Ghi chép của một người làm nghề xuất bản

CÁC NHÀ VĂN VÀ NỖI KHAO KHÁT CÓ SÁCH

Chính thức ra đời từ 4-1957 , nhưng chỉ làm sách được vài tháng rồi ngừng hẳn hoạt động , tự hoà tan mình vào nhà xuất bản Văn học ,
Và mãi tới 1976 mới tái xuất giang hồ , có sách xuất bản nhưng lúc đầu còn mang danh Tác phẩm mới vốn là tên một tạp chí cũ ra hàng tháng ,tồn tại từ 1969 đến 1975 .
Đó là hai đặc điểm thường được nêu lên khi nói về nhà xuất bản Hội nhà văn .
Nhưng tôi cho rằng còn một điểm nữa cần lưu ý , đấy là cái cách đặt tên cho nhà xuất bản này .
Thông thường thì các nhà xuất bản từ 1945 được đặt ra để làm chỗ phát ngôn cho một hội đoàn nào đó . Và cách đặt tên cho từng nhà xuất bản thường cũng là căn cứ vào những đặc tính cụ thể của hội đoàn hoặc những biểu tượng cụ thể mà hội đoàn đó tự nhận: Sự thật , Lao động , Kim Đồng, Thanh niên , Trẻ... . Còn về phần mình , cái tên Nhà xuất bản Hội nhà văn lại nhấn mạnh cơ quan mà nó phụ thuộc . Việc này có liên quan tới một tình tự , đó là niềm khao khát ghê gớm của những người viết một thời về việc in sách và ra sách , mà dưới đây tôi chỉ kể lại một số trường hợp . Dầu rằng hiện nay , mọi chuyện đã khác , song nhu cầu hiểu biết lịch sử vẫn đòi hỏi chuyện cũ phải được nhắc lại minh bạch .


Ngày xưa thời phong kiến , ở nước mình việc in sách khó khăn lắm . Những quyển sách sau khi được viết ra , đôi phen cũng được khắc in thêm một số bộ để người viết dâng lên vua chúa hoặc dành tặng bạn bè , và sự thực là những cuốn truyện hay như Truyện Kiều cũng thường được các nhà buôn cho in lại để bán ra các chợ , nhưng quả thật khó lòng lấy mấy chữ nghề xuất bản để gọi những hoạt động manh mún cầm chừng và đơn giản đó . Hậu quả của tình trạng này --- có người muốn xem như một bất ngờ --- ấy là sách vở ở ta là một cái gì rất thiêng liêng , việc có được một quyển sách đứng tên mình trình ra trứơc bàn dân thiên hạ là chuyện lập danh trong trời đất , là đặt tên tuổi mình trong sự vĩnh viễn của thời gian -- nhiều người chỉ ước ao chứ làm sao mà nghĩ là sẽ có dịp thực hiện .
Cho đến những năm năm mươi của thế kỷ XX , tức là sau cuộc kháng chiến chống Pháp, và Hà Nội đã trở thành một thủ đô văn hoá của nửa nước , thì cái tầm quan trọng của việc in ra một quyển sách đại khái cũng vẫn là vậy . Bây giờ nhớ lại hồi gọi là bao cấp người ta chỉ nhớ chuyện mỗi người Hà Nội hàng tháng được mua mười ba cân rưỡi gạo với mấy lạng thịt , có khi muốn mua chục bát ăn cơm được buộc sơ sài bằng mấy sợi đay cũng phải cắt phiếu , đôi dép nhựa cũng phải cắt phiếu , thuốc lá thì có khi là thuốc sợi thái thô ai muốn hút thì tự kiếm giấy rồi ngồi vê vê ..., còn việc thiếu thốn giấy in và sách xuất bản thì chẳng ai kể lại bao giờ . Nhưng đối với lớp người ngày ấy bắt đầu lớn lên và tính chuyện sống với nghề viết văn như bọn chúng tôi thì cái ám ảnh thiếu giấy cũng kinh khủng không kém . Bởi nó đồng thời là nỗi ám ảnh rằng sách in khó lắm . Và nỗi khao khát có ngày được in một cuốn sách tức là có ngày đứng tên sau cuốn sách của mình , nỗi khao khát ấy cũng ghê gớm cũng bức xúc nào có kém gì chuyện gạo chuỵện muối đối với mọi người bình thường . Thú thực là ngay khi có toan tính nhập vào nghề làm văn làm báo tôi đã không quên để mắt ngay tới việc in sách ở giới cầm bút . Và bài học mà tôi nhận được bao giờ cũng giống nhau : có sách lúc ấy là có tất cả . Và nhà văn chuyên nghiệp chính là người biết làm cho mình luôn luôn có sách .
Xuân Diệu và Tô Hoài là những tính cách khác nhau , người đời khác nhau bao nhiêu thì họ khác nhau như vậy , nhưng nếu như tính suôt thế kỷ cả thời tiền chiến lẫn sau 1945 thì họ có một chỗ rất gần nhau tự nhiên mà gàn: cả hai đều thuộc về những người sống để làm sách . Ân tượng này đến với tôi sâu đậm nhất mỗi khi có dịp cầm trên tay những quyển sách của các ông in bằng giấy dó vùng Phú Thọ , nhiều trang chỗ rơm không tiêu cộm lên bên cạnh những chỗ giấy bị mủn giở trang sách thấy hé ra cả một khoảng sáng .Ngay trong tình trạng giấy má như vậy , mà Tô Hoài đã cho in những Đại đội Thăng Bình , Ngược sông Thao, Chính phủ tạm vay , Xe mười bánh... , còn Xuân Diệu đã cho in nhứng Mẹ con ,Dưới sao vàng , Sáng , hèn chi mà sau này sau 1954 ở Hà Nội các ông cứ in kìn kìn . Căn bản phải thấy là các ông có viết và thiết tha với sự viết của mình , nếu không làm sao có sách . Nhưng trong cái sự chật hẹp của chỗ in ấn , phải hiểu các ông đã khéo tính toán thế nào đối nhân xử thế ra sao để trở thành một thứ quyền lực nên dễ được nể như vậy . Không thiếu người nghĩ rằng các ông tham tuy chính các ông lại cho rằng như thế là mình dè xẻn lắm rồi nhường nhịn lắm rồi chứ không còn in gấp mấy lượt nữa !
Tuy không ai nói ra công khai nhưng nỗi khắc khoải thèm có sách đượ in thì tưởng như không bao giờ mà vợi đi được .
Thế còn không được in thì sao ?
Có hai mẩu chuyện khiến tôi nhớ hơn cả :
Người ta đã nói nhiều tới sự kỹ lưỡng khó tính của Nguyễn Tuân trong mọi sinh hoạt đời sống trong đó có mối quan hệ với sách . Kể ra lúc cần thì ông Nguyễn cũng viết và cho in rất nhanh , không kể hồi kháng chiến ông đã không ngại làm những cuốn mỏng teo như Đường vui, Tình chiến dịch... mà đến như hồi 1960 cuốn Sông Đà của ông cũng ra đời theo kiểu quân sự gọi là cấp tập nghĩa là chưa viết xong đã quảng cáo trước và viết đến đâu mang sắp chữ nhà in đến đấy , có những chương ông lên Tây Bắc để hoàn thành thì từ trên ấy gửi bản thảo về . Như vậy là lúc cần chuyên nghiệp nhà văn đâu có ngán chuyện thời gian và tốc độ . Nhưng trong quan hệ ông Nguyễn với sách , tôi nhớ nhất một cái đận gọi là khó khăn với ông , ấy là suốt những năm sáu mươi . Vâng cả mười năm ấy , ông chỉ có những bài lẻ in vào những tập sách in chung kiểu Truyện ký ba năm chống Mỹ cưú nước hoặc lời giới thiệu ông viết cho tiểu thuyết Tắt đèn mà không có tập nào in riêng cả . Đã có hai tập sách của ông được chuẩn bị : Một là tập ký mang tên Sông tuyến hình như tập hợp những bài ông viết chung quanh con sông Bến Hải ,nhưng không rõ tại sao mặc dù đã thấy rao trước ở một bài viết trên tạp chí Văn Nghệ mà vẫn không thấy in ra . Và một nữa là tập Tôi đọc tác giả đã chữa bông hẳn hoi rồi cũng bị xếp xó luôn ( một số anh em gọi đùa là nạo như nạo thai , nghe hơi ghê ghê ), sau này NXB Hội nhà văn có tham khảo một phần khi dựng tập tập Chuyện Nghề . Hồi ấy tức là những năm cuối sáu mươi đầu bảy mươi tôi mới vào nghề chưa được tham dự nhiều động nghề nghiệp chẳng hạn chưa bao giờ được các nhà xuất bản mời họp ( họp để làm sách chứ không phải họp tuyên truyền ) song do có may mắn sống ở tạp chí Văn nghệ quân đội nên cũng được các bậc đàn anh kể cho nghe nhiều chuyện.Việc Nguyễn Tuân không ra được sách ,các nhà văn đồng nghiệp ai cũng ái ngại khoảng đầu những năm bảy mươi , một lần đi họp ở nhà xuất bản Văn học về ,Nguyễn Minh Châu kể với tôi :
-- Ông Tuân cái đầu chỉ còn lơ thơ tóc trơ ra như như một quả trứng lớn . Nhưng người ấy mà phải nói ra những lời thế này mới thương chứ Tôi đâu phải là cái anh không chịu phát ngôn bằng ngòi bút , mà nhà xuất bản bây giờ thì có năm có bảy gì ?! Thật nền văn chương của mình mà không in Nguyễn Tuân thì còn in ai nữa ?
Thế tức là ông Nguyễn của chúng tôi cũng chẳng tài tử tức chả chểnh mảng chút nào trong việc in sách ,chẳng qua người ta ( tức là người nắm nhà xuất bản lúc ấy ) bắt bí ông nên ông đành chịu ,thà không có sách chứ không chịu đứng tên sau những trang sách tầm thường mà người ta muốn mình viết . Còn nhớ cái câu đối đáp giữa biên tập viên nhà xuất bản và tác giả Tôi đọc mà chúng tôi được nghe kể lại . Nguyên là có một bài ký mà Nhà xuất bản đòi bớt nếu không thì nhất định không in , biên tập viên cũng người khéo miệng nên mới nói với ông Nguyễn :
--- Bác đừng vì một bài ký mà bỏ phí một tập sách !
Nguyễn Tuân cũng đáp lại đúng câu nói đó :
--- Các anh cũng đừng vì một bài ký mà bỏ phí một tập sách !
Đặt trong hoàn cảnh những năm chống Mỹ -- thời của những cuộc đấu tranh tư tưởng liên tục từ Đêm đợi tau tới Vòng trắng vòng đen từ Cái gốc tới hững chuyện như thế này

Lại có trường hợp như nhà văn T. Ông có cách làm nghề theo kiểu riêng của mình nhưng trong số những lời bình luận , tôi nhớ có một câu này nó giải thích một vài hành động tiền hậu bất nhất nó là sự khó hiểu của ông với lớp người đi sau như chúng tôi :
--- T. sợ nhất là bị tước quyền xuất bản .
Đấy, đối với các bậc sư phụ trong nghề mà sách khó như vậy ! Nhưng làm sao khác được , hồi ấy gạo làm ra còn chưa đủ ăn ngoài súng ống để đánh nhau cái cần nhập phải là gạo ,vả chăng chẳng có gì để đổi cho người ta thì lấy đâu mà tính chuyện nhập những là giấy má để in sách cho thêm rắc rối . Gọi là cơ quan phát ngôn của giới văn nghệ ,một thời gian dài kéo cho tới 1975 và vài năm sau , báo chí chỉ có tờ Văn nghệ 16 trang với tờ tạp chí Văn nghệ quân đội và cơ quan xuất bản chuyên về in sách cho những người làm nghề cầm bút thì chỉ có nhà xuất bản Văn học mỗi năm in ra vài chục đầu sách , muốn tính toán gì thì cũng là !

Bây giờ tôi xin kể một chuyện riêng của mình nó là nỗi khắc khoải thèm có sách của những kẻ mới chen chân vào nghề :
Tôi bắt đầu tập viết vào đầu những năm sáu mươi và có bải phê bình đăng ở báo Văn nghệ vào đầu 1965 . Lúc bấy giờ , cũng như bây giờ , phe bình cũng rất thiếu những cuốn chuyên khảo dày dặn và sách phê bình chủ yếu cũng là những sự tập hợp . Sau khi các tác giả cựu trào như Đặng Thai Mai , Hoài Thanh , Như Phong,, Nam Mộc, đến lượt những nhà phê bình thế hệ kế tiếp ra mắt : Lê Đình Kỵ có Đường vào thơ,Hà Minh Đức có Nhà văn và tác phẩm ,Phan Cự Đệ có Cuộc sống và tiếng nói nghệ thuật và Nhị Ca , bậc đàn anh của tôi ở tạp chí Văn nghệ quân đội thì có Từ cuộc đời vào tác phẩm
Lòng vả cũng như lòng sung , sau khi được in những bài báo lẻ ,học theo những người đi trước tôi cũng tha thiết mong có ngày đứng tên sau một tập sách






Có thể dự đoán ngay sau khi Hội nhà văn Việt Nam được tách ra khỏi Hội văn nghệ để thành một hội riêng thì bên cạnh tờ báo lập tức mọi người đấu đầu tính chuyện làm một nhà xuất bản của mình . NXB Hội nhà văn với cái tên độc đáo của mình bắt đầu khai trương từ đó
Trong sự tồn tại ngắn ngủi của đợt hoạt động đầu tiên trong năm 1957 người ta nhận ra sự náo nức của các cây bút hàng đầu lúc ấy . Hầu hết họ đều đã xuất hiện .Sách mới viết : Thôn Bầu thắc mắc của Sao Mai , Gặp lại một người bạn nhỏ của Nguyễn Đổng Chi Sách dịch Truyện ngắn Sê-khốp do Nguyễn Tuân viết lời giới thiệu , thơ Mai –a do Trần Dần dịch . Trong khi Nguyên Hồng cho in lại Bỉ vỏ,Nguyễn Tuân in lại Vang bóng một thời lúc đó đều là của hiếm thì Tô Hoài viết và cho in một trong những tiểu thuyết viết kỹ nhất của ông : Mười năm .
Cũng thời gian này , Nguyễn Bính lựa trong tất cả những tập thơ của mình đã in ra trước 1945 Tâm hồn tôi, Mây tần ,Mười hai bến nước ,Hương cố nhân ...dọn dẹp lại làm tập Nước giếng thơi . Quả thật cái tên tập thơ cũng đã ra chất Nguyễn Bính ,lắm lúc tôi cớ làn mần tự hỏi không biết bao giờ Nước giếng thơi mới được in lại như một tập thơ độc đáo ,một thứ thơ tuyển chặt chẽ do chính tác giả đứng ra lựa chọn .

Xin nói thêm về trường hợp Nguyễn Tuân : thấy sách của ông tắc mãi , mặc dù các bài viết về Hà Nội trong lửa đạn vẫn in ra đều đều và được dư luận chờ đón , đâu Tô Hoài và một số anh em khác phải mang về Hội Văn nghệ Hà Nội để in tập Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi ,tức là làm một ngoại lệ trong chuyện xuất bản .







Những chuyện trên đây tôi không chỉ biết một cách gián tiếp . Những năm 1956 -57 , tôi còn đang đeo khăn đỏ học lớp sáu trường Chu Văn An Hà Nội và chưa dám nghĩ có ngày lại được về công tác ở một cơ quan của Hội nhà văn .
Những cuốn sách đối với tôi lúc ấy còn thiêng liêng theo nghĩa không bao giờ tôi nghĩ là mình có thể viết ra được .
Nhưng thật là một chuyện nói ra khó tin , khoảng chục năm sau ,khi đã được nhập tịch vào giới cầm bút ý nghĩ của tôi về sách cũng vẫn như vậy và lần này thì liên quan đén cái chặng thứ hai của nhà xuất bản Hội nhà văn ,ấy là khoảng đầu năm 1976 , khi nhà xuất bản được ra đời trở lại dưới cái tên Tác phẩm mới


.

