Ehrenburg và những người cùng thời

Chung quanh tiểu thuyết Bão táp
1/ Tập thơ đầu tay của Ilya Grigorievits Ehrenburg (1891-1967) ra đời tại Paris năm 1910, khi tác giả mười chín tuổi. Từ đó đến năm 1965, lúc ông viết xong bộ hồi ký sáu cuốn mang tên Con người năm tháng cuộc đời, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Và trong nửa thế kỷ đó, Ehrenburg sống một cuộc đời sôi nổi. Lúc là cậu học trò lớp 6 tham gia hoạt động cách mạng ở Kiép, lúc qua Paris, sống lam lũ trong giới nghệ sĩ nghèo băn khoăn tìm đường, lúc là phóng viên chiến tranh, chứng kiến nhiều sự kiện có ý nghĩa lịch sử, lúc cùng với nhiều trí thức khác, khởi xướng phong trào đấu tranh cho hoà bình..., những công việc ấy vốn rất có ích cho người làm nghề sáng tạo. Ông lại nhạy cảm, hay suy nghĩ, chịu tiếp nhận cái mới, và sẵn sàng tranh đấu cho niềm tin của mình một cách nồng nhiệt. Khả năng viết nhanh viết khoẻ của Ehrenburg đã được nhiều người nói tới. Tác phẩm của ông để lại trên sáu chục cuốn, thuộc đủ các thể loại (thơ, tiểu thuyết, văn xuôi chính luận, tạp bút văn học...) riêng số được coi là thành công, được chọn in vào bộ sách làm ở Liên Xô trước lúc ông mất, cũng đến chín cuốn, gồm hơn năm ngàn trang tiếng Nga khổ lớn. Quả là một sự nghiệp đồ sộ, mặc dù cũng là một sự nghiệp đã gây ra nhiều tranh cãi.
Tuy nhiên, nếu có một giai đoạn nào, ngòi bút của Ehrenburg hoạt động mạnh mẽ hơn cả, mà cách đánh giá của những người chung quanh dễ nhất trí hơn cả, thì đó là những năm đại chiến thứ hai.
Từ năm 1936, khi nổ ra cuộc nội chiến Tây Ban Nha, Ehrenburg đã có mặt ở đây bên cạnh E.Hemingway và A.Malraux, P.Neruda, và A.Fadéev v.v... Năm 1940, vào thời gian quân Đức chiếm Paris ông có dịp chứng kiến sự kiện này một cách đầy đủ, từ đầu đến cuối. Trở về Moskva, Ehrenburg đang ngồi viết cuốn tiểu thuyết Paris sụp đổ, thì quân Đức tiến công Liên Xô. Ông lập tức có chân trong đoàn phóng viên của báo Sao đỏ, đi tới các mặt trận, viết bài cho đủ loại báo chí trong và ngoài nước. Ông giao thiệp rộng rãi với nhiều cán bộ chỉ huy trong quân đội, từ các tướng lĩnh đến những chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn bình thường. Ông có mặt bên các chiến hào, trò chuyện với các chiến sĩ, như những người quen biết nhau từ lâu. Ông dự nhiều cuộc hỏi cung tù binh. Khoảng hơn một ngàn bài báo ông viết trong bốn năm chiến tranh (1941-1945) bắt nguồn từ hoạt động đa dạng và khẩn trương đó. Hàng ngày, bạn đọc gửi thư tới cho ông rất nhiều. Thư của những nông trường viên cũ, nay trở thành các đội viên du kích chiến đấu ngay trong vùng bị địch chiếm. Thư của người mẹ có con đi xa. Thư của các chiến sĩ Hồng quân chỉ biết ông qua các bài báo. Nhiều thư, bởi viết chân thật nên đọc rất hay, được ông tập hợp một số cho xuất bản. Ehrenburg cùng bạn bè thu thập tài liệu làm một Cuốn sách đen, tố cáo bọn phát xít.
