Đường dài tới chân lý (*)

(Vài nét về thơ thế kỷ XX )

I
J.R. Becher trong bài D?o đầu đã chào Thế kỷ Hai mươi:
Xin chào người thế kỷ
Thời đại của mọi thời
Không thể gì so đọ
Nguyễn Quân dịch
Ông đã từng gặp gỡ lời tâm tình thắm thiết của Hikmet trong bài Thế kỷ hai mươi:
Thế kỷ của tôi sẽ tung tớ ánh mặt trời
Em ơi như mắt em loé sáng
Xuân Diệu dịch
ở bài Tầm cỡ và khốn khổ, Becher đã ca ngợi con người vừa hùng vĩ cao cả làm được mọi cái phi thường nhưng cũng khốn khổ hèn hạ “vì không có tội ác nào đối với người là quá sức”. Ông lại gặp người bạn Thổ Nhĩ Kỳ không hề tiếc sinh nhầm thời.
Thế kỷ tôi khốn khổ, oái oăm đầy
Thế kỷ tôi can đảm, lớn lao và hùng dũng
Các nhà thơ lớn của chúng ta đều có những phát ngôn gặp nhau về thế kỷ này. Nezval có lý khi ông hơn hở thốt lên:
Thế kỷ hai mươi thật tuyệt vời
Thật tuyệt vời mỗi phút mỗi giây
Thuý Toàn dịch
Tháp Effel do kỹ sư Effel thiết kế được xây dựng năm 1889 cho triển lãm thế giới tại Paris mỹ lệ và cổ kính. Một kỹ sư đã làm việc của nghệ sĩ. Nó cao gần 300m và ghép bởi 12.000 cấu kiện thép. Nhiều người chê bai nhưng tác giả bảo “Kim tự tháp đâu có làm xấu nước Ai Cập cổ”. Đến nay vẻ đẹp của nó đã được công nhận, nó trở thành đồ trang sức quý giá của thủ đô truyền thống văn hoá châu Âu. Nhìn nó suy ra, ta thấy được một phần căn bản của những đổi thay thê gớm đến với châu Âu thế kỷ hai mươi ở cả hạ tầng cơ sở ,quan hệ xã hội, mọi hình thái ý thức và cả cách cảm nghĩ của con người. Thiên nhiên thiên tạo thanh bình nhường chỗ cho thiên nhiên nhân tạo kỹ thuật. Năng lượng gỗ than đá nhường chỗ cho năng lượng dầu lửa và nguyên tử. Những ống khói chia sẻ bầu trời cùng các tháp thánh đường cổ kính. Với kiến trúc hiện đại, cái nhà -- theo lời kiến trúc sư Le Corbusier -- trở thành “cái máy để ở”. Kỹ thuật đã biến toàn bộ môi trường sống con người thành một cái máy khổng lồ. Giữa “khu rừng rậm của các thành phố” mới thành hình, một thế giới ra đời, với vẻ đẹp và cái xấu của nó. Chính sản xuất phát triển với tốc độ chóng mặt đã làm cho bản thân con người phải thay đổi mới thích ứng nổi. Toàn bộ giác quan của con người suốt bấy nhiêu giờ trong một ngày đều tiếp xúc với các sản phẩm kỹ thuật. Tay ta sờ lên đồ nhựa, cao su, thép trắng, cảm giác khác hẳn khi sờ lên mặt gỗ của cây rừng. Tai nghe tiếng động cơ, tiếng phương tiện giao thông nhiều hơn tiếng sấm hay tiếng chim hót. Âm nhạc được đóng hộp lại trong cái máy thu phát hay các phòng cách âm đặc biệt. Mắt nhìn lên màn ảnh nhiều hơn nhìn cây, nhìn mặt hồ. Cả đến mùi vị cũng khác đi, thức ăn cũng đóng hộp và để hầm lạnh hàng tháng, hàng năm.
Kỹ thuật chỉ là cái cầu nối khoa học với sản xuất. Nó đã ngắn lại bởi khoa học tiến gần và gộp nhập làm một với quá trình sản xuất để rồi thực sự trở thành một sức sản xuất trực tiếp. Vật lý hiện đại với thuyết lượng tử, thuyết tương đối , với bao nhiêu thành tựu khác, đưa nhận thức con người lên một trình độ mới. Tâm lý học và các ngành sinh học, y học... đi mãi vào bên trong cơ thể và cơ chế tinh thần của con người. Hoá học đảo lộn khái niệm về chất liệu. Kỹ thuật chế ngự thực tại vật chất, khoa học chế ngự đời sống tinh thần. M. Alpatov, một nhà lý luận nghệ thuật xô-viết đã nói: Người thời Phục Hưng tin ở cái đẹp, như người Trung Cổ tin ở tôn giáo và người ngày nay tin ở khoa học. (Cố nhiên, lòng tin này chỉ được khẳng định sau khi con người đã vượt qua được những thách thức do chính khoa học đặt ra, nghĩa là những tác động ngược trở lại của nó với con người, có ý nghĩa tiêu cực).
Bão táp của cách mạng xã hội trong thế kỷ chúng ta cũng lớn lao và dữ dội không kém nếu không hơn bão táp ở khoa học kỹ thuật. Từ cuối thế kỷ XIX, khi việc phân chia thuộc địa vừa xong, thì cũng là lúc chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Phong trào giải phóng thuộc địa dấy lên ở khắp nơi, bởi quá nửa nhân loại còn đang chìm đắm trong cảnh đen tối. Hai cuộc chiến tranh thế giới làm sụp đổ nhiều niềm hy vọng nhưng lại mở ra cho các dân tộc những hướng suy nghĩ mới và những con đường mới để khẳng định mình . Từ đó tới nay, thế giới đã có bao nhiêu thay đổi , biết bao dự đoán tan tành biết bao khẳng định tưởng chắc như đinh đóng cột nay thành mây khói , nếu có một điều người ta có thể tin tưởng thì điều ấy chỉ là nhân loại đang trăn trở để tìm cho mình một tương lai hợp lý và tương lai đó chưa phải một lúc đã hình thành rõ rệt. Trong khi đó, chỉ có sức sản xuất là đáng sợ ,sản xuất phát triển liên tục làm thay đổi diện mạo bức tranh thế giới . ý kiến nổi tiếng của Engels “khi lao động được xã hội hoá và quốc tế hoá thì vấn đề của nước này, các sự kiện ở nước này sẽ trở thành thiết thân, sẽ trở thành mối quan tâm và có ý nghĩa trọng yếu với các nước khác” luôn được chứng nghiệm.
Trước khi nói đến những đổi thay xảy đến trong nghệ thuật thế kỷ XX, còn phải nhấn mạnh thêm một khía cạnh nữa là những đổi thay trong tư tưởng, suy nghĩ của con người. Hình thái ý thức xã hội ở tầm chung nhất, gần gũi với văn học nghệ thuật nhất, thường khi dẫn dắt và thâm nhập vào tận xương thịt nghệ thuật , là các trào lưu triết mỹ. Chưa bao giờ như trong thế kỷ này các học thuyết ra đời và thay thế nhau với một tốc độ nhanh đến thế. Ngay từ 1900 , nhà triết học Đức Nietzsche đã qua đời nhưng tư tưởng của ông còn phát huy ảnh hưởng tới cả hệ triết học siêu hình - phi lý của thế kỷ. Xem xét cơ cấu cơ bản của sinh tồn, Nietzsche khẳng định “ không có gì là chân lý, tất cả đều được phép”, một nguyên tắc mở đường cho mọi tìm tòi hỗn loạn mà dưới đây, chúng ta sẽ thấy. Với quan niệm đời sống là một dòng chảy miên man không ngưng đọng -- đó cũng là một dòng chảy mà ta không giải thích nổi, một dòng chảy phi lý chỉ có thể “thấy được bằng trực giác” -- triết học của Bergson sớm trở thành một chỗ tựa cho mọi tìm tòi vô vọng của nghệ thuật . Freud, nhà phân tâm học áo nêu ra những phát hiện mới về cõi tiềm thức và do đấy, truy tìm tận gốc bản chất sự sáng tạo, song lý thuyết của ông có khi bị đẩy đến mức siêu hình. Sau hết, một trào lưu có ảnh hưởng lớn ở Tây Âu là chủ nghĩa hiện sinh, tuyệt đối hoá sự cô độc của cá nhân con người trong xã hội nói chung, khẳng định bản chất thù nghịch của mọi xã hội đối với mỗi cá nhân. Tất cả các tư tưởng mỹ học này có cùng một đặc tính chung là phiến diện, cực đoan, dễ dẫn đến những lầm lạc quái gở. Song chúng cũng đã phản ảnh cái cảm giác mà nhiều người ở nửa đầu thế kỷ này trải qua: cảm giác rằng hình như mình đang đứng giữa một cơn lốc những biến chuyển xã hội kinh khủng. Khi thử hình dung thời gian trước đại chiến Thế giới thứ nhất. S. Zweig bảo rằng “đó là thời đại hoàng kim của sự ổn định. Tất cả hình như là rất vững chắc”. Nhưng rồi quá khứ thanh bình đó chỉ còn trong mộng . N. Weiner, một nhà khoa học lớn của thế kỷ này , diễn tả những bàng hoàng của mình như sau “Giờ đây, chúng tôi vẫn khó tưởng tượng rằng chuỗi dài khủng hoảng mà chúng tôi từng qua, lại là cuộc sống chính thức của mỗi cá nhân. Ngày nọ sang ngày kia, mỗi người chúng tôi đều ôm ấp một mơ ước thầm kín: Vào một buổi sáng đẹp trời nào đó, chúng tôi trở dậy, và lại sống cái nhịp sống chừng mực, nhịp nhàng của những ngày đầu thế kỷ” (*)
Có điều chắc là sau những sao động như vậy, con người chỉ có thể có một thái độ tích cực là nhìn thẳng vào đời sống thích ứng với nó và bằng cách của mình chiến đấu cho một đời sống tốt đẹp hơn.

