Khi nói tới những nhà văn có tài trong việc viết về chiến tranh từ đầu thế kỷ XX ở phương Tây, người ta thường nhắc nhở tới tên tuổi E. M. Remarque (1898—1970 ). Phía Tây không có gì lạ, Trở về, Bia mộ đen, Thời gian để sống và thời gian để chết …, hầu như các tiểu thuyết đó ít nhiều đều có những trang trực tiếp viết về chiến tranh tới mức theo nếp nghĩ thông thường, chúng ta đoán Remarque luôn luôn có mặt ở các chiến hào, tận nơi “hòn tên mũi đạn”, và mỗi cuốn sách ra đời là gắn với một chuyến đi cụ thể, một chiến trường cụ thể. Song thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Theo dõi các tài liệu viết về Remarque, có thể ghi nhận một sự thực là từ 1915 đến 1918 ông từng ra lính và bị thương cả thảy 5 lần. Nhưng sau lần ấy trở về là thôi. Sau chiến tranh, ông lần hồi làm đủ nghề: làm giáo viên ở một vùng Đức giáp với Hà Lan; khắc bia; chơi đàn or- gan ở nhà thờ; lang thang với những người di-gan; rồi về Berlin làm tài xế lái các loại ô tô thí nghiệm, làm báo v.v.., cho đến 1929, sau khi cho in cuốn sách Phía Tây không có gì lạ thì sống hẳn về nghề văn. Nhưng từ 1929 về sau, cũng không thấy nói Remarque có mặt ở mặt trận nào cả. Nói chung, người ta nói nhiều đến các cuốn sách của Remarque hơn là cuộc đời ông. Trong khi hết lời khen ngợi những trang sách miêu tả sự thực chiến hào, cái chính là người ta khen ông tả giỏi, thể nghiệm giỏi, chứ không ai tìm cách liên hệ những trang viết đó và hoạt động của ông ở nơi này nơi kia. Có thể nói gần như chắc là sau những kinh nghiệm trực tiếp của mấy năm 1915-1918, “tài liệu chiến tranh” được viết trong các tiểu thuyết của Remarque phần lớn là tài liệu gián tiếp, nhưng do thể nghiệm cá nhân từ trước đã quá sâu nặng, nên nó có khả năng trở thành một thứ hạt nhân trung tâm, thu hút chuyện kể của những người khác, mang lại cho tài liệu sức sống, tức tiêu hoá được nó, biến nó trở thành kinh nghiệm của chính mình.
Mỗi nhà văn có cách làm việc riêng và khách quan mà xét, điều trước tiên đòi hỏi là chất lượng tác phẩm, còn cách nhà văn đi tới chất lượng đó là tuỳ tạng người, tuỳ lối viết. Song nói như vậy, cũng có nghĩa chỉ nên xem lối sống, lối làm việc của Remarque như một ví dụ để tham khảo, vì cũng trong văn học phương Tây hiện đại, ở bộ phận viết về chiến tranh có những tác giả làm việc theo lối khác hẳn. Có một văn hào rất nổi tiếng, từng viết được nhiều tác phẩm gây ra dư luận xôn xao, trong đó có những tác phẩm được coi là thuộc lại mẫu mực trong khu vực tiểu thuyết viết về chiến tranh, mà bản thân đời sống lại rất năng động, thích đi, thích trực tiếp tham dự vào các cuộc chiến , và mỗi tác phẩm đều gắn với một chuyến đi cụ thể.
Đó là trường hợp Ernest Hemingway. Đời Hemingway là những chuyến đi liên tục. Tiểu thuyết của ông, thường đơn nhất trong nhân vật và độc đáo về giọng điệu, thực ra lại là bản ghi khá chính xác những kinh nghiệm, những từng trải có được sau không biết bao nhiêu là lần đối mặt với chiến trận – ít ra, ông cũng muốn tự mình như thế, và muốn mọi người hiểu mình như thế. Tại đại hội các nhà văn Mỹ lần thứ hai, ông đã đứng lên đọc một bài phát biểu, nội dung chính là kêu gọi các nhà văn viết về chiến tranh một cách chân thực, kêu gọi sẵn sàng ra mặt trận “chấp nhận nguy hiểm”, vì “có trải qua tất cả các nguy hiểm đó mới có thể tìm được chân lý về chiến tranh”. Ông nói:
“Tôi khẳng định rằng bạn sẽ quen với chiến tranh. Nếu thực sự thích thú để tâm đến khoa học chiến tranh – mà đây là một khoa học vĩ đại – và nếu bạn chú ý tìm hiểu xem trong những giây phút nguy hiểm nhất người ta đã xử sự như thế nào, chắc chắn bạn sẽ say mê với công việc đó đến nỗi chỉ thoáng một suy nghĩ nhỏ về số mệnh riêng của bản thân mình đối với bạn cũng trở thành một thứ cá nhân ích kỷ đáng ghê tởm”.
Ông nhìn thẳng vào những đau thương mất mát có thể xảy ra và đưa ra lập luận “Khi ra tiền tuyến tìm chân lý, có trường hợp họ (các nhà văn) chỉ tìm thấy cái chết thay cho chân lý. Nhưng nếu có 12 người ra đi và chỉ có 2 người trở về, thì lúc đó, chân lý họ mang về sẽ thực sự là chân lý, chứ không phải những lời đồn đại bị bóp méo mà chúng ta nhận xằng rằng đó là lịch sử”.
Tóm lại , không những Hemingway có thể viết về chiến tranh một cách hấp dẫn, sinh động, mà ông còn đứng ra kêu gọi người khác cùng làm như ông, để có được các tác phẩm hấp dẫn sinh động. Đối với những người am hiểu văn học phương Tây, bản thân cuộc sống của Hemingway lâu nay đã là cả một thứ huyền thoại, ở đó nhiều chuyện, thật và không thiếu những lời bịa đặt, nhưng phần chân thật vẫn là chủ yếu. Trong những cuốn tiểu sử Hemingway, bên cạnh những trang kể chuyện ông đi săn, câu cá, xem đấu bò tót, du lịch v.v.. bao giờ người ta cũng lưu ý kể ra ít nhất ba lần ông giáp mặt với chiến tranh.
- Lần thứ nhất, ông trực tiếp đến với những người lính tại áo,ý, làm cứu thương, rồi bị thương (1918).
- Lần thứ hai, ông tham dự chiến đấu bên cạnh những chiến sĩ cộng hoà Tây Ban Nha (1936-1938).
- Và lần thứ ba, ông theo du kích vào giải phóng Paris (1945)
ấy là không kể những lần làm phóng viên theo dõi “cuộc chiến nho nhỏ” giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc ở vùng biển Cuba, tham gia những chuyến săn tàu ngầm Đức, cũng trong Đại chiến thứ hai v.v..
Trực tiếp tham dự chiến tranh đã thành một nét trong phong cách sống của Hemingway, đến mức, có lần, than thở rằng mình viết ít, ông bảo là tại “có nhiều cuộc chiến tranh quá”, khiến ông mải đi không có thì giờ để viết nữa. Chiến tranh không những là khu vực Hemingway có mặt để lấy tài liệu mà còn là hoàn cảnh để ông thể nghiệm những suy nghĩ tình cảm của mình đôí với đời sống nói chung. Đấy chính là chỗ Hemingway gần gũi với những người viết Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX . Chúng ta có thể học nhiều ở Hemingway trong việc biến kinh nghiệm sống thành tác phẩm, những tác phẩm có giá trị nhân bản và giá trị nghệ thuật thực thụ.
