ngoài đư¬ờng, kẻ hối thúc bố mẹ mua ô tô để vênh mặt với thiên hạ -- thì ngư¬ời ta cũng phải thấy lỗi ở một nền giáo dục kém cỏi mà lại giả dối, không đủ sức đánh thức phần l¬ương tri tốt đẹp ở lớp ngư¬ời trai trẻ làm cho họ tin, mà cũng không có khả năng lôi cuốn họ vào con đư¬ờng học hành tử tế để sống hoà hợp với chung quanh và trở nên hữu ích với xã hội. 
Giữa bao nhiêu vụ bê bối hàng ngày báo chí vẫn đăng, những hành vi như¬ lái xe đâm chết ngư¬ời gây tai nạn là những tội lỗi rành rành không ai tha thứ đư¬ợc, cá nhân ngư¬ời trong cuộc phải chịu trách nhiệm. Song cần nhớ họ chỉ là một bộ phận của một xã hội cụ thể. Không cần suy diễn nhiều cũng có thể bảo đứng đằng sau những việc đáng tiếc và con người hư¬ hỏng đó là cả cơ chế bao gồm gia đình, nhà trư¬ờng, những ngư¬ời quản lý đời sống công cộng, những ng¬ười bảo đảm đời sống vật chất và xây dựng đời sống tinh thần cho họ.
Tham nhũng làm thất thoát của cải. Tham nhũng làm mất lòng tin và băng hoại đạo đức. Tham nhũng làm mất uy tín quốc gia trên trường quốc tế… Người ta nói thế đã nhiều, còn như đư¬ơng tự nhiên quy những tai nạn giao thông cho tham nhũng chẳng ai tin. Nhưng sự thực là thế, xã hội như một guồng máy lớn, quan hệ với nhau theo kiểu rút dây động rừng, có những hiện tượng mà muốn cắt nghĩa phải tìm ở những nguyên nhân xa lắc xa lơ. 
Nghe nói khi xét xử vụ PMU 18, tội danh chủ yếu quy vào việc mấy ông tư¬ớng nh¬ư Bùi Tiến Dũng kéo nhau đi đánh bạc, mỗi tiếng bạc hàng triệu đô. Vào những ngày này, trước tòa án lương tâm , tòa án của lòng người , còn có thể quy họ, cũng như tất cả quan chức tham nhũng khác, vào tội “tham gia vào việc làm tăng tai nạn giao thông “, khiến bao người chết, bao người sứt đầu mẻ trán.
Theo tâm lý dân gian, đó là một việc thất đức, mà hậu họa thì chắc sau này con cháu họ còn phải còng lưng gánh vác.

22-1
Tự thú và biện hộ 

-- Liệu có thể nói rằng hàng ngày phóng xe đi lại trên đường Hà Nội anh chưa một lần vượt đèn đỏ trái phép? Anh đừng chối, đúng là không chứ gì ? Mượn cái chữ của các cơ quan quản lý, vậy là có những lúc anh đã thiếu ý thức. Có bao giờ anh thử giải thích với chính mình tại sao cái gọi là ý thức giao thông khó bồi dưỡng đến vậy?
Một anh bạn tôi đã độp vào mặt tôi mà tương ra những câu hỏi hắc búa trên, đúng vào những ngày giao thông đang trở thành câu chuyện đầu miệng giữa mọi người.
Bởi anh đã cài trước rằng đừng có chối, nên tôi cũng phải thành thực mà nhận. Nhận rằng có đôi lúc không tự chủ được. Nhìn trước nhìn sau không có công an đứng đón là tranh thủ làm một cú ào qua đường. Chẳng qua không phải là làm thường xuyên thôi. Và phải nói ngay là nhiều lần khác, cái định ào qua đường ấy đã đến, rồi thấy có lẽ cũng hơi nguy hiểm, nên bấm bụng chờ đợi.
Tôi nghĩ rằng trước hết ở đây, nói cho to tát ra, có cái căn bệnh thời đại. Hình như nay là lúc ai cũng vội. Hàng ngày mở mắt ra đã thấy bao nhiêu việc chờ mình. Ý nghĩ chúng ta đi quá nhanh. Mà tốc độ đi lại thì quá chậm. Đó là một lẽ. Nhưng không chỉ có vậy.
Hồi còn sống, nhà văn Phan Tứ ( tức Lê Khâm ) nổi tiếng máy móc, đi đâu ông cũng túi dết khẩu trang đàng hoàng. Nhà thơ Xuân Quỳnh dự đoán “ Ông này 12 giờ đêm qua ngã tư vẫn giơ tay xin đường...” Theo tôi cái thói quen ấy của Phan Tứ có liên quan đến cuộc sống nền nếp mà bây giờ không sao khôi phục nối. Những năm bảy mươi của thế kỷ trước, giao thông Hà Nội còn khá quy củ .
Chắc Phan Tứ cũng có lúc khổ vì thói quen của mình, muốn sửa mà không sửa được.
Còn chúng tôi bây giờ thì khác. Cái đời sống nhộn nhạo chung quanh lúc nào cũng thầm thì vào tai tôi “ Luật lệ là một chuyện, nhưng kìa, nhìn xem trên đường phố và ở bao nhiêu những góc tối của cái thành phố này, bao nhiêu người đang phạm luật. Mình chỉ là một thành viên bé nhỏ của cái guồng máy khổng lồ . Giữ gìn chỉ thiệt “ 
Ở trên tôi vừa nói là có những lúc tôi đã định ào qua đèn đỏ, rồi kịp kiềm chế, và lâu dần thành một thói quen sống trong bình tĩnh, sống biết chờ đợi.
Nhưng có những lúc lạ lắm. Rõ ràng đã tự nhủ rằng “ không đi đâu mà vội” rồi, mà vẫn cứ đâm đầu phạm lỗi. Nghĩ lại thì hóa ra lúc ấy có mấy người khác cũng làm cái chuyện bậy bạ đó và mình bị cái tâm lý bày đàn chi phối. Phương Tây từng có câu chuyện ngụ ngôn kể về một anh nọ hại một nhà buôn cừu lừa bằng một cách đơn giản. Trên chuyến tàu vượt bể, anh ta gạ mua của nhà buôn chỉ một con với giá rất đắt. Để làm gì ? Để quẳng nó xuống biển. Kết quả đau lòng, cả đàn cừu của nhà buôn cùng nhảy xuống theo.
Tôi biết rằng người ta sẽ cãi lại ý thức của anh đâu. Ai có cười thì tôi cũng xin chịu, nhưng phải nhận trong con người tôi lúc ấy có một con cừu nó thức dậy.
Người ta thích bắt chước nhau lắm. Bắt chước cái tốt thì khó chứ chạy theo cái xấu thì dẽ ợt, có ai cần phải cố gắng.
Kết luận cuối cùng của tôi : trong điều kiện giao thông vừa manh mún vừa quá tải, nói chung là trong điều kiện đời sống còn rất lạc hậu như hiện nay, những rủi ro là khó tránh khỏi. Nhắc nhở nhau về ý thức là cần nhưng cũng nên biết ở đây không phải chỉ có ý thức mà còn cái chuyện gọi là tâm lý xã hội nữa. Rồi ra xã hội có tiến lên thì tâm lý con người mới khá lên theo .