II.
Xem xét những đổi mới đến với thế kỷ, một nhà khoa học tuyên bố: “Chúng ta đã thay đổi hoàn cảnh tới mức để tồn tại được, chúng ta phải thay đổi chính mình”. Trong số những thứ thuộc về “chính mình” đó, có nghệ thuật.
Picasso, hoạ sĩ lớn gốc Tây Ban Nha có lần phát biểu “Tôi không vẽ sự vật như tôi nhìn thấy chúng, mà như tôi tư duy về chúng”. M. Chagan, hoạ sĩ thơ mộng bậc nhất của thế kỷ XX , gốc người Nga, khẳng định “Đừng nói đến chất thơ, chất cổ tích trong tranh tôi; tôi là nhà hiện thực chủ nghĩa”. I. Stravinski một trong những nhạc sĩ lớn nhất của thế kỷ có lần bảo: “Truyền thống không phải là một cái gì hoàn thiện của quá khứ, mà là một sinh lực, có khả năng động viên, lôi cuốn những cái hiện tại. Nó giống như di sản của gia đình, cái chính là cần sinh lợi, trước khi gởi gắm lại cho các lớp con cháu”. Nhìn nhận tác phẩm của chính mình, ông khẳng định: “Tôi hàn lâm, như là tôi rất hiện đại và cũng chẳng hiện đại bao nhiêu, so với sự bảo thủ của mình”.
Nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội. Đó là một định đề nổi tiếng của Marx – khi thực tại xã hội thay đổi , tất nhiên sự “ ý thức xã hội bằng nghệ thuật” cũng phải đổi thay theo. Riêng đối với thế kỷ XX, thì đó là một sự đổi thay ghê gớm đến mức kinh ngạc. Nhiều ngành nghệ thuật mới ra đời. Trong mỗi ngành nghệ thuật thấy xuất hiện những thể loại mới , đánh dấu những tiến bộ mới về kỹ thuật, về quan niệm và những dạng năng lượng mới. Chung quanh sự nảy nở của nhiếp ảnh, điện ảnh, sự phát triển mạnh mẽ của xiếc, sự hình thành một ngành mỹ thuật mới như design ( tức đi giai , tạm dịch là tạo dáng ) , người ta có thể thấy ra bao nhiêu vấn đề mà chỉ nghệ thuật thế kỷ XX mới có. Song cũng không kém phần đáng chú ý là những thay đổi đã đến với những ngành nghệ thuật lâu đời, như sân khấu, hội hoạ, âm nhạc, vì ở đây cái gì có thể biến đổi thì đã biến đổi, bản chất của mỗi ngành nghệ thuật được thách thức đến mức mạnh mẽ nhất , do đó sức sống dai dẳng và lý do sống của nó cũng có dịp biểu hiện.
Theo những chuyên gia về lịch sử âm nhạc, thời gian chuyển tiếp giữa thế kỷ XIX và thế kỷ XX là cả một bước ngoặt. Với các sáng tác của Debussy, Ravel , Schonberg, Stravinski và Prokofiev …, những nguyên tắc chỉ đạo việc sáng tạo cụ thể (sự phối hợp hữu cơ giữa cái phức tạp và cái giản dị, qui luật về sự bình quân giữa các yếu tố âm nhạc ...) tất cả những “khuôn vàng thước ngọc” đó được giải thích lại, và biểu hiện hết sức sinh động trong các sáng tác cụ thể. Âm nhạc thế kỷ chúng ta đang sống hiện ra với một vẻ đa dạng chưa từng có.
Từ bỏ những quan niệm truyền thống về các phương tiện biểu đạt như màu sắc, hình khối, làm lại luật viễn cận, một cuộc cách mạng trong nghệ thuật tạo hình cũng được hoàn thành bởi một loạt các nghệ sĩ bậc thầy như Picasso và Klee, Matisse và H. Rouseau , Siqueiros và S. Dali... Nhìn tranh các thế kỷ trước, còn khó phân biệt đâu là thế kỷ XVI, XVII hay XVIII, trong khi nhìn vào tranh thế kỷ XX có thể biết ngay --- đấy là một sự thực cần được ghi nhận.
Sân khấu các thế kỷ trước vốn rất chặt chẽ trong cách xử lý không gian thời gian của nó, nay chính những khái niệm cơ bản này được xác định lại và những cố gắng liên tục của Antoine và Craig, của Mayerhold của Pirandelo là gì , nếu không phải là mở rộng không gian sẵn có, từ đấy cả mối quan hệ của con người trong không gian cũng khác hẳn.
Người ta cũng có thể tìm thấy ở thơ những đổi mới tương ứng, hơn nữa, những thay đổi phù hợp với sự thay đổi đã xảy ra trong nghệ thuật nói chung. Miêu tả sự vận động của thơ trong lịch sử là cách làm tốt nhất. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi một công trình nghiên cứu đầy đủ, chúng tôi trình bày sự tiến triển của thơ theo hai hướng chính sau đây.
Một là những trào lưu, những chủ nghĩa mà thơ cùng với hội hoạ đã đi qua, từ đó tìm hiểu những đổi mới về ngôn ngữ thơ ca là điều chúng ta đặc biệt coi trọng.
Hai là những biến động đã đến với thơ trên tất cả các phương diện tìm và sử dụng chất liệu, nguyên tắc cấu tạo, nguyên tắc gia công, kỹ thuật để hình thành tác phẩm, cùng những con đường mà thơ thế kỷ này đã đến với bạn đọc. Một quá trình dài thể nghiệm, để định nghĩa lại về thơ, mà cũng là quá trình mở rộng khả năng biểu hiện và đưa thơ trở lại thực là thơ hơn bao giờ hết.
Có một đặc điểm có thể thấy rất rõ trong hoạt động của các ngành văn hoá, nghệ thuật thế kỷ XX, đó là sự sóng đôi giữa hội hoạ và thi ca để đi vào những miền đất mới. Cuối thế kỷ trước, mối giao lưu giữa hai ngành nghệ thuật này hình thành trên cơ sở một lý tưởng văn hoá chung, hoặc những gần gũi thiện cảm trong đời sống cá nhân. Zola từng hết sức ủng hộ hoạ sĩ Manet trong cuộc cách tân làm cho mặt tranh sáng rỡ lên một cách kỳ lạ, song họ không đi một hướng . Zola là nhà tự nhiên chủ nghĩa lớn, còn E. Manet trở thành bậc đàn anh mở đường cho chủ nghĩa ấn tượng Pháp. Mối quan hệ giữa Eluard với M. Ernest ngày nay khác hẳn. Sự đồng tâm nhất trí của họ, sự khao khát lý tưởng chung ở họ biểu hiện trước tiên ở ngay trong công việc cụ thể là sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật. Sự gắn bó này có nguyên uỷ sâu xa ở những liên hệ giữa ngôn từ và hình ảnh, giữa tư duy lôgích - trí tuệ và kênh thị giác, những liên hệ đã được xác nhận trong lịch sử lâu dài của nghệ thuật và ngày nay đang được mỹ học chứng minh thêm. Khi Lorca ca ngợi người hoạ sĩ đồng hương sau này rất nổi tiếng của mình là S. Dali .
