Nguyễn Đình Nghi

Tôi ham đọc sách là do ông bố tôi dạy. Theo Thế Lữ : đọc sách là một cái thú lớn nhất trên đời này (hơn cả tình yêu).Ham biết, cái gì ông ấy cũng biết.
“Người trẻ tuổi phải biết viết nhật ký “, ở Pháp người bình thường cũng viết nhật ký, nó là nơi đề người ta nói những điều cần nói với mình.” Tôi viết đều 1948-50.
Ấn tượng mà Tự lực văn đoàn để lại trong xã hội hồi ấy là lớn lắm.Trong kháng chiến chống Pháp tôi biết vinh quang của họ mờ dần.Qua ông bố, thấy làm văn nghệ là vinh quang.Còn làm văn nghệ mà trung bình là khốn nạn.
Gương học: Lưu Hữu Phước. Lưu Hữu Phước chủ trương đến 30 tuổi học thật rộng, từ 30 tuổi mới đi sâu.
Đi trên đường, với Phan Khôi, nghe một câu chửi lạ, hai bác cháu nhỏm dậy mà ghi. Ông bảo, đi cả thôi đường, được câu này cũng bõ.
Thế Lữ hay nói văn nghệ không phải chuyện lên đồng,sân khấu phải có nghề.
Nguyễn Tuân, cái gì cũng biết, lại biết kể ; cũng việc ấy, mình cũng trông thấy, mà nếu ông ấy kể lại, hay hơn hẳn.
Đoàn Phú Tứ từng nói với tôi cả buổi về vấn đề chơi sách đẹp. Cuốn Mấy vần thơ Đỗ Văn trình bày, ví dụ ông bảo -- sau mỗi trang soi lên, các chữ số không can vào nhau, là vứt đi luôn. Ông nói từ 7 giờ tối đến 10 giờ đêm.
Ông nói cả tiếng đồng hồ về giấy dó, tự ông nhận là có một tình yêu sâu sắc với mực.
Nhờ có các ông, lúc ấy, những người như tôi mới hiểu văn học dân gian. Kháng chiến là thời mà ý thức dân tộc mạnh. Giá trị dân tộc thật, lộng lẫy mê người. Xem chèo, ông Thế Lữ, ông Kim Lân, há mồm ra thích, kinh ngạc, cười ha hả.Còn Hoài Thanh thì cắt nghĩa cho tôi cái hay ấy nó bắt nguồn từ đâu.
1951, mới bắt tay khai thác quan họ ;1952-53 tôi đi công tác về cơ sở, tổ chức những cuộc liên hoan.Khai thác ở 30 xã ở huyện Đoan Hùng. Tôi dự múa trống có ở xã đạo Đoan Hùng.
Hôm ấy tôi trên đường từ bến đò Tuyên Quang về đơn vị. Đêm trăng anh em ở đoàn, Phùng Thi Nhạn, cô Dần ra đón, cùng hát Trèo lên trên núi Thiên Thai .Con gái hát quan họ thấy hay lạ lùng.
Ở tuồng tiên phong đọc là tiên phuông, tràng đọc là trường; ở Quan họ cũng có hiện tượng đó : anh chường ơi.Tại sao có sự biến cải đó,tôi không cắt nghĩa nổi.
Ông Nguyễn Xuân Khoát chữa lời một bài hát của Đặng Đình Hưng, từ ngăn sông xẻ núi thành ngăn sông chuyển núi. Âm xẻ bẹt, khó chịu; âm chuyển ấm hơn; nguyên âm đơn nguyên âm kép âm đầy hơn. Các cụ sẵn sàng hy sinh ý đạt đến cái đẹp thẩm âm.
Lại có bài của Nguyễn Xuân khoát Thằng Nhai thằng Nha, câu mở đầu Thằng Nha có cái bánh đa cái bánh to tướng bằng ba cái đình Thằng Nha đem tặng thương binh ca la pich, ca la pắc, ca la poong. Xuân Diệu phê bình không dân tộc.Tiếng Việt không có âm p đổi thành: ca la kích,ca la cắc ca la coong.
Đào Vũ dịch: Thống khổ vô bờ. Theo Xuân Diệu phải chữa vô cùng hoặc không bờ.
Xem có Việt Nam không, các ông đòi hỏi vậy, ý thức ấy quan trọng vô cùng, không chịu bắt chước, kể cả Tàu. Nhớ cái câu Sương rơi đã ướt tàu cau Đồng bào bình nghị mau mau ta về. Xem Chị Tấm anh Điền, Hoàng Quốc Việt bảo chuyện địa chủ nông dân không phải bây giờ mới có.
Hồi ấy, Hội Văn Nghệ chỉ có sách Pháp.Tôi giữ thư viện, tha hồ đọc.Từ 1948 có sách mới của A. Still, Những người cộng sản của Aragon,…


Thế Lữ : Nghệ thuật sân khấu bắt đầu từ căng cánh gà cho thẳng ( lúc ấy thường nối chiếu để căng mơi mới thẳng ).Đến một đơn vị, ở một đỉnh dốc ;sàn diễn làm lưng chừng núi, người xem ở dưới.Thế Lữ không chấp nhận, không diễn. Luôn cảm tưởng Sân khấu diễn lộng lẫy. Tôi còn nhớ mãi lần đến một đơn vị. Mùa xuân Hàng mộc miên lừng lững.
Hội có lớp học song tôi được nghỉ vì sốt rét. Hai giờ một cơn, đắp chăn, mỏng, không trông thấy người.Việc thường xuyên là học.Học chữ Hán: trong 4 tháng.Sách Bắc Kinh gửi sang.Có cả bạch thoại, văn ngôn. Ông Phan Khôi bảo Người Việt Nam không biết chữ Hán, mù chữ ½. Tôi hay tra tứ giác. Phan Khôi không tra được tứ giác.
Những ngày sống bên các ông là hành trang để vào đời.Những con người mình kính phục dù nhiều nhược điểm ; nghĩ tới họ phải sống trong sáng, lành mạnh
Huy Du, Phạm Đình Sáu, Hoàng Vân, Đình Quang, Ngô Y Linh, Thái Ly, Nguyễn Vũ, Đoàn Long đi Trung quốc về đều làm ăn tử tế.

Về văn
Nguyễn Tuân đánh dấu phẩy cực giỏi.Từ thời Kháng chiến, đánh dấu phẩy kiểu khác
- Bao giờ kháng chiến thành công
Trở về làng cũ thì không còn nhà
Ai về nhắn với Cha già
Phen này con cháu thật là tay không
Theo Đoàn Phú Tứ: Tú Mỡ làm khi đốt nhà, nhưng không rõ có đúng không?
Thế Lữ: Chủ nghĩa tập thể làm cho con người ích kỷ hơn bao giờ hết.

Về Tô Hoài:
Nói chung ông Tô Hoài rất hóm, rất tháo vát, nhất là hồi ông ở báo Cứu quốc với ông Nam Cao. Còn như việc viết. Có lần tôi mượn cuốn Những kẻ bất khuất của Gorbatov bằng tiếng Pháp, thấy ông đánh dấu vào đấy: đoạn này cho lên trên; đoạn này cho vào giữa. Thì ra, bố mày cóp thẳng từ đấy, xào xáo cẩn thận, làm thành Lão đồng chí. Có một hồi khai là của mình, sau mới thôi.Vì lúc ấy các ông ấy cũng bí.
Khi Tô Hoài viết Núi cứu quốc, Nguyễn Đình Thi có bài đọc sách, đã tả rất đúng Tô Hoài: Tác giả thú nhưng không yêu Việt Bắc.
Về sau, thấy Tô Hoài viết được Truyện Tây Bắc, tôi rất phục.
Nam Cao đáng quý lắm. Có lần Nam Cao bảo tôi:
- Viết về nông dân như Tự lực văn đoàn cũng thơ mộng quá, mà như tôi cũng đen tối quá. Viết đúng có lẽ ở giữa.
Ông Phan Khôi hồi kháng chiến được trọng vọng lắm. Nhà học giả mà. Có lần một cô hàng nước bảo thời loạn, các cụ mới phải như thế này, thế là cụ chỉnh thực sự. Cụ bảo đây không phải thời loạn, mà là thời thịnh.
Phan Khôi không bao giờ thèm cóp ở người khác, lý do vì ông ta cảm thấy đã viết là phải viết cho độc đáo.Nhưng mà ăn chơi thì Phan Khôi cũng ăn chơi lắm.
(Phan Khôi cũng chê Ngô Tất Tố là không sạch nghĩa lý thánh hiền, học chưa đến nơi đến chốn).
Anh có biết tại sao Ngô Tất Tố vào Đảng không? Chuyện cụ ấy tự tử, tôi không biết. Chính vì con cụ ấy hy sinh một buổi, nghe tin con cụ Tố hy sinh ở quê, người ta gọi cụ lên kết nạp.
Có những người như Nguyễn Đình Thi, thời ấy bị ghét cay ghét đắng. Ông Tố Hữu bảo: Đọc thơ anh Thi lúc buồn thấy thích, nhưng lúc bình thường, thấy căm thù.
Nguyễn Huy Tưởng kể: Thằng Thi đi chiến dịch, lăn ra mà làm đào hầm, khiêng thương binh, đủ cả. Về mới có được cái Xung kích (cũng nhờ Thi nó rất khoẻ). Chứ cứ như Nguyễn Xuân Sanh thì chỉ chui hầm, về làm mấy bài thơ, đến tạp chí Văn nghệ không thèm đăng.
Hoài Thanh là người thành tâm, như trong việc đòi hỏi thơ phải hoàn toàn thay đổi cho kịp với điều kiện mới thì quá cực đoan (đến bài Ngò cải đơm hoa của Lưu Trọng Lư cũng bị ông Hoài Thanh chê là cũng buồn cơ mà)
Hoài Thanh là người mang từ Trung quốc về lối tự mình vỗ tay khi bên dưới vỗ tay - ý để chứng tỏ mình hoan hô lại những người đã vỗ tay mình.

Nguyễn Huy Tưởng là người có công xây dựng Hội - là thủ trưởng cơ quan Hội văn nghệ. Tôi làm chân giúp việc cho ông Tưởng. Ông Tưởng viết cái gì đọc cho tôi nghe.
Còn nhớ cái lần Đại hội chiến sĩ thi đua. Chiến sĩ thì cũng kiêu lắm, như ông Nguyễn Quang Vinh đi đâu nói chuyện gì cũng tự khoe Quang Vinh quang vinh.Tôi bảo cái truyện ông Tưởng mới viết xong là giả, không có chiến sĩ nào nghĩ thế. Ông Tưởng bảo: Nhưng viết như cậu hình dung, thì không thể in được. Đấy, ông ấy giả một cách tự nhiên như thế đấy. Giả là bản chất thứ hai của con người.
Nói chung, các ông ấy rất thành tâm trong việc sống một cuộc sống mới. Cơ quan văn nghệ mà vẫn có bích báo, có lửa trại. Tôi đến, bảo ông Thi viết bài, ông ấy bao giờ cũng rất đúng hẹn.
Ông Nguyễn Xuân Sanh cũng có cái ghê của ông ấy. Tôi giữ sách thư viện thấy mấy bài của Tây viết về DBM, tôi kể cho mấy anh em trong cơ quan nghe, thế là ông Sanh không cho tôi đọc nữa. Hoặc như chúng tôi giữ thư viện, tôi cho người phải ưu tiên cho những cuốn của Sartre, của Camus, còn ông ấy, ông ấy toàn ưu tiên cho cuốn của Still (Cuộc giao chiến đầu tiên) Khác nhau rõ lắm.
Ông Hoài Thanh thì khổ hạnh lắm. Sống cũng khổ hạnh. Toàn đi chân đất. Anh em phải phê bình: anh không chịu giữ sức khoẻ. Ở cơ quan ông ấy sửa chữa, đi dép, nhưng đi công tác, lại đi chân đất.
Các ông cứ chê Nguyễn Đình Thi. Nhưng giả thử ông Tuân làm thì cũng thế thôi. Cũng lên gân lên cốt vậy thôi. Có lẽ bảo khiếp nhược thì đúng hơn.
Nghệ thuật Việt Nam không có cái chất kỹ thuật quá đáng (hoá thành ba rốc, hay xuất quỷ nhập thần như nghệ thuật Tàu). Tôi học ở Trung quốc, một ông thày bảo: các anh trẻ, các anh không có kỹ thuật. Trông đây - và đương ngồi trên sập, vỗ đánh bốp một cái vào đùi, đã ngồi xuống chiếu rồi. Nhưng như thế cũng chưa giỏi, võ đánh bốp một cái nữa, từ dưới chiếu lại ngồi trên ghế, vẫn xếp bằng tròn như cũ, mặt không biến sắc. Chung quanh vỗ tay rào rào. Ông xua tay cau mặt: vỗ tay làm gì. Phải để sức mà học.
Hồi đầu kháng chiến, ông Tố Hữu thì uy tín không thể tưởng tượng được. Thử nghĩ, giữa đám trí thức ấy, có một anh cũng mặt trắng thư sinh như mình, mà lại đi tù đế quốc liên tục, tù lên tù xuống, mà vẫn làm thơ rất hay.
- Đảng mình hồi kháng chiến rất giỏi. Cứ cái gì có lợi cho kháng chiến thì mấy cũng làm. Cái gì không có lợi cho kháng chiến thì mấy cũng không.
Vì thế, mới có chuyện đoàn kết trí thức lôi từ cả cụ Phan Khôi đi, đưa Ngô Tất Tố vào Đảng.
- Lại nói chuyện ông Hoài Thanh: ở Thanh Hoá, ông DTM cho in quyển Quyền sống con người trong Truyện Kiều. Ông Hoài Thanh nói ngay: Không được. Bây giờ mà đưa Chinh PhụNgâm ra là không được. (Mà ông ấy nói đúng chứ. Lính mà đọc các của ấy thì chết)
Cũng Hoài Thanh nói: Cái buồn nó ghê gớm lắm. Đến như đồng chí Tố Hữu gan vàng dạ sắt như thế, mà khi đi tù, còn có lúc buồn (Tiếng hát đi đày…)