29-1
Nỗi sợ trên đường 

Con số thống kê cho biết mỗi ngày có tới vài chục người chết vì tai nạn giao thông. Nhưng chẳng cần phải đọc những lời cảnh báo kiểu đó, thì việc ngồi lên chiếc xe máy tham gia vào guồng máy giao thông hàng ngày cũng đã đủ khiến tôi ngại ngùng nhiều khi phải nói là kinh sợ nữa.
Mới dắt xe ra cửa, đã phải trông trước trông sau, chỉ sợ có chiếc xe nào phóng ào qua. Đi vào những quãng đường đông, sợ nhất những xe thồ có lớp khung chở hàng bằng sắt buộc đằng sau, để xe họ móc vào, rồi sẽ lôi mình đi đến đâu ai mà biết được. Hàng rong bây giờ không chỉ có dân Phụng Công chở cây cảnh hoặc các cô bán táo bán ổi thường tụ tập ở đầu các ngã tư, mà còn có những người chở cả giường gỗ đã tháo buộc dọc xe máy. Các cửa hàng điện lạnh thì cho nhân viên đèo ngang những ti vi với tủ lạnh đóng trong hộp giấy, họ nhởn nhơ bao nhiêu mình sợ vạ lây bấy nhiêu. Nên biết thêm là dân biến đường xá thành nơi làm ăn này thường có ý thức tranh giành rõ ràng. Họ bấm còi tàn bạo, dùng còi như một thứ công cụ áp chế mình. Từng nghe có người nhận xét là cách đi đường của dân Hà Nội không khỏi mang một chút yếu tố bạo lực, nghĩ kỹ thấy có lý. 
Hình như cách đây vài năm đã có lệnh là cấm cái việc vừa đi đường vừa gọi điện thoại di động. Nhưng gọi di động trên đường bây giờ đã thành một thói quen, một cái mốt, một căn bệnh. Có lần tôi thấy một thanh niên vừa ngồi lên xe đi đươc độ chục mét là mở di động ra gọi luôn. Tại sao cậu ta không gọi từ trước nhỉ, tôi thầm tự hỏi để rồi tự trả lời rằng cái lối suy nghĩ của mình cổ rồi, không ai nghĩ như thế nữa. Biết rằng lớp trẻ bây giờ tài lắm, có cậu nào vì gọi điện mà đâm đổ đâu, song tôi cứ sợ bóng sợ gió, thấy ai đang ngồi xe mà thò tay vào túi rút di động ra là tránh cho xa. Cũng tương tự như khi thấy các cô cậu đèo nhau ngả ngốn đùa dỡn với nhau ngay trên đường, việc của người ta mà thấy gai cả mắt. 
Biết rằng xe buýt là một nhu cầu thiết yếu của người nghèo cũng như những người ngại phải ngồi xe máy đi làm, song dạo này thiện cảm của bọn tôi với thứ xe chềnh ềnh như một căn nhà di động này giảm hẳn. Có gì đâu, với đám xe máy trên đường thì một chiếc xe buýt đi qua rồi nhả lại phía sau một làn khói đen xì là cả một tai vạ, giá trốn xuống đất được hẳn nhiều người cũng trốn luôn.
Trước khi đi làm ngại ngùng, dắt xe về được đến nhà, mới cảm thấy yên tâm rằng mình còn được sống đến ngày hôm sau -- cái tâm trạng ấy tôi tin là đang ngự trị ở nhiều người. Nhưng biết làm thế nào, tối nay sợ mai đến lượt chúng tôi đi lại phải đi. Tình thế cũng giống như dân mê đá bóng mình mấy hôm nay : Xem trận Việt Nam thua Thái hôm 24-1, đã tính từ nay thề là không ra sân nữa, thật tiếc cho mấy trăm bỏ ra mua đôi vé. Nhưng tôi biết giả sử tháng sau có một trận như thế, rồi người ta lại bảo nhau hò hét cổ vũ, lại bồn chồn rủ nhau đi tranh vé bằng được cho mà xem. Nhẫn nhục vẫn cứ là hơn, bởi lấy đâu ra một cuộc sống khác để chúng ta lựa chọn ? 

5-2 

Hiện đại hôm nay, 
vừa thích vừa sợ ! 

“Đi chậm thôi! Đừng có phóng! Không nhớ là con nhà cô Mơ đã bị rập sọ vì xe bị rải đinh trên đường từ cầu Thăng Long lên Nội Bài đấy thôi”.Vợ tôi ngồi sau xe máy luôn mồm nhắc tôi như vậy, khi chúng tôi đi theo con đường cao tốc từ Hà Nội lên Bắc Ninh. 
Vì muốn đi nhanh, nên lần đầu chúng tôi chọn con đường này. Đường vắng. Xe pháo thưa thớt. Nhưng chỉ một lúc thì thấy ngần ngại. Hóa ra cái điều mà con người ta từng ước ao, lúc đối mặt lại thoáng qua một chút rợn ngợp, và có lúc như là hãi sợ. Mình thuộc về những con đường mấp ma mấp mô và xe cộ chen chúc, còi bóp inh ỏi cơ! Chứ mình không sinh ra để đi trên con đường này.
Nghe dân tình đồn đại là một vài người lần đầu sang châu Âu, đến với những Venise, Milan, Madrid , thấy xa lạ quá, khóc đòi về. Chắc lúc ấy họ cũng ở vào cái tâm trạng của vài người trên đường cao tốc lúc này. Sống quá lâu trong cái cổ lỗ thô sơ, làm sao người ta quen ngay với những cái hiện đại xa lạ kia! Hơn nữa, muốn thưởng thức được những văn minh tiến bộ ấy, phải có trình độ, chúng tôi học không kịp. 
Từ lâu tôi đã bị ám ảnh bởi cái thành kiến là ở xứ mình, chẳng bao giờ có cái gì hiện đại cho được triệt để. Chẳng nói đâu xa, cầu Thăng Long tồn tại đã từng ấy năm nhưng riêng đoạn đường từ đê sông Hồng lên cầu, thì vẫn chắp vá, cát có chỗ từ đường đất tràn ra tận đường nhựa ,tha hồ bốc bụi . Với đoạn đường số một tôi đang đi cũng vậy. Từ mạn Từ Sơn trở lên, bắt đầu thấy có những chiếc cầu vượt bắc ngang. Dưới chân cầu, hiện ra những hàng rào lưa thưa đan bằng dây thép gai. Đã đoán đươc là cần làm thể để ngăn không cho dân lợi dụng mở quán bán hàng (?), song bọn tôi vẫn cứ thấy chương chướng thế nào. Dây thép gai gợi một thời rất hung dữ và rất hoang dại, chẳng nhẽ không có gì thay thế chăng ? Đã làm được cả con đường, sao không làm nốt ít tấm chắn bảo vệ ?
Đã đến khu vực ngoại ô Bắc Ninh, trước một cầu bắc ngang, chúng tôi tìm biển trỏ đường về Cầu Hồ không thấy, đành phóng độ nửa cây số lên cây cầu phía trước. Đến đây mới lại thấy bảng chỉ dẫn là cầu sau này đi về Phả Lại. Tức là đáng lẽ phải rẽ lên từ cây cầu trước. Đành quay ngược xe. Mà có đơn giản đâu, phải lên cầu ngang rồi tìm đường xuống, sang con đường xuôi về Hà Nội. Lòng vòng một hồi, tính ra mất hơn nửa tiếng đồng hồ, nghĩa là bao nhiêu ý định đi theo con đường hiện đại cho nó nhanh, hóa ra hỏng hết. 
Trong truyện ngắn Con so về nhà mẹ, nhà văn Thanh Tịnh từng kể trường hợp một cô gái đi làm dâu ở làng xa, cứ về nhà chồng thì nhớ nhà mẹ đẻ, lúc quay về nhà mẹ đẻ lại nhớ nhà chồng. Vì cả hai nơi đều nghèo đều chán, đều không phải với cuộc đời mà người ta ước ao và thường tưởng tượng ra. Cái tâm trạng bọn tôi hôm từ Hồ quay ra Hà Nội cũng vậy. Rút kinh nghiệm đợt đi, lần này chúng tôi đi theo con đường liên tỉnh, từ Đông Côi qua Dâu Keo ra đường 5. Vì có nhiều công trường mới mở, đường bụi mù. Và cũng vì bị xe công trường chở cát san lấp mặt bằng quần suốt ngày, đường đầy ổ gà, suýt nữa vì muốn tránh một đoạn ổ gà đó ( đúng hơn là ổ trâu ), xe tôi đã húc phải một xe tải. Lúc này, tôi mới thấy nhớ đoạn đường cao tốc buổi sáng và tự nhủ không chừng bận sau, mình sẽ vẫn đi con đường ấy, ít ra là một lượt. 