Tôi ca ngợi cái buâng khuâng nó theo đuổi anh không ngừng, cái nỗi lo âu hồi hộp
nó đang đợi anh ở góc đường.
Tôi ngợi ca tâm hồn bể cả vang trong anh giữa những san hô và vỏ ốc
Nhưng trước hết tôi ca ngợi cái lý tưởng chung nối chúng ta trong những giờ đen tối
hay huy hoàng
Tế Hanh phỏng dịch
Chúng ta thấy cái mối liên hệ trên hiện ra sâu xa biết ngần nào. Cái không khí bâng khuâng phấp phỏng thậm chí lo âu, mộng mị đôi khi đến bí hiểm, những môtip như vỏ sò, vỏ ốc ở tít xa mà vẫn đổ bóng trên nền cát mịn và biển lặng huyền ảo... đó , là của chung ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ hội hoạ trong cái quan niệm siêu thực mà Dali và Lorca cùng chấp nhận. Rõ ràng hai ngành nghệ thuật này có những nguyên lý chung và những thủ pháp chung, tạo ra những hiệu quả xúc cảm tương tự nhau. Giữa tranh của Manet và tiểu thuyết của Zola không thể tìm thấy sự gần gũi đến hầu như tuyệt đối như vậy.
Một cái nhìn thấu đáo trước tiên đòi hỏi phải xem xét hiện tượng nảy nở nhiều “izm” ở đầu thế kỷ này, như dấu hiệu rõ rệt của tình trạng khủng hoảng bao trùm trong nền văn hoá đầu thế kỷ. Thế giới được phản ánh thành một hình ảnh cực kỳ phi lý, trong đó cái ác mặc sức hoành hành và những người làm nghệ thuật chỉ còn có cách là tự thu mình lại trong cái tôi và những tìm tòi hình thức chủ nghĩa. Từ chỗ hoài nghi, đến chỗ hoàn toàn bi quan, thất vọng, thoá mạ con người, khoảng cách không phải thật xa, và đó chính là con đường đi tới của các chủ nghĩa suy đồi , ấy là không kể một số nhân vật quan trọng trong chủ nghĩa hiện đại thường khi vô nguyên tắc trong lập trường chính trị: nhà thơ Mỹ nổi tiếng Ezra Pound và hoạ sĩ vị lai ý là Marinetti đã ủng hộ chế độ phát xít của Moussolini... Tất cả những hiện tượng đó còn được ghi trong sử sách, không một sự thông cảm nào biện hộ nổi. Song, cũng chỉ có thể gọi là thấu đáo, khi người ta công nhận một sự thực; ở các nước tư bản, chủ nghĩa hiện đại “thường mang trong nó tinh thần phê phán, đây là yếu tố khiến nó có ý nghĩa nhất định và có sức sống” (Lịch sử văn học nước ngoài thế kỷ XX, Moskva, 1980, phần dẫn luận) “Công lao không ai có thể phủ nhận của chủ nghĩa biểu hiện là đưa lên hàng đầu con người, thế giới nội tâm của nó, ngay lúc con người bị đe doạ tiêu diệt trong cuộc chiến tranh đế quốc đẫm máu và chịu sức ép khủng khiếp của nền sản xuất tư bản”, “ Chủ nghĩa hình thức và những tìm tòi thuần tuý thẩm mỹ có tác dụng củng cố thêm một số truyền thống sẵn có, và thường làm rõ ở nó khía cạnh chống đối vốn rất cần phải có ở các nghệ sĩ chân chính “ (như trên, phần dẫn luận).
Từ những nhận định cơ bản này có thể phát triển và nêu lên những đặc điểm sau đây của các “izm”, cũng là những điểm cần được lưu ý , khi tiếp xúc với chúng:
1. Mỗi “chủ nghĩa” đó đều gắn bó với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, sự nảy sinh của nó trong hoàn cảnh đó là hợp lý: phải công nhận trong hoàn cảnh ấy, nó là một phản ứng tích cực; có điều sau đó, phản ứng cụ thể kia được nêu lên thành nguyên lý có ý nghĩa cực đoan và trở nên không thích hợp nữa. Ví dụ, ngay từ cuối thế kỷ XIX, sau sự thất bại của Công xã Paris, thơ Rimbaud ,Verlaine - những người mở đường cho thơ thế kỷ XX - không chỉ một chiều tiêu cực như có người vẫn bảo. Số phận của Verlaine chính là tượng trưng cho số phận của cái đẹp nổi loạn chống lại cái thực tế đời sống hết sức kỳ quái lúc đó. Khẩu hiệu “âm nhạc trước tất cả” không phải là sự từ bỏ nội dung mà là mong muốn bảo vệ nghệ thuật cao cả, bảo vệ sự thành thật, đạo lý, chống lại mọi thành kiến. Đó là một cuộc chiến đấu cho chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật, chứ không phải chống lại nó ; một sự phát hiện ra thế giới, chứ không từ bỏ nó.
Một bằng chứng hiển nhiên khác: nhóm siêu thực ở Pháp, những năm 20-30. Theo quan niệm của những người tham gia trong nhóm, cuộc nổi loạn ở họ là nhằm chống lại mọi nếp sống tư sản. Hoặc nhóm các nhà thơ hermetism (chủ nghĩa kín mít) ở ý được hình thành là để đối lập lại với thực tế chủ nghĩa phát xít lúc đó. Trong đại chiến thứ hai, hầu hết các nhà thơ này lại tham gia kháng chiến.
2. Cực đoan, phiến diện là đặc tính bẩm sinh của mỗi “chủ nghĩa”, nhưng đó là những lầm lạc cần thiết trên đường tìm tới bản chất thời đại, và cả cái ảo tưởng đáng yêu ,cho rằng chỉ biến đổi như thế, nghệ thuật mới biểu hiện được đúng thời đại. Dada dùng sự lắp ghép, dùng các chất liệu và đồ vật thật mà làm tranh tượng và tự phát “tuôn” ra thơ, vì quá bị ám ảnh bởi cái hỗn độn bề ngoài của những năm đầu thế kỷ. Vị lai tuyên bố tốc độ, sự vận động là bản chất của công nghiệp. Những vòng xoay ào ào cuồn cuộn làm nhoè mờ cả mọi hình thể trên tranh của phái vị lai, những câu thơ to tát và những nhịp thơ biến động của Maiakovski tương đồng với vòng quay của máy móc cơ khí và những tiếng động của búa máy, lò hơi. Siêu thực dùng cái mênh mang vô định đầy đe doạ của các cơn ác mộng để nói lên tâm tưởng bất an của mình. Tranh của các hoạ sĩ biểu hiện với màu sắc đập vào nhau chan chát, hình thù méo xệch, nét vẽ như dao cắt nát, băm vằm mặt tranh, cũng như những bài thơ kiểu “khải hoàn và tàn rữa” của Becher thời trẻ là tiếng thét vô vọng của những sinh thể lúc đang giẫy chết
Tóm lại, mỗi “izm” đó nhìn nhận bản chất xã hội ở một biểu hiện hình thức nào đó và tìm một ngôn ngữ nghệ thuật tương đồng tuyệt đối với biểu hiện đó. Do vậy - nói theo ngôn ngữ học - ngữ nghĩa của các đơn vị trong cái ngôn ngữ này mạnh lên, song toàn bộ hệ thống ngôn ngữ thì hẹp lại. Vì hai lý do đó, mà các “izm” vừa có cống hiến, vừa có những lầm lạc không thể biện hộ từ đó dẫn tới việc chết yểu của chúng.
Dẫu sao, so với thời kỳ cuối thế kỷ XIX, khi con người chỉ có một phản ứng thụ động trước sự phát triển công nghiệp, thì giai đoạn có nhiều tìm tòi hỗn loạn này, cũng đánh dấu một thái độ tích cực, một niềm tin tự tin: người ta muốn nhìn thẳng vào hiện thực và tìm cách biểu hiện nó. Từ sau chiến tranh, gần như mọi thí nghiệm đã hoàn thành và sinh hoạt nghệ thuật có phần ổn định hơn. Điều đó chứng tỏ các “izm” chỉ là một hiện tượng lịch sử.
