Thư Moskva

Sự trở lại chính mình

Để nói về ý nghĩa của công cuộc cải tổ trong đời sống xã hội Xô-viết cuối những năm 80, báo Nhân đạo (Pháp) đã có lúc dùng tới chữ “một cuộc cách mạng”. Quả thật, khó lòng tìm được một cách nói chính xác hơn thế! Điều đáng nói thêm là biến động xã hội to lớn này kéo theo những đổi mới trong hàng loạt ngành hoạt động của xã hội Xô-viết, và dĩ nhiên là có ngành văn học . Từ Đại hội nhà văn Liên Xô lần thứ VIII (1986 ) trở đi , các nhà văn Xô-viết không ngớt lên tiếng luận bàn về nhiệm vụ của mình, công việc của mình, những gì mà mình cần làm để thật sự có ích cho xã hội. ý thức công dân của nhà văn bộc lộ rõ. Tính chính luận của văn học được tăng cường. Đời sống văn học luôn luôn sôi nổi. Các cuộc bàn cãi này đã được báo chí ở Việt Nam trích đăng một phần . Tuy nhiên,trong thực tế đây là một cuộc vận động đa dạng và to lứn hơn nhiều .

Ba tác phẩm đáng chú ý.
Trước một sự việc thời sự sôi nổi, không gì nhạy cảm bằng báo chí. Văn học không thể chạy đua với báo chí được. Nếu báo chí là vũ khí bộ binh linh hoạt, cơ động thì văn học là một thứ pháo tầm xa, với tất cả thế mạnh và thế yếu của nó. Nghĩa là những gì mà các nhà báo nói tới hôm nay, các nhà văn nhà thơ phải theo cái cách của mình, nói tới từ nhiều năm trước mới đúng. Như người ta vẫn khái quát: các nhà văn lớn là các nhà tiên tri; văn học phải làm công việc dự báo . Chuyện khó khăn quá, nhiều người sẽ bảo thế. Nhưng may mắn thay, cả công việc này nữa, văn học Xô-viết cũng đã làm được ít nhiều. Theo dõi các bản dịch được in ra tiếng Việt , bạn đọc hẳn còn nhớ Nửa đời nhìn lại của Trifonov, Thao thức của Kron, Trò chơi của Bondarev, Những ngọn cờ trắng của Dumbatzê v.v... Những cuốn sách ấy (và nhiều cuốn khác chưa được dịch) ít nhiều phải nói là đã dọn đường cho cải tổ, dự báo sự cần thiết phải có cải tổ. Không phải ngẫu nhiên một nhà báo Pháp viết: “Chính từ những tác phẩm chủ yếu trong hai mươi năm gần đây mà nhiều người Xô-viết đã được thông tin và đã tạo cho mình một ý thức công dân mới” (trích theo tạp chí Tổ quốc, 4-1987). Một sự công nhận như thế có thể làm vinh dự cho cả một nền văn học.
Chẳng những thế, có những dự báo hôm qua vì đậm quá, gắt quá, đúng sự thực quá, phải tạm “xếp kho” , nay mới được công bố. Nhưng công bố muộn mà không hả hơi, không mất thiêng, điều đó lại càng tôn rõ tính dự báo đúng đắn của các tác phẩm ấy. Sau đây là ba ví dụ mà chúng tôi thấy báo chí nói tới nhiều nhất:
Trường hợp 1 – Alexandr Bek (1903-1972) là một nhà văn từng lăn lộn trong chiến tranh, rất nổi tiếng với các thiên truyện Những cuộc chiến đấu trên đường Volokolamsko, Đội cận vệ của tướng Panf i lov. Nhưng không chỉ là nhà văn dám đi, dám ra mặt trận, ông còn là một nhà văn rất uyên bác, trong nhiều năm từng có chân trong hội đồng biên tập của tờ tạp chí Những vấn đề văn học. Cuốn tiểu thuyết Chức vụ mới của ông phác ra hoạt động của một bộ trưởng. Hình như do chỗ có dựa vào một nguyên mẫu là X. nào đó, nên từ lúc còn xếp hàng chờ đợi ở các ban biên tập, cuốn sách đã bị kiện (vợ X, viết thư đi khắp nơi, nói là tác giả vu cáo chồng mình), và cuốn sách cứ thế nằm trong tủ riêng của tác giả từ năm 1964 đến nay, mãi cuối năm 1986 mới được in trên tạp chí Ngọn cờ. Điều thú vị ở đây là sau khi công bố, Chức vụ mới được một tiến sĩ kinh tế viết một bài trên tạp chí Khoa học và đời sống ca ngợi và dựa vào cuốn tiểu thuyết thử phân tích cơ chế quan liêu trước đây đã “thu hẹp” con người, làm biến chất những con người rất tài năng như thế nào.
