Trường hận ca

Đã có nhiều cuốn tiểu thuyết đương đại Trung quốc được dịch ra tiếng Việt thời gian gần đây , trong đó gây ấn tượng hơn cả là những cuốn viết về thời Cách mạng văn hoá , khi cuộc sống của cả một dân tộc bị xô đẩy bởi những ý tưởng điên khùng dẫn tới bao nhiêu là tai hoạ đổ lên đầu mọi người ,trước tiên là những phần tử tinh hoa của xã hội .
Cuốn tiểu thuyết sau đây bạn đọc sẽ đọc đi theo một cái mạch khác . Những biến động từng được ghi trong sử sách ( từ Thượng Hải trước và sau 1949 , kéo qua cách mạng văn hoá , tới thời kỳ cải cách mở cửa về sau ) cũng được phác hoạ làm nền cho câu chuyện song nói chung chúng có phần lùi về phía sau để nhường chỗ cho những sinh hoạt hàng ngày của con người : làm việc , kiếm sống , gặp gỡ bạn bè , ăn uống , sắm sửa may mặc ,yêu đương nhau , giận hờn nhau ... Như tác giả có lần đã nhấn mạnh , có thể bảo nhân vật chính của tiểu thuyết là thành phố Thượng Hải nổi tiếng ,song đó không phải là cuộc sống sôi nổi của một thương cảng hàng đầu thế giới , cũng không phải là cái phần hoa lệ của nó , mà là những ngõ nhỏ , những người bình thường với mọi ham muốn đơn giản , những chuyện đồn đại không đâu vào đâu , và cả những đàn bồ câu âm thầm trên các nóc nhà cái gì cũng biết nhưng không nói được nên lời . Trong cái cuộc sống có phần mờ mờ xam xám đó , nổi lên nhân vật Vương Kỳ Dao . Những người đẹp , họ là tinh hoa là niềm kiêu hãnh của một vùng đất , sống ở thời nào họ trở thành biểu trưng của thời ấy , không chỉ những người thân của họ mà mọi người bình thường cũng phải nghĩ về họ mỗi khi muốn nhận diện cái thời mà mình đang sống .Trong lịch sử trường kỳ của nước Trung Hoa, câu chuyện Tây Thi xưa chói lọi không kém câu chuyện về nhiều hào kiệt thời Xuân Thu , cũng như cuộc đời Dương Quý Phi là một trong những trang đẹp nhất trong một thời rực rỡ như thời thịnh Đường . Về phần mình , nhân vật Vương Kỳ Dao trong mức độ nào đó cũng có thể gọi là người đẹp thời nay bởi đã từng được chấm là á hậu trong một cuộc thi sắc đẹp của thành phố. Trong cách miêu tả của tác giả có một điều đáng nói là ở đây không có những kẻ xấu kẻ ác như thói thường vẫn nghĩ . Trên đường đời Vương Kỳ Dao đã gặp những người có tâm , không ít thì nhiều yêu nàng , cảm phục trước sắc đẹp và vẻ lịch lãm ở nàng. Mà bản thân con người này cũng nhân hậu , biết điều ,một thứ con nhà lành , nhạy cảm trước những gì tốt đẹp quanh mình , nhẫn nhục trước hoàn cảnh , nói chung là không nhiều thói xấu và cả sự dại dột vẫn thấy có ở nhiều phụ nữ xinh đẹp . Vậy mà con người ấy trước sau vẫn bất hạnh và cái chết oan nghiệt cuối cùng đã thực sự là một sự giải thoát nếu không thì những ngày tiếp theo ấy còn đau khổ không biết đâu là cùng ! Phải chăng đường đời ở Vương Kỳ Dao thực đã bao hàm những nét làm nên số phận chung của người đẹp ở mọi thời đại ?
Phải thú thực rằng giữa đời sống bận rộn hàng ngày , bản thân tôi thường vẫn để một ít thời gian làm cái công việc tưởng như vô bổ là , một cách rất vô tư , nghĩ về những người đẹp ở cái thành phố mà tôi lớn lên và nay đang sinh sống để cùng vui buồn trước những thăng trầm trong cuộc đời họ . Và thật kỳ lạ , thường tôi có cảm tưởng trừ những vẻ đẹp kiểu Thuý Vân không kể , còn lại phần lớn đời những người đẹp ấy khổ , người càng sắc sảo càng khổ , mà không ai tìm được lý do cắt nghĩa tại sao lại khổ đến vậy . Bạn đọc thân mến , không cần tự giấu mình làm gì ,có phải chính bạn cũng thường có lúc vơ vẩn nghĩ về những con người tưởng xa lạ mà rất gần gũi ấy và bạn cũng chia sẻ với tôi điều thắc mắc nói trên ? Nếu vậy, xin bạn hãy thanh thản giở tiếp những trang sách sau đây để đọc đến dòng cuối cùng . Tác giả tiểu thuyết Trường hận ca không định bảo ban hoặc khuyên răn ta ta điều gì mà chỉ đơn giản ghi lại cuộc đời một con người vừa may vừa không may là đã chót xinh đẹp hấp dẫn để chúng ta cùng ngẫm nghĩ .

Ghi chú

Tên sách Trường hận ca là mượn từ tên một bài thơ dài của Bach Cư Dị (772-846 ),trong đó kể về mối tình tha thiết mà bi thảm giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi . Theo Nguyễn Hiến Lê , trong nguyên tác Trường hận ca còn có phần hay hơn Tỳ bà hành của cùng tác giả . Đã có nhiều bản dịch Trường hận ca ra tiếng Việt trong đó thường được khen và in lại là bài của Tản Đà . Bạn đọc có thể tìm cả nguyên tác lẫn bản dịch trong một số tập thơ Đường đã in .
SỐ TRUY CẬP online