Một điệu ru sâu lắng(*)

Trong văn học Mỹ từ sau đại chiến thế giới thứ hai đến nay, James Baldwin là một tên tuổi sớm chiếm được vị trí đặc biệt. Khi nói đến cuộc đấu tranh của người da đen chống tệ phân biệt chủng tộc, người ta nhắc nhở đến ông. Khi điểm qua những tiếng nói tố cáo mọi đau khổ dằn vặt, mọi tai ương ngang trái của kiếp người trong lòng xã hội hiện đại , người ta nhắc nhở đến ông. Và, bên cạnh nhiều tác giả lớn khác, người ta cũng nhắc đến J.Baldwin khi muốn nói tới thứ văn xuôi thô nhám khắc nghiệt khá tiêu biểu cho văn chương Mỹ thế kỷ XX .
J.Baldwin sinh ngày 2 tháng 8 năm 1924 tại New York. ở cái khu Harlem vốn nổi tiếng là nghèo khổ bẩn thỉu này, người con trai đầu lòng trong một gia đình da đen có chín anh em mà được đi học như ông, quả thực là chuyện hiếm. Nhưng càng hiếm hơn: sau khi học xong trung học, bị buộc phải đi làm, ông vẫn tự học và bắt đầu tập viết văn viết báo. Năm 1948, nhân một giải thưởng văn học, nhận được một số tiền ít ỏi, ông dồn tất cả để maa một chiếc vé sang Paris. ở đây, ông tiếp tục vừa làm vừa học, mở rộng khả năng về văn học. Chính ở đây, năm 1953, J.Baldwin viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, một tác phẩm giàu chất tự truyện, và được nhiều người khen ngợi. Năm 1956, cuốn tiểu thuyết thứ hai Căn phòng của Giovanni ra đời. Trước đó, năm 1955, Ghi chép của một người con nước Mỹ được xuất bản khiến ông trở thành một tác giả có uy tín trong thể tuỳ bút chính luận. Một tờ báo ở Mỹ, tờ Người hướng dẫn khoa học Cơ đốc giáo viết: “Người da đen ở nước Mỹ sống thế nào? Chưa bao giờ chúng ta nghe được một câu trả lời rõ thế, như tác phẩm này của J.Baldwin”.
Từ đó trở di, sáng tác của J.Baldwin đều đều ra mắt, ở mọi thể loại: cả tiểu thuyết cả tuỳ bút, cả kịch. Năm 1961, một trong những cuốn sách cảm động nhất của ông ra đời: Không ai biết tên tôi. Qua hai năm sau, lại một cuốn sách khác được dư luận chú ý, trở thành sách bán rất chạy ở Mỹ - cuốn Lần sau: đám cháy. Kịch của J.Baldwin được dựng ở New York và nhiều thành phố khác. Trong các tác phẩm ấy, bao giờ nhân vật chính cũng là một phần nhân loại đặc biệt: cộng đồng những người da đen trong lòng nước Mỹ hiện đại. Sống, làm việc, yêu đương, đau khổ vì bị người da trắng khinh miệt, lại cũng đau khổ vì những tập tục lạc hậu cũ kỹ, đã ăn vào thành mặc cảm, khiến người ta khó lòng vượt thoát ra nổi, đấy là những khía cạnh làm nên cuộc sống của người da đen được miêu tả trong nhiều tác phẩm của các nhà văn tiến bộ, trong đó có J.Baldwin. Nhưng đặc biệt, ở các nhân vật da đen của ông và bản thân ông bao giờ cũng thấy cháy lên một khát vọng mãnh liệt là làm sao giải phóng người da đen khỏi những thành kiến hiện nay. Đó cũng chính là cái thần
thái chủ yếu làm nên “cơn giận dữ ghê gớm” mà người ta đọc được trong văn J.Baldwin. Ông đã gắn bó với cộng đồng những người cùng màu da với mình một cách toàn tâm toàn ý, tới mức người ta bảo rằng nếu không có cái cộng đồng đó, ông sẽ chết cả với tư cách con người lẫn tư cách nhà văn.
