hai lần thương khó

I. Bắt đầu từ sự ưu ái của đông đảo bạn đọc đối với văn học

Tháng Giêng ở Moskva, trời thường lạnh 15-20 độ dưới không. Phải đứng trên tuyết hàng giờ ai mà không ngại! Nhưng ngày 25-1-1988, ở cổng nghĩa trang Vagankov, một nghĩa trang thuộc trung tâm thủ đô Liên Xô, lúc nào cũng đông nghịt. Người đứng xếp hàng vài trăm mét. Nhiều người tay cầm hoa. Họ đến đây để viếng một nhà thơ. Người đọc họ hết lòng yêu mến đó là Vysotxki. Ông nguyên là ca sĩ, diễn viên kịch ở nhà hát Taganka. Sinh thời, Vysotxki rất nổi tiếng. Người ta kể rằng ngày ấy đi đâu cũng đã nghe thấy tiếng hát của ông. Kỷ niệm 50 năm ngày sinh của thi sĩ, sau khi viếng mộ, nhiều người chưa chịu về mà cứ lẩn quẩn chung quanh nghĩa trang, những người có máy mở to để đưa giọng hát của Vysotxki với chung quanh. Có ai đó còn dán lên tường những bài thơ nói rằng Vysotxki sống mãi.
Từ lâu, nhân dân Liên Xô đã có thói quen vô cùng ưu ái với những người cầm bút. Còn nhớ trường hợp Ehrenburg: Vào những năm chiến tranh, giấy cuốn thuốc rất thiếu bộ đội phải lấy cả giấy báo để thay. Nhưng ở nhiều đơn vị có lệnh: cấm cuốn thuốc bằng các bài báo của Ehrenburg. Sau chiến tranh, nghe đâu còn có giai thoại: khi đường đông, xe tắc, có những anh chàng láu cá đã đứng lên kêu to: “Xin lỗi, hãy nhường cho xe Ehrenburg đi”, và những người gần đấy lại rẽ ra. Danh hiệu nhà văn được hiểu như một quyền lực, nhiều người cảm thấy cần phải nể trọng.
Còn gì thú vị hơn là sau khi đọc xong sách, có dịp trò chuyện với người đã viết ra quyển sách đó? ở Liên Xô những năm tám mươi , những cuộc trò chuyện như thế được tổ chức đều đặn. Vé vào cửa cao thì 5 rúp, thấp hơn thì 2 rúp (giá bằng từ 1 đến 2 kg thịt bò). Vậy mà không dễ gì kiếm được vé. Người ta thường đến để mong tìm thấy ở nhà văn câu trả lời cho những vấn đề quan trọng. Về xuất bản, các nhà văn nổi tiếng luôn luôn được in lại, bởi lẽ in ra bao nhiêu cũng là không đủ. Lấy một ví dụ về sự bùng nổ của việc phổ biến sách báo: Là tạp chí ra hàng tháng của Hội Nhà văn, tờ Novyi mir (Thế giới mới) là một thứ xuất bản phẩm hoàn toàn mộc, nghĩa là chỉ có chữ là chữ, ruột không có tranh minh hoạ, bìa không vẽ vời gì thêm, suốt đời một màu bìa, một kiểu chữ trên măng-xét; song tờ tạp chí hơn 200 trang khổ to mỗi số đó in ra hàng tháng với số lượng trên một triệu bản. Khi tổng biên tập tờ tạp chí này qua Mỹ, báo chí và bạn đọc bên ấy cũng ngạc nhiên, không hiểu sao Novyi mir có thể có số lượng in lớn đến như thế! Rõ ràng ở nước Nga hôm qua và đất nước của các Xô-viết hôm nay, văn học luôn luôn là thứ thức ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân.

II…. Đến sự quan liêu trong cách quản lý


Nếu từ phía các bạn đọc bình thường, sự chú ý tới các nhà văn là một cái gì tự phát hồn nhiên, thì từ phía Nhà nước, nó lập tức biến thành chính sách, chế độ, các quy định thành văn và không thành văn, tất cả có sức chi phối mạnh mẽ đối với đời sống văn học.
