nk2006

Lúa lai ngô lai 

2-1-06
Những bắp ngô vợ tôi mua từ chợ về trông thì to, nhưng ăn hết lớp hạt nhạt phèo thấy bật ngay ra một cái lõi “ đồ sộ “, chiếm đến tám chục phần trăm khối lượng bắp ngô. Nhìn lại hoá ra hạt ngô rất nhỏ. Nghe tôi kêu ngô gì như ngô đểu thế này, bà già giúp việc mới giải thích thế bác không biết à, dạo này nhà quê mọi nơi đều trồng thứ ngô này, người ta kêu nó là ngô lai. Tôi nghe mà đắng cả miệng. Dạo nọ nghe nói lúa lai đã thấy sợ, toàn thứ ăn tàn phá hại chất màu của đất, tốn phân bón và thuốc trừ sâu mà gạo chẳng ra gì, chỉ đáng cho súc vật ăn. Nay lại thấy nói đến ngô, cũng thứ “chết tiệt” tương tự. Thú thực, theo thói quen, tôi ngờ ngay đây là ngón võ kín của mấy ông nông nghiệp, nơi nào cũng thích trồng để báo cáo lên trên là tỉnh mình huyện mình có năng suất cao còn chất lượng ngô ra sao thì giấu nhẹm coi như bí mật. Họ có ăn ngô bao giờ đâu mà họ cần ! ờ không biết có đúng thế không đây?

4-1
Một điều đáng nói cả hai thứ lúa và ngô kia đều có chữ “lai” bên cạnh, và đều có nguồn gốc ngoại nhập. Nếu tôi không lầm thì đại khái thế này: người ta thí nghiệm thấy không dùng được thì bán rẻ cho mình để vớt vát chút vốn. Còn mình nông nổi không biết gì cha con bảo nhau bập vào liền.( Trong khi đó thì cái giống ngô sẵn có của mình, dù năng xuất không cao, song lõi nhỏ và hạt ăn vào không đến nỗi nào vẫn bị xếp xó ).

5-1
Cố nhiên đứng đầu sổ trong việc nhập sai nhập bậy các thứ linh tinh của nước ngoài vào mình thì phải kể câu chuyện nhập ốc bươu vàng hồi nào mà “dư âm “ còn “ngân vang” đến tận bây giờ. Nhưng câu chuyện ngô lai lúa lai cho phép tôi dự đoán rằng trong thực tế chắc chắn còn nhiều trường hợp chúng ta ôm đồ thải của mọi người về như bảo nhau rút kinh nghiệm đã đành, sợ nhất là sau khi biết dại ỉm đi giấu đi, lừa trên lừa dưới, thì mới thật là mở đường cho những lầm lạc ngớ ngẩn trong thời gian tới. Chẳng biết cái người nước ngoài bán cho mình những thứ đồ thải kia nghĩ sao nhỉ, hay là họ lại nghĩ cả nước mình đã hết cả người khôn rồi nên đang hăm hở lừa tiếp?

7-1 
Tiếng đồn về cuốn sách Mật mã DeVinci khiến giới làm sách và cả đông đảo bạn đọc trong nước mê mẩn và người ta vội vã là lấy một bản dịch mang bán. Thế nhưng sau một thời gian nhìn lại thì hoá ra nguyên tác chỉ là loại sách bán chạy chưa hẳn đã cần dịch ngay, mà chất lượng của bản dịch lại bê bết đến nỗi có người gọi nó là cả một thảm hoạ. Đây có lẽ lại là một ví dụ cho thấy việc tiếp nhận nước ngoài cần phải bản lãnh thế nào. Có điều mừng là nhân đây có cuộc trao đổi về dịch thuật. Chưa biết kết quả của cuộc bàn cãi rôm rả sẽ đi đến đâu, riêng tôi chỉ thấy bản thân hoạt động dịch thuật được mang ra bàn đã là điều đáng mừng. Bởi đây có phải chuyện riêng của người dịch đâu, suy đến cùng nó còn liên quan đến sự sáng tác trong nước. Vậy thì chúng ta có tốn giấy mực vì nó thì cũng xứng đáng ! 



kinh khủng cái sự... lãng phí 

9-1
Bên cạnh sọt rác, các gia đình Hà Nội trước đây thường có thêm thùng nước gạo để chứa các loại thức ăn thừa. Sẽ có người đến đấy lấy để về nuôi lợn. Bù lại, người ta nộp cho chủ nhà mỗi tháng vài cái chổi. Bây giờ thức ăn thừa nhiều hơn, nhưng ở nhiều gia đình, một chỗ để cái túi ny lông rác đã khó, nói chi thùng nước gạo. Nếu không phải tống xuống cống thì cũng vứt vào rác hết. Có lẽ các bạn trẻ nhìn đây là chuyện bình thường, nhưng với lớp già chúng tôi, nhìn cơm thừa canh cặn lẫn với rác cứ thấy ghê ghê. Lại nhớ cái câu các cụ hồi trước vẫn dạy, một hột cơm rơi cũng phải nhạt vào một chỗ, người không ăn thì con gà con lợn nó ăn, vứt đi phải tội. Ngày nay chẳng ai còn nghĩ thế nữa.

10-1
Nguyễn Công Hoan có một truyện ngắn mang tên Giá ai cho cháu một hào. Một đứa nhỏ đi ăn cắp bị giải về quê. Nó than thở mỗi lần như thế này, nhà nước tốn về nó có đến bảy tám đồng bạc trong khi đó giá có ai cho nó một hào làm vốn, nó có đôi thùng đi gánh nước thuê, thì cũng chẳng đi ăn cắp làm gì. Đại ý thiên truyện: do tiếc những món nhỏ, người ta lãng phí những món rất to mà không hay biết. 
Có nhiều hiện tượng có thể làm chứng cho nhận xét trên đây của Nguyễn Công Hoan. Một trong nhiều loại quà tặng mà những người làm nghề như tôi hay nhận được là những cái cặp đựng tài liệu. Mỗi ngày cặp lại được cải tiến cho đẹp hơn. Chỉ tội một nỗi nhiều khi cặp còn đẹp mà khoá đã hỏng. Phải vứt cả cái cặp đi luôn vì bây giờ loại thợ nhận chữa cặp khoá không có và nếu có thì họ cũng chỉ làm quấy làm quá để mình …vứt đi sớm. 

13-1
-- Sao anh toàn nói những chuyện bé bằng mắt muỗi thế? Còn bao nhiêu chuyện các cơ quan nhà nước làm ăn lãng phí hàng tỉ tỉ tiền, sao anh không ghi vào đây mà toàn nói mấy cái phéc-mơ-tuya với lại thùng nước gạo?
-- Vâng những chuyện lãng phí tày đình ai cũng biết, nhưng tôi vẫn muốn nhắc những chuyện nhỏ nhặt kia, vì từ cái nọ sinh ra cái kia. Ông Lý Quang Diệu của Singapore có lần viết trong hồi ký: điều làm ông ngạc nhiên là qua Hàn quốc, ngay ở các phòng khách dành cho nguyên thủ quốc gia, người ta cũng ghi rõ là xin quý vị tiết kiệm điện. Còn ở ta, giá ai bàn làm thế, hẳn sẽ bị chê là bủn xỉn. Lãng phí đang là một nét tâm lý thời đại. Vì sao? Vì ban đầu của công tha hồ vung vít, lãng phí thành một thói quen, không kiềm chế nổi nữa. Vì nghèo lâu quá, thích lãng phí để ra cái điều mình sài sang không kém ai. Vì lúc nào cũng thích làm dáng khoe tài khoe giỏi với nhau, kể cả ra cái điều hư hỏng hơn người cũng thấy vui sướng. Sau nữa, vì không biết sự giàu có là vô tận, mà nhân cách con người thì bộc lộ ngay trong việc chi tiêu hưởng thụ. Vì nhiều cớ khác nữa.

14-1

Các khách sạn ở Singapore thường tổ chức những bữa ăn sáng theo kiểu tiệc đứng, nghĩa là thức ăn để thành từng loại, người vào ăn tuỳ thích, người ta viết bằng tiếng Anh mấy chữ khuyên khách nên tiết kiệm, chỉ lấy đủ dùng. Nhưng tại một số nơi khách Việt Nam qua lại luôn, có thêm một dòng chữ bằng tiếng Việt: Lấy thừa không ăn hết sẽ bị phạt tiền. Nhiều người Việt thắc mắc họ làm nhục mình quá ! Nhưng có người cãi lại, trông kìa đúng là các bàn của khách VN vẫn để thừa thật. Chẳng qua thấy dân mình phá quen nên họ phải làm thế. Biết nhục mà sửa mới ra con người, chỉ sợ cáu sườn vài hôm rồi sau vẫn cứ chứng nào thật ấy, người mình nổi tiếng là nghèo mà hay lãng phí, thì mới là một nỗi đau lớn.