16-2-90
Một cái gì như sự khiếp nhược của cả một thế hệ?
Ông Tố Hữu lúc đầu ở với anh em, gàn lắm. Những hôm liên hoan, ông hay ngâm Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm của Xuân Diệu. Và hàng ngày càng ngâm nữa. Nguyễn Đình Thi than, quái, cái giọng Huế của thằng ấy, nghe sao cảm động thế. Một lần mặc soóc, lại lơ vê, anh em còn trêu. Ái chà, hôm nay anh lại có mốt mới.
Quan chức đến với ông bắt đầu từ khi ông được thay Trần Văn Giàu, làm Tổng giám đốc đài phát thanh. Rồi vào Trung ương (Nguyễn Đình Thi kể với tôi trong lần gặp ở Moskva : mình viết cho Tố Hữu cái báo cáo, để ông ấy vào Trung ương). Cứ thế mà Tố Hữu to mãi lên. Trong chỉnh huấn, ông Hoài Thanh bảo: Nói ra thì cũng được thôi, nhưng anh em chỉ nghĩ rồi Đảng sẽ nghĩ về mình ra sao, anh Tố Hữu sẽ nghĩ về mình ra sao.
Ông này cũng vừa khít với cái yêu cầu mà lãnh đạo lúc ấy đòi hỏi -- một người rất thông minh trong tổng kết, một người giỏi che chắn, một người dám phũ phàng.
Cái lần ấy vở Voòng Dìn bị đánh, Hoài Giao tức lắm. Nhân có buổi Tố Hữu nói chuyện ở báo Nhân Dân, Hoài Giao cũng ngồi đấy. Hoài Giao nói lửng lơ: Đề nghị anh Tố Hữu nói hay hay vào. Ông Tố Hữu trừng mắt ngay:
- Tôi không biết nói hay, tôi chỉ biết nói đúng.
Chính là Tố Hữu chủ trương, văn nghệ phải đưa vào công nông. Không cần chuyên nghiệp. Ai có tinh thần phục vụ, người đó sẽ có tài. Hồi đầu hoà bình, toàn đề cao mấy diễn viên như Thuý Thuý vợ Lê Đạt là vì vậy.
Có thể do ông Nguyễn Đình Thi nghĩ ra. Nhưng Tố Hữu thì làm đến cùng.
Hồi đầu chiến tranh, có vở Đôi bạn của Thanh Hương, Mạnh Linh đạo diễn. ý của người làm vở mới nhấn mạnh một chút gọi là số phận cá nhân. Tố Hữu nói ngay: không có số phận cá nhân gì cả. Bây giờ vấn đề đặt ra là số phận dân tộc ra làm sao: Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí - đến trong tình yêu cũng phải vậy cơ mà.
Hồi tôi làm Hình và bóng, Tố Hữu ghét lắm. Ông Thế Lữ gọi tôi lại, giải thích: ông Tố Hữu nhận ra ngay. Sao Nghi trẻ thế. Thưa anh, tôi không còn trẻ nữa, bốn mươi tuổi rồi. Thế vợ con ra sao. Cảm ơn anh bình thường. Thế nhưng phê phán Hình và bóng thì rất căng. Tôi cãi lại. Ông ấy không chịu. Báo cáo anh, tôi xin về. Ừ, Nghi về nhé. Cho hỏi thăm vợ con nhớ, lại tình cảm như thường. Sau HVB, tôi làm Âm mưu và tình yêu. Tôi chỉ muốn lưu ý trong đó cái nồng nàn của con người. Cái nồng nàn mà tôi thấy là ở ta, do hoàn cảnh chiến tranh, không có. Vở diễn cũng bị một ông phó bí thư tỉnh uỷ phản đối và phải nhờ ông Lê Văn Lương mới ra được. Ông Tố Hữu sẽ khen cho mà xem, sau khi chê, phải khen. Và quả nhiên, đúng vậy. Tôi đang hoá trang cho một diễn viên, thì một tay cán bộ Sở Văn hoá gọi. Làm cái gì mà ầm lên. Bỏ ngay, bỏ ngay, anh Tố Hữu gọi. Nhưng tôi còn cứ lần chần. Ông ấy đứng ở cạnh cầu thang để chờ. Ôm hôn thắm thiết lắm.
Tôi có một kinh nghiệm : đừng có sai về tổ chức là được. Các ông ấy sợ tổ chức. Còn như tư tưởng chả có gì là chắc chắn cả. Cãi lại rất dễ. Mà không cãi được, cứ in, cũng chẳng sao đâu.
Sân khấu, theo tôi, không có nhiệm vụ thay đổi hiện thực, hay giải hoá con người như thế nào. Sân khấu chỉ tồn tại ở chỗ đời sống như thế nào, thì nó hiện ra thế ấy.
Cái này có thể trông vào một ví dụ, cái phòng giành cho khán giả.
Nếu ngoài đời, người tốt sợ người xấu, người có học sợ kẻ vô học, thì trong phòng khán giả, mọi chuyện cũng tương tự.
Tại sao bây giờ mà diễn Hamlet, Macbet thì người ta lại kêu là cao quá, không ai xem. Thời Shakespeare cũng có bao nhiêu người thường xem, chứ đâu có phải chỉ quý tộc xem Macbet. Thế tại sao bây giờ Macbet vẫn khó đến vậy.
Thật ra, có thể nghĩ đơn giản hơn. Năm 76, tôi dựng Con cáo và chùm nho được hoan nghênh lắm. Mà bây giờ thì không ai xem và kêu là cao, tại sao?
Theo tôi, lý do là vì hiện thời trong sân khấu, đang thiếu một thứ công chúng chọn lọc, công chúng ưu tú, nó giúp đám công chúng bình thường vượt lên và tiếp cận với những giá trị bền vững.
A. Sokolov: Đâu là thế lợi của 50 năm sân khấu cách mạng. Và đâu là thất bại.
Nguyễn Đình Nghi: Tại đại hội sân khấu vừa qua, tôi có một tham luận, mà tôi cho là chua xương nhất, tức được nhiều người khen, mà khó thực hiện.
Xuất phát của tôi là ở các nền sân khấu trung bình trở lên, đều có répertoire tức là những vở diễn, nó bắt đầu được dựng ở nhà hát ấy, rồi nó cứ mọc rễ ở đấy, có thể lâu lâu nó được dựng lại nhưng nó cứ còn ở đó, và nói đến nhà hát đó, là phải nói đến vở diễn đó. Ở ta, trong 50 năm vừa qua, cũng có những vở đứng được trong ký ức khán giả đương thời. Đó là Chị Hoà, là Đại đội trưởng của tôi, là 3 vở chèo của Tào Mạt. Nhưng không có nhà hát nào tồn tại với những vở của mình. Và bây giờ muốn xem những vở ấy, thì không biết xem ở đâu cả.
Châu Âu được cái gì -- cái viết. Một tác giả châu Âu có vài chục vở cả một nền sân khấu trước chúng ta tồn tại 200 năm nay, đếm được 10 vở chơi sang.
Cái mà ta được chính là cái diễn đó.
Ngay ở phương Tây (ví dụ ở Pháp) người ta có nhấn mạnh tính sân khấu của một vở diễn, thì cũng là một thứ tính sân khấu rất gần đời sống. Ca trù, trên nền cô đầu là gì. Nó là đoá sen trong bùn. Bởi lẽ là một nghệ thuật như thế, tiếc thay, lại phải cứ phục vụ ở cái chuyện mua bán thân xác người phụ nữ.
Cái gì là được của sân khấu 50 năm qua? Là nó bảo tồn được tuồng và chèo ở cái thời điểm nó có thể chết vì không cải cách.
Tại sao tôi không làm
Đặc tính của sân khấu dân tộc so với sân khấu mới tập thể // cá thể hoá; lặp lại // độc đáo ;thành mô hình // không thành mô hình
- Một là tôi phá truyền thống tôi không đủ sức
Hai là tôi đánh mất tôi một người như anh Tào Mạt, làm được nhiều lắm, nhưng vẫn chủ yếu là trên phương diện kịch bản.
Một nhà nghiên cứu nước ngoài nói sân khấu, đó là phương Đông.
Chỉ có phương Đông là biết diễn, còn ở phương Tây, là ý thức làm đúng như đời sống.
M. Marxô xem Thị Màu thích lắm, một sự tổng hợp nhuần nhị.
Họ bảo: Sân khấu truyền thống ta, xem rồi thì rất hiểu con người Việt Nam (còn xem kịch hiện đại, chẳng hiểu gì cả)
Như chèo, không những thấy độc đáo, mà còn thấy nó là nghệ thuật.
Nó chín trong cách của nó
Nó chứng tỏ con người dân tộc này không thể ngồi yên mà phải động đậy phải thét lên,phải huy động sức lực để tồn tại nên hình ảnh của mình.( Còn tuồng, họ chê là lắm lời)

SÂN KHẤU LÀ NGHỀ PHẢI HỌC
Theo anh, muốn làm đạo diễn sân khấu cần phải làm gì?
- Thứ nhất là năng khiếu, thứ hai là học.
Lạ nhỉ, tôi thấy nhiều người cứ làm đạo diễn ngon lành. Họ có cần học gì đâu!
- Nghề này phải học, vì sân khấu là nghề có kỹ thuật cơ bản giống như âm nhạc, hội hoạ…) khối lượng kỹ thuật cơ bản ấy rất lớn: chương trình học đạo diễn ở trường Đại học sân khấu kéo dài 5 năm. Mà học xong ở truờng mới chỉ là bắt đầu bước vào nghề.
Tôi không tin có người không học mà lại thành đạo diễn.
Tất nhiên, có thể không học ở trường. Cha tôi (cụ Thế Lữ, NSND, đạo diễn sân khấu, người khởi xướng phong trào Thơ mới - PV) là người đạo diễn tự học. Nhưng cuối đời, cha tôi bảo: "Không được đi học, tự mày mò học lấy, phải đi đường vòng, khó khăn vất vả, tốn vô cùng. Có những điều phải mất cả đời làm nghề mới hiểu ra, nhưng nếu được đi học thì có thể lập tức hiểu ngay từ đầu".
Tác giả sân khấu có thể tự lựa chọn hoặc chỉ viết hài kịch, hoặc bi kịch, có thể chỉ đi vào một loại đề tài, nhân vật, tóm lại là tự khoanh lấy cho mình một khu vực nhất định của đời sống. Đạo diễn thì phải làm các thể loại, đủ mọi đề tài, đủ thứ nhân vật, lại cả cổ kim Đông Tây nữa chứ. Thế mà đứng trước kịch bản, họ lại không được quyền lép vế đối với người biên kịch. Phải học kinh khủng, học mãn kiếp chưa xong.
Anh chưa nói đến vai trò năng khiếu?
- Nghề này tất nhiên đòi hỏi năng khiếu. Vì thiếu gì người đã học rồi mà vẫn không làm đạo diễn được.
Anh đã làm vở của nhiều tác giả, nhưng vẫn có phong cách riêng. Đồng thời cách dàn dựng các vở cũng không trùng lặp. Vì sao vậy?
Tôi cho rằng phong cách riêng là thứ không thể cố ý được. Tự nó sẽ có, nếu anh có bản lĩnh. Nhưng theo tôi, có phong cách riêng không khó bằng tránh đi trở lại một lối mòn, dù là lối mòn của chính mình.
Tôi nghĩ kịch bản văn học bao giờ cũng là cơ sở là tiền đề của vở diễn. Người đạo diễn không thể tồn tại độc lập với tác giả. Và theo tôi cách tốt nhất để tránh sự trùng lặp lại mình, là luôn luôn tôn trọng kịch bản- mặc dù điều này mới nghe có vẻ như một nghịch lý. Đừng bao giờ áp đặt tính cách riêng, sở thích riêng, kiểu cách riêng của mình vào kịch bản văn học. Hãy tôn trọng những đặc điểm khác nhau của các tác giả và tác phẩm khác nhau, hãy tìm đến với tác phẩm theo con đường riêng phù hợp nhất.
Mỗi tác phẩm đòi hỏi một cách tiếp cận riêng, điều đó tạo ra sự đa dạng của công việc đạo diễn.
Vừa phải có dấu ấn tiêng của mình ở vở diễn, vừa phải tôn trọng kịch bản, tôi sợ rằng khó…
- Dàn kịch có bao giờ là dễ đâu!
Có thể ví mỗi tác phẩm như một ngôi nhà đóng kín. Cần tìm ra những cách khác nhau để mở cửa những ngôi nhà khác hau. Sẽ đơn điệu biết bao. Và cũng dễ dàng biết bao- nếu anh vào tất cả mọi ngôi nhà chỉ bằng một một cách phá cửa.
Người ta bảo trong nghệ thuật cần phải độc đáo, phải "khác người". Anh không giống các đạo diễn khác. Anh đã làm thế nào?
- Trước hết, tôi cố gắng hiểu thấu tác giả, và từ đó đi tới "cắt nghĩa" tác giả một cách không giống người khác. Khi đã phát hiện được những điều bất ngờ của kịch bản, thế là tôi yên tâm.
Tôi mới chỉ thấy anh nhấn mạnh đến "biết", "hiểu", "cắt nghĩa". Thế còn vai trò của cảm hứng?
- Tôi làm việc như thế này: tìm hiểu kịch bản thật kỹ, chuẩn bị chu đáo công việc đạo diễn, rồi sau đó, khi lên sàn tập thì quên hết đi, để làm việc hầu như chỉ theo những điều lúc đó mới xảy ra, một cách "tự phát". Tôi không quen dừng lại để "lý sự" với diễn viên hoặc tự "lý sự" với mình trên sàn tập. Thế là "cảm hứng" đấy chứ gì! Thật ra điều này chẳng có gì mới lạ. Trước đây gần một thế kỷ, Xtaixlapxki đã từng nói: "Cần có 90% lao động ý thức để đạt tới 10% sáng tạo ….. thức (tiềm thức)".
Nhân nói về "hứng", cũng cần chú ý: nghệ thuật sân khấu đòi hỏi hứng, nhưng lại đòi phải có hứng đúng giờ. 7h30 mở màn, anh không thể nói: tôi chưa có hứng, xin chờ đến 8h hãy mở màn!
Hiện nay anh đọc gì và dự định làm gì?
- Tôi cố gắng đọc những gì không liên quan đến văn học nghệ thuật trong và ngoài nước, từ tác phẩm đến phê bình lý luận. Về sân khấu, tôi cố gắng không lạc hậu so với tình hình sân khấu nước nhà và làm sao "cập nhật" với các vấn đề của sân khấu thế giới.
Tôi rất muốn dựng một số tác phẩm kinh điển của nước ngoài. Kịch bản trong nước thì tôi đã chuẩn bị dựng Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi mà tôi coi đó là một kịch bản hay. Từ 1993 Nhà hát kịch Hà Nội đã xin tác giả quyền dựng vở đó và mời tôi đạo diễn. Nhưng do họ lần nữa, sai hẹn mãi, nên lỡ mất nhiều dịp đáng lẽ có thể đưa vở kịch hay ấy lên sàn diễn.
Lê Thu Hạnh thực hiện.

