những cuộc tranh cãi kéo dài (hay là Tập sống dân chủ trong văn học)

Là một trong những nhà thơ lớn nhất vủa văn học Nga nửa đầu thế kỷ này, Anna Akhmatova (1889-1966) đồng thời cũng là một trong những người chịu nhiều tai nạn trong văn học, và nếu chỉ kể từ sau 1945, thì có lẽ thuộc loại người lâm nạn sớm nhất (1946). Đến thời cải tổ , trong giới nhà văn lưu hành một giai thoại: sở dĩ A.Akhmatova bị ghét bỏ như thế là vì một lần, trong một buổi họp, khi bà bước vào, tất cả cử toạ đứng dậy. Một người nào đó kể lại chuyện này cho Stalin. Và Stalin hỏi: “Ai tổ chức cuộc đứng dậy vỗ tay đó?” Kết luận của nhà phê bình : dù chỉ là một giai thoại nhưng câu chuyện dựng lại khá rõ “không khí thời đại” hồi trước, khi mọi chuyện trong văn học đều được làm theo lệnh từ trên dội xuống. Còn ngày nay, sinh hoạt văn học phải tuân theo một nguyên tắc khác: dân chủ.
Nhưng sinh hoạt theo lệnh có cái tiện của nó: chỉ có một ý kiến quán xuyến, chung quanh phụ hoạ theo ý kiến đó, rồi tổng hợp lại, gọi là sự thống nhất tuyệt đối. Còn bước đầu của dân chủ bao giờ cũng sinh ra những cuộc bàn cãi. Lại đã lâu đóng cửa bảo nhau, bây giờ mới có dịp công khai bàn cãi nên khi cần, lôi hết cả chuyên hôm qua hôm kia ra. Những cuộc bàn cãi vì thế miên man kéo dài và rất khó phân biệt thực giả, phải trái.
Điều đầu tiên người ta tranh cãi nhau tất nhiên là phương hướng, là cách tiến hành đổi mới trong văn học. Nhưng muốn biến được phương hướng đi tới, phải nhận định cho rõ ta đang ở đâu, làm gì, có phải mọi việc ta làm hôm qua đều mười phần mỹ mãn hay cũng khối chuyện bê trễ. Ôi cái sự nhận định tình hình đó mới đủ chuyện rắc rối mà nó lại là đầu mối để bắt đầu mọi việc làm cụ thể. Như chúng tôi từng kể, ngay từ đầu 1987, một nhà văn Liên Xô là Proskurin đã lên tiếng ngay trên tờ Sự thật, chê trách việc dành chỗ quá nhiều cho các tác phẩm trước đây vì có khuynh hướng phê phán nên không được công bố, bảo rằng đó là thứ “bệnh yêu xác chết” đáng ghê tởm. Đến giữa 1987, trên Cận vệ trẻ, còn thấy in ra cả một bài dài công kích khuynh hướng hiện có trên một số tạp chí đang rất được bạn đọc Liên Xô yêu thích như Thế giới mới, Ngọn cờ v.v.. Trong một dịp khác, nhà văn A.Ivanov ( tác giả Tiếng gọi vĩnh cửu ) nêu ra câu hỏi: “Chúng ta thử nghĩ xem, có nước nào trên thế giới người ta lại tự bôi bẩn lịch sử của mình, lại giải thích lịch sử một chiều, tuỳ tiện, lại giẫm chân vào bùn như vậy?”. Ông không thể chịu được khi người ta gọi Pasternak, Zosenko là thiên tài. Thậm chí ông gọi nhiều nhà văn có thái độ phê phán quá khứ là thù địch, không yêu nước v.v... Dĩ nhiên, lập tức những ý kiến của Ivanov và tờ Cận vệ trẻ được trả lời trên nhiều mặt báo nhưng cũng không phải không có những ý kiến đồng tình. Trên tạp chí Moskva, một nhà phê bình cảnh cáo:
“Chúng ta cần phải nhớ kinh nghiệm của những năm 60, khi quá trình dân chủ hoá xã hội mở rộng tính công khai biến thành cơn lộng hành của xu hướng phê phán. Lúc này, trên báo chí đã thấy có những lời ngừa trước khả năng lặp lại chuyện đó, và nỗi lo sợ ấy cần được suy nghĩ nghiêm chỉnh”.