Trường hợp 2 - Không biết ai trong chúng ta từng đọc các sách của nhà xuất bản Kim Đồng, có nhớ tới cuốn Thanh đoản kiếm? Đó là tác phẩm của Anatoli Rybakov (sinh 1911). Nhưng nhà văn tưởng chỉ viết cho thiếu nhi đó, mấy năm trước vừa cho in Cát nặng, cuốn tiểu thuyết viết về một xóm nghèo Do Thái, ở một thành phố Ukraina thời phát xít Đức chiếm đóng, đến nay Cát nặng đã được dịch ra 25 thứ tiếng trên thế giới và ở nhiều nước, đang còn là sách bán chạy. Và đây, trường hợp cuốn tiểu thuyết Những đứa con của phố Arbat của ông. Phố Arbat là một trong những phố cổ tiêu biểu của Mátxcơva . Trong cuốn tiểu thuyết này (viết ra đã hơn hai chục năm trước), nhà văn trở lại với các sự kiện ở Liên Xô năm 1934. Trong số các nhân vật chính của tác phẩm, có cả Stalin, Kirov, v.v... Trước đây, đã nhiều lần Những đứa con của phố Arbat được các tạp chí lớn hứa in. Bản thân Tvardovski khi còn làm tổng biên tập tờ Thế giới mới cũng cho rằng đây là cuốn sách chủ yếu của cuộc đời Rybakov. Vậy mà cứ lần chần mãi, mãi tới 4-1987, cuốn sách mới có dịp ra mắt bạn đọc. Và như vậy, là trong vòng nửa đầu 1987, tạp chí Tình hữu nghị giữa các dân tộc hai lần gây ra xôn xao chờ đợi: lần trước là việc đăng di cảo của Trifonov, tiểu thuyết Sự biến mất (số 1) và lần này là tiểu thuyết Những đứa con của phố Arbat (các số 4-5-6).
Trường hợp 3 - Những tưởng từng là tổng biên tập Thế giới mới thì Tvardovski muốn in gì thì in?! Nhưng trường ca Quyền được nhớ của ông phải đợi 18 năm sau khi viết ra và 16 năm sau khi tác giả mất mới được “cấp giấy khai sinh”. Bởi lẽ đây là những dòng thơ ghi đậm tâm sự riêng của tác giả . Tâm sự đó có những khía cạnh xót xa, bi thảm, và chỉ dưới ánh sáng của những ngày này, người ta mới thấy nó cũng là tâm sự chung của nhiều con người lương thiện trong xã hội Xô-viết . Trường ca được in gần như cùng một lúc trên hai tạp chí lớn Ngọn cờ (số 2-1987) và ở Thế giới mới (số 3-1987). ở Thế giới mới nó được đặt ở mục di cảo văn học, song ở Ngọn cờ nó được đăng bình thường, như một tác phẩm vừa viết ra ngày hôm nay.

Cuộc hội ngộ kỳ lạ.
