NHẬT KÝ XÃ HỘI 2006<3>

4-9 
“ Có gì là quan trọng đâu! “ 

Anh B, bạn tôi có một lối trò chuyện rất có duyên, hễ có mặt ở đám nào là đám ấy xôm trò hẳn lên. Sự hấp dẫn của anh một phần là nhờ ở tài “trở cờ”, đang nói xuôi thế này mà nghe chung quanh có vẻ nghĩ khác là anh xoay ra nói ngược lại ngay cái điều vừa nói ban đầu.. Thành thử lâu ngày chúng tôi cũng ngán, mặc dầu lúc không có chuyện gì vẫn thích nghe anh nói. Đã mấy lần tôi sa vào thế tranh cãi với anh về một vài vấn đề mà chính tôi đang loay hoay tìm cách tự trả lời.Tôi nói khá hăng.Mà anh cũng trổ hêt tài vặn lại tôi. Nhưng với tôi đau nhất sau những cuộc tranh cãi này, không phải bị thua, mà là cái câu “ khóa đuôi “ của anh: 
-- Mày tưởng từ nãy đến giờ tao nói chuyện nghiêm chỉnh đấy à? Nói thật nhé đối với thằng này không có gì là quan trọng cả.
Thế là mọi chuyện muốn bàn bạc với B trở nên vô nghĩa và tôi chợt hiểu tại sao một người vốn thông minh như anh trở thành một người dông dài qua ngày, ăn bám xã hội. 

****
Mỗi lần có dịp phải đi lại trên những quãng đường quốc lộ mà hoàn thành theo kiểu làm ăn gian dối, đường vừa làm xong xe đi đã nẩy tung cả người, là tôi lại nhớ tới ông thứ trưởng đang bị tạm giam Nguyễn Việt Tiến. Qua một vài người thân của ông, tôi biết vị nguyên thứ trưởng bộ giao thông này vốn có trình độ, đi nước ngoài nhiều, chịu học hỏi (cầu cho lời đồn đến tai tôi là đúng !). Thế thì cái gì đã khiến ông cho phép đám người dưới quyền làm ăn gian dối, và để lại trên đất nước những con đường đáng xấu hổ như hiện nay? Có thể có nhiều lý do tôi không biết, nhưng tôi ngờ trong đó có một lý do sâu xa: ông cảm thấy cái tình trạng giao thông của mình là tuyệt vọng. Không bao giờ ta có thể bằng người. Bởi vậy, phóng tay mà làm cốt cho xong việc. Từ một con đường hỏng bàn giao quấy quá cũng xong tới nhanh chóng đẻ ra những con đường “ giả lễ bà chúa mường “ tiếp theo. Và hẳn trong thâm tâm ông thứ trưởng tự nhủ đường xấu chả chết ai hết, rồi người dân trên đất nước này đi lại làm ăn trên những con đường khốn khổ thế này vẫn sống nhăn răng một lượt, thảng hoặc có vài vụ tai nạn thì cũng xong thôi, có gì đáng sợ !?


****
Bán đất đai bừa bãi như mớ rau con cá. Sẵn sàng nghiệm thu những công trình xây dựng không ai dám đến ở. Nắn lại cả những con đường liên quan đến bộ mặt một thị xã một thành phố. Chế ra các loại vắc xin không đạt tiêu chuẩn tiêm phòng bệnh cho dân chúng một vùng. Bịa ra hồ sơ thương binh liệt sĩ giả để lĩnh “ tiêu chuẩn “ … Trong tâm lý những người làm việc đó, tôi tin thả nào cũng tìm ra cái độc tố “ không coi cái gì là quan trọng “. Người ta gọi đó là tinh thần hư vô. Nói như một câu ngạn ngữ phương Tây Chúa đã chết rồi, ai muốn làm gì thì làm. 


****
Đọc báo, thấy một chuyên gia nghiên cứu về biển nói là có khả năng Vịnh Hạ Long bị đầm lầy hóa, lòng biển nhiều bùn, san hô đang chết hàng loạt. Cố nhiên so với ám ảnh dịch lở mồm long móng lan rộng dần dần, dịch cúm gà có nguy cơ bùng phát trở lại, vì làm giả dối nên kế hoạch cổ phần hóa không thu được hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt nam tụt 21 bậc trong hai năm 2004-05 …, thì cái chuyện đầm lầy hóa nghe ra có vẻ xa xôi lắm. Nhưng tôi không đồng tình với một người bạn khi nghe anh ta nói chữa rẳng cái di sản thiên nhiên tuyệt vời ấy không sao đâu, việc đầm lầy hóa mới là ý kiến cá nhân thôi. Tôi đã nghe ra ở đây mùi vị của lối tư duy “ có gì là quan trọng đâu?!“ quá phổ biến hiện nay.




Một sự đồng tình tai hại 

“ Bộ Binh Bộ Lễ Bộ Hình – ba bộ đồng tình bóp vú con tôi “. Câu ca dao ấy, bọn tôi đã được học đâu từ hồi học cấp II ( ngày nay gọi là Trung học cơ sở ). Ấn tượng chính mà chúng để lại trong đầu óc là hành động lả lơi chòng ghẹo của mấy vị tai to mặt lớn. Người ta thưởng thức nó với bao niềm khoái chá. Ra các ông mặt sắt đen sì cũng không thoát khỏi sức hấp dẫn của khuôn ngực phụ nữ ! Hồi ấy tôi chỉ nghĩ được vậy. Nhưng hôm nay tôi lại muốn khuyên đỏ cho hai chữ đồng tình. Nó lột tả được sự ăn ý nhịp nhàng của cả một bộ máy,trong những công việc không đâu và làm cho đôi sáu tám này trở thành một thứ thần cú in mãi vào trí nhớ. 

**** 
Sở dĩ tôi nghĩ vậy, vì vào những ngày này người dân thường đang bắt gặp một sự đồng tình tương tự. Bộ máy nhà nước cũng từ dân mà hình thành nên. Cái việc các cơ quan nhà nước có những sai sót trong hoạt động là việc bình thường. Rồi sau khi làm sai có chuyện người dân thắc mắc muốn đi hỏi thêm cũng là bình thường nốt. Mà hỏi ở đâu, lại hỏi ở chính nhà nước chứ còn ở đâu nữa ! Đã bao nhiêu lần, người dân sau khi thẩm tra mới biết mình sai, và khi ấy thì họ hoàn toàn tin tưởng, chấp nhận.
Nhưng gần đây đang thấy nẩy sinh một tình trạng ngược lại. Là nhiều khi một cơ quan nhà nước có sự làm sai—việc đã trái lè lè – song khi đi thắc mắc thì dân chỉ nhận đươc một sự trả lời kỳ cục. Không ai để ý. Chậm. Bẻ hành bẻ tỏi, hỏi căn hỏi vặn rồi xếp xó. Chẳng những thế trong nhiều trường hợp thấy rõ dấu hiệu bao che. Cấp trên dung dưỡng cấp dưới. Cấp ủy chỉ đạo bênh chính quyền. Tòa án được chỉ đạo để cãi “ cho đủ loại cơ quan khác nhau. Hóa ra cái sự nhất trí mà ta tưởng là chỉ có ở thời phong kiến xưa, giữa “ Bộ Binh Bộ Lễ Bộ Hình “ nay lại “tái xuất giang hồ “ trong thời hiện đại, mà công khai và liều lĩnh hơn bao giờ hết.

****

Nói cho cùng thì cái sự đồng tình ở trên cũng là dễ hiểu. Nhiều khi đã có cả sự thỏa thuận ngầm từ trước, kẻ có lỗi đã cài đạt đủ các ban bệ, phương án ăn chia rõ ràng. Mà không thế đi nữa thì tâm lý tự nhiên của con người ta là “thân cò cũng như thân chim “---các nhân viên nhà nước nghĩ rằng bảo vệ đồng nghiệp là bảo vệ chính mình. Ấy là không kể trong thâm tâm người ta đã mệt mỏi quá. Ai mà chẳng có lúc khuyết điểm. Nếu mà lôi hết mọi việc ra thì lấy ai làm việc nữa? 