Mua bán ngày tết 

16-1
Mỗi người có thể có một định nghĩa riêng về tết nhưng chắc chắn một trong những định nghĩa được nhiều người chấp nhận nhất: Tết là một dịp để mua sắm. Vào những ngày giáp tết này, thiên hạ chạy mua bán loạn cả lên như đèn cù. Hàng chất trong các siêu thị, hàng quảy trên vai hoặc đèo sau xe đạp những người bán hàng trôi nổi trên đường. Mấy chị bạn trong cơ quan ngồi làm việc mà không yên, thỉnh thoảng lại như chợt nhớ ra thứ gì chạy quàng ra đường để mua, và mua về là xúm nhau bàn bạc. Những chiếc xe máy trên đường cái nào cũng phát phì vì túi trước túi sau. Có chuyện đâm đổ trên đường là cùng với việc kêu đau đớn của người, có cái cảnh tung tóe bừa bãi của đủ các loại đồ vật, người chung quanh không khỏi mỉm cười sau khi thoáng chút ái ngại.

18-1
Một thói quen của lớp người già chúng tôi là hay so cuộc sống hôm nay với cuộc sống của cái thời gọi là bao cấp. Kể cũng lạ --- chúng tôi thường nói với nhau ---, ngày trước mua được cái gì thì mừng ; còn hôm nay mua xong mừng đấy mà lo đấy. Hàng loạt câu hỏi lởn vởn trong đầu: Không biết đây có phải là thứ hàng mình cần?Hay chẳng qua thấy người khác mua thì bắt chước? Chất lượng hàng mua ra sao? Liệu nó có bị lỗi thời, mua về lại bị mọi người chê bai trách móc? Mấy tháng trước, một anh bạn tôi xót xa khi thấy đứa con gái rất ngoan ở nhà bỏ ra đến ba triệu để mua cái áo, rồi sau một lần mặc thử, nhất định nhét vào đáy tủ, không mặc thêm một lần nào nữa. Cái bệnh mua liều mua ẩu mua vô tội vạ ấy, vào những ngày tết này, lây sang cả những người già đời kinh nghiệm, đến mức có lúc tôi đã thầm nghĩ: hay là nên nói rằng đó là một tâm lý có chút “ bệnh hoạn “?. Nhưng năm nào cũng vậy, làm sao thoát được, chính tôi và những người thân của tôi cũng đang trong tâm điểm của cơn bão đó, nạn đại dịch đó ! 

19-1
Để hạng thừa tiền không biết tiêu gì sang một bên, với những người nghèo giá cả bao giờ cũng là câu chuỵện đau đầu. Hàng có chuẩn mực quy cách gì đâu, chất lượng đã khôn lường, mà cái sự dỗ dành của người bán thì cũng thật ngon ngọt, đến lúc mang cùng một thứ hàng ra so với nhau mới thấy chênh lệch khủng khiếp. Tại sao? Điều kiện làm ăn mỗi nơi một khác, trình độ khác chất lượng khác, những người bán hàng bảo vậy. Nhưng chỗ riêng tư, hẳn ai cũng tự nhủ rằng vào với cơn say mua bán hàng tết, tức là người ta chấp nhận một thứ hội hóa trang. Nay là cái thời ai có gan làm liều làm bậy người ấy thắng, anh giết tôi việc này thì tôi sẽ giết vợ con anh trong một việc khác, băn khoăn chẳng có lợi gì – nhiều người bán hàng đã chém khách hàng thật ngọt bởi cái triết lý chết người đó. 

21-1
Ngày tết kiêng nói chuyện buồn nhưng quả thật có những sự việc chỉ gặp một lần mà nhớ mãi. Chiều ba mươi năm kia, ở một đầu ô, nhân đứng chờ bà xã vào chợ mua ít đồ vặt tôi có dịp được chứng kiến một cảnh đau lòng: một người bán thịt quằn quại về một phản thịt ế. Sao mình lại mê muội vậy, trưa ba mươi còn nhận hàng về? Biết bán tống bán táng làm sao cho hết bây giờ? Bao giờ về lo bữa cơm cúng tất niên cho chồng con? Tôi đoán vừa lo lỗ vốn vừa xấu hổ, người bán hàng vụng tính đang nghĩ như vậy.
Các trang báo Tết thường chỉ nói chuyện vui, bao giờ những chuyện buồn tương tự lại có chỗ trên mặt báo? 





Tự làm khó cho mình, tự làm khó lẫn nhau 

28-1
Đó là những vòng dây thép gai lồng bồng được đặt kéo dài theo mép các thảm cỏ chung quanh Bờ Hồ, Hà Nội. Chuẩn bị bắn pháo hoa đêm giao thừa, sợ người chen chúc quá đông, rồi xô đẩy nhau dẫm cả lên cỏ, phải đề phòng như vậy. Tôi hiểu cho cái sự lo lắng của những người đứng ra tổ chức, nhưng sao vẫn thấy có gì không thoải mái, tự nhiên nhìn hoa đào hoa mai thấy bớt vui đi một phần. Chẳng lẽ chúng ta không bảo nổi nhau? Chẳng nhẽ không có cách nào khác để có thể vẫn được xem bắn pháo hoa, mà các thảm cỏ vẫn còn nguyên vẹn?

30—1
Trước tết đã thấy đài báo đưa tin 20 tỉnh thành bên Trung quốc sẽ cho đốt pháo. Nên nghe tin pháo lậu tràn qua Việt Nam không ai lấy làm lạ. Lâu không nghe cũng thấy thèm pháo một chút, nhất là tiếng pháo đóng vai trò điểm xuyết trong những cái tết thuở nhỏ. Nghĩ rộng ra, thấy mươi năm nay, cái tâm lý muốn thét to lên một tiếng, để chung quanh phảI ý đến mình và công nhận sự có mặt của mình trong cuộc đời này ---, cáI tâm lý ấy vốn chất chứa trong lòng nhiều người, tiếng pháo quả là một cách hóa giảI tuyệt vời. Có điều vừa nghe tin chỗ này chỗ nọ đốt pháo vô tư, thì cũng lập tức nghe là có cảnh ném pháo vào người, và thế là nỗi sợ hồi còn đốt pháo tự do lại xuất hiện. Nhớ lại cái sự đinh tai nhức óc, và những luồng khói sặc sụa tràn vào các nhà đêm giao thừa, người yếu bóng vía đã bủn rủn cả người. Một anh bạn tôI tuyên bố: giá bây giờ cho trưng cầu dân ý có nên cho pháo trở lại hay không, tôI cũng chỉ có cách bỏ phiếu trắng. Một anh bạn khác nói vui, hay là ta trở lại cảnh tem phiếu, đây là tem pháo, mỗi gia đình chỉ được cung cấp một lượng pháo nào đó. Chứ ngoài ra trong cơn điên của kinh tế thị trường này, còn biết làm sao giúp cho mọi người có một cách đốt pháo đúng mực bây giờ? 

2-2 
Như vậy đấy, hàng ngày chúng ta khổ tâm vì bao nhiêu cấm đoán phiền phức. Thế nhưng thử nghĩ lại mà xem, cứ thả lỏng là thế nào cũng có cảnh xô đẩy bừa bãI, hào hứng quá đà rồi bốc đồng lên làm bậy làm bạ. Tự do chân chính là thứ người ta phảI học mới biết sử dụng, mà ở ta thì ai cũng tưởng là mình đã biết, chả ai muốn học.

4-2
Chú Toàn em tôi kể, ngày tết đến chơi nhà một vị cấp trên, sau khi chúc tết bố mẹ không quên chúc cậu con trai, mong cậu năm mới thành đạt, thì được ông bố nghiêm chỉnh đề nghị: “ Anh cứ chúc nó thành người hộ tôi đã !”. Thì ra lâu nay cậu ta thấp thoáng giao du với cánh tiêm chích. May mà chỉ mới dính nhẹ. Vì thế một mặt ông bố bà mẹ tết này chỉ lo khuyên can, mặt khác vợ chồng bảo nhau phải tạm giả nghèo giả khổ, có tiền không dám mua sắm cho con, chỉ sợ máu lên nó bán hết đi và như vậy là đồng tiền làm hỏng con thêm. Cố nhiên là hoàn cảnh gia đình này này hơi đặc biệt, những người dân thường không thông cảm được, tôi cam đoan vậy. Song nếu được nói với cậu quý tử kia một lời, tôi sẽ nói rằng ai cũng biết là cậu đang đau khổ lắm, nhưng nên nhớ rằng chính cậu đã làm khó cho mình và do đó làm khó cho ông bố bà mẹ còn lương thiện ấy không biết bao nhiêu mà kể.