BÍ ĐỦ MỌI ĐƯỜNG !


Một đồng nghiệp của tôi nửa đùa nửa thật khái quát :” Nhiều mặt hàng mà chúng ta quản lý , người làm không muốn làm , mà hàng làm xong không có người muốn nhận . Đầu vào không có đầu ra cũng không , vậy chúng ta còn làm làm gì ? “
Nghề gì mà khốn khó thế ? Xin thưa đó là nghề xuất bản .
Ngay dưới đây tôi xin vắn tắt giải thích tại sao lại có cái câu chua chát đó .
Về chuyện đầu ra thì khỏi phải bàn , báo chí đã nói mãi rồi . Sau cái vẻ sặc sỡ bề ngoài tình tình thực tế của thị trường sách vở là sức mua trì trệ sở dĩ không nói là giảm sút chỉ vì đã xuống quá thấp , những người trực tiếp kinh doanh thường lo méo mặt vì sách đọng mãi không bán được . Điều đau nhất của một số anh em lớn tuổi như bọn tôi là có những cuốn sách nghiêm chỉnh , loại tác phẩm của các tác giả Nobel , trước kia chúng tôi chỉ mơ ước có ngày được dịch ra tiếng Việt thì nay dịch ra in chưa đầy ngàn cuốn cũng nằm chỏng gọng : chỉ có một số nhỏ bạn đọc quan tâm đến chúng , còn số đông ngoảnh mặt , để chạy theo các loại sách thời thượng .
Cái niềm tự hào về một công chúng lý tưởng hình như đã hoàn toàn chỉ còn trong ký ức .
Còn chuyện đầu vào . Dạo này bạn bè hay kêu : Sao sách các ông làm tệ thế . Văn dịch ngô nghê , câu chữ sai đìa . Họ đâu có thấu hiểu tình hình bọn tôi . Nhiều lúc biết được nước ngoài có cuốn nọ cuốn kia hay , tìm được bản thảo đã khó , nhưng tìm được người dịch còn khó hơn. Những người giỏi và làm ăn cẩn thận cảm thấy dịch theo giá hiện nay có nghĩa là bị bóc lột , họ không làm . Mà không làm cũng là phải . Sách in ra ít . Công xá quá rẻ . Nhiều khi sau một hồi gạn bằng được một người đứng đắn nhận dịch cho một cuốn sách nào đó , chúng tôi chợt có thoáng hối hận vì như thế là làm khổ vợ con gia đình người ta . Và đành bảo nhau bằng lòng với những bản dịch cẩu thả của mấy người thất nghiệp mà chưa tìm được việc ưng ý .
Đấy đại khái cái chuyện bí đủ mọi đường ở nghề xuất bản là như vậy đó .
Có bạn sẽ hỏi sao chỉ toàn bàn chuyện sách dịch mà không nói sách sáng tác ? Hôm nọ anh vừa nói là các nhà sáng tác trong nước vẫn hăng hái lắm cơ mà ? Xin thưa có nhiều động cơ khác nhau buộc một người cố viết để có một tập thơ hay một tập truyện . Viết để có cái mà báo cáo lên trên nhận tài trợ . Viết để hy vọng có thể “ẵm “ một giải thưởng nào đó . Nói chung nay là lúc ai cũng hiểu rằng nếu biết xoay sở thì từ cuốn sách có thể gặt hái được nhiều thứ và trước sau rồi danh sẽ được chuyển thành lợi . Chẳng vu vơ chút nào mà đó là những tính toán thiết thực ! Và trong trường hợp này người viết chỉ cần có đầu sách chứ sách in ít hay nhiều , họ đâu có để ý . Ngược lại chỉ có sách dịch là người làm ra nó sống bằng nhuận bút , người ta dịch sách chỉ để in rồi mang bán . Bởi vậy , với kiểu làm ăn của chúng ta hiện nay thì các loại sách dịch sách biên soạn rõ ràng là những chỉ số cho thấy thực trạng của ngành xuất bản . Và đó cũng là chỗ trình độ nghề nghiệp của người làm sách bộc lộ một cách trực tiếp .



NHIỀU ĐANG TRỞ THÀNH NHIỄU !


Sự phong phú không phải bao giờ cũng chỉ có một ý nghĩa duy nhất.Có sự phong phú của những giá trị cao đẹp làm giàu thêm cho đời sống và có sự “trăm hoa đua nở “ của những thứ hàng tầm tầm vô thưởng vô phạt ,nhìn vào chỉ thấy bộn bề. Lại nữa ,có sự phong phú trong trật tự tạo nên tầng tầng lớp lớp mạch lạc nó ngược hẳn lại với sự đa tạp chen chúc hỗn độn . Cái sự phong phú thứ hai này thường được hiểu như là nhiễu , tạp , rối loạn và rất khó tạo được hiệu quả đáng lẽ nó có thể có .
Mỗi khi nghĩ về sinh hoạt báo chí ở ta những năm gần đây người khó tính đến đâu cũng phải mừng khi thấy có sự phát triển vượt bậc về số lượng kèm theo đó là sự linh hoạt trong kiểu dạng thông tin và tính tích cực trong việc hướng về bạn đọc phục vụ bạn đọc . Song cũng phải nhận là một bộ phận báo chí của ta còn đang ở vào tình trạng có gì làm nấy chất lương thông tin chưa cao .Nhiều đang có nguy cơ trở thành nhiễu và nếu không được sữa chữa một bộ phận báo chí sẽ làm lẫn mình đi,tự đánh mất mình trong một sự nhốn nháo đáng tiếc .
Còn nhớ những năm từ 1975 trở về trước : Những ai từng có viết lách ít nhiều hẳn nhớ là hồi đó báo chí ít ỏi tới mức viết không có chỗ đăng , mỗi lần nhìn báo đăng bài người khác là cảm thấy ngay rằng không gian giành cho mình bị thu hẹp lại .Và chúng tôi thường nói đùa : y như cảnh nhà cửa chật chội cả mấy thế hệ cùng phải sống chung trong một căn phòng vài chục mét vuông, hơi một tí là sinh bực bội .Cho tới năm 1968 ,các hội viên của Hội nhà văn Việt Nam chỉ có một “sân chơi “ duy nhất là báo Văn nghệ 16 trang <>, bởi vậy tôi còn nhớ là đầu năm 1969 khi có giấy phép cho ra tờ tạp chí Tác phẩm mới thì nhiều cây bút kể cả những người phụ trách tỏ ra rất hào hứng.Toàn dân dày dạn kinh nghiệm trận mạc , không phải các anh có ảo tưởng rằng làm báo là dễ và có ngay được các sáng tác tốt .Và nhất là việc hình thành nên một tờ báo có khuôn mặt riêng cốt cách riêng thì ai cũng biết là khó vô hạn .Nhưng tất cả lại đều hiểu rằng tờ báo là nơi tập tành thể nghiệm , vả chăng bí chỗ viết chỗ đăng quá rồi , nên vẫn vui như bắt được của . Nhà thơ Chế Lan Viên vốn nổi tiếng là sắc sảo và giỏi tổng kết đưa ra một câu bình luận được nhiều người đồng tình :
--Thôi thì ba thằng giống nhau còn hơn một thằng tự giống mình !
Chỉ có cái lợi là hồi ấy sự viết lách thường khi kỹ càng và không ai có cái tâm lý chạy theo số lượng .
Nay thì tình hình hoàn toàn ngược lại . Báo nhiều đến mức chắc chắn không ai đọc xuể . Và người làm sao thì của chiêm bao làm vậy ,giữa tờ nọ với tờ kia tưởng khác nhau mà hoá ra chỉ là biến thể của nhau . Đây đó vài tờ mới ra có tạo được chút ấn tượng mới trong ít số đầu nhưng về sau thì lại quanh quẩn như cũ . Người có tâm huyết không sao rũ bỏ nổi cái cảm giác là hình như sức lực của ta chỉ có đến thế , ai cũng muốn viết hay hơn nhưng chưa biết làm cách nào , và nếu cứ đà này mà kéo thì bạn đọc có sớm cảm thấy no nê đến phát ngán cũng không có gì là lạ .
Hãy tạm lấy một ví dụ : chưa bao gìờ như bây giờ những tin tức có liên quan đến sinh hoạt văn hoá văn nghệ thể thao nước ngoài vào Việt Nam nhanh đến thế và được mở ra rộng rãi đến như thế .Chỉ có mấy điều phải lưu ý , một là thực ra chuyện linh tinh lặt vặt thì nhiều bài viết nghiêm túc có tính chất nêu vấn đề thì ít , và hai là dù thuộc loại nào nữa thì nói chung các bài viết ấy phần lớn thuộc dạng lược thuật , tức bên nước người họ đã viết sẵn , giờ ta mang về đảo xuôi đảo ngược một chút cho vừa với trình độ bạn đọc ,thế thôi .Chứ loại bài xuất phát từ yêu cầu trong nước mà đặt vấn đề ,bằng cái nhìn của người Việt Nam mà theo dõi và đánh giá , và cuối cùng đạt đến cái đích cần thiết là qua thông tin về nước ngoài giúp cho việc làm tốt hơn công việc trong nước --loại bài đó gần như chưa có .
Tình hình cũng không khá hơn bao nhiêu khi xem xét lại những thông tin do chính chúng ta viết , bàn ngay về đời sống trước mắt có liên quan đến mỗi chúng ta ....Phải nói ngay là do đạo đức nghề nghiêp được đề cao và luật lệ quy định chặt chẽ nên không mấy khi có bài đặt điều nói bừa tức là sự chân thực trong thông tin được tôn trọng . Nhưng cái thực ở đây là cái thực ở trình độ đơn giản sơ lược : trong khi không sai gì về mặt chi tiết thì lại không đạt tới trình độ khái quát cần thiêt . Và thông thường bài báo viết địa phương nào đơn vị nào thì chỉ các đối tượng đó để ý ngoài ra người ở địa phương khác ngành nghề khác chẳng thấy có gì liên quan.
Dăm miếng cau khô mấy lọ phẩm hồng,có thể mượn lại mấy câu thơ Hoàng Cầm tả cái mẹt hàng xén của mấy bà già lọ mọ trên các chợ quê bên kia sông Đuống để hình dung ra tình trạng bài vở trên một vài tờ báo hôm nay <>
Một khi không đạt tới những bước đột phá về chất lượng mà chỉ lan ra theo số lượng ,báo chí dù có cố gắng đên mấy cũng không khỏi rơi vào tình trạng ngổn ngang bề bộn .Cùng lúc có nhiều tiếng nói cất lên song như lẫn vào nhau và đứng lùi ra mà nghe chỉ còn thấy một cái gì ồn ã kèm theo khá nhiều tạp âm . Tẻ nhạt do nghèo nàn ít ỏi dẫu sao vẫn có khía cạnh đáng thông cảm . Tẻ nhạt ngay trong cái bề ngoài phong phú dồi dào thì cái ấn tượng về sự tẻ nhạt ấy mới thật nặng nề bởi người ta phải thầm hiểu với nhau rằng không dễ gì mà thoát ra nổi.

TÌM TỚI MỘT CƠ CHẾ SÀNG LỌC ĐA DẠNG

Muốn hay không muốn ,báo chí vẫn là thứ công cụ tiện dụng để giúp xã hội tự nhận thức và sự thực là từ hơn bốn trăm tờ báo đang tồn tại trong phạm vi cả nước , nếu chịu khó đọc , người ta luôn luôn tìm ra đươc những bài viết hay với nhiều ý tưởng sâu sắc .
Nhân đây tôi có một đề nghị nhỏ: chính báo chí nên kiêm luôn công việc tự sàng lọc chính mình .
Khi thấy báo bạn vừa có một bài viết hay ,ta nên cân nhắc để nếu có thể đăng lại kèm theo lời giới thiệu trang trọng mong bạn đọc cùng biết .
Cố nhiên đây là một chuyện khó ,như việc phân loại người có năng lực và kẻ bất tai,người có đóng góp và kẻ ăn bám đang làm cả xã hội đau đầu .
Song theo tôi ,cái chính là ở đây nên vượt qua những sự tự ái lặt vặt .Vâng tôi cũng bíêt rằng một vài bài tôi sắp đăng đây có yếu một tí . Thậm chí đôi khi tôi thừa biết rằng chẳng qua chúng được xào xáo từ các báo khác . Song trên danh nghĩa nó là inedit chưa đăng ở đâu bao giờ , thế là được rồi .Chứ đăng lại bài báo khác ấy ư ? Tức là đề cao họ và tự thú nhận về sự kém cỏi của mình ? Có ai lại chịu chơi nước lép kiểu ấy !? Ấ y chính cái lối nghĩ ấy đã khiến nhiều người trở nên ích kỷ một cách rất hồn nhiên và do đó tiếp tay cho sự hỗn hào ,ồn nhiễu ,ba vạ ... mà không hay biết .



CỦA RẺ LÀ CỦA ÔI !

--Tâm lý người mua hàng ở các đô thị của mình dạo này lạ lắm !
-- Lạ như thế nào ?
-- Ví dụ một cái áo hay đôi giày nói đúng giá một hai trăm là người ta nhìn qua rồi bỏ đi . Nhưng cũng của nợ đó quát thượng mãi lên mức dăm bảy trăm hoặc cả triệu , họ sẽ chỉ lưỡng lự tí teo rồi xà vào mặc cả mua bằng được .
-- Tức là họ không nắm được giá ?
-- Chỉ đúng một phần . Cái chính là dạo này nhiều người có kinh nghiệm hơn trong mua bán.Trong túi rủng rỉnh đồng tiền là họ lao vào các thứ hàng xịn để mua. Họ sợ hàng rẻ hàng chất lượng kém lắm rồi .Cũng là một bước tiến bộ trong văn hoá mua bán chứ sao ?!
Câu chuyện trên đây tôi nghe được từ miệng một người chuyên bán lẻ ở phố Hàng Đào Hà Nội , và đã thử kiểm nghiệm ở khắp nơi , các siêu thị cũng như chợ huyện , phố phủ , ga xép ... để càng nghĩ càng thấy đúng .
Ngay trong khu vực một thứ mặt hàng tôi có tham gia vào việc sản xuất là sách vở cũng vậy . Nhiều cuốn sách hay , cùng một lúc được in ở mấy nhà xuất bản . Những tưởng cuốn nào rẻ thì bán chạy chứ gì ? Không . Nhiều người lại bảo nhau mua những cuốn đắt , cố nhiên là với điều kiện giấy tốt hơn bìa đẹp hơn trình bày có gu hơn và nhất là đỡ sai hơn .
Có lẽ là không biết xu thế trên , nên thỉnh thoảng báo chí vẫn thấy có đăng những bài viết đại ý chê trách các nhà xuất bản và phát hành không chú ý tới việc làm sách cho con nhà nghèo và hô hào hãy làm sao lo sách rẻ cho dân . Thực chất lời hô hào ở đây là hãy làm sách rẻ vô điều kiện. Và những dẫn chứng nêu ra làm gương thì toàn là những cuốn nội dung kém cỏi , cách trình bày bôi bác , nó đúng là một thứ của bố thí .
Theo tôi , trong tình hình nghề làm sách ở ta đang quá lạc hậu như hiện nay, thì điều trước tiên phải lo là tìm cách duy trì chuẩn mực . Mỗi cuốn sách ra đời phải như một sự cần thiết . Người làm sách phải biết là có ai dùng tới nó , và nếu dùng thì hiệu quả ra sao sau đó mới tính chuyện giá thành . Làm ra những cuốn sách như các cụ nói tiên thiên bất túc hoặc bất thành nhân dạng , là có tội .
Thế thì tại sao thỉnh thoảng lại thấy có người ráo lên là hãy làm sách rẻ , rẻ một cách vô điều kiện ? Có thể có hai lý do :
Thứ nhất , đó là tiếng nói của những người khinh rẻ sách với nghĩa họ chỉ cầm quyển sách để làm dáng , không bao giờ căm giận bực bội hoặc khó chịu cay đắng vì một cuốn sách viết tồi , cũng như không biết rằng làm một cuốn sách tốt là khó khăn thế nào .
Thứ hai đó là cách của những người mị dân , nói thế để ra cái điều mình không bao giờ quên người nghèo. Luôn luôn làm ra vẻ thiết tha với công chúng đông đảo ,song trong thâm tâm họ cho rằng đám công chúng này chỉ cần có các sản phẩm hạng ba hạng tư gì đó là đủ .
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường thời nay thường vẫn cảm thấy mình bình thường ,hoặc chỉ mệt mỏi sơ sơ , mãi đến lúc bệnh đã nảy sinh biến chứng mới biết . Với các căn bệnh tinh thần , tình trạng này xảy ra càng phổ biến . Lời kêu gọi làm sách rẻ là thuộc loại đó : Người ta cứ “diễn” những lời sáo rỗng một cách thật hồn nhiên , chẳng những thế còn tròn xoe mắt khi nghe bảo rằng như vậy là góp phần kéo lùi văn hoá .