Có thể nói là Ehrenburg đã sống hết mình, đã đi vào mọi ngóc ngách của chiến tranh, đã đối diện với mọi thống khổ mà chiến tranh để lại trong những người khác: “Trong những năm chiến tranh, tôi đã nghĩ đã cảm như tất cả những người cùng Tổ quốc với tôi” - con người từng sống nhiều năm ở phương Tây, nay tự hào thốt lên như vậy. Về phương diện nhà văn, Ehrenburg nhận thấy chiến tranh giúp cho ông hiểu những người chung quanh kỹ càng hơn, và ông yêu họ hơn, một điều mà trong hoà bình, có khi nhiều năm, người ta không làm nổi.
Trước năm 1945, Ehrenburg thường nói rằng trong hoàn cảnh chiến tranh, khi các sự kiện đang diễn ra nhanh chóng - “nó gợi hình ảnh một dòng thác từ trên trời đổ xuống”, ông viết - người ta phải lo chạy theo cho kịp đời sống và bắt vội lấy nó trong những bài báo chưa thể viết dài. Nhưng những hình ảnh, những ấn tượng cứ ngày một ngày hai tích tụ trong ông, lâu dần trở thành một vốn sống đáng kể. Bởi vậy, chỉ cần tới đầu năm 1946, trong khi ngòi bút nhà báo nơi ông vẫn còn bận rộn với không ít vấn đề của một châu Âu xây dựng trên đổ nát, thì nhà văn trong Ehrenburg đã thôi thúc ông ngồi vào bàn viết những chương đầu của cuốn tiểu thuyết phác ra toàn cảnh chiến tranh. Tiếp đó, ông qua thăm Mỹ rồi trở lại Pháp, lấy thêm tài liệu, và giữa năm 1947 ông viết xong những trang cuối cùng: Bão táp hoàn thành, như một cuốn sách tổng kết nhiều năm làm việc của một nhà văn giàu tài năng và hiểu biết.
.
2 / Bàn về tiểu thuyết, có lần Ehrenburg nêu ra một kết luận khái quát: nếu tiểu thuyết thế kỷ XIX thường là tiểu thuyết viết về một cá nhân, một gia đình thì tiểu thuyết ngày nay là tiểu thuyết viết về xã hội. Phạm vi tác phẩm có thể mở rất rộng, ra ngoài phạm vi một quốc gia, một dân tộc. Có điều, để phản ánh cho được nét đặc trưng của đời sống hôm nay, câu chuyện phải linh hoạt, năng động mà không thể từ từ, chậm rãi như tiểu thuyết ở các thế kỷ trước.
Bão táp (cũng như Paris sụp đổ) góp phần làm rõ quan niệm nói trên của tác giả.
Câu chuyện mở ra với cuộc gặp gỡ của đôi bạn trẻ, kỹ sư Liên Xô Sergei và Mado, người Pháp, trên đất Paris. Họ vừa yêu nhau ít lâu thì được khai thác theo hai tuyến nhân vật rõ rệt. ở Pháp, gia đình Mado chạy về Bordeaux rồi lại hồi cư về Paris; trong số bạn bè người quen của Lansiens (bố Mado) có người cam tâm cộng tác với Đức, nhưng nhiều người bằng nhiều cách khác nhau tham gia kháng chiến cho đến ngày nước Pháp được giải phóng. Về phần mình, Sergei và những người trong gia đình anh, bạn bè, người quen xa gần của anh cũng rất nhanh chóng chia nhau đảm nhận các công việc khác nhau trong chiến tranh, người ở mặt trận, người ở hậu phương. Mấy năm qua đi, không kể những người nằm xuống dọc đường, những người trở về trong chiến thắng cũng cảm thấy bao nhiêu đổi thay, không ai có thể sống nguyên như cũ.