****
Trong các triều vua xưa, thì nhà Nguyễn là triều đại chịu khó làm sử hơn cả. Đọc một bộ sử dịch in ra đến mấy ngàn trang như Đại nam thực lục, người ta thấy mấy ông vua đầu tiên của thời Nguyễn là những người rất giỏi trong việc cai trị. Ví dụ như Minh Mạng. Ông này nắm tới quan chức tận cấp huyện chứ không phải chỉ cấp tỉnh. Đặc biệt ông ta hiểu một sự thực:quyền lực hay bị lạm dụng. Tức là quan chức các cấp nếu không có sự răn đe rất hay nhũng nhiễu dân lành. Và ngăn chặn cái sự nhũng nhiễu là việc đầu tiên mà một vị minh quân thấy mình cần làm, trong khi theo dõi các loại quan ở triều đình cũng như ở các địa phương.
Chẳng lẽ một cách nhìn sáng suốt như thế không đáng cho chúng ta học theo? Người ta hay nói sự hiểu biết về quá khứ giúp chúng ta dễ dàng chịu đựng những bất công trong hiện tại. Nhưng trong trường hợp này còn có gì hơn thế. Tôi ao ước có những nhà nghiên cứu lịch sử trình bày lại kinh nghiệm trị nước của cha ông để người nay có dịp học hỏi.



18-9
Một sự đồng tình khác, 
cũng tai hại không kém !

Người lái buôn ở ta thường được định danh một cách xách mé. Trong khi nói người đi cày, ông thợ, thì bao giờ dân gian cũng một điều con buôn hai điều con buôn, tương tự con nợ, con bạc, con đĩ … 
Sự căm ghét này một phần dựa trên cái mặc cảm cố hữu của người nông dân. Họ quen sống tự cấp tự túc, và chỉ muốn có sự trao đổi tối thiểu. Nhưng còn lý do ở chính những người buôn. Xã hội cũ chỉ tạo ra những người buôn bán vặt, kiếm mấy đồng lãi còm, nhờ sự buôn gian bán lận cân thiếu cân đủ rồi bớt xén nhặt nhạnh kiếm chác. 
Dai dẳng thay là cái sự thù ghét bị kích động hàng ngày ! Người ta không giấu diếm bày tỏ nó trong mọi trường hợp, để rồi có khi mùa sau năm sau, có ai rủ, cũng sắn sàng chạy theo, trở thành con buôn … nghiệp dư.
Đến Việt Nam đầu thế kỷ XIX, một người Mỹ từng ghi lại cảnh ông chứng kiến ngoài chợ “ Một người lính đi mua bán cho quan. Anh ta từ quầy hàng này sang quầy hàng khác, lấy bất kỳ cái gì và không trả tiền. Nếu cửa hàng này là của một cô gái xinh xắn, anh lính mỉm cười và không lấy gì của cô ả, bước qua sang quầy người khác. Hắn chỉ lấy của những bà già hơn hay xấu hơn, lấy tất cả những gì cần đến, mặc cho bọn kia chửi rủa, họ chửi rủa đấy, nhưng không ai làm gì để ngăn cản hắn cả “. 
Nhiều truyện Nguyễn Công Hoan cũng ghi lại cảnh tương tự. Công chúng hể hả khi thấy đám con buôn gặp nạn. Còn đám quan chức cũng coi sự cướp bóc dân buôn của mình là tự nhiên, hơn nữa, nói như ngôn ngữ hôm nay, là hợp lòng dân. Tình trạng này ở ta còn kéo dài mãi cho tới thời bao cấp.
Kinh tế thị trường hôm nay mang lại cho xã hội một cách hiểu khác đi về người buôn: bây giờ người ta hay gọi họ là các doanh nhân. Nhưng đây là kinh tế thị trường kiểu Việt Nam. Nó hiểu lầm nhiều nguyên lý tối thiểu và thường chạy từ cực đoan nọ tới cực đoan kia. 
Từ chỗ khan hiếm nay hàng hóa ê hề. Song đau đớn cho người mua là chất lượng đã kém mà giá lại đắt. Vả chăng khi hàng đã kém phẩm chất, thì rẻ mấy cũng hóa đắt.
Lúc này người ta mới nhớ ra vai trò của bộ máy quản lý. Nhà nước thay mặt xã hội, giám định chất lượng và giá cả. Nhà nước bảo vệ người tiêu dùng ngay từ lúc nó bắt đầu sản xuất. Càng ngày người ta càng có cảm tưởng việc này không được vận hành tự nhiên. Hình như đám quan chức vô trách nhiệm đang thả cho các công ty muốn đẩy giá lên thế nào cũng mặc. Còn việc đi kiện hàng xấu hàng hỏng không ra nổi tình trạng “ con kiến mà kiện củ khoai”, tốn kém mất thời giờ, thà ngồi nhà làm việc khác còn đỡ bực mình..
Cùng với sự “ đồng tình “ kiểu Bộ Binh Bộ Lễ Bộ Hình “ mà tôi nói trong bài trước đây lại là một sự đồng tình …chỉ tổ khổ dân.Khi mối liên minh ma quỷ giữa con buôn và bộ phận tham nhũng trong quan chức đã hình thành, người dân thường xuyên sống trong cảnh trên đe dưới búa, phơi mình ra mà chịu đòn, nuốt nước mắt trả giá cao cho một cuộc sống tầm thường, nhạt nhẽo.
Trong sự đồng tình với đám con buôn xấu, thật ra các quan chức hư hỏng chỉ làm việc liên minh với chính mình. Danh nghĩa là cán bộ vụ nọ cục kia, hoặc đơn giản là phòng nọ ban kia của huyện của phường, song toàn bộ đầu óc của họ là để vào công việc của các công ty buôn riêng. Hãy thử tưởng tượng một sự đồng tình giữa vợ chồng rồi liên minh với con trai, con rể để cùng kiếm tiền. Tôi đố ai tìm được cách bẻ nổi những liên minh kiểu ấy ! 

25-9
Rồi chỉ còn trơ khấc chúng ta với nhau ! 

-- Hà Nội đẹp lắm nhưng cứ mãi mãi là tiềm năng. 
---Chơi Hà Nội nửa ngày là hết.
--- Khách nước ngoài qua đây chỉ để đến Sapa, Vịnh Hạ Long, chứ nếu có thể đến thẳng các nơi kia thì họ cũng chẳng cần ghé Hà Nội làm gì.
Đọc những dòng thư bàn về du lịch Hà Nội mà chua xót. Lượng khách nước ngoài không giảm đi thì cũng không tăng lên. Hoặc nếu có tăng, cũng còn lâu mới tương xứng với khả năng ta có. Mà làm sao ư, làm sao họ ở lâu được, khi cách tổ chức hết sức luộm thuộm, người hướng dẫn kém cỏi, giao thông đầy hiểm họa, người dân chỉ tìm cách xoay tiền của họ chứ không phải là đón họ như quý khách. Khi phải ngồi xích lô mà tham quan phố phường – chứ làm gì còn vỉa hè mà đi --- và miệng thì bịt chặt trong chiếc khẩu trang che bụi,chắc nhiều du khách không khỏi tự nhủ thầm là chỉ đến một lần chứ không quay lại nữa ! 