Hiện chưa có ai đứng ra nghiên cứu cơ chế ngành sáng tác văn học ở Liên xô, nhìn từ góc độ luật pháp, xã hội học, kinh tế học. Trợ cấp của Nhà nước cho các tổ chức văn học hàng năm là bao nhiêu (không phải chỉ trợ cấp bằng tiền mà còn có nhiều cách, như tính giá giấy thật rẻ hoặc bao cấp cho việc tuyên truyền phổ biến trên đài phát thanh và vô tuyến truyền hình)? Thu nhập thực tế của nhà văn là bao nhiêu? Nó là cao hay thấp so với dân thường và so với các loại quan chức? Loại nhà văn nào dễ sống? v.v... và v.v... Những điều ấy chưa thấy công bố. Song có điều chắc là trên nét lớn, ở đây chính quyền hết sức chăm chút đến đời sống văn học. Thôi thì không biết bao nhiêu thứ ân sủng được thực thi rộng rãi! Đi trên đường phố Moskva trước nhiều ngôi nhà, người có thể bắt gặp những tấm bảng đá trân trọng ghi rõ một nhà văn đã sống ở đây, từ năm này đến năm này; tới nghĩa trang danh nhân của thành phố, bên cạnh mộ các tướng tá, các nhà khoa học, là những tấm mộ đẹp đẽ của các nhà văn. Người đặt nền móng cho văn học Xô viết là Gorki. Sinh thời, Gorki đã được đề cao như một thứ thánh sống. Khi Gorki mất không chỉ có nhà hát nghệ thuật mang tên Gorki , mà đường phố lớn nhất ở thủ đô là phố Gorki, công viên văn hoá và nghỉ ngơi lớn nhất của thành phố mang tên Gorki. Rồi xưởng phim Gorki, giải thưởng Gorki v.v... Có lẽ ở bất kì đất nước nào khác, người ta cũng chỉ quý nhà văn đến vậy. Cùng với Gorki, hàng loạt nhà văn có công khác cũng rất được sủng ái, và nói chung, người ta thường nói rằng so với bên phương Tây, thì chính các tài năng “thường thường bậc trung” ở đây lại sống khá dễ chịu.
Nói một phương diện khác làm nên sự quan tâm của Nhà nước với giới sáng tác văn chương là công tác tổ chức. Như chúng ta đều biết, yêu cầu đoàn ngũ hoá trong chủ nghĩa xã hội rất cao. Người nuôi ong có hội, người chơi cờ có hội, người làm khoa học có hội - mà toàn là những hội trung ương được Nhà nước bảo trợ - Thế thì những người viết văn cũng cần phải có đoàn thể của mình! Sau Cách mạng tháng Mười, thoạt đầu còn có nhiều nhóm văn nghệ lẻ tẻ (nhóm Prolekun, nhóm RAPP...) Từ 1934, chỉ còn lại một tổ chức thống nhất là Hội Nhà văn Liên Xô. Không những mọi người dân thường đều biết mà các phóng viên phương Tây cũng kháo nhau : ở Moskva, đây là một cơ quan rất có thế lực.
Để hiểu cách Nhà nước quản lý nghề viết văn ra sao, hãy lấy một ví dụ: Trước khi mất, Simonov có để lại một hồi ký mang tên Bằng con mắt của một người thế hệ tốt. Trong thiên hồi ký mà chính Simonov chỉ đọc vào băng và tưởng là không bao giờ in ra được đó, tác giả Đợi anh về kể rằng Stalin tham gia quản lý công việc của Hội Nhà văn một cách rất cụ thể. Cử chủ tịch và tổng thư ký hội, xác định tổng biên tập các báo, tạp chí văn học... việc ấy cần có ý kiến Stalin đã đành; đến cả việc mở rộng quy mô một cơ quan ngôn luận như báo Văn học, hoặc ấn định mức nhuận bút của các loại tác phẩm, những việc đó cũng được bàn bạc trong các buổi họp do Stalin chủ toạ. Khi một tác phẩm như Khói quê hương của Simonov vừa ra đời bị báo Văn hoá và đời sống hồi ấy (1947) tấn công,theo kinh nghiệm riêng , ông hiểu ngay rằng chính Stalin không thích tác phẩm của mình và chỉ ngồi tìm cách lý giải bằng được tại sao có sự không thích ấy. Trên cương vị phó Tổng thư ký Hội Nhà văn, Simonov từng là thành viên ban giám khảo giải thưởng Stalin. Có dịp họp ở đấy nhiều năm, Simonov nói rõ là: chính Stalin đặt ra các loại giải (hạng nhất, hạng nhì, hạng ba); lại chính Stalin cân nhắc để cho giải từng tác phẩm cụ thể. Nghĩa là những thứ đưa lên; tự Stalin đọc hết. Rồi sau khi tham khảo ý kiến mọi người, Stalin lại dành cho mình quyền quyết định cuối cùng. Không có chi tiết nhỏ nào lọt qua mắt Stalin cả.