Đứng ở góc độ cấu trúc một cuốn tiểu thuyết mà xét, thì Bão táp có phần quá ngổn ngang bề bộn. Toàn bộ tập sách có tới gần trăm nhân vật. Địa điểm để các nhân vật này hoạt động lại trải ra quá rộng, nó gần như theo sát những kinh nghiệm làm báo vốn có của Ehrenburg mà triển khai. Có người đã so sánh cuốn tiểu thuyết với một thứ kính vạn hoa, ở đó chiến tranh từ ngày đầu đến ngày cuối luôn luôn thay đổi và dường như với mỗi người, nét mặt nó hiện ra một khác. Theo quan niệm của Ehrenburg phải làm như thế mới nói hết được chiến tranh với vẻ đa dạng của nó. Ngày nay, chúng ta biết rằng đó chỉ là một trong muôn ngàn cách khác nhau để nói về chiến tranh, thậm chí, chưa phải là cách tốt nhất. Song vào lúc tác phẩm ra đời (1947), Bão táp đã giúp cho người đọc hình dung ra toàn bộ một cuộc chiến tranh với mọi sự việc và nhất là khả năng của nó trong việc cuốn hút con người nhập cuộc . Khi cơn dông tố ấy đã nổi lên, không ai có thể đứng ngoài; vận mệnh của từng cá nhân phụ thuộc vào những sự kiện lớn lao, liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc, của nhân loại. Truyện Ehrenburg vốn nhiều sự việc. Trong khi diễn tả cảm thụ của các nhân vật cụ thể trước các sự việc ấy, tác giả làm nổi bật cả hai; cả đặc tính của mỗi người, cả sự phụ thuộc của họ vào hoàn cảnh. Việc đưa ra nhiều nhân vật khác nhau với nhiều tình tiết khác nhau như vậy có một chỗ mạnh: nó tạo được ấn tượng về sự vận động của cả lịch sử. Khi giáp mặt với chiến tranh, mỗi dân tộc có cách phản ứng riêng của mình, có số phận riêng của mình, nhưng nhìn chung, tất cả đều phải đứng lên, phải có cách giải quyết những gì đặt ra trước mặt..
Có thể sau khi đọc xong Bão táp, chúng ta không thấy hằn lên trong tâm trí một nhân vật nào rõ rệt (cỡ như Raskolnikov trong Tội ác và hình phạt, Julian Soren trong Đỏ và đen...) mà chỉ loáng thoáng nhớ tới một Sergei mau xúc cảm mà cũng giàu nghị lực, một Mado đầy khao khát, mơ mộng và có một chút gì đó, như người ta nói, một chút ma quái... Song cái đó không sao; ngay trong ý định của mình, tác giả đã tính tới điều đó. Với Ehrenburg, mỗi nhân vật chỉ là nơi gửi gắm một ít kinh nghiệm riêng của người viết “những gì con người ta biết rõ về mình và không bao giờ nghe được từ những người khác”. Còn nhân vật chính mà tác giả hiểu biết hơn cả và dụng tâm xây dựng, nhân vật ấy là chiến tranh, ông muốn vậy. Chiến tranh ở đây hiện ra với toàn bộ vẻ bi tráng; những đau thương mất mát; những việc người ta phải làm, dù không thích cũng phải làm; những thoáng ngã lòng và tinh thần kiên định lâu dài; rồi những hành động dũng cảm, ý thức trách nhiệm, khả năng vươn tới chiến công... tất cả những yếu tố ấy cài đan vào nhau, nối tiếp nhau, tạo nên chất bi tráng của tác phẩm. Thực tại hiện ra thật lắm vẻ. Bút pháp tác giả sử dụng để miêu tả cái thực tại này lại là một thứ bút pháp gần với ngôn ngữ điện ảnh, máy quay luôn luôn di động, khi đứng mãi từ xa bao quát mọi việc, khi đưa ra vài đoạn đặc tả ở tận cận cảnh, nhờ thế ấn tượng về sự bề bộn lại được tô đậm thêm. Sau hết là một hơi văn nhanh, mạnh, gấp , “không dừng hơi thở”, như một sự cố ý để truyền đạt cho hết cái nhịp điệu năng động của đời sống trong thế kỷ này. Đối với những ai đã từng trải qua chiến tranh, không khí gợi ra trong Bão táp là một cái gì gần gũi, dễ hiểu. Tác phẩm cho người ta một dịp bao quát toàn bộ sự kiện, cái sự kiện lớn lao mà có thể người ta đã trải qua, nhưng chưa có dịp hiểu hết. Nó là một sự tổng kết khá đầy đủ để sau đó, người ta còn phải suy nghĩ tiếp.

