Thành phố không mưa

Cái tên mang màu sắc ẩn dụ
Trong cách nói của người Trung quốc ( và có người bảo là của cả phương Tây ) , hình ảnh bức thành ban đầu nhiều khi được dùng để chỉ đời sống tình ái vốn là một phương diện tế nhị bậc nhất của con người ta, rồi mở rộng ra chỉ cái oái oăm phức tạp , vừa đáng yêu vừa chán ngắt của đời sống nói chung , nó khiến người ta “ khạc không ra nuốt không vào “ , mà vẫn phải sống và thường khi cũng ham sống nữa .
Trong cuốn Vòng đời vây bủa của Tiền Chung Thư ( tiểu thuyết này có tên trong một số cuộc thăm dò nhằm chọn ra 100 cuốn sách có ảnh hưởng nhất Trung quốc thế kỷ XX ) có một đoạn hai nhân vật bàn luận với nhau như sau :
Người thứ nhất : “ Tôi đã có lần nói chuyện với Bertie ( tức triết gia nổi tiếng Bertrand Russell ) về những cuộc li dị của ông. Ông dẫn một câu tục ngữ nói rằng hôn nhân như chiếc lồng sơn son thiếp vàng . Chim ở ngoài muốn làm ổ trong lồng mà chim trong lồng muốn bay ra ngoài . Người ta cưới nhau rồi li dị , li dị rồi lại cưới cứ như vậy không bao giờ hết cái trò ấy “
Và người thứ hai : “ ở Pháp cũng có một từ ngữ ý nghĩa giống vậy . Người Pháp không bảo hôn nhân là cái lồng son mà bảo là một toà thành bị vây , người ở thành muốn vào thành , mà người ở trong thành lại muốn ra ngoài “ .
Chúng tôi muốn nhắc lại câu chuyện đó để thử đoán ra ngụ ý nằm sau cái cách nhà văn Thiết Ngưng đặt tên cho cuốn sách của mình : Dường như ý bà muốn nói đây là một cuốn sách viết về tình yêu , nhưng là tình yêu hiện đại , tình yêu được sự hướng dẫn của lý trí , thành ra nó có vẻ hơi khô một chút . Khô theo cái nghĩa nó không được đẩy tới cùng , mà dang dở , không có hậu …( thật chẳng khác gì một thành phố không mưa !) . Song không sao , thời nay là vậy , con người hiện đại là con người biết vượt lên trên những yêu thích cá nhân để đóng cho trọn cái vai trò xã hội mà họ đã tự nguyện đảm nhận , và có do thế mà họ mang tiếng xấu như lừa dối , phản bội , thì cũng phải chịu .

Xu thế thời đại…
Có một cách nghĩ khá phổ biến cho rằng khi đã yêu nhau , con người phải biết hy sinh , tức là dám bỏ hết tất cả để sống cho nhau , nhờ vậy có dịp sống đúng sống hết cái phần nguyên bản trong trắng nơi mình . Lại có người nghĩ tình yêu là quan trọng , nhưng trong đời sống , có những cái còn quan trọng hơn , kẻ chỉ biết mê muội chạy theo tình yêu chính ra phải gọi đích danh là kẻ tầm thường . Bên này bảo bên kia lãng mạn cổ lỗ, trong khi bên kia cãi lại là sự thực dụng giết chết tình cảm . Nghe ra ai cũng có cái lý của mình , tuy nhiên , khách quan mà xét , phải nhận cái khuynh hướng thứ hai nói ở trên ngày càng trở nên phổ biến , bên trời Tây cũng vậy mà Trung quốc ngày nay cũng vậy . Đây cũng là cái kết cục phải tới của mối tình giữa người đàn bà say mê mang tên Hữu Giai và người đàn ông tỉnh táo ( đúng hơn là ban đầu cũng rất say mê , rồi sau mới tỉnh táo trở lại ) mang tên Vận Triết được miêu tả ở Thành phố không mưa . Theo ý tôi hiểu , cách giải quyết mà nhà văn Thiết Ngưng trình bày ở đây không phải là phát hiện hoặc đề xuất của riêng bà , chẳng qua bà chỉ làm công việc ghi lại một xu thế của thời đại . Cố nhiên tác giả đã làm việc này theo kiểu của một nhà văn , trong khi diễn tả sự chiến thắng của một xu thế suy nghĩ thì đồng thời cũng chỉ ra những đau xót mất mát mà nó mang lại , và cả cái vô nghĩa khi nó thắng thế . Sự trung thực của ngòi bút ở đây như vậy bao hàm sự thấu hiểu lẽ đời , nó cũng đồng nghĩa với sự đi sát được những vận động phong phú của đời sống .