3. Do quan niệm rằng trong quá trình sáng tác người nghệ sĩ có quyền thể nghiệm, và một số công việc mình đã làm là có tính cách “labôratoa”, nên các nghệ sĩ đã đi tới những cực đoan như vậy, kể cả trong sáng tác lẫn trong các tuyên ngôn. Còn trong thực tế, giữa những lời tuyên bố giải thích của họ và các sản phẩm đó không trùng khít với nhau. Các nghệ sĩ lớn lại càng không chịu khuôn mình vào trong những trường phải mà họ đã nêu ra. Do nhạy cảm với những biến đổi của thời đại , trước sau những “kiện tướng” của các trào lưu tiên phong của chủ nghĩa như L. Aragon, P. Eluard, G. Becher, V. Nezval... trong thơ, P.Picasso, F.Leger... trong hội hoạ đều đã đứng về phía nhân dân, cách mạng. Thay cho sự vô vọng, căm phẫn hôm qua là thái độ lạc quan, tin tưởng “ở sự không tránh khỏi có tính chất số phận của hạnh phúc” (Nezval). Đồng thời với việc dấn thân vào thực tế đấu tranh xã hội , tác phẩm của họ cũng cụ thể hơn, sâu hơn ở các chủ đề, đề tài, môtip -- , và nói chung là hiện thực hơn. Hôm qua, họ hoang mang cực độ khi cảm thấy hoàng hôn của một thời đã qua. Nay đã trở lại với họ niềm tin vào vẻ đẹp và sự hài hoà của hiện thực trong buổi bình minh của thời đại mới. Các tác phẩm thời kỳ sau siêu thực của Aragon, Eluard so với thời kỳ các ông đang thí nghiệm có một sự khác biệt lớn lao như quả chín tự nhiên với quả xanh chín ép trong thùng. Trường ca Vlađimir Ilíts Lenin trường ca Tốt lắm của Maiakovski có những tìm tòi khác hẳn những sáng tác vị lai ban đầu. Trong Guernica , các thủ pháp mà Picasso thể nghiệm ở các giai đoạn sáng tác trước được ông vận dụng một cách tổng hợp theo sát xúc cảm lớn của một hoạ sĩ hiện thực. Nói tới khổ đau nhưng không bi đát tuyệt vọng, dấn thân nhưng không mù quáng, hy sinh song không phải mất hết mà thật sự là một hy sinh tự nhiên và hữu ích…, những cảm giác đó làm thành một cái mạch ngầm đan ở nền sau bài Gửi người mai sau của Brecht khiến cho tác phẩm bé nhỏ này có được tầm cỡ hoành tráng. Một ví dụ nổi bật nữa: nếu trước đây trong những năm lập thể, F. Leger đã bổ xẻ con người thành những thành phần khác nhau, như dỡ một cái máy thành trăm ngàn linh kiện để bộc lộ sự tan nát của con người trong xã hội tư sản và sự vô vọng của bản thân mình, thì trong những bức tranh cuối đời, đặc biệt là loạt tranh “công nhân xây lắp” , ông đã tạo dựng một mối quan hệ máy -- người -- thiên nhiên đầy tinh thần lạc quan . Xem tranh Leger chúng tôi liên tưởng dến Bài ca nguyên tố của Neruda. Như tên bài thơ đã chỉ rõ, Neruda viết về các đơn vị cấu thành nhỏ nhất của đời sống, về biển, bánh mì, nàng thơ, sự nghèo đói, dây thép gai... Những cái mới ở thời đại chúng ta, những nguồn năng lượng mới, những phát kiến kỹ thuật, những tên khổng lồ sắt thép từng đe doạ người công nhân, nay dưới ánh sáng của nhận thức cách mạng đã trở thành phương tiện tạo ra hạnh phúc của con người, và trở nên có vẻ đẹp tuyệt vời như bông hoa, vầng trăng muôn thủa:

Chúng ta sẽ
Cưỡi con ngựa điện
Vượt qua bọt nước
Vừa ca hát
Chúng ta vừa
Xuống tận dưới lòng sâu
Trong gan ruột của người
Một sợi dây nguyên tử
Sẽ buộc chặt thân người
Trong mảnh vườn
sâu thẳm của người
Chúng ta sẽ trồng
Những cây cối
Xi măng và thép
Đào Xuân Quý dịch
Chính sự chuyển biến của các nghệ sĩ lớn nói trên là một điểm thường được đặc biệt lưu ý khi nghiên cứu về các trào lưu tiên phong chủ nghĩa. Không khó khăn gì nếu muốn tìm ra những biểu hiện suy đồi, phi nhân đạo của nghệ thuật kể cả hội hoạ cũng như thi ca thế kỷ XX. Song , sẽ là thoả đáng hơn nếu đồng thời với sự phê phán , có sự công nhận ở mức thoả đáng cống hiến của các “izm” trên từng khía cạnh. Ngoài ra, phải thấy bên cạnh các “izm” với những tuyên ngôn to giọng ở tất cả các nước, trong các thời kỳ, có một xu hướng rất phổ biến và bình thản phát huy ảnh hưởng của mình, đó là xu hướng quay lại cái ngây thơ dân gian. Việc vận dụng một cách có ý thức các thủ pháp dân gian tạo nên cơ thể xương thịt nhiều bài thơ hiện đại đã có thể thấy ở tất cả các nhà thơ lớn, từ Tagor, Brecht, đến Lorca , Guillen ; trong hội hoạ, cũng thấy rất nhiều người đi theo hướng đó, mà tiêu biểu nhất là hoạ sĩ Henry Rousseau. Đấy là thái độ dùng cái bình dị, ngây thơ tươi mát của dân gian để đối lập lại cái phức tạp, hỗn độn, khó hiểu của thế giới hiện đại , là sự khẳng định của thôn dã muôn đời, chống lại sự bành trướng của thành thị hãnh tiến. Càng vươn tới tương lai, thơ càng muốn trở về với cái suối nguồn muôn thủa của nó.
Sau cái “hỗn độn” của các chủ nghĩa và toàn thắng của chủ nghĩa hiện thực ( theo nghĩa bao quát nhất của khái niệm hiện thực ) , giờ đây, thơ thế kỷ đã có những đổi mới ra sao? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta lần lượt xét các yếu tố hình thành nên tác phẩm thơ ca với nghĩa rộng của mấy chữ này.
Về mặt nguyên liệu chất liệu làm nên bài thơ, có một thực tế khá rõ là từ lâu, thơ được coi như một hành động cao cả, và những điều được nói tới trong thơ phải là đẹp, thơ mộng, tinh tế v.v... ở thế kỷ trước, riêng việc nhà thơ Baudelaire nói tới cái xác chó chết đầy giòi bọ đã coi như một ngoại lệ đặc biệt lắm. Với thơ thế kỷ XX, thì sự cấm kỵ hôm qua không còn nữa, từ chỗ bay bổng mãi chín tầng mây, thơ đã trở về sát với những chuyện đời sống hàng ngày. Con đường của Rimbaud, người “đòi ghi lại những im lặng, và cố định những chóng vánh” được rất nhiều người học theo. Apollinaire từ bỏ lối nói hoa mỹ và chỉ biết sử dụng hình ảnh tinh tế của những người trước ông, để đưa ngôn ngữ trò chuyện sinh động vào thơ. Mỗi nhà thơ lớn hầu như có một con đường riêng để mở rộng tính cụ thể của thơ ca và những nẻo lối của họ không thể thay thế cho nhau. Cho đến một sự siêu khoát trong thơ như Saint John Perse, người ta cũng nhận xét hình thức thơ của ông là một thứ văn xuôi được ghi lại bởi các câu thơ. Vốn từ vựng trong thơ thay đổi trông thấy. Câu thơ cũng không thể giữ mãi nền nếp vốn có mà chấp nhận nhiều nguyên tắc cấu tạo khác nhau. Trong sự đến gần văn xuôi, thơ không phàm tục, không đánh mất mình đi, nó chỉ được làm giàu thêm một bước. Đã có thể nói tới một chủ nghĩa hiện thực trong thơ, sự thuyết phục của chủ nghĩa hiện thực đó là điều không thể chối cãi.