... THÌ CŨNG GIỐNG NHƯ TÌNH TRẠNG
BÊN TRUYỀN HÌNH

Có một thực tế kỳ cục của màn ảnh nhỏ nước ta là mở chương trình phim truyền hình hàng ngày ra coi , dù là đài Trung ương hay đài địa phương , lúc nào cũng chỉ thấy phim Trung quốc . Đã bao người bất bình vì chuyện này . Bao lời kêu ca than vãn cất lên . Bao người thử đứng ra mách nước để gỡ bí . Rút cục mọi chuyện vẫn đâu đóng đấy . Và người ta đành bảo nhau thôi hãy chung sống với nó , như đồng bào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sống chung với lũ vậy .
Thế nhưng mọi chuyện có chịu dừng lại ở phim ảnh đâu ! Trong khu vực sách vở cũng đang có một tình trạng tương tự . Vào các cửa hàng sách hôm nay, người ta cảm thấy hàng Tàu tràn ngập thị trường , tức sách nguồn Trung quốc la liệt . Tiểu thuyết cổ điển Trung quốc như Tây Du Thuỷ Hử . Tiểu thuyết hiện đại của các tác giả từ Lỗ Tấn Mao Thuẫn đến Kim Dung Quỳnh Dao. Rồi Giả Bình Ao , Vương Sóc Mạc Ngôn, rồi Cửu Đan Vệ Tuệ ... Thôi thì cũng dân đồng văn đồng chủng cái đó không tránh được , nữa là dịch sách Trung quốc ,trước mắt có cái tiện là không phải xin phép tác giả , không ai có quyền đòi nhuận bút , vậy tội gì mà không làm . Có điều , gần đây có tình trạng các loại sách phổ cập hoặc dịch trực tiếp hoặc dựa vào sách Trung quốc để biên soạn ngày càng bành trướng khuynh loát thị trường. Sách mách người ta cách chữa bệnh . Sách hướng dẫn chọn đất làm nhà . Từ sách kể chuyện những ông tướng đời Tần đời Hán thuở nào đến sách viết về các bà cung phi hoặc mấy ông quan hoạn . Tôi thử ghi lại tên mấy cuốn sách dạy người ta quan hệ với nhau hàng ngày : Đạo làm người và tài xử thế , Văn hoá giao tiếp ứng xử , Nghệ thuật sống trong cơ quan , 999 cách gây ấn tượng trong giao tiếp , 101 cách đối phó với những người bất mãn v.v.. và v.v. Hoá ra không chỉ nghiên cứu cơ bản kém mà nghề viết sách phổ biến khoa học ở ta cũng gần như chưa hình thành , cái gì ta cũng phải dựa vào người , bẽ bàng là ở chỗ đó .


SÁCH RẺ ĐANG HOÁ SÁCH ĐẮT


Trên các phương tiện thông tin đại chúng thỉnh thoảng vẫn nghe có những lời than phiền đại khái sách của chúng ta dạo này tuy phong phú và trình bày đẹp đẽ hơn bao giờ hết nhưng vẫn còn đắt quá .Đứng sau những lời than thở này là một quan niệm cho rằng hướng phấn đấu của những người làm xuất bản là làm sách cho rẻ và sách càng rẻ càng được coi là có thành tích .
Tôi không có trong tay những con số cụ thể và chỉ biết sơ sơ rằng so với một nước như Trung quốc thôi thì sách của ta giá cũng chỉ ở mức phải chăng . Nhưng so sánh bao giờ cũng là chuyện khó . Theo tôi ,không thể xem xét giá cả một cách thuần tuý . Rẻ là cần nhưng chất lượng lại là cần hơn . Sách rẻ đến mấy mà chất lượng kém thì cũng hoá đắt . Đáng tiếc là việc làm sách hiện nay chưa được tiêu chuẩn hoá và trong hoàn cảnh này mà cứ kêu gọi chung chung là hãy cố làm sách rẻ hơn thì rất dễ trở thành một cách nói “đãi bôi” ,thậm chí tiếp tay cho sự kém cỏi về chất lượng.
Như báo chí đã thường báo động , nhiều cuốn sách đã và đang in ra chỉ được cái bìa đep giấy trắng còn bên trong in sai rất nhiều .Trong số những lý do khiến sách kém cỏi đến vậy ngoài thói cẩu thả tuỳ tiện và lối làm ăn vội vàng mua tranh bán cướp , còn nên để ý đến cái nguyên nhân là người làm sách muốn hạ giá thành .Ví dụ đáng ra phải thuê những người sửa bản in có nghề làm việc với giá công khoảng một ngàn đồng một trang thì một số nhà sản xuất sách lại chỉ thuê những người mới học việc với mức công dăm sáu trăm gì đấy . Kết quả là sách hoặc không dùng được hoặc người đọc vừa dùng vừa muốn kêu trời vì sự lem nhem của các văn bản .
Một việc có ý nghĩa hơn là nội dung sách .Chăm lo để sách hay hơn chính là một cách đầu tư lâu dài. Rồi ra nhờ in nhiều mà giá thành của sách sẽ hạ . Nhưng cách tính toán của các nhà sản xuất sách hiện thời thì khác. Con đường làm sách hay mà có số lượng in lớn với họ là phiêu lưu nên họ rất ngại .Ngược lại cái hướng mà họ thấy dễ làm là tăng số lượng đầu sách.Và để hạ giá thành,cách đối xử với người sửa bản in nói trên cũng được mang áp dụng với người viết sách, tức là chỉ cần bớt phải trả đồng nào hay đồng ấy,còn như chất lượng ra sao không cần biết .Quả là mức tác quyền thấp có góp phần làm cho sách rẻ đi được một chút .Song cũng giống như hàng ngày nhiều người trong chúng ta đau đớn vì mua đinh về vừa đóng vào gỗ đinh đã quằn , mua cái cặp sách mới dùng ba bảy hai mươi mốt ngày phéc -mơ -tuya đã hỏng nên phải liệng cả cái cặp mới đi luôn ,trong việc mua sách nếu không cẩn thận tham khảo ý kiến của người có kinh nghiệm , chúng ta rất dễ mua phải những cuốn từ điển giảng nghĩa thiếu thậm chí cắt nghĩa sai và mang danh là sách công cụ mà trình bày luộm thuộm không tiện sử dụng .
Ngoài trình độ tay nghề non yếu ,thói quen sẵn sàng làm hàng kém phẩm chất của các nhà sản xuất còn liên quan đến tâm lý ham mua hàng rẻ của nhiều người dân bình thường .Mà cái gốc của tâm lý ham mua hàng rẻ này lại có nguồn gốc sâu xa hơn : Ta sống quá nghèo ,song cái gì ta cũng thích bằng người . Lâu dần ở ta hình thành một lối sống xem như tự nhiên , ấy là trọng cái tiếng hão bề ngoài , miễn sao để thiên hạ biết rằng mình có một thứ gì đấy như họ đã có, còn chất lượng ra sao cũng được . Từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 , trên các tờ báo in ra ở Sài Gòn cũng như Hà Nội , nhiều bậc trí giả đã lên tiếng cảnh cáo cái tâm lý đáng sợ này ,vậy mà đến nay trong việc tính toán sản xuất một loại bột giặt , mua một cái xe , nhiều người vẫn chưa thay đổi được cái tâm lý cố hữu ấy .Thành thử cũng là một lẽ tự nhiên trong việc mua sách bán sách mọi người còn bị ám ảnh bởi cái giá rẻ và bởi lẽ tiêu chuẩn để đánh giá sách hay nhiều khi mơ hồ co dãn cho nên việc làm ra những cuốn sách kém về chất lượng chưa biết bao giờ mới hết được .


SÁCH CŨNG CẦN ĐƯỢC QUẢNG CÁO



Ngoài nỗi lo viết sách và thuyết phục các nhà sản xuất bỏ tiền ra in sách cho mình , ở ta hiện đang có một nỗi lo nữa ám ảnh các nhà nghiên cứu nhà văn , cũng như nói chung bất cứ ai đặt mục đích đời mình vào trang sách , ấy là làm sao để sách của mình đến được tay với các đồng nghiệp và rộng hơn là đông đảo bạn đọc . Lác đác đã thấy có đề nghị một cách giải quyết đơn giản ấy là các báo dành chỗ cho quảng cáo sách trên diện rộng với mức giá cả mà người sản xuất sách hoặc người viết sách có thể chịu được , song đến nay tập quán vẫn chưa hình thành .
Kể ra , lý do trước tiên khiến cho nhiều người thành kiến với việc quảng cáo có lẽ là ở chỗ ở đây còn thiếu những chuẩn mực .Nó dễ biến thành một thứ tán dóc ba vạ tự mình đánh mất uy tín và lý do tồn tại của mình .
Thế nhưng không phải vì thành kiến với thứ quảng cáo bốc thơm rẻ tiền đó mà chúng ta tước bỏ luôn cái quyền được quảng cáo của mọi thứ hàng hoá trong đó có sách vở .
Là một người hàng ngày thường đi mua sách , bản thân tôi nhiều khi thực đã khổ tâm vì không được biết rằng có quyển nọ quyển kia ra đời mặc dù nếu biết sẽ mua .Đến khi biết ra thì sách đã hết và bởi nhiều lẽ khác nhau nên cũng chưa biết bao giờ sách được in lại .
Sự bột phát mạnh mẽ các xuất bản phẩm trong mươi năm gần đây –trước tiên là trên phương diện số lượng -- thực tế là đã tạo nên một trạng thái nhiễu loạn ,lộn xộn ,nhiều ấn phẩm ra đời bị trôi giạt rồi chìm nghỉm đi không đến được tay bạn đọc có nhu cầu .
Mà quảng cáo chính là một cách vào sổ công khai để mang lại cho sự lộn xộn đó một trật tự tối thiểu .
Với việc quyển sách nào được in ra cũng có cơ may ít ra là một lần được nhắc nhở , quảng cáo sẽ góp phần khiến cho cho nhà viết sách cũng như các nhà sản xuất sách thêm phần trách nhiệm trước công việc đã làm . Mặt khác nó khiến cho một số người viết khỏi quá tủi thân do nỗi suốt đời sống trong im lặng bởi không có may mắn được quen với các nhà báo .
Trong khi chưa thể tính chuyện được viết một cách vừa chân thực vừa có sức thuyết phục , những quảng cáo sách trước mắt có thể chỉ đơn giản như những thông tin về nhà đất hoăc cần tuyển người làm vẫn chiếm chưa đầy một bàn tay trên các trang báo . Người ta chỉ cần biết rằng nó đã được in ra ở nhà xuất bản nọ nhà xuất bản kia .Rằng nội dung gồm có nhừng phần thế này thế nọ ,tất cả dày bao nhiêu trang và giá bán bao nhiêu tiền , có thể tìm mua ở đâu ,thế là đã tiện cho người mua lắm.
Do sống quá lâu trong cơ chế làm sách bao cấp một số người viết sách thành thực không thích việc quảng cáo .Họ e như thế là làm giảm ý nghĩa công việc họ đã làm . Họ mặc nhiên khoác cho cuốn sách một vẻ sang trọng pha chút thần bí .
Trong khi ấy lại có một số cây bút láu cá bề ngoài không nói gì song thực tế vẫn ngấm ngầm vào hùa với nhau lăng xê nhau trong các bài phê bình được viết một cách tuỳ tiện và thực tế đã quảng cáo cho nhau một cách vô tội vạ . Đối với loại người chưa tin quảng cáo , cách thuyết phục tiện nhất là nêu ra được những trường hợp thành công ,chẳng hạn một số quảng cáo với những tác phẩm xuất sắc thời tiền chiến mà đến nay vẫn đọc được , để thấy việc này chẳng thể làm hỏng tác phẩm như người ta lo sợ .
Còn để ngăn chăn lối làm ăn ám muội của loại người thứ hai,thì không gì bằng cùng nhau lo làm quảng cáo sách công khai , đúng mực . Rồi trong cảnh cảnh vàng thau lẫn lộn , dư luận sẽ dần dần tìm ra cách phân biệt .

Cuối cùng xin nói thêm : nên quan niệm đây là một thứ không cấm nhưng cũng không bắt buộc . Mà nhân tâm tuỳ thích , tôi sợ sách tôi ra ít người biết thì tôi nhờ quảng cáo , anh thấy sách anh có người mua rồi thì anh cứ việc im lặng . Tương tự như vậy, bên cạnh những tờ báo dành chỗ rộng rãi có thể có những tờ cấm cửa quảng cáo , không ai trách oán được ai .Khi mọi chuyện được nhìn nhận một cách cởi mở thì tự nhiên là có chỗ cho các sáng kiến được dịp nẩy nở



MỘT CUỘC HOÀ NHẬP ĐẦY HÀO HỨNG

Từ lâu , trong các mặt hàng của ngành xuất bản vẫn có một loại tạm gọi là sách bình dân . Chúng được in trên giấy thường , thành những tập mỏng và bán với giá rẻ , vừa với túi tiền mọi người . Điều quan trọng hơn là sách phải có một nội dung rất phải chăng , sâu sắc mà lại dễ hiểu , vừa miệng với những bạn đọc mải làm ăn sinh sống và không có thì giờ để đọc nhiều . Chẳng hạn đó là các loại truyện cổ tích , truyện cười , truyện trạng , các loại giai thoại ...Chúng sẽ được nối bản đều đều để thường xuyên có mặt không phải trong các tủ kính sang trọng , mà là trong các sạp báo đầy bụi ven đường . Người ta sẽ truyền tay nhau đọc chúng đến nhàu nát .
Những nhà văn thuộc loại cao sang luôn luôn mê mải với những tìm tòi độc đáo có thể phẩy tay chê bai : đó có phải là sân chơi đích thực của các tài năng đâu? Song nên biết là ngay những ông kễnh trong văn chương thế giới như Lev Tolstoi khi về già đã bỏ công viết những truyện thật đơn giản để những người mới biết chữ có thể đọc . Được đến với cái đám công chúng tưởng chừng vô danh mà hết sức đông đảo vẫn là cái điều đơn giản mà ngay cả những thiên tài cũng ao ước .
Trong phạm vi một đời sống văn chương lèo tèo như ở ta , xu thế đó cũng đã bắt đầu xuất hiện và một điều cũng hợp quy luật là nó được đầu têu từ cây bút thời danh Nguyễn Huy Thiệp . Sau những năm tháng tung hoành trong giới bạn đọc ưu tú và có dịp đi ra với nhiều nước Âu Mỹ ( đây có lẽ là nhà văn VN được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất hiện thời ) , tác giả Tướng về hưu lại đang có cuộc chinh phục mới là đến với bạn đọc chân đất trong nước . Không rõ một biên tập viên nào đã gợi ý , hay chính tác giả nghĩ ra, chỉ biết giờ đây sách của Thiệp ( như cách gọi cộc lốc của người trong nghề ) đang được soạn thành nhiều tập mỏng , khổ nhỏ . Mỗi tập mang một chủ đề riêng : những truyện nông thôn; những truyện thành thị ; những truyện lịch sử ; những truyện tình yêu ; những truyện danh nhân .
Không phải là bất cứ ai cứ muốn xuống trần với đám công chúng bình dân cũng được họ đón nhận , ngay cả những ông trạng dẻo mồm tán , được họ tìm đọc một thời gian , rồi họ cũng chán . Song về phần Thiệp tôi tin đây sẽ là một cuộc chơi đầy hào hứng . Sách của Thiệp đáng được như vậy ; rồi ra công chúng đông đảo sẽ yêu mến Thiệp bằng một tình yêu không chút tạm bợ .

