Tìm lại lòng yêu đời vô tư trong văn học cổ điển

Tính đến cuối 2002 thì có dễ đến hơn hai năm , một người Nga tôi quen , chị Tatiana Filimonova , mới có dịp đến Hà Nội công tác . Với một người nước ngoài từng nhiều năm nghiên cứu về văn học Việt Nam , những chuyến đi như thế này là mải miết lắm , có bao nhiêu việc phải làm , nào đọc thêm những tác phẩm mới in mà ở bên Moskva không thể tìm , nào gặp gỡ những người quen cũ ( chị rất mê Nguyễn Huy Thiệp và thường coi việc trò chuyện với tác giả Tướng về hưu là một niềm vui riêng chỉ Hà Nội mới có ) . Vậy mà có lần khi tôi ngẫu nhiên hỏi Filimonova mấy hôm nay đọc gì , thì chị thành thật cho hay :
--Tối tối , tôi đọc lại bản tiếng Nga cuốn Kiêu hãnh và định kiến .
Nhìn nét mặt tôi --- có lẽ lúc đó không giấu được cái vẻ ngớ ra không hiểu của mình-- Filimonova nói thêm ;
-- Đấy là một tiểu thuyết Anh thế kỷ XIX , tác giả là Jane Austeen .
Quay trở về , tôi cứ vương vấn mãi về câu chuyện một người Nga , khi một mình làm việc trên mảnh đất xa xôi tận mãi Hà Nội , lại cảm thấy những vui buồn của mình được cảm thông qua một tiểu thuyết Anh viết từ gần hai thế kỷ trước .
Lâu nay thường chúng tôi chỉ lo đọc những gì có liên quan trực tiếp đến đời sống và công việc trước mắt của mình , chẳng hạn đến Nga thì lo đọc sách viết về Nga , sang Trung quốc thì sục tìm các tài liệu có liên quan đến Trung quốc . May lắm có thời gian rỗi thì bảo nhau tìm những tác giả đang ăn khách đang được đồn thổi trong lớp bạn đọc nhạy cảm , cốt để đừng có lạc lõng với thế giới đương đại .
Có thể tạm xem đó là hai đặc điểm trong cách thưởng thức văn chương của nhiều người , nó cũng là một bộ phận trong cái tạm gọi là phong cách sống của thời đại .
Đọc cũng như ăn , ta cốt thiết thực , chỉ tiêu hoá được nhứng gì “tươi sống “ có liên quan ngay tới nhu cầu trực tiếp của mình .
Được hình thành từ một cuộc sống chật vật khó khăn , cái sự thiết thực đó vốn có cái lý riêng của nó .
Song lâu dần nó được đẩy lên thành cách sống cách nghĩ duy nhất và đồng nghĩa với sự vụ lợi . Nó làm nghèo chúng ta đi . Chúng ta dễ dàng bỏ qua cả một gia tài văn chương quá khứ mà mỗi người biết rất ít . Cũng như hàng ngày chúng ta bỏ qua những vui buồn hồn nhiên pha chút hư vô toát lên từ cái nhịp sống vốn có từ muôn đời của cả nhân loại .
Nhân việc đọc sách của một người Nga tôi rút ra cho mình một vài suy nghĩ như vậy và hôm nay muốn chia sẻ với bạn đọc . Tôi nghĩ rằng dầu bận bịu thế nào nữa , thỉnh thoảng chúng ta phải trở lại với văn học cổ điển của VN và thế giới. Trở lại với người xưa ( kể cả những người vốn xa lạ với ta trong không gian sinh sống ) , nhiều khi lại là một con đường ngắn nhất để đi vào bản chất con người nói chung , cho tới bao người đang sống ngay bên cạnh ta hôm nay nói riêng . Có thể nói ,với văn học cổ điển , ta sẽ hiểu và yêu thêm cuộc đời này . Ta sẽ biết vượt lên trên cái ồn ào náo động đầy giả tạo chung quanh để sống thanh thản hơn tự nhiên hơn .
Trong bài viết in tiếp sau đây , dịch giả cuốn sách sẽ giới thiệu đầy đủ những điều cần biết về cuốn sách các bạn sẽ đọc. Tôi chỉ lưu ý thêm là có lẽ lâu nay vì sợ văn học Anh ít quen biết ở VN , nhiều tài liệu có tính chất cẩm nang , ví dụ cuốn Những tác phẩm lớn của văn chương thế giới không có bản tóm tắt Kiêu hãnh và định kiến . Chứ theo chỗ tôi thử đối chiếu , trong các bản gốc tiếng Anh mà Những tác phẩm lớn của văn chương thế giới dựa vào để biên soạn , cuốn tiểu thuyết của Jane Austeen vẫn được nhắc nhở tới , có thể nói là đặt ngang hàng với các kiệt tác cỡ như Đỏ và đen, Bà Bovary , Bá tước Monte Cristo , Chiến tranh và hoà bình v..v.. Và gần đây nhất một tờ báo đưa tin trong cuộc bình chọn về các tiểu thuyết hay nhất viết bằng tiếng Anh do các tác giả nữ viết , Kiêu hãnh và định kiến được xếp đầu tiên , tức là vượt trên cả các tác phẩm cổ điển như Jane Eyre của Charlotte Bronte , Đỉnh gió hú của Emily Bronte , lẫn tập truyện viết về cậu bé phù thuỷ Harry Potterr của nhà văn đương đại rất ăn khách J.K. Rowling ( báo Thể thao và văn hoá 16-5-2003 ) .
SỐ TRUY CẬP online