Một hệ quả dễ nhận của việc mở rộng chất thơ: thơ hôm nay có sự gắn bó với các biến động lịch sử. Chính trị, thời sự đi vào đầy ắp trong thơ. Tư liệu, chi tiết thông tin trở thành một yếu tố trữ tình có vẻ đẹp riêng của nó. Tinh thần hướng thượng , những yếu tố phi thường cao siêu đã quen thuộc với anh hùng ca, nay được bổ sung cái đời thường của tư liệu. Mặt khác những vấn đề xã hội lớn lao tự nó đã có chất anh hùng ca, khi được sử dụng. Cố nhiên, sự kết hợp hai yếu tố này ở Neruda khác Hikmet, ở Hikmet khác Brecht, và so sánh ở Aragon với ở Eluard , thấy phân lượng của nó khác nhau. Ngay trong một người ở mỗi thời kỳ có sự vận dụng khác đi nhưng các nguyên tắc chung thì chỉ là một. Lời thách thức của Guillen “Tôi coi một nhà thơ là bất lực nếu không có khả năng chuyển qua mấy dòng trữ tình nội dung một bản tuyên ngôn, một cương lĩnh” thực ra có ý nghĩa khẳng định: thơ có thể làm được nhiều điều hơn là người ta tưởng.
Xét về khâu gia công chất liệu, cũng có thể quan sát thấy một sự mở ra về tất cả mọi phía rất rộng rãi. Nói rằng thơ ngày một trần trụi hơn, cái đó rất đúng, nhưng ngay sau đó, người ta phải nhấn mạnh là thơ đang ngày trở nên ước lệ hơn, đa nghĩa hơn, uyên bác hơn. Có thứ thơ tìm tòi theo khuynh hướng “âm nhạc là trên hết” trong đó rất nhiều thơ gần với dân ca, gần với bài hát - riêng ở Pháp ngày hôm nay thôi, từ J. Prevert đến G. Brassens... đã có bao nhiêu ví dụ. Nhưng lại có thơ đang văn xuôi hoá, thơ không cần vần, thơ lảng tránh mọi nhạc điệu dễ nhận bên ngoài để tìm thấy một chất nhạc bên trong rất chắt lọc, mà những thể nghiệm của Brecht là một trường hợp đột xuất . Thật khó tưởng tượng thơ thời đại hiện nay mà lại thiếu đi những vần thơ rất độc đáo trong xử lý chất liệu thơ, ý chúng tôi muốn nói đến thơ Mỹ la tinh, thơ da đen, thơ á Đông, tất cả những thứ phi Âu châu mà các nhà thơ uyên bác như P. Valéry, E. Pound và T.S. Eliot đều nhận là nó sẽ bổ sung rất nhiều cho văn hoá Tây Âu. Đó chính là sự mở ra trong thơ theo chiều ngang, một sự mở cửa để hấp thụ vào thơ thế giới các nền thơ dân tộc khác nhau. Thơ Garbiela Mistral của Chilê và thơ Ruben Dario của Nicaragua, thơ Isikawa Tacubocu của Nhật và thơ Gheorgos Seferis của Hy lạp... tài sản thơ của nhân loại không ngừng được bổ sung. Nghiên cứu về bản sắc dân tộc của mỗi nhà thơ người ta ngạc nhiên nhận ra cái điều mà một chính khách lớn của thế kỷ này đã nhận xét: “chỉ có các dân tộc và các cá nhân là quan trọng nhất”. Bởi càng gia nhập vào cộng đồng thế giới, cái chất dân tộc ấy càng trở nên rõ rệt. Nêruda chỉ trở thành con đẻ thực sự của châu Mỹ la tinh sau khi đã đi vòng quanh thế giới và tiếp thu được những thành tựu cao sâu khác của thơ châu Âu, từ Witman đến Maiakovski . Brecht rất gắn bó với thơ phương Đông, từng dịch Bạch Cư Dị và Tô Đông Pha, nhưng đến mức ấy, chất Đức của ông vẫn trộn không lẫn, đủ biết trong ông nó rất bền chắc. Biết bảo N. Hikmet và Y. Ritsos là phương Đông hay phương Tây - những câu hỏi kiểu ấy rất khó trả lời... song điều chắc chắn là họ rất Thổ Nhĩ Kỳ và rất Hy-lạp!
Có một trục khác cũng đã hình thành trong việc tìm tòi xử lý thơ, đó là cái trục dọc lịch sử, sự quay về với những truyền thống quá khứ. “Quá khứ luôn luôn thay đổi, mỗi một thế hệ các nhà nghiên cứu lại tư duy về nó khác đi và vận dụng nó một cách mới mẻ, tuỳ theo mức độ tiến tới tương lai của thời đại và của chính họ” - cái nhận xét mà chúng tôi tìm thấy trong một cuốn sách viết về khoa học tự nhiên, xem ra cũng đúng đối với các nhà thơ mà chúng ta đang nói. Nếu như nhiều bậc thầy về hội hoạ ở thế kỷ này coi J. Bosch (1450 hoặc 60-1516) với những hình tượng rất fantastic là người đương thời của mình, thì trong thơ , Fr. Villon (1431-1465) cũng có vai trò tương tự. Nhưng có điều quan trọng hơn: hầu như ở nước nào, cũng có những F . Villion như vậy. Trong khi tìm về tương lai, rất nhiều nghệ sĩ phát hiện lại quá khứ và tìm thấy đồng minh của mình trong quá khứ, nhiều quan niệm về thơ, cách hiểu về chất thơ và lối xử lý thơ tưởng đã bị chôn vùi từ lâu, thậm chí bị công kích là kỳ quặc, không thơ... nay đều được chấp nhận. Đó không phải là ý muốn của riêng ai. Đó là sự mở rộng những “bậc tự do” trong thơ mà chỉ thời đại này mới cho phép.
Tổng hợp cả hai hướng tìm tòi nói trên, nền thơ thế giới hôm nay trải ra trên một khu vực địa lý cực rộng, và bộ mặt của nó có những đổi mới khiến những người quen với lối hiểu thơ trước đây phải bàng hoàng. Hầu như tất cả các yếu tố của thơ đều được khảo đả thể nghiệm lại. Với một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ là Apollinaire, tận hạt nhân kết cấu của ngôn ngữ thi ca đã bị bắn phá, làm đổi thay cả cách viết, cách in, cách chấm phẩy ở hình thức câu thơ, chẳng khác những đổi mới mà Picasso mang lại cho hội hoạ. Sự liên tục trong thơ hôm nay, ở một số nhà thơ bậc thầy, là một sự liên tục đứt đoạn, y như sự tuôn chảy của một dòng ý thức đã được khởi về tận nguồn, và có vẻ miên man mà trào ra vậy, song suy cho cùng vẫn là một cái gì được kiểm soát hết sức chặt chẽ. Có cái đẹp giản dị, mực thước, nhưng lại có cái đẹp đầy đặn đến thừa thãi, bề bộn và rất giàu yếu tố trang trí. Có sự cầu kỳ đi đến quyến rũ ở người này lại có sự huyền bí rất gần gũi với thiên nhiên ở người kia. Mỗi nhà thơ thực thụ mang lại một định nghĩa mới về thơ. Có người sục tìm những lối so sánh kỳ lạ, có người thích vận dụng các phép chuyển nghĩa mới mẻ, có người tạo nhịp “phi truyền thống”. Tất cả mang lại cho những điều họ nói độ đậm đặc, rõ ràng đến chói mắt, và khả năng in sâu vào trí nhớ của người đọc. Tính tích cực thẩm mỹ là một đặc trưng chung của thơ hiện đại, song những hình thức của tính tích cực đó lại hiện ra mỗi người mỗi vẻ. Mọi biện pháp tạo hiệu quả đều được sử dụng, vì nói như Brecht “nhân dân hiểu những phương tiện biểu hiện dũng cảm, họ ủng hộ những cách nhìn mới họ sẽ khắc phục được những khó khăn về hình thức, nếu những điều viết ra đó đáng được họ quan tâm” (*)
Cũng liên quan nhiều đến nội dung và cách viết của thơ hôm nay là những con đường mà thơ đã gợi mở để đến với công chúng. Vốn là một ngành nghệ thuật hướng thẳng vào nội tâm con người , có một thời, thơ bị khuôn chặt vào trong các sa-lông, trở thành một công cụ xã giao, hoặc thuần tuý có tính chất thính phòng, nội thất. Vẫn coi xúc động tình yêu, những biến thái tinh tế của tâm hồn là những điểm phải đầu tư khai thác, nhưng thơ hôm nay còn dạy con người thấu hiểu cả thế giới và tìm ra cho được điều gì chung nhất giữa mọi người. Thơ tạp kỹ, thơ viết để dọc giữa đám đông quần chúng rất phát triển . R. Alberti có một tập thơ mang cái tên rất tiêu biểu nhà thơ trên quảng trường. Becher muốn thơ mình thành ra “những bài hát không tên ở giữa nhân dân”. Cách làm này vừa bắt nguồn từ những hình thức giao tiếp cổ xưa - hoạt động của những người đọc thơ rong, những người kể chuyện dân gian xưa kia --- , vừa tận dụng được mọi công cụ của thông tin đại chúng, đang đặc biệt phát triển trong thời đại hôm nay. Cố nhiên, một bài thơ thật hay phải là đọc giữa đám đông đã hay, mà trở về “đơn độc với chính mình”, mỗi người đọc trong đó vẫn tìm thấy cái hay. Tính chất “quảng trường” không mâu thuẫn mà chỉ là một biến dạng của chất tâm tình mà thơ vẫn có.