NGHỀ VÀ NGHIỆP
P.V: Có bao giờ anh cảm thấy rằng mình có một cái nghề quá độc đáo, đến mức…
N.Đ.N.:… Đến mức nhiều người đi xem một vở diễn vẫn không biết cần có một đạo diễn chịu trách nhiệm về toàn vở. Và trước các tấm panô quảng cáo vở, vẫn có người đoán rằng chữ đạo diễn là do viết nhầm từ chữ đào điên, rồi than phiền bên cạnh tác giả, vở nào cũng có một nhân vật đào điên như vậy. Vâng, những chuyện ấy bọn tôi biết cả! Nhưng thú thực, cũng chăng nên lấy đó làm điều… Trên đời này thiếu gì những nghề kỳ cục mà người ngoài cuộc không thể hiểu nổi.
P.V: Nếu cần giúp người khác hình dung ra nghề đạo diễn, anh thường so sánh nó với nghề nào? Nó có gì gần với các công việc của các huấn luyện viên bóng đá như Bêch-ken-bao-ơ, Bi-lác-đô, Lô-ba-nôp-xki?
N.Đ.N.: Giữa việc chỉ đạo một đội bóng với việc hình thành một vở diễn kể cũng nhiều chỗ giống nhau thật. Nhưng tôi hay nghĩ mình giống như một chỉ huy quân sự: Cũng phải có kế hoạch tác chiến, phải có tư duy chiến thuật, đủ thứ. Dù đã được suy tính kỹ lưỡng từ trước, một vở diễn cũng như một trận đánh vẫn có những chỗ biến hoá khôn lường…
P.V: Vậy chỉ với các anh, sân khấu mới bắt đầu hoạt động
NĐ.N: Không hẳn thế: Sân khấu làm nên là đóng góp chung của nhiều nguời thuộc nhiều ngành nghề. Nhưng đúng là chúng tôi, các đạo diễn có trách nhiệm; phối hợp các cố gắng đó lại. Hiện nay, sân khấu ta đang xuống cấp, diễn viên không chú ý gì đến khán giả, mà khán giả thì đến rạp với tâm lý "mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng?", nghĩ ra đủ thứ để hành hạ diễn viên, chế nhạo những người làm sân khấu nói chung. Việc đó làm cho bọn tôi buồn lắm!
P.V: Như thường nói, các đạo diễn phải tạo được cho mình khuôn mặt riêng, phong cách riêng?
N.Đ.N: Cũng như mọi nghề khác, trong nghề tôi có hai loại đáng để ý. 1) Những người làng nhàng, vở được anh ta dàn thường sạch sẽ, tròn trặn dễ chấp nhận, nhưng không có gì thật nổi và 2) Những người có bản sắc rõ rệt, có cả thành công, có cả thất bại, thậm chí thất bại rất đau đớn, nhưng bao giờ cũng mang tính cách riêng của mình vào công việc, tạo ra những vở diễn khác hẳn vở trong tay người khác.
P.V: Ví dụ như ai?
N.Đ.N.: Như các anh Xuân Đàm, Vũ Minh. Đấy là những người rất có cá tính, với cái hay cái dở của từng cá tính.
P.V.: Công chúng còn biết quá ít về họ.
N.Đ.N.: Thì đấy lại là một đặc điểm của cái nghề mà chúng tôi đã chọn. Dường như người ngoài cuộc khó thấy được chân dung người làm nghề. ý đồ của đạo diễn chan hoà trong toàn vở nhưng không cách gì cố định nó được. Nó mong manh dễ biến mất lắm. Công phu theo đuổi vài tháng một vở, rồi chỉ trông thấy thành quả của mình trong độ gần chục buổi diễn đầu tiên.
P.V.: Có vở còn được quay thành phim.
N.Đ.N.: Đó là phim chứ không còn là vở diễn nữa.
P.V.: Nghe anh kể mà thấy nản quá!
N.Đ.N.: Để tôi kể anh nghe một chuyện. Có lần tôi, Nguyễn Khải, Trần Quốc Vượng đã ngồi với nhau. Tôi kêu chán trước. Rồi ông Khải kêu nghề văn học. Ông Trần Quốc Vượng thì bảo không hiểu sao mình lại đi làm sử, đáng lý trước kia ông làm khoa học tự nhiên cơ. Hoá ra đây không chỉ là tâm sự riêng của tôi, mà ai cũng vậy.
P. V.: Nghe anh em kể là cả giám đốc nhà hát, cả chân cục trưởng cục phó anh đều từ chối?
N.Đ.N.: Nói từ chối e mang tiếng cao đạo. Phải nói tôi thấy mình không hợp với các công việc đó thì đúng hơn. Cũng biết rằng khi có quyền, có chức ngoài lương ra, còn có thể nhận được đủ loại bổng lộc không ghi thành văn bản. Và nữa, khi có quyền thì vai vế trong nghề tự nhiên được nâng hẳn lên một bậc.
P.V.: Nhiều người cứ kêu mình không muốn làm, nhưng cấp trên với anh em ép quá nên phải nhận làm (?!).
N.Đ.N.: Tôi cho rằng khi đã có lý do chính đáng để từ chối thì không ai nỡ ép anh. Chỉ sợ lòng anh không sáng, con rô cũng tiếc con diếc cũng muốn, phụ trách thì không có khả năng, công việc cứ bấn tinh bấn mù cả lên, mà nghề thì cũng cảm thấy xa dần…
P.V: Còn riêng anh thì sẽ ở lại với nghề mãi mãi, dù đôi khi rất buồn, rất chán?
N.Đ.N: Trong câu chuyện mà tôi vừa kể, bên cạnh Trần Quốc Vượng, Nguyễn Khải và tôi, còn có Nguyễn Minh Châu. Nghe bọn tôi nói một lúc, Châu bĩu môi tỏ ý không tin: "Thôi thôi đừng nói nữa, rác tai lắm. Các anh còn than phiền về nghiề nghĩa là các anh còn tha thiết với nó. Lúc các anh chửi nó mạnh nhất là lúc các anh xót nó nhất". Nghe Châu nói mọi người đều ngớ cả ra, thấy phải. Vâng. Chẳng gì chúng tôi cũng đã sống với nghề này gần trọn cuộc đời. Vậy nên, một lúc nào đó, giá có ai trong chúng tôi có dằn dỗi nói rằng chán lắm rồi thì các bạn cũng chớ nên tin, nay chán nhưng mai người đó lại sẽ bắt tay làm nghề hăm hở hơn bao giờ hết.
Vương Trí Nhàn thực hiện.

TỪ TIẾP XÚC VỚI NGƯỜI MÀ HIỂU THÊM MÌNH
Hỏi: Xin anh cho biết một ít suy nghĩ có liên quan đến một câu chuyện đang được bàn luận sôi nổi là hội nhập văn hoá.
Nguyến Đình Nghi: Đầu năm 1954, tôi được cử đi học sân khấu ở Bắc Kinh, nhưng lại không muốn đi. Lúc đó, tôi viện ra cái lý như thế này: Sân khấu là chuyện sáng tạo nghệ thuật. Mà nghệ thuật thì phải bám vào đời sống dân tộc. Bố tôi, ông Thế Lữ không bằng lòng. Ông bảo, Nghi nói thế là không đúng. Sân khấu yêu cầu những kỹ thuật cơ bản. Phải có kỹ thuật đã, rồi mới nói dân tộc được. Nếu anh đã có chất dân tộc trong người, thì học ai cũng được, học ai rồi cũng vẫn là chính mình. Nghe ông cụ nói vậy, tôi yên tâm đi học và trở thành người làm nghề đến hôm nay. Chưa ai bảo tôi, vì có đi học Trung quốc, sau đó, học cả ở Nga, ở Đức,.. mà xa dân tộc cả.
Tôi cũng nghĩ như ai đó đã nói, hội nhập là lẽ đương nhiên, là chuyện không thể bàn cãi. Một đồng nghiệp của tôi ở Trung quốc tổng kết: chân đứng vững trên mảnh đất Trung quốc, nhưng mắt phải nhìn ra thế giới.
Hỏi: Nghĩa là theo anh, quá trình hội nhập xảy ra ở mọi nước?
Nguyễn Đình Nghi: - Đúng thế, không trừ một nước nào cả. Anh thử nhìn xem, đây là cuốn Từ điển bách khoa về sân khấu, do nhà Bordos cho in năm 1991. ở mục Sân khấu hiện đại Nhật trang 449 từ điển này viết: Có hai yêu cầu đặt ra với các văn bản kịch:
1. Nó phải có khả năng nêu ra những vấn đề của xã hội Nhật hiện đại.
2. Nó phải chịu được sự thử thách của chuyển ngữ, tức vượt qua đuợc cửa ải dịch.
ý người ta muốn nói kịch bản hay thì không phải người Nhật thấy hay mà khi dịch ra nước ngoài, người Nga, người Mỹ, người Nam Phi, người Trung Quốc…. cũng đều phải công nhận là hay. Đây cũng là kinh nghiệm tôi quan sát thấy. Khi mang tác phẩm của mình ra nước ngoài. Sở dĩ Hồn Trương Ba da hàng thịt (kịch bản của Lưu Quang Vũ) do tôi dàn dựng mang diễn ở một số nước họ chịu, không chỉ vì họ thấy độc đáo mà còn vì họ nhận ra ở đấy có những vấn đề của họ. Chèo của ta, họ chấp nhận, không chỉ vì họ nhận ra ở đó, một nghệ thuật thuần chất Việt Nam. Mà trước tiên vì nó chín, nó có tính phổ quát, nó là nghệ thuật. Nhìn rộng ra, ở cả một ngành như âm nhạc, họ chỉ coi là âm nhạc của chúng ta trưởng thành, khi bên cạnh ca trù, quan họ, ta có Đặng Thái Sơn nghĩ là đáp ứng được những cái chuẩn của thế giới.
Hỏi: Những người phản đối và chế giễu hội nhập thường nêu ra cái ý trước tiên phải giữ gìn bản sắc dân tộc của văn hoá, không được lai căng mất gốc. Người ủng hộ hội nhập thì cãi lại: chính trong quá trình hội nhập, ta mới hiểu ta, nghĩa là mới nhận chân được bản sắc của mình. Anh đứng về phía nào trong cuộc tranh luận này?
Nguyễn Đình Nghi: - Cố nhiên là đứng về loại ý kiến thứ hai. Đây là một chuyện nhỏ ở giới sân khấu chúng tôi. Khi mới tiếp thu thể hệ Stanislavsky, nhiều anh em làm công tác sân khấu thấy ngay là ở chèo tuồng của ta, đã có chất "Xatani". Đến khi đọc sang Brecht, ta lại thấy sân khấu truyền thống của ta - rất gần sân khấu gián cách. Cãi nhau mãi, rồi đến lúc bình tĩnh nhìn lại, hoá ra ta không phải cả hai cái đó ta là cái gì riêng ta mới có. Song nhờ có đọc Stanislavsky cũng như Brecht, ta mới hiểu về chính ta như vậy! Lưu ý thêm ở đây một sự thực: đừng tưởng cứ là người Việt Nam tlà hiểu ngay hiểu thấu đáo nghệ thuật Việt Nam đâu. ở đây không thể bỏ qua kinh nghiệm nghệ thuật của thế giới. Tư thế đứng ngoài, đôi khi người ta thấy mình rõ hơn là mình thấy mình.
Hỏi: Xem ra, chính anh cũng đang quan tâm đến vấn đề hội nhập. Qua công việc đã làm, anh rút cho mình những nhận xét, những kinh nghiệm như thế nào?
Nguyễn Đình Nghi: Tôi vừa cho in một bài viết khá dài, trên tạp chí Sân khấu (cơ quan của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) các số 7 và 8, 1995. Bài viết mang tên: Trên đường tìm về truyền thống :"Sự tồn tại của một nền văn hoá không chỉ có ý nghĩa bản địa mà còn có ý nghĩa đóng góp vào kho tàng văn hoá chung của các dân tộc. Với nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo, chúng ta đã đóng góp xứng đáng vào nền sân khấu chung của loài người. Nhưng nhiệm vụ ấy chỉ đầy đủ, nếu bên cạnh sân khấu truyền thống. Sân khấu hiện đại của ta không những chỉ sáng tạo cho mình sự độc đáo Việt Nam mà còn vươn lên sánh ngang được với nền sân khấu hiện đại tiên tiến của thế giới"- tôi đã xuất phát từ nguyên tắc đó để tìm hiểu hướng đi của kịch nói riêng, sân khấu nói chung. Nhìn vào sân khấu Trung quốc từ sau 1949, tôi nhận ra: "qua sự hiểu biết, học hỏi thế hệ Stanislavsky, ngành sân khấu Trung quốc càng thêm hiểu biết sâu hơn về chính bản thân sân khấu dân tộc mình", và đấy chính là một ví dụ đầy thuyết phục về cái sự "từ tiếp xúc với người mà thêm hiểu mình".
Từ nãy tới giờ chúng ta đã nói: Học hỏi truyền thống là đúng, nhưng tôi muốn nói thêm ta làm thế không phải chỉ vì truyền thống, không phải chỉ để cho có tính dân tộc." Và "nếu tìm về truyền thống mà thua kém học theo nguyên mẫu Âu châu, thì sự tìm tòi thử thách là vô nghĩa". Đại khái, bài viết của tôi gồm cái ý như vậy. Tôi xin phép khong nhắc lại ở đây một số nhận xét cụ thể có liên quan đến sân khấu, nhưng phải nói là bao giờ tôi cũng chủ trương vừa phải dựa vào kinh nghiệm ông cha, vừa phải học hỏi thêm ở các nền sân khấu lớn trên thế giới, nghĩa là phải hội nhập.
Phóng viên: Thì mới đưa sân khấu tiến lên được, phải không anh?
Xin cám ơn anh, anh Nguyễn Đình Nghi và chúc anh đạt nhiều thành tựu trên con đường đã lựa chọn.
Vương Trí Nhàn thực hiện