SÁCH ... BỤI
Nếu cơm bụi là thứ cơm bình dân cơm đầu ghế ,cơm dành cho người ít tiền thì người ta cũng có thể dùng hai chữ sách bụi để chỉ loại sách có chất lượng tương tự . Đây là một số tên sách : Thử thách trước thời gian , Tình đầu hay tình cuối, Thần tượng , Tình yêu một thuở , Tấm chân tình, Vợ tôi tôi sợ …Đó là những cuốn sách mỏng , giấy đen , bìa xấu , chỉ cốt giúp người ta đọc ngấu nghiến đỡ buồn hoặc mua vui chốc lát . Cố nhiên là các cửa hàng sách lớn , cửa kính sáng choang , toạ lạc ở những địa điểm đẹp trong các thành phố …không bán loại sách này . Chỗ xuất hiện của chúng là những cửa hàng nhỏ , nơi sách để lộn xộn như mớ rau mớ cá . Sách bụi mà ! Hình như chỉ những tác giả loại hai loại ba , những dịch giả mới vào nghề và đang lo kiếm việc mới nhận làm , những nhà hàng kinh doanh đồng vốn eo hẹp mới nhận đại lý phát hành . Và những độc giả thì cũng đọc chúng một cách cẩu thả , sẵn sàng xé đầu xé đuôi khi cần . Thế cho nên đã bụi lại càng bậm , nếu nhìn vào nội dung các loại sách lôi tôi lếch thếch này , hẳn người ta sẽ đau đớn vì phần lớn là những chuyện tình uỷ mị kèm theo những lời pha trò nhạt . Nhiều khi ở đó người ta còn bắt gặp đủ loại “tư tưởng” lưu manh , hoặc tôn sùng bạo lực , hoặc mê tín dị đoan , và kiểu người được đề cao thì hoặc láu cá ranh vặt , hoặc những người hùng lỗi thời . Có vẻ như nhiều người tặc lưỡi thây kệ , sách làm cho đám đông kém văn hoá đọc thì thế nào cũng được , trong khi đáng lẽ phải nghĩ rằng càng những sách phục vụ đại chúng càng phải được chọn lọc cẩn thận.


ĐƯA KIẾN THỨC MỚI
TỚI ĐÔNG ĐẢO BẠN ĐỌC

Khi nghĩ đến phim ảnh , kể cả phim truyền hình , mọi người ở ta chỉ nghĩ đến phim nghệ thuật . Trong khi đó , ở nhiều nước các loại phim thuộc dạng phim tư liệu , phim phổ biến kiến thức rất phát triển . Những cửa hàng cho thuê loại phim này được mở ra và khá đông khách .
Đến như các loại sách phổ biến kiến thức thì ở xứ người cũng thường có hiện tượng bùng nổ và người ta ngày càng có thêm nhiều sáng kiến làm sách . Ngược lại ở ta , vào các cửa hàng sách hiện nay , dễ nhận ra một sự thực : tuy so với trước tỉ lệ sách phổ biến kiến thức đã được nâng cao , nhiều nơi sách loại này bày bán cũng đã lên đến mức tạm gọị la liệt , song nhìn kỹ thì thấy phần lớn được làm một cách cẩu thả , gặp đâu làm đấy , những người làm sách có lẽ là lo kiếm tiền là chính , chứ không phải lo giúp bạn đọc tự học . Bởi vậy cách trình bày thì xanh đỏ lò loẹt , mà nội dung phần lớn là dạy cách xem tướng , chọn đất làm nhà , hoặc sách dạy nấu ăn , sách chỉ dẫn trong giao thiệp …
Trong hoàn cảnh đó , chính các nhà xuất bản sách cho thiếu niên như nhà Kim Đồng , nhà Trẻ , lại có những cố gắng đáng khích lệ . Nhiều năm nay , NXB Kim Đồng đã cho in bộ sách phổ cập kiến thức mỹ thuật thế giới mà , theo lời một nhà nghiên cứu mỹ thuật thì chính người lớn cũng nên tìm đọc . Còn hè này , trong số nhiều tủ sách do Kim Đồng mới tung ra , có một bộ mang tên Tủ sách kiến thức thế hệ mới , trong đó có các tập dành riêng về côn trùng , bò sát , voi, ngựa , tàu thuyền , máy bay … ; một loạt khác viết các thời kỳ lịch sử văn hoá như Phục Hưng, Hy Lạp cổ đại , Trung Hoa cổ đại , về các khái niệm lớn như âm nhạc , tôn giáo , sinh thái , y học ; rồi loạt này về thành và pháo đài, về trang phục , về bờ biển , loạt kia nói về xác ướp , phù thuỷ , cao bồi , hiệp sĩ …Kiến thức mới mẻ, cách trình bày lại thông thoáng , có nhiều minh hoạ . Một người vào cửa hàng của nhà Kim Đồng ở Hà Nội , than thở : “ Trẻ con bây giờ quá sướng ! Giá người lớn cũng có được những cuốn sách đó dành cho lứa tuổi mình “ . Một người khác trả lời ngay : “ Cái chính là người lớn quên mất thói quen đọc sách để học hỏi rồi , nên không có nhà sách nào dám mạo hiểm tung ra những loại sách tương tự dành cho người lớn . Mình làm mình chịu kêu mà ai thương !“ .




NHỮNG CUỐN SÁCH KHÓ XÁC ĐỊNH THỂ LOẠI

Tỉnh thành xưa ở Việt Nam , như lời giới thiệu của người biên soạn là một cuốn sách thu góp các bài báo hay vốn viết bằng tiếng Pháp và in ra trên tờ Indochine xuất bản ở Hà Nội khoảng từ 1940 đến 1944 . Các bài báo đăng ở đây khi thì đề cập đến một số vùng đất , khi thì nói kỹ về một tộc người , khi dừng lại ở một vài hoạt động như sự đi lại các ngành nghề thủ công mỹ nghệ ở nước Việt xưa , lại có khi trình bày những thay đổi trong xã hội , cùng là những loại nhân vật mới xuất hiện khi người Pháp có mặt . Một thứ lịch sử đời thường . Một thứ biên khảo ở dạng sơ giản . Lại có cả những truyện ngắn ( truyện Người đầm của Thạch Lam ) . Thành ra không biết xếp sách vào loại nào cho phải . Chỉ biết là đọc xong không phải hối tiếc về thời gian , và nghĩ rằng có thể đọc lại .
Tự nhiên như người Hà Nội của Nguyễn Trương Quý xem ra có vẻ thuần nhất hơn . Sách chỉ do một tác giả viết ra . Và nội dung cũng là sự khảo sát một số phương diện của Hà Nội hôm nay . Điều duy nhất còn khiến người ta băn khoăn : nên xếp nó vào thể nào . Là tiểu luận như mấy chữ đặt ở bìa sách chăng , nhất định là không phải rồi . Nhưng nhàn đàm hay phiếm luận cũng không thông . Đành chịu .
Đồng quê Nam Bộ trong thập niên 40 kể lan man đủ chuyện chung quanh cái chủ đề được dùng làm tựa sách . Có lẽ việc thu xếp cho cuốn sách của mình một cái thể loại nghe được là quá khó , nên tác giả Vương Liêm không đề là gì cả .
Cả mấy cuốn sách nói trên không thuộc loại sáng tác văn nghệ . Việc khó xác định về thể loại cũng là chuyện tự nhiên vì lâu nay trong số xuất bản phẩm in ra hàng năm , tỷ lệ sách làm theo kiểu này hơi ít . Song giá trị là ở những thông báo trực tiếp mà những trang sách mang tới người đọc . Có thể dự báo rằng trong tương lai , loại sách này còn phát triển .







BA LẦN KHÔNG MAY
VỚI MỘT CUỐN SÁCH

Lầm than là cuốn tiểu thuyết của Lan Khai , viết năm 1938. Theo lời kể của một số nhà văn đương thời , thì hình như tác phẩm ra đời là do gợi ý từ cuốn Người mẹ của Gorki mà bản tiếng Pháp được nhiều người truyền tay. Chưa bao giờ trong sách báo 1932-1945 , người ta thấy hình ảnh những người công nhân VN – ngày xưa bị gọi một cách dung tục là phu , là cu ly – hiện lên rõ rệt như vậy . Trần Huy Liệu , một nhà hoạt động cách mạng công khai thời kỳ 1936-39 , đã sớm nhận ra điều đó và đã viết lời giới thiệu cho bản in lần đầu . Sau khi sách in ra , trên báo Dân tiến , Hải Triều có bài nêu bật tính chất mở đường của tác phẩm .
Vậy mà , do một sự không may ( năm 1957 dự định in lại ở nhà Minh Đức rồi bị đình bản ) , từ đó đến nay , Lầm than gần như mất tăm , không thấy ai nhắc tới . Đến lúc các nhà nghiên cứu muốn quay trở lại với Lầm than thì lại xảy ra một điều không may khác. Trong các thư viện lớn , người ta chỉ tìm được một bản mất đầu mất đuôi , do đó mấy lần các bộ sách hợp tuyển văn xuôi 1932-45 được biên soạn , Lầm than chưa có dịp được tuyển .
Đầu năm 2004 này ( sau gần 70 năm in ra lần đầu ) , Lầm than được tái bản dưới dạng một cuốn sách riêng ( do Trần Mạnh Tiến sưu tầm nghiên cứu và giới thiệu ) . Nhưng không biết có phải là vận đen chưa rời khỏi , mà Lầm than chỉ được đón nhận hờ hững . Ở một hiệu sách đầu đường Bà Triệu (Hà Nội ) , tôi thấy một chồng sách nằm đấy , đã mấy tháng nay. Trong giới các nhà nghiên cứu , không thấy ai nói gì tới việc in lại Lầm than và trên mặt báo , cũng hầu như chưa có một bài nào nhắc nhở tới sự tái xuất giang hồ của tác phẩm . Trong khi hàng ngày than tiếc là thị trường sách vở dạo này quá tẻ nhạt , thì hình như có những cuốn sách tốt mà chúng ta vẫn đang bỏ qua .





THUỶ KINH CHÚ SỚ
VÀ SỰ CÓ MẶT CỦA NHỮNG CUỐN SÁCH CỔ

Đồng thời với việc gây ra bao khó khăn , thì việc thực hiện công ước Berne về xuất bản vẫn có cái lợi , là giúp cho giới xuất bản VN bình tĩnh nhìn lại mình và nhận ra vài bước đi lệch lạc của mình . Ví dụ , dù xem xét sách dịch từ bất cứ nước nào thì người ta đều nhận ra một thực tế lâu nay đến tám chín chục phần trăm công sức chúng ta là dồn vào dịch sách đương đại . Tại sao ? Vì dễ dịch . Mà cũng vì bạn đọc hầu như đã quen dạ chỉ thích đọc sách viết về các vấn đề đương thời do các tác giả đường thời thực hiện . Giá kể có một cái nhìn chung về chiến lược xuất bản , người ta sẽ nhận ra ngay rằng như thế là không được , không một ngành xuất bản nước nào làm ăn theo lối ăn xổi ở thì như vậy cả .
Và vào lúc này , đã có thể nói việc sửa chữa cái thói cầu dễ đó được bắt đầu . Như là trong vài số báo trước chúng tôi đã điểm qua , nay là lúc ở các hiệu sách đang bày bán một số công trình nghiên cứu rất nghiêm túc của I. Kant , S. Freud , và ngược lên cả Montesquieu , Rousseau … Hoặc như về mảng sách Trung quốc . Bên cạnh bài báo này là ảnh bìa cuốn Thuỷ kinh chú sớ . Đây là một cuốn sách viết về hệ thống sông ngòi cổ đại của Trung quốc , nó từng được xếp vào danh sách 100 tác phẩm nổi tiếng nhất văn hoá Trung Hoa , thậm chí được mệnh danh là “ kỳ thư “ . Những ai từng đọc các sách nghiên cứu cổ sử Việt nam của các tác giả có uy tín như Nguyễn Văn Tố , Đào Duy Anh , hẳn đều nhận ra là các bậc tiền bối đó đã nhiều lần dẫn cuốn sách này làm tài liệu tham khảo . Cũng may là lúc này còn có những dịch giả như cụ Nguyễn Bá Mão ( tuổi đã ngoại tám mươi ) , người không tính chuyện chụp giật mà bỏ ra cả năm trời ngồi kỳ cạch dịch sách cổ ( riêng phần Thuỷ kinh chú sớ có liên quan đến Việt Nam cũng đã lên tới 986 trang ), nhờ thế vào đầu xuân 2005 bản dịch mới được bày bán ở các hiệu sách . Cầm bản dịch trên tay , người ta chỉ còn tự hỏi : Liệu lúc này ai là người có thẩm quyền đưa ra được một danh sách đầy đủ những cuốn sách cổ Trung quốc mà nhất thiết chúng ta phải dịch ? Và trong lúc này có ai cũng đang âm thầm bắt tay vào dịch những cuốn khác cũng có tầm quan trọng như Thuỷ kinh chú sớ ?




CẢ SÁCH CỦA CÁC BẬC THÀY NGHỆ THUẬT
CŨNG BỊ XẾP XÓ ...

