Trong sự liên tục của những tìm tòi

Nếu cần gọi tên một vài nhà văn tiêu biểu nhất trong thế kỷ XX, thì lâu nay, giới nghiên cứu ở phương Tây thường kể ra ba người là F. Kafka, J.Joyce, W. Faulkner.Có khi người ta đặt vào đó cả M. Proust để làm nên một bộ tứ . Những nhà văn ấy, sở dĩ được xếp lên hàng đầu, chủ yếu vì những tìm tòi của họ trong nghệ thuật, và chúng tôi sẽ nói kỹ về điều này ở đoạn dưới. Song ở đây, hãy dừng lại ở một nhận xét chung về con người họ. Đại khái, đó là những nhà văn hướng nội, những người thích chúi đầu vào công việc để hoàn thiện những tìm tòi nghệ thuật của mình. Nhìn bề ngoài, có thể bảo họ sống tách rời (một cách tương đối) khỏi chung quanh, không muốn lao ra phát biểu hoặc hành động, mà lặng lẽ đứng lùi ra xa, chiêm nghiệm nhận thức . Sinh thời Kafka được rất ít người biết; Proust sống phần lớn cuộc đời trong cảnh ốm yếu không mấy khi ra khỏi nhà; Faulkner cũng vậy, trong tiểu sử cũng không thấy có những đột biến, có vẻ như các sự kiện thời sự chính trị thời ông sống cứ qua đi, chúng không để lại dấu ấn trực tiếp nào trong tác phẩm của ông cả)
Sự độc đáo trong cách sống cách tồn tại của Kafka, Joyce, Faulkner càng nổi lên rõ rệt, nếu đặt bên các nhân vật nổi tiếng trong các thế kỷ trước, từ Voltaire, Byron, Hugo, Zola, tới Turguénev, Tolstoi, v.v... Trong trí nhớ nhiếu thế hệ bạn đọc, những người vừa kể thường được coi như những nhà văn mẫu mực. Dù khác nhau đến mấy, họ vẫn gặp nhau ở một điểm: Họ sớm thành danh, sớm được dư luận công nhận. Và mọi người nhớ tới họ không phải chỉ qua tác phẩm mà còn qua các hoạt động xã hội có ý nghĩa rộng rãi (người này là nghệ sĩ, người kia nổi tiếng sau một cuộc đấu tranh, hoặc bảo vệ cho nạn nhân trong một vụ án v.v...)
Tới thế kỷ XX, mô hình nhà văn nói trên vẫn được tiếp tục với những tên tuổi lẫy lừng như R. Rolland , Barbusse, Aragon, Sartre v.v...
Thế nhưng, trong chừng mực nào đó, vẫn có thể nói là loại nhà văn như Joyce, Kafka, Faulkner tiêu biểu cho thế kỷ XX hơn. Có mấy lý do sau đây giúp người ta giải thích về cách tồn tại của họ:
1. Bước sang thế kỷ này, sự tự nhận thức của nhân loại có một bước ngoặt, nó không trải ra theo chiều rộng mà hướng vào chiều sâu, do đó yêu cầu nhà văn toàn tâm toàn ý với công việc và cho phép họ nhẹ đi các hoạt động bề nổi khác.
2. Nay là lúc chỉ những tìm tòi lạ lùng, độc đáo, mới có giá trị. Mà thoạt đầu những tìm tòi loại đó không dễ gì được xã hội công nhận (Kafka sau khi viết xong, thường vẫn băn khoăn là không biết có nên công bố tác phẩm của mình hay không; còn các tiểu thuyết của Joyce thì đến nay với đông đảo bạn đọc, vẫn là cái gì lạ lùng khó hiểu, và cần có sự trung gian giải thích). Mà khi đã không sớm được công nhận thì nhà văn có muốn lao vào hoạt động xã hội cũng không được. Và thế là, mặc nhiên, số phận của họ lại củng cố thêm tính cách của họ.
Xin nhắc lại rằng sự phân loại này (một bên nhà văn dấn thân, nhà văn hoạt động xã hội, với bên kia nhà văn tháp ngà, nhà văn đơn độc) chỉ có ý nghĩa tương đối và xin coi đây là một giả thiết để làm việc.
Dẫu sao, thì sự khác biệt trong cách tồn tại của loại nhà văn như Joyce Kafka, Jaulkner... với các nhà văn còn lại, cũng là điều có thực.
Chính ở chỗ này, chúng ta đã nhận ra kiểu tồn tại riêng của Hemingway.