Về Nguyễn Khải
20-3-97
Tôi đọc bài viết lần đầu của anh về Nguyễn Khải thấy có vẻ hơi nghiệt. Nhưng lần này, đọc có kèm thêm cả tác phẩm của anh Khải, lại thấy nói như thế là vừa. Anh nên đi sâu thêm vào trường hợp này.
Thứ nhất, ông Khải không phải là người văn hay, hoặc độc đáo, như một Nguyễn Tuân hay Tô Hoài. Cái phong cách riêng trong văn không thật rõ, chỉ thấy một cảm giác sáng sủa mạch lạc, thế thôi.
Những chỗ cần nói về những điều thật quan trọng của đời sống thì lại có vẻ nhiều lời, và tán ra quá rộng.
(Nhàn: Anh mà đọc những bài lý luận của ông ấy cùng những bài viết có tính chất phục vụ kịp thời, thì mới thấy sợ. Cũng nói liều nói lấy được.)
Thứ hai, đúng là hồi trước (1957-85) viết thế đã bạo nhưng nhìn chung vẫn ngây thơ quá, bây giờ đọc lại thấy buồn cười.
Còn như bây giờ, dám đứng ra mà ca ngợi những kẻ lạc lõng thất bại, kể cũng đã là một cái gì khá hơn trước. Nhưng chỉ đến một thứ văn đọc được thôi, không thể gọi là có tầm triết lý sâu sắc gì cả.
Những thứ văn ấy không đạt đến tầm cỡ những quan tâm của nước ngoài , không ai người ta muốn dịch . Cũng như không thể cho thời sau đọc - trừ những người học muốn đọc để hiểu thời này.
Suy cho cùng, Nguyễn Khải vẫn chỉ có thể gọi là người có năng khiếu, có tài (N: một nhà văn trung bình thế thôi!)
Khải không phải là người theo đạo nhưng nói về đạo thấy được lắm ông ấy sống với người có đạo một cách kỹ lưỡng thấm thía như người có đạo thật vậy.
Nhưng từ chuyện về đạo để nói về một cái gì khác thì chưa có.
Cũng như vậy, tôi nhớ những lần Khải đến chơi, ông kể những chuyện ông quan sát được, thấy rất hay. Nhưng đấy vẫn chỉ là người nói chuyện hấp dẫn, không thể gọi là sâu sắc, theo nghĩa đúng của chữ ấy.
Hoá ra những người thông minh quanh chúng ta nhiều chứ
Nhưng thông minh lắm thì cũng đến như Chế Lan Viên, mang câu hỏi ta là ai, đánh tráo thành câu hỏi ta vì ai, để động viên mọi người chiến đấu, thế thôi.
(Di cảo thơ của Chế Lan Viên đâu có hay. Hình như ông đâu có hối hận! Ông cũng không định nghĩ lại nữa, mà chẳng qua, ông biết rằng người ta chửi mình ghê quá, ông muốn đi vào đường bao che, thế thôi)
Tóm lại, qua Nguyễn Khải, lại vẫn phải nghĩ về thời đại. Cái thời nó làm cho mọi người làm văn nghệ chỉ có một cách nghĩ như vậy.
Rồi các lãnh tụ văn nghệ cũng không thể nghĩ khác. Ông Tố Hữu thì thấm thía gì so với ông Nguyễn Chí Thanh mà dám nghĩ khác.
Nhưng tôi chỉ lạ là sao cách nghĩ trước 1945 bị từ bỏ nhanh đến thế mà cách nghĩ mới, chỉ một vài năm đã ngự trị khắp nơi rồi. Ông Xuân Diệu, ông Nguyễn Tuân, đến ông Nguyễn Xuân Sanh đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà cũng thế nốt.
29-6-95
Nhân đọc bài Nguyễn Đăng Mạnh viết về Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đình Nghi bảo: Anh Mạnh hơi bất công ở chỗ anh không thấy sức ép của thời đại lên mỗi người.
Người ở càng cao, thì ép càng mạnh.
*
Bàn thêm về giới trí thức ở ta
- Tôi đọc lại những gì bố tôi đã ghi trong kháng chiến, và nhận thấy cuộc kháng chiến chống Pháp là ghê gớm thật. Từ đó, từ những ai đã đi với kháng chiến rồi, sẽ ra một loại người khác, không bao giờ thay đổi nữa.
- Năm 1947, tình hình gay go lắm. Pháp nhảy dù Việt Bắc, quây một mẻ, tí nữa bắt được Trung ương của mình.
(Nhàn: Hãy nhớ bài thơ của Sóng Hồng - ông đã định hô khẩu hiệu…) Và cụ Nguyễn Văn Tố bị bắt. Thời ấy, Nguyễn Huy Tưởng hoang mang cực độ. Tôi còn nhớ những phát biểu của ông ấy cơ mà.
Thế rồi về sau, ta lại gượng dậy được, lại đánh cho đến Điện Biên.
Và một người như Nguyễn Huy Tưởng lại bảo rằng, phải viết anh hùng chiến sĩ không phải như ta nghe họ kể, mà như hình ảnh quần chúng thường hình dung về họ.
Vậy thì cái gì đã xảy ra?
Nhàn: Hồi kháng chiến, cái thư từ của ta được gửi lên trên bao giờ cũng đề
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Quốc Hội
Chính Phủ
Trung ương Đảng
Sau này ngược lại.
Nghi: Nhưng anh không biết rằng hồi ấy Đảng viên to lắm, ai mà chả sợ.
Lúc tôi vào nghề, tôi hơi ngợp trước cánh các ông ấy.
Rồi tôi chứng kiến sự vớ vẩn của Nguyễn Xuân Sanh, sự đóng vai cán bộ tài ba của Tô Hoài, sự thảm hại của Thanh Tịnh, sự thảm hại hơn nữa của Đoàn Phú Tứ, thì tôi mới bình tĩnh trở lại được.
Những ông văn nghệ trẻ, thì lại có rõ riêng; và cái tài riêng.
Đặng Đình Hưng phụ trách văn công, nhân danh một nhạc sĩ. Nhưng Xuân Diệu ghét Đặng Đình Hưng lắm. Nhạc sĩ gì mà chẳng có một giai điệu nào người ta nhớ được.
Ấy thế, nhưng cái võ của Đặng Đình Hưng thì thật tài, đánh nhau với Học Phi mãi.
Một người như Thái Thị Liên lúc ấy ở Tiệp về, phục Đặng Đình Hưng sát đất.
Còn Thuý Thuý, lúc ấy là diễn viên văn công. Mặc dù biết Lê Đạt đã có vợ rồi (một cố nông), song vẫn mê Lê Đạt như điếu đổ.
Dĩ nhiên, loại người như Lê Đạt được ông Trường Chinh lấy về văn phòng của mình là rất thông minh.
Lê Đạt có lúc đã nhận Trường Chinh là một nhà chính trị vĩ đại cơ mà.
Thuý Thuý bảo, chỉ có 2 Lê mà em thích đọc, là Lênin và Lê Đạt.
Còn Lê Đạt cũng tự nhận là thơ tao hay như thơ Đường.
Lê Đạt là loại người nói về ai xong thì vỗ đít đứng dậy không cho người ta nói lại nữa.
Đoàn Phú Tứ là người blaser (?) theo đúng nghĩa của chữ ấy. Ông Tô Hoài bảo là bạc ác, là đúng đấy. Tôi nghe kể, lúc ở phố X, phòng ông ấy cạnh phòng một tay có con chó. Ông Tứ hay đi chơi khuya mà con chó cứ thấy người khuya khoắt còn khua giầy trên cầu thang là nó sủa ầm lên. Tay hàng xóm cự, ông Tứ cãi lại:
- Toa có vợ, toa ở nhà, ngủ với vợ. Moa không có vợ, moa phải đi ngủ với vợ người ta, nên về muộn, không thể vì chiều con chó của toa mà cấm moa đi chơi khuya được.
Trong câu nói ấy, hàm ý xỏ ngầm nên tay kia đành im.
Ông Tứ là loại đi ngủ lang với vợ người ta, bị bắt quả tang, còn bình tĩnh ngồi dậy cài cúc quần, và bắt tay nói chuyện cơ mà.
Một lần, Đoàn Phú Tứ đứng đái, nói với người khác:
- Mình nhìn cái cu của mình, thấy nó còn thông minh hơn mặt khối thằng khác.
Cái lần ông ấy dự đám cưới Trần Du Châu, rồi bị một cái tát, không phải là căm ghét kẻ lãng phí đâu, mà là nói ngang nói bậy gì đấy, nên mới bị người ta trị.
Tuy nhiên, lại cũng phải nhận ông Tứ là người làm cái gì cũng nổi, sáng chói, rực rỡ hơn người.
Tôi nhớ có lần chỉ quanh chuyện chơi sách thôi, ông ấy nói với tôi hai tiếng đồng hồ liền, thú chơi sách có từ bao giờ, chơi sách da thế nào, chơi sách in thế nào, chơi sách cũ ở Tàu, chơi sách cũ ở Tây.
Ông Tứ không thích Phan Khôi, nhưng lại đối xử rất khéo, đến mức Phan Khôi không nhận ra.
Vả chăng, Đoàn Phú Tứ khiến cho nhiều người biết ông không ra sao, nhưng không ghét nổi. Ví như, quanh năm, ông ấy rạc dài không làm gì - trong khi đó, Phan Khôi nghiên cứu rất nghiêm túc. Nhưng đến lúc báo cáo công việc, thì ông ta lại trút ra được một bài viết mà ai cũng thấy là có khía cạnh rất sắc sảo.
Nền văn hoá cũ, dạy người ta rằng người trí thức phải có sự ngượng, chữ Pháp nó gọi là puder.
Và trong công việc, phải có sự liêm khiết. Tức là anh chỉ nói những điều anh suy nghĩ kỹ thôi. Không xoáy của người khác đã đành, cũng không nói những điều ngẫu nhiên, sàm sỡ.
Hồi chỉnh huấn ở Việt Bắc, ông bố tôi dẫn lại một câu của đạo Thiên Chúa.
- Giữ lấy sự khiêm tốn trước Chúa để giấu đi sự kiêu ngạo trước con người.
Câu đó, không phải ai cũng hiểu ngay được đâu.
Các cụ trước có những ý tưởng thú vị lắm. Ví dụ, cái câu tiếng Pháp mà người ta vẫn dịch: Tôi tư duy vậy tôi tồn tại Ông Hoài Thanh ông ấy lại cho là dịch thế này mới đúng: Ta tư cảm, vậy thì có ta.
Ông bố tôi nói về đạo Thiên Chúa: Giáo lý của đạo rút lại chỉ dạy người ta lấy sự khiêm nhường trước Chúa để giấu đi sự kiêu ngạo trước con người.
Anh nên nhớ, tôi là dân đạo. Có nhiều từ trong tiếng Việt, đến người đi đạo mới dùng được trọn vẹn. Như là chữ thương khó chẳng hạn, phải có nó mới dịch được đúng chữ passion của Pháp (passion không phải chỉ có nghĩa là dục vọng)
Chữ song le, là do mấy ông cha cố đặt ra? Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng?
Nhưng thân tình nhất là cái cách người ta dùng chữ mà. Bao giờ cũng chính xác (Nhàn: Có lẽ là người Pháp, văn hoá Pháp (và phương Tây) đã dọi vào tiếng Nôm một thứ ánh sáng khác, mà trước đây, bằng nguồn ánh sáng chữ Hán, ta không thấy)
- Nghe cô Phạm Thị Hoài chê tiếng Việt, tôi biết ngay cô này không ra cái gì. Chứ anh cứ đi vào nghiên cứu tiếng Việt mà xem anh sẽ rất mê.
Nói chung, là nếu anh không đi sâu thì thôi. Chứ đi vào văn hoá Việt Nam, anh sẽ thấy mê.
Cái này, thì tôi nghiệm ở mình ra. Nghiệm qua những dịp làm việc với người nước ngoài.
Ví dụ, có một thằng Đức, cho nó đi xem trích đoạn chèo, nó không thích lắm đâu. Xem tuồng thích hay không, cũng tùy từng người (có nhiều ngưòi chê tuồng nói nhiều quá, tức là ồn quá. Cùng một lúc bắt người ta phải tiếp nhận nhiều thứ quá. Đến thằng Đức, tôi vừa nói, nó cũng không thích.
Nhưng trước lúc về, dẫn nó đi xem Kim Nhan, thì nó bàng hoàng cả người. Và về Đức, nó viết rằng, nó cảm thấy có lỗi, khi không biết rằng có một nền nghệ thuật như vậy tồn tại.
Còn đây là lời một người Pháp nói về chèo: đó là một nền sân khấu có nhiều điều để nói (còn nói gì thì tôi không biết)
Như thế, tức là khen chứ gì?
Vào khoảng những năm 60, có lần tôi đi xe đạp, đâm vào một người khác tức rõ ràng tôi có lỗi. Nhưng vì tôi ngã, tay đau quá, nên cứ đứng vẩy vẩy cái tay thế này, sau mới đến bên ông ta xem sao. Chưa kịp nói, đã nghe ông ta hỏi luôn: Anh đau lắm à.
Sau đó hai người cùng buộc lại gói hàng của ông ấy.
Lúc ấy, như thế là chuyện bình thường.
Đến những năm 70, đâm vào nhau, chỉ văng ra một câu : mắt mù à?
Bây giờ thì chửi nhau ngay được.
Thế tức là bản chất con người không dốt, họ chỉ bị cuộc sống làm cho hư hỏng.
Cũng như tôi, từ chỗ mình cũng thành tâm làm việc. Và thấy anh nào thắc mắc về lương bổng, thì buồn… sau tôi bị quên nhiều quá, đến mức tôi phải viết thư lên ông Vũ Khắc Liên và thế là ít lâu sau, tôi được lên lương, đúng như đáng lẽ phải vậy.
Có những người, như ông Đình Quang đầu óc của dân biên soạn, nhưng óc cán bộ nặng lắm.
Điều ông ấy không biết, tức là không có ở trên đời.
Điều gì ông ấy không làm, tức là người khác không được làm.
Còn điều gì ông ấy không nói, mà người khác nói, tức là sai.
ấy vậy, mà ông ta cứ đi lập thuyết cứ đi giảng giải, và không biết ngượng trong việc nhắc lại những chuyện của người khác. Có lần, tôi nghe anh em xuýt xoa khen anh Đình Quang nói hay lắm, anh ấy bảo mỗi người phải có cái kinh phúc âm của mình, tức là điều mình tin, và mình luôn luôn trở lại. ờ, hay thật, nhưng tôi biết rằng đấy không phải là điều ông ấy nghĩ ra mà là một câu trong sách.
*
Cũng lạ lắm, là một người như Lưu Quang Vũ, rồi cũng lấy trong sách ra để làm ý của mình. Chẳng hạn, trong vở Thằng cuội, Vũ để cho một cậu tán người yêu, nhưng chỉ đứng đấy thôi. Chính ra là cuội tán hộ.
Đây cũng là chi tiết nước ngoài họ viết rồi.
Tôi có bảo Vũ là bỏ đi nhưng Vũ không chịu.