Trước 1945, Tô Ngọc Vân đã viết nhiều về các vấn đề nghệ thuật trên các báo Ngày Nay , Tinh Hoa , Thanh Nghị . Chỉ riêng bài viết Sơn mài của ông trên Văn nghệ ra ở Việt bắc số 5 năm 1948 đã cho ta thấy nhà hoạ sĩ tài ba này có một bút lực mạnh mẽ biết là ngần nào . Tiếc thay, đến nay chưa ai đứng ra sưu tầm và in lại đầy đủ những bài báo rất hay đó .
Nói chung các nghệ sĩ lớn ( cả các nhạc sĩ , kiến trúc sư v.v.. ) thường là những nhà vận dụng ngôn ngữ tuyệt vời , chữ nghĩa vốn cũng là một phương tiện bộc lộ tài năng và con người họ .
Thế nhưng, khi sách của được in ra thì người ta lại buồn hơn mà nhận xét rằng chúng không được giới thiệu một cách đầy đủ .
Từ dăm bảy năm trước tôi đã đọc được những trích đoạn một cuốn sách ghi lại những suy nghĩ về nghệ thuật của Nguyễn Gia trí in ra ở TP Hồ Chí Minh , nhưng chịu không sao tìm nổi .
Viết dưới ánh đèn dầu của Bùi Xuân Phái thì lại thách đố bạn đọc thông thường ở chỗ in song ngữ Việt – Anh , với giấy qúa đẹp do đó giá quá cao ( hai trăm ngàn , cho một cuốn sách mỏng ) nên thường chỉ bày bán ở các gian hàng dành cho khách du lịch .
Gần đây nhân lang thang trong một cửa hàng sách lớn , tôi bắt gặp hai cuốn sách quý , một của Đỗ Nhuận , mang tên  m thanh cuộc đời , một của Nguyễn Văn Tý mang tên Tự hoạ . Cuốn thứ nhất gồm cả hồi ký và các bài báo ngắn , các bài phát biểu tham luận ... của tác giả Hành quân xa . Cuốn thứ hai là hồi ký của tác giả Dư âm , Mẹ ru con … Cầm sách trên tay mà cám cảnh , những cuốn như thế sau khi in ra không hề được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc nhở , và có lẽ các nhà buôn nhỏ cũng không ai định buôn , thành thử chúng trở thành của hiếm , rồi nằm mãi một chỗ .
Dĩ nhiên ở đây sự ít phổ biến có lý do một phần là công chúng ta không quen đọc loại sách này .
Nhưng chính bởi thế , lại cần có những nhà chuyên môn đánh động cho họ . “ Hứng thú sẽ đến trong khi ăn “ - ở đây là trong lúc đọc !












NHẬT KÝ MÃ YẾN:
MỘT CÁCH LÀM SÁCH
VÀ MẤY VẤN ĐỀ GIÁO DỤC QUA MỘT CUỐN SÁCH


NHỮNG DÒNG VIẾT TỰ PHÁT, RIÊNG TƯ CỦA MỘT EM BÉ 13 TUỔI TỪ MỘT VÙNG QUÊ HẺO LÁNH, RẤT DỄ LẪN ĐI GIỮA MỚ HỢP ÂM ỒN ÀO CỦA MỘT TRUNG QUỐC ĐẠI LỤC THỜI MỞ CỬA, VẬY MÀ KHI IN THÀNH SÁCH LẠI CÓ THỂ TRỞ THÀNH MỘT HIỆN TƯỢNG LÀM XÔN XAO GIỚI XUẤT BẢN: ĐƯỢC DỊCH RA 8 THỨ TIẾNG VỚI LƯỢNG TIÊU THỤ HƠN 45 NGÀN BẢN, BẢN THÂN TÁC GIẢ CỦA NÓ ĐÃ ĐƯỢC MỜI TỚI HỘI CHỢ SÁCH PARIS 2004. "NHẬT KÝ MÃ YẾN" (NKMY) ĐÃ ĐẾN VN VÀ ĐÃ GỢI NHIỀU ĐIỀU ĐÁNG SUY NGHĨ MÀ KHÔNG PHẢI BỞI NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG CỦA NÓ. TT&VH HỎI CHUYỆN NGƯỜI BIÊN TẬP CUỐN SÁCH (BẢN TIẾNG VIỆT) - NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC VƯƠNG TRÍ NHÀN:


-- Điều đầu tiên cuốn sách hấp dẫn ông là gì, có phải vì những thông tin về nó mà trước đó, báo chí trong và ngoài nước đã đề cập?
- Trước nay, tôi từng có cơ hội biên tập và giới thiệu một số cuốn tiểu thuyết Trung Hoa hiện đại của các tác giả nữ như Cửu Đan, Thiết Ngưng, Vệ Tuệ... Phần lớn viết về thành thị , mà thiếu mảng viết về phụ nữ nông thôn (Với tôi, cái hấp dẫn của Trung Hoa thời mở cửa không phải là những Phố Đông, Chu Hải, Thẩm Quyến mà là các vùng nông thôn - nơi rất dễ bị bỏ quên) .NKMY phần nào đáp ứng nhu cầu đó. Câu chuyện xảy ra ở một vùng hẻo lánh thuộc Ninh Hạ, Tây Bắc Trung Quốc, thuộc khu tự trị dân tộc Hồi. Từ các trang sách thấy hiện lên một nông thôn nghèo nàn lạc hậu nhưng lại có những con người đầy nghị lực và hiểu biết, những con người không tầm thường chút nào. Cuốn sách thêm lần nữa cho ta thấy nội lực văn hoá của người dân Trung Quốc rất lớn, trong họ tiềm ẩn những khả năng thay đổi không ngờ và nếu thay đổi là đến ngay được với thế giới hiện đại. Thật dễ hiểu khi khát vọng ham học đến khẩn thiết của những thiếu niên như Mã Yến tìm ngay được sự đồng cảm chính đáng của nhiều người phương Tây. Đó là diễn biến hợp lý chứ không phải khôn lỏi ăn may.
-- Không ít bạn đọc VN đã chờ đợi được tiếp xúc bản tiếng Việt của cuốn sách nhưng cảm giác đầu tiên là hơi hụt hẫng vì không tìm thấy nhiều giá trị văn chương trong đó, như vẫn có thể tìm thấy trong các tập nhật ký, hồi ký khác của các văn nghệ sỹ "người lớn"...
- Cũng phải thôi, khi NKMY là thuộc loại văn xuôi tư liệu. Giống như các loại phim tư liệu thường chiếu trên VTV2. Dân ta chỉ thích xem phim truyện. Song ở các nước, người ta thuê cả phim tư liệu để cả nhà cùng xem.
Người không quen đọc loại văn xuôi này dễ cảm thấy khô. Nét đẹp của nó là ở trong cái vẻ thô mộc sống sít được mang thẳng từ đời sống vào trang sách . Nhưng nếu có ý thức học hỏi tìm biết thì lại thấy có sự hấp dẫn riêng.
-- Vâng , đọc một lúc NKMY thì không ai còn bị ám ảnh bởi cái cảm giác khô ấy nữa . Cuốn người đọc, theo từng trang nhật ký , thực ra đã không chỉ là hình ảnh “ bà cụ non" rất "đáng gờm" ở cô bé hạt tiêu Mã Yến mà còn trong cách làm sách rất thông minh của người thực hiện: kể lại chi tiết từng bước đã làm; xen giữa các trang nhật ký, là những bài báo có tính bổ trợ thông tin từ góc nhìn khách quan của người đã đến tận nơi, nhìn tận mặt ; chưa nói, còn là cái nhìn đầy thân thiện, chia sẻ của người phương Tây với người phương Đông...
- Hình thức ấy đã mang lại cho sách một nội dung thật thuyết phục , và đây là một cách làm sách mà cánh báo chí xuất bản chúng ta nên học hỏi .
-- Nếu như có những cuốn tiểu thuyết lớn từng khiến người ta cảm thấy không thể sống như trước hay viết như cũ được nữa thì cuốn sách nhỏ NKMY lại khiến người lớn không dám nhìn trẻ con, người thành phố không dám nhìn "người nhà quê" như trước được nữa...
-- Ngay sự ra đời của tập sách đã là một chi tiết rất đáng chú ý: Sở dĩ các phóng viên Pháp của tờ Libéation phát hiện ra Mã Yến là do nhận được từ tay bà mẹ em những trang nhật ký. Bà chủ động mời đoàn nhà báo về nhà và tặng họ một lá thư cùng ba cuốn sổ nhỏ. Trong thái độ chủ động giới thiệu mình và đến với người nước ngoài một cách đàng hoàng, tự tin ở họ, ta có cảm tưởng những người Trung Quốc này rất hiểu biết thế giới. Còn bản thân Mã Yến , trong sự ham học nói chung, cũng rất kiên quyết học tiếng Anh. Khi có dịp về tham qua thành phố, em bé nhà quê này vẫn cư xử một cách hết sức đàng hoàng tự tin. Liên hệ với dân mình, thấy nhiều người chúng ta quê lâu quá, lên thành phố dễ bị loá mắt, tiếp thu chậm, rồi học đòi, chạy theo hưởng thụ , trong khi vẫn thò cái đuôi quê mùa. Hoặc giả như cái sự học . Gần đây, nhân báo chí nói nhiều về giáo dục, tôi có tìm đọc lại một số tờ báo cũ như Nam Phong,Thanh Nghị, Tri Tân... , và giật mình nhận ra chính các cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Hoa Bằng… cũng đã cảnh báo rằng dân ta thường quá dễ dãi trong việc học ; đại khái chỉ cho con học lấy mấy chữ để khỏi bị hào lý bắt nạt ; và về sau, học để kiếm mảnh bằng, chứ không có ý thức học để hiểu biết.
Sự học nghiêm chỉnh lại càng khó tìm thấy tại các tỉnh miền núi, nơi ngành giáo dục còn phải gồng mình lên mới xốc dậy được những bê trễ tụt hậu...
- Điều khiến ta phải suy nghĩ là trong NKMY chỉ qua ít nét vẽ phác , người ta vẫn thấy được phần nào chân dung của nền giáo dục Trung Quốc hôm nay: cả thầy lẫn trò, dù cực khổ và rất dễ "khuất mắt trông coi", vẫn có cái nghiêm chỉnh kỳ lạ , không qua loa ù xoẹ cho xong. Mặc dù không có cơm mà ăn, không có tiền thanh toán những khoản cần đóng góp, nhưng đã học là họ học đến nơi đến chốn và muốn đạt tới chuẩn mực cần thiết. Và các thầy giáo thì không có cái kiểu cho tất cả học sinh điểm cao để đồng loạt lên lớp rồi muốn ra sao thì ra như bên ta. Chưa hết: trong các môn học ngay cả ở cấp tiểu học của Mã Yến có cả môn xã hội học . Nếu đúng thế thật thì tức là họ có một chương trình học rất hay, chứ không cổ lỗ như chương trình con em mình đang theo ...
Kiến thức thay đổi xoành xoạch, được dạy theo kiểu nhồi nhét ; nạn dạy thêm học thêm; nạn "loạn" sách tham khảo... - Bấy nhiêu điều tức mắt đó ở ta đã được không ít bài báo mổ xẻ. Thế nhưng, để có một cuốn sách được làm một cách hết sức thông minh và thuyết phục như kiểu NKMY thì đúng là chưa thể có . Thế còn các loại sách giáo dục khác , ông có theo dõi và nếu đã theo dõi thì có thể nhận xét ra sao ...
- --Tôi đọc còn ít nhưng được biết một là trước nay, cũng đã từng có một vài cuốn sách viết về lịch sử giáo dục VN được biên soạn nhưng chưa tổng kết được cái học của dân mình mà thường nói nhiều về khoa cử nên ít tác dụng . Hai là về hồi ký gần đây có mấy cuốn của Dương Thiệu tống , Bùi Trọng Liễu … Nhưng nên nhớ trước đây đã có một số cuốn khác nói về giáo dục , chẳng hạn Nghề thầy của Hoàng Đạo Thuý . Tính tới 2003 cuốn sách này đã tái bản ba lần . Nhưng thử hỏi so với các loại tiểu thuyết tiền chiến được in đi in lại và bán đầy các sạp sách thì một vài ngàn bản loại này có thấm thía gì ? Sách dịch dăm mười năm gần đây có một vài cuốn rất quý. Riêng tác giả Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản) có cuốn Khuyến học đã được dịch in hai lần ở ta. Gần đây NXB Thế giới cho in Chân dung những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới. Tóm lại rải rác có cả . Nhưng chính báo chí chưa để ý tới mảng sách này mấy, chưa có bài giới thiệu kỹ càng giúp sách vào sâu trong công chúng . Mới đây trong một bài nói chuyện, nhà nghiên cứu kinh tế Lê Đăng Doanh có lưu ý một nhận xét của Senkimono về người lao động VN, ông giáo sư Nhật Bản cho rằng đấy là những người "thông minh học nhanh khéo tay nhưng ít được đào tạo nhất thế giới". Tôi nghĩ: không chừng điều đó đúng với mọi nghề ở ta , cả nghề lao động trí óc như viết văn, nghiên cứu khoa học ! Học là gì? Là làm cho mình trở thành khác đi. Hãy tự hỏi xem: ta đã biết làm việc đó chưa , hay là còn lâu mới gọi là biết học? Bởi vậy tôi thường khuyên những người thân trong gia đình nên bớt đọc các cuốn truyện dông dài, mà để thời giờ vào việc đọc một số sách phục vụ cho sự hiểu biết. Mà trong đó, NKMY là một cuốn rất đáng đọc , đáng để "người lớn" và "người thành phố" , hay nói rộng ra là nhiều người chúng ta , cùng suy ngẫm.


CÂN ĐO ĐONG ĐẾM CỤ THỂ

Là người làm nghề xuất bản , tôi không khỏi ngạc nhiên khi đọc những bài báo như bài Văn học Trung quốc chinh phục thế giới, nguyên bản in trên Time , bản dịch do báo Lao động ở ta in trong số 9-2-2003 . Bài báo kể : ở Trung quốc, ngành xuất bản nộp thuế cho nhà nước chỉ kém công nghiệp thuốc lá và rượu . Tôi nhận ra trong cái chi tiết tiền thuế này mấy điều : sách đã biến thành một công cụ hữu ích ; người Trung quốc thật ham đọc ; và giới làm sách đã đáp ứng được nhu cầu đó ; nói gọn lại là ngành xuất bản ở họ đã trở thành một ngành công nghiệp hùng hậu . Không cần một lời hoa mỹ nào , mà cái mức nộp thuế cho nhà nước đã là một thứ nhiệt kế thông báo chính xác tình trạng phát triển của một ngành sản xuất dù là sản xuất tinh thần . Khi sáng tác và xuất bản đi đúng cái mạch hiện đại của nó , thì việc xuất hiện những tác phẩm Trung quốc làm say mê cả bạn đọc ở các nước khác , cỡ như Báu vật của đời, Phế đô , Cao lương đỏ , Điên cuồng như Vệ Tuệ , Hoa đỗ quyên đỏ v..v.. là chuyện tự nhiên , không có mới lạ .
Còn ở ta thì sao ? Tôi không có thống kê cụ thể nhưng đoan chắc không ai ngớ ngẩn tới mức so sánh thuế của ngành xuất bản với thuế thu được từ rượu và thuốc lá . Nhà văn Nguyễn Khải từng có nhận xét thời buổi kinh tế thị trường , dân mình sắm tủ chè thì nhiều chứ ai sắm tủ sách ?!
Mà trong việc này , trước tiên là giới viết sách và xuất bản sách có lỗi . Chúng ta đã không kéo được bạn đọc đến với sách .
Chung quanh các loại gọi là chi tiết cụ thể , mới đây tôi bắt gặp một ví dụ khác , nhưng là ở bên hội hoạ : Lâu nay nghe một số bạn cầm cọ vẽ khoe cũng thấy vui lây. Rằng hội hoạ VN độc đáo lắm . Rằng chúng ta có những triển lãm đầy thuyết phục và nhiều hoạ sĩ ta có tranh trong các bộ sưu tập của nhiều nước khác nhau . Nhưng sự thực thì sao ? Từ Paris , hoạ sĩ Trần Trọng Vũ vừa có một thông tin ngắn gọn về tình trạng của hội hoạ VN ; những thông tin ấy được hoạ sĩ Trịnh Cung xác nhận , ông này cắt nghĩa tại sao mình lại đồng tình với Trần Trọng Vũ qua bài trả lời phỏng vấn ngắn in trên TT&VH số ra 16-5-2003 . Theo Trần Trọng Vũ và Trịnh Cung , khi ra nước ngoài , chưa bao giờ tranhVN có mặt trong hệ thống các gallery chuyên nghiệp ; và người mua tranh trong nước thường chỉ là khách du lịch . Thế tức là sao ? Theo tôi hiểu , tức là chúng ta chỉ có một nền hội hoạ thuộc loại chầu rìa . Vì chầu rìa nên mới không lọt vào được hệ thống mỹ thuật chuyên nghiệp. Đại khái cũng giống như trong bóng đá , chỉ khác là trong bóng đá người ta có hệ thống xếp loại rõ ràng , còn trong nghệ thuật thì chưa .
Từ hội hoạ tôi lại quay về văn học . Cuối năm ngoái ( từ 19 đến 21-12- 2002 ) , cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ nhất những người dịch văn học VN đã được tổ chức tại Hà Nội và tháng 4- 2003 vừa qua , một tập kỷ yếu của hội nghị đã được xuất bản . Trong tập kỷ yếu , bản báo cáo của ban tổ chức về tình hình văn học VN dịch ra các nước và lời phát biểu của một số đại biểu nước ngoài kể về tình hình giới thiệu văn học VN ở nước họ đã có dịp được in lại . Sẽ chẳng có gì mới nếu bảo rằng qua các báo cáo này có thể khảo sát nhiều điều thú vị . Và đây là một chi tiết khiến tôi phải dừng lại : trong phần tác phẩm văn học VN dịch ra tiếng Trung quốc , có kể ra mấy cuốn văn học cổ điển cùng là loạt sách của những năm từ 1975 về trước như Con trâu, Vùng mỏ , Vỡ bờ , Người con gái Việt nam, Từ tuyến đầu Tổ quốc v..v.. ; tính riêng phần văn học VN từ sau 1975 , chỉ thấy nói tới Ông cố vấn của Hữu Mai ( có chua rõ là năm 1999 , in ở NXB Quân sự nghị văn nhưng tính chất của NXB này thế nào , thì không thấy nói ) . Chắc nhiều người như tôi , khi đọc đến đây , tự hỏi : Chẳng nhẽ bạn đọc bên Trung quốc vô tình với các tác phẩm của ta hôm nay đến vậy ? Hay các bản báo cáo để sót ? Vô lý , không có lẽ !
Hiện chưa rõ ai sẽ đứng ra làm , song theo tôi , việc theo dõi văn học VN ra nước ngoài và có thông báo thường xuyên cho dư luận biết là cần kíp . Nên có những thống kê cụ thể về cả số lượng lẫn chất lượng : hàng năm có những tác phẩm nào đã được dịch ? Những cuốn sách đó in ra bao nhiêu bản ? ở những nhà xuất bản như thế nào ? và được dư luận bên ngoài đón nhận ra sao ? Những con số tự nó biết nói lên sự thật . Còn những lời lẽ : hẳn không cần tinh tế lắm , bạn đọc cũng sẽ phân biệt được ngay đâu là mấy câu khen cho phải phép , còn đâu là những lời thực lòng cảm phục .