***
Đón người đã vậy mà đi ra với người thì cũng chẳng khá gì hơn. Chẳng hạn sang xứ người ta ít ngày, dân du lịch người Việt như chim sổ lồng, bay loạn xạ,chẳng chịu đi theo hướng dẫn, chỉ quẩn vào với nhau rượu chè, có khi đái ngay cả trên xe ô tô. Đi làm thuê thì bỏ hợp đồng, trốn xưởng ra ngoài làm ăn chui nhủi, đến mức cả những thị trường đầy tiềm năng cũng “ lạy cả nón “, chịu không dám nhận lao động Việt Nam nữa.
Lại có tin nhiều nước có biển cấm không cho tàu Việt Nam vào cảng. Lý do: tàu mình bé con con, trang bị cũ kỹ, xả ngay chất thải xuống biển ; thủy thủ lên bờ tiếng không biết, luật pháp không hay, dễ làm càn làm bậy. Nghe cũng có lý, giá địa vị mình, mình cũng làm thế !

***
Thời gian 1986-1989, tôi làm chuyên gia xuất bản ở Moskva, cũng là thời gian người Việt sang Nga như trảy hội. Sân bay Seremetsevo, vào những giờ có chuyến bay về Hà Nội, nhìn đâu cũng thấy lớp lớp đầu đen mải miết kéo hàng và chen bật cả người ta đi. Vì qua nhiều hàng cấm chỉ sợ vào không lọt. Vì làm thủ tục lâu, chỉ sợ lỡ thời hạn. Dân các nước khác, có chuyến bay cùng giờ, ớn đến cổ, và chịu không nổi, phải đề nghị xếp riêng giờ cho các chuyến bay về Việt Nam. Miễn không phải vào cửa kiểm soát cùng với dân mình, còn họ đi trước hay đi sau cũng được. 
Nhân chuyện này tôi mới hiểu tại sao, người ta kể là dân Việt ở nhiều nước bên châu Âu, chỉ biết sống túm tụm với nhau thành những ghetto, chứ không sao hòa hợp được với người bản xứ. Cái sự sống “vón cục” lại và chỉ ”trơ khấc “ với nhau như thế này, từ vài chục năm nay cản trở ta rất nhiều trên đường hội nhập với thế giới. Nhưng mải kiếm ăn, mấy ai để ý.

***
Trên báo Người Hà Nội, Tô Hoài từng có bài viết kể chuyện mươi năm nay, từ Đồng Tháp Mười trong nam đến chung quanh Hà Nội, người ta dùng băng cát-xét để bẫy các loài chim và mang từng xâu bán ra sao. Rồi ở Tam Đảo, người ta tận diệt bướm. Cũng ở Tam Đảo Ba Vì, dân tứ chiếng mang thang dây và cưa máy đi tróc nã những cụm phong lan tự nhiên. Tác giả Dế mèn khép lại bài bằng câu hỏi. “ Rồi một ngày kia trên mặt đất, trên bầu trời, sẽ hết chim hết hoa, thì con người ở với ai? “.
Chuyện hôm nay của tôi không phải là chuyện chim chuyện hoa, mà là chuyện người. Song cái viễn cảnh mà Tô Hoài vẽ ra, vẫn có thể áp dụng được.

2--10
Nghĩ mình công ít tội nhiều 

Chiến tranh cần đến sự có mặt của người văn nghệ sĩ ngay ở chiến trường. Bởi vậy từ hồi ấy, giới văn nghệ chúng tôi có thói quen tôn vinh những người làm nghề dám có mặt ngay bên cạnh người lính để viết. Bất kể tác phẩm của họ chất lượng ra sao, riêng sự ra đời của chúng đã được xem như những chiến công. Và chúng tôi dành cho cả người lẫn tác phẩm loại đó đủ thứ ưu ái, kể cả những danh hiệu cùng những phần thưởng sang trọng. 
Trong chiến tranh làm vậy là đúng. Nhưng trượt dài theo thói quen, chúng tôi kéo nó sang cả thời bình. Các sáng tác được bình giá nhiều khi không phải do chất lượng mà do người viết ra nó có vị trí ra sao trong giới. Từ đó tạo ra một sự hỗn loạn về giá trị. Cũng từ đó muốn hay không muốn trong tâm lý nhiều người làm nghề nảy sinh một xu hướng dễ dãi, không chịu khổ công lao động nghệ thuật mà chỉ cốt lo tao cho mình những uy tín hão. Thậm chí một số cố bám vào những công trạng hôm qua để hạch sách và đòi hỏi. Bề nào mà xét cũng phải nhận lúc này, đóng góp hôm qua đã trở thành vật cản níu kéo người ta lại.

****
Một trong những chi tiết gây bất bình trong vụ án sơ thẩm xử quan chức “ăn đất” ở Đồ Sơn: ông X. giám đốc Sở tài nguyên và môi trường thành phố, một trong những người chủ trì vụ này được cấp ủy và ủy ban đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm. Lý do được gói gọn trong mấy chữ đại ý ông vốn là người có công trong hoạt động ở địa phương từ trước tới nay.
Đã bao nhiêu lần tôi thấy cách tòa án các cấp giảm nhẹ tội cho những viên chức có lỗi theo lý do tương tự. Xét vì họ lớn lên trong một gia đình có truyền thống … Hoặc Xét vì vốn có nhiều đóng góp … rồi án nặng trở thành nhẹ, tiêu phí của nhà nước và mang về cho vợ con tiền tỷ, lúc bị phanh phui, cũng dễ dàng được tha bổng.
Về tình mà xét thì trong những trường hợp này không ai cãi được. Uống nước nhớ nguồn là đạo lý dân tộc. Nhưng có phải có ít công hôm qua rồi hôm nay muốn làm gì thì làm? Đã rõ là trong trường hợp này, người ta đem công lao làm quân tẩy để vô hiệu hóa luật pháp, cố tình không đếm xỉa đến sự đổi thay trong hoàn cảnh, và lấy hiện tại làm vật hy sinh cho quá khứ. 

****
Cái khó ở đây bắt nguồn từ một lối ứng xử phổ biến của xã hội. Anh có công ư? Trước mắt đất nước còn nghèo chưa tính hết đóng góp cho anh được. Thôi chỉ còn có ít chức vụ đi kèm với những quyền hành. Ở đấy anh có thể có đóng góp thêm, rồi “khéo làm thì no khéo co thì ấm “, anh liệu mà tìm cách tự bồi dưỡng(!).
Nhưng như thế là gì nếu không phải là đẩy người có công hôm qua vào chỗ lộng quyền và cho người ta lý do để tự biện hộ cho mình, khi sa vào vũng bùn tội lỗi. 
Ca dao xưa “Ăn mày là ai ăn mày là ta – Đói cơm rách áo mới hóa ra ăn mày “. Tôi muốn sử dụng thêm cả bút pháp của Bút Tre để nhại thành 
Tham nhùng ( nhũng ) là ai, tham nhùng là ta 
Cậy công cậy thế hóa ra tham nhùng 

****
Truyện Kiều từng làm đau lòng bao người bởi cái kết cục thê thảm. Trong cơn nhớ quê, Kiều khuyên Từ Hải ra hàng. Rồi Hồ Tôn Hiến phản bội và Từ chết giữa trận tiền. Chứng kiến cái chết của Từ, Kiều đau lòng tự trách mình rất nhiều. Lúc tỉnh táo nhất cũng là lúc nàng sòng phẳng tự đánh giá “ Nghĩ mình công ít tội nhiều ‘
Hơn hai trăm năm đã qua mà nhiều người từng vào sinh ra tử hiện nay không có nổi cái tự nhận thức sâu sắc đó thì còn làm ăn gì nữa !