Con người ham thích thể thao
Ngay về thể chất, Hemingway đã là một con người rất đặc biệt. Thời đi học, cậu thanh niên Ernest rất mê thể thao trong đó có quyền Anh (bốc). “Bốc dạy tôi không bao giờ biết nản lòng, dạy tôi sẵn sàng tiến công, tiến công mạnh mẽ, như những chú bò đực trong các cuộc đấu”.
Nhà nghiên cứu văn học Liên-xô I. Kachkin kể lại một chuyện vui vui: “Từ năm 14 tuổi, Hemingway đã theo học trường dạy quyền Anh ở Chicago. Trong ngày đầu, một trong những huấn luyện viên đã đấm ông chảy máu mũi. Người huấn luyện viên đó đã nhận đủ tiền cho cả khoá học, nhưng lại muốn xua đuổi những người mới học ngay từ buổi đầu. Nhưng Hemingway đâu có phải người chịu như thế. Sau khi ở với cha để chữa mũi, ông lại tiếp tục học và mặc dù trong quá trình học, ông bị chấn thương nặng ở mắt, quyền Anh vẫn là môn thể thao được ông ưa thích trong suốt cuộc đời”.
Lại có lần, chính Hemingway bảo “Hồi đi học, tôi thích chơi bóng đá nhất, rồi đến chơi bóng rổ, sau đó là đua xe đạp và chơi bóng chày. Tôi mệt nhoài vì các môn đó đến mức chẳng còn sức đâu mà theo đuổi khoa học. Tôi tự học nhiều hơn, sau khi rời trường sở”.
Đầu những năm hai mươi, Hemingway đến châu Âu, và giao du khá rộng với giới văn chương nổi tiếng bấy giờ. Theo quan niệm thông thường, những người cầm bút đại loại là lớp người “trói gà không chặt”. André Gid suốt đời đau yếu, hết lo cảm lạnh lại lo cúm, và ăn uống thì cảnh vẻ, khó khăn. Marcel Proust mắc chứng thấp rất nặng, thích ngồi trong phòng ấm, xa lạ với mọi thứ tiếng ồn, nếu chân lại được ngâm nước nóng nữa thì càng tốt . Đại khái, những đồng nghiệp đương thời là vậy. Hemingway thì khác. Trong khi bộ mặt thông thường của các nhà văn là bộ mặt rầu rĩ, thì Ernest Hemingway nổi tiếng là người yêu đời, thậm chí ít nhiều còn bối rối vì sức mạnh lực sĩ của mình. Trong khi nhiều nhà văn khác chỉ cấm cung trong “tháp ngà”, ông là người của hoạt động ngoài trời : một người đi săn tuyệt diệu, chơi quần vợt tài giỏi, đua xe đạp say mê, người trượt tuyết không biết mệt mỏi. Lại nữa, trong khi các nhà văn khác thích tô son điểm phấn cho tiểu sử của mình, thêm vào đấy những chuyện bi luỵ cho thêm về tâm lý thống thiết thì Hemingway lại làm việc đó với một chút đùa cợt. Có lần nhà văn kể với một phóng viên báo chí rằng vì hoàn cảnh gia đình ông sớm phải làm nhiệm vụ của một võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp, từ đó ông kiếm thêm các khoản thu nhập và về sau phải chật vật lắm, mới bỏ được nghề này. Đối chiếu với tiểu sử Hemingway, những chuyện vừa kể chẳng khác một thứ bịa chơi cho vui, có điều nó không can hại gì. Chẳng những thế, nó vẫn nói lên một sự thực: ông mê thể thao, vì cảm thấy trong thể thao người ta có thể học được nhiều điểu bổ ích: “để giữ vững niềm tin trong những ngày tháng gian nan ; để tận hưởng một cuộc sống mà không phải bao giờ cũng đầy ấm áp, một cuộc sống không dễ mỉm cười với các tài năng”.
Hemingway mê thể thao không những vì mình, mà còn vì người khác nữa. Bằng chứng là cái lần, tại trường đua xe đạp mùa đông ở Paris, ông đã cứu sống võ sĩ hạng nhẹ Tovare, khi người võ sĩ này bị các ông bầu hám tiền tống ra đấu với một võ sĩ hạng trung, và sau mười hiệp, suýt nữa bị thiệt mạng. Trong lúc Tovare bị chấn thương (sau này trở thành tàn tật) , Hemingway đã cởi áo, nhảy lên vũ đài, giáng cho đối thủ của Tovare những đòn như trời giáng..
Hemingway xem thể thao như một mô hình thu nhỏ về cuộc đời.
Hemingway tìm thấy trong thể thao một lời khuyên bổ ích : phải biết chiến thắng.
Khó lòng đánh giá cho hết vai trò của nhận thức về thể thao đối với những suy nghĩ về đời sống của Hemingway nói chung. Khi nghe Hemingway tự nhận “Tôi luôn luôn làm việc khi biết rằng có thể đạt tới một cái gì đấy và luôn luôn ngừng lại, khi biết rằng mình còn phải tiếp tục đi nữa”, hoặc Hemingway triết lý về nghề văn “Con người sẽ giết chết mình, nếu như hắn viết kém hơn cái mà hắn có thể viết”, ta luôn luôn nhận ra cách nói, cách nghĩ của một người ham thích thể thao. Nói rộng hơn đó là một người hiểu đời sống là một cuộc đấu tranh, và trong cuộc đấu tranh này, muốn đúng tầm người, người ta phải có sức mạnh.
Bởi lẽ xuất phát từ một quan niệm đời sống như thế, Hemingway đã tìm cách giáp mặt với chiến tranh, ở khoảng cách gần nhất, mà ông có thể đạt tới. Một người của bạn của ông, nhà văn Archibald Mac Leish đã phác ra một nhận xét khái quát “không bao giờ ông đi ra trận mà không dự trận và trận nào ông biết là ông cũng đi. Ông tham dự đại chiến thế giới thứ nhất bằng cách lái xe Hồng thập tự không ai ra lệnh ông cũng ra tận một chiến hào ở tuyến một để rồi bị thương ở đầu gối. Ông tham dự chiến tranh ở Tây Ban Nha để viết chuyện phim và học được cách rửa những vết bỏng vì thuốc súng mà không cần nước. Ông tham dự Đại chiến thế giới thứ hai với tư cách một phóng viên nhưng ông thường làm cho các cán bộ chỉ huy lo ngại”
Sau đây, là những tài liệu cụ thể liên quan đến các chuyến đi đó.
Chuyến đi thứ nhất
Vốn quê ở Oak – Park, bang Illinois, gần Chicago, ngay khi học xong trung học Hemingway đã rất mê nghề làm báo, và cạy cục nhờ một người chú xin cho làm phóng viên ở tờ Star (Ngôi sao) ở Kanzas City. Star là tờ báo thích đào tạo phóng viên mới hơn là mua các phóng viên có kinh nghiệm ở các báo khác chuyển sang. Sau khi dạy cho Hemingway những kinh nghiệm nghề nghiệp tối thiểu, người ta mở ra cho ông một khu vực hoạt động khá rộng, từ chạy tin ở sở cảnh sát, ở ga chính, bệnh viện chính của thành phố, cho đến các bài điều tra có qui mô rộng hơn. Có điều, Hemingway vẫn luôn luôn nghĩ đến chiến tranh, ông muốn sang châu Âu tham dự vào cuộc Đại chiến thứ nhất đang sắp sửa kết thúc. Dù xin vào đâu, lục quân, hải quân, người phóng viên trẻ đều bị từ chối, lý do là ông bị tật ở mắt, sau lần tập quyền Anh hồi trẻ. May sao, có một người bạn mới là Ted Brambac, người này chỉ cho Hemingway một cách để được sang châu Âu, đó là xung vào đội vận tải của Hội chữ thập đỏ. Hemingway làm theo, quả nhiên trót lọt. Ngày 30-4-1918, Hemingway nhận đồng lương cuối cùng để ra đi. Sau này, trả lời một cuộc phỏng vấn, nhà văn ghi nhận tâm trạng của ông lúc đó “Khi anh bước vào chiến tranh như một cậu bé, anh luôn luôn bị ám ảnh bởi một ảo tưởng ghê gớm là sự bất tử. Những kẻ khác sẽ bị chết chứ không phải anh. Phải sau một lần bị thương nặng, cái ảo tuởng này mới sụp đổ và anh hiểu rằng cái chết có thể đến với anh bất cứ lúc nào”.