Giữa hai loại nhà văn nói trên ông hiện ra với vai trò một thứ cầu nối, một khu đệm:
Một mặt, trong ông còn chất chiến sĩ, chất hiệp sĩ cổ điển “giữa đường thấy sự bất bằng mà tha”. Sau khi bị thương trong chiến tranh thứ nhất, ông còn tiếp tục xông pha trong chiến tranh Tây Ban Nha với tư cách phóng viên mặt trận và có nhiều hoạt động sôi nổi. Rồi trong đội ngũ những người đầu tiên tiến vào giải phóng Paris khỏi ách phát xít Đức, người ta lại thấy có ông. Bên cạnh các sáng tác thuộc về ngòi bút Hemingway còn có một ít bài chính luận, trong đó có một bài được nhiều người biết, là diễn văn đọc tại một Hội nghị của các nhà văn Mỹ trong đó kêu gọi mọi nguời ra mặt trận vì cho rằng có trải qua tất cả các nguy hiểm đó, mới nắm được sự thật về chiến tranh. Tóm lại là mỗi khi có nói tới thái độ dấn thân của người trí thức, người ta phải kể là Hemingway.
Mặt khác, việc tham dự vào các hoạt động xã hội không làm cho Hemingway mất đi cái phong thái riêng. Có cảm tưởng, trong khi nhập vào các hoạt động chung, ông vẫn chăm chăm bảo vệ cho được sự độc đáo của cá nhân. Và sau một hồi tham dự, ông lại lẩn đi một chỗ, trong một thời gian dài, để ngồi viết. Khi nói đến ông, trong tâm trí chúng ta, thường hiện lên hình ảnh con người đơn độc, thậm chí có những lúc như là lập dị, tức cố tô đậm sự khác biệt của mình với mọi người. Trong các tác phẩm của ông, các nhân vật chính thường ít bạn bè, và ông cũng vậy, ông sống không lấy gì hoà hợp với các đồng nghiệp. Một cuốn sách được in ra sau khi ông qua đời được gọi là Những hòn đảo trên đại dương. Có vẻ như cái tên ấy khá tiêu biểu cho Hemingway.
Như thế, tuy bề ngoài cũng thuộc loại nhà văn dấn thân, song Hemingway tự tách ra bằng một khoảng cách, và ở ông, bắt đầu thấy có những nét của loại “nhà văn tháp ngà” “nhà văn phòng thí nghiệm” ở trên đã mô tả.
Đến khi xem xét các sáng tác, người ta sẽ thấy điều này một cách đầy đủ hơn, sáng rõ hơn.
Trong một cuốn sách mang tính chất tổng kết Văn hoá thế kỷ XX (Từ điển lịch sử văn hoá) in ra ở NXB Bordas Paris, 1995, bản dịch tiếng Việt 1999, ở phần tiểu thuyết chúng tôi đọc được một nhận xét bao quát: nét cơ bản của sáng tác tiểu thuyết trong thế kỷ XX là bắt nguồn từ truyền thống tiểu thuyết quy mô đồ sộ kiểu Balzac, Dickens, Tolstoi. Nhất là khoảng giữa hai cuộc thế chiến thường được xem như giai đoạn bùng nổ của loại tiểu thuyết tràng giang, tiểu thuyết bám sát cái khung lịch sử xã hội (dẫn chứng lấy từ tác phẩm Rolland, Th. Mann, R.M. du Gard, J. Romains v.v...)
Đặt trong hoàn cảnh ấy, thì ngay từ Giã từ vũ khí và nhất là Mặt trời vẫn mọc tiểu thuyết của Hemingway đã là một hiện tượng chệch hướng. Cái mà người đọc khi đọc sách bị ám ảnh, ấy là một ý thức cá nhân, ý thức này sáng suốt nhưng bất lực. Lối viết đã thành truyền thống kiểu Tolstoi, lối viết khách quan, trung hoà, chậm rãi gợi mở đời sống trong cái vẻ toàn diện của nó (chữ trong nghề gọi là “bức tranh toàn cảnh”)... không được tiếp tục. Ngược lại, trước sau chỉ có một thái độ chủ quan, một cái nhìn sắc cạnh, và những ý nghĩ cũng rất chủ quan. Nếu nhớ lại cả các truyện ngắn Hemingway viết hồi trẻ, và nhìn rộng ra cả các tiểu thuyết về sau, người ta sẽ nhận xét trong nhiều trường hợp nhân vật chính trong Hemingway chỉ là con người tác giả. Từ các nhân vật mà ông tạo ra để hoá thân, ông sẽ phát biểu những suy nghĩ về cuộc đời, về cái sống, cái chết, vẻ đẹp, sự vĩnh cửu... Giọng văn là dọng một người tự nói về mình, tự nhủ, tự thú, thường khi lạnh lùng và cố giấu đi vẻ đau đớn. Về mặt cơ cấu tác phẩm mà xét, nhìn vào một cuốn sách tiêu biểu của Hemingway như Ông già và biển cả, người ta thấy gì? Thấy nó không phải là một tiểu thuyết theo nghĩa cổ điển. Nó không bao quát đời sống, với tầng tầng lớp lớp những quan hệ xã hội như người ta quen thấy. Nó không phải là một thực tế được thu nhỏ, mà đúng hơn phải nói là một biểu tượng. Những khái niệm như nhân vật điển hình, hoàn cảnh điển hình mang ra áp dụng với Hemingway sẽ khó lòng tránh khỏi kệch cỡm. Để hiểu ý đồ tác giả, và cả tài năng của ông, phải đến với thiên truyện bằng những con đường khác.