Nhân tài như lá mùa thu 

6-2 
Một tờ báo điện tử đưa tin trong năm 2005, chỉ có một đơn xin đăng ký phát minh sáng chế. Nghe mãi những chuyện tiêu cực đã chán, giờ đến cái tin phát minh này cũng không vui lên được. Chẳng nhẽ lâu nay chẳng còn ai nghĩ tới khoa học? Đời sống sáng tạo của chúng ta buồn nản đến thế ư? 

7-2
Nhưng đúng là buồn nản thật. Một chuyện tương tự: bệnh viện tỉnh nọ đang thử áp dụng một sáng chế mới máy xử lý rác thảI, và điều thú vị là máy chạy không có khói mà chỉ cho người ta bùn để có thể sử dụng tiếp. Không biết số phận của cái máy xử lý rác này ra sao, nhưng giả sử có thành công nữa cũng thấy lạ sao một sáng kiến cần thiết đến vậy chỉ xuất hiện dưới một hình thức “quá khiêm tốn “, các chi tiết của máy trông cọc cà cọc cạch, nghe kỹ thấy hình như đây chỉ là công việc của mấy nhà sáng chế nghiệp dư. (Còn như các cơ quan khoa học, các giáo sư tiến sĩ của chúng ta thì mải chạy tận đâu đâu, việc phảI làm họ đã nghĩ chẳng ra mà ai có làm được họ cũng chẳng buồn đoáI hoàI tới ). 

9-2
Cũng như mọi năm, cuộc gặp giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp năm nay trở đI trở lại với các vấn đề trước mắt như thuế má, đất đai, sự tùy tiện của luật lệ và sự nhũng nhiễu của các địa phương. Thế nhưng lần này có một tiếng kêu cứu khá mới mẻ: công cuộc làm ăn của chúng ta quá thiếu nhân tài. Thì ra, nhiều doanh nghiệp không phát triển được chỉ vì thiếu người biết quản lý và dẫn dắt hoạt động. Các trường đại học trong nước đào tạo ra toàn những hàng tầm tầm, sinh viên tốt nghiệp bằng cấp thật oai mà không ai muốn nhận. Trong việc làm ăn ta chỉ toàn nói tới vốn liếng tiền của, chứ không ai nói tới các loại kiến thức hiện đại, kể cả khả năng quản lý là một loại chất xám ở ta còn xa lạ. Người khôn vặt thì lắm người có tài thực thì không, vì không ai biết tôn trọng họ mà chũng chẳng ai khuyến khích họ. GiảI pháp thực thi có thể là đI thuê chuyên gia nước ngoàI song từ nay đến lúc hình thành nổi cơ chế và tích lũy được kinh nghiệm còn là mệt … 
Vả chăng, vấn đề lớn hơn là chiến lược phát triển nhân tài từ nay về sau. Thời Nguyễn Trái Lê Lợi người cầm quyền kêu “ nhân tài như lá mùa thu “ còn có lý vì mải đánh giặc. Nay hòa bình phát triển đã ba chục năm,lỗi là tại mình chứ đâu là bởi hoàn cảnh? 

11-2
Một điều đáng nói là lâu nay trong dư luận loại tin về những phát minh sáng chế hoặc sự khan hiếm tài năng chỉ được đưa một cách hờ hững. Nó như một thứ “tên bay đạn lạc”, ngẫu nhiên vào tay người ta thì người ta tung lên thôi, chứ không buồn đi sâu khai thác bởi cho rằng dư luận sẽ chẳng ai buồn để ý.
Phần tôi thì tôi lại cứ vấn vương, bởi nó thông báo với tôI cáI thực chất của đời sống tinh thần chúng ta hôm nay, và như vậy chắc chắn là rất quan trọng:
-- Quan trọng hơn rất nhiều so với những cái tin người ta làm rầm rĩ lên, chẳng hạn một vàI học sinh mình được giảI trong những kỳ thi toán hay vật lý quốc tế. 
-- Mà lại càng quan trọng hơn so với các loại tin giật gân chẳng hạn tin ca sĩ nọ sắp bỏ chồng đi bước nữa, diễn viên kia mới sắm bộ cánh ra sao …đầy rẫy trên mặt báo.


mong manh, hấp dẫn …

13-2 
Một thói quen của lớp người già chúng tôi là hay so cuộc sống hôm nay với cuộc sống của cái thời gọi là bao cấp. Ví dụ hồi trước không có hàng, nay cáí gì cũng sẵn. Nhưng ngay lập tức lại có một sự so sánh khác. Xưa, mua được cái gì thì mừng ; còn hôm nay mua xong vẫn chưa hết lo, không biết chất lượng hàng mua ra sao, và mình có mua hớ mua phải thứ giá đắt. Thậm chí bệnh sợ thiếu hàng quá nặng kéo từ hồi ấy đến giờ không khỏi, một số người sinh ra vơ bèo vạt tép, gặp gì cũng mua, như người ta bị đói lâu, nay ăn giả bữa ăn quá mức cần thiết. Những người này đến lúc tỉnh ra thường nhìn thứ hàng vừa mua mà tự hỏi: không hiểu sao mình lại u mê đến vậy? Hay là đời sống đi nhanh quá mình không theo kịp? 

14-2
CáI sự lo mình mua thừa dẫu sao vẫn còn là một tâm lý vui vui, nếu so với một số lo lắng kỳ lạ sau đây: 1/ Cầm trên tay thứ hoa quả mua được, vừa ăn vừa sợ: liệu bà con mình có quá tay trong cái việc sử dụng thuốc trừ sâu, đến mức ăn vào đến mai đau bụng và lâu dài tích thêm một thứ bệnh vào người? 2/ Sau khi khám bệnh, căng mắt nhìn cái đơn thuốc bác sĩ vừa kê, không biết có phảI thuốc bắt buộc phải mua cho khỏi bệnh, hay chỉ là bác sĩ kê vào để vui lòng dân bán thuốc, còn bản thân mình thì sẽ bại hoại vì dốc hết nửa tháng lương mới mua nổi? Và liệu có thứ thuốc nào đã quá hạn mà vẫn mang bán, thứ nào đã bị cấm nhưng cả người bán thuốc lẫn người kê đơn không biết? 3/ Nhìn vào bảng điểm con cái đi học về, đưa cho xem. Thấy toàn điểm tốt, chỉ mừng được một lúc lại lo ngay được: nhièu trường các thày các cô cho như vậy cốt là để bảo đảm tỷ lệ thi đua của trường còn thực ra con mình dốt vẫn hoàn dốt, liệu mình có rơI vào trường hợp đó hay không?…v.v.. Lần này thì không phảI chỉ là lo lắng, mà còn ghê sợ trước một đời sống xuống cấp, người ta lao đầu kiếm tiền, đạp lên lương tri thông thường và thực tế là đã để di họa cho bao người khác.

16-2
Hồi 1965-66 nghĩa là mới biết chiến tranh một hai năm, có lần tôi được phân công đi công tác theo một đội xe chở hàng vào chiến trường. Đường bị đánh phá, phảI dò từng đoạn, bởi có chỗ nhìn ngoàI vẫn là con đường hôm qua đấy mà đi vào là chết. Vượt lên trên từng cung đường cụ thể, trong tôi nảy sinh cái cảm giác hình như đất dưới chân không còn là của mình nữa. Nay hòa bình đã ba mươI năm, mà cáI cảm giác về những tai họa vẫn không sao dứt hẳn. Hay đời sống là vậy, chiến tranh hay hòa bình thì cũng vậy, sự mong manh của nó lại làm nên sự thách thức: Thách thức tỉnh táo, thách thức mỗi người tìm ra cho mình một phương hướng suy nghĩ cho đúng. 

18-2
Tối nay bản tin chiều VTV 1 đưa tin: nghe quảng cáo là thiết bị tiết kiệm điện tốt lắm, có nhiều người dân đI mua mà chẳng thấy tiết kiệm gì cả, đến lúc giở ra thì ôI thôI hàng giả chỉ có ít xi măng với nhựa đường. Điều đáng nói là những mặt hàng như thế được cấp phép sản xuất hoặc nhập khẩu hẳn hoi. Người xưa chỉ nói “ông xanh sao khéo đa đoan “. Còn ngày nay chẳng có ông xanh nào cả mà chỉ có chúng ta cùng đang hùa nhau làm bậy để cho cáI sự đa đoan ấy ngày mỗi rắc rối thêm.