“ CÓ BỊ DỒN VÀO CHÂN TƯỜNG RỒI THÌ CHÚNG TA MỚI KHÁ LÊN ĐƯỢC ! “
Trao đổi nhân việc VN gia nhập
công ước Ber ne về xuất bản


Nghe nói giới xuất bản đang xôn xao về chuyện VN gia nhập công ước Berne , do đó , tình hình làm ăn rồi ra sẽ gặp nhiều khó khăn : mảng sách dịch hùng hậu của ta sẽ co lại , nghề xuất bản không chừng sẽ đình đốn và độc giả sẽ không thể có những tác phẩm hay để đọc ? Ông có thể giải thích cho bạn đọc biết công ước Berne là gì mà ghê thế và tại sao nó lại có sức tác động tới chúng ta theo kiểu vậy ?
VTN Để hiểu văn bản này , có lẽ báo chí nên gõ cửa các cơ quan hữu trách . Tôi chỉ biết một điều cơ bản của công ước Berne là nước nọ in sách của nước kia cũng phải xin phép cẩn thận , rồi trả tiền đầy đủ như luật pháp người ta quy định .

cái việc tối thiểu , chúng tôi tưởng ai thế nào thì mình cũng Như thế thì có gì là lạ , thưa ông? Đây là vậy .

VTN Chính cái lạ là ở chỗ ấy , lâu nay có nhiều việc , thiên hạ người ta thế nào ta mặc kệ , cứ cách riêng ta làm --- trong đó có nghề xuất bản . Đại khái các NXB khi in một cuốn sách dịch chỉ lo trả tiền cho dịch giả , còn tiền bản quyền gốc thì lờ đi, coi như là không biết và quả thật nhiều người chưa nghe nói bao giờ nên đúng là không biết . Nói nôm na là ăn không của người ta , nên bảo là đạo văn , tháu cáy , hay đứng ngoài luật pháp , thế nào cũng được . Dịch in phứa phựa quen rồi , đến lúc người ta gò mình vào luật thì lại khó chịu . Trong TT&VH số ra 16-7 gần đây, tôi đọc thấy có bài báo tả cái cảnh dân mình đi đường sợ cảnh sát giao thông lắm , song hở ra là vi phạm luật lệ , và không quên báo cho nhau biết “Đằng kia có cảnh sát đấy “để hỗ trợ những đồng đội cũng đi sai như mình , mà cũng là một lời ước hẹn với nhau : mai lại cứ thế mà đi . Baì báo có một câu khái quát thú vị : Có lẽ chẳng có nước nào trên thế giới mà người dân lại vừa sợ vừa bất hợp tác với CSGT như ở Hà Nội . Tôi nghĩ , trong xuất bản cũng có tình hình tương tự , ta bất hợp tác với người ta quá lâu , nên bây giờ ta sợ .

Người đi đường thích phạm luật vì họ đang vội . Chúng ta làm xuất bản theo kiểu vừa qua cốt để có sách nhanh sách rẻ phục vụ bạn đọc , giúp họ có điều kiện tiếp xúc với những thành quả

VTN Vâng đấy là lý do thường mang ra để biện hộ . Song không thể có cái việc làm một nghề mà bất cần biết nghề đó trên thế giới ra sao và do đó trước sau mình cũng phải tôn trọng những luật lệ ở đó ra sao . Đây lại cũng là một ví dụ cho thấy nhiều hoạt động ở ta còn mang tính cách tự phát , chưa tự giác biến thành một hoạt động văn hoá , tạo nên cái văn hoá ngành , ở đây là văn hoá xuất bản . Nghề xuất bản ở ta hiện nay mang trong mình nó cả một ổ bệnh : làm ăn theo lối chụp giật , gặp đâu hay đấy , manh mún lặt vặt , mua tranh bán cướp , nhất là thích làm nhanh làm ẩu . Trong số những lý do khiến cho dân ta bây giờ lười đọc sách , có lỗi ở chúng tôi một phần . Chúng tôi đang làm cho sách mất đi tính chất thiêng liêng mà nó vốn có.

Ông có tin rằng nhiều người trong giới và cả bạn đọc cũng nghĩ như ông hay người ta nghĩ ngược lại ?

VTN Thì tôi đã bảo nó cũng giống như việc đi đường phải tuân theo luật lệ mà , trước mắt rất phiền , nhưng nghĩ lâu dài không thể có con đường nào khác Tôi lấy một ví dụ : Hai nhà xuất bản Trẻ , và Kim Đồng đã rất khôn ngoan khi sớm ký thoả thuận về mặt bản quyền đối với hai cuốn truyện tranh Doremon và Harry Porter . Giả thử ban đầu mà thiếu làm ăn đàng hoàng như thế , chắc là không sớm thì chày sẽ xảy ra những vụ tranh cướp nhau loạn xì ngầu . Việc tham gia công ước Berne sẽ mở đầu cho việc cái tư duy “ta làm xuất bản kiểu riêng của ta “ phải được từ bỏ , và điều đó có ảnh hưởng đến hoạt động xuất bản nói chung chứ không phải chỉ có sách dịch .

Thế nhưng trước mắt nó gây cho chúng ta nhiều chuyện bê bối và do đó ,ngay trong giới xuất bản của các ông, nhiều người cũng chưa sẵn sàng và sự thực là chưa biết làm thế nào?

VTN Một người bạn tôi làm nghề xuất bản vừa cảnh cáo không chừng rồi đây ta chỉ có dịch và in lại những tác phẩm cổ điển , còn sách mới của thế giới thì thôi , tạm biệt , và như vậy thì không còn sách hay để đọc . Có lúc tôi cũng thấy như anh ấy , nhưng rồi lại nghĩ : hãy thử nhìn một số cuốn gọi là tác phẩm có hạng của thiên hạ được ta dịch ra tiếng Việt gần đây , có phải là gần như toàn hàng làm vội , chắc là cũng chỉ gây ra được sự hấp dẫn nhất thời , chứ không thể trường tồn cỡ như các bản dịch Những người khốn khổ , Chiến tranh và hoà bình hồi trước . Thành thử giữa một bên mười bản dịch nham nhở , mỗi bản in ra cũng chỉ độ một ngàn cuốn , với một bản dịch thôi , nhưng là sách hay , lại dịch tốt dịch kỹ , với khối lượng in ra từ năm đến mười ngàn bản , tôi nghiêng hẳn về cách thứ hai . Lâu nay, có cảm tưởng bọn tôi chỉ được tiếp nhận những cái xác của nguyên bản .Thật không thể nghĩ là có thể lấy đó làm tự hào được .
Còn như những chuyện phải làm thì tôi tin rằng có nghiêm túc và quyết tâm , rồi sẽ học được hết . Ví dụ để có những bản dịch tốt , rồi ra ta phải có sự nghiên cứu văn học nước ngoài cẩn thận , để xem xem cái nào đáng dịch cái nào không . Bản thân người dịch phải làm kỹ trên từng trang bản thảo . Các biên tập viên phải làm việc kỹ hơn chứ không coi thường chính bản thảo có ghi tên mình như hiện nay .

Tức là theo ý ông nói , việc tham gia công ước Berne sẽ góp phần vào việc đỏi mới cách làm xuất bản . Với kinh nghiệm của một người 25 năm trong nghề ,ông dự đoán tình hình sẽ ra sao ?

VTN Nhiều người ở ta có thói quen có bị dồn vào chân tường mới chịu làm , nhưng rồi nhờ thế mà khá lên được . Tôi thấy lần này cũng vậy . Bên xuất khẩu thuỷ sản có cái lệ người nước ngoài người ta đến tận cơ sở sản xuất của mình theo dõi xem mình có làm đúng quy trình kỹ thuật không rồi mới nhận hàng . Tôi dự đoán không chừng môt lúc nào đó một NXB hay một tác giả nước ngoài sẽ làm cái việc tương tự là cho kiểm lại xem sách mình dịch có cẩn thận có đúng không rồi mới cho phép phát hành sách dịch . Sẽ xảy ra vài vụ đổ bể . Nhưng bạn đọc sẽ có lợi : Chúng ta sẽ có khả năng tiếp nhận những bản dịch có giá trị thực sự .

Thế nhỡ các nhà xuất bản sẽ kêu khó quá , không có người làm , do đó một thời gian dài sẽ chỉ quanh quẩn có các bản dịch văn học cổ điển thì sao .

VTN Thời gian đầu có thể như vậy nhưng lâu dài thì không . Cái ngày mà người ta có thể chỉ sống bằng chính mình đã vĩnh viễn qua rồi , tôi tin nó không trở lại nữa .





TRỞ LẠI VỚI KHU VỰC ĐẦU NGUỒN
CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

Pháp du hành trình nhật ký ( Nhật ký đi Pháp ) của Phạm Quỳnh vừa được in lại sau mấy chục năm ngủ yên trong tạp chí Nam Phong suốt từ 1922 tới nay. Nhân dịp này nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn -- người lo biên soạn và chú giải -- có dịp trao đổi với TT&VH về giá trị tập sách cũng như về việc khai thác bộ phận văn học viết bằng quốc ngữ đầu thế kỷ XX .

--- Vì sao ông lại đề xuất việc in lại và bắt tay chú giải một cuốn nhật ký đã ra đời từ tám chục năm trước ?

V.T.N Trên con đường tìm hiểu về giao lưu văn hoá giữa người Việt và người nước ngoài , mấy năm nay, tự nhiên bọn tôi bảo nhau phải chú ý tới “đầu ra” , tức là hiện tượng người Việt qua khỏi biên giới nước mình để đối mặt với thế giới rộng lớn . Thể tài cần tập trung chú ý trước tiên là thể ký , bao gồm du ký , bút ký , nhật ký . Năm 2002, cuốn Đi Tàu đi Tây ( trong đó có Đi tây của Nhất Linh , Một chuyến đi của Nguyễn Tuân và Một tháng ở Trung Hoa của Lê Văn Trương ) đã được biên soạn . Pháp du hành trình nhật ký tiếp tục cái mạch đó .
-
--So với những cuốn vừa kể , thì cuốn nhật ký của Phạm Quỳnh có gì mới ?

V.T.N Xuất hiện sớm hơn , thứ nhất ; dày dặn hơn , thứ hai ; và thứ ba , bên trong nó là một nội dung văn hoá : tác phẩm cho thấy một phần cái đời sống tinh thần của người Việt đương thời .
-
--Liệu có vì yêu mến tác phẩm mà ông nói quá lên so với mức độ nó vốn có ?

V.T.N Năm 1932, Phan Khôi từng có một bài viết in trên Phụ nữ tân văn , nói về thể nhật ký trong văn học , sự phát triển rất sớm của nhật ký ở Trung Hoa Nhật Bản cũng như các nước phương Tây và sự hiếm hoi của nhật ký ở nước ta . Kết luận bài viết , Phan Khôi cả quyết cho rằng nhật ký là cái thước để đo trình độ văn minh của một dân tộc . Tôi chưa dám “ bốc “ đến vậy . Theo tôi chỉ nên coi nhật ký là một trong những cái thước mà cụ đồ nho “rất không bảo thủ” là Phan Khôi đã nhấn mạnh . Bởi qua nhật ký người ta có thể thấy trình độ phát triển của các nhân cách trong một giai đoạn xã hội .

---Ôngcó thể cho đông đảo độc giả -- những người chưa có dịp đọc tác phẩm -- hiểu rõ hơn về nội dung cuốn nhật ký ?

V.T.N Năm 1922 , Phạm Quỳnh ( cùng Nguyễn Văn Vĩnh ) được đi theo một đoàn triển lãm ở Marseille , sau đó đến diễn thuyết một số buổi tại Paris . Ngày ấy các ông không có dịp ngồi máy bay , bay ù một cái là đến xứ người , như chúng ta bây giờ , mà phải trải qua hàng tháng lênh đênh trên biển . Tiếp đó sau những ngày tham gia triển lãm , là một chuyến tham quan toàn diện , như một khách du lịch loại VIP . Rồi việc làm quen với một số nhân vật trong giới thượng lưu Pháp . Rồi những buổi thuyết trình về văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam , về sự phát triển của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu XX … Qua Pháp du hành trình nhật ký , người ta nhận ra hình ảnh một người Việt Nam trước khi đi xa đã có những hiểu biết chắc chắn về xứ sở mình sẽ tới , nên có thể đi vào đó một cách đàng hoàng ; nhất là con người đó có lòng tự trọng , muốn giúp người ta hiểu thêm về đất nước mình và nếu như có gì chưa hiểu thì kiên nhẫn thuyết phục thêm …Như thế chẳng phải là đáng quý lắm sao ?

---Cuốn sách có vai trò thế nào đối với sự nghiệp tác giả ?

