Chung quanh câu chuyện Tái xuất giang hồ của Kim Dung

Tuyết Sơn phi hồ và Xạ điêu anh hùng truyện , Tiếu ngạo giang hồ và ỷ thiên Đồ Long ký ( bản dịch cũ gọi là Cô gái Đồ Long ) …Vừa qua một loạt bộ chưởng nổi tiếng của nhà văn Trung quốc sống ở Hồng Kông là Kim Dung đã được in ra , có bộ theo bản dịch cũ ,có bộ được dịch lại và mặc dù hiện thời sách in ra không biết số lượng thực là bao nhiêu ,những ai đã mua nó , song đại khái có thể dự đoán dù không tạo nên một cơn bùng nổ , những bộ chưởng này vẫn phải được xếp vào loại bán chạy . Từ góc độ văn học mà xét , nên nhìn nhận hiện tượng tái xuất của Kim Dung như thế nào ? Để trả lời câu hỏi này , TT& VH đã có cuộc bàn tròn trao đổi với các vị : dịch giả Phạm Tú Châu , một chuyên gia hàng đầu về văn học Trung quốc hiện đại ; nhà thơ đồng thời là một ngòi bút thích viết truyện lịch sử Ngô Văn Phú ; và ông Trần Thức , trưởng phòng liên kết của công ty Phương Nam là đơn vị đã cùng với NXB Văn học có công xúc tiến việc in sách .

* Thưa anh Trần Thức , nếu có thể , nhờ anh điểm lại quá trình đưa sách Kim Dung trở lại với bạn đọc . Lý do nào đã thúc đẩy các anh hăng hái cộng tác với các đơn vị khác làm công việc này .
Trần Thức (T.T. ) Từ mấy năm trước , tạp chí Văn học nước ngoài ( VHNN ) của Hội nhà văn VN đã ra số đặc biệt về truyện chưởng Kim Dung và đã cho dịch in Tuyết Sơn phi hồ , công ti Phương Nam chỉ cùng với các anh ở VHNN lo chuyển tác phẩm này thành sách . Tiếp đó , chúng tôi mới mạnh dạn phối hợp với NXB Văn học đặt cả chương trình làm lại sách chưởng . Có mấy lý do thúc đẩy chúng tôi làm việc này , trước tiên là nhu cầu bạn đọc như trên vừa nói , thứ nữa là qua báo chí nước ngoài chúng tôi được biết rằng giờ đây Kim Dung được đọc không những trong cộng đồng người Hoa ở khắp thế giới , mà nhiều học giả ở Mỹ ở úc cũng chú ý nghiên cứu tác phẩm của ông . Riêng ở Trung Hoa lục địa , bên cạnh một số người bài bác thì cũng rất nhiều người tìm đọc Kim Dung , sự ngưỡng mộ mà lớp thanh niên và các giáo sư nói chung là các trí thức dành cho ông khiến người ta phải ngạc nhiên ( có người đặt Kim Dung trong một danh sách nhà văn hiện đại bắt đầu từ Lỗ Tấn và cho rằng ông đã làm một cuộc cách mạng trong việc khôi phục ảnh hưởng của tiểu thuyết truyền thống .)
* Vậy là theo anh Thức thì ngay từ đầu lo việc tái xuất Kim Dung , những người làm sách đã chú ý đặt loại tác phẩm chưởng này vào phạm vi của văn học . Chúng tôi muốn nhờ chị Châu và anh Phú bình luận thêm về điều này
Ngô Văn Phú ( N.V. P. ) Từ nhỏ bọn tôi đã đọc các loại dã sử như Hán Sở tranh hùng hoặc Chinh đông Chinh tây sau đó lại đọc các loại kiếm hiệp như Bồng lai hiệp khách Giao trì hiệp nữ nên đến với chưởng cũng là chuyện tự nhiên . Hồi còn làm báo Văn nghệ, tôi nhớ là anh Nguyên Văn Bổng anh Kim Lân rất mê mấy bộ chưởng mà hôm nay mới tái bản . Cả anh Nguyên Ngọc nữa . Các anh ấy mê chưởng như một số anh khác mê bóng đá . Nhưng ở đây theo tôi còn có sự thúc đẩy bên trong . Đọc chưởng người ta tìm thấy một cuộc sống riêng mới nhìn có vẻ thật khác với cuộc sống bình thường mà suy cho cùng lại vẫn có những chỗ gần với cuộc sống ở đâu cũng có .
Phạm Tú Châu (P .T.C ) Văn học Trung Hoa cổ sớm chia ra làm hai loại một là nhã văn học và một nữa là tục văn học . Nhã tức là những gì cao quý có phép tắc có mẫu mực dành riêng cho lớp người chọn lọc , còn tục là những gì tầm thường dung dị dành cho đại chúng . Đa số các tiểu thuyết được xếp vào dòng tục văn học này . Nhưng ở Trung quốc cái quan niệm ấy dần dần cũng có thay đổi , những bộ tiểu thuyết có giá trị như Thuỷ Hử , Tam quốc , Tây du ký , mặc dầu ban đầu bị coi thường sau cũng được công nhận, chúng có được cái vinh dự mà người ta vốn chỉ dành cho những cuốn gọi là nhã . Truyện chưởng Kim Dung nằm trong cái dòng tưởng như là tục mà đạt tới trình độ nhã đó .