16-10
Bất tài rồi sẽ sinh hư 

Mua sắm chè chén lu bù. Xây trụ sở thật khang trang để “dọa” dân. Xuất của công thoải mái làm quà biếu cấp trên. Đi học cũng có xe công đưa đón.. Nếu chỉ nhìn như thế thôi thì sự lãng phí trong toàn xã hội hiện nay cũng đã lên đến mức…ngút trời.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, khuôn mặt của sự lãng phí còn được phát hiện ở những khía cạnh sâu sắc hơn. Nhìều kế hoạch đầu tư, cho dù các quan chức liên đới không chấm mút gì hết, song nếu như nó đổ vỡ, nó không tạo được hiệu quả cần thiết, hơn thế nữa, nó được phát hiện là đầu tư theo một hướng sai lầm, để rồi trở thành một khối u vô duyên vô vị --- một sự lãng phí chềnh ềnh ra thì bản thân nó cũng đã là một thứ tội vạ mà người làm quản lý buộc xã hội phải gánh chịu !
Chẳng hạn như dự án nuôi bò sữa ở các tỉnh phía bắc. Chẳng hạn như các dự án trồng cà phê. Rồi các dự án đánh bắt cá xa bờ. Rồi các dự án dạy nghề. Xét về mức độ thiệt hại thì chúng có kém gì mấy vụ PMU 18? Chẳng qua vụ bên giao thông hiện ra với những Bùi Tiến Dũng Nguyễn Việt Tiến quá lố, còn bên này, không bắt quả tang được sếp nào chấm mút, và lỗi do kém cỏi dốt nát chứ không phải do hư hỏng, nên dễ cho qua ! Nhưng ngồi nghĩ lại càng đau. Chẳng phải là do cái vẻ ngoài dễ thương của các ông bất tài, mà các vụ lãng phí chiến lược ngày thêm trầm trọng và thực tế là đến nay cũng chưa ai đánh giá được đầy đủ xem mức thiệt hại là bao nhiêu cả. 

****
Cứ theo lối đó mà suy tôi muốn nghĩ đến một sự lãng phí lớn hơn, lãng phí tài năng và trí tuệ con người. Càng ngày càng thấy nhiều nhiều người lên tiếng về tình trạng từ dân thường đến cán bộ đua đòi hưởng thụ và thanh thiếu niên không thiết học mà chỉ chơi bời, hư hỏng. Giá kể, thay vì phá hại, những đầu óc vốn rất thông minh kia biến thành những người ham học ham làm, thì đất nước chẳng mấy chốc mà giàu có và sang trọng như các nước khác. Thế chẳng nhẽ đây không phải là một sự lãng phí? Mà cái sự lãng phí gây ra từ,chính sách giáo dục cổ lỗ và quan niệm sai lầm làm hỏng con người này, biết lấy thước gì để đo cho xuể?

**** 
Từ đây liên hệ sang câu chuyện thời sự lúc này là quốc nạn tham nhũng. Tham nhũng liên quan đến nhân cách con người. Còn cái loại lãng phí ở cấp chiến lược nói ở đây liên quan đến tài năng và trình độ của quan chức. Thông thường nhìn vào một người phụ trách, dân ta chỉ xem ông ta có thanh liêm hay không. Được một ông không lo kiếm chác, hoặc có vẻ không đua đòi ăn diện đã mừng lắm rồi. Có biết đâu nếu đó là những quan chức “ngồi nhầm chỗ ‘, không hiểu biết gì về công việc được giao, để rồi đầu têu ra những dự án chết người nói trên thì còn khổ bằng mấy.Tôi nhớ cái câu so sánh của một người dân, khi gặp trường hợp tương tự: “Giả thử bây giờ có một cán bộ khác, có vơ vét, tư lợi chút ít nhưng có tài quản lý. Không biết các bác thế nào chứ em là em đánh đổi đấy, có phải các thêm tiền cũng đổi !”

****
Thoạt nghe thi cái câu tiên học lễ hậu học văn có vẻ như một chân lý hiển nhiên. Nhưng kinh nghiệm của bọn tôi từ hồi đi học cũng như dạy dỗ con em hiện nay cho thấy: trẻ học giỏi, phần lớn chăm chỉ ngoan ngõan. Còn trẻ học dốt trước sau sẽ sinh ra hư hỏng.Vậy nên chúng tôi bảo nhau yêu cầu và tạo điều kiện cho trẻ phát triển năng lực trước đã, xem đó là một phương thức tốt để lo cho chúng thành người có đạo đức.
Không biết đây có thể là một gợi ý cho việc dùng người? 


Mất 23-10
6-11
Đưa công tác nghiên cứu 
tham gia vào việc chống tham nhũng 

Chưa bao giờ, công cuộc chống tham nhũng lại được phát động rộng rãi như lúc này. Sau sự hào hứng theo dõi báo chí, điều còn khiến người ta băn khoăn là chúng ta mới làm từng vụ từng việc, mà chưa có sự theo dõi tình hình trên một toàn cảnh rộng lớn và trong một thời gian liên tục, tức chưa lôi cuốn các nhà nghiên cứu vào cuộc. Nghiên cứu như thế nào? Lẽ ra các nhà tâm lý học xã hội học phải có mặt để tìm hiểu tâm lý con người thời nay nói chung, cách họ giải quyết những mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công cộng nói riêng -- trên cái nền chung ấy mà làm hiện hình đám quan chức hư hỏng. Lại như các nhà sử học cũng cần có mặt để mô tả lại bộ mặt quan trường các triều đại Việt Nam từ xưa tới nay, từ đó thấy tham nhũng vốn có gốc rễ sâu xa trong thực tế đời sống cộng đồng ra sao. Thiếu sự nghiên cứu, cách làm hiện nay giống như trong y học, người ta mới chữa triệu chứng, mà chưa lần về nguyên nhân để hiểu tận gốc. 

****
Mãi tới gần đây, khái niệm giới quan chức ở ta mới được dùng rộng rãi. Chứ trước kia, thay vào đó, chúng ta thích dùng hai chữ cán bộ, hàm ý một guồng máy nhân viên nhà nước khác hẳn quan chức xã hội cũ về nhân cách về tinh thần phục vụ. Nay thì cái ảo tưởng xưa phần nào đã được khắc phục. Một khi đã biết đặt mình trong lịch sử như thế, ta hiểu rằng xã hội ta cũng đang vận động theo những quy luật thông thường. Trong việc hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước, và định hướng cho sự phát triển xã hội, lẽ nào có thể bỏ qua việc nghiên cứu bộ phận đầu tàu là các quan chức trên tất cả các lĩnh vực? 

****
Như tên gọi của nó đã chỉ rõ, cuốn sách Quan và lại ở miền bắc Việt Nam của nhà nghiên cứu người Pháp Emmanuel Poisson ( bản dịch của Đào Hùng và Nguyễn Văn Sự, NXB Đà Nẵng 2006) mang giới quan chức Việt Nam thời kỳ 1820-1918 ra “ khảo tả “ khá kỹ. Quan và lại một thế kỷ đầy biến động được xem xét dưới góc độ xã hội lịch sử. Từ sự hình thành của họ, công việc họ phải làm, lương bổng của họ, cách họ tiến thân, thu nhập chính thức và bổng lộc, cách họ kiếm chác ngoài đồng lương …, tất cả những vấn đề liên quan đến tầng lớp rường cột này của xã hội được trình bày thông qua các tài liệu lưu trữ thống kê và có đối chiếu với cả giới quan lại của một nước gần gũi với ta như quan lại ở Trung Hoa. 
Đọc sách tôi cứ ao ước giá như cuốn sách có dịp đến với nhiều người: những cán bộ tổ chức chịu trách nhiệm về việc bố trí nhân sự ; những người lo cải cách hành chính và đào tạo quan chức tương lai ; những người đi điều tra, các quan tòa đang thụ lý các vụ án ; và cả các nhà báo đồng nghiệp bạn bè tôi nữa … nếu biết dựa vào lịch sử thì chúng ta sẽ nhìn các vấn đề của xã hội hiện tại sáng rõ hơn và góp phần gỡ rối một cách cơ bản hơn. 