12-2,19-2 nghỉ tết 

26-2 

Đẩy nhau đến sự hư hỏng 

Tết năm ngoái mới đi làm tôi đã nghe chị em cơ quan kêu trời vì tình trạng ô sin các nhà bỏ việc lên muộn. Năm nay thì cái tai vạ đó lại đã nhân ra và lan đến với nhiều người quen . Xóm giềng đều một cảnh chung . Nhà này mỏi mắt chờ mấy hôm sau thấy báo lên là nhớ các bác lắm, nhưng bố mẹ cháu bảo cho cháu nghỉ. Nhà kia tệ hơn, tun hút con mẹ hàng lươn, lặn luôn không thấy tăm hơi, mò mãi không ra tung tích. Còn chính gia đình tôi thì bà giúp việc trông đứa cháu nội cũng nhẹ nhàng xin thôi vì đã già rồi, các cháu – tức là con cái bà ta ở quê -- chúng nó bảo là làm gì không rau cháo nuôi mẹ được, không cho mẹ đi làm xa nữa . 
Tôi nghe một người suy nghĩ: “ Thật quá tệ bạc, chiều như chiều vong mà quệt mỏ nhanh như thế “. Còn một người khác ra vẻ nhiều thông tin hơn “ Không tử tế gì bằng tử tế tiền. Ở phố trên, bây giờ người ta trả đến gần triệu một tháng. Mấy nhà mình ở đây quanh quẩn có dăm sáu trăm, gì mà họ không bỏ đi “.
Ồ, thế này thì tôi hiểu rồi !
Bảo là chuyện riêng của mỗi gia đình, nhưng thật ra đây còn là vấn đề của các xã hội bắt đầu phát triển, người ở nông thôn bỏ lên thành thị làm ăn, tạo nên làn sóng di chuyển người mỗi năm một mạnh. 
Có điều lâu nay ở ta, quá trình này không được dư luận quan tâm, mạnh ai nấy làm, mỗi địa phương dân tự phát một kiểu. Ở các nước văn minh, việc mướn người được quy định thành pháp luật, công việc của người đến làm ra sao, công xá ra sao, khi một bên vi phạm hợp đồng ( chăng hạn muốn thôi ) thì phải bồi thường ra sao…, tất tần tật đều có quy định rõ ràng. Còn ở ta thì cả hai bên cùng tùy tiện, việc chẳng ai dậy ai, mà công xá cũng trông nhau mà trả. Thành thử nhìn bề ngoài thì lúc nào cũng ân huệ tình nghĩa, mà bề trong thì lúc nào cũng oán trách nhau. Người đi làm cay đắng nghĩ rằng mình bị ép làm quá sức công lại quá bèo. Các nhà chủ thì phàn nàn, mới ra còn vun vén chăm chỉ, được vài ba tháng lười chảy thây, chỉ ngong ngóng ăn cắp. 
Có lần tôi nghe một bà chị họ cả quyết “ Đến chín mươi phần trăm ăn cắp chú ạ, nhưng cần thì phải thuê thôi “. 
Tôi không tiện can bà đừng khái quát hàm hồ vậy, chỉ xác nhận một điều : chính là trong khi lên thành phố làm ăn, người dân nông thôn xưa nay có tiếng chăm chỉ thật thà, giờ bắt đầu khôn ra, với nghĩa hư hỏng đi. Tức là một quá trình tha hóa đã xảy ra. Mà nguyên nhân thì đơn giản lắm, chúng ta – cả người dân thành thị mướn người lẫn dân nông thôn giúp việc – đều quá dễ dãi, không tìm ra được công thức thích hợp để giữ cho được mối quan hệ lâu dài. 
Ngay từ những ngày đầu năm này đã có thể dự đoán cái cảnh kêu trời vì ô sin bỏ việc, sang năm lại còn phổ biến hơn ,Tết sang năm lại được nghe nhiều lời than phiền hơn . Cái nước mình nó thế , ai bảo ai được! 