Tại sao chính quyền Xô viết trong trường hợp này, đại diện là Stalin lại có sự quan tâm, sự trọng đãi văn học đến vậy? Bởi vì Nhà nước rất hiểu sự lợi hại của văn nghệ, hoặc như chúng ta vẫn nói, Nhà nước hiểu rõ tầm quan trọng của nó, sức mạnh của nó trong việc động viên quần chúng. Thành thử có thể làm ghi cho giới văn nghệ , Nhà nước không tiếc. Từ việc chỉ đạo người viết văn nên sống ra sao, làm việc ra sao, đến tạo điều kiện để người viết có chỗ ngồi dễ dàng, rồi tổ chức in ấn, rồi hướng dẫn dư luận quần chúng, tất cả các khâu ấy, có người lo cho cả. Để bù lại, điều mà Nhà nước mong muốn chỉ là văn học hay hơn, có sức thuyết phục hơn, và phải đi theo đường ray an toàn, đừng phiêu lưu vào những khu vực gây nên phiền phức; còn các nhà văn thì nên sống sao cho trật tự, trên dưới kỷ cương rành mạch.
Đến đây thì chúng ta thấy rút cục sự quan tâm của chính quyền - một thiện ý ban đầu phải nói rất tốt đẹp -- đã đủ tạo ra mầm mống để hình thành nên chủ nghĩa quan liêu trong văn học. Yêu quá, lo quá nên phải giữ gìn, chỉ sợ hư, sợ hỏng, sự giữ gìn nhiều khi trở thành mục đích tự thân, an toàn trở thành cái đích mà bằng bất cứ giá nào cũng phải tới bằng được. Từ thời Stalin nghiêm ngặt đến thời Brézhnev có vẻ tuỳ tiện hơn, lỏng lẻo hơn, trước sau cho đến khi có cải tổ (1985), đó vẫn là chính sách liên tục, nên chi, chủ nghĩa quan liêu cứ thế hình thành dần dần và nó ngấm vào mỗi người một chút. Chẳng hạn, chúng ta đều biết trong văn học xã hội chủ nghĩa, việc chỉ đạo đề tài có một ý nghĩa quan trọng, và đây là một khu vực mà tinh thần sùng bái an toàn thấm nhuần rất triệt để. Thoạt đầu chỉ là sự gợi ý nên viết về đề tài này đề tài nọ, và sự gợi ý đó có chỗ hợp lý, nếu dừng lại đúng lúc. Nhưng dần dà, không ai bảo ai, nhiều người ngầm hiểu với nhau đó là loại đề tài duy nhất được coi trọng. Sau hết, hình thành một thứ quy định, tuy không thành văn bản nhưng rất nghiệt ngã, y như một pháp lệnh - những gì ngoài đề tài đã gợi ý đều không nên đả động tới, có thể coi đó là ta-bu, cấm kỵ. Và lối áp đặt khiên cưỡng, “trói voi bỏ rọ”, buộc văn học vào những cái khung chật hẹp như thế, không là sản phẩm quan liêu thì là gì khác? Sở dĩ một cuốn tiểu thuyết như Ngành luyện kim đen cứ bị bỏ dở mãi không được nhà văn hoàn thành, vì đó là tác phẩm viết theo gợi ý của Malenkov chứ không phải đề tài thiết thân mà Fadeev muốn viết. Nhưng tại sao tác giả Chiến bại, Đội cận vệ trẻ lại có những cố gắng tuyệt vọng đó? Bởi theo Ehrenburg, trong Fadeev có chất người lính, thấy việc cần là làm. Có thể như thế... Nhưng nên nhớ là hồi ấy khi nhà văn đi vào những đề tài “có vẻ” riêng tư (chúng tôi nói có vẻ vì trong văn học, cái thật riêng tư nhiều khi lại có ý nghĩa chung), thì tài năng đến mấy cũng rất khó được chấp nhận (trường ca Quyền tưởng nhớ của Tvardovski viết từ 1969, mãi 1987 mới được công bố). Cố nhiên, ở đây vẫn có thể có ngoại lệ; nếu nhà văn không tham lợi, không sợ “mất ghế”, kiên nhẫn và khéo léo, thì vẫn tìm được cách tồn tại của mình. Chứng minh rõ nhất cho việc này có lẽ là trường hợp Iu .Trifonov. Nguyên là, có một thời, tác giả Những sinh viên cũng nghĩ như mọi người, thấy cần đi về những miền đất hoang, về các công trường nông trường, và ông chọn cho mình vùng đất Turkmeni để đi về kâu dài . Nhưng bỗng có lần ông nghĩ lại “Tại sao không viết về những người Moskva chung quanh mình, cái phần đời sống tinh thần phức tạp, sự tha hoá con người và cuộc đấu tranh chống tha hoá của họ?”