3/ Ngay từ khi đọc những bài báo ngắn của Ehrenburg viết hồi 1941-45, người đọc và các đồng nghiệp đã nhận ra ở ông một cách cảm nhận chiến tranh không giống ai. Ông không làm việc miêu tả tường thuật thông thường. Ông suy nghĩ nhiều về ý nghĩa của chiến tranh, tác động của nó với đời sống tinh thần của con người. Những suy nghĩ của ông dựa chắc trên cơ sở những truyền thống văn hoá mà ông tiếp thu. Những chuyện hàng ngày được ông nâng lên một tầm vóc mới. Lòng căm thù chủ nghĩa phát xít ở ngòi bút Ehrenburg bấy giờ thường bắt nguồn từ một khao khát là nhận thức; nhận thức cho ra sự kỳ quặc của đời sống. Còn lòng yêu nước trong ông lại trong sáng, tự nhiên và nhất là hoà hợp nhuần nhị với lòng kính trọng các dân tộc khác, những giá trị văn hoá khác.
Cách nhìn nhận chiến tranh của Ehrenburg trong Bão táp cũng tiếp tục đi theo phương hướng đó.
Cũng như tác giả, các nhân vật chính diện ở đây, dù Nga hay Pháp, thường là những người hiểu biết thấu đáo truyền thống văn hoá của dân tộc mình, tự hào vì nó, lấy nó làm tiêu chuẩn trong mọi suy nghĩ, mọi hành động. Chủ nghĩa phát xít đối với họ trước tiên là một cái gì phản văn hoá. Nếu văn hoá là dựng xây là hoà hợp, thì chủ nghĩa phát xít là đại diện của một sức mạnh bạo tàn, đầy sức phá hoại. Bởi vậy, khi chiến tranh xâm lược do bọn phát xít phát động lan tới, mỗi người đều cảm thấy không chỉ tính mạng mình, gia đình nhà cửa của mình bị đe doạ, mà quan trọng hơn, cả lòng tự trọng, nhân cách con người, cả truyền thống văn hoá của đất nước đều bị xúc phạm. Trực tiếp cầm súng chiến đấu trên nhiều cương vị khác nhau, như Valia, bác sĩ Krylov, như Mado, như giáo sư Duma là một cách để bảo vệ truyền thống mà những Puskin, Tchékhov, Hugo, Balzac, cùng bao nhiêu thiên tài khác đã dày công vun xới. Thỉnh thoảng trong câu chuyện giữa các nhân vật, hoặc trong ý nghĩ thầm kín của mỗi người, tên tuổi của những danh nhân văn hoá này có được nhắc tới. Nhưng tinh thần của văn hoá, đây mới là yếu tố chính, thấm thía vào mọi suy nghĩ của các nhân vật mà Ehrenburg yêu quý, làm nên nhân cách con người họ. Họ lạc quan ngay trong những tình thế tưởng như tuyệt vọng. Họ đón nhận một cách điềm tĩnh mọi khó khăn nguy hiểm. Sự dũng cảm của họ không mang tính cách một hành động liều lĩnh, hoặc có màu sắc man dại, mà là những hành động có cân nhắc. Họ biết chết, như đã biết sống. Có lẽ trong cả cuốn tiểu thuyết, chỉ có những nhân vật đứng trong hàng ngũ của bọn phát xít là hiện ra như những kẻ cầm súng điên cuồng quái gở. Nhưng chúng chính là đại diện cho một cái gì phản văn hoá. Tại sao tổ quốc của những Goeth, Schiller, Betthoven... lại sản sinh ra những kẻ sát nhân kỳ quái như vậy? Các nhân vật như Anna Roch, như bác sĩ Krylov, như Sergei luôn luôn tự hỏi, vì chính tác giả đã luôn luôn tự hỏi mà không tìm ra câu giải đáp.