Tô Ngọc Vân ư, đấy là một nhà văn hoá, viết rất hay, mà nói cũng giỏi (nên nhớ ông từng đi dạy học)
Tôi đang ngồi với ông thì nghe Dương Bích Liên lên trả bài. Tô Ngọc Vân ngắm nghĩa một lúc rồi gật đầu. Khá lắm. Phác thảo chì mà trông đã ra màu rồi. Về lên màu đi.
Dương Bích Liên mang về lên màu, rồi lại đưa ông xem. Lần này ông Vân lắc đầu:
- Bây giờ thì chả còn ra màu gì với màu gì. Đơn điệu.
Tôi phải thắc mắc, tại sao hôm qua phác thảo chì thì có màu, mà hôm nay, có màu rồi, thì lại không thấy màu gì. Ông lại ngồi giảng cho tôi một lúc.
Nhân đọc bài Một hồ sơ nhỏ về Đội của anh, tôi lại nhớ cái lần tôi tiếp xúc với Tội ác và trừng phạt. Đọc trong lúc nào anh có biết không? Lúc tôi vừa ốm dậy. Một đợt ốm kéo dài, cứ 2 ngày lại một cơn sốt rét rung cả giường. Ông bố tôi ở với cơ quan cạnh đấy, thấy tôi đọc Đốt, tỏ ý băn khoăn ra mặt.
- Thứ này đọc hại đến tinh thần người ta lắm.
Và ông hỏi thêm.
- Đọc đến đâu rồi.
- Đọc gần hết.
Ông nghĩ một lúc:
- Thế thì phải có thuốc giải độc.
Và ông gửi sang một quyển sách khác. Quyển gì anh có biết không? Không, không một cuốn tiểu thuyết Xô viết nào làm được việc đó, mà phải là Anna Karénina.
Lại nói chuyện Đốt. Có lần, trong kháng chiến, tôi được nghe đám cán bộ con nhà tương đối trong xã hội cũ, kể về những độc ác của họ, nghe xong rùng rợn cả người: may mà mình không đến nỗi như thế.
Nghĩ xong, lại thấy phục ngay ông Đốt. Là vì trong một tiểu thuyết nào đó, ông đã kể cái trường hợp một người bị xe kẹp, mọi người xúm đến xem và trở về ai cũng hoan hỉ: may mình không việc gì.
Phan Khôi dạy tôi từng chữ Hán một. Nhân đọc quyển sách có cái tên Như Tây hành trình nhật ký, tôi hỏi ông như là gì, ông nói ngày: Như là đi.
Bản thân ông học chữ Tây theo kiểu đó. Nghĩa là cứ lấy từ vị ra mà học.
Thành thử kiến thức của ông - cộng giữa sách Tây và sách Tàu, giữa tự học và quan sát thể nghiệm - thành một tổng thể lạ lắm.
Hai bác cháu đang đi ở đường, thấy một người phụ nữ rửa chân.
- Nghi trông kìa. Sau có lấy vợ, chớ nên lấy loại người có bắp chân như thế kia, khó có con.
- Sao bác biết?
- Sách Tàu họ viết thế.
Ông tin cả vào những sự thật lẩn mẩn, ví như đá có thể nở, đá chôn xuống đất, đỡ cho các cột nhà, sau lấy lên, thấy nó nở ra.
Lần này thì tôi không chịu. Tôi bảo, trừ việc đá ngâm nước không kể, chứ đá làm sao nở được. Căn bản là bác có đo đâu, đo khi chôn nó xuống, đo khi đào lên, mà phải đo thật chính xác cơ. Người ta hay bị cảm giác đánh lừa lắm.
Đến lượt Phan Khôi ngạc nhiên:
- Cháu học cái này ở đâu?
- Ngay trong những cuốn sách ở lớp sơ đẳng tiểu học đã có những mẩu chuyện dạy người ta phải thận trọng quan sát thực tế.
Và tôi dẫn ra vài mẩu tôi còn nhớ.
Hình như Phan Khôi ngán luôn, ông không bao giờ được học như thế.
Phan Khôi thường tự hào, ông làm báo đã thành tinh, bảo viết mấy cột cũng được. Ví dụ bây giờ báo thiếu bài, cần một bài ba cột. Thế là ông viết không thừa một chữ. Đến khi họ lại đến nhăn nhó, hoá ra họ chỉ cần có 2 cột thôi, ông không nói gì, lại ngồi cắt tỉa, còn đúng có hai.
Nhưng khi phải làm chủ báo, thì ông lại đủ mánh khoé, để báo có bài và câu thêm được người đọc.
Ví như năm ấy, có lần trên mục nhắn tin, thấy năm lần bảy lượt mời ông Nguyễn Xuân Huy đến toà soạn chữa một câu thơ. Rồi đến cái quảng cáo, sắp tới bạn đọc sẽ được đọc bài thơ chẳng kém gì Trường can hành của thánh thơ Lý Bạch. Đến số sau, bài thơ mới được in ra.
- Bài thơ hay đến thế hay sao?
- Làm gì có. Nhưng phải làm thế cho bạn đọc người ta chú ý. Cũng chẳng vì thế mà mất uy tín, vì các đồng nghiệp già dặn trong nghề đều biết thừa đầy là cái mẹo làm báo của bác, chứ làm gì bác không biết bài thơ xoàng đến mức nào.
- Phục nhất thằng Pháp, cái lần mình dịch cho nó quyển Kinh Thánh, và in ra, nó liền mở một cuộc thi: thi xem trong bản in Kinh Thánh này còn bao nhiêu lỗi mo-rát.
Làm thế, vừa để người ta đọc Kinh Thánh, vừa bán được sách, mà tiền bỏ ra sẽ chẳng thấm gì với tiền quảng cáo cả.
Tôi đồng ý với anh là Phan Khôi khác, Lỗ Tấn khác. Phan Khôi thông minh sắc sảo, nhưng cái phần yêu nước thương dân, lo đời lo người, thì ông không có dịp biểu lộ ra như Lỗ Tấn.
Cái chuyện đi công tác, rồi gặp người bảo rằng thời loạn, và ông cãi lại, thực ra, là trong một vở kịch, ông dựng lên, và ai cũng khen là sâu sắc.
Lại một lần trên đường gặp hai ông cháu, nói về cụ Hồ, ông cụ tị: "Mày thì được gọi bằng Bác, mà tao phải gọi bằng cụ đấy nhé" trở về, Phan Khôi gật gù.
- Ghê thật, cái uy tín được dựng lên, rồi nói đi nói lại mãi, hoá ra sự thực.
(Còn nhớ Tô Hoài (hay Nguyễn Đình Nghi) kể, một lần ông cụ đang nói, thì Phan Khôi bảo ngay:
- Ở đây không phải ai cũng là cháu đâu.
Thế là cụ Hồ phải đổi giọng đấy. Thưa các cụ, các ông)
Ông Nguyễn Huy Tưởng thuật chuyện đi mặt trận, cũng là đúng đấy, Phan Khôi lên phát biểu cảm động lắm. Nhưng thú vị là ở chỗ, khi về phòng, nghe tôi ……., thì ông chỉ tự nhận:
- Thôi thì đã nhận com măng, cũng phải làm cho đến nơi đến chốn.
Tôi mang chuyện này kể lại cho bố tôi, thì ông (Thế Lữ) bình luận:
- Cái tật của người trí thức vẫn thế- làm xong - làm một việc tốt- xong lại cứ hơi xấu hổ, và phải bảo rằng nó không ra sao.
*
Tôi là người học theo trường dòng, từ nhỏ, tôi sống với đạo Thiên Chúa, nên bảo tôi trình bày về đạo này rạch ròi, tôi không trình bày nổi, nhưng ai nói sai tôi biết ngay.
Ông Phan Khôi đối với đạo cũng như thế.
Ông kể, cái hồi phê bình Trần Trọng Kim: ông tức lắm, vì nhiều chỗ hiểu bậy quá, không đúng.
- Thế sao cháu nhớ là bác còn ưu ái lắm cơ mà.
- Thì dẫu sao đây cũng là lần đầu tiên, có người nói năng về đạo của Thánh hiền như vậy.
Tại hội nghị văn hoá toàn quốc, Phan Khôi lên đọc báo cáo về dạy văn pháp (ngữ pháp). Quay trở về chỗ ngồi nghe Nguyễn Lân bảo "Thì ở trường trung học, chúng tôi vẫn dạy học trò vậy" Phan Khôi tức lắm, im, không nói gì cả.
Có lần, tôi đọc bài Yến Lan viết năm 1956, về vụ giải thưởng 1954-55, trong đó nói rằng ông Phan Khôi cũng không ra sao, ông là thành viên Ban giám khảo giải mà lại không đọc quyển nọ quyển kia, thế thì còn ra sao. Hình như trong việc này, Phan Khôi cũng hơi lươn lẹo chăng?
Nguyễn Đình Nghi: Không, Phan Khôi không đến nỗi thế đâu.
Nói chung là hồi đấu tranh chống Nhân văn, người ta ăn không nói có nhiều lắm.
Bản thân Bửu Tiến có lần viết Phan Khôi đi theo cách mạng cơm trắng có, cơm đen có. Tôi ở với Phan Khôi làm gì có chuyện ấy!
Hoặc như Đào Vũ kể rằng Phan Khôi trong kháng chiến, ở nhà đồng bào đái ra cả nhà họ. Thực ra câu chuyện như thế này.
Lần ấy Phan Khôi ốm, ốm đến mức đêm dạy buồn đái quá, mà không xuống thang được, phải đái ngay vào cái cột nhà sàn, để nó chảy xuống tầng dưới.
Nhưng lão chủ nhà người Thổ mà quá khôn ngoan, thấy Phan Khôi ở nhà mình không mang lại lợi gì, lúc ấy đã nhiều phen khó chịu, nhân chuyện ấy của Phan Khôi, mới làm ầm lên, để mọi người biết, mặc dù Phan Khôi đã xin lỗi cẩn thận.
Đọc văn, anh không thể tưởng tượng được rằng Phan Khôi là một người đa tình. Hồi ông bị giam trong một công đường (chứ không phải trong khám), ông còn tán được cô vợ lẽ tay tỉnh trưởng cơ mà. Lạ nhất là sau đó, ông bị một tốp thanh niên đuổi đánh, phải chạy trốn. Thì ra bọn họ tán mãi không được cái cô vợ lẽ ấy (!)
… Nói chung, lúc trẻ, ông chơi kinh khủng. Tức là ông vẫn thuộc dòng nhà nho tài tử. Bảo ông là học giả không đúng. Đúng hơn, ông là một lãng tử.
Còn nhớ, lúc tôi được gọi sang Trung quốc học, Phan Khôi tận tình khuyến khích tôi đi bằng được.
Lúc tôi viết cho ông một lá thư bằng chữ Hán, ông cảm động lắm, viết ngay cho tôi một lá thư mà đầu tiên là một dòng chữ Hán Thân ái đích Nguyễn Đ Nghi………… viết bằng chữ Hán.
Rồi ở đoạn dưới - viết bằng quốc ngữ- ông bảo rằng nhận được thư tôi, ông đã viết ngay dòng chữ Hán đó, nhưng nghĩ mãi không biết viết tiếp bằng chữ Hán, mới phải dùng chữ quốc ngữ.
Một người, như ông Phạm Văn Đồng bao giờ cũng là người thích giữ thể diện (người theo đường lối của cái mặt - ông Nghi nói bằng tiếng Pháp).
Mới đây, có câu chuyện, gia đình Tú Mỡ lên tặng ông Đồng bộ sách Toàn tập Tú Mỡ. Nói linh tinh một lúc, ông Đồng bảo, anh em phụ trách bây giờ chỉ Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt không làm được gì, vì họ không phải người làm văn hoá.
Điều này, chính người con của Tú Mỡ nói với tôi (NĐN)
Nhưng tôi (NĐN) lại ngẫu nhiên nghe được một ý do Ngô Thảo nói lại là, Ngô Thảo kể rằng ông Đồng bảo không nên trách anh em bây giờ là không có văn hoá. Họ còn bận đánh giặc. Mình mà trách họ, thì chính mình mới là người thiếu văn hoá.
Không thể tưởng tượng được rằng sau khi nghe ông Lý Ban nói về thơ đầy tớ ở Trung quốc - ý nói thơ phục vụ công nông binh --, ông Tố Hữu, một người không phải là không bản lãnh, cũng bảo:
Hay là ta cũng làm thơ đầy tớ.
*
Hoặc cũng không thể tưởng tượng được một người như ông Nguyễn Chí Thanh, ông ấy quyết đoán như thế nào. Hồi ấy, đã bàn nhau rằng có lẽ, không thể tính làm văn nghệ lớn, mà chỉ làm văn nghệ cho quần chúng là được.