Nối lễ hội vào... Trụy lạc

20-2
Các cơ quan điều tra vừa phát hiện ra những đường dây đánh bạc khổng lồ, giám đốc nọ quan chức kia đánh bạc hàng triệu đô la. Nhưng có một sự thực tôi nghĩ còn tàn nhẫn hơn, đó là hành động đỏ đen muôn vàn kiểu đang trở nên phổ biến đến mức đáng sợ. Người giàu đánh bạc người nghèo đánh bạc. Các chiếu bạc lẩn quất ngay ở các cơ quan ngoàI thành phố lớn và công khai ngay ở giữa các trụ sở ủy ban vùng nông thôn hẻo lánh. Một người vừa vui mồm kể rằng ở đây có kiểu đánh bạc như thế này, người khác góp ngay được chuyện rằng có những hình thức tinh vi hơn và kể ra được những nhân vật cuồng nhiệt hơn. Trước mắt tôI là một bức ảnh chụp cảnh chọi trâu ở Đồ Sơn. Nhìn một người xem say mê nhìn theo trâu, đã thấy mừng. Đến khi nhìn đồng bạc đánh cược lăm lăm trên tay anh ta, tôI hiểu ngay rằng chẳng có tình yêu thể thao nào ở đây cả, mà chỉ có một con bạc đang khát nước. 

21-2
Nhiều cơ quan, lương thấp nên công việc cũng khá nhẹ nhàng. Thấy mọi người nhất là lớp thanh niên rỗi quá mà chẳng biết làm gì, nhiều lần tôI đã máy mồm định nói sao không học đi, nhưng kịp hãm ngay lại. Ngày xưa mới thế, chứ ngày nay nói chuyện tự học những lúc rỗi ráI, nghe có vẻ lạc điệu quá, người ta cười chết.
Nhưng tôI biết rằng nhiều chiếu bạc được hình thành từ chỗ rỗi rãI thế này. Đời sống tinh thần quá nghèo nàn, ngay cả nhu cầu hưởng thụ ở nhiều người cũng chí thể hiện ra ở những đòi hỏi tầm thường thì đánh bạc được xem là tiện nhất. Nhiều người thường trích dẫn câu “ Nhàn cư vi bất thiện “, họ chỉ quên rằng người xưa dành câu đó cho hạng tiểu nhân. Còn những người đứng đắn mà người xưa kêu là quân tử có những niềm vui khác hẳn. 

23-2 
Tệ đánh bạc phổ biến đến mức ở xa chúng ta hàng vạn cây số, đàI BBC ở bên Tây cũng phải góp chuyện và một tờ báo điện tử ở VN đã đăng lại. Họ lưu ý một điều, là tệ đánh bạc có liên quan đến tham nhũng. Nay là lúc có những người ăn cắp được nhiều quá mà chẳng biết là gì hết tiền. Ô tô sắm rồi, rượu chè thoảI máI rồi, bằng cấp tiếng tăm mua được rồi mà tiền vẫn không hết, thì tội gì không đánh bạc.

26-2
Nhưng nhiều người còn lưu ý là bao giờ nạn cờ bạc cũng gắn với mê tín dị đoan. Cuộc sống quá nhiều bấp bênh, chẳng biết còn tin ở cáI gì nữa. Rút lại, hình như chỉ còn là chuyện cầu cúng. Nhiều người thoạt đầu đánh bạc để cầu may, sau quen hơi bén tiếng mới lao vào để gỡ nợ.
Đấy chính là nội dung của một bàI báo trên tờ VietnamNet sáng nay 26-2-06. Bài viết kể rằng hàng loạt làng ở Hà Đông rằm tháng giêng vừa qua mở hội làng thì cũng là lúc rất nhiều quý tử trong các gia đình thi nhau lao vào cuộc đỏ đen, có người mấy ngày nướng hết vàI chục triệu.
Vì lễ hội mở là một dịp để người ta cầu may nên các trò cờ bạc cứ bám sát các lễ hội mà mời mọc rủ rê người ta.
Nhân dịp khai mạc năm du lịch quốc gia, có một khẩu hiệu đã được nêu ra: Nối lễ hội với di sản.Ồ, ý tưởng nghe cũng hay đấy ! Nhưng nên nhớ là dân mình còn thông minh hơn nhiều, từ lâu một số lễ hội đã được người ta nhanh nhảu nối với cờ bạc một cách khá …thuần thục, mà chẳng cần tuyên bố tuyên ngôn gì cả. 


Sáng tai họ điếc tai cày 

27-2
“ Không tìm được giống tôm tốt, toàn giống dễ mắc bệnh, riêng tiền chi phí về giống, dân nuôI tôm ở Cà Mâu chịu lỗ đã tới hàng tỉ đồng “. RảI rác các bản tin chiều của VTV1 gần đây thường điểm thêm một vàI tin như vậy. Trên xa lộ thông tin ồn ào lộn xộn, loại tin thua thiệt như trên chỉ lọt thỏm đi, nhưng sao cứ thấy băn khoăn. TôI nhớ là từ bảy tám năm trước, báo chí ở ta đây đó cũng đăng lời than phiền của một số chuyên gia nước ngoàI về tình trạng nuôI tôm bừa bãI của dân mình và cảnh báo có lúc đồng bãI sẽ biến thành những bãI tha ma tôm. Lúc ấy đang mảI làm ăn chả ai để ý cả. Nay đã đến lúc lời nói của họ chứng nghiệm, tôI nghĩ đáng lẽ chúng ta phảI cùng trở lại để rút kinh nghiệm tính toán cho mọi việc khác. Nhưng có ai chịu làm cáI việc nhiêu khê ấy đâu.

1-3 
Nếu đó là chuyện hôm qua, thì đây là chuyện hôm nay: Báo Lao động Tết Bính Tuất có bàI về khu di tích hoàng thành Thăng Long. Khu vực khai thác mấy năm trước coi là niềm tự hào thì nay bị để hoang. Những thứ của chôn mấy trăm năm dưới đất nay bị lôI lên giữa thanh thiên bạch nhật gây biến dạng. Nước và không khí trở thành nhân tố phá hoại. Nghe mà xót xa làm sao ! Nhưng càng xót xa hơn, nếu như biết rằng một chuyên gia nước ngoàI còn dự đoán, nếu không có sự xử lý kịp thời thì di tích hoàng thành rồi sẽ có lúc biến thành … bãI rác. 
Một kiến trúc sư tôI quen bảo rằng, mình cũng nghĩ vậy, nhưng không dám nói. Thậm chí không dám nghĩ tới nữa vì thấy nó thảm quá mà chẳng biết làm sao để thay đổi cả. Được cáI dân mình luôn luôn có cáI để lo toan bận bịu, nên cũng dễ quên. 

2-3 
Chẳng phảI là tôI cố ý mê tín người nước ngoàI đâu, song quả thật nhiều lời cảnh báo của họ quá đúng, có lẽ vì có được sự khách quan mà đúng. Sau đây là hai tin khác nghe được gần đây tôI mà cứ muốn nói cho mọi người cùng biết. Một là một quan chức ngoại giao ở Hà Nội lâu, nhận xét rằng hiện nay ở Việt nam sự chênh lệch giữa giàu và nghèo đã lên đến mức kinh hoàng. Và hai là giám đốc trung tâm nghiên cứu Việt Nam ở Havard lưu ý là ở xã hội Việt Nam hôm nay, con người không có nhu cầu hiểu biết, thanh niên cố sống cố chết đi học chỉ cốt kiếm mảnh bằng rồi xin việc, chứ học để biết làm việc thì không mà học để làm người tốt hơn lại càng không.

4-3
Giá kể như ngày trước thì nghe những tin như vậy, có người đã kêu rằng họ ác ý. Nay chúng ta bình tĩnh hơn công nhận là họ nói đúng. Đây chính là cáI mới mà chỉ những ngày hôm nay mới có.
Nhưng vẫn chỉ là mới một nửa. Trước nhiều nhận xét có tính phê phán, phản ứng thông thường của ta là nghe đâu để đấy, tỉnh bơ đI coi như không có, thậm chí trong bụng có người thầm nghĩ giá họ không nói thế thì tốt hơn. 
Cũng thuộc nhận xét của người ngoàI đến thăm và làm việc ở nước ta, còn có một loại khác. Đó là những lời ngoại giao, cáI gì cũng cảm động, cáI gì cũng khen, khá khách sáo và nhiều khi là những lời đãI bôI. Ai đi đến những miền đất mới chả phảI ngoại giao một chút như vậy, thực không có gì đáng trách. Chỉ lạ một nỗi là so với mấy lời chê bai đúng đắn thì cáI loại “ ngoại giao “ này lại được đàI báo ở ta thích nhắc đI nhắc lại. Chúng ta quá ngây thơ chăng? Hoặc đã mệt mỏi quá chăng? Các cụ xưa có câu “ Sáng tai họ điếc tai cày” ám chỉ cáI việc người ta chỉ nghe được những gì thích nghe. Hóa ra lời xưa vẫn đang chứng nghiệm.