Công việc của Hemingway thời gian này là theo xe mang chocolate, thuốc lá, bưu thiếp tới các chiến hào. Phương tiện chiến đấu của người ta bấy giờ còn thô sơ, chưa hiện đại như bây giờ, nên làm thế, nghĩa là đi sát với người lính ở tuyến một. Rất nhanh, Hemingway giáp mặt với lửa cháy, đạn nổ “Chúng tôi đi tìm và thấy nhiều xác chết trông rất sợ, và phải nói thật, chúng tôi lạnh cả người, khi thấy những người chết này không phải là đàn ông, mà là phụ nữ”.
Tuy nhiên, ông vẫn ham đi, ham viết. Trong một bưu thiếp gửi về quê hương, ông viết “Ngày mai, tôi sẽ ra trận. Ôi các bạn ! Sung sướng biết bao là tôi đã có mặt ở đây”.
Ngày 8-7-1918, hai tuần trước khi Hemingway tròn 19 tuổi, ông bị thương tại mặt trận Fosalta di Piave.
Nhiều năm sau, ông còn trở lại với tâm trạng của mình, theo dõi nó, phân tích nó khá mạch lạc.
“Tôi muốn thở nhưng không sao thở nổi. Tôi cảm thấy toàn thân mình nổ tung”.
“Tôi có vẻ hoàn toàn tỉnh táo mà lại hoàn toàn mê man, không hay biết gì hết. Bản năng bảo tôi phải bò đi, bò qua bùn bẩn, thoát khỏi khu vực đang lụp bụp tiếng nổ của đại bác. Tôi tự hỏi: liệu tôi còn sống?”
Theo một tài liệu viết về tiểu sử Hemingway, lần ấy ông bị đạn liên thanh của quân áo “quạt” trúng chân. “Chân tôi lúc này như sục trong một thứ giấy cứng, đổ đầy nước sôi”. Tổng số mảnh đạn gây nên vết thương lên tới một con số đáng sợ. “Giờ đây tôi cảm thấy 227 vết thương như 227 con quỷ nhỏ, cùng gõ đinh vào người tôi”. Nói cách khác, chỉ nhờ may mắn như nhờ một phép màu nào đó, mà Hemingway sống sót. Đây là cảm giác mà nhiều chiến binh từng bị thương ở mặt trận có thể chia sẻ:
“Tôi đã chết, tôi cảm thấy linh hồn tôi hoặc một cái gì tương tự bay lên khỏi thân thể tôi, như khi người ta lôi một chiếc khăn lụa ra khỏi túi. Nó đã bay lên và chỉ vì nó trở về đúng chỗ, nên tôi còn sống”.
Gần như suốt nửa cuối năm 1918, Hemingway phải nằm bệnh viện. Trong một bức ảnh, người ta thấy anh thanh niên này học đi. Trong một ảnh khác, anh đội mũ chào mào môi chụm lại thổi sáo. Những suy nghĩ đã đến trong đầu Hemingway lúc này – ai biết? Điều cầm chắc là ông nghĩ nhiều đến cái chết. Có lẽ, đã đến với ông cả câu trích trong vở Heinrich IV của Shakespeare mà ông rất thích “Thật tình mà nói, với tôi, mọi chuyện đều vậy thôi . Cái chết chưa qua đâu, cần phải đánh giá đúng mức cái chết. Và trong mọi trường hợp, ai chết trong năm nay, nghĩa là thoát chết trong năm tới”
Hoá ra, cái để lại sâu sắc trong Hemingway không phải là những vết thương vật chất kia, mà là những vết thương “trong cõi tinh thần “. Đấy cũng là chỗ khiến cho tư tưởng của Hemingway lúc này mang đậm màu sắc hoài nghi, chán chường, rất gần với những tư tưởng của thanh niên thuộc “thế hệ vứt đi” cùng tuổi với ông.
Nguyên bấy giờ là những ngày tiếp sau Đại chiến thế giới thứ nhất. Tuy so với các cuộc chiến tranh về sau, thì mức độ ác liệt chưa đi đến đâu, nhưng cuộc chiến tranh này để lại trong tâm trí những người đương thời nhất là lớp thanh niên trẻ tuổi mới lớn lên dưới chế độ tư bản một ấn tượng kinh hoàng. Thoát chết trở về, họ tự hỏi nhau “Chẳng nhẽ cuộc sống lại ghê gớm đến thế”. Niềm tin trong sáng của họ hôm qua, niềm tin vào đạo lý, công bằng, không còn nữa. Trông một cuốn tiểu thuyết một nhân vật thú nhận “Với một nỗi buồn ghê gớm, tôi chứng kiến ở mình một điều: Trong thực tế, thế giới này mất đi những gì mà vì nó, tôi có thể chết.
Nếu không có cái đó, cái mà vì nó, tôi có thể chết, có nghĩa là tôi đã rơi vào một sự trống rỗng không cùng, và tất cả mọi thứ, kể cả tôi, có thể bị tiêu diệt”.
Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Remarque mà trên kia chúng tôi đã nhắc, cuốn Phía Tây không có gì lạ, tác giả tự nhận mình muốn “viết về một thế hệ bị chiến tranh giết, tức viết về những người bị trở thành vật hy sinh, ngay cả khi họ tránh được các loạt đại bác”.
Về phần mình, Hemingway đã diễn tả tâm trạng cá nhân mà cũng là tâm trạng của những người đương thời rất thành công trong hai cuốn tiểu thuyết suất sắc Và mặt trời vẫn mọc (1926), Giã từ vũ khí (1929).
ở cuốn thứ nhất, chúng ta thấy hiện lên hình ảnh một nhóm thanh niên trống rỗng, bơ vơ, chơi bời, ăn nhậu cho qua ngày vì ở họ, nỗi sợ trước cuộc sống còn ghê gớm hơn nhiều so với nỗi sợ trước cái chết. ở cuốn thứ hai, nhân vật chính Henri Frederic từ từ chiến tranh trở về, mà như chết nửa đời người. Chiến tranh xâm lược vô nghĩa gợi ra trong lòng Henry chán ngán kinh khủng tới mức anh còn chỉ hy vọng vào tình yêu với cô gái Catherine. Nhưng rồi cả Catherine và đứa con nhỏ của họ không tránh khỏi cái chết. Mong mỏi chạy trốn xã hội để trốn vào thế giới đơn độc của mình, hoàn toàn sụp đổ.