Những nhận xét linh tinh
Ông Vũ Ngọc Phan thì chán lắm. Tôi còn nhớ như in cái đêm Nguyễn Tuân từ Khu 4 ra, kể chuyện lên lớp cho lớp văn hoá khu 4, V.N. P. nói nhạt như thế nào, và để ví dụ Nguyễn Tuân dẫn ra những câu chuyển đoạn của Vũ Ngọc Phan: "Bởi vì thế cho nên mới thấy lý do rằng thì là" Và người ta tổng kết.
Vũ Ngọc Phan có tài biến những cái hay thành cái nhạt.
Còn tôi, tôi cũng có kinh nghiệm riêng về cụ Phan Anna Kha lệ ninh thì không nói làm gì, ngay đến Đảo giấu vàng (Châu đảo) mà tôi đọc bản dịch cũng không thể chịu được, phải tìm nguyên bản.
- Ông Nguyên Hồng với tôi còn có họ đấy chứ, tôi phải gọi bằng chú. Hồi nhỏ, tôi đã yêu ông chú ấy, hồi kháng chiến, đi với ông, tôi còn thỉnh thoảng cấu vào vai ông, chỉ sợ không thật, sao mà lại có người thông minh thế này.
Sau mới phát hiện ra là ông ấy ít học và có nhiều chuyện nhớ lẫn, song lại nói rất cảm động thành ra cứ như là người nói dối.

Nhân nói đến Bửu Tiến, tôi vụt nhớ ra cái bài phát biểu của Bửu Tiến tại một đại hội nhà văn (không được đọc, nhưng sau 1-2 tờ báo nào đó, khui ra, đăng lại), Nguyễn Đình Nghi kể một lô một lốc các chuyện liên quan đến ông này.
Đúng là ông ta có họ với hoàng tộc đấy, nhưng chỉ là xa xôi thôi.
Chính ông kể cho ai đó, rằng ông làm thợ may ở Huế, được vời vào cung, may áo cho Nam Phương hoàng hậu, ông ấy còn mang theo một quyển sách tiếng Pháp, rồi bà hoàng hậu mới hỏi rằng ông cũng đọc sách này cơ à, hai bên đàm thoại bằng tiếng Pháp làu làu cơ mà.
Đấy là một người ác khẩu, chỉ một ví dụ này đủ biết.
Có một câu làm vở kịch gì đấy, mời ông xem, ra về hai bên đi nói chuyện.
"Vở này tốn kém nhỉ"
"Tiền nong không nói làm gì, nhưng anh thấy chất lượng ra sao"
"Thì mình đã nói: vừa tốn vừa kém"
Có lần, ông đọc vở, rồi mọi người góp ý kiến, trong đó có cả Thế Lữ. Sau ông kể lại với tôi.
"Mọi người nói khá hay, nhưng tôi nhớ nhất lời ông bố cậu"
"Ông ấy nói như thế nào"
"Vở kịch được viết chặt chẽ quá, đến mức không cựa được".
Nhưng chính Bửu Tiến là người dám nói với Tố Hữu (có lẽ cũng là người Huế, nên họ biết vở nhau)
- Ông nên để ý tới cấp dưới một chút, chứ dạo này sách giáo khoa toàn thấy giảng thơ ông đấy.
Tôi không có ấn tượng gì đó đặc biệt về Kim Lân, chỉ nhớ nhất là ông ta cũng tinh nhạy lắm. Có lần ông ta chấp bút làm một vở gì về ruộng đất, lấy tên là Nông dân vùng lên. Tôi đang phụ trách đánh máy ở cơ quan, ông đến gần và bảo:
- Có to quá không?
Tôi tưởng là ông ấy có nhận xét gì về kỹ thuật, song hoá ra ông ấy băn khoăn về nội dung. Thế là người cũng nhạy đấy chứ.
Nhưng ông này có cái lạ, là có gì không biết, là lảng.
Và tôi cảm thấy ở ông ta cũng có cả một nụ cười chế giễu thường trực.
*
Loại người như Tô Hoài, nói về thi đua rất hay. Đại khái ông ấy bảo nói yêu nước thì ai cũng như ai. Song chỉ căn cứ vào thi đua mới biết ai yêu nước hơn ai.
Tức là một cách để nói rằng thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua.
Tôi cũng sợ ông Tô Hoài về cái tính hay chế giễu. Tôi phụ trách báo tường, đến bài ông ấy viết là ngại lắm, cứ mủm mỉm cười mà hoá ra từ chối.
Có người hỏi Tô Hoài mực tím làm bằng gì, ông ta mới chỉ cho tôi, hỏi cậu Nghi đây này và tôi thì tôi biết bản chất của mực tím thật - nó là một thứ khoáng chất. Nhưng trong cái nhìn của Tô Hoài, cứ thấy một thoáng giễu cợt, có mỗi chuyện vớ vẩn ấy mà cũng để ý.


Cái khổ của người làm văn nghệ.
Cố nhiên, cái khổ lớn nhất, là phải hầu hạ những người không biết gì về nghệ thuật.
Chẳng hạn, như một lần, ông Hà Huy Giáp tự nhiên vui chân đến thăm đoàn (văn công nhân dân Trung ương hay Nhà hát kịch?) và cũng tự nhiên nói chuyện với anh em.
- Các đồng chí làm nghệ thuật bây giờ phải đa năng, đấy ngay như Molière xưa cũng rất đa năng, vừa làm đoàn trưởng, vừa viết vở, vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên.
Chắc là cụ mới nghe ai nói ở đâu đó, thú quá, nên nói ngay. Mà các ông ấy đã nói thì bọn trợ lý dễ biến thành chỉ thị lắm.
Tôi phải thay mặt anh em mà nói lại một cách rất nhã nhặn. Rằng đó là chuyện ngày xưa, chứ bây giờ, người ta được chuyên môn hoá cao độ. Rằng tiếng là làm đủ thứ thế, nhưng cái còn lại ở Molière chỉ là viết vở, chứ còn các mặt kia, có thấy nói gì đâu.
Đại khái nói một lúc, nói thật khéo nhưng cốt để ông ấy quên đi.
Còn đây, là một kỷ niệm về Hình và bóng với ông Bửu Tiến (?)
Thông qua ở trên bộ, ý kiến rất khác nhau, tới mức ông Mai Vy phải bảo: " Thôi, đến nước này, bộ chịu đấy, phải đi mời cấp trên thôi"
Mời ai bây giờ, có thể là ông (?), ông Trần Quang Huy, mà có thể là ông Hoàng Tùng. Anh em bàn nhau, các ông kia quyn -tuya si noa, q.t. xô viết, khó chơi lắm, mời Hoàng Tùng quyn luya f răng xe thì hơn. Hoàng Tùng nhận lời.
Tôi được phân công nói lời dẫn giải.
- Thưa các đồng chí, các đồng chí sắp sửa có ý kiến quyết định không chỉ đối với một vở kịch, mà là với lao động nghệ thuật và niềm vui nỗi buồn của hơn 70 con người, những người lao động tận tình, tâm huyết những người luôn luôn muốn phục vụ nhân dân, mang lại thưc ăn tinh thần cho nhân dân, những người ghi nhớ đến tận đáy lòng lời chỉ giáo của Gorki. Phải nắm vững ngôn từ như một sinh vật trong lòng bàn tay của mình, và phải làm sao để khi thả nó ra, sinh vật đó vẫn phập phồng sống động.
Bửu Tiến bảo tôi: Nói thông minh và lễ phép lắm.
Sau đó, đến những màn quan trọng tôi lại cho dừng lại ra thưa trước:
- Sau đây đến đoạn quan trọng nhất của vở. ở đoạn này, chúng tôi đã tìm được 3 cách xử lý, sau đây, chỉ đưa ra một để các đồng chí xem và có ý kiến. Cũng phải nói ngay là trong 3 cách xử lý này thì cách sau đây, theo chúng tôi là vừa bảo đảm chính trị, vừa hay, nghĩa là có nghệ thuật, còn các cách kia, thì nghệ thuật hoàn toàn bị vứt bỏ.
Ông Hoàng Tùng xem và không nói gì, tức không thấy sai. Đôi lúc, ông hỏi ông Hoàng Minh Giám, anh có thấy gì không, Hoàng Minh Giám trả lời rằng không. Thế là được. Chỉ đến khi Tố Hữu chỉ thị xuống là đánh thì mới đánh.
Mà Tố Hữu không xem, chỉ đọc kịch bản.