Xin nói thêm là ngoài những bản dịch của người khác tôi có trực tiếp đọc một số tiểu thuyết Kim Dung trong nguyên bản và đã bắt tay dịch một số cuốn . Kim Dung trong Trung văn rất dễ đọc .Từ ngữ ở ông phong phú nhưng lại chân chất sáng rõ , không có những từ hóc hiểm hoặc những từ địa phương mà phải tra từ điển mãi mới thấy .Có lẽ mảnh đất Hồng Kông mà ông sống và hành nghề -- nơi người tứ chiếng họp lại và có sự buôn bán thông thương với toàn thế giới -- đã khiến ông có cái dễ dàng và tạo cho người khác dễ dàng trong giao tiếp . Lại cũng do Kim Dung đã từng học luật từng viết kịch bản phim , nên tác phẩm của ông nói chung có cấu trúc chặt chẽ tính thẩm mỹ cao đoạn kết của truyên nhiều bất ngờ .
* Ta hãy cùng thử xác định những nhân tố nào đã tạo nên sức hấp dẫn của Kim Dung?
N.V.P.. Các nhà văn lớp trước dù đọc kiếm hiệp song vẫn coi thường vì thấy các sáng tác của Lý Ngọc Hưng phần lớn đi theo sơ đồ có sẵn cuối cùng cũng quy vào chuyện phò vua giúp nước nên thấy nhạt . Còn truyện chưởng của Kim Dung thì đọc xong thấy sợ vì nó có không khí của xã hội hiện đại mà tư tưởng của nó cũng đúng là hiện đại .
T.T. Khối lượng kiến thức văn hoá được Kim Dung đưa vào chưởng thật đồ sộ ở đó có lịch sử có tôn giáo có các môn phái trong võ học lại có cả trà đạo , thư hoạ ,y học v..v.. , rất nhiều thứ mời gọi bạn đọc nghiền ngẫm tìm hiểu thêm .
P.T.C. Nhiều người đã công nhận rằng Kim Dung khéo kết hợp cách viết tiểu thuyết chương hồi của Trung quốc với cách kết cấu đa dạng phức hợp của tiểu thuyết hiện đại . Tôi muốn nói thêm sức hấp dẫn của chưởng Kim Dung là ở ngay nội dung của nó . Ví như cái chuyện tranh chấp quyết liệt giữa chính và tà giữa thiện và ác , hoặc sự phân biệt chính tà ngày một khó khăn . Chỉ trừ chứng ta muốn cung cấp cho bạn đọc những chân lý ngây thơ đơn giản , còn nếu thực sự cầu thị , phải thấy Kim Dung nói đúng . Con người thật nhiều rắc rối ,con người thường biến đổi do quyền lực và địa vị : khi đề cập tới những chủ đề đó tức Kim Dung đã chạm tới những vấn đề nhân văn nhân bản .
* Hẳn sự tái xuất hiện của Kim Dung lần này có gợi cho bạn đọc và mỗi người chúng ta những suy nghĩ mới văn học ?
T.T. . Cùng với việc in lại Kim Dung chúng tôi còn tổ chức cho dịch in và tham gia phát hành mấy cuốn sách nghiên cứu : Kim Dung tác phẩm và dư luận , Kim Dung cuộc đời và tác phẩm , Đọc Kim Dung tìm hiểu văn hoá Trung quốc , Giải mã Kim Dung vv. .Vừa đọc vừa cùng suy nghĩ về những cái mình đang đọc thì sự đọc mới thật hoàn toàn và đó sẽ là những gợi ý để suy nghĩ tiếp về văn học .
N.V.P. Trên tôi đã nói một số nhà văn mê chưởng Kim Dung vì nó hấp dẫn . Mỗi ngòi bút có một tạng riêng song viết sao để người ta không bỏ được sách mình là điều nhà văn nào cũng thầm ước ao . Nhưng tôi đang thoáng cảm thấy hình như lớp trẻ hiện nay không quá vồ vập chưởng như các thế hệ lớp trước . Có thể vì họ không thật thạo lịch sử ? Mà cũng có thể vì nay là lúc họ có nhiều phương tiện giải trí hơn bao giờ hết ?
P .T .C Đang đọc những trang sách toàn viết về cuộc sống giống như mình đang sống những trang sách tạm gọi là quá thực ( chữ thực hiểu theo nghĩa thông thường tai nghe mắt thấy ) giờ được tiếp xúc với một thế giới đâu đâu , một thế giới toàn chuyện giời ơi đất hỡi mà lại lôi cuốn từ đầu đến cuối , hỏi mấy người thoát mà không mê Kim Dung cho được ? Với tôi, truyện chưởng giúp tôi trở lại với cái chất kỳ ( lạ lùng ,phóng khoáng , ngoài trí tưởng tượng ) vốn là một nét đặc sắc của văn hoá Trung Hoa , mà cũng thường thấy có ở nhiều nền văn học lớn trên thế giới .
* Kim Dung không thay thế được bất cứ ai nhưng thiếu Kim Dung thì văn chưng cũng bớt thú vị đi một chút -- chắc nhiều người chúng ta cũng cảm thấy như thế . Xin cảm ơn các anh các chị .
Vương Trí Nhàn
( thực hiện )
SỐ TRUY CẬP online