Hemingway đã viết Giã từ vũ khí như thế nào? Tất cả những từng trải của Hemingway mà trên kia chúng ta nhắc tới, đã được Hemingway tận dụng . Hơn nữa , ở đây, có một cái gì như là quan niệm riêng của Hemingway. Phải nói là nhiều khi, ông cố tình tạo ra những chi tiết để chúng ta nghĩ rằng những gì ông viết ra đều là có thật. Lấy một ví dụ: trung úy Henri trong Giã từ vũ khí cũng là người Mỹ, cũng bị thương trong mặt trận áo – ý. Và nhân vật Catherine thì có nhiều nét của cô gái mà Hemingway đã yêu, khi nằm trong bệnh viện ở Milan. Cố nhiên, không nên vì thế mà coi tác phẩm của Hemingway là hồi ký, là tự truyện. Giữa cuộc đời thực của Hemingway và cuộc đời của các nhân vật trong sách có nhiều chỗ giống nhau, nhưng không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Điều chúng ta biết chắc là Hemingway đã nghiền ngẫm chung quanh đề tài mà ông lựa chọn rất lâu, gần chục năm trời, nghiền ngẫm về nó, ngay trong những hoàn cảnh tưởng như hết sức xa lạ với nó. Nhà văn VN là Nguyễn Minh Châu từng nói là nếu xuống biển hay về thành phố chúng ta sẽ nghĩ về rừng sáng tỏ và khái quát hơn, tất nhiên trước đây phải có những ngày sống ở rừng, sống lâu dài và hết mình. Từ một môi trường mới, ta có thể nhìn mọi vật ở nơi cũ sáng tỏ và bao quát hơn, gợi cho ta nhiều điều suy nghĩ sâu xa và rộng lớn hơn. Paris, Paris những năm 20 đối với Hemingway đã trở thành một địa điểm lý tưởng để ông nghĩ lại về những ngày làm cứu thương trên mặt trận . Những tiệc rượu tàn canh, những vui say quá đà nhiều khi trở thành một chất lọc rất tốt, để những kỷ niệm cũ thấm qua, đứt nối, rời rạc, nhưng lại rất đầy đủ. Giữa những thanh niên ngã xuống ở mặt trận hôm qua giữa làn đạn liên thanh và những thanh niên chơi bời, cố tìm cách chơi bời cho thoả chí, để quên nỗi bơ vơ trong lòng, hôm nay, không có gì xa lạ, họ thuộc cùng một lớp người, cùng một ý nghĩ. Hemingway hiểu điều đó, ông hiểu “thế hệ vứt đi” tận gốc, ông muốn trình bầy cả quá trình hình thành của thế hệ đó. Và ông đã viết, viết bằng cách sống kỹ lưỡng với những kỷ niệm mà chiến tranh để lại trong mình, nhìn nhận vào nó bằng con mắt sáng suốt và đầy tinh thần trách nhiệm. Nhà văn không tả lại chiến tranh như ông đã nhìn thấy (các đoạn viết về chiến tranh chỉ hiện ra ỏ từng mảng rời rẽ ), điều mà nhà văn quan tâm ở đây là những ảnh hưởng chiến tranh để lại trong đời sống tinh thần và số phận con người. Rồi ông lấy luôn những kinh nghiệm bản thân làm tài liệu chính xây dựng nên tác phẩm. Với ông, nhiệm vụ nhà văn, không phải là đi quan sát người khác, vả có quan sát mấy, mà không có thể nghiệm bản thân thì cũng vô ích, cái chính là biết khai thác ở bản thân những yếu tố có ý nghĩa chung, những yếu tố người khác cũng thông cảm được. Bấy giờ tất cả mọi nhân tố cá nhân đều mang ý nghĩa xã hội, nhiều chuyện tưởng chỉ động đến một người hoá ra động đến nhiều người , và giữa những chuyện xảy ra chốc lát hôm nay với những chuyện gọi là vĩnh viễn muôn đời, tự nhiên có sự gặp gỡ. Quan niệm của Hemingwayvề nghề văn là thế. Trong khi nhìn kỹ vào từng hành động con người và từng tâm trạng cụ thể, tác giả vẫn biết hướng tới và diễn đạt thành công một không khí chung của chiến tranh. Bởi vậy, mặc dù Giã từ vũ khí cũng như Chuông nguyện hồn ai bề ngoài giống như một câu chuyện tình yêu hơn là một tiểu thuyết ùng oàng khói đạn , song cả hai lại sống lâu hơn rất nhiều so với loại sách kể chuyện đánh nhau tỉ mỉ, lặt vặt, viết nên bởi những cây bút hạng nhì lúc bấy giờ . Trả lời câu hỏi của O’Connor “ Trong tiểu thuyết của ông, ông có viết về bản thân ông không?” Hemingway đã hỏi lại “Có nhà văn nào biết ai rõ hơn biết mình không? ”. Chúng ta chỉ cần nói thêm: loại nhà văn mà Hemingway nói ở đây là những ngòi bút có tư cách thực thụ, chứ không phải những kẻ làm thuê viết mướn, chỉ viết về chiến tranh để lấy một chỗ đứng, cũng như không phải là những kẻ hèn nhát mà ông khinh rẻ.
Một trong những thành công khác được nhắc nhở của các tiểu thuyết Hemingway là tác giả vận dụng nhuần nhị kỹ thuật độc thoại nội tâm và dòng ý thức vào việc miêu tả tâm trạng nhân vật. Nói chung là những gì làm nên chỗ mạnh của ngòi bút Hemingway đều được vận dụng để miêu tả chiến tranh và con người trong chiến tranh. Dường như tác giả muốn bảo với chúng ta rằng sức chứa của đề tài chiến tranh là vô tận, và việc viết về chiến tranh đòi hỏi cả những thể nghiệm nghệ thuật hết sức nghiêm túc, cũng như ở mọi lĩnh vực khác của đời sống con người. Chúng ta biết những thể nghiệm nghệ thuật này chỉ có ý nghĩa và có giá trị thiết thực do bắt nguồn từ những từng trải của chính tác giả. Nhưng đấy không phải chỉ là điều Hemingway biết đón nhận, mà cũng là điều ông chủ động chuẩn bị, và trong nhiều phen, lấy thân mình ra bảo đảm. Còn như khách quan mà xét, thì việc vận dụng những biện pháp nghệ thuật này là cả một xu thế của thời đại. Các nhà nghiên cứu Xô-viết gần đây đã chỉ rõ trong tiểu thuyết Chiến bại của A Fadeev chất trữ tình, việc đi sâu vào nội tâm cũng có những khía cạnh gần gũi với văn học phương Tây đương thời. Trong tay những nhà văn như Hemingway, như Fadeev, độc thoại nội tâm và dòng ý thức trở thành một phương tiện hữu hiệu để biểu đạt những khía cạnh mới trong đời sống tinh thần con người ở thế kỷ này.
Chuyến đi Tây Ban Nha
Đầu 1919, Hemingway trở về Mỹ, và đồng thời với việc viết văn, lại tiếp tục làm báo. Cuối năm 1921, ông nhận làm phóng viên cho tờ Ngôi sao hàng tuần ở châu Âu. Trên cương vị này, Hemingway tham dự đủ việc. Ông tiếp tục viết về những cuộc đi săn, những chuyện câu cá thú vị. Nhưng ông còn viết về lãnh tụ cộng sản Pháp Marcel Cachin, cũng như phỏng vấn Clémenceau, và Mussoline. Những bài báo của ông, mãi đến 1947 còn được một nhà xuất bản ở New York tập hợp lại thành một tập sách riêng, mang tên Theo phóng viên của bản báo E. Hemingway. Mở đầu bài Sự phản bội, sự thất bại và cuộc khởi nghĩa, nói về cuộc chiến ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ lúc ấy, ông kể “Khi tôi viết những dòng này, các chiến binh Hy Lạp bắt đầu rút khỏi miền đông Fraki . Suốt ngày tôi đi cạnh họ, bẩn thỉu, rách rưới, râu không kịp cạo.”. Trước sau ông vẫn muốn nhìn chiến tranh thật gần, và sẵn sàng đứng bên những người lính lam lũ nhất.
Nhưng phải đến 1936, khi ông có mặt bên các chiến sĩ cộng hoà Tây Ban Nha, ta mới có dịp thấy thật rõ con người của ông, lối làm việc của ông.