- à, ông Hà Huy Giáp lạ lắm. Có một vở của bọn tôi, ông ấy rất thích, đến khi một ông Bộ Chính trị bảo có vấn đề thế là ông lại quay ra phê phán.
Rồi đến lúc mấy ông ở Bộ Chính trị cùng xem và bảo không có vấn đề gì, thì là ông ấy lại bảo được.
Còn nhớ cái lần tôi với ông Nguyễn Đình Thi làm vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan. Lúc làm cũng hào hứng lắm, mà hào hứng nhất là giây phút cảm hấy rằng mình có vẻ như đã nắm được ranh giới, chỗ nào cần vươn tới, chỗ nào cần dừng lại.
Nhưng đến khi bị phê bình thì mới ngớ ra. Hình như mình không nắm được. Mà hình như nó rất khó nắm nữa.
Nhớ lại về văn nghệ kháng chiến (Nguyễn Đình Nghi kể)
Kháng chiến là một sự nghiệp lớn lao, và hầu như mọi người văn nghệ sĩ đều chân thành đi theo kháng chiến. Tôi nhớ một lần tản cư đến làng X. một người nông dân tỏ ý ái ngại mấy cụ già Phan Khôi, Ngô Tất Tố… quá vất vả.
- Thời buổi loạn lạc nên các cụ mới phải lặn lội mưa gió thế này.
Phan Khôi chữa lại ngay:
- Sao lại bảo là thời loạn? Giờ là thời thịnh trị chứ. Có thịnh trị thì toàn dân mới theo cụ Hồ đánh Pháp.
Không ai khác, chính ông Tuân là một người rất ghét những anh sợ gian khổ bỏ kháng chiến.
Đỗ Đức Thu vốn là bạn thân với Nguyễn Tuân, ở trong thành, chỉ làm cái việc của ông Nguyễn Xiển là khí tượng thuỷ văn thôi, mà ông Nguyễn Tuân ông ấy cũng xỏ xiên:
- Đo gió cho nó, để máy bay nó lên Việt Bắc ném bom cho nó được thuận tiện.
Còn nhớ cái hôm ấy, tôi đang đọc tờ báo ở trong thành tường thuật chuyện Đoàn Phú Tứ dinh tê- Đoàn Phú Tứ nói rằng một chế độ mà đã coi rẻ nền văn hoá dân tộc như thế, thì phải từ bỏ để trở về với chính nghĩa quốc gia thì Nguyễn Tuân cũng ngồi đấy ghé mắt nhìn qua mấy câu khốn nạn ấy của vị đại biểu quốc hội, Nguyễn Tuân gật gù:
- Tức là lúc ấy đã hút thuốc phiện thật đẫy rồi, nên mới nói như thế này đây mà.
Ông Tô Hoài, ông Tưởng, ông Thi, hồi ấy là những cốt cán, ông Tô Hoài hóm hỉnh và ranh mãnh như thế, nhưng nói về thi đua, về chính sách không ai là không thấy hay. Ông Thi thì rất nồng nhiệt. Ông Tưởng biết tất cả, nhưng với tư cách là người phụ trách lại phải làm nhiều việc trái ý muốn. Tôi nhớ, lần ấy tổ chức Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua. Cả ba ông ấy đều được đi dự, mỗi ông trở về nói một ấn tượng.
Ông Tô Hoài chưa thôi khó chịu về những lời phát biểu của Nguyễn Mạnh Tưởng.
- Có cái tướng hão là đại trí thức nên người ta mới mời phát biểu. Thế mà lão ấy mở đầu bằng một câu bông lơn nhảm nhí, không ai nghe nói "Thưa các ngài, bao nhiêu điều hay ho tôi định nói, thì người phát biểu trước tôi đã phỗng tay trên mất rồi"
Ông Thi: Được nghe những lời tâm huyết của đại biểu, mình thấy cái dự trữ phấn khởi cách mạng của mình - ông dùng tiếng Pháp - được tích luỹ thêm rất nhiều.
Ông Tưởng thì mộc mạc hơn, ông Tưởng kể ví dụ như Nguyễn Quang Vinh, còn anh hùng cá nhân ra sao, lúc nào cũng vỗ ngực ta lập công, ta lập công ra sao.
- Thế thì ngược hẳn với những điều anh viết về anh ta trong xê-ri chuyện các chiến sĩ.
Nhưng nếu viết đúng như họ nói thì làm sao mà in được?
Thế là tôi hiểu thế nào là văn học cách mạng.

Một người như Hoài Thanh lúc ấy chân thành lắm. Có lần, nhân nghe mọi người nói về vở Đề Thám, tôi mới nói lại gì đó (nói vui ở nhà thôi, chứ mặt tôi đâu được dự hội nghị) thế là ông Hoài Thanh nói ngay:
- Cái cách Nghi vừa nói, có cái chất khinh bạc và chế giễu, nó là thuộc về một giai cấp đang suy tàn chứ không phải của một người thanh niên mới lớn.
Và thế là sau đó, các ông ấy chuyển tôi khỏi Ban văn của Hội văn nghệ- tôi làm thư ký ban ấy- để về một nơi khác. Vì các ông ấy cho là sở dĩ tôi cũ, tôi hỏng như thế, vì tôi ở gần ông Phan Khôi, ông Ngô Tất Tố.
Nhưng mà do chưa bao giờ ở gần nhau như thế, nên họ nhận ra cái chỗ vớ vẩn, chỗ buồn cười của nhau nhanh lắm.
Xuân Diệu có bài thơ Một sớm mai hồng… gì đó, ông Tứ mang ra giễu mãi. Đến lượt vở Trở về của ông Tứ, thì Xuân Diệu, dưới bút danh Trảo Nha, còn viết cả một bài, chê là đến cái chính trị tối thiểu như thế, mà Đoàn Phú Tứ cũng không hiểu, và Trở về là một vở nhạt.
Cụ Phan Khôi kể về quyển Nho giáo của Trần Trọng Kim.
- Hồi ấy, tôi giận lắm, vì một người hiểu về Nho giáo như vậy mà dám viết sách.
- Nhưng chính là bác đã viết bài khen cơ mà.
- ờ nhưng mà lần đầu tiên có người viết ra được, thì cũng phải khen chứ.
Phan Khôi chê Ngô Tất Tố, Ngô Tất Tố chê Phan Khôi, cái đó dễ hiểu rồi. Nhưng cả hai cụ nhìn những người khác, thì lại cùng nhận ra những lố bịch của họ.
Chẳng hạn, có lần Ngô Tất Tố sang chỗ Anh Thơ chơi, trở về mới kể là mình vừa liếc mắt nhìn cái thời gian biểu của bà ấy. Trong số công việc một ngày của Anh Thơ, việc cuối cùng được nêu là tắm trăng.
Và thế là cả Ngô Tất Tố lẫn Phan Khôi cùng lăn ra cười.
Về việc Ngô Tất Tố vào Đảng. Một lần Ngô Tất Tố đang ở nhà thì có người gọi đi họp, buổi họp chuẩn bị để hôm sau kết nạp ông vào Đảng. Thì ra một con trai của ông là du kích ở quê nhà, có tin là vừa hy sinh.
Chính Ngô Tất Tố hay kể với mọi người như vậy.
Suốt nửa đầu thế kỷ, cả dân tộc này chỉ lo chuyện đánh tây, nên lúc ông Cộng sản ông ấy đánh được Tây thì cũng tức là uy quyền ghê lắm.
Bao nhiêu văn nghệ sĩ mình, cả loại cứng đầu như Nguyễn Tuân cả loại rã rượu như Lưu Trọng Lư đều bị ông ấy thu phục cả.
Nhưng mà cái lòng yêu dân tộc của các ông ngay xưa thì không chê vào đâu được. Ông Nguyễn Xuân Khoát chỉ có bài hát, nói mấy anh thương binh, có mấy chữ đệm ca la pinh, ca la pong, thế là ông Xuân Diệu bẻ ngay: tiếng Việt không có phụ âm p, và ông Khoát phải sửa ngay.
Sau những cuộc chỉnh huấn hồi ở Việt Bắc, có lần tôi buột miệng:
- Tôi cảm thấy bao nhiêu sách vở đều vứt đi hết.
Có người nói ngay:
- Không vứt đi hết đâu, nếu anh biết dùng nó trên một lập trường giai cấp.
Thế mới sợ chứ.
Nghĩa là giống như đạo Thiên chúa: tìm tòi khoa học tha hồ, miễn là chứng minh rằng có Chúa.
Người nói với tôi câu trên là anh Trọng Hứa.

*
Hồi ở Việt Bắc, có một danh hiệu mà anh em hay chỉ Trọng Hứa: Bần. Nó bắt nguồn từ truyện Thằng Bần mà Trọng Hứa viết hồi ở Tiên Phong. Nhưng nó còn có cái ngụ ý, ông ấy già lắm, cũ lắm, loại bầm mà lại.
Có cái truyện ngắn Gợi khổ được Tố Hữu khen, đi đâu cũng khoe.
Nhưng sự thật là một người nhạt nhẽo mà lại đồng bóng.
Nhân nói rằng cái mặt của Nguyễn Xuân Sanh là mặt thủ dâm
- Không, cái đó thì phải thuộc về Trọng Hứa. Ông Phan Khôi vẫn bảo tôi rằng Trọng Hứa là cái loại tự túc vợ.
Trong các ông giáo sư của ta bây giờ, tôi rất phục ông Trần Đình Hượu. Một lần tôi được nghe ông ấy nói về Đông Kinh Nghĩa Thục thấy ông ta kết luận:
- Về tinh thần yêu nước, thì chúng ta bây giờ chưa chắc đã hơn các cụ. Các cụ hồi ấy ghê lắm, nhiệt huyết lắm.
- Chỗ giống nhau giữa Đông Kinh Nghĩa Thục với ta là các cụ cũng nói đổi mới, cũng muốn làm mới mình, nhưng mới là gì, thì không biết.
Thế còn Từ Chi? Đọc ông ấy, thấy có duyên lạ. Nhưng một con người uyên bác và hóm hỉnh như thế sống như thế nào. Tôi nghe người ta kể, ông nhận xét về Đao Hùng "cái chết của hắn là ở ngay cơ quan làm cái chuyên môn về sử". "Tức là muốn tồn tại được, anh phải ở cái cơ quan nó làm nghề khác anh". Nghĩ kỹ thì thấy cả xã hội thù ghét người làm chuyên môn, thật buồn cười quá.