Như hầu hết các nhà văn, các nhà khoa học lớn ở Liên Xô thường nhấn mạnh công cuộc cải tổ được bắt đầu rất đúng lúc, không thể muộn hơn được nữa. Bởi nó đáp ứng những nhu cầu hết sức bức bối của xã hội Xô-viết, đặc biệt những đòi hỏi về xây dựng con người, làm cho con người sống trung thực hơn, hợp với đạo lý thông thường hơn. Bởi vậy, nhiều tác phẩm được viết từ trước, và viết bất cứ ở đâu chăng nữa, nhưng nếu thấm nhuần tinh thần nhân bản chân chính, phù hợp với yêu cầu của cải tổ và dân chủ hoá... đều có dịp xuất hiện trên báo chí. Cùng về hội ngộ nơi đây, có các tác phẩm của Akhmatova, Plato-nov (những tác giả thuộc loại lớn nhất của văn học Xô-viết); có thơ của Gumilev, của Severianin, những ngòi bút lâu nay bị cấm kỵ, không được nhắc tới... Cùng về hội ngộ nơi đây, còn có cả những cuốn tiểu thuyết, những bài báo của nhà văn Mỹ gốc Nga V.Nabokov. Ông sống lưu vong ở nước ngoài từ lâu, nhưng những tác phẩm viết bằng tiếng Nga của ông và những việc ông làm cho văn học Nga (như dịch Evguéni Onéguin) vẫn khiến ông trở thành một ngòi bút được nhiều người yêu mến. Người ta bảo Nabokov phải trở thành tài sản chung của hai nền văn học Nga - Mỹ.
Đặc biệt, đóng vai trò nổi bật trong “cuộc hội ngộ” là tiểu thuyết Bác sĩ Zivago của B.Pasternak. Nhà thơ này là một tác giả lớn của văn học Nga (ở Mỹ từng xuất bản một cuốn nghiên cứu mang tên Lịch sử văn học Nga, từ Puskin đến Pasternak). Tiểu thuyết Bác sĩ Zivago của ông mặc dù có một số phận gian truân bị phương Tây lợi dụng, trước sau vẫn là một hiện tượng của văn học Nga, và chỉ đặt trên văn mạch dân tộc, nó mới bộc lộ hết bản chất của mình. Nó gắn bó với nước Nga cả trên phương diện ý nghĩa xã hội lẫn đặc tính thẩm mỹ, cái giọng riêng của nó, chất văn xuôi trầm lắng của nó. Và, không cần vơ vào một chút nào cả, có thể nói cả Bác sĩ Zivago nữa cũng rất thích hợp để đóng góp vào công cuộc đổi mới tư duy hiện nay. Nó trình bày một cách hiểu về cách mạng. Qua lăng kính của một trí thức nhạy cảm, mau xúc động, nhưng có lương tri, có lòng yêu nước, cách mạng sẽ được trình bày với những khía cạnh mới để chúng ta cùng suy nghĩ. Lâu nay, về chuyện này, hầu như chỉ có một tác phẩm độc tôn : Con đường đau khổ. Giờ đây Bác sĩ Zivago là một sự bổ sung cần thiết cho tác phẩm của A.Tolstoi mà từ lâu chúng ta đã biết.
Đã có ý kiến phản đối việc đăng lại các tác phẩm nói trên, viện cớ rằng nó làm đình trệ quá trình phát triển hiện nay của văn học Xô-viết. Có người đã dùng tới những lời lẽ cay độc bậc nhất ,họ bảo trở lại với Pasternak tức là mắc cái bệnh kỳ cục , “bệnh yêu xác chết”. Nhưng các nhà văn ủng hộ các giá trị chân chính chỉ nói lại một cách giản dị: trong văn học, nhiều khi những tác phẩm đã viết từ lâu lại có sức sống, lại sinh động hơn rất nhiều, so với các tác phẩm vừa viết ráo mực.
Đời sống rất công bằng. Nó chỉ đón nhận những cái gì mà nó cần tới. Bài học rút ra ở đây: Văn học cứ là chính nó đi, thật sự là văn học đi, trước sau nó sẽ tìm được cách đến với bạn đọc, sẽ có ích cho mọi người. Càng khi sống giữa những biến động lớn, người ta càng cần có những giá trị cao đẹp để soi sáng cho suy nghĩ của mình.

Sự vận động toàn diện.