-------
(*) Lời giới thiệu viết cho bản dịch tiểu thuyết Nếu phố Bill biết nói H.1981



Có một dạo, bộ máy tuyên truyền ở Mỹ đua nhau tán tụng các chính sách mị dân do một số kẻ cầm quyền “khôn ngoan” khởi xướng, nhằm xoa dịu cuộc đấu tranh của người da đen. Một huyền thoại được bịa đặt: huyền thoại về sự trở về của các nghệ sĩ, các danh thủ thể thao người da den trong lòng nước Mỹ “cởi mở”. Nhưng J.Baldwin không bị lừa. Bản thân cuộc đời bi thảm của ông đã là một bằng chứng bác bỏ huyền thoại nói trên: mặc dù rất tha thiết với Tổ quốc, ông không thể là người con của nước Mỹ mà suốt đời chỉ mang danh “một tên da đen đặc biệt” , như báo chí tư sản vẫn gọi; mặc được cả thế giới biết tiếng, do đó, trở thành một niềm tự hào của văn học Mỹ hiện đại, ông vẫn không trở về quê hương, vì biết rằng ở đó, bất cứ lúc nào, tính mạng của mình cũng bị đe doạ. Sống lưu vong ở châu Âu, chỉ còn tâm hồn, ngòi bút của Baldwin là ràng rịt chặt chẽ với cuộc đấu tranh của những người cùng màu da. Baldwin chú tâm viết nhiều phóng sự đề cập tới vấn đề của người da đen, đăng tải trên nhiều báo chí ở Pháp. Công việc được ông tiến hành tích cực đến mức một tờ báo lớn ở Mỹ, tờ Thời báo New York đã có lúc đặt câu hỏi: Phải chăng nhà hoạt động xã hội Baldwin đã lấn chiếm toàn bộ thời gian và nghị lực của nhà văn Baldwin? Nhưng họ nhầm. Càng gắn bó với phong trào đấu tranh của người da đen, ngòi bút của Baldwin càng trở nên sắc sảo. Sau hai tập chính luận Không thấy tên anh trên đường phố và Một lần, khi tôi lạc vào bóng tối (đều in 1972), qua năm 1974, cuốn sách thứ mười ba của ông Nếu phố Bill biết nói ra đời. ý kiến trao đổi rất nhiều. Nhưng cuối cùng, gần như dư luận cùng nhất trí coi đây là một thành công của Baldwin. Nữ văn sĩ Joyce Carol Oates, một nhà văn bắt đầu viết vào đầu những năm 60 , đã cả quyết đây là một sự kiện quan trọng trong văn học Mỹ hiện đại (Theo báo Văn học Liên Xô, số 18-12-1974). Thời gian đã cho thấy cách đánh giá của nhà văn này với Baldwin khá chính xác.
Có lần James Baldwin đã nói về khu Harlem: “Tôi biết về nó cặn kẽ như người ta thuộc những đường gân trên bàn tay mình”. Lần này, Harlem lại trở thành bối cảnh để triển khai câu chuyện giữa Pheny và Tis, đúng hơn, trở thành bối cảnh cho tấn bi kịch đau đớn mà đôi trai gái này trải qua, khi vừa bước vào lứa tuổi hai mươi tươi đẹp. Là một thanh niên da đen tài hoa, tự trọng, Pheny chỉ có một “lầm lỗi” nho nhỏ, anh luôn cảm thấy mình là một con người bình thường như mọi người khác. Anh muốn sống một cuộc sống đàng hoàng tự lập. Đầu mối mọi tai hoạ từ đó mà ra. Do sự bày đặt trắng trợn của bọn cảnh sát da trắng, Pheny bị vu cáo và bị bắt giữ. Đúng lúc ấy, Tis bụng mang dạ chửa và cần tới sự săn sóc của anh hơn bao giờ hết. Cả hai gia đình chạy nháo lên, tìm mọi cách cho có tiền để lôi bằng được Pheny ra khỏi tù. Cho đến cuối truyện, mọi việc vẫn treo đấy, lơ lửng. Phải tốn kém nhiều nữa, may ra anh mới chứng minh được sự vô tội của mình! Trong lúc ấy, đứa con đầu lòng của đôi vợ chồng trẻ đã ra đời. Cuộc sống cứ sinh sôi, mặc dù không có dấu hiệu gì là tương lai sẽ được bảo đảm. Tác giả đã miêu tả một cách tự nhiên dung dị và rất logic sự trưởng thành về chính trị của Pheny trong tù, thông qua sự vận động nội tâm nhân vật.