Người nghệ sĩ trong cách mạng
Bài viết của anh (VTN) về Nguyễn Khải, có lẽ là hơi khe khắt, nhưng về cơ bản, vẫn có thể nói là đúng, đọc xong, tôi chỉ nghĩ: cái thời đại này nó mới ghê chứ, nó nghiền nát bao nhiêu người, đến cả loại như Nguyễn Tuân, nó cũng không tha cơ mà. Mà Nguyễn Khải muốn vượt lên được, muốn khẳng định được mình, thì cũng phải biến dạng đi, thay đổi đi, có khi không còn là mình nữa.
Chắc anh còn nhớ, hồi ấy, Nguyễn Khải viết một loạt bài trên báo Nhân Dân, rồi bị phê bình. Gặp anh ấy ở nhà Thiết Vũ ra, tôi hỏi thăm vài câu tôi nhớ Nguyễn Khải có nói mấy câu, mà phải nói ta không bao giờ tôi quên nổi:
- Ông xem loại người như tôi, ơn vua lộc nước đầy mình, tôi viết thế tức là tôi nịnh chứ. Vậy mà nịnh không nổi, hoá ra nịnh cũng khó lắm.
Tức là thế nào, tức là ông Nguyễn Khải ông ấy rất hiểu cái vị thế của ông ấy, ông ấy làm mọi việc trong sự kiểm soát của lý trí.
Cái năm ấy, vụ Trần Việt Phương nổ ra trước, vụ Nguyễn Khải tiếp theo sau, tôi nhớ ông Tố Hữu ông ấy nói ý như thế này: Trần Việt Phương là một thằng điên, còn Nguyễn Khải ông ấy gọi là một thằng xỏ lá (Mà ông Tố Hữu nói, tức là Đảng đã nói)
Nguyễn Khải biết cái khó của Nguyễn Khải lắm !
Tôi nhớ năm ấy ông ấy viết xong Cách mạng, muốn nhờ Trần Phương đạo diễn. Tôi thì cũng chả phải xin việc, nhưng cũng thành thật hỏi sao ông không gọi tôi. Anh biết ông ấy trả lời sao không:
- Thế này ông Nghi ạ, tôi cũng sắc mà ông cũng sắc. Hai thằng sắc sảo cả gặp nhau thì sập tiệm. Tôi phải gọi Trần Phương cho nó nhoè đi, tù đi, may ra mới diễn được.
Qua chuyện này tôi nghĩ: với Nguyễn Khải, trước hết viết phải đúng, kịch phải diễn đã.
Con người ta trước Cách mạng là một cái gì cũng lo lắm. Nghĩa là cũng đầy mâu thuẫn. Bây giờ đã thân với nhau rồi, tôi có thể kể hết với anh thế này.
Ông bố tôi - mà tôi yêu kính - là người như thế nào. Ông ấy rất nghiêm khắc trong ăn mặc, trong cư xử, tóm lại là một người rất hiểu đạo thánh hiền chứ gì. Nhưng ông ấy nghiện hút, và trong khi mải làm kịch, ông ấy bỏ lửng bà mẹ tôi, để sống với bà Song Kim.
Anh không thể tưởng tượng là thời ấy, chúng tôi - một thiếu niên như tôi khổ về những lề thói cũ đến mức nào. Tôi sống với bà nội, một bà già ngoan đạo, và tôi đã thấy bà tôi hành hạ mẹ tôi hành hạ về mặt tinh thần, nó kinh khủng, nó làm cho tôi không bao giờ thấy cuộc đời là tự nhiên, là bình thường nữa (ấy những lúc tôi phẫn uất quá, thì bố tôi lại tâm sự với tôi, giảng giải cho tôi là phải nhẫn nại, phải cam chịu)
Trong hoàn cảnh ấy, văn minh phương Tây hiện ra như một hứa hẹn giải phóng.
Nhưng, dù yêu văn minh Pháp đến vậy, người ta tức là bọn tôi lúc ấy, vẫn không thể chịu được sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam. ở trường, một học sinh láo, dám chửi mấy Tây, giám thị Tây là một học sinh được cả trường suy tôn như một anh hùng.
Ông bố tôi, là người cũng được ân sủng của văn hoá Pháp chứ gì? Văn hoá thì ông ấy nhận, chứ người Pháp ông ấy không chịu. Một lần nào đó, tôi buột miệng ông Tây bà đầm, ông ấy chữa ngay thằng Tây con đầm. Lại như cái lần tôi học được bài Le mac-xây-e hát cho ông ấy nghe, ông ấy nói ngay: - Nghe xong bài này rất muốn diệt hết Pháp.
*
Có thể nói rằng rất khó cắt nghĩa thái độ của những người như ông bố tôi với cách mạng.
Một mặt thì ông biết hết, biết rằng mình đang sống trong một hoàn cảnh như thế nào. Có lần ông bảo:
- Cái chủ nghĩa tập thể như hiện nay, chỉ càng đẩy người ta tới chủ nghĩa cá nhân.
Lại một lần khác.
- Bố hiểu rằng bố đang bị cách mạng lợi dụng.
Nhưng ông cũng nói ngay:
- Có điều, trong hoàn cảnh này, bố chấp nhận sự lợi dụng đó.
(nhân có việc, tạp chí Hợp Lưu ở ngoài đăng lại bài Thế Lữ viết về Phan Khôi, lần đầu in ở báo ND, 4-58)
- Hồi ấy, mà không viết lôi thôi to ấy chứ.
Về mối quan hệ của ông bố tôi với Xuân Diệu.
Khoảng 1982-83 gì đấy, khi Thế Lữ tuyển tập được in ra, nhân một cuộc họp ở Hội Nhà văn, ông Tuân mới bảo tôi:
- Này ông Nghi ạ, thì ra bây giờ ông Diệu ông ấy đã phải công nhận công lao của bố ông rồi đấy.
Chả là trong Thế Lữ tuyển tập có bài Xuân Diệu ghi hộ ít đoạn học ký của Thế Lữ, để đền đáp sự tận tình của Thế Lữ lúc Xuân Diệu mới bước vào văn đàn.
Nhưng mà hồi kháng chiến thì đâu có vậy.
Nét đặc biệt trong tính cách của Xuân Diệu là khi cần, rất tha thiết sau lại phủi tay ngay. Ngay từ trước 1945, ông ấy đã phủi tay với đám Tự Lực rồi cơ mà.
Thơ thơ lần đầu, do Đời Nay in, còn đề rõ Xuân Diệu trong Tự lực văn đoàn.
Đến 1943, tái bản, đã bỏ rồi (bản NXB Huy Xuân)
Xuân Diệu hay nói với mọi người rằng hồi ấy, Tự lực thế to quá nên mình phải làm thế, để có thể đến với văn học (Nhàn: xem Bùi Hiển trong cách mạng kháng chiến và đời sống văn học)
Nhưng một lần tôi nghe ông bố tôi nói với một người bạn.
- Lúc vào nghề, Xuân Diệu quỵ luỵ với mình lắm.
Một lần họp ở Việt Bắc, Huy Cận phát biểu:
- Tự lực văn đoàn không hề có công trong việc đào tạo tài năng.
- Thế Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyên Hồng thì sao? - Bố tôi hỏi lại.
- À, trong câu hỏi của anh Thế Lữ đã có sẵn câu trả lời rồi- Huy Cận ứng đối ngay.
Tôi mới viết một bài về sân khấu dân tộc, đại ý là:
- Sân khấu dân tộc phải cảm ơn cách mạng lắm. Vì nhờ có cách mạng, sân khấu dân tộc mới được hồi sinh.
- Nhưng lạ một cái, sân khấu dân tộc là con nuôi thì còn, mà sân khấu cách mạng là con đẻ thì mất. Anh có nhận thấy, mấy chục năm nay, các vở của ta, được hoan nghênh một thời, rồi chết luôn. Không ai nghĩ lại mang những Bắc Sơn, Chị Hoà, Đại đội trưởng của tôi dựng lại thành kịch mục thường xuyên ở các nhà hát.
Thế thì tại sao?
Vì chúng ta coi sân khấu là công cụ.
Mà công cụ dùng xong thì bỏ đi. Đấy là sân khấu cách mạng.
Còn như sân khấu dân tộc ấy ư, lúc ta tiếp nhận nó, ta xem nó như gia tài của cha ông để lại.
Có lần, đầu 1973, cũng được mang sân khấu dân tộc đi Paris đấy chứ. Nhưng mang gì? Lưu Bình Dương Lễ ư? Vậy là dám nói rằng ở ta phổ biến chuyện vở cả vợ hai. Quan âm thị Kính ư? Phụ nữ ta toàn lẳng lơ như cô Màu? Không được.
Thế là sân khấu dân tộc ta thoát.
Một nhà nghiên cứu ở phương Tây đã bảo:
- Diễn kịch đó là phương Đông. Ở Phương Tây, chỉ có kịch bản.
Tôi thấy nước ngoài họ công bằng với ta, chứ không nói hão đâu.
Như bà Ba Lan Markoviwch, bà ấy kể:
- Lúc đầu các anh cho tôi đi xem Câu chuyện Iếc kút, tôi tởm lợm quá.
- Tôi tưởng cái đó là hay.
- Kịch bản hay, nhưng cách diễn của các anh làm tôi tởm.
Đến hôm đi xem Suý Vân tôi mới thấy được giải toả. Nó như gột sạch cái tởm lợm tôi bắt gặp, từ buổi xem Iếc kút.
Không thể quên được, sau khi Suý Vân chết, lại xuất hiện anh hề. Nghĩ kỹ ở đây mới thấy cái đó không phải vô lý, nó chứng tỏ ở đây xã hội dửng dưng với những bất hạnh của một con người như thế nào?
Vậy là họ nói thực lòng chứ gì.

- Anh bảo viết hồi ký, nhưng làm sao mà viết được. Bây giờ tôi ngồi tôi viết ra những đoạn tôi kể với anh thì ai người ta in? Còn nếu như viết lăng nhăng thì viết làm gì, tiền bạc được là bao?!
Nhưng nghĩ cho cùng, lý do chính là thế này:
- Văn nghệ ở ta, mấy chục năm qua, là một thứ công cụ. Mà công cụ thì làm gì có sự tồn tại độc lập, làm gì có quá khứ, làm gì có trí nhớ, làm gì có lịch sử.
Một người như cụ Hồ chẳng hạn, tất cả mỗi công việc cụ làm, đều là vì cái mục đích trước mắt hết.
Người ta tán tụng đủ thứ chung quanh Nhật ký trong tù. Nhưng tôi nhớ một ý của Đặng Thai Mai - Không bao giờ cụ Hồ làm gì, mà không có mục đích cả.
Cụ không định làm thơ để đời, để trở thành thi nhân.
Nhật ký trong tù chỉ có một lý do khiến nó phải được viết ra: nó là bộc bạch của người tù với những kẻ giam hãm người tù ấy, rằng ta chả có lỗi gì cả, phải cho ta ra để ta còn trở về với công việc của ta ở Việt Nam.

Anh có biết tại sao ông bố tôi viết truyện trinh thám không? Đơn giản lắm. Hồi ấy báo bắt đầu giảm số lượng phát hành, chính Nhất Linh nghĩ rằng phải viết trinh thám cho người ta đọc, và ông bố tôi là người có khả năng làm việc đó.
Người làm báo phải phân biệt những gì mà mình thích, với những gì mà bạn đọc thích, người xem thích công chúng thích.
Ông bố tôi kể: Lúc soạn các bài lai cảo tới báo, có những bài bố tôi đã loại ra, Nhất Linh còn lấy đăng lại. Sau kiểm tra lại thì thấy bạn đọc thích những bài được lấy lại đó thực.
Hồi kháng chiến, có lần ông bố tôi đưa tôi một kịch bản và bảo hai bố con cùng làm. Tôi thấy kịch bản không hay nên từ chối.
Ông bố tôi gọi một người khác cùng làm, và nhiều người xem thích lắm. Sau đó, ông tâm sự:
- Cậu thấy Nghi chưa phải người làm sân khấu. Người làm sân khấu không chỉ dựng vở theo yêu thích của riêng mình, mà phải đứng về phía bạn đọc. Liệu bạn đọc có thích những cái này không?

14-1-2001
Ông Nghi mất 8h15 ngày 9-2 (17 tháng giêng). Đám ma 14-2-2001.
Theo lời những người trong gia đình:
- Ông Nghi rất tỉnh. Bàn với vợ: Nếu mình chết, trong cáo phó bỏ hết những chức tước, đơn vị đi, bỏ hết các giải thưởng chỉ ghi Nghệ sĩ là đủ, mà không cũng được.
Vợ: Hay ghi Đạo diễn nhân dân Nguyễn Đình Nghi.
Thế thì hay quá!
- Ông chọn cả cái ảnh sẽ để vào quan tài, và dặn không mua thứ áo quan có mặt kính (không muốn cho ai nhìn lần cuối)
- Câu cuối cùng ông kêu lên: Trời ơi, sao mình yếu thế nhỉ! Và đi.

*
Tôi nói với Nguyễn Văn Thành
Anh Nghi những ngày cuối cùng này, gợi cho tôi một cảm giác đã già cỗi, đã thiu thối ra.
Anh có xem phim, thấy bọn I rắc nó thiếu ăn thiếu thuốc men, kinh khủng ra sao.
Mà chúng ta suốt thời chiến tranh lại chẳng bị tách rời khỏi thế giới như nó (Hơn nữa ta tự giam hãm mình vào đấy, chứ không phải bị ai cấm đoán)
Ông Nghi thì ở trong căn phòng không có ánh sáng, như cái cây bị ốm, không iếp nhận được cái gì mới nữa.
Hai người mà Nghi đặc biệt quý mến, là Phan Ngọc và Nguyễn Đình Thi, nhưng cả hai người ấy đều không ra gì. Phan Ngọc có cái thành thạo của người con nhà quan, cái bặt thiệp của người giỏi ngoại ngữ nhưng Phan Ngọc cổ hủ giả dối một cách chân thành, rất khó chịu. Còn Nguyễn Đình Thi, có ai trong giới không biết ông ta hèn hạ trong xử thế và chỉ ra cái điều cao cả trong nhân cách.
Thành kể tiếp về Nghi.
- Hai lần từ chối cục trưởng, Nghi không làm quan và muốn chứng tỏ con đường sống riêng của mình.
Nhưng lương và nhà thì ông đấu tranh bằng được.
- Vẫn có cái nhỏ mọn và sợ sệt chứ. Mấy năm trước, Pháp nó định tặng cho ông cái danh dự bội tinh (hay là cái huân chương nào đấy), nhân danh một người trí thức tự do, nhưng ông không dám nhận, vì nó cho chung với Dương Thu Hương một đợt. Ông bảo cho riêng thì nhận.
- Cũng có cái ức, dẫn đoàn khi Việt Nam đi Mỹ đấy. Ông ấy là người thiết kế chương trình quan hệ sân khấu với Mỹ nhưng chỉ được đi khảo sát một lần, lần sau ở nhà, ông ức lắm.
- Trong cuộc đời riêng, lẽ ra Nguyễn Đình Nghi chết từ kháng chiến chống Pháp rồi- vậy mà ông còn sống được. ở ông có chất một người theo đạo nhẫn nại, người trí thức nghèo ham hố nhưng cũng tự hạn chế, ….. dằn vặt mình, liêm khiết, tự trọng, nhưng cũng đau đớn thiệt thòi vì sự tự trọng đó đem lại.
SỐ TRUY CẬP online