5-3 Nhìn thiên nhiên mà sống 

Hình dung lại những mùa đông xưa, khi bản thân còn nhỏ, sao trong đầu óc tôi thường hiện lên rất nhiều ngày mưa. “Mưa lâm râm ướt đầm lá hẹ “ trong ca dao, “Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm “ của Huy Cận. Và đây thơ Bằng Việt “ Mưa trên áo khiến động lòng tuổi trẻ ‘’, thơ Lưu Quang Vũ “Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa “ … nhớ đủ thứ mưa trong thơ, bởi ngoài đời mưa nhiều thật. 
Mùa đông 2006 lại cho thấy một sự bất ngờ của thiên nhiên. Ba bốn tháng liền, Hà Nội gần như không mưa. Trời đẹp, nhiều hôm nghe cô Đan Lê cô Thu Trang nói trong bản tin thời tiết “ Chúc các bạn có những ngày nghỉ cuối tuần tuyệt vời “ không hẳn vui mà cứ thấy nao nao. Vẫn biết nắng vàng trời hanh thì thú vị thật, nhưng tận trong đáy lòng, tôi vẫn nhớ những ngày mưa, hình như mình quen với mưa hơn.
Cầu được ước thấy, cả tuần vừa qua, trước tết Nguyên tiêu, không có lấy một ngày nắng trọn vẹn. Lúc nào bầu trời trên đầu cũng lảng vảng những đám mây. Lúc nào trời cũng ủ mưa dù không phải mưa. Cái nẳng thoang thoáng. Có thể sắp nắng bừng lên nữa. Mà cũng không chừng lại sắp mưa. 
Những ngày khô hạn đã dạy cho tôi biết thế nào là sự quyết liệt của đời sống. Cả trái đất nóng lên. Nhiều thành phố nằm sát mép nước biển bên Italia có khả năng bị nước tấn công. Năm ngoái năm kia bên Paris khối cụ già chết vì nắng cơ mà. Bây giờ cái gì cũng thái quá. Chuyện mưa thuận gió hòa chắc chỉ còn trong sách vở. Giá kể bây giờ ai đó đùa đùa mà dự báo rằng phải chuẩn bị phương án nhỡ có lúc sông Hồng cạn phơi cả đáy thì cũng không thể mắng là người ta điên được. 
Những ngày dở dang mưa nắng lại càng dạy tôi tập quen với mọi khả năng sắp tới. Giá cả leo thang ư ? Trong phở có hooc môn ư ? Tai nạn giao thông ngày một dày hơn ư ? Thị trường chứng khoán lúc nào cũng như trái bong bóng bơm căng ư? Điện lại sắp sửa cắt trên diện rộng ư? Dịch cúm gia cầm vừa chấm dứt lại bùng phát ư ? Điều gì cũng có thể xảy ra, kể cả những điều xấu nhất lẫn những điều tốt nhất. Về mặt lý tính, tôi tin như vậy. Và tôi tự bảo tôi không có quyền buồn, mà chỉ có quyền vui. Lúc đầu chưa quen, cái vui có thể gượng gạo, nhưng rồi cái vui chân chính sẽ tới, niềm vui của sự hiểu biết và thích ứng. Một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Đức B. Brecht(1898 -1956) kể lại một cuộc đối thoại giữa ông và cậu con trai . Mỗi lần người con đưa ra một câu hỏi có học môn này môn kia không, thì ông đều trả lời không. Không Toán. Không tiếng Pháp. Không sử. Học để làm gì ? Không biết ư ? Vậy thì cái gì cũng không , nhiều lần ông bảo con vậy . Để rồi cuối cùng ông lại gói gọn trong một câu “ Ừ con, môn gì cũng phải học cả “. 

12-3
lòng từ thiện , những câu hỏi 

Trong bài tạp bút Cái cốc ba mươi năm in trong tập Giấc mơ ông thợ dìu, Tô Hoài kể chuyện có lần đến một vùng núi, vùng đất quá nghèo, có mỗi chuyện lo nước ăn ở sinh hoạt cũng chật vật, mấy lần tỉnh huyện về giúp cũng không làm nổi. Ghé vào một gia đình xin nước, Tô Hoài đưa cho ông cụ chủ nhà một đôi cốc thô, loại cốc thủy tinh cầm đi từ một cửa hàng bia. Vậy mà ba chục năm sau, đi qua thì đó vẫn là một vùng thiếu nước. Tại các chợ vẫn thấy bán loại chậu gỗ, các gia đình mua về, vo gạo rửa thịt khô, rửa chân cũng chậu nước ấy. Gia đình thay đổi, ông cụ già xưa đã chết, người con trai ngồi đấy trông cũng nhang nhác như ông bố ngày trước,và giữa đống gọi là tài sản gia đình vẫn đôi cốc xưa, như một của gia bảo .
Tôi đọc mà lòng cứ buồn buồn ,có ai dám chắc rằng những chuyện Tô Hoài kể giờ đây hoàn toàn không có ? Rồi tôi lan man nhớ sang những đợt làm từ thiện xã hội vẫn phát động. Không phải đợi đến những kỳ lũ lụt mà hàng ngày chúng ta vẫn nghe có sự kêu gọi giúp đỡ người nghèo. Cái cảnh người đứng xếp hàng bỏ phong bì vào hòm kính để quyên góp đã thành quen thuộc trên các chương trình truyền hình. Tuần trước, còn nghe có chính sách cho các hộ nghèo được vay với mức lãi 0%, điều kiện được vay là phải thật nghèo, tổng giá trị tài sản không quá ba triệu đồng, cố nhiên phải có họp hành bình tuyển xác minh trước khi cho vay chính thức .
Thế nhưng thử hỏi chúng ta đã có thể an tâm với cái việc đó chưa? 
Đáng lẽ phải lo đường xá cho đàng hoàng để đưa khoa học kỹ thuật và nền nếp làm ăn mới tới những vùng đó. Đáng lẽ phải lo mở trường đưa con em đồng bào đi học. Đáng lẽ phải giúp để người dân địa phương có thể tự trưởng thành lên, tự lo lấy đời sống của mình và với thế mạnh tiềm tàng, đóng góp vào hoạt động chung của đất nước... Đáng lẽ phải như thế ! Đó là trách nhiệm chung mà chính đó mới là sự giúp đỡ nhau thiết thực. Những việc cấp bách đó , ta đã làm được bao nhiêu?
Nếu xem xét sự việc theo kiểu ấy thì chắc chắn còn lâu chúng ta mới có thể an tâm với lòng từ thiện mà chúng ta đang tự hào, một thứ từ thiện đắp điếm tạm thời hơn là có ý nghĩa lâu dài .
Lại nhớ có lần còn thấy đài báo tố cáo vài nơi quỹ từ thiện quản lý lỏng lẻo , người ta xà xẻo ngay vào số tiền thu được từ quỹ , trước khi đưa nó tới các địa chỉ cần tới .Liệu có phải các sáng kiến loại đó chỉ có tăng lên chứ không giảm ?
Rồi còn trường hợp các công ti tham gia quyên góp cốt để quảng cáo tiếp thị .Từ hồi 1936-1939 , trong Vỡ đê Vũ Trọng Phụng đã nói tới cảnh mỗi lần làm từ thiện là một dịp để con cái các ông quan huyện quan tỉnh trưng diện , lăng –xê những mốt quần áo mới . Sáu bảy chục năm qua đi mà lòng người có khác được bao nhiêu ?