Nhưng rồi chính nghĩa đã thắng. Theo như cách miêu tả của Ehrenburg, thắng lợi của chiến tranh chống phát xít chính là thắng lợi của những yếu tố nhân bản tốt đẹp trên mọi thú tính quái gở, thắng lợi của văn hoá đối với tất cả những gì là phản văn hoá. Theo tinh thần này, mặc dù nói tới không ít đau thương mất mát, tác phẩm vẫn gợi ra một lòng tin lớn lao và đầy sức thuyết phục.
ở trên chúng ta vừa nói rằng cuốn tiểu thuyết của Ehrenburg, chồng chất nhiều sự kiện nên có phần cồng kềnh rậm rạp. Nhưng mặt khác, lại phải thấy trong Bão táp cũng đậm đà chất trữ tình. Chẳng những Sergei, Mado, Lansiens, Samba mà nhiều nhân vật khác tâm hồn đều có chút gì đó rất nghệ sĩ. Mỗi khi xúc động, họ hay hát lại những câu hát mà họ ưa thích. Léo Anpe hát “Khi nào xuân trở lại - Là vận may mỉm cười”; bác sĩ Krylov hát “Sao cứ lượn trên đầu ta hở quạ - Mi chẳng được mồi đâu, ta chẳng phải của mi”; bài ca của những người du kích Pháp gợi ra cả triết lý về sự hoà hợp giữa đức hy sinh và lòng ham sống. Các nhân vật của Ehrenburg lại thường cảm động trước vẻ đẹp của thiên nhiên và ngay trong chiến tranh mỗi lần đối diện với thiên nhiên, trong lòng họ đều dấy lên nỗi khát khao về một cuộc sống đầy niềm vui và một ý nghĩ trong sáng là lẽ ra, mình có thể sống rất hạnh phúc! Phải chăng sự xúc cảm ở một người làm thơ thực thụ đã ít nhiều giúp cho Ehrenburg ở chỗ này? Đằng sau bao nhiêu sự kiện, nhiều trang văn xuôi ở đây vẫn có cái chất lắng đọng riêng của nó, làm nên một mạch trữ tình kín đáo. Và đây lại cũng là một yếu tố khiến cho nhiều năm về sau, tác phẩm vẫn có thể tìm thấy trong lòng người đọc một sự đồng cảm.

... và tập hồi ký con người năm tháng cuộc đời

Như trên vừa nói , I.G.Ehrenburg vốn có một cuộc đời hết sức sôi nổi và đầy biến động từ trước 1917, do tham gia hoạt động cách mạng bị lộ, bị đuổi học, ông đã có dịp qua sống lưu vong ở Pháp, giao du với nhóm nghệ thuật đang tập trung ở Paris lúc ấy. Từ những năm 20 trở đi, ông là thông tín viên của nhiều tờ báo Liên Xô thường xuyên đi lại giữa các thủ đô lớn ở Tây Âu. Trước khi về nước tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, ông đã có mặt gần như từ đầu đến cuối trong cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha, rồi có mặt ngay ở thủ đô Pháp khi Paris bắt đầu bị quân phát xít chiếm đóng. Sau khi đại chiến thế giới thứ hai kết thúc, trên cương vị Phó chủ tịch Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới, Ehrenburg lại càng có dịp qua thăm nhiều nước: Ba Lan và Tiệp Khắc, Nhật Bản và ấn Độ, Chile và Hy Lạp, Thuỵ Điển và ý... Đi tới đâu, Ehrenburg cũng tìm hiểu kỹ lưỡng đời sống văn hoá cùng những nét độc đáo trong tư duy của con người ở xứ sở mà ông dừng chân. Bạn bè ông là các nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ lớn trên thế giới. Nhiều sự kiện trọng đại trong đời sống văn hoá trở thành việc riêng của ông, cả chuyện bên ngoài lẫn chuyện hậu trường, ông đều thông tỏ.