V.T.N Phạm Quỳnh thường chỉ được biết tới như một ngòi bút biên khảo , người thông tin nhiều kiến thức về văn hoá để giới thiệu với đồng bào trong nước , cũng đồng thời là người có bước khai phá trong việc nghiên cứu một số giá trị văn hoá cổ truyền . Luận giải văn học và triết học, cái tên của cuốn sách tập hợp các bài viết của ông được in ra gần đây , đã nói lên điều đó . Nhưng ông còn là một nhà văn . Theo Thanh Lãng , tác giả Bảng lược đồ của văn học Việt nam hiện đại , “ người ta có thể từ chối giá tri nghệ thuật của các bài biên khảo của Phạm Quỳnh chứ ai mà có thể từ chối giá trị nghệ thuật của các bài tuỳ bút của ông (.. .) Giá trị vì những nhận xét tỉ mỉ , những nét tả linh động , nhất là ở tình cảm say sưa của một nghệ sĩ chảy tràn trên giấy “ . Sự thực là Thanh Lãng đã góp phần chiêu tuyết cho Phạm Quỳnh : “ Có đọc các tập hồi ký mới thấy Phạm Quỳnh không phải là xa chúng ta lắm, xa dân tộc , xa quê hương đất nước như người ta tưởng “ ( trích theo tạp chí Văn học in ở Sài Gòn tháng 4-1963 ) . Pháp du hành trình nhật ký là một minh chứng cho điều Thanh Lãng vừa viết .

--- Ông đã bắt tay vào việc chú giải cuốn sách như thế nào ?

V.T.N Lâu nay, sách tái bản thường chỉ cố in ra như nguyên văn đã có , trong khi đó theo tôi , sau những biến thiên của hoàn cảnh , người đọc có nhiều điểm khó tiếp thụ , nhất là phần ngôn ngữ , nên nhất thiết các nhà chuyên môn phải phân công nhau vào cuộc . Công việc quá khó , tôi tự thấy chưa làm được bao nhiêu , chẳng qua đọc đến chữ nào thấy không hiểu thì giở từ điển tra lại và ghi ra để đỡ công cho bạn đọc . Tuy nhiên , cũng nhờ vào việc chú giải này mà tôi có dịp học thêm hỏi thêm về tiếng Việt . Tôi ước ao có ai đó nghĩ tới chuyện làm một cuốn Từ điển tiếng Việt nửa đầu thế kỷ XX vốn là một loại sách chưa có tiền lệ ở nước ta .

--- Ông kỳ vọng gì ở cuốn sách ?

V.T.N Chung quanh ý niệm di sản văn học , nhiều người chỉ đơn thuần nghĩ tới phần văn chương Hán Nôm từ thế kỷ X tới thế kỷ XIX , trong khi đó theo tôi , phần văn chương quốc ngữ đầu thế kỷ XX cũng phải được coi là di sản ,hơn nữa , một bộ phận di sản có ý nghĩa tích cực , bởi nó có nhiều liên hệ trực tiếp tới sự phát triển của văn chương hôm nay. Trước khi có được Thơ mới hay tiểu thuyết tiền chiến – vốn là những giá trị chín đẹp bậc nhất trong lịch sử văn học dân tộc -- , văn học đã trải qua một giai đoạn mò mẫm tìm đường , nhưng chính bởi vậy , nó lại có sức hấp dẫn riêng . Chúng tôi muốn , một lần nữa , đánh động dư luận theo hướng đó .

---Liệu các ông còn cho làm những cuốn tương tự ?

V.T.N Chúng ta đều biết nay là lúc giới xuất bản đang trải qua một giai đoạn khó khăn . Việc khai thác theo lối chụp giật văn học đương đại nước ngoài , như mọi người đã thi nhau làm trong khoảng hơn chục năm nay , bị chặn đứng .Trong hoàn cảnh ấy , bên cạnh việc làm sách dịch theo đúng những chuẩn mực cần có , chúng ta phải quay trở lại thâm canh vào văn học trong nước , kể cả quay lại với các tác phẩm từ Tố tâm trở về trước , khu vực đầu nguồn của văn học Việt Nam hiện đại mà bấy lâu bị bỏ hoang . Có thể ban đầu , việc xuất bản gặp nhiều khó khăn , không chỉ bạn đọc nhìn loại sách này đã ngại mà ngay cả giới biên khảo và nghiên cứu văn học cũng cảm thấy việc quá xương xẩu , bởi chúng ta đều quen cầu dễ . Song nếu tận mắt nhìn thấy nhiều cuốn sách in ra từ tám mươi năm chín mươi năm trước -- những chứng tích của lịch sử dân tộc trên con đường hiện đại hoá --, nay do không được bảo quản một cách khoa học , đã gần như đến lúc tàn lụi , chúng ta mới thấy xót xa , và chỉ có thể nhủ thầm là phải bảo nhau mỗi người một tay , cứu lấy kho di sản đó càng nhanh càng tốt .



1Trong thời buổi ồn ào của phương tiện truyền thông đại chúng, độc giả không thiếu gỡ thụng tin về cac nhà văn. Thế thỡ vỡ sao Có những nhà văn như thế l ại được ông để co6ng bi ờn so ạn ?

--- Nhưng họ chỉ có những bài báo rời rạc .Cũng như họ, lâu nay một số bài thấy thích tôi đó cắt từ bỏo ra đ ể d ùng .Chẳng hạn tôi vẫn tựa hơi vào đó để viết bài về các tác giả trong nước . Từ đâ y đến chỗ t ập h ợp v ào m ột cu ốn sách đ ể mọi người cùng dùng là một bước đi hoàn toàn tự nhiên .
2. Ông đó đến với các bài trong cuốn sách này như thế nào?
V ào những năm tám mươi của thế kỷ trước , vốn kiến thức v ăn học nước ngoài của bọn cầm bút chúng tôi kém cỏi đ ế n th ảm h ại . Bởi trong chiến tranh mọi thứ phải nhịn hết . Ngoại ngữ chúng tôi không được học, mà giá có biết cũng không có sách báo để đọc .Văn học phương Tây chỉ thu hẹp trong mấy tác giả cổ điển như Hugo , Balzac … Ngoài ra th ỡ ch ỳng tụi đ ược dạy l à sang th ời hiện đ ại ở b ên tr ời Tây ấy , văn ch ương suy đồi h ư hỏng h ết rồi , n ó là m ột th ứ d ị gi áo ph ải tr ánh cho xa ( cái tội ngu dân của nền giáo dục tr ước 1975 ở Hà Nội , thật kể không bao giờ hết !) . Sau khi đất nước thống nhất , vào Sài Gũn , chỳng tụi cú tỡm được một số tài liệu ,trên các tập sách cũng như các tờ báo như Bỏch Khoa hoặc bỏn nguyệt san Văn , nhưng lúc ấy các tờ này đ ó đ ỡnh bản , tức nguồn học hoàn toàn cạn . Ch ớnh trong ho àn cảnh ấy , mà loại bài v ăn học của Th ể thao v ăn h óa ra đời , hai chục năm nay đ ối với bạn đọc chúng th ực s ự đ ó l àm cụng vi ệc khai sỏng .
Nhận th ấy rằng đến nay chúng ch ưa h ết gi á trị, tôi bàn với anh H à Vinh ch ỉnh l ý v à sắp x ếp l ại rồi mang in , th ế th ụi .

3. Đ âu l à y ếu t ố l àm n ên ch ất l ư ợng c ác ch ân dung đ ư ợc đ ưa v ào cu ốn Có những nhà văn như thế ?
Các b ài vi ết ở đ ây l à m ột thứ bằng chứng cho th ấy trỡnh độ của khoa nghi ên c ứu v ăn h ọc ở ph ương Tây hi ện nay . Chẳng những đ ối v ới các t ác gi ả đ ư ơng th ời m à đ ối v ới c ác t ác gi ả cổ điển , h ọ
c ũng bi ết c ách ti ếp c ận , khi ến cho đ ối t ư ợng tr ở n ên sinh đ ộng , nh ư nh ững con ng ư ời c ó th ực . Th ứ n ữa , nh ững chu ẩn m ực đ ể xem x ét v à đ ánh gi á con ng ư ời c ủa họ kh á cao. Ở ta c ó kh ác , khi th ỡ loanh quanh đi vào hoàn cảnh l ịch s ử v ới lại th ế gi ới quan một cách cứng nhăc , khi th ỡ xoay ra khai th ỏc to àn chuyện v ặt vónh đ ể câu kh ách . Cũn chuyện ng ười n ọ x ào xáo lại t ài li ệu ng ư ời kia , ng ư ời h ôm nay ch ép l ại s ách c ủa ng ư ời đi tr ư ớc th ỡ bỉ ổi quỏ r ồi , kh ỏi kể l àm chi cho m ệt . Theo t ụi th ấy , h ọc sinh sinh vi ên c ủa ta ph ần l ớn kh ông yêu v ăn h ọc c ổ đi ển c ủa d ân t ộc , h ọ ch ỉ đ ối x ử v ới nh ững Nguy ễn Du , Nguy ễn Đ ỡnh Chi ểu , Nguyễn Gia Thi ều , T ỳ X ư ơng , T ản Đ à theo l ối k ớnh nhi vi ễn chi , h ọc đ ể l ấy đi ểm ch ứ kh ông bao gi ờ xem việc đọc t ác ph ẩm c ổ đi ển nh ư m ột nhu cầu n ội t ại . M à trong vi ệc n ày có lỗi l ớn của c ác nhà nghi ên cứu v à gi ảng d ạy văn học
4.. Bạn đọc chán vỡ cũng thấy sỏch đ i v ào ch õ n dung ở ta chủ yếu nghiêng nhiều về kể lể tiểu sử, kể lể sự nghiệp sáng tác (những chặng, mốc trong văn nghiệp) theo một cách rất xơ cứng. L àm th ế n ào đ ể c ó th ể tiếp cận nhà văn ở những góc độ đời thường - nhất là đối với những người đó cỏch chỳng ta cả thế kỷ ?
Trong vi ệc n ày , c ác nh à nghi ên c ứu v ăn h ọc c ần đ ư ợc s ự tr ợ gi úp c ủa khoa nghi ên c ứu l ịch sử . Tiếc r ằng ở ta b ộ m ôn l ịch s ử --- v ới t ư cách ngành quan tr ọng nh ất trong khoa học nh ân văn --v ừa kém cỏi v ừa cổ l ỗ , khiến cho qu á khứ tr ở n ên xa lạ với con ng ư ời hi ện đ ại m à những bế tẳc tr ước m ắt kh ông t ỡm đ ư ợc c ơ s ở đ ể l ý giải v à kh ắc ph ục .
5. Theo ông, ở thời điểm này, ta có nên (và liệu đó cú đủ điều kiện) “làm lại”, “dựng lại” một số chân dung trong văn học sử Việt Nam?
Nờn thỡ bao giờ cũng nờn , nhưng đúng là cũn lõu ta mới cú đ ủ điều kiện . Ch ính v ỡ nh ư th ế c àng ph ải lo h ọc h ỏi th êm ở ng ư ời .
6. Qua Có những nhà văn như thế, cú thể thấy vai trũ rất quan trọng của “người môi giới” văn học - cầu nối giữa nhà văn và bạn đọc, nhất là với các nền văn học thế giới kiện chúng ta chưa hiểu biết được bao nhiêu .Theo ông thế nào là một người môi giới giỏi ?
Những người này cũng phải hiểu nhu cầu trong nước .Tức là có tham vọng lấy thuốc tây để trị bệnh ta . Cũn nếu như không hiểu x ó h ội c ần kiến thức của mỡnh l àm gỡ mà chỉ ch ă m ch ă m chuyển ng ữ mấy bài đọc được ở b áo ch í nước ngoài , thỡ hi ệu qu ả cụng vi ệc s ẽ rất h ạn ch ế , may l ắm đ ư ợc coi nh ư một kẻ biết l ắm trũ lạ v à giỏi ki ếm câu chuy ện làm qu à . Tiêc thay đ ây đang là tỡnh trạng phổ biến của nhi ều bài gi ới thiệu văn h ọc nghệ thu ật của nước ngoài trên mặt báo .








CẦN DỊCH CẢ SÁCH HỌC THUẬT

Cũng giống như các bộ phim truyền hình Trung quốc làm nên niềm vui bên màn ảnh nhỏ của các gia đình , sách dịch từ Trung văn cũng đang chiếm một tỉ lệ lớn trên thị trường và tạo nên cả những xuýt xoa cảm phục của giới cầm bút . Chỉ có điều là nhìn lại thì thấy loại sách được dịch chủ yếu là các sáng tác văn chương, nhất là tiểu thuyết ; còn sách học thuật hầu như thưa vắng , nổi lên hơn cả chỉ có mấy cuốn dạy phong thuỷ với lại hướng dẫn giao tiếp , còn ngoài ra các loại sách nghiêm chỉnh hầu như vắng bóng .
Trong hoàn cảnh đó , một cuốn như Phê bình văn học Trung quốc đương đại ( gần 500 trang , Trần Minh Sơn giới thiệu tuyển chọn và dịch ) được in ra là cả một cố gắng cần được ghi nhận .
Lẽ nào chúng ta chỉ biết say mê với những Mạc Ngôn, Đới Tư Kiệt , Lý Nhuệ , Cửu Đan mà không tìm cách cắt nghĩa tại sao các nhà văn Trung quốc viết được những cuốn như thế ? Vậy thì việc tiếp nhận những thành quả của văn học Trung quốc hiện đại trước sau phải bao gồm việc tìm hiểu quá trình ra đời và những đặc điểm gọi là cách tân của nền văn học đó . Và những cuốn sách như Trần Minh Sơn được làm là để đáp ứng nhu cầu đó .
Trên đường đa dạng hoá các xuất bản phẩm , Trung tâm văn hoá và ngôn ngữ Đông Tây còn vừa phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức cho dịch và in bộ sách triết học xã hội học phương Tây ở dạng phổ thông . Đây đó , những F.Nietzsche , W. James, Max Weber …đã đến với chúng ta qua những cuốn sách bài báo do chính người phương Tây viết ra . Lần này , là qua môi giới của các nhà nghiên cứu Trung quốc . Và nhiều người không khỏi ngạc nhiên nhận thấy rằng hình như mọi kiến thức mới được xào nấu lại có vẻ thanh thoát dễ hiểu dễ tiếp thu hơn . Lại chợt nhớ ra cái thuở Montesquieu còn được gọi là Mạnh Đức Tư Cưu và Rousseau còn được gọi là Lư Thoa , và những cuốn Vạn pháp tinh lý với lại Thiên diễn luận thường xuyên được nhắc nhở trong câu chuyện của người Việt đầu thế kỷ XX. Phải chăng đây lại là một sự lặp lại của lịch sử ?




GIÁ KỂ CÓ SỰ HOÀ MẠNG

Các trường đại học lớn trên thế giới thường có những cơ sở xuất bản riêng , và sớm trở thành những thương hiệu sách có uy tín . Bên Mỹ , đó là những cơ sở như Havard , Berkely , bên Pháp là nhà P.U.F , còn ở Trung quốc là nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, Đại học Phúc Đán …
ở chỗ này có thể nói chắc chắn là chúng ta chẳng có truyền thống gì cả , và mãi vài năm gần đây các nhà xuất bản chuyên làm sách đại học mới chỉ dừng lại ở những bước đi ban đầu bé nhỏ , chủ yếu là lo in các giáo trình phục vụ cho công việc dạy và học vốn còn khá đơn sơ của nhà trường ta hiện nay .
Tuy vậy , thỉnh thoảng trên đường mò mẫm tìm sách , người ta vẫn có thể tìm ra ở các cơ sở xuất bản đại học những cuốn sách có giá trị . Ví dụ như gần đây , hai cuốn sách cuối cùng của Trần Đức Thảo là Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng cũng như cuốn Sự hình thành con người được in ra ở NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội .
Cũng chính vì vậy tôi rất mừng khi đọc trong thông báo sách mới in trên tạp chí Xuất bản Việt nam , số ra 10-2004, thấy hai cuốn sách một là Địa lý nhân sinh của một nhà nghiên cứu Nhật; và hai là Sơ lược lịch sử giáo dục của Đoàn Huy Oánh được in ra ở NXB Đại học TP Hồ Chí Minh . Và tôi vội đi tìm . Tiếc là các hiệu sách lớn ở Hà Nội gần như không biết là có những cuốn sách này .
Nói theo chữ của ngành điện , không biết đến bao giờ mảng sách nghiên cứu của đại học mới có sự hoà mạng chung với màng lưới sách chung của cả giới xuất bản ? Hay là vì làm sách luyện thi thì mới ngon xơi , chứ sách nghiên cứu như thế này , lờ lãi chẳng là bao , nên người ta còn đang không muốn làm ?