19-3 
Không phải chuyện riêng của Đà Lạt 
Báo chí gần đây có nhiều bài đả động đến chuyện môi trường bị phá hoại : rác tràn ngập có thể khiến các khu du lịch đóng cửa; rày nâu tấn công Cao Lãnh, thị xã của tỉnh Đồng Tháp; và ô nhiễm khiến cho ngày càng xuất hiện nhiều hơn những cơn bão lớn... Lại riêng có một bài nói về sự nóng lên của Đà Lạt. Nắng, nắng rất dữ, cái nắng cháy da làm mất đi vẻ đẹp riêng của những con người xứ lạnh. Buổi sáng sương không còn giăng. Những dải hoa hồng hoang sơ trước kia bốn mùa khoe sắc trên nhiều con đường ngõ xóm nay không còn nữa. Trong các mảnh vườn riêng của từng gia đình,các loại sâu bọ lỳ lạ xuất hiện. Nhiều người vào đây từ sau 1975 bắt đầu nhớ lại Đà Lạt ngày họ mới vào, nhớ tới Đà Lạt ngày xưa mà họ mơ ước.Trong cơn bừng tỉnh, thậm chí có người còn sử dụng đến cả cách nói “ Chúng ta đã “bức tử “ Đà Lạt “ ( báo Tuổi trẻ 7-3 -07), một cách nói hơi sốc, nhưng có thể thông cảm ở chỗ thấy hình như tất cả chúng ta đều có lỗi trong việc làm hỏng từ thiên nhiên, khí hậu, tới kiến trúc nhà cửa và con người của một vùng đất kỳ thú.
Từ Đà Lạt tôi nghĩ tới Hà Nội tôi đang sống. Sự thay đổi của Đà Lạt đã được chốt lại trong hai chữ ” nóng lên “ để báo động. Còn với Hà Nội và nhiều đô thị nhiều vùng quê khác, diễn biến không rõ lắm, nên người ta hay lấp liếm bỏ qua, giống như cái lối tự mình đánh lừa mình. Nhưng thử nhìn kỹ xem : Hà Nội rãnh nước đen ngòm chảy bên lề đường phố cổ và chuột chết vứt cho xe kẹp. Hà Nội nhà xây cái cao cái thấp cái lai tàu cái lai tây lô nhô loạn xị và cây xanh bị triệt hại để lấy chỗ bán hàng. Hà Nội nắng hanh đường quẩn đất bụi. Hà Nội những tầng nước ngầm trong lòng đất bị ô nhiễm, một số giếng đào lên nước không dùng được. Hà Nội người ném rác hàng ngày xuống sông Hồng. Hà Nội không còn vỉa hè và thanh niên không biết thế nào là niềm vui đi bộ. Nếu so với Hà Nội 1954, hoặc Hà Nội trước 1975 thôi thì đã có bao điều tốt đẹp mất đi mà nếu thành tâm yêu Hà Nội người ta phải lấy làm tiếc.
Đọc một tài liệu nghiên cứu về môi trường, tôi thấy một nhà khoa học bảo rằng cái đáng sợ nhất là những sự cố trường diễn, tức là những thay đổi theo hướng thoái hóa song rỉ rả mỗi ngày một chút nên dễ bị bỏ qua, và khi nghĩ ra thì đã muộn. Những mất mát của Hà Nội và nhiều đô thị khác là theo hướng này, và cũng đã đến lúc chúng ta phải nghĩ về cái môi trường đô thị này nhiều hơn, nhất là nghĩ xa xa hơn chứ không phải chỉ dừng lại với những vui buồn trước mắt.
Tôi cho rằng khi bàn về môi trường, còn phải nhắc nhau một điều đơn giản : ở đây sự lỗi lầm không của riêng ai. Mà trong nhiều việc nho nhỏ hàng ngày hầu như tất cả chúng ta có lỗi. Chỉ riêng cái việc nhiều khi chúng ta thản nhiên trước những hành động sai trái của người khác, cũng đã là một kiểu sự cố trường diễn “ đóng góp “ vào việc phá hoại môi trường đang xảy ra trước mắt. 

26-3 
Thiếu điện 

Khi hồi tưởng lại những ngày trước chiến tranh, dân Hà Nội có thể nhớ tới cảnh thiếu gạo thiếu củi đun chứ không có chuyện thiếu điện. Đơn giản là hồi ấy ngay những nơi cách trung tâm thành phố vài cây số cũng còn dùng đèn dầu. 
Chiến tranh thì mất điện nhiều hơn, nhưng nó lại có cái lý của nó, đang thời chiến cơ mà ! Sau những đợt báo động máy bay, việc đầu tiên sau khi nghe tiếng còi báo yên là bật lại công tắc điện, và người lớn trẻ con cùng reo lên khi ngọn đèn trong nhà sáng trở lại —hình như cuộc sống tưởng mất đi nay đã trở về với mình. Nét tâm lý này đã được nhà văn Đỗ Chu viết trong một bài bút ký về Hà Nội và được nhiều người xem là chi tiết đắt giá.
Bẵng đi một dạo, tưởng không bao giờ biết tới chuyện mất điện. Không thiếu gì các sự cố xảy ra, có khi là cả bốt điện bị nổ, song người ta yên tâm là tạm thời thế thôi. Có oán chăng thì người ta chỉ oán là ông “ điên nặng” không báo cho người ta biết trước.
Còn hơn hai tuần nay thì khác. Các loa phường thêm một lý do để tồn tại, điện được thông báo trên loa nhiều lần. Cắt điện được báo trước, cắt ở tổ nào cắt bao lâu, từ mấy giờ đến mấy giờ nói đầy đủ cả. 
Chỉ có điều nỗi khổ sở vì thiếu điện không vì thế mà nhẹ nhàng hơn. Người cứ hẫng đi y như trong mộng, chứ không phải cái không khí sôi động thờì hội nhập như mấy tháng trước. Nhân viên cơ quan ra quán nước vỉa hè ngồi chơi hoặc kéo nhau đi chợ, thật chẳng còn ra thể thống gì nữa. Con tôi đi học về kể nhà trường cần dặn dò điều gì, phải dùng loa pin. Trong lớp tối om, bảng mờ, phấn mủn, trẻ con kêu là không nhìn thấy chữ, cô đành cho chúng nó ngồi kể tiếu lâm cho hết giờ.
Cảnh mất điện đến gõ cửa từng nhà. Nhớ lại thời cả nhà chỉ phải trả tiền cho một bóng điện, thấy xa xôi quá. Quạt máy, tủ lạnh, tivi, nồi cơm điện, lò vi sóng …nhà nào bây giờ cũng lủng củng đủ thứ, dùng quen mất rồi. 
Trước kia mất điện chỉ bó gối ngồi im. Nay thì chạy đôn chạy đáo. Điện hệ thống vừa mất thi ở các nhà nghỉ -- một đặc sản của dân Gia Lâm chúng tôi --, các cô các cậu nhân viên đã đẩy ra đủ loại máy nổ. Tiếng kêu rè rè. Khói quẩn lên, y như một đoàn xe máy vừa chạy qua. Khổ nhưng mà vui. Kinh nghiệm được nhân lên rất nhanh. Không chỉ nhà nghỉ mà các nhà dân thường có máu mặt cũng nhanh chóng “máy nổ hóa”. Thế là cùng một căn phố với nhau mà nhà này lặng ngắt đi trong tối tăm còn nhà kia loa mở xập xình nhạc tây.
“ Thế mới biết dân mình giàu lên bao nhiêu so với ngày trước!”. Sau một ngày mất điện có người tổng kết như vậy để tự an ủi. Tôi cũng thấy phải, bụng dự đoán cứ mất mãi như thế này thì chắc sẽ đến lúc mỗi nhà một máy nổ, như mỗi nhà mấy xe máy. Từng gia đình khá tài trong việc lo riêng, còn một mảng lưới điện ổn định cho xã hội thì không sao lo nổi, đấy cũng là đặc điểm của sự giàu lên hôm nay. 