. Và thế là ông làm một cuộc du lịch ngược lại để viết ra những tác phẩm như Nửa đời nhìn lại, Nhà bên bờ sông, Ông già... gần như cuốn nào cũng là một chứng tích tốt đánh dấu nếp nghĩ một thời. Như thế có phải là tinh thần quan liêu, độc đoán trong chỉ đạo lúc này đã biến mất? Không, không phải, chẳng qua nó chỉ tỏ ra biết điều hơn một chút, uyển chuyển hơn một chút, còn thực ra vẫn như cũ, sự chỉ đạo đề tài vẫn theo những nguyên tắc vững chắc đã hình thành từ những năm 40-50. Như đã nói, sau chiến tranh , Stalin nắm đời sống văn học như trong lòng bàn tay, một trong những công cụ được Stalin sử dụng lúc ấy là giải thưởng văn học mang tên Stalin. Theo một thống kế trên báo Sự thật ngày 28-8-1988 thì từ 1942 đến 1951, số tác giả được nhận giải trong văn học nghệ thuật lên tới 1.735 người. Phải nói đó toàn là những tác phẩm lành, rõ, không có gì cực đoan, độc hại. Nhưng nhìn cho kỹ, thì trừ một số nhỏ thuộc loại xuất sắc, còn phần lớn đó là những tác phẩm trung bình, thậm chí một số rất tầm thường, đến nay không ai đọc lại. Khi những cố gắng của Stalin nhằm “nhào nặn bộ mặt nhà văn” lan đến cả các bậc thầy cổ điển, thì có nhiều chuyện kỳ quặc xảy ra. Nhà phê bình N.Ivanova có lần kể trên báo Tin Mát-xcơ-va : ở thủ đô không chỉ có một bức tượng kỷ niệm Gogol mà có tới hai. Bức tượng thứ nhất diễn tả một Gogol mà chúng ta hình dung khi đọc tác phẩm của ông; một nhà văn thông cảm với vận mệnh những con người bình thường, đau khổ vì bất lực trước những vô lý của đời sống. Còn Gogol kia, được làm do gợi ý của Stalin, do đó là chân dung của một kẻ hời hợt, hãnh tiến, giả tạo. Hai bức tượng Gogol, theo Ivanova, chính cũng là hai khuôn mặt văn học Xô viết thời gian trước đây, mà khuôn mặt thứ hai rõ ràng là một thứ “tác phẩm tuyệt vời” chỉ chủ nghĩa quan liêu mới tạo ra nổi.
Chủ nghĩa quan liêu làm cho nội dung văn học trở nên nghèo nàn, hình thức trở nên đơn điệu, nhợt nhạt. Và chủ nghĩa quan liêu đó còn chi phối cả các hoạt động nghề nghiệp của những người cầm bút. Trong khi từng người viết lo giữ gìn, cả giới văn học lo giữ gìn, xét nét nhau... thì bộ máy văn học vì nhiều lý do lại trở nên nặng nề, cồng kềnh quá mức. Tôn ti trật tự khắc nghiệt được lập ra. Trật tự này dựa theo trình độ nghề nghiệp một phần, nhưng phẩn chủ yếu, do vị thế mà người viết văn dành được trong cơ chế. Một mặt, mỗi vị thế kèm theo nhiều quyền lợi tương xứng, như cỡ nào thì được in tuyển tập, cỡ nào thì trước sau phải được giải thưởng. Rồi phân phối chỗ nghỉ sáng tác, nơi chữa bệnh. Rồi đi nước ngoài . Mặt khác, các vị thế đó rất bền vững, nhiều khi ánh sáng đã tắt rồi mà nhà văn vẫn cứ nằm ưỡn trên cái ghế sẵn có từ trước. Khi đang “có ghế” thì có viết dở một chút, cũng được nương nhẹ, thông cảm. Tóm lại tài năng nghệ thuật phải đổi ra ngạch bậc ,chỗ đứng thì mới “có ý nghĩa thực tế “. Bởi vậy, không kể bọn bất tài xoay sở chạy vạy trong bóng tối để kiếm được những chỗ béo bở ngay các nhà văn có tài cũng không thể dửng dưng với việc này; lo viết, song vẫn phải liếc mắt để ý tìm vị thế tương xứng cho mình. Một số thành công dài dài và trở thành - như cách nói đùa trong dân gian - những “bộ trưởng văn học”, dù không phụ trách bộ nào cả.