****
Cũng như nhiều hoạt động khoa học khác việc nghiên cứu về lịch sử rất dễ sa vào tình trạng ý chí luận, chỉ mượn chuyện trở về với người xưa để nịnh nọt con người thời nay, rồi viết quấy viết quá cho xong. Nghiên cứu về tham nhũng cũng không ra ngoài tình trạng chung đó. Nói thực là thời gian gần đây có việc gì liên quan đến sử, tôi thường phải tìm tài liệu của các nhà nghiên cứu nước ngoài, trong bụng thầm cảm ơn là may sống vào thời hội nhập mình mới có điều kiện đọc những công trình nghiêm túc, chẳng hạn như Quan và lại ở miền bắc Việt Nam nói hôm nay. 


13-11
Tất cả có thể làm khác 


Xem đoạn phim về một vườn Bách thú ( hình như là ở Thượng Hải ? ), điều tôi ngạc nhiên nhất lại là cái cách người ta trưng bày : trong khi thú ở Hà Nội được dốt trong chuồng thì ở đây, thú được để hoang. Còn người đi xem cũng ở vị trí ngược lại, tức là chỉ có quyền nối đuôi nhau đi theo những hành lang đã được rào chắn cẩn thận để từ đó đưa cặp mắt nhìn ra vườn thú. Có vẻ là hơi gò bó, nhưng để bù lại, được thấy con thú sống trong cái thế gần như tự nhiên vốn nó vẫn sống.
Đọc tài liệu về một bảo tàng mới khai trương, tôi lại nhận ra một điều lý thú khác. Nếu vào bảo tàng Việt Nam bắt buộc phải nghe những người thuyết minh ( phần nhiều nói năng ngô nghê bởi không hiểu gì về nội dung trưng bày mà chỉ là tiếng loa rè nhắc lại kiến thức đã được viết sẵn ) --, thì ở đấy, khi vào xem, mỗi người được phát cho một máy nghe, trông như điện thoại cầm tay. Trước một hiện vật nào đó, nếu cần hiểu thêm, người nghe chỉ cần bấm máy là nghe được lời thuyết minh cần thiết. Lại có nhiều kênh khác nhau, ai biết tiếng gì mở theo kênh tiếng ấy. Phòng bảo tàng không còn cái cảnh ồn ào của đám học trò lạch bạch chạy theo cô giáo -- đây là cô thuyết minh — giảng bài.

****
Mùa hè 1973, với tư cách một phóng viên của tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi có dịp được lang thang ít ngày ở nhiều làng quê Quảng Trị. Những xóm nghèo của Triệu Phong Hải Lăng chỉ vừa mới được giải phóng. Đế chí sáng tạo, chính chúng , cái tư tưởng tự do lẫn tinh thần thực dụng chân chính ấy là những nhân tố cần cho đời sống, kể cả trong những việc nhỏ nhất như... tạo dáng cho mấy cái chai cái lọ vẫn dùng hàng ngày. 

****
Lê Vân yêu và sống có lẽ là cuốn sách quan trọng nhất trong đời sống sách vở nửa cuối 2006. Như nhiều nhà báo đã viết, trong khi lôi cuốn mọi người bàn bạc về cuộc đời của một nghệ sĩ, nó đồng thời cò kích thích một phong trào viết tự truyện. Với tư cách một người nghiên cứu văn học tôi muốn thêm một nhận xét nhỏ. Lâu nay, các hồi ký chỉ nặng về tô vẽ cho bản thân người viết. Nay thì Lê Vân hiện ra qua các trang sách như một con người đầy băn khoăn hối lỗi và khắc khoải đi tìm bản thân. Tức là các tác giả đã góp phần giải phóng chúng ta khỏi quan niệm cứng nhắc về hồi ký và giúp chúng ta hình thành một quan niệm mới về thể loại. Việc làm khác đi như thế này đang là nhu cầu của sự nhận thức ở cả người viết lẫn người đọc.

20-11 “ Đương nhân bất nhượng ư sư”,
một cái lý lớn trong mối quan hệ thầy trò 

Đã thành một thứ phong tục, ý nghĩ đầu tiên của nhiều gia đình khi tới ngày 20-11 là lo chuẩn bị phong bì, chuyển tới các thầy đang dạy bọn con cái “chút quà mọn”.
“ Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Cổ nhân đã dạy. Với mấy đồng đóng góp như mọi người thế này, con mình có kém cỏi một tí, các thầy cũng chẳng nỡ lòng nào xử tệ “. Trong bụng người ta ai cũng hiểu thế, mà lại ngại không dám tự mình thú nhận với mình cái động cơ thực dụng đó. 
Nhưng thôi, cứ giả thiết là không có chuyện vụ lợi đi nữa, và chỉ xem mối quan hệ là chuyện tình nghĩa, thì tôi vẫn thấy ở đây có cái gì chưa đủ. Việc truyền thụ kiến thức là một quan hệ lớn trong xã hội. Phải tính tới cái lý của nó nữa .

**** 
Luận ngữ là cuốn sách số một, “sách cái” của đạo Nho. Trong đoạn 35 của chương Vệ Linh Công, học trò từng ghi lại một lời dạy của Khổng Tử : “Đương nhân bất nhượng ư sư “. 
Sau khi dịch là “ làm điều nhân thì dẫu thầy mình, mình cũng không nhường”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê chú thích“ Nhân là điều ai cũng nên làm, hết sức mà làm, không có sự tranh chấp mà cũng không có sự nhường nhau “.
Về phần mình, tôi nghĩ sẽ chẳng sai nếu cho rằng điều nhân ở đây được dùng để khái quát những việc lớn ở đời.Và cái sự nhường nhau có thể hiểu thành ra cái sự tình nghĩa đoạn trên vừa nói. Theo Khổng tử, trong những việc lớn người ta phải đối xử với nhau bằng lý chứ không dừng lại ở tình, cả tình thầy trò cũng không ra ngoài thông lệ đó. 

**** 
Đạo Nho, trong cách hiểu của dân ta, thường đồng nghĩa với những quy định lễ nghi nghiêm khắc. Cũng về mối quan hệ thầy trò, cái câu thường được người Việt mình nhắc nhở nhất phải là Nhất tự vi sư bán tự vi sư. Đằng sau nghĩa đen “nửa chữ cũng là thày “, người nói ngầm đe người nghe rằng thầy là một đấng bậc ghê lắm, học trò phải biết kính nể. 
Thế thì tại sao lại còn cái câu “Đương nhân bất nhượng ư sư “ nói trên ? Thắc mắc của tôi chỉ được giải tỏa khi chợt nhận ra “ Đương nhân …” nằm trong Luận ngữ, còn “Nhất tự vi sư..” chắc là của một ông đồ nào đó. Đối chiếu thì thấy ông đồ nọ muốn nhấn mạnh vai trò của cái nghề mình theo đuổi với lớp đi sau. Còn Khổng tử, nói như cách nói của chúng ta ngày nay, không coi giáo dục là mục đích mà chỉ coi là phương tiện để làm việc nhân. Có người bình luận tư tưởng giáo dục của Khổng Tử là giáo dục dân chủ chứ không phải giáo dục chuyên chế. 