Bạn sẽ bảo là tôi nói ngoa , khi bảo rằng những ngày thiếu điện là những ngày hạnh phúc . Tôi xin bổ sung ngay : Không điều đó không đúng với số đông . Đây tôi muốn nói số đông nghèo , không đủ tiền mua máy phát điện . Với đám người này , mất điện là gì ? Là phải lôi nồi niêu ra thổi cơm chứ không dùng được nồi cơm Nhật . Là những bữa ăn trong ánh nến . Là ăn xong nằm lăn ra giường , nếu cần có thể thiếp đi ngay được . Khổ lắm chứ . Với đám thanh niên ham hoạt động , khó chịu lắm chứ . Nhưng hãy nói tới một thiểu số đặc biệt , một số người già . Với loại người này mất điện lại có cái sung sướng của nó , vì được nghỉ ngơi trong bóng tối . Bóng tối vốn cho người ta trú ẩn . Bóng tối cho người ta đơn độc với chính mình . Khỏi phải nghe đài hay xem Ti vi . Khỏi phải nghe loa hàng xóm sập sình . Khỏi phải dạy con học . Người ta trở lại với cái tôi trần trụi của mình . Người ta nhớ lại những năm chiến tranh , khi thiếu đến cả bao diêm , rồi vẫn sống được cả . Trong sự đơn độc với chính mình , người ta được phép nghĩ vẩn vơ . Hạnh phúc là ở chỗ ấy . Chỉ có điều có một câu hỏi được đặt ra là : Tại sao cách đây vài tháng , khi tổng kết hoàn thành kế hoạch một năm và sang năm mới , không ai dự kiến chuyện này sẽ xảy ra . Ờ cũng nghe mang máng là sẽ thiếu điện , nhưng có ai dự kiến được mức độ nó tàn tệ đến như thế này đâu ? Giá có ai nói trước cho mình thì hạnh phúc sẽ trọn vẹn hơn chăng ?
Nhân Ngoài tình trạng thiếu điện có một chuyện khác cũng là thời sự, 

2-4
Lo có , buồn có 

-- Sau khi mua xong cái xe máy cho đứa con thứ hai mà lòng tôi cứ bâng khuâng không yên, lo có buồn có !
Giả sử bây giờ nghe tôi nói vậy hẳn mọi người sẽ bỏ qua chả buồn để ý nghe. 
Trong bụng, chắc có người còn thoáng qua cái cảm giác ngán ngẩm, cho tôi là giả vờ giả vịt, hoặc ra cái điều lập dị !
Nhưng quanh đi quẩn lại tôi vẫn cứ bị cái ý nghĩ “kỳ kỳ “kia chi phối. Đành ngồi tự giải trình cho mình, trước khi chờ có ai hỏi thì giảng giải đầu đuôi xem họ có nghe được không. 
Gia đình tôi cũng chỉ thuộc loại trường thường bậc trung trong xã hội. Cùng lúc với chúng tôi, có biết bao gia đình khác, con cái lớn lên và cũng bước vào những cuộc sắm sửa nho nhỏ, từ chỗ ăn chỗ ở tới phương tiện đi lại .
Có dịp để ý phương tiện giao thông trên đường, người ta phải mừng khi thấy có nhiều loại xe mới xuất hiện. Có thể đoán ngay nay là lúc đám trẻ năng động làm ra nhiều tiền và thích ăn diện để khẳng định mình, đám trẻ ấy đang bước vào một cuộc đổi xe ( Tương tự như nhiều gia đình trước làm tạm chỗ để ở, nay phá đi làm lại nhà cho phù hợp với nhu cầu ăn ở hiện đại ).
Nghe lõm bõm không rõ có đúng không nhưng đâu có ngày cao điểm Hà Nội đăng ký hơn một vạn xe mới. Và tổng cộng thành phố hơn năm triệu dân này có tới 1,9 triệu xe máy.
Viễn cảnh một đô thị như vẽ ra trước mặt tôi : xe máy nối đuôi nhau thành hàng lũ lượt ; xe máy ken chặt đường phố ; xe máy lấp đầy các khoảng trống giữa người với người. Chẳng phải là ở khu phố cổ hiện nay, người đi bộ thường phải len lỏi giữa những chiếc xe máy chiếm chỗ vỉa hè đó sao ?
Trên lý thuyết mà xét, rồi sẽ đến lúc thành phố không còn đường mà đi. Và nếu như ngày ấy còn rất xa thì ngay ngày hôm nay, người ta đã dự đoán được những phiền phức rõ rệt. Xe nọ xe kia lủng củng tránh nhau. Đường phố nhiều chỗ bị tắc. Nhiều quãng đèn đỏ phải chờ hai ba nhịp mới qua nổi. 
Còn cái vạ lớn là tai nạn giao thông ư, xe nhiều thế này thì đâm đổ nhiều hơn là cái chắc.
Bây giờ thì chắc bạn đã bắt đầu thông cảm với nỗi lo của tôi rồi chứ ? Tôi nghĩ chẳng có gì xấu nếu vừa làm lây nỗi lo sang bạn.
Người lo xa đang là một khái niệm không hợp thời ở nhiều gia đình Hà Nội. Con cái vốn không thích nghe người già lo xa vẽ ra những bức tranh mờ xám tương tự. Còn giá như một người bà con bên quê mà nghe được một người người dân Thủ đô lo như vậy thì họ sẽ cho một câu xanh rờn :
---Rõ lo bò trắng răng !
( Câu thành ngữ này nếu được đọc đầy đủ thì sẽ là : Lo gì mà lo-- lo bò trắng răng—lo ông trời đổ, lo thằng trên cao !)
Chính ở chỗ thấy không mấy ai thông cảm cho nỗi lo ngớ ngẩn nói trên mà, thú thực, tôi thấy thoáng qua một nỗi buồn. Chúng ta là một xã hội chỉ thích bàn chuyện trước mắt, còn sang năm sang năm nữa ra sao, người ta không quan tâm.