So với các tập chính luận, tiếng nói tố cáo xã hội Mỹ của Baldwin lần này bình thản hơn, nhưng không phải vì thế mà kém phần quyết liệt. Trong phạm vi một cuốn truyện vừa, hơn hai trăm trang, cuộc sống đã đủ hiện lên, bức bối, ngột ngạt đến nghẹt thở. “Những gia đình da đen không có hoà thuận, không có bình yên, cả đến một chút hy vọng nho nhỏ rằng một lúc nào đó, sẽ có thay đổi, cũng không có nốt” - cái cộng đồng da đen mà có lần Baldwin nhắc tới trong một cuốn tự truyện, nay vẫn thế. Đối với những ai chưa quen, cách miêu tả của tác giả ở đây có phần thô bạo, tự nhiên chủ nghĩa, khiến cho người ta ngại ngùng nếu không muốn nói là, đôi khi, ghê sợ. Nhưng đối với Baldwin cũng như với các nhân vật của ông, cộng đồng ấy vẫn gần gũi, ruột thịt; chỉ có nó là chấp nhận họ. Đằng sau nó, là cái thế giới da trắng văn minh lịch sự nhưng lại giả dối và đầy tai biến. Với một người như Tis chẳng hạn, từ khi còn nhỏ, thành phố quê hương đã hết sức xa lạ. Trong cảnh tai ương - người yêu bị bắt giữa lúc bụng mang dạ chửa - đáng nhẽ cần niềm tin nhất, cô lại chỉ tin như đanh đóng cột “Còn thành phố, bây giờ tôi chắc như vậy,tôi biết thành phố không yêu chúng tôi”. Hơn thế nữa, với cô, cũng như đối với nhiều người, đây là một “đất nước mất trí” giữa một “thời buổi mất trí”. Thấy một người tốt, người ta ngỡ ngàng không tin. Thấy một người xấu đánh vào mặt mình, người ta bình tĩnh tự bảo: thì tất nhiên là như vậy rồi, có muốn sống thì ráng chịu. Thất vọng chồng đống, cái nọ nối tiếp cái kia. Tuy vậy, ai nấy vẫn lo việc của mình: Pheny hôm qua lo đi kiếm căn gác ở riêng, lo làm thêm để lấy vợ và khi ở tù, vẫn băn khoăn nhắc người ở ngoài chớ quên mình. Tis vừa lắng nghe đứa con trong bụng, thông cảm với đòi hỏi của nó, biết rằng “mình là của nó, hơn là nó là của mình”, vừa chuẩn bị khả năng có thể làm bất cứ việc gì phải làm, miễn có thể sống, nuôi con khôn lớn. Trong khi hai người chị gái Pheny có lúc còn nhởn nhơ, thì người chị của Tis hiện ra như một người đầy bản lĩnh, thu xếp mọi việc đâu vào đấy. Tuy nhiên trong cái thế giới của những người phụ nữ hết sức năng động này, người kỳ lạ nhất có lẽ vẫn là bà mẹ của Tis. Vì con gái, vì con rể, bà dám làm một việc trước đó chưa bao giờ làm, là đáp máy bay sang Puerto Rico, gặp gỡ những người chưa quen, cốt van xin người ta minh oan cho người con rể tương lai của mình. Đằng sau vẻ “ù lì” thụ động thì lòng ham sống chính là vẻ đẹp rất khoẻ, thấy ở các nhân vật của Baldwin trong cách biểu lộ tình cảm, cách nói năng, cư xử của họ có một cái gì hết sức gần gũi chúng ta. Chính tính nhân bản đậm đà đã là lý do khiến cho văn xuôi của J. Baldwin vượt qua những giới hạn cụ thể của đối tượng miêu tả mà vượt lên, trở thành những trang sách được bạn đọc ở nhiều nước khác nhau yêu mến.