Về hoàn cảnh Tây Ban Nha lúc ấy, chúng ta có thể hình dung qua lời lẽ của Hemingway khi trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Hỏi - Về quyển Chuông nguyện hồn ai, tôi được biết ông viết khi đang ở Tây Ban Nha. Nhưng ông làm gì ở đó?
Trả lời - Tôi đến để tìm hiểu cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha để viết cho một tờ báo ở Bắc Mỹ. Tôi đi theo mấy chiếc xe cứu thương của phía cộng hoà.
Hỏi- Sao lại phía cộng hoà?
Trả lời - Tôi đã thấy nước cộng hoà hình thành. Tôi ở đó lúc vua Alphonse thoái vị và tôi chờ đợi nhân dân viết bản hiến pháp của họ. Đó là nước cộng hoà cuối cùng được hình thành ở châu Âu và tôi tin ở nó. Tôi tin rằng trong phía cộng hoà sẽ thắng và chắc chắn sẽ có một nước cộng hoà chân chính ở Tây Ban Nha .
Tính ra, Hemingway đến Tây Ban Nha trong vòng hai năm 1937-38 cả thảy bốn lần. Lần dài nhất là bốn tháng. Ông không chỉ viết Chuông nguyện hồn ai mà còn viết vở kịch Đội quân thứ năm, viết kịch bản và lời thuyết mình cho bộ phim Đất Tây Ban Nha và nhiều phóng sự, bút ký, truyện ngắn cho các báo chí.
Mỗi tác phẩm trên đây gần như một chiến công của Hemingway, bởi để viết mỗi tác phẩm đó, ông phải giáp mặt với chiến tranh theo một cách riêng. Nội dung từng tác phẩm cũng như lời kể của tác giả về quá trình ra đời của tác phẩm khẳng định điều đó. Một loạt bằng chứng khác: sự xác nhận của những nhà văn nghệ sĩ khác, cũng ở Tây Ban Nha lúc này.
Phóng sự Tây Ban Nha thực ra là một thứ nhật ký của Hemingway đưa chuyển thẳng cho báo chí. Thời gian được ghi gồm bốn chặng.
Tập 1: từ tháng ba đến tháng năm 1937 . Tập 2: tháng chín đến tháng mười hai 1937. Tập 3 : tháng tư 1938 . Tập 4: từ tháng chín đến tháng mười một 1938. Địa điểm Hemingway từng có mặt cũng khá rộng, suốt từ Valencia, mặt trận Gvadalaha, đến Barcelona, Tortosa, rồi mặt trận Aragon, Téruel, Castellon, Lérida, cố nhiên là nhiều lần ở Madrit vì Madrid cũng là một mặt trận. “Gió lạnh và mạnh cuốn những bụi đất do đại bác cày lên vào đầy mũi, đầy mồm”, “chưa bao giờ tôi lại thấy khát kinh khủng như đợt tấn công này. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến một thứ nước”. Những nhận xét như thế đầy rẫy trong tập phóng sự. Một hoạ sĩ nổi tiếng ở Mỹ la tinh là A.Siqeuiros kể: “Chúng tôi thường gặp Ilia Ehenburg và Hemingway trong chiến hào. Cả hai đều có thể thản nhiên ngồi rít píp, ngay khi vừa qua các cuộc xung phong của quân Marốc”.
Để làm bộ phim Đất Tây Ban Nha, Hemingway lại cùng với J. Ivens nhiều khi có mặt ở những vị trí đang xảy ra đánh nhau. Bên cạnh những trường đoạn tả về đất, đất khô cằn và khắc nghiệt, là những trường đoạn đặc tả gương mặt những người đang chiến đấu. Đây là lời bình cho một đoạn ở phần hai:
“Người để râu là Maritines de Argon, một chỉ huy quân sự. Trước chiến tranh, ông là một luật sư. Giờ thì ông trở thành một chỉ huy có tài và dũng cảm. Ông đã chết trong cuộc tiến công vào Casadel Campo vào đúng ngày chúng tôi đến quay trận chiến đấu này.”
Nhiều lần, đoàn làm phim bị làm rầy rà, đại khái các chỉ huy quân sự muốn họ rút ra nhanh khỏi khu vực có chiến sự, để tránh thương vong vô ích.
Còn như trường hợp Đội quân thứ năm, thì hoàn cảnh ra đời của nó đã được chính tác giả kể lại trong lời tựa. Hồi ấy là mùa thu và đầu mùa đông 1937, khi ông sống ở khách sạn Florida, nơi luôn luôn bị pháo kích.
“Hàng ngày đạn pháo ở gần Laganes, và trên dốc núi Garbitas bắn về phía chúng tôi. Mỗi lần lên tuyến một – ở cách đấy khoảng năm trăm mét – tôi giấu vở kịch vào tấm đệm đã được cuộn lại. Mỗi lần quay về, tìm được căn phòng và thấy vở kịch còn đó, lòng tôi không khỏi có chút vui vui . Giờ vở kịch đã viết xong, tôi chép lại và gửi nó đi, trước khi Teruel thất thủ”.
Ngay từ 1938, Đội quân thứ năm và 49 truyện ngắn khác được in thành một tập sách riêng. Trong tuần lễ đầu sau khi phát hành, lượng sách được bán ra là 6.000 bản. Con số là một dấu hiệu chứng tỏ những gì Hemingway viết về chiến tranh đáp ứng đúng những đòi hỏi của dư luận lúc ấy.
Nhưng thành tựu văn học lớn hơn của của Hemingway thời chiến tranh Tây Ban Nha là tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai. Nhân câu chuyện một chiến sĩ tình nguyện quân người Mỹ được cử đến phối hợp với một tốp du kích Tây Ban Nha phá một cây cầu, tác phẩm có dịp mở ra nhìn nhận cả “thế giới lớn”, tức một số phương diện của cuộc nội chiến Tây Ban Nha, tô đậm không khí chiến tranh lúc ấy, từ đó tố cáo bọn phát xít Franco và ca ngợi tinh thần chiến đấu ngoan cường của nhân dân Tây Ban Nha. Có người đã nói là với Chuông nguyện hồn ai, lần đầu tiên hình ảnh sinh động của chiến tranh nhân dân đã đi vào văn học phương Tây. Mặt khác, nhân mối tình của Robert Jordan – tên người chiến sĩ tình nguyện quân – với cô gái Maria, tác phẩm cũng dựng lên trong nó một “thế giới nhỏ”, trong đó thể hiện quan niệm của tác giả với những vấn đề như chủ nghĩa anh hùng, tính lãng mạn và vẻ bi thảm của cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Bao giờ cũng vậy, cái nhìn của Hemingway trước tiên là cái nhìn của một người từ trong chiến tranh nhìn ra. Những trang sách của ông là một thứ phiên bản của những ghi nhận mà một người trong cuộc ghi lấy cho mình, cho bạn bè mình đọc. Nhưng ở ông còn có con mắt của một người đứng ngoài tỉnh táo nhìn vào, đúng mức, độ lượng. Không phải chỉ viết như một người tham dự, ông con đứng ra đảm nhận vai trò xét đoán chiến tranh. Tác phẩm vì thế, mang trong nó nhiều vấn đề, nhiều ý nghĩa.
Chung quan quá trình ra đời của Chuông nguyện hồn ai có một vài điều cần đuợc lưu ý.