III. Nhà văn sám hối, và nỗi lo về sự bỏ hoang đáng sợ.

Mặc dù thác sinh ra không biết bao nhiêu là loại nhân vật và có thể có được quyền năng của tạo hoá trong việc hiểu biết việc đời, nhưng các nhà văn thực ra cũng yếu đuối như mọi người khác. Bên cạnh niềm vui sáng tạo thường họ cũng thích tiền tài, địa vị. Đang sống mà đã có người viết chuyên khảo về mình kể cũng thú vị; trong khi nhiều người nổi tiếng cũng chỉ có một cuốn chuyên khảo, mình có những hai ba cuốn nói tới , lại càng thú vị hơn! Và nếu không cần viết hay viết kỹ, lao tâm khổ tứ, mà vẫn được in, được khen, được giới thiệu sang các nước anh em để dịch, thì họ - ít ra là ở nhiều người - cũng sẵn sàng lười biếng như thường. Đấy đã là tình trạng có thực và kéo khá dài trong giới văn học, khiến cho những người từng trải việc đời nghĩ lại mà thấy ngần ngại. Trong số những nhà văn mới đây công khai nói ra cảm giác đó, có V.Kaverin. Sinh năm 1902, nhà văn này đã có một cuộc sống khá lâu dài trong văn học. Trong những ngày cải tổ , ông thường kể về cái phần bóng tối trong văn học Xô viết: Nào những tác phẩm nhờ gặp thời mà trở thành nổi tiếng, kiểu như kịch Tiền tuyến của Korneitsuc, Hạnh phúc của Pavlenko, nào những hành động phản bội và những sự sợ sệt vô lý phảng phất trong tâm thức mỗi người. Đặc biệt, Kaverin hay kể về một số bạn bè mình, vốn là những người có tài, nhưng bị cơ chế quan liêu làm hỏng, và tự mình không chống nổi, dần dần từ bỏ vai trò nhà văn, biến thành những nhân vật hoạt động xã hội nhạt nhẽo. Trường hợp mà Kaverin kể ra ở đây chỉ là hai người cỡ “cựu chiến binh” cùng lứa với ông là Fedin và Tikhonov. Nhưng chúng ta hiểu là số người bị dạng bệnh này không phải là ít, và cùng với thời gian, bộ mặt thật của mỗi người sẽ bộc lộ hết.

... Như vậy là mặc dù từ lâu sống dễ chịu trong những vị thế mà cơ chế quan liêu xếp đặt cho mình, rút cục nhiều nhà văn khi nhìn lại bản thân và đồng nghiệp, bắt đầu cảm thấy ngán ngẩm và cho rằng không thể sống như ngày hôm qua nữa. Với tư cách những sự tấn phong của Nhà nước và của nhân dân, nhiều huân chương, nhiều giải thưởng, các danh hiệu như nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ công huân, anh hùng lao động v.v... lâu nay vẫn được phân phối đều đều cho những người làm văn học nghệ thuật. Nhưng bên cạnh mặt tích cực, giờ đây nhiều người bắt đầu mô tả những sự tấn phong đó như là một thứ ràng buộc ngòi bút, khiến cho cả người được nhận lẫn người chưa được nhận đều cảm thấy mất hết thoải mái. (ý của B.Vasiliev , tác giả Nơi đây bình minh yên tĩnh, bài trên báo

Tin tức 1-1-1988). Đi sâu vào “bếp núc” của việc xét giải, báo chí nêu lên những việc chạy chọt, chiếu cố, tuỳ tiện, khiến cho nhiều tác phẩm được giải chỉ ít lâu sau rơi vào quên lãng, trong khi đó, có những nghệ sĩ có tài như Paustovski, như Tendriakov... cả đời chả nhận được giải thưởng cùng danh hiệu gì, mà vẫn được đông đảo bạn đọc mến mộ. Tự cái tên nhà văn, trong trường hợp này đã bảo đảm cho uy tín của các trang sách mà không cần một thứ trang sức nào.