Chúng ta nên hiểu lời cảnh cáo này như thế nào?
Nguyên là, từ những năm 60, trong văn học Xô-viết đã có một cuộc xung đột ngấm ngầm, nếu có thể nói như vậy, giữa hai lực lượng: một bên đại diện là Tvardovski với tờ Thế giới mớiư do ông làm Tổng biên tập; một bên gồm nhiều người khác, trong đó có Kosétov với tờ Tháng Mười. Nhưng lúc bấy giờ, Tvardovski ở thế yếu. Lực lượng phản công lại ông khá đông đảo. Hàng loạt báo lên tiếng chỉ trích ông. Cuối cùng, đến 7-1969, trên tờ Ngọn lửa nhỏ đã đăng một lá thư buộc tội Thế giới mới là gieo rắc tư tưởng “nghi ngờ quá khứ anh hùng của nhân dân và quân đội Liên Xô”, “nguỵ trang bằng những câu chữ đẹp đẽ để chống lại sức mạnh đạo đức chính trị của xã hội Xô-viết, chống lại chủ nghĩa yêu nước, tình hữu nghị giữa các dân tộc”. Đây là một lá thư được 11 nhà văn trong đó có những nhân vật quan trọng ký tên. Chính lá thư đó là giọt nước tràn cốc, dẫn đến việc Tvardovski bị cách chức và toàn bộ ban biên tập Thế giới mới bị thay đổi.
Có lẽ vẫn dựa trên những kết luận quan phương hồi ấy, nên nhà phê bình trên tờ Moskva hôm nay đã lấy việc những năm 60 ra để làm răn?
Tuy nhiên, chắc bạn đọc cũng đoán ra là có thể xem xét sự kiện những năm 60 theo một hướng khác: tuy lúc ấy những quan niệm thủ cựu lỗi thời tạm thắng thế, nhưng phương hướng tìm tòi của Tvardovski vẫn đúng, nó được tiếp tục duy trì và góp phần “đầu thai” thành phương hướng “perestroika” hôm nay. Theo chúng tôi hiểu, đây chính là quan điểm của các tờ Thế giới mới, Ngọn cờ, Ngọn lửa nhỏ, Tháng mười thời gian gần đây (cả Ngọn lửa nhỏ lẫn Tháng Mười nay đều do người khác phụ trách và “chuyển vế”, đứng về phía Thế giới mới). Nhân dịp Quyền tưởng nhớ của Tvardovski được công bố, một nhà nghiên cứu của Thế giới mới trước đây là Butin đã viết một bài dựng lại toàn bộ tình thế cuộc đấu tranh những năm 69-70. Bài viết của Butin lấy tên là Gửi cho bạn, người của thế hệ tương lai... được coi là một trong những bài phê bình chínhluận hay nhất trong năm 1987. Cùng với Butin, một số cây bút phê bình khác tham chiến với ý chí quyết không để cho sự việc tái diễn theo kiểu cũ. Theo họ, đã đến lúc nhất thiết phải đổi mới, năm nay hoặc không bao giờ nữa.
Trên đây mới là thử nhắc tới một mảng quá khứ - những năm 60. Còn giai đoạn từ những năm 50 về trước, cho mãi tới 1917, còn bao nhiêu chuyện khác! Quá khứ của văn học vừa mang rõ dấu ấn của lịch sử, vừa là một quá trình độc lập, với những con người cụ thể. Đã đến lúc chúng ta phải viết lại văn học sử. Một chuyên gia về văn học Xô-viết là Botsarov bắt đầu kêu lên như vậy. Trong khi ấy, một nhà nghiên cứu nổi tiếng khác là Kariakin có một bài viết mang tên Liệu có nên làm những điều vô lý?, cũng có tiếng vang lớn, như bài của Butin vừa nói ở trên. Trong bài này, Kariakin thử dựng mô hình của tư duy văn học cũ thông qua hình ảnh một nhà phê bình thuộc loại bảo thủ nhất trong văn học. Cãi nhau từng điểm đã cần, nhưng phác ra cả một cách nghĩ, cái đó cần hơn, nó giúp cho người ta “nhổ đi tận gốc” mọi thứ bảo thủ, trì tệ.
