Đối mặt với quá khứ

Tính công khai là một trong những nguyên tắc lớn của sinh hoạt văn học Xô-viết trong những ngày cải tổ . Công khai trong việc phát biểu những suy nghĩ về đời sống hiện tại. Mà cũng công khai trong việc xem xét quá khứ, không ngại đối mặt với những rắc rối, mù mờ của các sự việc trong quá khứ, miễn là có thể từ đó rút ra những bài học có ích cho hiện tại. Bởi vậy mà hầu như chưa bao giờ đời sống hậu trường, những chuyện bếp núc của văn chương được khơi ra nhiều đến vậy. Ví dụ như chung quanh B.Pasternak. Vừa có tin Bác sĩ Zivago sẽ được in lại là lập tức mấy tờ báo cùng lúc cho công thêm tư liệu về Pasternak, trong đó có báo in hàng loạt bức thư phản ánh tâm trạng của tác giả khi viết Bác sĩ Zivago cũng như những suy nghĩ nhân hậu, đúng đắn về nhân dân, tổ quốc, về sứ mệnh của nghệ thuật mà ông muốn gửi gắm trong cuốn tiểu thuyết của mình. Lại ví như chung quanh cuốn Chức vụ mới của A.Bek mà thư trước chúng tôi có giới thiệu . Quá trình ra đời của tác phẩm, thái độ mọi người ở các tạp chí lớn, các nhà xuất bản đối với cuốn sách... từng bước được chính A.Bek ghi lại tỉ mỉ tới mức như là trước mắt chúng ta có cả một cuốn tiểu thuyết nữa về cuốn tiểu thuyết đã viết xong. Và một phần những trang nhật ký ấy đã được in trên một tờ báo lớn, in cả bằng tiếng Nga lẫn mấy thứ tiếng nước ngoài. Rồi số phận một vài chương sách đặc biệt (chương về Fadeev) và số phận cả bộ hồi ký Con người năm tháng cuộc đời của Ehrenburg. Rồi một cuộc phỏng vấn từ năm 1963, mà Nazim Hikmét dành cho một tờ báo ý (cũng có nhiều liên quan đến văn học Xô-viết nói chung). Mỗi sự việc như thế, chung quanh nó bao nhiêu là chi tiết cụ thể, sinh động, và luôn luôn bất ngờ. Tiếp xúc với chúng rồi, người ta không khỏi giật mình: ra viết được một cuốn sách hay đã khó, mà bảo vệ được một cuốn sách hay cũng khó không kém. Để làm một việc tử tế, đôi khi người ta gặp phải bao nhiêu là phiền phức, đương lúc xảy ra, chắc rất khó chịu, chỉ nay nhìn lại, mới có thể mỉm cười:
-- Ra nhiều lúc chúng ta sống cũng ngộ đấy chứ nhỉ!
Cùng một sự việc, mỗi người trong cuộc nhớ lại một cách khác nhau, đấy là chuyện thường tình. Song khi những kỷ niệm đó lại nhằm biện minh cho những kết luận ngược nhau, thì sự khác biệt nói trên lại càng có lý do để trở nên rõ rệt. Việc trở lại với các sự kiện trong quá khứ do đó bao giờ cũng phức tạp, và phải dũng cảm lắm, người ta mới có được sự sòng phẳng cần thiết.
Để có thêm một ý niệm đầy đủ về việc này, chúng tôi thử dừng lại ở một ví dụ nữa.
Do chỗ cảm thấy những ngày “cải tổ” rất gợi nhớ đến không khí ba chục năm trước (tức khoảng 1956-1957), nên trong một số đầu năm 1987, một tạp chí rất có uy tín là tờ Ngọn lửa nhỏ (số lượng phát hành trên 1,5 triệu bản) đã mở một cuộc hội kiến gồm mấy nhà thơ những năm 1956-1957 mới bắt đầu nổi, đề nghị họ nhắc lại không khí những ngày đó.“Được lời như cởi tấm lòng”, Evtuchenko và Voznesenski, Rozhdestvenski, Akhmadulina... liền kể lại rằng hồi ấy, thuở còn “hàn vi”, mình phải phấn đấu ra sao, mọi người có khi ủng hộ, nhưng có khi lại chế giễu và hiểu nhầm mình thế nào v.v... và v.v... Dĩ nhiên, rồi ai cũng vậy, lúc bốc lên mà nói, dễ đưa ra những chi tiết không chính xác. Thế là một nhà thơ khác có liên quan đến những ngày ấy lại phải cải chính. Đến lượt mình, Evtouchenko trả lời lại, nhận rằng chỗ này mình nhớ sai, còn chỗ kia thì mình vẫn đúng. Nhưng tôi cho rằng có cái ý này của Evtouchenko đặc biệt quan trọng: ấy là, nói chung, khi nhìn lại quá khứ, chúng ta phải nhận là chúng ta quả thật có nhiều thiếu sót, và sẽ là thiếu thiện chí , nếu mỗi người không nhận lấy chút thiếu sót về mình. Bởi đấy là chỗ bắt đầu để hiểu nhau, tin cậy nhau và cùng nhau đi tới.
Cách nói Evtuchenko ở đây có vẻ nghe được quá! Cuộc tranh luận nho nhỏ đến đó tạm chấm dứt. Và chỉ có một phía hoàn toàn chiến thắng trong cuộc tranh luận này, đó là bạn đọc!
Quá khứ không có một khuôn mặt ổn định, nhất thành bất biến.
Mỗi thời đại, mỗi lớp người (rồi đến lượt mình, mỗi người) tuỳ theo nhu cầu sẽ tìm cách tạo lại khuôn mặt quá khứ. Bởi trong cách nhìn lại quá khứ ấy, người ta bộc lộ chính mình.
Đó là lý do tại sao trong khi nói chuyện cải tổ và văn học Xô-viết hôm nay, chúng tôi dẫn ra ít chuyện nói trên. Tin rằng với một nền văn học có cả quá khứ dày dặn như văn học Xô-viết 70 năm qua, “ở trong còn lắm điều hay”, chúng ta còn nhiều dịp được chứng kiến những lần ôn cố (“ôn cố tri tân”) khá thú vị nữa.
“Có cần không, những kỷ niệm cay đắng về quá khứ? Cần lắm chứ! Không có nó, chúng ta không thể đi tới, mà lại có cơ trở thành vật hy sinh của những sai lầm bi thảm và những kinh nghiệm không được nghiền ngẫm thấu đáo”. - Câu nói đó của V.Lakshin (một nhà phê bình nổi tiếng, bạn thân của Tvardovski hồi trước) đáng để chúng ta cùng chia sẻ. Chỉ những người từng rất đau đớn trong ngày hôm qua, mà vẫn giữ được lòng tin, tin ở hôm nay, tin ở ngày mai, mới có được những câu tâm huyết tương tự.
Moskva, 30-6-1987
SỐ TRUY CẬP online