SÁCH PHỔ CẬP
ĐỒNG NGHĨA VỚI HÀNG CHỢ ?

Dù là bị các phương tiện thông tin đại chúng nghe nhìn như truyền hình hớp hồn , nghĩa là lôi cuốn suốt ngày , thì bạn đọc đông đảo vẫn cần có sách làm bầu bạn . Sách ở đây không chỉ là những cuốn thiết thực như dạy cách chữa bệnh cho con , dạy cách xem hướng làm nhà hoặc sửa chữa đồ đạc lặt vặt trong nhà . Mà một phần đáng kể đó còn là các loại sách “ dạy làm người ‘ tức là kể về kiếp nhân sinh nói chung và giúp thêm cho người ta sống . Trong số này ngoài một phần đáng kể là các loại truyện dân gian nhất là truyện cười mua vui , còn phải tính tới sách sử , sách kể chuyện về các phong tục tập quán đời xưa , sách bàn về cưới hỏi giỗ tết , sách giảng giải về cách sống nên có trong làng xã hoặc ở cơ quan , sách dạy bán dạy buôn v.v.. Ví dụ như vào những ngày này , trên các quày sách , người ta có thể bắt gặp những cuốn sau đây : Giáo dục truyền thống văn hoá gia đình cổ xưa , Truyền thống tôn sư trọng đạo , Truyền thống văn hoá các dân tộc thiểu số , Hà Nội văn hoá và phong tục , Danh ngôn tình bạn , Các quy tắc hay trong giao tiếp v.v..
Có người mua sách thì sách mới được biên soạn , những cuốn kiến thức phổ thông nói trên có đáp ứng được một nhu cầu nào đó của đại chúng , nên mới tồn tại dài dài. Đã hình thành cả một đội ngũ các nhà biên khảo loại sách phổ cập này , trong đó lác đác thấy xuất hiện cả những người có chức danh giáo sư , tiến sĩ , song nhìn chung họ vẫn hiện ra như những người thợ loàng xoàng làm sách theo những quy trình cổ lỗ , sản xuất những văn hoá phẩm với nghĩa hàng chợ thuần tuý .Thay tên đổi kiểu luôn , song nhiều khi chép linh tinh của nước ngoài , rồi cuốn nọ xào xáo lại cuốn kia, người hôm nay xào xáo lại của những người lớp trước , bởi vậy cả những kiến thức lẫn tư tưởng lạc hậu cũng đang có mặt . Chỉ có điều một khi giới nghiên cứu khoa học ( ở đây là khoa học xã hội ) đã yếu kém ọp ẹp thì loại sách phổ thông hoàn toàn rơi vào vòng thao túng của cuộc kiếm tiền cũng là không thể tránh nổi .


TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT
: NON KÉM & NHẬP NHẰNG
Hồi giữa năm ngoái , một người bạn tôi hối hả đi tìm một cuốn từ điển chuyên về những từ mới được sử dụng trong tiếng Việt thời gian mươi mười lăm năm gần đây . Năm nay , anh lại sục sạo kiếm cho bằng được cuốn Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Trần văn Kiệm . Như thế đấy : khi mà các ngăn hàng từ điển luôn luôn thu hút được sự chú ý của bạn đọc , thì giới những người làm sách cũng đã có được những cố gắng đáng kể trong việc mở rộng mặt hàng . Có thể nhận ra ở đây cả hai hướng đi đúng đắn : một là biên soạn thêm những cuốn loại mới , như từ điển từ cổ, từ điển từ địa phương , từ điển tiếng lóng v…v… ; hai là làm lại cái cũ , cụ thể là vẫn làm từ điển tiếng Việt theo hướng tổng hợp , song cố gắng có được những văn bản mới với cách xử lý mới .
Có điều cũng giống như nhiều ngành sản xuất khác -- kể cả sản xuất vật chất lẫn sản xuất tinh thần -- trong khu vực này , đang có tình trạng trái chiều : kỹ thuật in ấn mang lại cho sách một vẻ hiện đại mà nhìn bề ngoài thấy chẳng khác gì sách nước ngoài . Cả bề dày của nhiều cuốn cũng làm người ta kinh ngạc . Song nội dung bên trong chưa phải đã theo kịp . Khai hoang -- tức là đi vào hướng mới -- thì non nớt , chẳng hạn cùng lúc có đến hai cuốn từ điển tiếng Việt cổ được in ra nhưng không cuốn nào hoàn chỉnh . Mà thâm canh -- tức là làm lại cái cũ --thì không đủ sức , chẳng qua là xào xáo những cuốn người trước đã làm ( cách giải thích cũ , ví dụ cũ ) rồi nhận làm của mình , và bên trong chất độn nhiều hơn kiến thức thứ thiệt . Trong hoàn cảnh ấy , một cuốn như Giúp đọc Nôm và Hán Việt nói trên được chú ý không chỉ bởi tác giả có vốn kiến thức chắc chắn ( nắm chắc bộ phận Hán Việt ) mà còn vì nội dung nhiều phần mới mẻ , không có cái sự dùng lẫn của người , và cách giải thích thì người ta đã mang máng biết rồi , như nhiều cuốn khác đang được tiêu thụ .

SÁCH CŨNG CẦN ĐƯỢC QUẢNG CÁO



Ngoài nỗi lo viết sách và thuyết phục các nhà sản xuất bỏ tiền ra in sách cho mình , ở ta hiện đang có một nỗi lo nữa ám ảnh các nhà nghiên cứu nhà văn , cũng như nói chung bất cứ ai đặt mục đích đời mình vào trang sách , ấy là làm sao để sách của mình đến được tay với các đồng nghiệp và rộng hơn là đông đảo bạn đọc . Lác đác đã thấy có đề nghị một cách giải quyết đơn giản ấy là các báo dành chỗ cho quảng cáo sách trên diện rộng với mức giá cả mà người sản xuất sách hoặc người viết sách có thể chịu được , song đến nay tập quán vẫn chưa hình thành .
Kể ra , lý do trước tiên khiến cho nhiều người thành kiến với việc quảng cáo có lẽ là ở chỗ ở đây còn thiếu những chuẩn mực .Nó dễ biến thành một thứ tán dóc ba vạ tự mình đánh mất uy tín và lý do tồn tại của mình .
Thế nhưng không phải vì thành kiến với thứ quảng cáo bốc thơm rẻ tiền đó mà chúng ta tước bỏ luôn cái quyền được quảng cáo của mọi thứ hàng hoá trong đó có sách vở .
Là một người hàng ngày thường đi mua sách , bản thân tôi nhiều khi thực đã khổ tâm vì không được biết rằng có quyển nọ quyển kia ra đời mặc dù nếu biết sẽ mua .Đến khi biết ra thì sách đã hết và bởi nhiều lẽ khác nhau nên cũng chưa biết bao giờ sách được in lại .
Sự bột phát mạnh mẽ các xuất bản phẩm trong mươi năm gần đây –trước tiên là trên phương diện số lượng -- thực tế là đã tạo nên một trạng thái nhiễu loạn ,lộn xộn ,nhiều ấn phẩm ra đời bị trôi giạt rồi chìm nghỉm đi không đến được tay bạn đọc có nhu cầu .
Mà quảng cáo chính là một cách vào sổ công khai để mang lại cho sự lộn xộn đó một trật tự tối thiểu .
Với việc quyển sách nào được in ra cũng có cơ may ít ra là một lần được nhắc nhở , quảng cáo sẽ góp phần khiến cho cho nhà viết sách cũng như các nhà sản xuất sách thêm phần trách nhiệm trước công việc đã làm . Mặt khác nó khiến cho một số người viết khỏi quá tủi thân do nỗi suốt đời sống trong im lặng bởi không có may mắn được quen với các nhà báo .
Trong khi chưa thể tính chuyện được viết một cách vừa chân thực vừa có sức thuyết phục , những quảng cáo sách trước mắt có thể chỉ đơn giản như những thông tin về nhà đất hoăc cần tuyển người làm vẫn chiếm chưa đầy một bàn tay trên các trang báo . Người ta chỉ cần biết rằng nó đã được in ra ở nhà xuất bản nọ nhà xuất bản kia .Rằng nội dung gồm có nhừng phần thế này thế nọ ,tất cả dày bao nhiêu trang và giá bán bao nhiêu tiền , có thể tìm mua ở đâu ,thế là đã tiện cho người mua lắm.
Do sống quá lâu trong cơ chế làm sách bao cấp một số người viết sách thành thực không thích việc quảng cáo .Họ e như thế là làm giảm ý nghĩa công việc họ đã làm . Họ mặc nhiên khoác cho cuốn sách một vẻ sang trọng pha chút thần bí .
Trong khi ấy lại có một số cây bút láu cá bề ngoài không nói gì song thực tế vẫn ngấm ngầm vào hùa với nhau lăng xê nhau trong các bài phê bình được viết một cách tuỳ tiện và thực tế đã quảng cáo cho nhau một cách vô tội vạ . Đối với loại người chưa tin quảng cáo , cách thuyết phục tiện nhất là nêu ra được những trường hợp thành công ,chẳng hạn một số quảng cáo với những tác phẩm xuất sắc thời tiền chiến mà đến nay vẫn đọc được , để thấy việc này chẳng thể làm hỏng tác phẩm như người ta lo sợ .
Còn để ngăn chăn lối làm ăn ám muội của loại người thứ hai,thì không gì bằng cùng nhau lo làm quảng cáo sách công khai , đúng mực . Rồi trong cảnh cảnh vàng thau lẫn lộn , dư luận sẽ dần dần tìm ra cách phân biệt .

Cuối cùng xin nói thêm : nên quan niệm đây là một thứ không cấm nhưng cũng không bắt buộc . Mà nhân tâm tuỳ thích , tôi sợ sách tôi ra ít người biết thì tôi nhờ quảng cáo , anh thấy sách anh có người mua rồi thì anh cứ việc im lặng . Tương tự như vậy, bên cạnh những tờ báo dành chỗ rộng rãi có thể có những tờ cấm cửa quảng cáo , không ai trách oán được ai .Khi mọi chuyện được nhìn nhận một cách cởi mở thì tự nhiên là có chỗ cho các sáng kiến được dịp nẩy nở


SÁCH RẺ ĐANG HOÁ SÁCH ĐẮT


Trên các phương tiện thông tin đại chúng thỉnh thoảng vẫn nghe có những lời than phiền đại khái sách của chúng ta dạo này tuy phong phú và trình bày đẹp đẽ hơn bao giờ hết nhưng vẫn còn đắt quá .Đứng sau những lời than thở này là một quan niệm cho rằng hướng phấn đấu của những người làm xuất bản là làm sách cho rẻ và sách càng rẻ càng được coi là có thành tích .
Tôi không có trong tay những con số cụ thể và chỉ biết sơ sơ rằng so với một nước như Trung quốc thôi thì sách của ta giá cũng chỉ ở mức phải chăng . Nhưng so sánh bao giờ cũng là chuyện khó . Theo tôi ,không thể xem xét giá cả một cách thuần tuý . Rẻ là cần nhưng chất lượng lại là cần hơn . Sách rẻ đến mấy mà chất lượng kém thì cũng hoá đắt . Đáng tiếc là việc làm sách hiện nay chưa được tiêu chuẩn hoá và trong hoàn cảnh này mà cứ kêu gọi chung chung là hãy cố làm sách rẻ hơn thì rất dễ trở thành một cách nói “đãi bôi” ,thậm chí tiếp tay cho sự kém cỏi về chất lượng.
Như báo chí đã thường báo động , nhiều cuốn sách đã và đang in ra chỉ được cái bìa đep giấy trắng còn bên trong in sai rất nhiều .Trong số những lý do khiến sách kém cỏi đến vậy ngoài thói cẩu thả tuỳ tiện và lối làm ăn vội vàng mua tranh bán cướp , còn nên để ý đến cái nguyên nhân là người làm sách muốn hạ giá thành .Ví dụ đáng ra phải thuê những người sửa bản in có nghề làm việc với giá công khoảng một ngàn đồng một trang thì một số nhà sản xuất sách lại chỉ thuê những người mới học việc với mức công dăm sáu trăm gì đấy . Kết quả là sách hoặc không dùng được hoặc người đọc vừa dùng vừa muốn kêu trời vì sự lem nhem của các văn bản .
Một việc có ý nghĩa hơn là nội dung sách .Chăm lo để sách hay hơn chính là một cách đầu tư lâu dài. Rồi ra nhờ in nhiều mà giá thành của sách sẽ hạ . Nhưng cách tính toán của các nhà sản xuất sách hiện thời thì khác. Con đường làm sách hay mà có số lượng in lớn với họ là phiêu lưu nên họ rất ngại .Ngược lại cái hướng mà họ thấy dễ làm là tăng số lượng đầu sách.Và để hạ giá thành,cách đối xử với người sửa bản in nói trên cũng được mang áp dụng với người viết sách, tức là chỉ cần bớt phải trả đồng nào hay đồng ấy,còn như chất lượng ra sao không cần biết .Quả là mức tác quyền thấp có góp phần làm cho sách rẻ đi được một chút .Song cũng giống như hàng ngày nhiều người trong chúng ta đau đớn vì mua đinh về vừa đóng vào gỗ đinh đã quằn , mua cái cặp sách mới dùng ba bảy hai mươi mốt ngày phéc -mơ -tuya đã hỏng nên phải liệng cả cái cặp mới đi luôn ,trong việc mua sách nếu không cẩn thận tham khảo ý kiến của người có kinh nghiệm , chúng ta rất dễ mua phải những cuốn từ điển giảng nghĩa thiếu thậm chí cắt nghĩa sai và mang danh là sách công cụ mà trình bày luộm thuộm không tiện sử dụng .
Ngoài trình độ tay nghề non yếu ,thói quen sẵn sàng làm hàng kém phẩm chất của các nhà sản xuất còn liên quan đến tâm lý ham mua hàng rẻ của nhiều người dân bình thường .Mà cái gốc của tâm lý ham mua hàng rẻ này lại có nguồn gốc sâu xa hơn : Ta sống quá nghèo ,song cái gì ta cũng thích bằng người . Lâu dần ở ta hình thành một lối sống xem như tự nhiên , ấy là trọng cái tiếng hão bề ngoài , miễn sao để thiên hạ biết rằng mình có một thứ gì đấy như họ đã có, còn chất lượng ra sao cũng được . Từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 , trên các tờ báo in ra ở Sài Gòn cũng như Hà Nội , nhiều bậc trí giả đã lên tiếng cảnh cáo cái tâm lý đáng sợ này ,vậy mà đến nay trong việc tính toán sản xuất một loại bột giặt , mua một cái xe , nhiều người vẫn chưa thay đổi được cái tâm lý cố hữu ấy .Thành thử cũng là một lẽ tự nhiên trong việc mua sách bán sách mọi người còn bị ám ảnh bởi cái giá rẻ và bởi lẽ tiêu chuẩn để đánh giá sách hay nhiều khi mơ hồ co dãn cho nên việc làm ra những cuốn sách kém về chất lượng chưa biết bao giờ mới hết được .
SỐ TRUY CẬP online