9-4 

Chỉ có những căn bệnh là …bền vững

“Người nuôi tôm hùm ở Sông Cầu Phú Yên đang đứng trước nguy cơ trắng tay. Thiệt hại lên tới vài chục tỷ đồng ”. “Ở Khánh Hòa nhiều cơ sở tôm thất thu “. “Ở..” “Ở..” 
Những tin này tôi nghe thoáng trên ti vi, tuần qua hay tháng qua, cũng không nhớ hẳn.
Gần đây việc đưa các tin thất thiệt loại này thường chỉ diễn ra rải rác trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nó không quyết liệt ghê gớm như nạn cúm gia cầm, hoặc dịch lở mồm long móng, tức không phải loại nguy cơ gây chết người --, nguyên nhân đầu tiên khiến bị lớ lờ lơ đi là thế. Mà đâu như còn một nguyên nhân nữa: loại thất thiệt này sờ đâu cũng thấy. Nên mọi người coi như tất nhiên, chả buồn để ý.
Còn nhớ mấy năm trước, cả một chương trình giúp ngư dân đánh bắt xa bờ bị phá sản. Rồi chương trình nuôi bò sữa ở nhiều tỉnh trung du và miền núi cũng thế. Báo cáo về các dự án ấy,chỉ nói là cán bộ quan liêu làm ăn sai sót, với lại người dân ý thức không cao.
Nói ra thì bảo không phải việc chuyên môn của mình, xen vào nói leo, nhưng theo tôi sở dĩ các chương trình làm ăn vài chục tỷ đó thất bại, lý do là ngay ở khâu kỹ thuật. Có phải chỉ cần đóng mấy cái xác thuyền to là bắt được cá đâu ? Còn phải có máy móc và phương tiện bên trong, các loại lưới loại kho chứa hiện đại. Còn phải có hiểu biết về từng vùng biển. Còn phải có kiến thức về khí tượng thủy văn. Còn phải có sự đồng bộ của quản lý và truyền tin. Trong khi ai cũng biết không thể giao cho người chỉ quen đi xe đạp lái một cái ô tô, thì đằng này người ta lại xui ngư dân quen đánh gần bờ đi ra biển lớn, hỏng việc là phải, toàn người tốt mà vẫn hỏng việc. 
Nay việc nuôi tôm cũng tương tự. Các cánh đồng tôm dễ thành bãi tha ma tôm vì những người trong cuộc không có kinh nghiệm, lại không có sự hỗ trợ của kiến thức. Chẳng hạn như tôm chết ư, đơn giản lắm, ngoài nguyên nhân thông thường, nuôi không đúng kỹ thuật có một nguyên nhân dạo này người ta hay nói -- chủ yếu là tôm bị bệnh.
Thế nghĩa là không phải cứ muốn nuôi tôm là được. Trong thời đại hiện nay còn phải có ngành nghiên cứu thủy sản đi kèm.
Một viện nghiên cứu như thế lấy đâu ra bây giờ ? Kinh phí hạn hẹp thảm hại. Cán bộ có ít kinh nghiệm cũng chỉ nhăm nhăm bỏ nghề nghiên cứu để ra quản lý. Vì quản lý thì mới có cái ăn, ở viện có muối mặt xà xẻo cũng chẳng được bao nhiêu. 
Các cơ sở sản xuất không có kinh phí dành cho nghiên cứu. Nhà nước thì lại nghèo. 
Thế tức là đang có một tình trạng sản xuất kinh doanh mạnh ai nấy làm, không học cũng làm, chỉ cần nghe mang máng là bắt tay vào làm, không nghiên cứu nghiên cò gì hết, hỏng thì bỏ đi làm việc khác. 
Chỉ gọi báo chí đến tuyên truyền cho lúc khai trương. Còn lúc thất bát, trốn đi cho nhẹm.
Cái gốc của kiểu làm kinh tế này là ở tình trạng sản xuất manh mún tiểu nông. Trong cả cái “biển” tiểu nông thế này, ngành nào thoát được. 

16-4
Ngợi ca sống chậm 

Dăm bảy năm về, trước nhiều người chỉ hiểu sách bán chạy best-seller là tiểu thuyết. Gần đây chúng ta biết rằng trong khái niệm này trong tiếng Anh còn bao gồm loại nữa, gọi chung là non - fiction. Sách để tra cứu. Sách phổ biến kiến thức. Sách dạy cách sống, cách làm việc, hướng dẫn nghề nghiệp vv…
Theo sự phát triển của hội nhập, các loại non - fiction này cũng bắt đầu tràn vào thị trường sách Việt.
Riêng cuốn Ngợi ca sống chậm của Carrl Honoré ( Nhà xuất bản Phụ nữ, 2006) thì còn hai lần độc đáo vì một lẽ nữa: nó ca ngợi một nếp sống mà người Việt chúng ta cứ tưởng là không hợp thời, đáng lẽ phải từ bỏ, đó là sống chậm.
Năm 1982, Larry Dossey, một bác sĩ người Mỹ đã đặt ra thuật ngữ “ căn bệnh thời gian ” để mô tả một tín điều ám ảnh là “ thời gian đang trôi đi, không còn đủ thời gian, và bạn phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa mới bắt kịp nó ”.
Ngay ở chương một, tác giả đã dẫn ra một nhận xét tổng quát như thế. Ông tự đặt cho mình một loạt câu hỏi : vì sao chúng ta luôn vội vã như vậy ? Đâu là phương thuốc chữa cho căn bệnh thời gian? Liệu có thể, hoặc thậm chí có nên ao ước, sống chậm lại chăng ? 
Những căn bệnh được tác giả miêu tả đủ loại, ăn nhanh, đi vội, sống gấp, làm việc đến kiệt sức, hưởng thụ ngoài sức tưởng tượng. Bởi ở mọi nơi mọi chỗ chúng ta khao khát tốc độ, nên đã tự làm hỏng cuộc đời đi, ông bảo vậy. “Thời đại của sự rồ dại “, tinh thần của khái quát đó trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm. Từ đó, ông giới thiệu một giải pháp ngược lại,đã tự phát hình thành trong thực tế và ngày càng được tin theo, đó là sẵn sàng sống chậm cốt tìm tới sự hài hòa. Những biện pháp nêu ra , như việc đan lát, như bớt thời giờ xem tivi, như để thêm thời gian đọc sách và làm vườn… chỉ là gợi ý. Cái chính là người ta phải tìm cho mình một nhịp sống hợp lý .
Có người sẽ bảo: cái lối sống nhanh này là ở bên Tây. Chứ người mình đang đủng đỉnh thế này, lại còn tính chuyện chậm nữa thì lạc hậu mãi còn gì.
Không , tôi cho rằng một nhận xét như thế là nhầm. Từ lúc nào đó, một nhịp sống gấp gáp cũng đang lôi cuốn chúng ta. Gấp gáp đến liều lĩnh. Và vội vàng đến bất cẩn , khiến cho công việc cứ rối tung cả lên mà vẫn chẳng việc gì ra việc gì .
Một người bạn tôi mới đây dẫn ra nhận xét của một người dân Singapore có dịp sống ở vài thành phố lớn của ta :
-- Người Việt các anh đã mất hết tính kiên nhẫn rồi hay sao ? Nên biết là ngay ở Singapore, việc chờ tắc – xi mất nửa tiếng với chúng tôi cũng là chuyện thường.
Trong hoàn cảnh ấy , việc bớt thời gian để suy nghĩ về một cuộc sống chậm sẽ mang lại nhiều lợi ích mà ta không ngờ tới .
Theo tác giả Carrl Honoré , nhanh thường đồng nghĩa với vội vàng, hời hợt nôn nóng, đặt số lượng lên trên chất lượng .
Còn chậm nghĩa là thư thái cẩn trọng, suy nghĩ thấu đáo, đặt chất lượng lên trên số lượng .
Ưu thế thuộc về bên nào, thật đã quá rõ , còn phải lựa chọn chi nữa ? 