Một trong những truyền thống lớn của văn học Nga là đưa những đau khổ tưởng như riêng lẻ của từng con người lên tầm nhân loại, từ đó đặt ra những vấn đề chung về nhân quần, xã hội. Với những nhà văn chân chính của nước Nga ở cuối thế kỷ XX, truyền thống đó vẫn luôn luôn hiện lên như một ám ảnh. Văn học xa lạ với cái thú nhìn đời nhơn nhơn của kẻ tự thị, cái thái độ tự mệnh danh là “lạc quan”, nhưng là một thứ lạc quan giả tạo, coi việc đời chả có gì quan trọng, cái gì ta làm cũng nhất, việc gì rồi cũng xong, tội lỗi mấy cũng biện bạch được. Không! Cái thời đó xa rồi! Nhiều người viết văn ở Liên Xô và bạn đọc Xô-viết hiểu rằng khuôn mặt nên có của văn học lúc này phải là khuôn mặt lo âu. Viện sĩ Likhatchev, nhà ngữ văn học và nhà văn hoá nổi tiếng cho rằng “Điều quan trọng nhất trong văn học lúc này là sám hối” (Báo Văn học Liên Xô, số 19-1987). Ông nói rõ thêm: “Chúng ta phải học cách biết thừa nhận những sai lầm của chính mình bởi vì việc thừa nhận những sai lầm không hề làm giảm phẩm giá của con người, của xã hội, trái lại, còn gây nên ý thức về niềm tin và sự tôn trọng đối với con người cũng như đối với xã hội” (trích ở bài Những nỗi lo ngại của lương tâm, in ở Báo Văn học, tháng giêng 1987).
... Có một câu hỏi có thể gợn lên trong lòng bạn đọc: một số tác phẩm đang gây ồn ào trên báo chí Xô-viết đó, giá trị đến đâu? Chúng ta đã quá quen với việc văn học “đi sát thời sự” hiểu theo nghĩa dung tục, thô thiển, nên chỉ chúng ta dễ nghi ngờ: biết đâu một số tác phẩm được đề cao hôm nay rồi cũng sẽ có lúc rơi vào quên lãng?
Điều đó có thực.
Trong văn học, các giá trị chân chính đôi khi khó thấy, và nó thường đến theo lối “mưa dầm ngấm lâu”, mà không thích gây nên những vụ ồn ào giả tạo.
Nhưng, một là, không phải tất cả những gì ầm ĩ đều là phi văn học; hai là cả những vụ ầm ĩ lẫn những cuốn sách ra đời trong im lặng, mỗi cái có cách đóng góp riêng của mình.
Chúng ta còn nhớ, vào nửa cuối những năm năm mươi, gần cùng thời với Bác sĩ Zivago còn có vụ tai biến Con người không chỉ sống bằng bánh mì của Dudinsev. Từ mấy năm trước (chứ không phải đợi đến cải tổ) cuốn tiểu thuyết này đã được in lại. Khi tôi hỏi một người bạn Nga về giá trị của Con người không chỉ sống bằng bánh mì , thì người đó nói rằng đó là cuốn sách chỉ gây ồn ào nhất thời.
- Thế nghĩa là không thể so sánh nó với Bác sĩ Zivago ?
- Sao ở anh lại có sự liên tưởng hồ đồ, kỳ cục, để rồi đánh đồng các giá trị khác nhau đến vậy?
Nhưng trầm ngâm một lúc, rồi người bạn này nói thêm:
- Nhưng văn học là tất cả những cái đó, cả Bác sĩ Zivago lẫn Con người không chỉ sống bằng bánh mì. Xét về mặt tác động vào ý thức người đọc đương thời (chứ không xét giá trị cuối cùng) , mỗi cuốn sách loại đó có một con đường riêng. Một nền văn học đâu phải chỉ gồm toàn những kiệt tác. Nó cần nhiều loại tác phẩm khác nhau, miễn đó không phải thứ chế phẩm giả tạo, không phải hàng rởm.