**** 
Nhiều năm nay, câu nói “Đương nhân bất nhượng ư sư “ cứ hiện ra trong tôi như một ám ảnh và tôi rất muốn nhắc lại với mọi người. Lý do khá đơn giản : Chúng ta đang làm ngược cái điều Đức Thánh Khổng dạy. 
Làng nhàng kém cỏi là tình trạng có thật của nền học thuật nước nhà. Đáng lẽ phải tập trung giải phóng tư tưởng cho lớp trẻ, thì mỗi khi nói tới giáo dục, chúng ta lại nói quá nhiều đến chữ lễ . Thứ tình nghĩa nói ở đây cũng là tốt đẹp đấy nhưng nếu bị đẩy lên thành nhân tố duy nhất của tình thầy trò thì ắt là không còn thích hợp với tinh thần hiện đại .
Lịch sử giáo dục nước nào cũng có những ông thầy lớn mà niềm tự hào chủ yếu của họ là đào tạo được những học trò tài giỏi hơn mình. Ở ta thì khác, khi bàn bạc về nghề làm thầy, hầu như vấn đề này chưa được đặt ra. 
Một khi còn dùng chữ lễ ràng buộc lớp trẻ thì còn lâu mới có được một nền giáo dục bứt phá lên trước để lôi cuốn cả cộng đồng cùng tiến tới.


27-11 
Yếu tố con người 

Đối với một người nghiên cứu, không gì hào hứng hơn là tìm thấy tài liệu minh chứng ở các bậc tiền bối. Và đó chính là may mắn cho tôi là trong khi tìm hiểu thói hư tật xấu của người mình. Chẳng hạn với tính gian dối. Khi không ai mà nói thế, hẳn là tội vạ chết ?! Ai chẳng biết dân mình thường bảo nhau những là ‘khôn ngoan chẳng lọ thật thà “, “ đói cho sạch rách cho thơm “. Vậy mà tôi đã tìm thấy nó, cái sự thực “ thói gian dối ở ta quá phổ biến “ trong hàng loạt các phát biểu của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, rồi tiếp sau đó Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Phan Khôi …Các cụ nói thật tâm huyết, do đó không ai cãi được. Công việc còn lại chỉ là tìm cách giải thích tại sao cái tính gian dối ấy sâu cây bén rễ như vậy.Tại cuộc sống chúng ta gian khổ quá ? Đúng rồi, sự thực đơn giản lắm! Điều thú vị là lần này, trong số những người giúp tôi thêm tự tin có Edmond Nordemann, một ông giáo dạy ở trường thông ngôn hồi Pháp mới đặt chế độ cai trị ở Việt Nam. Trong cuốn Quảng tập viêm văn xuất bản 1898 ( tức hơn một trăm năm trước ), ông này viết về một số thói quen làm khổ người Việt : Sự lễ độ hiền hòa chỉ là bề ngoài, bên trong là một cuộc đấu tranh sinh tồn rất khốc liệt; lối sống vô tình, một khuynh hướng có tính bản năng thiên về nói dối, về giấu diếm và ăn cắp; rồi cả tính cố chấp không biết đến giới hạn. Tất cả tồn tại bởi một sự bần cùng đè nặng quá lâu . 

**** 
Nhân vật chính trong Am cu ly xe của Thanh Tịnh là hai ông cháu nhà nọ kiếm ăn bằng cách kéo chiếc xe cũ ở một bến ga. Ông thì yếu , lại kém mắt nên phải có cháu chạy trước dẫn đường. Tình cảnh thê thảm khiến chả ai muốn đi xe nữa. Đói khách quá, có lần đứa cháu đánh lừa ông bằng cách đặt một hòn đá lên xe để ông kéo. Lúc ông nhận ra sự thực cũng là lúc hai ông cháu ôm nhau nức nở. 
Đây là một ví dụ về cái điều người ta gọi là “sự cần thiết của dối trá”. Song những trường hợp như thế quá hiếm. Gian dối thường phá hoại nhiều hơn. Mà sức mạnh của nó thì kinh khủng lắm. Nó làm mọi thứ hỗn loạn. Giống như một quân tẩy trong các ván bài, nó vô hiệu hóa mọi sáng kiến, chặn đứng mọi nỗ lực. Càng nghiền ngẫm về nó, người ta càng thấm thía cái sự thực: hóa ra vai trò quan trọng trong mọi hoạt động xã hội là yếu tố con người . Không được con người thực thi thì mọi sáng kiến đều vô nghĩa .

****
Nhà thơ người Đức Bertolt Brecht (1898-1956) từng có một bài thơ đại ý nói cái xe tăng rất khỏe, nhưng nó cần người lái; máy bay ném bom rất đáng sợ, nhưng nó cần một phi công; còn con người rất hữu dụng, nó có thể giết người, nhưng nó có một thiếu sót : nó biết suy nghĩ. 
Trong việc ca ngợi yếu tố con người mà chúng ta đang nói, bài thơ tìm được một cách diễn tả đầy thuyết phục. Cái kết luận rút ra ở đây là đúng với mọi thời đại. 

****
Những hào hứng bàn bạc nhân dịp Việt Nam gia nhập WTO là dấu hiệu của một cuộc vận động sôi nổi đang diễn ra trong đời sống cộng đồng. Nay là lúc chúng ta biết rằng chúng ta đang rất lạc hậu. Chúng ta không muốn kém người. Nhiều biện pháp nhiều sáng kiến được đề đạt.Tôi cũng hào hứng với mọi biện pháp ấy. Chỉ có điều, theo thói quen, tôi tự hỏi : Thế còn yếu tố con người thì sao? Có ai đã thử xem xét xem là sau bao nhiêu biến động, con người Việt Nam đang ở trong tình trạng ra sao? Liệu những sáng kiến rất hay đó có phù hợp do đó hoàn toàn có thể khả thi ? Nói gọn lại là câu hỏi liệu chúng ta đã sẵn sàng chưa – một sự sẵn sàng trong thực tế chứ không phải cái sẵn sàng mà, theo ý muốn , ta tưởng là ta có ?


Cho 4-12 

Lạc lõng còn đáng sợ hơn lạc hậu 

Không chỉ kêu ca là các bảo tàng TP Hồ Chí Minh không chịu mở cửa buổi trưa , một khách du lịch còn than phiền là không hiểu sao, các bác xích lô đã biết bảo tàng không mở cửa mà cứ đạp xe chở khách tới. Hình như họ không quan tâm tới nhu cầu của khách mà chỉ cần tiền .
Đọc mẩu tin này trên báo , một người bạn tôi phì cười : 
--- Cho bà ấy ở đây thì bà ta sẽ được than phiền suốt ngày . Người trồng rau biết thuốc trừ sâu có hại mà vẫn phun vào rau cho đẹp để mang bán . Người buôn thuốc sẵn sàng cung cấp thuốc giả cho các bệnh viện , cũng như các thày các cô biết trò dốt vẫn cho lên lớp như thường . Tàu xe chở quá số người cho phép . Đường xá làm không đạt chuẩn mực cũng cứ nghiệm thu. Nhiều công trình được tiến hành xây dựng để cơ quan chủ quản hưởng phần trăm chứ không phải là do nhu cầu sử dụng. Cái nước mình nó thế mất rồi , muốn đến Việt Nam trước tiên phải hiểu điều đó đã .

****
Tôi không được lì như ông bạn. Đọc mẩu tin trên tôi vẫn giật mình. Hình như có nhiều chuyện vì xảy ra quá thường xuyên nên mình đâm quen. Hoặc có những chuyện mình biết là dở mười mươi kêu mãi không thấy ai chuyển biến nên không buồn nói nữa . Nên thỉnh thoảng cũng cần có người nhắc mới được , nhắc nhau để khỏi trở thành vô cảm . Chẳng hạn như cái lần nghe tin một làng ở Hà Tây chuyên môn làm kẹo giả , và chất lượng vệ sinh thì “cao” đến mức một ông chủ mắng con “ Chết ! Không ăn được đâu , kẹo nhà làm đấy ! “ . Thú thực là đọc đến cái tin ấy , trong tôi cứ thấy quẩn lên câu hỏi :
-- Chúng ta có còn là người nữa không ? 