…và cốt cách dân tộc
Trong văn hoá Trung Hoa , các ý niệm về tôn ty trật tự , nói chung là lý tính , vốn có vai trò chủ đạo . Nếu như người Việt nặng về tình , thì người Trung Hoa từ thời cổ thường đã có khuynh hướng vượt lên tình để nói tới lý , và một khi hướng hành động của mình theo sự tính toán lâu dài , có mang tiếng là tàn nhẫn , vô cảm , là lạnh là ác gì gì nữa , họ cũng không ngại . Thành thử cái sự giải quyết tình yêu kiểu như Thành phố không mưa không phải một sự học đòi phương Tây mà vẫn mang màu sắc Trung quốc . Cho đến cả người vợ nhà quê của Vận Triết cũng rất Tàu , với nghĩa bà biết thích ứng , biết chấp nhận , nhập ngay được vào cuộc sống mà từ trước bà chưa hề hay biết . Từ tất cả cái nền chung làm nên bằng toàn bộ các chi tiết được miêu tả trong tác phẩm ( chuyện làm giàu , chuyện đi tây , chuyện nước ngoài đến đầu tư , chuyện tham nhũng , và cả chuyện “khủng bố “ nữa , khủng bố theo kiểu dân gian … ) tính gộp cả lại , thì thấy Thành phố không mưa là bức tranh toàn diện về cuộc sống của con người Trung Hoa hôm nay . Sau một thời gian đóng cửa chỉ biết có mình , từ cuộc cải cách 1976, họ tự tin đi ra với thế giới , cái nội lực tích luỹ được trong nền văn hoá rực rỡ vốn có nay càng được dịp phát huy . Nhờ vậy , một trong những dân tộc già nhất của lịch sử lại đang trở thành một trong những dân tộc trẻ nhất của nhân loại hiện đại .



Ghi chú về tác giả
Tháng 8.1982, truyện ngắn Ôi, Hương Tuyết của cây bút nữ còn rất trẻ, hầu như chưa ai biết tên, xuất hiện trên Tạp chí Văn học trẻ, lập tức được bạn đọc và giới văn học Trung Quốc hết sức chú ý. Câu chuyện rất đơn giản: cứ chiều nào cũng vậy, các cô sơn nữ ở một bản miền núi hẻo lánh, xa xôi, lại ra đón chuyến tàu chỉ dừng lại ở quê mình đúng một phút. Chỉ một phút thôi, các cô gái trông thấy những thứ rất xa lạ với bản nhỏ quê hương như cái kẹp tóc, đồng hồ đeo tay, cái túi xách giả da, đôi giày, bộ trang phục của khách đi tàu... Tất cả đều là những câu chuyện để các cô gái bàn tán, suy tư. Trong sự hiếu kỳ kia là ước mơ vươn tới một cuộc sống tươi đẹp. Câu chuyện đậm chất lãng mạn, tâm lý nhân vật sâu sắc. Tác giả đứng ở góc độ một người thành phố để kể chuỵên, nhưng với một tâm hồn nhạy cảm, một tấm lòng đôn hậu, tỏ ra đồng cảm, yêu thương đối với nhân vật, nhận ra một thời đại mới trong cái non nớt, ấu trĩ qua tâm lý các cô gái miền núi kia. Truyện ngắn này là bước đầu tiên của Thiết Ngưng đến với sự nghiệp văn chương và các nhà phê bình văn học coi đó là tác phẩm “thành danh” của bà.
Sau đấy, tác giả cho ra đời một loạt truyện ngắn, truyện vừa khác khẳng định tài năng của mình như Người đàn bà chửa và con bò, Người con gái của dòng sông, Tấm áo đỏ không cúc (Giải thưởng truyện vừa xuất sấc năm 1982), Câu chuyện tháng sáu (Giải thưởng truyện vừa xuất sắc năm 1984), Đống rơm (Giải thưởng truyện vừa ưu tú năm 1986 – 1987). Thiết Ngưng còn có nhiều truyện vừa khác như Đối diện, Vĩnh viễn không xa (bản tiếng Việt đăng trên tạp chí Văn học nước ngoài số tháng 1.2001) rất được hoan nghênh. Thời kỳ đầu, Thiết Ngưng thường viết về những con người và sự việc bình thường trong cuộc sống, bà đi sâu vào nội tâm nhân vật, từ đó nói lên được những mâu thuẫn và đau khổ, ước mơ và con đường vươn tới của những con người bình dị mà hầu hết là những số phận phụ nữ nông thôn.
Bộ tiểu thuyết Cửa hoa hồng xuất bản năm 1988 đánh dấu bước ngoặt trong sáng tác của Thiết Ngưng. Trong tác phẩm này, tác giả thông qua cuộc cạnh tranh sinh tồn của ba thế hệ phụ nữ trong một gia đình để chỉ ra những xấu xa, nhơ nhớp trong cuộc sống. Khát vọng thời con gái (Bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản quí I - 2003) lại là nỗi khát khao được sống, làm việc, hưởng hạnh phúc chân chính, nhỏ bé của những người con gái lớn lên trong thời cải cách mở cửa và của lớp cha mẹ họ bị đoạ đầy khổ ải trong cách mạng văn hoá.
Một bài bình luận về Thiết Ngưng đăng trên Nhân dân nhật báo ngày 7.3.2001 nhấn mạnh: “Bất cứ một kỳ tích nào cũng có thể thấy ở Thiết Ngưng, bởi nhiều năm qua bà như một thầy phù thuỷ có sức cảm thụ nhạy bén, đầu óc tưởng tượng phong phú, khả năng khám phấ sâu sắc, trình độ hiểu biết và phân tích hiếm có cũng kỹ xảo tinh tế… Tác phẩm của Thiết Ngưng luôn luôn được người đọc trân trọng đón nhận. Hiếm thấy trên văn đàn một nhà văn nào có thể cuốn hút người đọc lâu bền đến thế…”
Thiết Ngưng sinh năm 1957 tại Bắc Kinh, bà là nhà văn trẻ nhất trong số các nhà văn xuất thân từ lớp “thanh niên trí thức” – những thanh niên học sinh, sinh viên phải về nông thôn lao động lâu dài để “giai cấp bần nông giáo dục lại”, theo cách nói hồi cách mạng văn hoá ở Trung Quốc. Hiện tại bà là Phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc.

Sơn Lê
SỐ TRUY CẬP online