Ăn cắp thời nay 

6-3
Những vụ thó cáy ý tưởng, nháI theo cốt truyện, mô phỏng giai điệu, bắt chước y hệt bố cục …liên tiếp được phát hiện, khi người ta rà lại một số tác phẩm nghệ thuật ( bao gồm từ sáng tác thơ văn, cho đến tranh vẽ và các bàI hát có nhiều người hát. ). Gần đây có tin đến mấy cuốn từ điển tiếng Việt được in ra và đang bày bán trên thị trường là sự sao chép từ một hai cuốn chuẩn.Gọi là đạo ( đạo văn ) cho nó sang, thật ra phảI gọi trắng ra là ăn cắp mới đúng --

8-3 
CáI sự đạo văn,ăn cắp ý tưởng của nhau thật ra thời nào cũng có. Tuy nhiên cáI đặc điểm của sự ăn cắp tác phẩm nghệ thuật thời nay là ở mấy điểm 1/ nó liên tục bị phát hiện mà cũng liên tục táI phát 2/ nó lọt qua những ngưỡng cửa vốn được coi là tôn nghiêm, chẳng hạn trong các kỳ thi trên phạm vi quốc gia. Và 3/ điều quan trọng nhất: nó trắng trợn đến mức nên coi là khinh bỉ, ngồi xổm trên dư luận. Một cuốn từ điển tiếng Việt ghi rõ là do giáo sư Bùi Quang Tịnh biên soạn, đến lúc hỏi ra mới biết không có ai tên như thế cả, người ta làm thế cho oai, thế thôI ! 

10-3
Nguyễn Công Hoan có lẽ là nhà văn tiền chiến hay nói tới ăn cắp nhất, và ông đã đưa ra nhiều hiện tượng oáI oăm, chẳng hạn chủ nhà ăn cắp của đầy tớ để trả lương, hoặc các vị khách dự một bữa tiệc kêu mất cắp và đổ riệt cho bọn người giúp việc, sau hóa ra chính họ lại ăn cắp của nhau. Tuy nhiên giá còn sống đến hôm nay chắc ông sẽ ngạc nhiên vì sự tiến bộ của ăn cắp thời nay. Nhất là nếu được phép mở rộng kháI niệm ăn cắp một chút, “ xem các hành vi mà xưa nay gọi là tham nhũng, thực chất cũng là ăn cắp “, thì chắc ông sẽ viết về nhiều việc mới. Cái câu mà một nhân vật của ông than thở “ giá ai cho cháu một hào ‘ ( để cháu khỏi đI ăn cắp ) giờ đây đọc lên như đã thuộc về một thời xa xưa lâu lắm. Bởi nhiều vị sếp thời nay đã lương cao bổng hậu mang về cho vợ con sở hữu tiền tỉ, mà vẫn tiếp tục ăn cắp ngay tiền của cơ quan mình, chơI bời hưởng lạc. 
Liên hệ trở lại với những vụ ăn cắp trên lĩnh vực văn chương nghệ thuật. TôI ngờ rằng nhiều lúc những người này cũng có phân vân. Nhưng rồi chỉ cần họ nghĩ,” có là gì đâu ; so với đám quan chức kinh tế, mình chỉ cốt kiếm vàI đồng xu còm “, thì việc gì họ cũng dám làm. Trong một thiên truyện Khổng  t Kỷ, Lỗ Tấn chả đã nói tới cáI lý thuyết “ ăn căp sách không phảI ăn cắp “ là gì?

12-3
Từ dạo có tin vụ PMU 18 đến giờ, tôI thường nhìn những công trình giao thông với hai ý nghĩ: một là đây là những công trình sử dụng đến số vốn hàng trăm thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Và thứ hai là chắc hẳn rất nhiều công trình loại này đã là nơI để người ta xâu xé làm bậy ăn cắp thoảI máI. Cũng biết rằng nghĩ thế là oan cho một số người lương thiện, nhưng chừng nào không có mọi sự thanh tra kết luận rõ ràng và bọn người phạm tội chưa được xét xử minh bạch, tôI thấy mình có quyền nghi ngờ như vậy. 


những dư âm của Thời xa vắng 

13-3
Vào những ngày này, khi cúm gà vẫn là câu chuyện dai dẳng điểm qua trong các bản tin hàng ngày thì chung quanh cáI nạn dịch này ngày một nảy sinh những chuyện bi hài. Hồi nọ thấy TV quay được cảnh người ta băm những con gà bị bệnh cho gà còn sống ăn, thấy đã ghê cả người. Mới nhất có tin gà ở Trung quốc bị cúm giá rẻ chỉ có năm ngàn một cân được mang về trà trộn với gà nội địa vốn đã lên đến bốn năm chục ngàn một cân, bán rộng rãI ở Hà Nội. Xưa bảo là đói ăn vụng túng làm càn. Nay không túng song nạn làm càn cũng đang lan ra như một bệnh dịch. 

14-3 
ở một góc rất nhỏ trên báo, thấy có tin ở một tỉnh nọ, có những em bé vị thành niên chót dại chửa đẻ, và người ta đã dùng que để chọc cho những thai nhi bất hợp pháp đó “rụng” ra mới thôI. Chuyện nghe rùng rợn như hồi trung cổ, và có thể nói là hiếm hoi, không phổ biến ! Thế nhưng nhẹ hơn một chút chỉ gần đến mức như vậy thì nhiều lắm. Một anh bạn tôI kể là ở vùng quê gần Hà Nội, đến nhiều nhà thấy có cảnh những đứa trẻ mười lăm mười bảy bị xích vào bên cổng đến bữa bố mẹ mang cơm cho ăn. Thì ra đó là những đứa trẻ nghiện. Người kể lưu ý thêm là chỗ bị xich thường được đặt ngay chỗ đI vệ sinh để khi cần chúng khỏi gào lên đòi giảI quyết …

16-3 
Một tờ báo đưa tin tuyến đường mới mở từ đường Hoàng Quốc Việt đI Cầu Giấy men sông Tô Lịch chi phí 54 tỉ bị chặn vì một ngôI nhà. Cả dự án dừng lại hàng nửa năm, phế thảI đổ ngập cả đường nhựa, tuyến đường nhiều chỗ thành một bãI rác. 
Còn đây là tin liên quan đến dân ở Thạch Bàn ( ngoại thành cũ, nay đã thuộc về quận Long Biên ). Hàng ngày xe tảI chở cát làm cầu Vĩnh Tuy đI qua vùng này làm bụi bậm bẩn thỉu và hỏng hết nhà cửa. Người dân kiến nghị mãI không được, liền phản đối bằng cách mang giường ghế chặn không cho xe qua lại. Bên cần vận chuyển cát không chịu, cho quân đổ cả thuốc trừ sâu trước nhà người ta để ngăn đe. Điều qua tiếng lại mãI chưa đâu vào đâu.
Đặt hai tin này cạnh nhau, thấy gợi lên đủ cảm giác lẫn lộn, vừa bực bội, vừa xót xa. Các cơ quan làm ăn đã vô trách nhiệm mà dân cũng hư quá đI. Cả hai đều là kiểu làm ăn của thời hỗn mang quân hồi vô phèng, chả ai bảo được ai, tức là đã xa lăm lắm.

18-3
Lại có những chuyện vẩn vơ lặt vặt,tưởng không đâu vào đâu nhưng trong đầu vẫn cứ thấy vương vướng. Đơn giản lắm, anh em bên điện ảnh kể rằng làm phim nhiều khi phảI dùng đến ô tô. Mà ô tô nào thì cũng có biển số, ghi nhận rằng nó đăng ký ở một tỉnh nào đó. Điều khốn khổ là ở chỗ cứ đưa xe nào lên phim, mà có chuyện gì không hay một chút, thì lập tức ít hôm sau nhận được công văn biện bác rằng tỉnh tôI không có những xe làm chuyện đó, đề nghị không dùng loại xe như vừa qua, để tỉnh tôI khỏi mang tiếng. Chao ôI, bây giờ mà chúng ta còn quan niệm về phim ảnh như thế ư? Lần này thì đích thực là những dư âm của thời xa vắng, chứ còn gì nữa?! 