23-4
tầm nhìn hẹp 

Có hai điều làm bọn tôi ngạc nhiên khi đi trên nhiều con đường Trung quốc mạn gần Việt Nam. Thứ nhất tất cả được làm theo đúng tiêu chuẩn quốc tế: mặt đường phẳng lỳ , dải phân cách rõ ràng ; đường xa nhà dân , mà cũng không có các đường cắt ngang, cần cắt ngang thì đều dùng cầu vượt ; các loại cống thoát nước chắc chắn, các loại biển báo đầy đủ. 
Và thứ hai điều này hơi khó tin hơn : đường rất vắng.
Khi tôi hỏi thì được chính ngững người dân thường trả lời giản dị có phải làm đường chỉ cho ngày hôm nay đâu , dăm bảy năm nữa lại đông bây giờ .
Dẫu sao trên những con đường thênh thang sáu làn rộng rãi, mà có khi vài trăm mét mới gặp một xe đi ngược, người ta vẫn không kìm được ngạc nhiên. 
Đọc báo chí nước ngoài thấy nói mới đây Trung quốc còn lo bao cho cả một cảng lớn bên Pakistan phía bờ Ấn Độ Dương, rồi mở đường tiếp để sau này nếu có mua dầu từ các nước Trung Cận Đông và châu Phi về thì theo đó chở thẳng lên vùng Tân Cương chứ không phải vòng về các thành phố ven biển phia đông nữa. 
Tầm nhìn người ta ghê thật !
Nghĩ về việc mình thì không khỏi buồn. Sự hạn hẹp trong tầm nhìn xuất hiện ở mọi chỗ . Hãy nói một chuyên chả có gì là quốc sự lớn lao mà cụ thể là chuyện chữa bệnh hàng ngày. Một người bà con của tôi đang sống ở Pháp. Ông kể rằng già rồi cũng muốn về Việt Nam sống nhưng cứ thấy ngại, không sao quyết định nổi. Lý do khá đơn giản, ông nói . Một chỉ sợ ốm không có được sự chăm sóc cần thiết; và một nữa con cái lớn lên đi học quá dễ hư . Riêng về y tế thì ông nói rằng không phải chỉ lo cơ sở vật chất kém trình độ y bác sĩ tầm thường mà cái chính là ông thấy người trong nước chữa bệnh lạ lắm. Y bác sĩ chỉ lo chữa cái phần hiện trạng cốt sao ngắt cơn, còn bệnh lâu dài không cần biết tuần này khỏi tuần sau mắc lại cũng mặc. Ngược lại nhiều người vừa ốm là sốt ruột sồn sồn chạy đi khám thuốc đắt bao nhiêu cũng chữa, miễn sao khỏi ngay, còn như dùng loại thuốc này sẽ có hại sao không cần biết. Tức cũng là một quan niệm sơ sài thiển cận về sức khỏe đang chi phối, nó khiến nhiều người chúng ta lúc nào cũng khỏe mà thật ra sức khỏe ngày một suy giảm.
Nhiều người dân bên một vùng nông thôn tôi ở vừa xây nhà xong được vài năm thì đã phải tính chuyện phá ra xây lại. Vì lúc đầu chỉ cảm thấy cần một cái nhà mới sau mới biết khái niệm về cái nhà bây giờ đã khác nhiều so với ngày xưa. Nhìn rộng ra thấy nhiều con đường ở ta vừa mở thì lại biết ngay rằng cần phải mở tiếp nhưng khốn nỗi lúc này nhà dân đã quây hết chung quanh rồi không lấy đâu ra tiền đèn bù nữa.
Đáng sợ nhất là những thiển cận hẹp hòi trong việc dùng người nó khiến cho chúng ta nếu may lắm tránh được tham nhũng ăn cắp thì cũng chỉ có những cán bộ thừa hành xoàng xĩnh mà không có những nhạc trưởng , những đầu đàn có tầm nhìn rộng rãi .

14-5
một triết lý cho phát triển 

Hồi còn chiến tranh nhu cầu động viên thanh niên đi bộ đội là rất cao. Nhiểu học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường khi cần cũng được gọi đi. Và để giúp người đi thêm yên lòng, có hẳn một chủ trương là những thanh niên như vậy dù không học xong cấp III cũng cho tốt nghiệp. Hơn thế nữa dù trước đó họ có là những thanh niên càn quấy đi nữa thì việc họ tự nguyện ra đi đã xóa sạch tất cả. Họ được coi là những người có hạnh kiểm tốt. Sự có mặt ở chiến trường đã là cái tiêu chuẩn lớn nhất để đánh giá con người.
Như chúng ta vẫn nói, mặt trận hiện nay là kinh tế. Nhu cầu của đất nước là phát triển sản xuất để thêm nhiều của cải hàng hóa, là xây dựng, là làm hàng xuất khẩu hội nhập …Trong hoàn cảnh một đất nước còn quá nghèo, hàng núi chi phí bầy ra trước mắt, thì tất cả các hoạt động đa dạng đó nói nôm na rút lại là làm sao để có tiền. Lý tưởng nhất là mỗi địa phương mỗi đơn vị cơ quan bớt ngửa tay xin trên mà tự làm thêm ra tiền để tự nuôi và nếu nộp cho nhà nước thì càng tốt .
Khả năng sinh lợi được coi là khả năng lớn nhất mà cấp trên đòi hỏi ở cấp dưới, nhà nước đòi hỏi ở người dân . Nó là tư tưởng mà cũng là đạo lý trong thời đại mới .
Một xu thế suy nghĩ đang thịnh hành, nó là một thứ luật miệng, người ta hiểu ngầm với nhau. Anh có thể đi buôn dù chức năng anh không phải là buôn ; anh có thể chạy chọt xin xỏ, anh có thể có những sáng kiến kỳ cục …Trong hoàn cảnh một đất nước mà luật lệ còn mơ hồ và sơ hở, anh có thể làm nhiều chuyện mà ai đó sẽ xì xào là sai trái, song trước mắt luật chưa với tới . Vâng, gần như anh có thể làm tất cả, cốt sao nảy sinh lợi nhuận, và góp thêm năng lượng cho cái bộ máy chung đang hoạt động. 
Nói theo ngôn ngữ tư biện , triết lý đang chi phối là mục đích biện minh cho thủ đoạn . 
Vậy là một trong những quy luật chủ yếu của chiến tranh đang được tiếp tục. Chiến tranh tưởng đã lùi xa mà dư âm còn vang vọng .
Lùi về xa nữa , tôi bắt gặp nó trong suy nghĩ của những bậc tiền bối vĩ đại như Phan Bội Châu (1867-1940) . Nhà cách mạng này nổi tiếng với quan niệm thủ đoạn nào cũng sẵn sàng dùng, miễn sao cứu được nước .
Trên báo chí gần đây thấy mọi người nói nhiều tới hai chữ triết lý . Giáo dục cần triết lý . Kinh tế cần triết lý . Mà cả sự phát triển của chúng ta cũng cần triết lý .
Thế thì nên đánh giá cái triết lý “ thủ đoạn nào cũng được miễn sao đạt được mục đích ‘‘ như thế nào ? Với tư cách một sản phẩm chiến tranh , ngày nay nó có nên tiếp tục ? Liệu nó có giúp cho sự phát triển lành mạnh của con người ? Liệu nó có thể bảo đảm cho sự phát triển bền vững ? 
Tự thấy trình độ mình chưa đủ để giải đáp những câu hỏi trên , tôi muốn ghi nó ra đây để chờ đợi những sự chia sẻ và cùng tìm tòi suy nghĩ tiếp .
SỐ TRUY CẬP online