****
Có hai mẩu tin nhỏ có liên quan đến giới nghệ thuật : 
1/ Dạo này xã hội giàu lên , các phòng khách cần trang trí cho ra ông chủ có văn hóa, nên nhiều họa sĩ cũng sống được. Chỉ có điều theo nhà thơ Lý Đợi phát hiện là dân tình ngày nay toàn thích chơi tranh giả. Cứ ngồi mà sao chép lại các họa sĩ cỡ như Bùi Xuân Phái là trước sau sẽ bán được, họ tự nhủ vậy . Đối với những anh còn thích sáng tạo và muốn trương lên một cái tên thì cũng nên nhớ một quy luật khác . Là sau khi vẽ ra một bức tranh mà “ vô phúc “ lại gặp người mua thì đừng có làm gì khác nữa , cứ ngồi mà vẽ lại bức đã bán, cũng phong cách ấy , cũng khuôn khổ ấy, rồi thả nào cũng có người đến mua . Lo tái bản chính mình thì còn bằng mấy sáng tạo ! 
2/ Trên đường từ Lạng Sơn về Hà Nội , một công viên thuộc huyện Lạng Giang cho làm hai bức tượng ngựa bằng đồng. Chẳng phải địa phương có truyền thống nuôi ngựa. Cũng chẳng phải có nghệ sĩ nào mới cho ra lò một kiệt tác , dân sở tại thấy cần trình ra cho bàn dân thiên hạ cùng thưởng thức . Mà chẳng qua chỉ là sự hứng chí của mấy vị có quyền chức ở huyện , trước tiên một ông cho thuê thợ về làm một con đã, rồi một ông khác bổ sung cho làm con thứ hai cho nó khỏi lẻ đôi . Nghe đâu ngành văn hóa địa phương đang rút kinh nghiệm !

****
Lại nhớ có lần ông Lê Đăng Doanh nhận xét rằng trong quá trình hội nhập với thế giới , dĩ nhiên cái đáng lo của mình là lạc hậu , nhưng nên nhớ còn một thứ lạc nữa là lạc lõng . Lạc hậu là trong một hàng người kẻ trước người sau, mình đứng ở cuối hàng . Lạc lõng là thế giới người ta làm ăn suy nghĩ một đằng , còn dân mình thì sống và quan hệ với nhau theo một nẻo khác, nghĩ về cái tốt cái đẹp theo những tiêu chuẩn khác . Lạc hậu thì còn dễ chữa hơn lạc lõng , nhà kinh tế học có lời nhắn nhủ như thế !

11-12
Càng minh bạch càng tốt 
minh bạch đến cùng 

Thị trường WTO đòi hỏi mọi hoạt động sản xuất giao dịch phải có báo cáo minh bạch. Trước yêu cầu chính đáng đó, các cơ sở kinh tế của ta còn khá lúng túng. Vốn bao nhiêu chi cho nguyên liệu bao nhiêu trả công bao nhiêu lãi bao nhiêu, phần lớn không biết. Một nhà kinh tế cảnh báo : Nếu không đi tới minh bạch, chúng ta chắc sẽ phải chấp nhận nhiều phiền phức trong các mối quan hệ tay đôi. Chẳng hạn sẽ còn nhiều vụ kiện bán phá giá. Tự che giấu mình thì sẽ không bao giờ chinh phục được khách hàng, tạo dựng được lòng tin nơi họ; người ta thà mua thứ hàng đắt hơn mà người ta biết rõ quá trình sản xuất còn hơn mua thứ hàng rẻ của mình ; và mọi cố gắng để xuất khẩu kiếm ăn đều vô nghĩa.

**** 
Coi bản thân mình là một bí mật vốn là thói quen của nền sản xuất nhỏ, lúc ấy tình trạng quản lý đúng hơn là khả năng tự nhận thức tự tổng kết kinh nghiệm và đổi mới hoạt động của người ta còn kém cỏi. Mỗi đơn vị xí nghiệp như một thế giới riêng nằm trong bóng tối. Vì đã quen với nó quá lâu, người ta coi đó là chuyện tự nhiên, bằng lòng với nó, thậm chí còn tìm cách che giấu viện cớ đấy là bí mật của đơn vị chúng tôi, tôi không có quyền nói. 
Về lý thuyết ai cũng thấy mà trong thực tế ai cũng biết, ấy là cái tình trạng trì trệ này trở thành lực cản khiến cho công việc làm ăn không tiến lên được. Không phải các bạn hàng nước ngoài, mà người tiêu dùng trong nước rồi cũng sinh ra ngán ngẩm, người ta sẵn sàng bỏ hàng nội để chạy theo hàng nhập khẩu. Từ đây mà xét, có thể nói yêu cầu minh bạch không chỉ là nhu cầu của hội nhập mà còn là nhu cầu của chính tình trạng sản xuất làm ăn trong nước nữa.

**** 
Sở dĩ tôi nhắc tới chuyện này vì nó có liên quan tới một chuyện của giớí nhà văn chúng tôi. Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm nay có chuyện Hội đồng xét giải trao cho ông chủ tịch, rồi dư luận thắc mắc, rồi cuối cùng có chuyện ông chủ tịch xin miễn nhận giải. Miễn nhận nhưng ông vẫn cho là mình không có gì sai cả, bởi ngoài chuyện là người quản lý mình còn là người sáng tác, và việc xét giải thì có Hội đồng Chung khảo. Các ông Hội đồng bỏ phiếu cho tập thơ ở mức 10/11 phiếu đề nghị giải thưởng, 1 phiếu đề nghị tặng thưởng cơ mà ! 
Nhưng dư luận cứ xầm xì, chỗ người nhà với nhau làm gì chả có chuyện nể nả !
Tôi đứng ngoài không hiểu sự tình ra sao cả, chỉ nghĩ giá kể việc tổ chức xét giải làm tốt hơn nữa thì sẽ tránh được tình trạng rắc rối không nên có.
Tức là ở đây cũng nảy sinh nhu cầu phải minh bạch. Minh bạch theo nghĩa thế này : yêu cầu các vị giám khảo khi bỏ phiếu công khai nói rõ ý kiến của mình là tại sao mình tán thành thưởng cho cuốn sách đó, cho tác giả đó. Viết rõ ràng trình cho bạn đọc trong ngoài giới cùng biết. Giữa thanh thiên bạch nhật, anh phải bộc lộ chính kiến, bộc lộ con người thực của anh. Đến nước ấy thì tôi ngờ các thành viên Hội đồng cũng trở nên tự trọng hơn, không dám tư túi với bất cứ ai. Và dư luận cũng không còn bán tín bán nghi nữa.

****
Một nguy cơ rình rập đe dọa vô hiệu hóa quá trình minh bạch là tình trạng nửa vời. Khi buộc phải minh bạch, người có nhu cầu tư túi thường tìm cách chỉ minh bạch he hé, minh bạch một nửa, thậm chí làm ra vẻ minh bạch để che giấu cái phần bóng tối. Lúc ấy là lúc phải dẫn lại cái câu cách ngôn nổi tiếng : “Một nửa chiếc bánh mì vẫn là bánh mì. Nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật”. 

18-12
Đặt công cuộc hội nhập 
dưới ánh sáng của trí tuệ 


Cứ tưởng vào WTO, gia nhập sân chơi lớn của thế giới là chỉ bàn chuyện thương mại, con cá và đôi giày, hàng dệt may và những chiếc điện thoại di động, cùng lắm thì gìn giữ môi trường, chống hàng giả và thực thi các luật lệ sở hữu trí tuệ … Nhưng trong những ngày này, một chuyên đề được bàn bạc nhiều là giáo dục đại học. Có phải đúng là cái cỗ máy cái này ở ta chưa kịp khởi động ? Vậy thì bây giờ sẽ làm sao đây ? Mở cửa cho các đại học nước ngoài tràn vào ? Cổ phần hóa các đại học trong nước ? Thay đổi chương trình cho phù hợp với trình độ chung của thế giới ? Bao nhiêu câu hỏi đã được đặt ra để cùng bàn bạc. Hóa ra đây không chỉ là việc trước mắt mà là việc lâu dài, không phải của máy móc chân tay mà còn là việc của cái đầu. Một chuyển biến đòi hỏi phải huy động trí tuệ, nên cũng đòi hỏi được nhìn dưới ánh sáng của trí tuệ. 