Công cuộc cải tổ không đòi hỏi văn học phải có ngay những tác phẩm viết theo lối bám đuôi cổ động, hoặc to mồm phụ hoạ, có tính chất a dua hùa theo của những kẻ tầm thường. Ngược lại, yêu cầu đặt ra với văn học hiện nay chỉ là làm sao để văn học trở thành chính mình, thành một tiếng nói trung thực, quả cảm, có ích cho xã hội. Và để xây dựng một nền văn học như vậy, phải có sự chuyển biến toàn diện. Có lẽ vì hiểu như thế nên các nhà văn Xô-viết chân chính, mỗi người một cách, đang muốn làm thật nhiều để đóng góp phần tốt đẹp nhất của mình cho đời sống văn học nói chung. Vốn chỉ thích viết, lo viết, nhưng cả S.Zalygin lẫn G.Baklanov đều vui lòng nhận về làm tổng biên tập một tờ tạp chí quan trọng của Hội Nhà văn (một người về Thế giới mới, một người về Ngọn cờ), bởi hiểu lúc này văn học cần những uy tín để bảo vệ cho lẽ phải, và đã đến lúc việc đó có thể làm được. V.Karpov viết bài trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ, mình định cho trường hợp đau xót của Gumilev. Kaverin, Mezhelaitits và nhiều gười khác rất sốt sắng với việc lập Hợp tác xã xuất bản mang tên Vest (Tin tức). Cả Voznesenski lẫn Evtuchnko đều có chân trong Ban Di cảo Pasternak v.v... “Chính là tiếng nói của lứa nhà thơ trẻ trong những năm 50 (Evtuchenko, Voznesenski, Akhmadulina v.v...) đã góp phần chuẩn bị cho tinh thần cải tổ hôm nay” - Có lần, nói chuyện với một hoạ sĩ Việt Nam ở nhà riêng , Evtuchenko đã tự hào đưa ra một khẳng định như vậy. Cho nên, bên cạnh việc cho đăng lại một chùm thơ vài chục bài viết từ lâu mà chưa in được, bên cạnh những phát biểu chính luận (bài Quyền được có sắc thái riêng đã dịch ra tiếng Việt và in ở báo Văn nghệ, ở nguyên bản tiếng Nga, nếu dịch cho thật sát thì phải là Quyền được nói có nhiều nghĩa) biết đâu Evtuchenko chẳng đang chuẩn bị cho một đợt sáng tác mới? Nhìn chung cả đời sống văn học, phải thấy không phải chỉ những tiểu thuyết viết ra từ lâu, mà có những cuốn vừa viết ráo mực mang in, cũng đang gây chú ý. Đó là Đoạn đầu đài của Aitmatov , Bò rừng của Granin , áo trắng của Dudinsev v.v... và v.v... Còn khi một phóng viên hỏi Rybakov đại ý “Có phải Những đứa con của phố Arbat là tác phẩm chủ yếu của đời ông không”, thì nhà văn 76 tuổi này trả lời là không, tác phẩm chính của ông còn đang trên bàn..
Nhiều nhà văn nổi tiếng khác, Astaphiev và Rasputin, Baklanov và Antnov... rồi nhiều nhà văn trẻ hơn, hăng hái hơn... cũng đang hứa hẹn sẽ cho ra đời những cuốn sách mà từ lâu mỗi người hằng ấp ủ.
Trong hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn gần đây, Baklanov mở đầu bài phát biểu của mình bằng một cảm tưởng chung, đại ý là đối với văn học, một thời gian thoải mái như những ngày này, trong đời ông chưa từng thấy. Một câu nói như thế đủ chỉ rõ cuộc cải tổ hiện nay phù hợp với tấm lòng các nhà văn chân chính ra sao và đặt lên vai họ trách nhiệm nặng nề đến như thế nào. “Hoàn cảnh khách quan” như chúng ta thường nói, không có gì phải than phiền. Nhưng làm gì và làm được đến đâu, điều ấy còn phụ thuộc vào thực lực của từng người.
Moskva, 6-1987
SỐ TRUY CẬP online