Không phải chỉ trong văn học mà chủ nghĩa quan liêu còn gây tác động xấu ở nhiều lĩnh vực khác trong đời sống Xô viết. Nhưng có lẽ không ở đâu, hoạt động con người thù địch với tinh thần quan liêu, như trong các lĩnh vực sáng tạo (khoa học, nghệ thuật...) và khi đã xâm nhập được vào đây, chủ nghĩa quan liêu hiện ra khó chịu hơn ở đâu hết. Bởi vậy, không chỉ trực tiếp phát biểu ý kiến, mà giới văn học nghệ thuật còn xây dựng những tác phẩm khai thác đề tài này một cách khái quát. Trong số các bộ phim được chiếu rộng rãi và gây được dư luận ở Moskva cuối 1987, đầu 1988 có phim Giai điệu bị bỏ quên của cây sáo. Nhân vật chính trong phim là một người có năng khiếu nghệ thuật, lại được học hành đầy đủ, nhưng đã theo tiếng gọi của quan chức mà từ bỏ nghệ thuật. Mãi về sau, chỉ nhờ một tình yêu chợt đến với anh, anh mới nhớ lại cái nghề nghiệp đã say mê một thời. Khi anh ta lôi cái hộp sáo từ trên nóc tủ xuống, phủi bụi, lấy ra ngọn sáo để cất lên những âm thanh đẹp đẽ của tâm hồn mình thì trong lòng người xem như nghẹn lại : Đã bao nhiêu người có tài từng sa đà vào trong bãi lầy của bộ máy quan liêu như vậy! Có người bỏ nghề đi làm quan, phụ trách cục này, sở nọ. Có người quan liêu hoá ngay trong nghề nghiệp của mình, làm nghệ thuật không bằng sự chân thành vốn có mà chỉ để nhằm tạo ra những vị thế, rồi tận hưởng quyền lợi trên cái vị thế đó. Tình cảnh vừa buồn cười vừa thê thảm.

Cố nhiên, trong khi đấu tranh để phi quan liêu hoá văn học, cũng không nên quên cái gốc ban đầu của nó là sự quan tâm của chính quyền Xô viết (và sâu xa hơn, sự ưu ái của nhân dân) với các nhà văn. Nói gì thì nói, phải nhận nó là một yếu tố quan trọng mà thiếu đi, nghệ thuật không sống nổi. Điều sâu sắc của đạo diễn Riazannov là , cũng trong bộ phim nói trên, ông còn nói tới số phận nghệ thuật qua một mô-típ phụ, lắp đi lắp lại: hình ảnh dàn đồng ca. Trong khi nhân vật chính của phim sống trong cảnh vương giả như một nhà quý tộc, thì đám nữ diễn viên kia vất vưởng như đoàn di - gan, nay đây mai đó - hết bến cảng này đến nông trường khác. Luôn luôn phải nở nụ cười thật tươi tỉnh trước khán giả, nhưng thường lòng dạ họ lúc nào cũng ngổn ngang lo lắng. Lo từ cảnh gia đình ở nhà khó khăn, chồng ốm con đau, đến những đôi giày rách nát, không kiếm đâu ra tiền để mua đôi khác. Kết cục thảm hại đến với các diễn viên ấy; họ bỏ dàn đồng ca, mang quần áo bán lấy tiền và bị công an giữ. Khi quan liêu hoá, tức trở thành một thứ chi tiết trang trí cho cung đình, nghệ thuật lại có sự yên thân của nó. Đằng này nghệ thuật như là bị bỏ hoang, và những người làm nghệ thuật thường xuyên bị những day dứt miếng cơm manh áo chi phối. Đó cũng là một sự thương khó nữa, mà, dù chưa xảy ra nhiều, nhưng cũng đã có, có thể có, và những người làm nghề sáng tạo - vốn rất yếu đuối trong cuộc vật lộn với đời - không ai muốn chấp nhận.

Moskva 25-4-1988
SỐ TRUY CẬP online