Những chiến công... Thoạt nghe thấy hơi lạ tai, nhưng quả thật, những tìm tòi trên đây chính là những chiến công được nhiều thế hệ nhà thơ ở nhiều nước góp công góp sức chuẩn bị. Bởi lẽ, như người ta vẫn bảo, thời đại chúng ta có những yêu cầu vô cùng khắc nghiệt. Những chiến công lịch sử được hoàn thành không chỉ ở ngoài bãi chiến trường, trong các chiến luỹ, mà còn trong các trạm thuỷ điện, các bãi sa mạc, trong sự im lặng ghê gớm của các thư viện và các phòng thí nghiệm.

III
Y. Ritsos viết: “Tôi muốn nói bằng ngôn ngữ của tình yêu - một chuyện ngày nay không ai tin nữa”. B. Brecht nói thời chúng ta là thời bạc bẽo với thơ trữ tình: “Cái cây què cụt trong sân - chứng tỏ nền đất cỗi - ai đi qua cũng chửi cái cây què - mà chửi cũng đúng thôi “ Nhưng chẳng phải, sức mạnh lớn lao trong thơ Ritsos, cũng như thơ Hikmet, Lorca, là bắt nguồn từ sức mạnh của một tình yêu không ai không cảm động? Và thơ trữ tình Brecht, như thơ của Eluard, của nhiều người khác, đã là những chứng tích rực rỡ nhất của thời đại chúng ta đang sống.
Nghĩ về hướng đi của thơ mình, Neruda giải thích:
Bạn sẽ hỏi sao thơ tôi
Không nói đến những hoả diệm sơn hùng vĩ
Của đất nước quê hương
Hãy đến xem máu chảy trên đường
Hãy đến xem
Máu chảy trên đường
Hãy đến xem máu chảy
Trên đường.
Đào Xuân Quý dịch
Đấy cũng là bước đường mà nhiều nhà thơ trải qua. Nhưng cái dấu vết để lại trong thơ họ, thì lại mỗi người một khác.
Hai đơn vị cơ bản trong văn học nghệ thuật là tác giả và tác phẩm. Để viết lịch sử một ngành nghệ thuật nào đó, bên cạnh lối biên niên và những khái quát về từng thời kỳ hoặc trào lưu, trường phái, v.v... vẫn thấy có một lối viết cực kỳ giản dị, mà có thể khai thác mãi không cạn là lối viết bám vào các tác giả và tác phẩm chủ yếu. Khuôn mặt cá nhân nào mà chẳng mang dấu ấn của thời đại, song càng ở những nhân vật lớn, người ta càng thấy những dấu ấn đó đầy đủ hơn, rõ rệt hơn. Nếu có sự bố trí hợp lý, để hình thành nên một thứ chân dung nhóm, trong đó mỗi muôn mặt một vẻ mà cái nọ lại bổ sung được cho cái kia, thì đó chính là một điều kiện tốt để nhận thức cả thời sự, cả lịch sử.
Sau khi đã phác qua vài nét về những đổi mởi của thơ thế kỷ nói chung, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại những khuôn mặt thơ tiêu biểu và những người kề cận họ, để minh xác lại những nhận xét nói trên đồng thời khẳng định lại những đóng góp của họ . Bởi lẽ mỗi nhà thơ đều gắn bó chặt chẽ với nền thơ dân tộc mà từ đó học hình thành, nên đây cũng là dịp điểm qua - dù là rát sơ sài - những khu vực quan trọng thường được kể tới trong thơ thế kỷ.
Nếu như ngay từ cuối thế kỷ XIX, với Rimbaud, Verlaine, Mallarme, thơ Pháp đã tỏ ra đặc biệt nhạy cảm với thế kỷ XX đang tới, thì trong những thập niên đầu thế kỷ những băn khoăn nhằm đổi mới cách viết và rộng hơn, nhằm định nghĩa lại thơ, mang lại cho thơ những năng lượng mới - những băn khoăn ấy càng cháy lên mạnh mẽ. Aragon, Eluard (và mở rộng ra ngoài nước Pháp cả Nezval...) chính là những ví dụ nổi bật về mối quan hệ giữa nhà thơ và các trường phái mà họ tin theo:
Một mặt mỗi người đã đến với các trường phái đó rất nhanh, để rồi từ biệt nó cũng rất nhanh “Lịch sử chủ nghĩa siêu thực là lịch sử các thành viên quay mặt lại với nó” - một nhà nghiên cứu xô viết đã hóm hỉnh nhận xét .(*)
Mặt khác, mãi về sau ,các trường phái này còn để lại dấu ấn lâu dài trong họ, và là thành tố có mặt trong thơ họ, ngay khi họ đã trưởng thành. Cố nhiên, sự trưởng thành đó trước tiên được hiểu như là những nhận thức về vị trí của nhà thơ trong đời sống xã hội. Cả Eluard lẫn Aragon , cả P. Emmanuel lẫn R. Char đã là những người tích cực chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng nước Pháp. Con đường của Saint – John Perse hình thành hơi khác, song thái độ đúng đắn của ông đối với cuộc kháng chiến chống Đức cũng thường được nhắc nhở như một vinh dự. G. Milev ở Bungari, E. Ady ở Hung, V.Nezval ở Tiệp đều là những chiến sĩ của cuộc đấu tranh nhằm giải phóng xứ sở.
Toả ra theo nhiều hướng tìm tòi, song thật ra các đường dây chủ đạo mà thơ Pháp vươn tới vẫn là chủ nghĩa hiện thực. Apollinaire là người đi tiên phong trong việc này, những năm đầu thế kỷ. Mọi tìm tòi của Apollinaire (nhịp thơ tự do, sự phối hợp giữa nỗi âu lo, vẻ nồng nhiệt với tinh thần bi thảm và hài hước...) đều đã góp phần vào việc mở rộng khả năng hiện thực của thơ, như mọi dũng cảm ttrng việc tìm tòi phương tiện biểu hiện đã hỗ trợ đắc lực cho việc biểu hiện một cái nhìn mới về thế giới ở các nhà thơ kế tục ông. Khái niệm mà Aragon hay nhắc tới nhất là khái niệm chủ nghĩa hiện thực, với yêu cầu nhất quán: Thơ ca, phải trình bày cho hết tất cả sự phát triển phong phú phức tạp của đời sống ý thức con người trong thế kỷ này, để rồi, cuối cùng đi tới những khẳng định tích cực:
Tôi nghe tiếng gà trong cùng tận đau thương
Trong đổ nát tôi vẫn mang chiến thắng
Dù khoét mắt những vì sao xa vắng
Trong đêm dài tôi vẫn chói vừng dương
Tế Hanh dịch
Trong khi không cắt đứt khỏi mạch thơ cổ điển và văn hoá châu Âu nói chung, thơ Aragon là một ví dụ về việc thơ thế kỷ này trực tiếp tham gia vào việc biểu hiện các vấn đề của thời đại. Chất tư tưởng ở Eluard vẫn rất sâu sắc, song sau những năm tháng tìm tòi đau xót, cuối cùng, trong những bài thơ thành công của nình, chiến công chính của nhà thơ này là đã đưa thơ trở lại với cái gì như những thứ tiếng nói ban đầu của con người.
