Tôi muốn tìm cách giải thích tại sao Kim Dung lại được tiếp nhận như vậy

* Ông vốn được biết như người chuyên canh ở khu vực phê bình văn học VN đương đại văn học .Con đường nào đã đưa ông đến với một cuộc hội thảo về Kim Dung ?

Từ lâu tôi tự xác định là để viết tốt về văn học VN , phải biết lang thang tới những khu vực khác nhau của văn học nước ngoài . Với quan niệm vừa viết vừa học, tôi đã mò mẫm làm quen với đủ loại tác giả , và một số ghi chép của tôi về Dostoievski , Tchekhov , Hemingway, Ehrenburg … gần đây đã được tập hợp trong một cuốn sách in ra đầu năm 2003 . Việc tìm hiểu Kim Dung nằm trong cái mạch đó . Bài viết mang tên Ngoài trời lại có trời lần đầu in ở tạp chí Văn học nước ngoài năm 1998 của Hội nhà văn VN , sau đó được một vài lần được in lại .
Nhiều nhà nghiên cứu ở ta như Cao Tự Thanh , Vũ Đức Sao Biển và trước kia là Đỗ Long Vân , từng say mê Kim Dung . Riêng Vũ Đức Sao Biển đã có mấy quyển sách viết chuyên về tác giả này . Tôi viết còn ít , song có may mắn là được một chuyên gia về văn học Trung quốc là Phạm Tú Châu giới thiệu với cuộc hội thảo . Chúng tôi phải có báo cáo (dịch ra tiếng Trung hoặc tiếng Anh ) gửi tới ban tổ chức trước , người ta đọc thấy được , mới gửi giấy mời tham dự .

* Ông bắt đầu mê Kim Dung từ hồi nào ?

Hồi 10-12 tuổi , sống ở Hà Nội , tôi mê các bộ kiếm hiệp Bồng Lai hiệp khách , Giao Trì hiệp nữ của Lý Ngọc Hưng chẳng khác gì đứa con trai nhỏ của tôi bây giờ mê Doremon , Bảy viên ngọc rồng , Hary Potterr . Tới khoảng mấy năm 1976 -- 1980 , khi tôi đang công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội , hai nhà văn cùng cơ quan là Nguyễn Khải , Xuân Sách , và các nhà văn khác như Hà Ân , Nghiêm Đa Văn , Lâm Quang Ngọc … đều có đọc chưởng Kim Dung, và chúng tôi thường xuyên bàn bạc với nhau về những Cô gái Đồ Long , Tiếu ngạo giang hồ , Thiên long bát bộ v..v..Nên biết thêm rằng không phải các nhà văn ấy quá dễ tính đâu, ví dụ Quỳnh Dao thì cũng đầy sách đấy mà họ ít đọc , và trong các tác giả chưởng , cũng chỉ có Kim Dung được đọc nhiều nhất .

* Ông tìm thấy gì ở chưởng Kim Dung ?

Nhiều lắm . Đọc Kim Dung để nghĩ lại về văn học .Ví dụ ta hay nói người đọc chỉ quan tâm tới những gì gần gũi với họ , và viết về người thực việc thực rất dễ được chú ý . Hoá ta nhầm . Nhu cầu làm quen với thế giới tưởng tượng là nhu cầu phổ biến trên khắp thế giới , vì thế những C. Andersen , E.T.A Hoffmann ở phương Tây, những Liêu trai chí dị hay Tây du ký ở phương Đông mới có đất sống . Lại như nhiều người hay nhận xét một cách khinh bạc rằng “ vẽ ma không khó vẽ người thực mới khó “ , và quen mồm rồi đâm thao thao bất tuyệt , xem tất nhiên là thế không có gì phải bàn cãi nữa ! Nhưng nay đã rõ nói thế là hàm hồ . ở những người tầm thường , trí tưởng tượng cố nhiên cũng rất tầm thường , thứ ma họ cất công vẽ nên trong trang sách cũng nguệch ngoạc ,xẹo xọ , non yểu , ngớ ngẩn … như chính những bóng dáng của đời thực mà họ trình ra trước bạn đọc . Còn về phần mình , Kim Dung đa góp phần chứng minh rằng ngay trong xã hội hiện đại , trí tưởng tượng rất cần , có thể nói đấy vẫn là yếu tố hàng đầu thu hút người ta cầm lấy cuốn sách .

*Tức là ông chú ý tới những vấn đề thuộc về tư duy văn học ?

Với tư cách một ngươì phê bình , tôi không có cách nào khác .

* Thế còn con người tác giả ?

ồ , đấy cũng là điều rất đáng nói nữa . Tôi khâm phục sức làm việc phi thường của cây bút này . Có thời gian ông mài miệt với công việc , sáng thì sống với cuốn truyện chưởng viết dở trên báo , chiều thì phải lo nộp bài cho tờ Minh báo mà ông sáng lập , tưởng như phải làm việc đến 18 –20 giờ một ngày . Riêng trong việc viết chưởng , tôi thấy ở ông có cốt cách của một người viết văn đồng thời là một nhà nghiên cứu , viết bằng những điều dày công truy tìm sách vở mà có , và biết mang những kiến thức đa dạng đã nghiên cứu được vào trang viết . Tôi thấy nhiều bản tham luận trong các hội thảo Kim Dung trước đây đi sâu phân tích quan niệm và cách khai thác lịch sử của Kim Dung. Mà một cây bút thông thạo lịch sử thường đồng thời cũng là một nhà văn hoá .

*Cụ thể trong cuộc hội thảo lần này , tham luận của ông đi vào vấn đề gì ?

Chị Phạm Tú Châu bảo tôi : Hội thảo quốc tế người đủ các nước đến dự , cái gì cũng đã có người cày xới đến . Tốt hơn hết là ta nói về cái gì ta thạo. Và tham luận của chị là về việc nghiên cứu và dịch Kim Dung ở VN . Tôi thì điểm lại các chặng đường công chúng ở ta tiếp nhận nhà văn này và muốn tìm cách giải thích tại sao Kim Dung lại được tiếp nhận như chúng ta đang thấy

* Nếu được gặp Kim Dung , ông sẽ hỏi nhà văn điều gì ?

Có một điều làm tôi lưu ý là ở đại lục hiện nay , người đọc Kim Dung rất đông và trong hàng ngũ những nhà nghiên cứu thâm hậu về Kim Dung có nhiều người là giáo sư đại học , kể cả Đại học tổng hợp Bắc Kinh ( gọi tắt là Bắc Đại ) , hiện là một trong những trường đại học lớn , rất có uy tín trên thế giới . Nên tôi băn khoăn muốn biết khi viết các bộ tiểu thuyết , Kim Dung có nghĩ đến công chúng đại lục không , những gì xảy ra ở đại lục hơn nửa thế kỷ qua có trở thành ám ảnh trong các trang sách của ông không , và hôm nay nhìn lại ông thấy thế nào . Sở dĩ tôi quan tâm đến vấn đề đó vì cho rằng lý do để bạn đọc ở Bắc Kinh và ở Thượng Hải , ở Tứ Xuyên và ở Tây An mê Kim Dung cũng là lý do để bạn đọc VN ở Hà Nội , Hải Phòng hôm nay truyền tay nhau đọc những Tiếu ngạo giang hồ với lại Thần Điêu đại hiệp … Khi thích một cái gì ta phải tìm ra lý do tại sao ta thích . Trong trường hợp Kim Dung , sẽ rất nhầm nếu chỉ dừng lại ở nhu cầu giải trí .

Đức Trung
( thực hiện )
SỐ TRUY CẬP online