Bởi vậy, khi Ehrenburg huy động tất cả kinh nghiệm, từng trải, viết ra bộ hồi ký Con người, năm tháng cuộc đời* thì trước mắt chúng ta là cả một quang cảnh rộng lớn của đời sống văn hoá thế kỷ, ở đấy không chỉ có cuộc đời riêng của ông mà còn có nhiều chân dung con người rất có giá trị. Người viết hồi ký này vốn có một đầu óc hết sức minh mẫn. Bước đầu làm quen với Babel, Essenin, Hemingway, những lần gặp gỡ Eluard, Brecht, Moravia; một đôi phen cãi nhau chí tử với Argon; một dịp khác dẫn Sartre tới thăm một nông trường ở Liên Xô và trực tiếp làm người phiên dịch trong cuộc trò chuyện giữa Sartre và một kỹ sư canh nông v.v... và v.v... Những sự việc ấy không chỉ được Ehrenburg kể lại với nhiều chi tiết chỉ một người trong cuộc mới biết mà còn kết hợp với những nhận xét sắc sảo, nên để lại ấn tượng rất đậm trong lòng người đọc. Sự hiểu biết cặn kẽ của ông với các vấn đề đặt ra trong đời sống văn hoá ở Liên Xô cũng như ở phương Tây, khả năng đặc biệt của ông trong việc phân tích sứ mệnh nghệ thuật và mối liên hệ phức tạp của nghệ thuật với các hiện tượng xã hội chính trị... đã giúp cho Ehrenburg dựng nên những chân dung độc đáo của Pasternak và Fadeev; Picasso và Maiakovski... Những chân dung ấy không chỉ cụ thể sinh động mà còn có sức khái quát sắc sảo. Trong khi vẽ nên những chân dung ấy, Ehrenburg đồng thời phát biểu nhiều suy nghĩ của mình, và dần dà, mỗi lần một ít, phác ra những nét chân dung chính con người mình. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu Liên Xô M.Kuznetxov đã gọi Con người, năm tháng cuộc đời là một tiểu thuyết và nghiên cứu tác phẩm của Ehrenburg trong bối cảnh một ngành tiểu thuyết Xô-viết quan trọng là tiểu thuyết đi sâu vào đời sống nội tâm*. Bản thân Ehrenburg cũng từng nói trong chương mở đầu thiên hồi ký của mình:
“Trí nhớ người ta giống như ánh đèn pha của một chiếc xe đang đi trong đêm, khi thì nó cho thấy hình ảnh một gốc cây, khi thì một trạm gác, khi thì lại một con người. Nhằm trình bày một cách mạch lạc và chi tiết về cuộc đời mình, người ta (đặc biệt là các nhà văn) thường lấp đầy các khoảng trống bằng những dự đoán. Thật khó phân biệt rành mạch đâu là chỗ hồi ức kết thúc, đâu là chỗ tiểu thuyết bắt đầu”.
Trong nguyên bản tiếng Nga, Con người, năm tháng cuộc đời là một bộ sách đồ sộ, gồm 6 quyển, tổng cộng khoảng 1.500 trang tiếng Nga khổ lớn, làm nên phần chủ yếu của hai cuốn cuối cùng trong bộ Tác phẩm 9 tập của Ehrenburg. Tài liệu bề bộn vậy, nhưng thiên hồi ký lại nhất quán trong một cách viết trong sáng theo kiểu cổ điển. Vừa kể về mình, Ehrenburg vừa kết hợp kể về người khác. Ai để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm trí Ehrenburg vào giai đoạn lịch sử nào, ông dành cho người đó một chương trong phần nói về giai đoạn lịch sử ấy. Cuốn hồi ký do đó, rất dễ theo dõi và có nhiều chương có thể trích ra, như những chân dung văn học độc lập.