Có một nhân vật không xuất hiện nhưng lại làm nên sức mạnh thúc đẩy sự vận động hối hả mà tuyệt vọng của tất cả các nhân vật trong tác phẩm, đó là đứa con trong bụng Tis . Hoàn cảnh đã làm méo mó con người đi không biết bao nhiêu mà kể, nhưng khi dòng giống còn sinh sôi, thì con người ta vẫn còn lý do để sống - cả tác giả lẫn các nhân vật cùng muốn nói với chúng ta một điều giản dị như vậy. Trong một bài viết giới thiệu Nếu phố Bill biết nói với bạn đọc Xô viết, một nhà phê bình Liên Xô cho rằng đoạn cuối tác phẩm cố tình cách tượng trưng. Trong khi ông già Frank, bố của Pheny tự tử, thì đứa con của anh ra đời, với tiếng khóc lặp đi lặp lại như lời đay nghiến cái thế giới bất công này. Tình thế thật bi thảm. Tuy nhiên, trong cái được, có cái mất, trong cái vui có cái buồn, trong vô vọng có hy vọng, cái luật đời thông thường đó như đã thấp thoáng hiện ra trong đoạn kết này. Chỉ những ngòi bút cao tay, mà cũng rất tin -- tin ở bạn đọc mà cũng tin ở chính mình -- mới dám bỏ lửng ở một đoạn kết như vậy.
Nhớ lại thời gian vào nghề của mình, có lần James Baldwin kể, ông từng có lời nguyền : “Mặc kệ cả Chúa trời, cả quỷ Satan, mặc kệ sông Missisipi và cái màu da đen đủi, nhất định tôi phải trở thành nhà văn”.
Câu nói ghi nhận khá rõ cái phần ý chí cùng những ham muốn của một người quyết tâm lập nghiệp. Nhưng trong việc hình thành một tài năng như J. Baldwin, còn có một phía khác nữa, đấy là tâm hồn nghệ sĩ. Những nhạy bén với đời sống và nhạy bén với mọi biểu hiện của con người cũng rất độc đáo và sắc nét ở ông. Dù là đọc qua các bản dịch, người ta không thể không cảm thấy “khuôn mặt riêng” của văn xuôi Baldwin, thứ văn thu gồm trong mình những yếu tố hết sức trái ngược nhau: cái dữ dội của đời sống, được nói lên một cách ngắn gọn nhất, gần như là tiết kiệm lời lẽ, mà vẫn có sức khắc hoạ ghê gớm ; ngay bên cạnh cái thô lỗ đến độ, là những đoạn trữ tình điềm đạm, cái trữ tình toát ra không phải từ câu từ chữ, mà từ cảnh từ người khiến người nghe nếu suy nghĩ kỹ, muốn ứa nước mắt. Những chuyện phức tạp nhất được nói lên một cách bình dị nhất - cái truyền thống đó của văn học Mỹ, bao trùm trong văn Hemingway, Faulkner, Capote... nay lại hiện ra với vẻ riêng ở J. Baldwin. Sau hết, là cái giọng chung của tác phẩm, một thứ giọng trầm buồn, nặng nề, mang dấu ấn của những cuộc đời vừa đầy rẫy sức sống, vừa đơn độc, một kiểu hoang vắng chỉ thấy ở những vùng đất nguyên thuỷ. Không phải trong phố Bill, qua lời tự sự của Tis, chúng ta mới bắt gặp, mà đấy chính là cái giọng thấm thía trong nhiều truyện ngắn, nhiều bài chính luận của tác giả. Đọc văn J. Baldwin chúng ta nhớ tiếng trống châu Phi trầm hùng, nhớ nhạc Jazz, nhớ những tác phẩm điêu khắc của người da đen cổ đại, với lối hình dung về con người đột ngột đến kỳ quái, mà vẫn hết sức dễ hiểu. Gần hơn, chúng ta nhớ những dòng thơ Lanston Hughes:
Tôi là một chú da đen
Đen như thể đêm dày đen kịt
Đen như thể châu Phi thăm thẳm muôn trùng
ở phương Tây, cũng như ở Liên Xô người ta thường ví văn xuôi Baldwin với những bài Blues buồn bã, thứ hát ru thổ dân hai bờ Missisipi thường hát, những khi than tiếc về niềm hạnh phúc bị mất. Hôm nay đây, một điệu ru đó, có lẽ là một trong những điệu ru hay nhất và sâu lắng nhất của J. Baldwin có dịp đến với bạn đọc Việt Nam. Chắc chắn Nếu phố Bil lbiết nói sẽ giúp chúng ta suy nghĩ sâu sắc thêm về cuộc đời, con người và văn học, như mọi tác phẩm chân chính xưa nay từng đã biết làm như vậy.
1981
SỐ TRUY CẬP online