May mà có mấy vụ cá cược bóng đá ! 

20-3
Đầu tháng này liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông mà, để miêu tả, người ta toàn dùng đến những từ như bi thảm hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Khi nghe tin vậy thì dư luận nghĩ ngay tới nguyên nhân chủ quan. Tức ngư¬ời sử dụng ph¬ương tiện giao thông bị quy lỗi đầu tiên. Lại say rư¬ợu chứ gì? Nếu không thì cũng đI liều đI ẩu ! Này có khi còn không có bằng cũng nên, bởi vội vàng đua đả nhau ăn diện lắm nên chẳng những làm khổ mình mà còn hại người.
Thế nh¬ưng có thể có một ý nghĩ khác:Tai nạn xảy ra một phần vì đ¬ường xá quá chật hẹp. ở các thành phố tỉ lệ đ¬ường trên một đầu dân quá thấp. Có đ¬ường chăng nữa chất lượng quá kém hoặc có khi chỉ hào nhoáng bề ngoàI bên trong các thông số kỹ thuật không bảo đảm. Mà bao nhiêu tiền thì đổ vào làm đ¬ường, để rồi để bọn mấy ông t¬ướng như¬ Bùi Tiến Dũng kéo nhau đi đánh bạc, mỗi tiếng bạc hàng triệu đô-la. Chỉ riêng việc này thôI đã thấy tham nhũng là một tội ác. Nó đang giết người hàng ngày.

22-3
Từ lâu tôI đã nghe nói cáI chuyện hàI hước sau đây: có một đoạn biên giới đường mình nối với Lào cùng được vay vốn nước ngoàI và do cùng một công ty VN trúng thầu. Vậy mà đoạn bên nước bạn rất tốt còn đoạn bên ta chẳng mấy chốc xơ xác. Thì ra các cấp chính quyền bên Lào người ta nghiêm, có đúng tiêu chuẩn người ta mới thanh tóan tiền. Còn ở ta, dân làm đường đút cho mấy ông địa phương vàI đồng là xong, đường xấu thì dân thiệt. 

23-3
Theo sự miêu tả của báo chí, cái tài nhất của cơ chế bên Bộ giao thông là các ông ấy vừa làm đường, vừa là người nghiệm thu và đánh giá chất lượng. Nói theo chữ của bóng đá họ vừa là người vừa đá bóng vừa thổi còi để mặc sức tung hoành. 
( Kinh nghiệm cho những người muốn tiếp tục tham nhũng: đừng quên thâu tóm luôn vào tay các cơ quan điều tra ; nắm được nó rồi thì rồi việc gì cũng hóa giải được hết ). 
Một điều đáng kể nữa trong những ngày này, trước khi bị cơ quan điều tra triệu tập ông trùm Nguyễn Việt Tiến còn kịp chủ trì một đợt tập huấn chống tham nhũng và lãng phí. Báo chí đã có người gọi đó là đùa dai. Tôi thì tô nghĩ cái sự gian dối đến tận cùng đó là một cách khinh bỉ đối với dư luận xã hội. 

26-3
Trên màn hình VTV1 đưa ra hình ảnh một đóng góp của PMU18: những cái cọc tiêu trên quốc lộ 18 đáng lẽ phải có lõi làm bằng thép thì lại thay bằng tre non. Điều đáng nói là việc này đã được phát hiện từ lâu, sau các tội nhân xoay xỏa thế nào lại im tịt đI không ai nói đến nữa.
Ngồi ngẫm lại, thấy may sao từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay không biết sao mà vỡ ra được lắm vụ tham nhũng đã đến mức kinh hoàng như thế ! Đi sâu vào quá trình phát hiện còn phải nói may ở một vài điểm này nữa. Vâng, may quá mà các ông tham nhũng ấy còn mê gái, sẵn sàng tặng bạn gáI những chiếc xe hàng tỷ ; may mà các ông ấy còn xây cửa cao nhà rộng và sắm sửa những điền trang lớn ; nhất là may mà còn có những đội bóng châu Âu như MU, Barca, Juve, AC đá quá hay để các ông ấy vứt hàng đống tiền vào cá cược ! Chứ nếu các ông ấy lại sống nghiêm chỉnh, giữ gìn đạo đức trong sạch và xoen xoét nói rằng mình vì nước vì dân rồi bao nhiêu tiền ăn cắp được chuyển thành đô la mang gửi cả ở nước ngoàI dành cho con cáI sau này, --- giả dụ như thế thì còn đến tết chúng ta mới được biết những vụ làm ăn ghê gớm và cáI quy chế quản lý kỳ khu như trong những ngày vừa qua.




Ta tìm hiểu thêm về...ta 

27-3
Một tờ báo mở diễn đàn Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ? Một cán bộ thống kê đưa con số GDP của mình thế này mức tăng trưởng hàng năm là thế kia. Một bác già đã hưu trí chỉ nhận xét: đi nhiều nước không thấy chỗ nào có bảng giá đổi tiền họ ra tiền Việt Nam. Chi tiết hay quá ! Nó giúp tôI hình dung ngay ra cáI điều mà các con số không nói.

28-3
Đối tượng bàn bạc của diễn đàn nói trên thật ra, không phảI là các con số về địa dư cũng như dân số, chữ “nhỏ” nói ở đó chỉ nhằm để gợi ý xem hiện ta có bị tụt hậu hay không, thế giới người ta nhìn nhận mình như thế nào. TôI cũng không có con số, mà chỉ xin ghi lại một vàI chuyện vặt. Thường trong các bản tin thời tiết của các đàI truyền thanh truyền hình các nước, không có khi nào thấy nói đến thời tiết Hà Nội. Tại một địa phương gần ta như Chiết Giang Trung quốc, người dân khi nghe tôI nói là người Việt Nam, không hiểu ở đâu. Bằng của các trường đại họcViệt Nam hầu như không thể dùng để đI xin việc ở bất cứ nước nào. Dầu mỏ Việt Nam xuất đI chỉ ở dạng thô, người ta mua về phảI tinh chế lại, và không bao giờ tính là vốn gốc của Việt Nam. Tương tự, chè Việt Nam bán sang nhiều nước là để cho người ta dùng làm phụ gia, trộn thêm vào chè của họ.Đại kháI như vậy. Còn nói chi đến chuyện chúng ta chưa bao giờ có một đóng góp nào trong lịch sử khoa học, và trong năm 2005, chỉ đâu có một trường hợp xin đăng ký với tổ chức phát minh ( sau đó có được công nhận không thì tôI không theo dõi tiếp ). 
Nếu ai hỏi tôI “ ta là thế nào “, thì sau khi đồng ý với những con số báo chí đã nhắc đI nhắc lại, câu trả lời của tôI xin bổ sung mấy ý đó.

30-3
Những vụ bê bối trong Bộ giao thông vận tảI đang là đề tài thường xuyên của báo chí và trong mọi câu chuyện khi người ta rỗi rãi gặp nhau -- mà dân Hà Nội hay gọi là chuyện hàng nước, chuyện vỉa hè, ở đó bao chi tiết lặt vặt nhưng thú vị được bổ sung. Người ta nhớ lại là ông Bộ trưởng ấy năm ngoáI sau tàu E1 đổ ở Lăng Cô còn đI tắm bùn ở Nha Trang rồi mới về dự buổi họp rút kinh nghiệm, và tính cho chính xác thì 11 ngày sau vụ tàu đổ,ông mới có mặt ở hiện trường. Hoặc chuyện ông Thứ trưởng đã có lần gây rối cãI nhau ở hàng phở. Đại khái là thế, có cáI đã đúng có cáI còn xác minh thêm. TôI hình dung, nay là lúc hình như cùng lúc cả hai cơ quan điều tra (CQĐT)cùng hoạt động. CQĐT thứ nhất, cố nhiên là ở bên Công An, đối chiếu sổ sách giấy tờ và các điều luật quốc gia ; còn CQĐT thứ hai với tôi đấy là cái dư luận mịêng nói trên. Loại điều tra này có đưa ra ít chi tiết lạ thì cũng không thể trở thành căn cứ để luận tội. Song tôI ngờ là nó có một tác động khác. Nó cho ta hiểu thêm về bộ máy hoạt động của ta, lối quản lý người của ta, tính chuyên nghiệp của bộ máy quan chức của ta và cả nhân cách của nhiều người trong cuộc nữa. 