Đó là lời làm nên sự sống
Đó là lời vô tội trắng trong
Lời tin cậy và lời ấm áp
Lời tình yêu, công lý, tự do
Tên của hoa và tên của trái
Lời dũng cảm và lời phát hiện
Lời anh em đồng chí thân thương
Tên của người yêu, tên bao người vợ
Péri, tên anh, chúng tôi thêm vào đó
Nguyễn Quân dịch
Sau hết, cũng nên chú ý là ngay ở các khu vực dông tố của các “izmơ” như nước Pháp, thì truyền thống dân tộc vẫn là một cái gì có mặt ở những nhà thơ khác nhau. Cả Agagon, Eluard lẫn J. Prevert, mỗi người Pháp theo một kiểu. Aragon hào hoa, trang nhã trong khi Eluard trong sáng tinh khiết, và Prevert lại bình dân với tinh thần lịch sử kiểu Gavros hồi nào. Nhà thơ Tiệp hiện đại Taufer cũng cho rằng Nezval là một mẫu mực trong việc kết hợp giữa những tìm kiếm mới mẻ và phát triển bản sắc dân tộc. Truyền thống và cách tân, dân tộc và hiện đại nào phải là những yếu tố không thể hoà hợp nổi !
Nhìn sang khu vực thơ Tây Ban Nha và Mỹ la tinh: Không phải ở đây thơ không có những vấn đề triết lý của nó - M. Unamuno một nhà thơ giữ vai trò chi phối cả nền văn học, đồng thời là một nhà triết học –nhận xét vậy . Nhưng do hoàn toàn cảnh lịch sử riêng, vấn đề các “izmơ” ở đây đặt ra không ồn ào như ở các nước phương Tây khác. Một cách rất tự nhiên như không thể khác, cả Hernandez, Machado, Alberti đều đã viết vì nhân dân, coi thơ mình là “ngọn gió của nhân dân”. X.Valeho, R. Dario tìm mọi cách để biểu hiện các vấn đề của các dân tộc rất trẻ ở Nam Mỹ đặt ra và giải quyết. Theo chúng tôi hiểu, đóng góp của thơ Tây Ban Nha và Mỹ la tinh ở thế kỷ này chính là ở cái chất thơ độc đáo mà nền thơ này mang vào thơ thế giới. ở Lorca, trong những tập thơ tiêu biểu của ông, người ta khó lòng phân biệt đâu là chất hiệp sĩ Tây Ban Nha, chất hào phóng và cũng rất bình dân của thơ di-gan. Vẻ hiện đại của Lorca ở dạng ẩn, kín đáo, quen thuộc, phải đặt vào hoàn cảnh thì mới thấy. Con người thu gồm trong mình truyền thống văn hoá châu Âu này từng viết những dòng hết sức cổ điển:

Bài ca kỵ mã
Cordu
Xa thẳm và đơn độc
Con ngựa đen, vành vạnh vầng trăng
Ôliu đầy túi
Dù ta thuộc hết đường hết lối
Chẳng bao giờ tới được Cordu.
Đi qua đồng, đi qua gió
Con ngựa đen, vầng trăng đỏ
Kìa kìa cái chết đã nhìn ta
Từ trên cao đỉnh tháp Cordu.
Ôi con đường mới dài sao
Ôi chú ngựa bao quí giá
Ôi cái chết , hãy chờ ta nhé
Đến bao giờ ta tới Cordu
Cordu
Xa thẳm và đơn độc
Theo bản dịch Hoàng Hưng
Tượng trưng cho châu Mỹ la tinh, thơ Neruda và Guillen cũng là những đóng góp về phương diện chất thơ; với họ, tao đàn thơ có thêm những giọng điệu mới, đúng hơn, những mảng sống mới, một thứ xương thịt mới khiến người ta có thể sửng sốt y như nhạc và tượng gỗ Phi châu, đồ gốm Trung Hoa và tranh khắc Nhật Bản đã gây ngạc nhiên với văn hoá châu Âu vậy:
Mảnh đất của những dãy núi màu xanh
Orientê, những dòng sông khản đặc
Cái tình lớn của ta, những vực sâu chóng mặt
Và trên lồng ngực người, vững chãi như đồng
Với mạch máu là những con đường
Rải bằng đá sỏi
Guillen ,Bùi Hồng Hải dịch

Em là con ngựa bằng đất đen, là cái hôn bằng bùn tối
Là tình, là hoa bằng đất sét.
Là cái ống đựng ưu phiền của tuổi thơ tội nghiệp
Là con chim gáy của hoàng hôn tung cánh trên đường
Neruda, Đào Xuân Quý dịch
Neruda là Nam Mỹ trầm hùng cuộn cuộn, Guillen là Cuba, là thơ của người mulat (lai) mang tấm lưng lực lưỡng đẫm mồ hôi của nhạc và dân ca da đen. Cùng với cái chất thơ mới, phải công nhận đây là cả một quan niệm về thơ không giống quan niệm duy lý chúng ta vẫn gặp, là cả một cách tư duy thơ tưởng như trời cho và không dễ gì học được, vì bắt nguồn từ một con mắt khác hẳn trong việc nhìn đất, nhìn trời và nhìn cuộc đời này. Đặt bên cạnh thứ tư duy thơ bác học ở Tây Âu, thì cách nghĩ về thơ ở đây trẻ trung đến hung bạo, mà hồn hậu tự nhiên như sông núi đã hun đúc cho người ta vậy.
Đứng về phương diện thơ, đóng góp của thơ Hikmet và Ritsos là gì, nếu không phải là vận dụng những thành quả lớn lao của thơ thời đại, để biểu hiện các vấn đề tưởng như đã giải quyết xong từ lâu, song ở nhiều nước, vẫn đang còn ám ảnh không thôi: quyền sống của con người, quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình của các dân tộc, khả năng xây dựng ngay trên mặt đất này một cuộc sống công bằng hơn, tốt đẹp hơn. Số phận hai nhà thơ này cùng có những nét giống nhau: trong một thời gian dài, họ cùng bị cầm tù. Trong những ngày ở tù, họ có dịp nghiền ngẫm kỹ hơn về thực tại xã hội nghiệt ngã và bần cùng mà từ đó họ lớn lên. Chất cát bụi, giọng tủi hờn cay cực của họ, làm ta liên tưởng đến miền đất nóng rang, khô cằn, và những con bò kéo chiếc cày gỗ nặng:
Cả ngày miệng đắng khô
Đến nỗi không còn đủ nước bọt
Để dán một con tem
Trên bưu thiếp gửi về cho mẹ
Và bụi, mù mịt bụi
Bụi bám vào mặt, bám vào lòng bàn tay
Bám cả vào trí nhớ
Ritsos, Bằng Việt dịch
Sự bình thản - và đôi khi, cả sự tưng tửng đùa cợt, ở các nhà thơ này làm ta nhớ tới những nhà thông thái cổ đại với lối nói rất giản dị, không giao đãi dài dòng. Họ nói chân lý gần lắm không cần phải suy nghĩ tưởng tượng đâu xa, nó ở dưới tay ta, như hạt cát, hòn đất... Chỉ những con mắt hồn nhiên mới nhìn ra nổi. Khi Hikmet viết:
Em là nỗi ràng buộc và niềm tự do của ta
em là thịt của ta bỏng cháy
Như thịt trần của đêm hè nóng dậy
Em, cao sang và đắc thắng
em là nỗi lòng ta hoài vọng
Khi ta đạt tới em
thì ta biết em là nơi không tới được bao giờ
Xuân Diệu dịch
Ta cảm thấy ông đã đạt tới tận cùng của tự do chân chính, cái tự do khiến cho nói thế nào cũng được, cũng bất ngờ, mà cũng gần gũi với con người. Mỗi nhà thơ có một cách riêng nhưng quả thật, thơ Ritsos và thơ Hikmet đã là những ví dụ tố về sự kết hợp giữa Đông và Tây, giữa truyền thống Trung cổ và nhịp sống hiện đại. Các dân tộc bị áp bức ở phương Đông, cuộc sống trầm trầm mà đau xót, trì trệ mà dai dẳng của họ còn là mảnh đất rất tốt để nuôi dưỡng thơ và tạo ra một thứ thơ riêng, không những có hình mà còn có bóng, không những có vẻ trần trụi trực tiếp, mà còn hàm súc, huyền bí, như thơ vẫn có từ xưa tới nay.