Nhìn chung cả một giai đoạn dài của lịch sử người ta có thể mạnh dạn mà nói rằng Hemingway đã góp phần vào việc đổi mới văn xuối của thế kỷ XX .
Qua các tác phẩm của ông các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy dấu vết của một khuynh hướng chi phối văn học hiện đại: sự tan rã truyền thống; sự sụp đổ của ý niệm thống nhất về thời gian: sự chuyển hoá nhanh chóng từ cái hợp lý sang cái phi lý: và một khát vọng mà các thế kỷ trước coi là điên rồ: làm sao để tác phẩm nghệ thuật chỉ là nó, chứ không biểu đạt một cái gì khác.
Thế nhưng, những đổi mới ấy, từng mặt một chỉ được thể hiện rõ rệt trong sáng tác của nhiều người khác, những R. Musin, W. Woolf, W.Gombrowicz, N. Sarraute v.v... và được hoàn thiện với Joyce, Kafka, Faulkner như đã nói. Còn Hemingway, ông không có cái may mắn ấy: ông chỉ cùng với một số người khác làm công việc mở đầu, và hầu như không bao giờ, trong thể nghiệm, là người đi xa nhất. Nhân vật trong tiểu thuyết của Hemingway không còn là các điển hình xã hội như trong các tiểu thuyết truyền thống, nhưng xem ra, chúng vẫn còn thực quá, chưa bao giờ chúng trở thành những ý niệm mang tính cách ám ảnh như ở Kafka. Hoặc đặt bên cạnh những đoạn độc thoại nội tâm kỳ lạ trong Ulysse (có đoạn dài tới gần 50 trang) thì những đoạn độc thoại nội tâm của R. Jordan trong Chuông nguyện hồn ai còn là dễ hiểu. Thế giới bên trong ở các nhân vật của Hemingway dù đã trở nên rắc rối, nhưng chưa đến nỗi không thể kiểm soát nổi như ở Joyce. Mở rộng hơn mà xét, có thể bảo là ở Hemingway, mọi chuyện còn đơn giản trong sáng quá, chưa có cái tối thăm phi lý của Kafka, cái lộn xộn đầy bí ẩn của Joyce, và cả cái thác loạn hoang dã, trơ tráo, mà lại rất hiện đại ở Faulkner.
So với những bậc thày (loại số một trong tìm tòi nghệ thuật) của thế kỷ XX, thì Hemingway còn có vẻ gì đó cổ điển. Ông có đổi mới nhưng sự đổi mới ấy, lại không gay gắt, triệt để. Việc đó có mang lại cho ông một ít lợi thế. Ông hiện ra thân tình với công chúng, và có thêm người đọc trước mắt mặc dù, về lâu về dài, sẽ bị thiệt thòi. Nhưng biết làm sao được? Sự phát triển của văn học là một quá trình liên tục. Mỗi người chỉ là một mắt xích nhỏ trong quá trình ấy. Miễn làm sao trong cái cách của mình, trong trạng thái riêng kiểu dạng riêng của mình, mỗi người đạt tới độ chín cần thiết. Mà ở chỗ này, thì Hemingway không có gì ân hận và bạn đọc cũng không thể đòi hỏi hơn: nhà văn thân yêu của chúng ta đã hết mình cho sự nghiệp. Chỉ riêng Ông già và biển cả đã xứng đáng để tên tuổi ông còn mãi trong lịch sử.
SỐ TRUY CẬP online