Tính chất chủ quan của tác phẩm là điều ông đặc biệt nhấn mạnh:
“Tôi không phải là người chép sử vô tư... Đây là cuốn sách viết về mình, hơn là cuốn sách viết về thời đại. Ngay khi cần miêu tả các sự kiện, thì tôi cũng không định miêu tả với đầy đủ tính liên tục về mặt lịch sử, mà chỉ miêu tả nó trong mối quan hệ với số phận bé nhỏ của tôi, với những suy nghĩ hôm nay của tôi”.
Tính chất chủ quan công khai và xu hướng tự thú cuồng nhiệt ấy làm cho nhiều trang viết của Ehrenburg có cái giọng như lạnh lùng, thậm chí tàn nhẫn. Khi kể về bản thân, tác giả luôn luôn nói rằng mình ảo tưởng dễ lầm lẫn, “bề ngoài u ám, song thật ra lại nông nổi, nhẹ dạ”. Khi viết về người khác, ông thường trình bày họ như những con người đầy mâu thuẫn, những thực thể phức tạp, hay thay đổi mà thực ra chỉ thay đổi quanh cái trục tính cách ổn định của mình. Ngòi bút nghiêm ngặt của Ehrenburg không ngại động chạm đến những chi tiết mà người khác né tránh. Đây cũng là lý do khiến cho bộ hồi ký của Ehrenburg ngay từ khi mới in rải rác trên tạp chí Novyi Mir, đã là đầu mối của nhiều cuộc tranh luận gay gắt. Rất thích sự tinh luyện của tác giả trong việc dựng nên các chân dung, song nhiều người không thể đồng tình với ông khi đi vào giải thích một số hiện tượng nghệ thuật phức tạp. Mặc dù chủ yếu chỉ viết về những người đã khuất nhưng nhiều nhận xét của Ehrenburg vẫn làm cho một số người đang sống cảm thấy bị động chạm . Một nhà phê bình Xô viết nổi tiếng, vốn rất quý Ehrenburg thú nhận rằng, sau khi đọc Con người, năm tháng cuộc đời thấy tình yêu của mình với tác giả từ nay là một tình yêu khó khăn. K.Simonov đã cùng đi với Ehrenburg sang Mỹ năm 1946 nói rằng có nhiều điều ông nhớ khác hẳn Ehrenburg, nhưng quyết định im lặng không tranh luận với tác giả làm gì. Dẫu vậy, ai cũng công nhận quyển hồi ký này có sức quyến rũ riêng của nó. Nó cung cấp một bức tranh sinh động về đời sống nghệ thuật nửa đầu thế kỷ XX. Nó cho ta thấy một sự thực là giữa cuộc sống đầy biến động hôm nay, làm một nghệ sĩ - hơn nữa một nghệ sĩ chân chính, có tư cách - là khó khăn như thế nào, nhưng cũng thú vị như thế nào! Là sản phẩm cô kết những kinh nghiệm sống của một con người giàu suy nghĩ, tác phẩm cuối cùng của Ehrenburg thấm nhuần một lòng tin bền chắc vào sức mạnh của con người (đặc biệt là sức mạnh trí tuệ của họ) và khả năng của con người trong việc hiểu biết thế giới hiện đại. Bởi vậy, sau khi bảo rằng Con người, năm tháng cuộc đời có những trang chủ quan, phiến diện, thậm chí có những chỗ đưa ra một hình ảnh méo mó về đời sống, hoặc giả dối, che đậy sự thực, song nhiều người vẫn công nhận đấy là tác phẩm quan trọng bậc nhất trong cuộc đời Ehrenburg: nếu trong toàn bộ những gì ông đã viết ra chỉ được chọn một cuốn, người ta sẽ chọn Con người, năm tháng cuộc đời. B.Polevoi kể: Đọc hồi ký của Ehrenburg rồi, quay trở lại với những trang sách trước đó của ông, thấy nhạt hẳn đi. Cảm tưởng ấy được nhiều người chia sẻ, mặc dù ai cũng biết rằng Ehrenburg viết ra thiên hồi ký của mình, khi đã ở tuổi 70, và sau Con người, năm tháng cuộc đời tuyệt đối không viết gì thêm nữa .
1983 -- 1987
SỐ TRUY CẬP online