Một là Hemingway đã viết nó rất nhanh. Chuyến đi cuối cùng ở Tây Ban Nha của Hemingway là cuối 1938, thì đến 1-3-1939 , ông đã trực tiếp bắt tay vào việc khởi thảo và đến tháng 7-1940, tiểu thuyết coi như hoàn thành. Khoảng cách giữa thời điểm mà sự kiện xảy ra và thời điểm mà Hemingway có được cách tiếp nhận riêng, khoảng cách ấy không phải là quá dài. Lý thuyết về độ lùi mà chúng ta từng nghe nói (giữa sự kiện và tác phẩm phải có một khoảng cách cần thiết), lý thuyết ấy ở đây không có ý nghĩa gì hết.
Hai là tư duy tiểu thuyết của Hemingway trong Chuông nguyện hồn ai rất mạch lạc.
Có một câu nói của Hemingway thường được người ta trích dẫn “Nghề thích hợp nhất với người viết văn là nghề làm báo”, nhưng ông còn nói thêm (và đây là điều người ta hay giấu) “với điều kiện là ta rời bỏ nó đúng lúc”. Tức là theo Hemingway, mỗi nghề này có một lối tư duy riêng, mà ta không được lẫn lộn, cần viết cái gì cho ra cái đó. Nhiều sự kiện, ý rõ, lỗi viết gọn gàng, đây là cách viết của Hemingway trong Phóng sự Tây Ban Nha. Còn trong Chuông nguyện hồn ai, sự việc đóng vai trò một thứ sườn cốt truyện, để làm nổi rõ hơn cái chủ yếu là tâm trạng con người. Thu hút được mọi thể nghiệm mà Hemingway từng trải trong chiến tranh, đồng thời cuốn tiểu thuyết này còn mang những nghiền ngẫm suy tư của Hemingway chung quanh nhiều vấn đề lớn lao về đời sống con người. Về quan hệ giữa con người và thế giới. Về những rằng rịt giữa tình yêu, sự sống, cái chết. Nhà văn Anh James Aldridge từng bảo: “ Người nghệ sĩ tìm thấy trong chiến tranh một sự cắt nghĩa rõ ràng đối với phẩm cách con người. Chiến tranh bất ngờ mở ra cho người nghệ sĩ thấy ở con người những khía cạnh nguyên thuỷ của nó, sự cao thượng, điều tốt lành, sự dũng cảm và những ý nghĩ không mục đích, sự dễ dàng rơi vào thất vọng, thói hèn nhát – tất cả những mâu thuẫn, thậm chí cả những bí mật rất nhỏ mà người nghệ sĩ đào xới mãi không hết”. Hemingway cũng có thể nói vậy. Lúc này, khả năng nói những cái lớn lao thông qua những cái bình thường đơn giản ở ông đã đến trình độ rất cao. Mặc dù vẫn dựng theo mô hình quen thuộc của tiểu thuyết xoay quanh một cá nhân, nhưng Chuông nguyện hồn ai mang trong nó nhiều dấu vết của sự kiện lịch sử xảy ra ở Tây Ban Nha, nhờ chỗ phạm vi quan tâm của nhân vật chính Jordan rộng hơn, và hoạt động của Jordan có nhiều sắc thái hơn. Lịch sử văn học Mỹ, do chính các nhà học giả Mỹ viết, nhận định “Trong số các nhà văn đương thời, không ai có thể miêu tả như ông những bức tranh, những hình tượng con người trong chiến tranh, với mức độ trong sáng như vậy”. Simonov trong lời giới thiệu tuyển tập bốn tập của Hemingway dịch ra tiếng Nga cũng cho rằng nếu nền văn học tiến bộ gắn liền với sự kiện nội chiến Tây Ban Nha là bất tử - ngày nay nhân dân nhiều nước còn đang đọc nó - thì những gì Hemingway đã viết về cuộc chiến tranh này là một bộ phận làm nên sự bất tử đó.
Đối mặt với chiến tranh bằng toàn bộ sức mạnh tinh thần.
Trong số những yếu tố cắt nghĩa sự thành công của một tác giả ở một khu vực đề tài nào đó, người ta thường nói tới sự gặp gỡ giữa nhà văn và cái đề tài anh ta đã chọn . Nhìn vào nhà văn người ta cảm thấy toàn bộ cuộc đời anh, cá tính anh, là rất thích hợp với đề tài này. Con người nhà văn như được cấu tạo để cùng vào việc khai phá đề tài, giải phóng ở nó những ý tưởng mới, đọc được ở nó những vấn đề mới như trước đây chưa ai khai thác được.
Faulkner và sự hoang dã của phương Nam nước Mỹ, sự hoang dã của cuộc đời này nói chung, là một sự gặp gỡ như thế. Lùi về trước là sự gặp gỡ của Balzac và việc lập nghiệp của con người trong xã hội tư bản. Tolstoi và cuộc sống chuẩn mực mà cũng đầy giông tố. Đến Hemingway và chiến tranh, những thử thách đến với con người trong chiến tranh, điều này càng rõ.
Trong suốt cuộc đời sáu mười hai năm của mình, Hemingway là một người ham hoạt động. Không những ưa thích các môn thể thao hiện đại , ông còn thích săn bắn, đi câu. Đưa ra một bức ảnh ghi lại nụ cười rạng rỡ của ông bên con cá rất lớn mới câu được, những người viết tiểu sử Hemingway không quên chua thêm nhận xét: “Công việc này là nỗi say mê suốt đời của ông”. Nhà ông ở đâu cũng thấy trang trí đầy những tấm da, bộ sừng dã thú mà ông săn bắn được trong những chuyến đi săn mãi tận châu Phi xa xôi. Những trang ông tả đấu bò ở Tây Ban Nha chỉ ghi nhận một phần thì giờ mà ông bỏ ra để theo dõi những cảnh tượng ghê gớm này. Đã có một vài nhà phê bình phương Tây nói rằng trong Hemingway có một xu thế ngấm ngầm là thích những gì tàn bạo . Dù sao chăng nữa , phải công nhận ông thuộc loại người thể lực dồi dào, đầy sức sống, sẵn sàng chấp nhận đời sống như một cuộc chiến đấu, và cho rằng một cuộc sống dũng cảm, thậm chí chứa chất đầy nguy hiểm, mới xứng đáng với người đàn ông. Thành thử cũng là điều dĩ nhiên, khi nhận xét rằng sự dũng cảm, sự cứng cỏi và ngoan cường của con người trong cuộc đấu tranh với mọi hoàn cảnh, khả năng sẵn sàng hy sinh thân mình vì một sự nghiệp chính nghĩa là những phẩm chất mà ông ưa thích. Ông đã có thể đến với chiến tranh một cách tình nguyện, bình thản, vừa tham dự vừa suy nghĩ về chính mình và hoàn cảnh chiến trận trong đó mình tham dự.
Nhìn vào các tác phẩm mà Hemingway đã viết, chúng ta biết rằng trong văn học phương Tây thế kỷ này, hình ảnh con người đối mặt với chiến tranh hiện ra chủ yếu ở dạng những nạn nhân, những kẻ bị chiến tranh làm cho biến dạng mọi vui buồn yêu thích bình thường. Chẳng qua họ chỉ như một hạt cát trong sa mạc, còn hay mất chả có nghĩa lý gì hết (Phía Tây không có gì lạ của Remarque, và trong một chừng mực nào đó, cả Anh lính Svêch dũng cảm của J Hasek). Do những khia cạnh lành mạnh trong đời sống tinh thần và thể lực, Hemingway đưa ra một hình ảnh con người trong chiến tranh khác hẳn. Mặc dù rơi vào những hoàn cảnh khá bi đát, nhưng các nhân vật như Frederic Henri như Robert Jordan vẫn thuộc loại người thích nhìn thẳng vào chiến tranh. Họ không muốn tự tan biến đi trong nó, chẳng những thế, còn lặng lẽ nhận xét nó, xét đoán về nó. Trong cái vẻ đôi khi như là kỳ dị của mình (bao gồm trong đó cả những lúc cố tình làm dáng, đóng kịch, như gần đây người ta hay nói) nhân vật đàn ông trong Hemingway vẫn còn cái vẻ của những “quân tử”, “hiệp sĩ” mọi thời. (Nói như Simonov “Sở dĩ Hemingway gần với chúng ta, là ở những nguyên tắc đạo đức mà ông tôn trọng”). Dù hiện ra với vẻ đơn độc, tinh thần khắc kỷ và cả thái độ khinh bạc - đó là những khía cạnh đáng phê phán – song nói chung họ vẫn đáng trọng ở tấm lòng thiết tha và ý thức trách nhiệm trước đời sống.