2-4 
Đang lo không có con số cụ thể thì qua một tờ báo điện tử, một tiến sĩ người Việt đang học ở Mỹ mầy mò trong các bản báo cáo của các tổ chức kinh tế thế giới, trình bày lại những con số sinh động, chẳng hạn về tổng số đầu tư ta thua nước này nước kia vàI chục lần ra sao, về mức thu qua du lịch ta chỉ bằng phần nhỏ của họ ra sao, rồi tổng số sinh viên theo đầu người ta còn bê bết như thế nào …. Hóa ra cáI việc ta tự tìm hiểu lại ta, thật ra không phảI là khó lắm,chẳng qua ta có muốn làm hay không mà thôI. Mà có tự hiểu chính xác về mình thì mọi sự hô hào tăng tốc mới thật sự là có ý nghĩa, chứ không phảI là những lời lẽ bốc đồng đã quá quen thuộc. 



Nên hiểu tự do như thế nào? 


3-4 
Ở Hà Nội hiện nay có những căn nhà chiều ngang mỏng dính trông thật kỳ cục đến mức một nhà báo đã phảI trương lên cáI tiêu đề cho một bàI báo: Eo ôI Hà Nội phố ! Trong khi đó, khi lên Đà Lạt, tôI được nghe kể là người Pháp đề ra những quy chế rất gắt gao cho việc xây dựng các biệt thự ở đây. Ví dụ, phảI có diện tích đất bao nhiêu mới được làm nhà ; còn về kiểu nhà, trong khi bắt buộc kiểu nhà mới làm phảI khác kiểu các nhà chung quanh ( để tạo cảm giác độc đáo ), thì anh lại vẫn phảI kết hợp với cảnh quan sẵn có một cách nhịp nhàng. Bởi thế lên Đà Lạt ai cũng thấy là không chỉ có nhiều nhà đẹp mà thú vị hơn là cả một thành phố đẹp. Còn như các thành phố mới được xây dựng gần đây thì hoàn toàn ngược lại. CáI câu “tiền tôI tôI muốn xây thế nào thì xây “ là loại câu nói cửa miệng, và hình như nhà nước cũng coi là có lý, không có yêu cầu với lại tiêu chuẩn gì nữa.
Liên hệ đến chuyện cho phép nhập ô tô đang là chuyện thời sự trong những ngày này. Không cần phảI là nhà chuyên môn thì người ta cũng thấy các thành phố lớn đều ít đường mà quá nhiều xe có động cơ. Tốc độ đI lại ngày một chậm. ùn tắc ngày mỗi nặng nề thêm. ĐI lại hàng ngày với nhiều người dân là chuỵện khủng khiếp. Thế thì có nên cho phép nhập thêm xe một cách rộng rãI không? Lắm xe thế rồi sẽ đI lại ra sao?

4-4 
Ngay khi nghĩ rằng “ giá kể được hỏi, sẽ xin đề nghị hạn chế nhập ô tô “--tôi lập tức cảm nghe ngay được rằng có hàng loạt lời phản đối: “ Quyền của chúng tôI, sao anh lại tính chuyên cấm? “ “ Lại các cụ Khốt kêu gọi cơm nắm muối vừng và không muốn dân mình có ai được mở mày mở mặt chứ gì ! “. Tức là trong trường hợp này nhiều người lại vận dụng đến kháI niệm tự do -- một thứ tự do đồng nghĩa với bừa bãI ai muốn làm gì thì làm.
TôI thì tôI nghĩ khác. Hàng ngày đời sống những người nghèo đang bị nghẹt thở vì bao nhiêu áp lực của một đời sống hỗn độn. Nào quảng cáo tiếp thị bừa bãI, nào chạy theo mốt nọ mốt kia, nào đua tranh làm ăn với bất cứ giá nào để trục lợi. Trong khi bấm bụng chấp nhận rằng đó là cáI giá của phát triển, chẳng nhẽ chúng tôI không có quyền kêu lên rằng tự do chân chính của chúng tôI bị xâm hại hay sao? Trong một hoàn cảnh quân hồi vô phèng mạnh ai nấy sống thế này, chẳng nhẽ người ta chỉ có cách tự nhủ là hãy cố mà tham nhũng, cố mà buôn gian bán lậu trốn thuế làm hàng giả để mà giàu lên như mọi người hay sao?

7-4
Trong một cuốn sách triết học phương Tây,thấy có ghi lại một nhận xét có tính cách nghich lý: “Điều kiện đầu tiên để có tự do là tự do phảI bị hạn chế “.

8-4
TôI chưa được sang Pháp nhưng nghe kể là ở đó các quán cà phê được bố trí rất hợp lý, tùy theo mức độ tiêu thụ mà quyết định số quán được mở, ngay giữa quán nọ quán kia cự ly cách nhau bao nhiêu cũng phảI có sự tính toán, chứ không phảI mở bừa đI là được. Dân Pháp nổi tiếng là yêu tự do, thật khó lòng để đI tin là cách hiểu về tự do của ta lại tiến bộ hơn họ được. Thế nhưng có người sẽ bảo: “ Họ khác, ta khác !”. 
à, chí phảI, đã nói thế thì thôI tôI xin chịu, cãI làm sao nổi.





Chi tiết lặt vặt và mức độ nổi tiếng 


11-4
Sự kiện PMU nghiêm trọng quá khiến cho không ai khi theo dõi không đau đớn xót xa. Tuy nhiên thỉnh thoảng các nhà báo cũng cung cấp cho bạn đọc những chi tiết vui vui. Ai cũng biết nếu không có vụ theo dõi tình hình cá và độ bắt được trùm Hưng thì cơ quan điều tra không phát hiện được Bùi Tiến Dũng đánh bạc và không có mọi việc tiếp theo. Mà họ làm ăn đã hiện đại lắm, số tiền đặt cược thì được mã hóa và ghi cả vào một máy tính. Và đây là cáI chuyện người ta có thể nhếch miệng cười được với nhau: đó là sau khi biết mình bị lộ và có thể bị bắt, Hưng đã nhắn cho gia đình vứt ngay cáI máy tính hành nghề xuống ao. Vô phúc cho hắn mà cũng còn may cho đất nước này là người nhà của Hưng lại tiếc của trời không làm đúng theo lệnh hắn mà chỉ giấu vào gầm cầu thang để rồi cuối cùng bị các chiến sĩ khám nhà tịch thu... Không biết con đường mà cáI máy tính này trảI qua còn có chuyện gì vui, song cho phép tôI trịnh trọng tuyên bố rằng rằng nó thực sự là một trong những chiếc máy tính có vai trò lịch sử đối với vận mạng đất nước. 

12-4
Một chi tiết khác, bảo lặt vặt cũng được mà cực kỳ quan trọng cũng được đó là khi xuống sân bay Nội Bài, trước khi bị bắt, Tôn Anh Dũng ( kẻ lo chạy án cho Bùi Tiến Dũng ) đã kịp vứt đi cái điện thoại di động có ghi các buổi nói chuyện quan trọng. May mà ( lại may, dân mình toàn sống bằng may ) các chiêu đãi viên hàng không đã phát hiện được và nộp cho các chiến sĩ công an, chứ nếu không thì chúng ta chỉ có vụ tham nhĩng chứ lấy đâu ra vụ “chạy án” để xem. Theo tôi, vụ sau này còn ly kỳ hồi hộp thú vị hơn hẳn vụ trước vì nhờ đó chúng ta có dịp nhận mặt bao nhân vật sừng sỏ, kể cả khuôn mặt đen tối của nhiều nhân vật trước kia vẫn được coi là sạch sẽ nữa.

13-4
Nếu chuyện không vứt cái máy tính xuống ao cho chúng ta một dịp cười vui, thì tôi nghĩ rằng câu chuyện các chiêu đãi viên hàng không kịp nhặt cái máy điện thoại mà Tôn Anh Dũng định cho phi tang dành cho chúng ta một dịp cười vui lành mạnh hơn và sảng khoái hơn. Ra cuộc đấu tranh chống các loại tội phạm là việc hợp lòng người. Và có những người danh tính chưa được công bố song đã có đóng góp lớn cho xã hội. Quái, sao đến bây giờ chưa thấy nhà báo nào viết về họ nhỉ ! 