Nừu cần phải kể hai nhà thơ độc đáo nữa của thế kỷ XX thì nên nói tới Tagor và Brecht. Giống như hai cái cực của một thỏi nam châm, tính cách thơ của hai ông vô cùng xa nhau mà tư tưởng thơ toát ra lại gần nhau hơn hết. Cái vẻ bí hiểm siêu hình trong thơ Tagor không dẫn ta đến với Phật với Tiên mà đưa ta quay về với đời thường bình dị. Cái huy hoàng, lộng lẫy của dòng thơ lớn lao như sông ấn sông Hằng của ông đưa ta tới cái trần trụi cụ thể của mỗi kiếp người. ông như con người đã đi ra tới cái mép là của nhân loại, rồi lại quay vào để nhìn đọc cuộc đời con người bằng cái nhìn bao dung, độ lượng. Thơ Tagor chói loà một thứ ánh sáng siêu việt, thứ ánh sáng đó không lạ hoá sự vật trên mặt đất này làm thành những viên ngọc kỳ ảo mà làm ta nhìn rõ hơn, cụ thể hơn hòn sỏi, hòn đất, ngọn cỏ, lá cây, bông hồng và tiếng hát. Ông nói về một đứa con mới ra đời:
Con già hơn đất hơn trời
Mới tinh khôi mỗi ban mai hàng ngày
Đứa bé sơ sinh của ông hỏi mẹ: “ Trước khi sinh con ra mẹ nhìn thấy con ở đâu?” Đây là cái nhìn cụ thể vì là một câu hỏi tất nhiên mà tất nhiên không ai hỏi. Bà mẹ trả lời: “Từ thủa lên bốn lên ba, mẹ chơi đất sét, mẹ nặn ngai vàng, mẹ cài hoa xung quanh ngai đất và trên ngai vàng ấy mẹ đã trông thấy con” (Hoàng Hữu Phê dịch) Tagor như cầm ngọn lửa, vốn được coi là thần thiêng từ những hang nguyên thuỷ âm u mà tới thẳng thời chúng ta.
Brecht đi con đường ngược lại. Thơ ông thô như thanh sắt uốn, cụ thể như một khối bê - tông, sờ lên thì nhám, bóp vào đau tay. Tất cả trong thơ Brecht đều cụ thể. Ông cho tất cả --- các mô-tip thi ca quen thuộc, những từ ngữ thi ca, những không gian trữ tình, những tính từ đỏm dáng, những kết cấu phức hợp cầu kỳ --- đi lưu vong khỏi đất thơ của mình. Thơ ông như trích đoạn những lời nói hàng ngày khi thì là giọng của triết nhân, khi là câu chửi của anh cùng đinh, khi thì mách qué như người đàn bà lắm điều, khi như tiếng hô của đoàn biểu tình, khi lại cụt lủn như lời tỏ tình vụng về của anh chàng quá yêu, thật không bao giờ nói với cô gái được một câu trôi chảy. Thơ Brecht mạnh mẽ, hùng dũng mà mộc mạc. Tính chiến đấu rát bỏng song hành với thái độ bình thản đến hư vô. Brecht yêu cầu thơ phải là con sư tử để:
Những kẻ xấu sợ nanh vuốt ngươi
Những người tốt yêu dáng người uyển nhã
Ông cụ thể hoá những khái niệm trừu tượng của lý luận mac-xit đầy cảm xúc chân thành:
Kẻ nào không có gan đấu tranh
Là những kẻ có gan nhịn đói
Các thế lực tư sản được lạ hoá một cách chính xác thành núi lửa, động đất dòng sông cuồn cuộn:
Động đất có tiền trong túi ngực
Núi lửa đang bước xuống ô tô
Dòng sông trèo lên bờ, cuồn cuộn ra lệnh cho cảnh sát.
Phép biện chứng vốn là thành tựu hạt nhân của triết học Đức cổ điển được Marx nâng cao lên và được Brecht vận dụng như một thứ vũ khí hiện đại để tạo nên chất thơ. Chất thi nhân và triết gia gắn làm một ở con người ông. Brecht thương kẻ ác:
Những mạch máu hằn trên trán nhăn
Nói rõ, điều tôi rất cảm thông:
Làm người ác khó nhọc vô cùng
Ông định nghĩa chủ nghĩa cộng sản bằng một câu nói không hề có một thủ pháp thi ca nào:
Chủ nghĩa cộng sản là cái đơn giản khó lắm.
(Nguyễn Quân dịch )
Từ ngày hôm nay cụ thể , Brecht nêu những luận đề, những quan niệm, những xúc cảm bổ dọc lịch sử đưa ta về với những hang động nguyên thuỷ.
Xúc cảm và trí tuệ, giáo huấn và ngạo nghễ đùa vui, lời nói bình thường và chất nhạc lặn mãi vào trong tư tưởng... những gì từng làm nên thơ xưa nay đều có ở Brecht, chỉ có điều nó được sắp xếp lại, nên gây bỡ ngỡ: Hoá ra còn cái nguồn thơ đó mà không ai biết khai thác! Brecht rất tài, nhưng tài năng trước hết là ở quan niệm của ông về thơ. Nếu Tagor dùng ánh sáng thiên thần làm cho ta nhìn rõ hòn đất thì Brecht cầm hòn đất câm lặng lên lòng bàn tay để ta nhìn vào đó, thấy một thứ ánh sáng diệu kỳ. Cũng tương tự như vậy, nếu thơ Tagor là cái phần trời đất phú vào con người mà chừng nào lòng còn trong sạch, căn thức còn minh mẫn, ở chúng ta không bao giờ thơ hết dào dạt, thì Brecht là cái phần năng lực đã vào hẳn con người, trần tục như cõi đời hôm nay, mà cũng dài rộng khôn cùng. Cả hai cùng nói với chúng ta một điều: thơ là còn mãi với con người .

*
Tìm hiểu mạch thơ thế kỷ XX là chuyện có thể miên man đi mãi không hết. Thơ Mỹ trong thế kỷ này không có những nhân vật kỳ vĩ như O.Witman, nhưng sáng tác của R.Frost , R. Warren cũng gợi ra rất nhiều suy nghĩ, nhất là chung quanh việc biểu hiện các vấn đề của thời đại khoa học-kỹ thuật , trong khi L.Hughes đưa thơ da đen đến sự phát triển cổ điển, điệu blues nay đã được cả thế giới biết tiếng. Từ Ungaretro, Saba đến Quazimodo, ... thơ ý nối tiếp thành một dòng nhất quán ở tính bác học cao và những suy nghĩ hàm súc. . Ngoài châu Âu và Mỹ la tinh là những khu vực tập trung, còn phải nói tới rất nhiều châu lục thơ khác. Bên cạnh Nazim Hikmet, trong thơ Thổ Nhĩ Kỳ, Orhan Veli Canic cũng rất nổi tiếng. Sau Tagor, những người hiểu thơ Ân Độ nhắc tới Suryakant Tripathi Nirala. Tiêu biểu cho châu Phi, phải kể Leopold Sedar Senghor và Agostino Neto - Đấy là chúng tôi chỉ mới nhắc những trường hợp tiêu biểu nhất .
Nhưng càng toả ra thành nhiều cành nhánh, thơ thế kỷ XX càng tự chứng tỏ nó đang bắt rễ sâu sắc vào đời sống tinh thần nhân loại. Rũ bỏ cái cũ, nảy lộc đâm chồi, sắc biếc hơn và bóng toả rộng hơn, nó đang thật sự trở thành tiếng hát của con người, cái tiếng hát mà N. Hikmet đã có lần nói là còn quí hơn con người nữa, vì sẽ còn mãi. Cái ngày mà Nezval ao ước, cái ngày các nhà thơ có thể yên tâm vì đóng góp của mình:
... Thì hãy uống thơ tôi như trà sữa
Bộ tách hoa pha rót sẵn sàng
... Thì hãy nếm thơ tôi trong đĩa lớn
Cái đĩa hoa xanh vẽ những củ hành
... Xin hãy cắn thơ tôi từng miếng nhỏ
Như bánh mì vừa mới nướng thơm ngon
Thuý Toàn dịch
Cái ngày tốt đẹp ấy, đã tới,đang tới.
SỐ TRUY CẬP online