Cũng cần phải nói thêm là sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, trong khi diễn tả những hoài nghi chán chường của cái “thế hệ vứt đi” đương thời, Hemingway vẫn có những chỗ khác hẳn so với cái nhìn chiến tranh quen thuộc của các tác giả phương Tây bấy giờ. Cả ông lẫn các nhân vật của ông đều không buông trôi. Mãi sâu trong lòng họ bao giờ cũng thấy dậy lên những khát khao lành mạnh là làm sao sống cho đúng tầm người, sống sao để khỏi hổ thẹn với lương tâm. Đúng là Hemingway đã lấy câu nói nổi tiếng của G.Stein “Tất cả các anh là một thế hệ vứt đi. Tất cả những thanh niên đã trải qua chiến tranh, các anh chẳng biết kính trọng gì hết” làm đề từ cho tác phẩm của mình, song trong một dịp khác, ông lại nói về thế hệ mình bằng những lời lẽ khác hẳn:
“Vâng, theo tôi, đây là một thế hệ bị đập vỡ ra, bị tan nát rời rã ở mọi mối quan hệ. Nhưng, có quỉ biết được tại sao, chúng tôi không chết, trừ những người đã chết, những người bị thương, những người điên loạn. Thế hệ vứt đi ư? Không! Chúng tôi là một thế hệ rất từng trải”.
Tinh thần toát ra từ một khẳng định rắn rỏi như vậy có nhiều phần gần gũi với những ý tưởng mà các nhà thơ nhà văn Liên Xô trưởng thành trong chiến tranh phát biểu về thế hệ của mình. Đây là lời nhà thơ David Samoilov:
“ Cuộc chiến tranh của họ - thế hệ vứt đi - giết chết trong họ những quan niệm lãng mạn. Còn với chúng tôi, chiến tranh không bẻ quẹo được chúng tôi, không tước bỏ ở chúng tôi tinh thần lãng mạn: cả bùn đất chiến hào lẫn mùi tử thi đều không làm được việc đó. Chúng tôi không phải là thế hệ chết, điều đơn giản là vì trong chúng tôi, nhiều người đã chết”.
Cả Frederic Henri, cả các nhân vật trong Và mặt trời vẫn mọc đều rất chán ngán. Frederic từng nói như đinh đóng cột: “Tôi đã quyết định quên hẳn chiến tranh. Tôi đã ký hoà ước riêng”. Nhưng họ làm thế vì tỉnh táo nhìn rõ bản chất chiến tranh , chứ không phải vì hèn yếu, nhát sợ (nói như Simonov “không thể tưởng tượng nhân vật của Hemingway lại nhút nhát, phản bội, thay lòng đổi dạ, sợ hãi”). Tuy tác giả và nhân vật không nói rõ, nhưng đằng sau những phát biểu của họ vẫn bao hàm cái ẩn ý: Trong một cuộc chiến tranh khác đi về mục đích tính chất, họ sẽ có cách nghĩ khác cách xử sự khác. ở chỗ này, Hemingway lại cũng rất gần với các nhà văn Xô viết. Chẳng hạn , nhà văn A.Kribitski bảo:
“Nếu mục đích của chiến tranh là cao thượng và tốt đẹp, nếu nó không kéo theo những cảm giác thấp hèn mà đánh thức những điều tốt đẹp trong con người thì nó (chiến tranh) làm cho con người càng trở thành người hơn. Và điều còn lại là phụ thuộc vào chính con người, tính cách, sự giáo dục, thói quan của họ”.
Một khẳng định như thế là điều mà Hemingway và các nhân vật của ông hoàn toàn có thể chia sẻ . Toàn bộ Chuông nguyện hồn ai là một ví dụ. Trong khi vẫn giữ nguyên cốt cách một trí thức tự do của mình R. Jordan tìm thấy ở Tây Ban Nha cuộc chiến tranh của mình và dám hy sinh bản thân mà không hề hối tiếc. Có lẽ vì thế mà có những mối liên hệ thú vị: trong khi Hemingway rất thích Tolstoi và coi Chiến tranh và hoà bình như cuốn truyện viết về chiến tranh hay nhất của mọi thời đại, thì đến lượt mình Hemingway lại rất được các nhà văn xô viết xem trọng. Nhiều người coi sáng tác của ông là cả một truyền thống viết về chiến tranh, một truyền thống tốt đẹp. Họ bảo “Tôi thích Hemingway. Ông hiểu rõ rằng trong chiến tranh không phải chỉ có cái chết, mà còn có sự sống”.
Chúng ta đang nói về sự gặp gỡ của Hemingway với đề tài chiến tranh. Phải nói là trong điều kiện xã hội phương Tây, thì đấy là một sự lựa chọn, và cái chính là Hemingway đã lựa chọn đúng. Nói theo cách nói của tâm lý học, ông có cái vai để đóng, và ông hiểu mình cần làm gì để đóng trọn vai đó. Không những tâm tình, tính khí, mà cả đến dáng vẻ bề ngoài, khổ người vạm vỡ, vóc dáng vụng về, sự nhanh nhẹ, sự tinh tường toát ra từ toàn bộ con người ông cũng được huy động một cách đích đáng. Đương thời, “cách sống Hemingway” đã trở thành một thứ truyền thuyết đồn đại khá rộng rãi, cách sống đó giúp ích nhiều cho văn chương ông. Luôn luôn, ông gây được chú ý; chưa đọc ông, người ta phải đi tìm , và đọc rồi phải ngẫm nghĩ về những điều ông viết.