16-4
Có một cách để xác định mức độ nổi tiếng của một người là xem xem tên tuổi người đó xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng với mức độ dày đặc ra sao. Máy tính có thể giúp người ta trong việc này và kết quả của nó thì khách quan, chẳng ai chạy được hay xin xỏ được – kể cả tránh được. Chẳng hạn vào sáng nay, khi tra mạng Google, tôI được biết một số kết quả liên quan tới các VIP của vụ án PMU như sau: Đầu sổ là Nguyễn Việt Tiến 295. 000 lượt, Bùi Tiến Dũng 226. 000, Đào Đình Bình 151.000.Để tiện so sánh tôI tra lại thì thấy Năm Cam trước đây được có 77.500, trong khi bên thể thao, Văn Quyến cũng không xoàng lắm 251.000 lượt. 
-- Làm việc đó làm gì, sau này người ta chỉ nhớ tới các chiến công, chứ ai bận tâm tới bọn ăn cắp với lại đánh bạc? Có người sẽ hỏi vậy.
--Anh lầm rồi, các bộ lịch sử không chỉ ghi tên Lê Lợi, Quang Trung, mà còn ghi tên những tên vua tàn ác hoang dâm vô độ như vua Ngọa Triều Lê Long Đĩnh, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, hoặc các quyền thần làm bậy như Trương Phúc Loan, cũng như nói đến nhà Thanh Trung Quốc thì ai cũng nhớ tới tên tuổi Hòa Thân. Dạy sử mà đem chuyện này nói với bọn trẻ thì chúng sẽ há hốc mồm để nghe chứ đâu có quay mặt đI không muốn học như môn sử hôm nay ! 










Rác ngoại

17-4
Từ gần tháng nay, dân tình xem TV thường sởn da gà khi theo dõi cảnh buôn lậu gà qua biên giới. Đó là những con gà bên Trung quốc họ phảI thanh lý vì sợ cúm nhưng ngại chôn nên gần như bán cho không mình và dân mình thì bu lớn bu nhỏ buộc sau xe chở về Hà Nội, trộn với gà lành để bán cho dân tiêu dùng.
Cùng ống kính truyền hình hướng về các cảng biển, lại gặp cảnh những công - te -nơ đồ sộ được dỡ ra, bên trong toàn những máy giặt hỏng, ti vi hết hạn sử dụng ắc quy phế phẩm cùng là các loại dây điện và đồ nhựa nát toét hoặc cáu rỉ được lèn thật chặt, nghe đâu cũng chở từ mấy nước lân cận về để rồi tìm nơI vắng vẻ nào đó trên đất mình để vứt. Người nhập loại “ hàng đặc chủng“ này cố nhiên không phảI bỏ vốn mà lại còn được nhận những số tiền lớn, ngoàI số đút lót cho Hải quan và địa phương chứa rác, chắc thu hoạch cũng kha khá, người làm ăn đứng đắn không bao giờ theo kịp. 

19-4 
Mấy năm 1980 _ 81, một bộ quần áo bò còn là sang với dân Hà Nội, một thằng cháu họ tôI khi đó hai tuổi sớm nghe người lớn nói mãI, tưởng cứ thêm chữ bò vào là quý, nó thổ lộ ao ước với mẹ nó rằng lớn lên không chỉ mặc quần bò, đội mũ bò mà còn sắm roi bò, giày bò, đI xe bò, ở nhà bò...
TôI ngờ rằng trong tâm lý nhiều người ở cả nông thôn lẫn đô thị hiện nay, cũng có tình trạng tương tự: chỉ cần thay chữ bò ở trên bằng chứ ngoại là cáI gì người ta cũng “ cân tất “. Đến như những thứ rác vừa nói ở trên, sở dĩ nó được tha thứ rồi săn đuổi, và tạo điều kiện tồn tại chỉ vì nó là đồ ngoại – trong trường hợp này là rác ngoại. 

20-4
Một anh bạn làm kinh tế nói với tôI rằng sở dĩ sản xuất và thị trường đường trong nươc hết sức phập phù là vì khoảng mấy năm mới bung ra làm ăn, các tỉnh đua nhau nhập về những nhà máy đường kỹ thuật quá cổ lỗ. Bên nước người, người ta sẵn sàng bán tống bán táng đI. Gạ bán rẻ. Gạ cho nợ. Và thường lại ních đầy hầu bao người mua tiền ăn đường. Thế là các sếp nhà ta hý hửng rước những của nợ ấy về. Thứ rác này nguy hiểm ở chỗ nó nằm chình ình ra đấy bỏ thì thương vương thì tội, chết không chết mà sống cũng không ra sống và còn làm hại dân ta nhiều năm nữa.
Thuốc tây và xi măng, ô tô và vảI vóc … Không thể kể hết những loại hàng “ hết đát ‘ từng bày bán nó biểu hiện sự ngờ nghệch của chúng ta khi nhập hàng ngoại. Trong số này tôI muốn lưu ý thêm cả những thứ phi vật thể như các kiểu nhà, các loại nhạc phẩm, các loại mốt, rồi cả những quan niệm tư tưởng, những cách nghĩ cách sống những thị hiếu vốn hôm qua bên nước người là đúng đắn tiến bộ, nhưng hôm nay đã không còn thích hợp với thực tế và không còn khả năng giúp cho ta phát triển theo kịp với thế giới. Các thứ “ hàng hiệu “ đã thuộc về các viện bảo tàng ấy, một khi đến ta lại có sự táI sinh khá ngoạn mục, thế mới não ruột ! 

22- 4 
Trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, phần viết về Ngọa Triều Lê Long Đĩnh thấy ghi ông vua này có nhiều trò chơI rất độc ác mà tất cả đươc làm với sự chứng kiến và xúi bẩy của một kép hát nhà Tống lưu lạc sang ta, là Lưu Thủ Tâm. Thì ra gã kép hát kia cũng là một thứ rác của lịch sử, và bởi là rác ngoại, nên càng lộng hành càng gây tác hại. Từ nhà Tiền Lê về sau, thỉnh thoảng vẫn gặp những thứ rác ngoại trôI nổi đến tận cung đình như vậy. Vâng, tất cả đã có trong lịch sử, chỉ có điều chúng ta ngại đọc rồi coi như không có ! 


Ráo hoảnh 


2-5
Thuở chưa có cân bàn, các chợ ở ta chỉ dùng một loại cân thô sơ, gồm một cáI cần có khắc hoa thị và có một cáI đĩa nhỏ. Tôi nhớ một câu đố vui “ Có cây mà chả có cành – Từ gốc đến ngọn rành rành những hoa – Người bán thì bảo rằng già -- Người mua thì bảo thực thà còn non “ và câu giảI đúng là “cáI cân”.
Những ngày này thỉnh thoảng tôI lại nhớ đến câu đố cổ đó, không phảI để sắp sửa mang ra đố trẻ con trong nhà, mà cốt ghi nhận một chuyện trong giao tiếp thời nay. Là có những việc “ bánh đúc bày sàng”, giữa thanh thiên bạch nhật rành rành ra thế, mà cứ mỗi người nói một khác, và người nào cũng bảo rằng mình đúng. Nghe kể là ở một tỉnh nọ, khi một đại biểu chất vấn “ Sao tham nhũng ghê thế?“, thì một quan chức đầu tỉnh, mặt mũi thản nhiên cho một câu xanh rờn: “Làm gì mà nhiều, có thấm thía gì đâu so với thành tích mà chúng ta đạt được “(!). Trong dân gian người ta gọi đó là lối nói ráo hoảnh.

3-5 
Cũng chỉ có thể gọi là ráo hoảnh là cái sự việc gần đây Bưu điện một số tỉnh móc ngoặc với gian thương khai tăng giá hàng mua vào để chia nhau, đến lúc bị phát hiện mấy ông ký mua lại cười trừ: “ Chúng tôi hơi không được cẩn thận “ “ Chúng tôi chưa có kinh nghiệm “.

5-5
Trong giới cầm bút của tôi, người sát gái thì nhiều, nhưng nhà thơ kiêm nhà viết kịch T.Đ còn nổi tiếng về cái trò đánh tháo và chối. Nghe kể rằng có lần bị bắt quả tang vào nhà bạn, ăn nằm với vợ người ta, ông thản nhiên bảo đợi tôI mặc quần áo đã, và mặc xong thì tiếp tục thản nhiên nói rằng tôI vào chơI nói chuyện đỡ buồn thôI,có gì mà phảI ký vào biên bản. Vậy mà khối vụ cũng xong đấy ! Chắc kinh nghiệm của ông được nhiều người học tập, không chỉ trong cáI chuyện kín đáo kia, mà còn trong chuyện tham nhũng và cứu tham nhũng.

7-5
Người lớn nào chẳng nhiều lúc bực vì có nhiều chuyện dạy mỏi mồm mà trẻ không nghe, ngược lại có những chuyện chẳng cần bảo, nó đã bắt chước mình thành thạo. Ví như trong việc nói dối, thôI thì chúng học nhanh lắm.
Chỗ khác nhau giữa nói dối trẻ con và nói dối người lớn là kh
SỐ TRUY CẬP online