Có lần, trong một dịp gặp gỡ với báo Ngọn lửa nhỏ, một bạn đọc đã lên tiếng đề nghị báo hãy đăng thêm nhiều ý kiến của những người phản đối perestroika. Cố nhiên, đề nghị ấy rất hay và toà soạn đã thử làm. Cũng đã có những ý kiến than phiền rằng xã hội bây giờ không có kỷ cương như hồi Stalin; rằng sống hồi ấy lại hoá hay v.v... Nhưng nhìn chung, đó là ý kiến của những người dân bình thường. Còn trong giới văn chương báo chí, ý kiến nhiều khi rất khác nhau, mọi người tranh cãi quyết liệt với nhau, mà người nào cũng nhận là mình mới hiểu đúng tinh thần perestroika, mình đứng về cái mới thực sự. Sự rắc rối là ở chỗ đó, mà lý do khiến người ta vừa khó tranh cãi với nhau, vừa tranh cãi không bao giờ dứt cũng ở chỗ đó. Chẳng hạn, trong khi mọi người đang hứng thú tìm đọc những bài báo lột trần một số vụ việc trước đây trong đời sống văn học, thì một nhà phê bình có tiếng buông ra nhận xét lơ lửng: các bài viết mang mục đích đi tìm sự thực đó thường quá nông nổi và chỉ nhằm gây tò mò cho người đọc (nói theo chúng ta vẫn nói: kiểu viết làm hàng câu khách! ) Đã gọi là đổi mới tư duy, tức những người có thiện chí phải viết khác cái điều hôm qua vẫn viết. Thế là chung quanh lập tức có đồng nghiệp tố cáo con người thay đổi kia là cơ hội “đổi màu”, mà sự thanh minh chẳng dễ dàng nào. Lại như chuyện đánh giá cụ thể các tác phẩm vừa công bố. Khúc ai điếu của Akhmatova vừa in ra, có người bảo đó là tác phẩm làm để tưởng niệm chính mình, người viết ra nó là một kẻ “tự kỷ trung tâm luận”. Còn áo trắng của Dudinsev, Bò rừng của Granin, bị sổ toẹt bằng một câu “xanh rờn”: các tác phẩm thuộc loại tiêu biểu cho không khí mới! Thời đại dân chủ nên ai cũng có quyền nói ý kiến của mình, và việc đánh giá tác phẩm văn học bao giờ cũng có cái khó của nó, nhiều khi những ý kiến thoạt nhìn có vẻ bất ngờ lại là ý kiến có sức sống lâu dài hơn cả. Mặc dù vậy, ở đây không phải không có chân lý. Điều chắc chắn là từ những cách đánh giá khác nhau vẫn có thể suy ngược lại để tìm ra chỗ đứng của người đánh giá và những mối quan hệ không phải cũng vô tư trong khi đánh giá.