****
Ngay khi bàn về chuyện làm sao nhân dịp này Việt Nam bay lên cùng thế giới đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh cho rằng có một sự việc rất quan trọng là phải thay đổi cách suy nghĩ. 
Để đổi mới giáo dục, nhà văn Nguyên Ngọc đề nghị phải tìm tới một triết lý về nó. 
Trong một bài trả lời phỏng vấn, nhà sử học Phan Huy Lê sau khi bảo rằng các thế hệ tương lai chắc chắn sẽ đánh giá việc gia nhập WTO như một cột mốc lớn của lịch sử dân tộc, lại đã nhìn trước tình hình : 
“ Cản trở lớn nhất của chúng ta bây giờ là sức ỳ, là tư duy không phù hợp với nhu cầu phục hưng của đất nước, với nhu cầu hội nhập. Nhìn lại quá khứ gần đây, dường như ta chịu sự chi phối của quán tính rất nặng. Khi đứng trước một thực tế cấp bách, đứng trước những vấn đề không thể không giải quyết thì ta 'tỉnh" ngay và vượt qua rất tốt đẹp. Nhưng khi mọi chuyện trở lại đều đều thì quán tính cũ lại níu kéo. Bây giờ lịch sử không cho phép ta theo sau như thế, tư duy phải đi trước để có được nhận thức toàn diện và chủ động tìm ra giải pháp hiệu quả.”
Nhà sử học không ngại nhắc đi nhắc lại :
“Muốn tạo nên sự thay đổi thì cần phải giải phóng tư duy. Tư duy của nhiều tầng lớp còn hạn chế. Trước đây ta kêu gọi đổi mới tư duy kinh tế và từ đó đã tạo nên bước tiến lớn trong nông nghiệp, trong kinh tế. Bây giờ, ta cần đổi mới tư duy trên tất cả các phương diện, kể cả văn hoá, xã hội, chính trị.”

****
Đưa trí tuệ vào đời sống hôm nay, cố nhiên là cả một chuyện lớn, nhưng ngay từ bây giờ người ta đã đọc thấy những cố gắng theo hướng đó, bắt đầu từ giới truyền thông và báo chí chúng ta.
Theo VietNamNet 13/12/2006 báo cáo tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam của Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói các chỉ số quan trọng trong kinh doanh của VN năm nay đều giảm. Năng lực cạnh tranh của V N năm qua tụt 5 bậc, hiệu quả thị trường tụt 17 bậc, đổi mới và sáng tạo tụt 18 bậc, chuyển giao công nghệ tụt 33 bậc, đánh giá tín nhiệm tụt 23 bậc, mức độ lãng phí tụt 18 bậc, ổn định kinh tế vĩ mô tụt 11 bậc và thể chế kinh tế tụt 11 bậc..
Trên tờ Tuổi trẻ cuối tuần số ra 17-12-06, bạn đọc còn đọc thấy cả một cuộc thảo luận bàn tròn ở đó các chuyên gia kinh tế cảnh báo về bệnh chạy theo thành tích trong việc tính GDP ở nhiều cơ quan, nhiều địa phương. Họ nói rõ nếu chạy theo tăng trưởng theo bề rộng mà không đi vào thực chất không đi vào tăng trưởng bề sâu, cụ thể là không cải tiến thể chế kinh tế, thì sẽ có ngày “ đá bóng gãy chân”.

****
Theo tôi hiểu, đưa trí tuệ vào hội nhập và đổi mới là thế đấy : công khai , minh bạch , không bốc đồng, không nóng vội , nhìn xa trông rộng, sẵn sàng phản biện, sẵn sàng phê phán và tự phê phán. 


25-12 
Thói quen và sự thay đổi 

Nghe nói là một khách nước ngoài lâu lắm mới qua thăm Việt Nam có nhận xét là đường phố Hà Nội trước toàn xe đạp nay toàn xe máy. Cái việc Việt Nam trở thành một “xe máy quốc “, thì ai cũng biết rồi. Chỗ trong nhà với nhau, điều chúng ta nói thêm chỉ là nhiều người đang đi xe máy bằng chính cái tâm lý từng đi xe đạp hôm qua. Khi rú lên phóng thật nhanh khi đận đà làm dáng điệu bộ trên đường. Hoặc nếu gặp đoạn tắc mà các nhà gần đấy không chiếm dụng vỉa hè làm chỗ bán hàng thì sẵn sàng lao lên luồn lách cho mau. Lại còn những kiện hàng tướng người ta thường buộc sau xe nữa, nó khiến cho những con đường nhựa cũ kỹ ở Hà Nội hiện ra chẳng khác nhau bao nhiêu so với những con đường làng mấp mô. Và đó chính là đặc điểm của giao thông ở các đô thị hiện nay.

****
Con đê ven sông Hồng mà ngày nào tôi cũng đi qua vốn là nơi bà con các tỉnh mang hàng lên Hà Nội bán. Trong các thứ hàng mang lên bao giờ cũng có gà vịt. Và trong số những kỷ niệm vui vui từ mười năm trước, tôi nhớ thường có cảnh những xe đạp chở vịt đang đi bỗng dừng lại. Một ít bánh đúc được lôi ra. Người ta dang rộng mỏ vịt để nhồi mớ bánh đúc ấy vào cho chúng thật đầy diều, nhồi cho đến lòi tù và mới thôi. Rồi sang chợ Long Biên cân kẹo với nhau, số cân con vịt sẽ gồm cả cái đống bánh đúc mới tọng đó. Có lần thấy tôi ngạc nhiên, các bà bán vịt cười xòa, nghề của chúng tôi nó thế, từ đời các cụ xưa đã truyền lại, ai cũng phải làm, ngồi tọng bánh đúc cho vịt thế này còn hơn chốc nữa lên mặc cả với đám lái ngồi sẵn trên chợ. 
Một hai năm nay chuyện nhồi bánh đúc hôm qua không còn nữa. Đám lái các tỉnh mang vịt lên Hà Nội đã chuyển qua đi xe máy cả. Song cái tâm lý làm ăn kiểu ấy vẫn đang hiện ra thiên hình vạn trạng. Ngay trong các lô hàng xuất đi các nước, dân mình cũng có nhiều chiêu thức tương tự, khiến người ta khó chịu,có khi bị giả về vì không đạt tiêu chuẩn. Tôi chợt tưởng tượng giá có ai đến tận các cơ sở sản xuất mà hỏi, thì chắc cũng thấy mấy người phụ trách cười xòa, các cụ xưa đã truyền lại, ai cũng phải làm, nhiều khi đã biết là sai mà không bỏ được.

****
Giữa tháng 12 vừa qua có tin ông cán bộ đứng đầu Cục quản lý chất lượng an toàn vệ sinh ngành thủy sản nước ta phải đứng ra viết thư xin lỗi người tiêu dùng cùng cơ quan thẩm quyền Nhật Bản vì trong hàng VN xuất khẩu sang Nhật có dư lượng kháng sinh và hóa chất cấm. Nghe tin tôi nghĩ phải thế chứ, nhất định không thể ỷ vào thói quen mãi được, chính nhờ sức ép bên ngoài mà cách làm ăn của mình sẽ thay đổi. 

****
Nhưng cái tình trạng người đi xe máy bằng tâm lý người đi xe đạp và đi trên phố như đi trong làng thì không có sức ép, nên chưa sửa được. Nó đang là một lý do khiến cho tai nạn giao thông ở ta thuộc loại nhiều nhất trên thế giới.
SỐ TRUY CẬP online