Cũng nên nói tới một khía cạnh khác, cũng được đẩy lên đến mức “kỳ dị” ở Hemingway, nhưng lại làm cho ông rất “ăn chịu” với đề tài chiến tranh. Đó là cách làm việc cần cù thận trọng. Cách làm việc của Hemingway khác đời là ở chỗ nào? Trong khi các nhà văn khác đề cao rất nhiều về cảm hứng, thì Hemingway đặc biệt lưu ý chúng ta khả năng vật chất và sức khoẻ dồi dào ở nhà văn, những điều kiện để các nhà văn có thể ngồi lì viết nhiều. Về phần mình Hemingway bảo ông có thể làm việc được bất cứ ở đâu, miễn là ở nơi đó không có khách khứa và điện thoại . Ông sẵn sàng sửa đi sửa lại nhiều lần trang viết, cho đến khi thật vừa ý. Toàn những thói quen không thật độc đáo vàOotrong con mắt của đám nghệ sĩ đỏng đảnh thì không được sang trọng cho lắm. Nhưng theo Hemingway, với chính con người ông, chỉ có cách làm việc đó là hợp nhất. Ông không huênh hoang mình đã tài bịa thế này, giỏi tưởng tượng thế kia. Chẳng những thế, đối chiếu cuộc đời ông với trang sách, người ta cảm thấy ông chỉ viết nhưng gì mà ông đã từng trải qua. Nhưng thử nghĩ lại, chẳng phải đó là những đức tính tốt, mà một ngòi bút viết về chiến tranh nên có, để tránh tuỳ tiện cẩu thả, vừa làm giảm chất lượng trang sách viết ra, vừa làm mất lòng tin ở bạn đọc. Không nên đặt cho tác phẩm tiểu thuyết viết về chiến tranh những yêu cầu quá cao về mặt chiến lược chiến thuật quân sự. Song, khi nghe Fidel Castro nhận xét về Chuông nguyện hồn ai: “Tôi thấy cuốn tiểu thuyết này rất hay vì nó nói đến cuộc chiến đấu trong địch hậu . Nó đã giúp tôi phát triển chiến thuật chiến đấu chống quân đội của Batíista” , chúng ta không ngạc nhiên. Những quan sát tỉ mỉ thận trọng của Hemingway là hết sức có ích, chỉ nó mới thích hợp với đề tài mà ông lựa chọn. Theo như cách nói của Garcia Marquez, Hemingway là loại nhà văn viết “với hơi ít cảm hứng say mê và điên rồ”, nhưng lại “hết sức sáng suốt, sáng suốt đến độ khắt khe”. Sau khi khẳng định Hemingway là một nhà văn bậc thầy ảnh hưởng nhiều đến mình về mặt nghề nghiệp, tác giả Trăm năm cô đơn viết tiếp “Chỉ một đoạn tả phát súng của Fraccis Maccombe bắn vào con sư tử cung cấp cho chúng ta những hiểu biết bằng của một bài học về săn bắn và một bản tóm tắt về nghệ thuật viết văn. Trong một cuốn truyện ngắn của ông, ông viết là trong một cuộc đấu bò, sau khi cọ ngang ngực người thi đấu, con bò vẽ một đường cong “như một con mèo vòng quanh một góc đường lượn sát vào tường”. Tôi xấu hổ mà nghĩ rằng điều nhận xét đó là một trong những điều ngu ngơ thần tình mà chỉ những nhà văn sáng suốt mới viết lên được”. Trong những trang miêu tả con người trong chiến tranh của Hemingway cũng có không biết bao nhiêu những điều ngu ngơ thần tình tương tự , nó khiến cho những nhà văn ở nhiều nước từng giáp mặt với chiến tranh cũng phải cảm phục và ao ước viết được những trang như vậy. Nếu nhớ rằng Marquez là một trong những đại diện xuất sắc của tiểu thuyết hiện thực huyền ảo Mỹ la tinh, nghĩa là có cách viết khác hẳn Hemingway, thì mới thấy lời ca ngợi của Marquez là rất có giá trị.
Từ đầu đến giờ, chúng ta chỉ nói Hemingway đi nhiều biết rộng. Đến đây, lại có thể nói dường như với Hemingway, đi bao nhiêu cũng không nhàm, vẫn luôn luôn ngạc nhiên về chiến tranh, và nhận ra ở đó bao nhiêu điều “ngu ngơ thần tình” để rồi đưa những nhận xét thoáng qua đó vào tác phẩm. Toàn bộ cách sống, cách tư duy, cách viết của Hemingway là một khối thống nhất, tạo thành một cơ chế tiếp nhận chiến tranh rất khoẻ, có độ nhạy rất cao và sự định hướng chính xác. Sự thành thực trong nghề nghiệp viết đôi khi bị người ta xem thường, nhất là khi cần phải viết về chiến tranh; hình như ở đấy cứ ai có gan đi nhiều là được. Song không phải thế. Trong khi dũng cảm chẳng kém bất cứ ai, đồng thời Hemingway lại biết đưa sự dũng cảm của mình vào một khu vực mới: dũng cảm trong sáng tạo nghệ thuật.
Đoạn kết
Đúng về quá trình sáng tác của Hemingway mà xét thì sự tham dự của ông trong Đại chiến thứ hai không để lại dấu ấn rõ rệt trong sáng tác. Ông đã thử làm một ít việc, nhưng lại bỏ dở. Rút cuộc, sau 1945, chỉ có một tác phẩm của Hemingway có nhắc ít nhiều tới chiến tranh, đó là tiểu thuyết Bên kia sông dưới bóng cây, nhưng cũng chỉ là nhân tiện mà nhắc lại chuyện cũ, chứ không nhằm mô tả trực tiếp. Thế mà, như các tài liệu tiểu sử chỉ rõ, ông đã tham dự cuộc chiến một cách hết sức say mê (Nhân đây, chúng ta càng hiểu thêm một nhà văn gắn bó với chiến tranh và việc ông ta viết về đề tài đó, tuy có quan hệ với nhau nhưng vẫn là hai việc riêng biệt. Chỉ nhăm nhăm đi để mà viết, dù không mang lại cho khu vực đề tài mình viết một đổi mới gì đáng kể, cũng cứ viết lấy được -- lối làm việc đó xa lạ với những nhà văn bậc thầy như Hemingway. Tiếng gọi của lương tâm bao giờ cũng mạnh, nhưng sự tha thiết làm sao có những tác phẩm xuất sắc, cái đó còn mạnh hơn và ghê gớm hơn rất nhiều).
Khi Đại chiến thứ hai bùng nổ , Hemingway sẵn có một chiếc tàu mang tên Pilar liền đến xin công tác cho hải quân chống tàu ngầm Đức. Năm 1944, ông sang Anh làm phóng viên, dự nhiều chuyến bay với không quân Hoàng Gia Anh. Trong những cuốn tiểu sử Hemingway, bên cạnh bức ảnh ông bị thương hồi đại chiến thứ nhất, hoặc đi câu, đeo súng săn, nay thêm bức ảnh ông đội mũ phi công, ngồi trong khoang lái. Rồi Hemingway xung vào sư đoàn 4 của quân đoàn một, dự nhiều trận ở vùng Luxembourg. Là phóng viên, nhưng ông có cả một đội quân thiện chiến đủ vũ khí, vỏ chai, chất nổ v.v..
Người Pháp tự giải phóng thủ đô Paris. Nhưng Hemingway và đội quân của ông từng đánh một trận ở khu vực Khải hoàn môn (lúc này đơn vị lĩnh sứ mệnh giải phóng Paris còn ở phía nam sông Seine). Đây là một cảnh tượng được báo chí hồi đó ghi lại:
“Một trong những ngày đầu tiên giải phóng Paris, một đoàn xe “jeep” túa ra con đường Odéon và dừng lại trước hiệu sách Shakespeare and Co của Sylvia Beach, hiệu sách này đã đóng cửa từ hồi Đức mới chiếm đóng thành phố. Một người đàn ông râu ria xồm xoàm người phủ đầy bụi, và hình như có cả những vết máu, nhảy xuống xe đầu và gọi ầm ĩ: “Sylvia!”
“Hemingway đó” – Trong đám đông có tiếng la lớn.
Đúng là Hemingway thật. Ông ôm hôn bè bạn và xin một bánh xà phòng để tắm gội. Rồi ông trở ra, kéo những người tuỳ tùng đi giải quyết nốt công việc, trong đó có việc giải phóng hầm rượu ở khách sạn nổi tiếng Ritz”.
Đại khái qua mấy nét vẽ phác đó cũng thấy hoạt động của Hemingway trong Đại chiến thứ hai là rất phong phú. Những sự tình cờ nào đó, đã giúp ông thoát khỏi những viên đạn trên mặt trận áo ý và Tây Ban Nha, những vụ tai nạn kinh khủng trong khi đi săn, đi câu, và đi du lịch, nay lại giúp ông trở về nguyên vẹn và càng nổi tiếng hơn. Chưa nói gì tới việc viết, ngay sự có mặt của Hemingway lúc này đã có ý nghĩa một hành động tượng trưng cao quí.