“Làm lại khó hơn là làm từ đầu!”. Đó là một khẩu hiệu từng được tờ Người làm báo Liên Xô trang trọng đặt ở bìa một số báo, nó mách với chúng ta rằng những người hiểu rõ thực chất công cuộc làm lại (= cải tổ) hôm nay sớm hiểu việc mình phải tiến hành là khó đến như thế nào. ấy vậy mà thực tế lại vẫn khó hơn là người ta vẫn tưởng. Dựng lại bộ mặt lịch sử, ý định ấy thật tốt đẹp nhưng hình như cùng lúc quá khứ có bao nhiêu khuôn mặt, biết đâu là khuôn mặt thật của nó bây giờ? Còn nên hiểu thế nào là đưa sinh hoạt văn học trở lại bình thường? Tất cả được phép chăng hay là mọi việc nên làm từ từ ? Làm sao để phân biệt người có động cơ chân chính với kẻ đục nước béo cò, lợi dụng perestroika để kiếm lợi? Trong một cuộc họp gần đây ở chi hội nhà văn Moskva, một dịch giả kể rằng trước khi Fadeev tự tử, bà đã cảm thấy điều đó, khi một lần, ông than phiền với bà rằng không còn phân biệt được đâu là sự thật và đâu là giả dối nữa! Nhắc lại như thế để thấy việc phân biệt trắng đen tốt xấu bao giờ cũng là việc khó khăn. Có điều nếu một xã hội cũng như một con người đã nêu được vấn đề như thế, tức xã hội (hoặc con người) ấy đang trở nên lành mạnh. Sự thực thì dấu hiệu lành mạnh ở văn học Xô viết hôm nay có nhiều. Theo các nhà xã hội học cho biết, từ 1987 về trước, những tác giả được đọc nhiều nhất ở Liên Xô là V.Pikun (với những truyện lịch sử kiểu Dumas ), I.Semenov (truyện tình báo có đậm chất văn học), ngoài ra là những tên tuổi chúng ta đã quen thuộc Aitmatov, Bondarev, Rasputin, Ivanov , Proskurin. Năm 1987, cơn lốc in lại tác phẩm trước đây bị cấm đoán đã làm đảo lộn bảng danh sách đó, “ông hoàng” Pikun bị đẩy xuống hàng thứ mười, các tác giả được đọc nhiều nhất giờ đây là Bulgakov , Platonov , Tvardovski, Bek... và quyển sách chiếm giải quán quân là Những đứa con của phố Arbat của Ryba kov. “Sự chuyên chế của dư luận xã hội nhiều khi cũng hà khắc không kém gì sự chuyên chế của cá nhân!”. Có người đã thú nhận sự bất lực của mình như vậy khi thấy chung quanh đổ xô đi đọc những “trái cấm” hôm qua. Chỉ có điều khác trước, là sự chuyên chế này kéo dài không lâu, hoặc nói cách khác, dư luận tỉnh táo lại khá sớm, và không bị một ràng buộc nào cả. Tiêu biểu nhất trong trường hợp này lại là Những đứa con của phố Arbat. Ngay từ số đầu năm 1988, trên tạp chí Tình hữu nghị giữa các dân tộc (nơi đã đăng tác phẩm của Rybakov và còn hứa đăng tiếp) bắt đầu thấy có nhận xét là cuốn sách ấy chỉ gợi lên những hứng thú về mặt xã hội chính trị; còn về mặt văn học mà xét, nó được viết theo kiểu tư duy đã cũ, và chưa cần so với những kiệt tác mà chỉ cần so với một vài cuốn khác như cuốn Những người mu-gích và vợ họ của Mozhaev , là đã bất lợi cho Rybakov rồi. Vậy đấy, với gần như tất cả các tác phẩm đều có sự đánh giá khác nhau, và các ý kiến đó đều được trình bày đàng hoàng. Đi xa hơn một chút, có nhà phê bình nói rõ: Vâng, xin hoan nghênh nhiệt tình công dân của các nhà văn nhưng độc giả không chỉ cần loại đó; văn học còn là những tác phẩm loại như Tôi nhớ lại phút giây kỳ diệu của Puskin, Một câu đùa của Tchékhov; trong văn học Xô viết hôm nay, những cái đó chưa có nhiều. Nói chung, bấy lâu, vẫn đã rải rác có ý kiến nhấn mạnh rằng các nhà văn Xô-viết còn phải tự nâng mình lên rất nhiều, mới có thể đạt tới độ chín, sự thuần thục... mà các bậc thầy cổ điển trong văn học Nga đã đạt được. Vào những ngày perestroika này, chính những yêu cầu cơ bản ấy càng nổi lên mạnh mẽ. Bởi vậy, phải thấy trên đường đi tới một nền văn học nhân bản thực sự, sự giải phóng tư tưởng hôm nay, dù có mạnh mẽ thế nào đi nữa, cũng chỉ là những bước đầu.
SỐ TRUY CẬP online